Đọc báo Pháp – 26/09/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 26/09/2020

Quan hệ Nga-Belarus: Putin, kẻ thù tốt nhất của Loukachenko – Mai Vân

Chủ đề trang bìa các tạp chí tuần này khá tản mạn: L’Express chú ý đến cựu thủ tướng Pháp Édouard Philippe, còn Le Point giới thiệu nhà báo kinh tế François Lenglet nói về quyển sách mới ra của ông. Một chủ đề khác là ngành địa ốc thời Covid-19, vừa được L’Obs đưa lên trang bìa, vừa được Le Point dành cho một hồ sơ đặc biệt 16 trang. Courrier International cũng nói đến dịch bệnh với hàng tít lớn: “Tuổi 20 thời Covid-19”. Về thời sự quốc tế, đáng chú ý là bài phân tích trên tạp chí L’Express về quan hệ Belarus-Nga.

Về vấn đề Belarus, tạp chí L’Express đã có một cái nhìn rất khác lạ về quan hệ giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Belarus trong bài “Putin, kẻ thù tốt nhất của Loukachenco”, nêu bật việc tổng thống Nga lợi dụng thế yếu của đồng nhiệm Loukachenko như thế nào.

Theo thông tín viên L’Express tại Matxcơva, tổng thống Nga mới đây đã đồng ý hậu thuẫn cho Belarus để đánh đổi lấy nhượng bộ từ phía đồng nhiệm Loukachenko, và có lẽ cũng dự kiến thay thế lãnh đạo nước láng giềng bằng một người của ông.

Loukachenko công khai thần phục Putin

Bài viết mô tả chuyến đi Nga của tổng thống Belarus ngày 14/09 và cuộc gặp với tổng thống Putin tại Sotchi, ở phía nam nước Nga, bên bờ Biển Đen. Hình ảnh cuộc tiếp xúc đã làm dấy lên những bình luận mỉa mai của cư dân mạng.

Người ta thấy tổng thống Nga chễm chệ trong chiếc ghế bành, trong tư thế đàn anh, còn ông Loukachenko thì ngồi ghi chép, rồi quay người, tay chắp lại nói chuyện với ông Putin. Các động tác mang ý nghĩa rất rõ : Lãnh đạo bị đường phố Belarus phản đối từ sau cuộc bầu cử gian lận đầu tháng 8 đến Nga để tỏ sự thần phục. Ông Loukacheko đã nói với chủ nhân điện Kremlin: “Khi cần thì mới nhận ra ai là bạn”, ông cám ơn sự giúp đỡ và gọi Nga là “người anh” của đất nước ông.

L’Express công nhận rằng ông Loukachenko biết ơn cũng phải. Nga đã cam kết đứng bên cạnh chế độ đang chao đảo của tổng thống Belarus, thông báo đào tạo “một lực lượng dự bị chống bạo động”, sẵn sàng can thiệp nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, và đã tháo khoán một khoản tín dụng 1,5 tỷ đô la cho nước đàn em.

Song song đó thì “chuyên gia” về truyền thông Nga được gởi đến Belarus: Các nhà báo của hãng Russia Today, hiện diện khắp nơi ở Belarus, đã đến thay thế đồng nghiệp bản xứ đình công ở đài truyền hình nhà nước. Nhiệm vụ của họ là phát đi liên tục hình ảnh về một “cuộc cách mạng màu” do phương Tây thao túng.

Putin lợi dụng thế mạnh để đòi nhượng bộ tối đa

Theo L’Express, bản thân ông Putin không bao giờ hứng thú với các phong trào phản kháng của quần chúng, ở Gruzia, Ukraina hay Armenia. Ông lại càng ghét cuộc nổi dậy hiện nay vì cũng như Loukachenko, ông có thể một ngày nào đó phải bám quyền mà ông nắm giữ từ năm 1999. Ông đã tự cho mình khả năng cầm quyền cho đến 2036, nhờ cải tổ Hiến Pháp.

Trước mắt thì chủ nhân điện Kremlin muốn lợi dụng tình hình lệ thuộc của Loukachenko để đòi nhượng bộ tối đa. Theo nhận định của nhà chính trị học Belarus Artyom Schreibman, trung tâm Carnegie ở Matxcơva : “Đó có thể là việc tư hữu hóa một số tài sản của Belarus như các nhà máy lọc dầu, nhà máy vũ khí hay nhà máy sản xuất potasse Belaruskali” .

Đây là những tài sản quý báu mà tổng thống Loukachenko cho đến giờ không mở ra cho các nhà đầu tư Nga.

Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un đổi mới cách tuyên truyền

Về Châu Á, tạp chí L’Express đã có một bài viết độc đáo về Bắc Triều Tiên, với một tựa đề hóm hỉnh: “Kim Jong Un muốn tuyên truyền của mình trở nên sexy”.

Theo L’Express, thời kỳ của những hình ảnh diễu binh với với băng âm thanh hung hăng đã qua rồi. Quốc gia khép kín ở châu Á giờ đây đã sử dụng Internet và mạng xã hội để tạo ra một hình ảnh một đất nước hiện đại.

Trong một đoạn video đang trên tài khoản Youtube mang tên tiếng Anh Echo of Truth (Âm vang sự thật), người ta thấy một phụ nữ trẻ lịch sự, đi thong thả giữa các quầy hàng đèn sáng trưng của một siêu thị đầy ấp hàng hóa trong nước. Khách hàng được cô hỏi đều trả lời là những mặt hàng này không tăng giá, cho dù có dịch Covid-19.

Trong những video khác, Un A, tên người phụ nữ, giới thiệu bằng tiếng Anh hoàn hảo cho hơn 35.000 người đăng ký kênh YouTube của cô, nào là một nhà hàng bán pizza ở Bình Nhưỡng, nào là bến metro mới toanh.

Theo L’Express, Kim Jong Un, cùng lúc với việc giành một chỗ đứng trên chính trường quốc tế nhờ các cuộc gặp lịch sử với Donald Trump, đã hiện đại hóa cách tuyên truyền Bắc Triều Tiên. Mục tiêu có lẽ là gởi đi từ đất nước khép kín, được biết đến với tình trạng nhân quyền tồi tệ và các vụ bắn hỏa tiễn, một hình ảnh có tính hiện đại, bất chấp việc là cách xa Bình Nhưỡng – nơi một tầng lớp trung lưu đang vươn lên – tình trạng nghèo túng vẫn dai dẳng, mà theo chính quyền Mỹ, vẫn có khoảng 60% dân chúng ăn không đủ no.

Chiến dịch trên YouTube và các mạng xã hội khác đối chọi với hình ảnh trước đây về những cuộc diễu binh, và gương mặt mới của Un A duyên dáng hơn Ri Chun Hee, người giới thiệu chương trình cố hữu trong y phục truyền thống mầu hồng, thông báo các vụ thử nghiệm hạt nhân với một giọng điệu hứng khởi.

Cho dù Un A – người vẫn đeo các huy hiệu với chân dung cha và ông của Kim Jong Un – đã cố gắng rất nhiều, nhưng thực tế của đất nước Bắc Triều Tiên đôi khi được thấy trong các clip video. Một vài ví dụ: Giá hàng ở siêu thị được quay video đôi khi bị che nhòa, hay là cảnh một nhóm ca khúc nam Boys band lại hát bài ca ngợi lãnh tụ Kim nhân một “lễ hội thanh niên”.

Những người chống đeo khẩu trang tại Pháp là ai?

Riêng về Covid-19, tạp chí L’Obs đã có nguyên một hồ sơ 11 trang để nói về giới chống khẩu trang tại Pháp.

Trong bài mang tựa đề “Thiên hà đáng ngại của những người chống khẩu trang”, tạp chí Pháp ghi nhận là những người trong giới này đã không chịu đeo những thứ mà họ cho là khiến họ “nghẹt thở” nhân danh quyền tự do. Những thành phần cực đoan hơn còn nghi ngờ là Covid-19 là một điều không có thật.

Đối với L’Obs, hiện tượng này không có gì mới mẻ. Mọi cuộc khủng hoảng y tế hay dịch tễ đều sản sinh ra những thành phần ly khai.

Xuất phát từ Mỹ, phong trào chống khẩu trang đã thu hút tất cả những người chống hệ thống cầm quyền hiện hữu. Tại Pháp thì phong trào này đã thu hút một phần không nhỏ những người Áo Vàng, một vài trí thức và cả một số y sĩ.

Theo Mourad, 35 tuổi, cư dân vùng Ile-de-France, một nơi bị dịch virus corona rất nặng, người quản trị nhóm chống bắt buộc đeo khẩu trang “Anti masque obligatoire” trên Facebook, có khoảng 13.500 thành viên thì: “Khẩu trang kéo dài virus của sự sợ hãi trong đầu óc con người, ngăn cản chúng ta hít thở một cách đàng hoàng, thậm chí một cô gái ở Đức đã bị chết vì chuyện này”.

Nhân vật này cho là: “Người ta đã bị buộc phải tự bịt miệng một cách vô cớ: Có thể nói là khẩu trang giết hại tự do”. Mourad còn vạch mặt báo giới “loan truyền thông tin thất thiệt, gieo rắc sợ hãi”.

Ở trung tâm của phong trào chống đeo khẩu trang là là một nhóm cực đoan đến mức cuồng tín, mà gương mặt nổi bật là Ève Engerer, một “bác sĩ” vùng Bas-Rhin phía đông Pháp. Trả lời đài truyền hình Pháp BFMTV, bà không ngần ngại cho là đeo khẩu trang là một nghi thức tà giáo của các phần tử “ấu dâm thờ Satan” để thể hiện một “hành động phục tùng”.

Courrier International: Covid-19 tác động thế nào đến thanh niên

Tạp chí Pháp Courrier International muốn tìm hiểu xem dịch bệnh ảnh hưởng ra sao đến vấn đề học tập, tìm kiếm công ăn việc làm, tinh thần, thậm chí cả quan hệ yêu đương của giới trẻ với ghi nhận chung là đại dịch đã đẩy các thanh niên vào một tình thế bấp bênh, bị cô lập, với tâm trạng luôn lo âu. Covid-19 sẽ để lại hậu quả lâu dài trên cả một thế hệ, không chỉ ở Pháp mà khắp Châu Âu, ở Châu Á, Châu Mỹ.

Courrier International như thông lệ nêu ví dụ qua các phóng sự, phân tích các báo đó đây. Một ví dụ khá tiêu biểu mà tạp chí Pháp nêu bật dựa trên một bài viết trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review với câu hỏi của một nữ sinh viên: “Sinh viên phải chịu đựng tình trạng này đến bao giờ ?”.

Năm nay 18 tuổi, Maki vừa ghi danh ở trường Mỹ Thuật Tokyo xong thì có lệnh phong tỏa. Và như thế trong suốt mấy tháng, cô đã phải học qua mạng. Đến nay đại học của cô vẫn chưa mở cửa lại, tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng.

Cũng như Maki, nhiều sinh viên khác có nguy cơ chịu hậu quả trong quá trình học tập của mình. Theo Nikkei Asian Review, ngày càng nhiều sinh viên bỏ học hay tự nhốt mình trong nhà, có khi rơi vào tình trạng trầm cảm.

Tạp chí Nhật trích một điều tra của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, công bố vào tháng 5, cảnh báo về “hệ quả của Covid-19 đối với thanh niên trên toàn thế giới, đặc biệt dễ bị tổn thương do chịu nhiều yếu tố gây stress, nhất là khi việc học tập bị gián đoạn, bị lâm vào tình trạng thất nghiệp, thu nhập giảm thiểu, khó khăn trong vấn đề tìm việc làm”.

L’Express: Câu chuyện chưa từng đọc về Edouard Philippe

L’Express tuần này dành trang bìa cho cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe, với tựa đề: “Câu chuyện mà quý vị chưa từng đọc”. Tạp chí tò mò tìm hiểu xem, sau khi rời phủ thủ tướng, ông làm gì, nghĩ gì và đang tính toán gì.

Trong một phóng sự điều tra dài 5 trang, L’Express đã ghi nhận hai chi tiết: Sau khi rời phủ thủ tướng ông Edouard Philippe đã có một công việc béo bở và chuẩn bị cho ra một quyển sách.

Về việc làm, ông đã gia nhập ban quản trị của Atos, môt trong 10 tập đoàn dịch vụ kỹ thuật số hàng đầu trên thế giới. Để làm gì? Theo tập chí Pháp, cựu thủ tướng có lẽ muốn một ngày nào đó trở lại chính trường ở vị trí hàng đầu, với thêm một kinh nghiêm hoạt động. Làm việc tại Atos thuận lợi không nhỏ, ngoài khoản thù lao 50.000 euro/năm với tư cách nhà quản trị độc lập, ông sẽ có thêm kinh nghiệm trong lãnh vực kỹ thuật số.

Điểm khác mà L’Express chú ý là cựu thủ tướng đã ký với nhà xuất bản JC Lattès hợp đồng cho một tác phẩm triết học chính trị nói về nghệ thuật trị nước, mà ông muốn cho ra mắt vào năm 2021.

Sau cùng, L’Express còn nhìn thấy trrong tính toán của ông Edouard Philippe khả năng ông giảng dậy trong một đại học nước ngoài, thậm chí thử ra ứng cử tổng thống.

Le Point: Ai phải gánh chi phí chống khủng hoảng?

Trong hàng tít lớn trang bìa “Những người phải chi trả cho cuộc khủng hoảng”, tạp chí Le Point đã giới thiệu quyển sách mới ra của nhà báo kinh tế François Lenglet mang tựa “Với bất cứ giá nào – Quoiqu’il en coûte !”, một thành ngữ mà đương kim tổng thống Pháp Macron đã dùng gần đây khi loan báo kế hoạch chống dịch Covid-19 tại Pháp.

Đối với tạp chí Pháp rốt cuộc những người phải trả giá cho cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay lại chính là những người Pháp đã phải dày công tiết kiệm, dành dụm.

Vì như Lenglet phân tích trong bài phỏng vấn dành cho Le Point: “Chúng ta đã đi vào một thế giới siêu nợ và chúng ta vẫn giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại bằng những khoản nợ mới”. Theo nhà báo, tình hình rất nghiêm trọng vì khoản nợ khổng lồ đó sẽ đè nặng lên tăng trưởng: “Hiện giờ thì có những thủ thuật như lãi suất zero, sắp tới có thể là lãi suất âm, như tạo thêm tiền bơm vào hệ thống tài chánh… nhưng đến một lúc nào đó thì phải giải quyết vấn đề nợ…

Theo Lenglet, đến một lúc nào đó dứt khoát là phải phá tư bản – tức là khoản tiết kiệm – để trả nợ vì nợ và tiết kiệm theo Lenglet là hai mặt của một đồng tiền: Nếu một người mắc nợ thì có người khác đã cho vay với khoản tiết kiệm của mình.

Lenglet chỉ trích gay gắt hành động vung tiền dễ dàng mà các nước đang dùng để giải quyết các khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra, trong lúc cũng chưa thấy được động lực tăng trưởng.

L’Obs: Địa ốc đối mặt với khủng hoảng

Theo tạp chí Pháp, với cuộc phong tỏa vừa qua, địa ốc càng được người Pháp xem như đầu tư chắc chắn cho tiết kiệm của họ. Có điều là khó khăn kinh tế và luật lệ gắt gao hơn của các ngân hàng khiến cho nhiều người mua chùng bước, tự hỏi có nên chờ đợi giá cả giảm xuống hay không, mua loại nhà gì, ở đâu ?

Đó là biết bao câu hỏi mà L’Obs dành nguyên một hồ sơ đặc biệt để tìm đáp án.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200926-quan-h%C3%AA%CC%A3-nga-belarus-putin-ke%CC%89-thu%CC%80-t%C3%B4%CC%81t-nh%C3%A2%CC%81t-cu%CC%89a-loukachenko

 

Tin tổng hợp

(Intelnews.org) – Tình báo Mỹ mất 4 nhân viên ở Biển Đông trong một chiến dịch ở ngoài khơi Philippines hồi năm 2008. 

Trang mạng IntelNews.org ngày 25/09/2020 cho biết bốn đặc vụ của cơ quan tình báo CIA thiệt mạng khi thi hành một nhiệm vụ bí mật theo dõi các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Tàu chở bốn nhân viên CIA nói trên đã bị trận bão Higos đánh chìm ở ngoài khơi đảo Luzon-Philippines hồi cuối tháng 9/2008.

(SCMP) – Mỹ – Trung đấu khẩu về vụ tàu cá Trung Quốc trong vùng biển của Peru. 

Lima ngày 25/09/2020 cho biết đang theo dõi sát các hoạt động của 250 tàu cá Trung Quốc cách bờ biển Peru khoảng 230 hải lý. Trong tuần, sứ quán Mỹ tại Lima báo động trước các thiệt hại kinh tế đối với Peru. Để đáp trả, tránh nêu đích danh Hoa Kỳ, đại diện Ngoại Giao của Bắc Kinh tại Lima trên Twitter kêu gọi chính quyền Peru không nên sa bẫy những « thông tin sai lệch và bị bóp méo ».

(AFP) – Hỏa hoạn tại một trung tâm nghiên cứu của tập đoàn viễn thông Hoa Vi tại miền nam Trung Quốc làm 3 người chết. 

Hôm 25/09/2020, 140 lính cứu hỏa đã dập được đám cháy tại thành phố Đông Hoản (Dongguan), tỉnh Quảng Đông. Đây là một trung tâm còn đang trong quá trình xây dựng. Trước mắt, Hoa Vi chưa thể thông báo thêm chi tiết về nguyên nhân hỏa hoạn tại nơi thử nghiệm các mạng điện thoại di động 4G và 5G.

(AFP) – Tân thủ tướng Nhật Bản quyết tâm tổ chức Thế Vận Hội 2021.

Phát biểu trong cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc « trực tuyến », ông Yoshihide Suga, tân thủ tướng Nhật Bản, tuyên bố : « Mùa hè sang năm, Nhật Bản quyết tâm đón Thế Vận Hội 2021 và Thế Vận Hội Những Người Khuyết Tật Tokyo, như là một bằng chứng chiến thắng của nhân loại trước đại dịch ».

(Yonhap) – Seoul đề nghị Bình Nhưỡng cùng điều tra về vụ bắn nhầm một viên chức Hàn Quốc.

Ý định này được phủ tổng thống Hàn Quốc đưa ra ngày 26/09/2020 sau khi Bình Nhưỡng ngày hôm qua xin lỗi về cái chết của viên chức Hàn Quốc. Chính quyền Bắc Triều Tiên giải thích sự cố xảy ra là do những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh quốc gia nhằm ngăn chận đà lây lan của virus corona chủng mới.

(AFP) – Ukraina : Tai nạn máy bay, 26 người chết, đa số là sinh viên.

Tổng thống Ukraina trên Facebook ngày 26/09/2020 ghi rằng « Ukraina đã mất đi 26 người con trai » và tuyên bố một ngày quốc tang. Chiếc máy bay vận tải quân sự Antonov-26 bị rơi tối 25/09 trong một chuyến bay huấn luyện. Nguyên nhân được cho là một động cơ bị hỏng. Phần đông nạn nhân là sinh viên đại học không quân Kharkiv.

(AFP) – Tại LHQ, thủ tướng Hy Lạp kêu gọi TT Erdogan mang đến « một cơ hội » cho ngoại giao.

Lời kêu gọi được đưa ra ngày 25/09/2020 trong bối cảnh Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, sau một thời gian leo thang căng thẳng do tranh chấp lãnh hải, đang tìm cách hạ nhiệt. Hôm thứ Ba, 22/09, Ankara và Athens cùng thông báo nối lại đối thoại song phương. Cũng tại Liên Hiệp Quốc, trong bài phát biểu hôm thứ Ba, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng mời gọi Hy Lạp « đối thoại nghiêm túc dựa trên nền tảng luật quốc tế ». Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, cho biết sẽ đến thăm Hy Lạp trong tuần tới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200926-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 26/9:

Số người chết do Covid có thể tăng gấp đôi

lên 2 triệu; Vẫn có thể tái nhiễm Covid

sau khi khỏi bệnh và cách ly 14 ngày

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (26/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Số người chết do Covid có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Sáu (25/9) cho biết con số tử vong toàn cầu do Covid-19 có thể tăng gấp đôi lên 2 triệu người trước khi một loại vắc xin thành công được sử dụng rộng rãi, thậm chí cao hơn nếu không có hành động phối hợp để kiềm chế đại dịch, theo Reuters.

“Trừ khi chúng tôi làm tất cả, [2 triệu người chết]… không chỉ là điều có thể lường trước, mà còn rất có thể sẽ xảy ra”, Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của cơ quan Liên Hợp Quốc, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

Số ca tử vong trong khoảng 9 tháng kể từ khi nCoV bùng nổ ở Trung Quốc là gần 1 triệu người.

Một bệnh nhân tại bên ngoài Trung tâm Y tế Maimonides ở New York (Mỹ) khi tình trạng lây lan COVID-19 vẫn tiếp diễn hôm 25/9

Vẫn có thể tái nhiễm Covid sau khi khỏi bệnh và cách ly 14 ngày

Một cậu bé Trung Quốc 12 tuổi đã khỏi Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại 16 ngày sau khi xuất viện và đã vượt qua đợt cách ly kéo dài hai tuần ở Trung Quốc, theo Daily Mail.

Cơ quan y tế nước này cho biết, cậu bé họ Li đã bị cách ly ở Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc hôm thứ Năm sau khi có kết quả dương tính với nCoV.

Thông tin này được đưa ra sau khi một thành phố cảng lớn ở miền đông Trung Quốc đang phải cấp tốc truy vết và cách ly hàng trăm người sau khi hai công nhân làm việc tại một cơ sở nhập khẩu thủy sản xét nghiệm dương tính với Covid-19, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát COVID-19 mới ở đại lục.

Quan chức Mỹ kêu gọi tái phân bổ lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương để đối kháng Trung Quốc

Người đứng đầu Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã kêu gọi tái phân bổ các nguồn lực quân sự của Mỹ ở khu vực tây Thái Bình Dương để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, theo SCMP.

Phát biểu tại hội nghị Thủy quân lục chiến hàng năm trực tuyến hôm thứ Năm (24/9), Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho biết các căn cứ và tài sản quân sự của Mỹ trong khu vực tập trung quá nhiều ở Nhật Bản và đảo Guam, trong bối cảnh cả hai đều nằm trong tầm ngắm của Tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

“Chúng ta phải phân tán ra”, ông nói. “Chúng ta phải giảm thiểu số lượng ở đảo Guam. Chúng ta phải có một cách triển khai lực lượng phân tán và đều ở khu vực Thái Bình Dương cho phép chúng ta làm việc với tất cả các đối tác và đồng minh cũng như ngăn chặn các lực lượng như PLA cố gắng viết lại các chuẩn mực toàn cầu đã được thiết lập trong vòng 70 năm qua. Do đó, thái độ của chúng ta phải thay đổi”.

Việc triển khai lực lương hiện tại – đã được thiết lập kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên kết thúc – là nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên nhưng hiện đã trở nên lỗi thời trong thời đại PLA trở nên hiện đại hóa, ông nói.

Trung Quốc xây thêm nhà giam bí mật ở Tân Cương

Mạng lưới các trung tâm giam giữ của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi người thiểu số Hồi giáo bị đàn áp, dường như đang có xu hướng mở rộng. Một lượng lớn các cơ sở tại đây trông giống như nhà tù, Fox News trích nguồn tin từ một tổ chức nghiên cứu của Úc cho hay.

Viện Chính sách Chiến lược Australia đưa ra tuyên bố sau khi xem xét các ảnh chụp vệ tinh và hồ sơ thầu xây dựng chính thức để lập bản đồ hơn 380 cơ sở tình nghi ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc, chỉ cho thấy các trại giam và các công trình khác đã được xây mới hoặc mở rộng kể từ năm 2017.

“Các bằng chứng hiện có cho thấy nhiều người bị giam giữ dù không qua xét xử trong mạng lưới ‘trại cải tạo’ rộng lớn ở Tân Cương hiện đang phải thi hành án chính thức và bị nhốt trong các cơ sở an ninh cấp cao, bao gồm các nhà tù mới xây hoặc mở rộng, hoặc bị đưa đến các khu nhà máy có tường rào bao quanh để cưỡng bức lao động”, nhà nghiên cứu Nathan Ruser viết trong một báo cáo công bố hôm thứ Năm.

Một trung tâm kỹ năng nghề ở Tân Cương. Nhiều trại cải tạo cưỡng bức lao động ở Tân khoác vỏ bọc là trung tâm dạy nghề (ảnh: Reuters).

Lãnh đạo EU tại LHQ lên án hồ sơ nhân quyền và hoạt động kinh doanh của Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã công kích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương hôm thứ Sáu, nói thêm rằng EU muốn ​​Bắc Kinh thay đổi cơ cấu kinh tế để trở nên công bằng hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, theo SCMP.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa EU với Mỹ, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn cản các nước phương Tây chọn phe trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi không chia sẻ các giá trị mà hệ thống chính trị và kinh tế ở Trung Quốc dựa vào”, ông Michel nói với hội đồng.

“Chúng tôi có mối quan hệ sâu sắc với Mỹ. Chúng tôi chia sẻ những lý tưởng, giá trị và sự ủng hộ lẫn nhau đã được củng cố qua những thử thách của lịch sử”, ông phát biểu trước đại hội, với chủ đề năm nay vẫn tập trung mạnh vào tình trạng rạn nứt Mỹ-Trung.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-26-9-so-nguoi-chet-do-covid-co-the-tang-gap-doi-len-2-trieu-van-co-the-tai-nhiem-covid-sau-khi-khoi-benh-va-cach-ly-14-ngay.html

 

Điểm tin thế giới tối 26/9:

Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ phán quyết

về Biển Đông; Cháy cơ sở nghiên cứu Huawei

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (26/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ phán quyết về Biển Đông

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 23/9 nhắc đến chiến thắng của Philippines về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc hôm 25/9 một lần nữa phớt lờ phán quyết này.

Trang tin ABS-CBN của Philippines cho biết, trong một diễn đàn trực tuyến được tổ chức bởi Hiệp hội Hiểu biết Philippines-Trung Quốc (APCU), Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã trích dẫn “sự đồng thuận” mà ông tuyên bố là đã đạt được giữa Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải tỏa các tranh chấp trên biển và xử lý tình hình thông qua đối thoại và hợp tác.

Triệu Giám Hoa tuyên bố: “Quan điểm của Trung Quốc về cái gọi là phán quyết trọng tài đã rất rõ ràng: Chúng tôi không chấp nhận và chúng tôi không công nhận cái gọi là phán quyết này. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng chúng tôi nên đóng chương cũ và gác lại những khác biệt”.

Cháy cơ sở nghiên cứu Huawei

Chính quyền địa phương cho biết ba người đã chết sau vụ hỏa hoạn hôm 25/9 tại cơ sở nghiên cứu đang xây dựng của tập đoàn Huawei ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông.

Theo Reuters, đám cháy đã được kiểm soát vào chiều 25/9. Cơ quan cứu hỏa thành phố Đông Hoản cho biết cơ sở của Huawei bị bốc cháy nằm ở khu vực hồ Tùng Sơn, là một tòa nhà kết cấu thép và vật liệu chính bị cháy là bông. Huawei có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến gần đó. Cơ sở ở Đông Hoản có các văn phòng cho khoảng 25.000 nhân viên.

Ông Trump dự định chọn Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ

CNN dẫn các nguồn tin từ đảng Cộng hoà cho biết, Tổng thống Donald Trump dự định sẽ chọn bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho bà Ginsburg vừa qua đời.

Nguồn tin cho biết, ông Trump dự kiến thông báo vào chiều 26/9 (giờ Mỹ).

Bà Amy Coney Barrett đã gặp Tổng thống Donald Trump. Bà Barrett có mặt tại Nhà Trắng trong ngày 21 và 22/9. Hai nguồn tin nói với CNN hồi đầu tuần rằng, bà đã gây ấn tượng với tổng thống và những người khác trong các cuộc gặp đầu tiên.

Cựu quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump tiết lộ, bà Barrett là người nổi bật và đủ tiêu chuẩn nhất dựa trên các giá trị truyền thống.

Báo cáo: Trung Quốc phá bỏ hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương

Theo báo cáo hôm 24/9 của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) được hãng tin AFP trích dẫn, chính quyền Trung Quốc đã phá huỷ hoặc làm hư hại khoảng 16.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương trong những năm gần đây.

Báo cáo dựa trên hình ảnh vệ tinh và mô hình thống kê. Báo cáo cho biết, hầu hết các vụ phá hủy đã diễn ra trong ba năm qua và ước tính khoảng 8.500 nhà thờ Hồi giáo đã bị phá hủy hoàn toàn, tập trung ở các trung tâm đô thị Urumqi và Kashgar.

Theo nghiên cứu, nhiều nhà thờ Hồi giáo tuy không bị phá hủy nhưng đã bị dỡ bỏ mái vòm và tháp. Ước tính có ít hơn 15.500 nhà thờ Hồi giáo bị hư hại còn sót lại xung quanh Tân Cương.

Báo cáo được đưa ra một ngày sau khi ASPI cho biết họ đã xác định được một mạng lưới các trung tâm giam giữ trong khu vực lớn hơn nhiều so với các ước tính trước đó.

Các nhóm nhân quyền cho biết hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Người dân bị cưỡng ép từ bỏ các hoạt động truyền thống và tôn giáo.

Reuters cho biết, Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 25/9 tuyên bố báo cáo của ASPI “chẳng có gì ngoài tin đồn vu khống”.

Thủ tướng Suga điện đàm với Tập Cận Bình

Theo Kyodo News, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối ngày 25/9.

Trong cuộc nói chuyện kéo dài khoảng 30 phút, ông Suga bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó có Hồng Kông, và thêm rằng, ông muốn thảo luận về chúng trong tương lai.

Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định sự hợp tác của họ trong vấn đề Triều Tiên.

Ông Suga cho rằng sự ổn định của quan hệ Nhật-Trung không chỉ là vấn đề giữa hai nước, mà điều này còn rất quan trọng đối với khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời hy vọng hai bên cùng chia sẻ trách nhiệm.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo Nhật Bản không đề cập đến chuyến thăm Nhật  Bản của ông Tập Cận Bình với tư cách là khách nhà nước.

Chuyến đi của ông Tập đã được lên kế hoạch vào đầu năm nay nhưng đã bị hoãn do đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và một số nhà lập pháp của Nhật Bản đang kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn chuyến đi này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-26-9-bac-kinh-tiep-tuc-phot-lo-phan-quyet-ve-bien-dong-chay-co-so-nghien-cuu-huawei.html