Đọc báo Pháp – 26/09/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 26/09/2019

Khí hậu: Nỗi tức giận của Greta

và thông điệp ‘‘lạnh gáy’’ của giới khoa học

Trọng Thành

Hồi chuông báo động khẩn của chuyên gia LHQ về Đại dương, Khí hậu với vận mệnh nhân loại là tựa lớn trang nhất của đa số các nhật báo Pháp ra hôm nay : Khí hậu nóng lên khiến băng tan ồ ạt, nước biển dâng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng vọt, đe dọa hàng tỉ dân cư ven biển và nhiều nơi khác, gây thiệt hại đến hàng trăm nghìn tỉ đô la một năm.

Hạ Viện Mỹ mở điều tra luận tội nhằm tiến tới phế truất tổng thống Donald Trump và chính trường Anh chao đảo sau quyết định của Tòa Án Tối Cao bác quyết định đình chỉ Nghị Viện của thủ tướng là các chủ đề chính khác.

« Gương mặt biến dạng vì giận dữ » và không khí bình lặng trong Bảo tàng Đại dương

Le Figaro có bài xã luận, mang tựa đề « « Cô gái nhỏ và các nhà khoa học », kêu gọi công chúng nhìn thẳng vào sự thật, để có cách hành xử thích đáng. « Cô gái nhỏ » ở đây là thiếu nữ Thụy Điển, Greta Thunberg – ngôi sao của phong trào Khí hậu của giới trẻ, đang có mặt tại nước Mỹ để gây áp lực lên chính quyền các nước. Le Figaro ghi nhận sự tương phản cao độ về mặt hình thức, giữa một bên là thông điệp của các nhà khoa học nhóm GIEC, « được công bố trong không khí bình lặng » của một bảo tàng về đại dương học sang trọng ở công quốc Monaco, và bên kia là thiếu nữ Thụy Điển trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, « mặt biến dạng vì giận dữ ».

Theo Le Figaro, thái độ đầy bạo lực, « đe dọa », những lời lẽ « sỉ nhục », « công kích dữ dội » của cô gái nhắm vào thế hệ những người trưởng thành có thể gây phản cảm đối với những ai quen với cách ứng xử chừng mực. Và « những lời tiên tri gây kinh sợ » của cô, đồng điệu với những lời cảnh báo văn minh nhân loại đang trên đường sụp đổ, có thể khiến nhiều người lo sợ về việc « một nền độc tài kinh hoàng của chủ thuyết coi sinh thái là trên hết » sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh là bất chấp sự tương phản về hình thức, điểm chung của hai thông điệp là nhân loại đang đối mặt với một tình thế khẩn cấp. Quá trình Trái đất bị hâm nóng đang tiếp tục diễn ra hoàn toàn phù hợp với các ghi nhận của các chuyên gia GIEC cách nay 29 năm, trong bản báo cáo đầu tiên. Cuộc khủng hoảng hiện nay là « nghiêm trọng » và cần « các phản ứng tương thích », cho dù các thảm họa sẽ không đến mức khiến toàn nhân loại diệt vong, và hủy diệt toàn bộ sự sống trên Trái đất. Nhưng tảng lờ các báo động mới này « sẽ là sai lầm ».

« Con người khó chịu, đứa trẻ bị nhồi sọ, cô bé quá xúc cảm…. »

Libération chạy tựa trang nhất : « Nước Pháp. Đại dương đe dọa nhấn chìm. Hơn một mét từ đây đến năm 2100 theo báo cáo GIEC. Từ Soulac đến Palavas (hai bãi biển tuyệt đẹp của nước Pháp ở bên bờ

Đại Tây Dương và Địa Trung Hải), từ Dunkerque đến quần đảo Antilles, nước dâng cao đe dọa một phần rộng lớn vùng ven biển nước Pháp và dân cư sở tại ».

Xã luận Libération, mang tựa đề « Thiện chí », ví cô gái Thụy Điển với một nhân vật nữ trong bi kịch Hy Lạp cổ đại. Cassandra được thần Apollon ban cho khả năng biết được tương lai, nhưng đã không có ai tin vào những lời tiên tri của cô. Libération nhấn mạnh : Những ai từng cho Greta Thunberg là « một con người khó chịu, đứa trẻ bị nhồi sọ, một cô bé quá xúc cảm… », khi đọc bản báo cáo của GIEC mới, chỉ cần với « một chút thiện chí », cũng sẽ thay đổi thái độ ngay lập tức. « Không cần đến bằng cấp của một nhà khí hậu học », việc Khí hậu bị hâm nóng, do khí thải, dẫn đến băng tan, nước biển dâng cao không thể khác, là bài học của học sinh lớp Một. Mà Khí hậu bị hâm nóng không chỉ khiến nước biển dâng cao, mà còn gây nhiều hệ quả kinh hoàng khác, như đại dương bị axit hóa, bão tố nhiều hơn.

« Thảm họa đã nhãn tiền, nhưng thà thế còn hơn ! »

« Thảm họa đã nhãn tiền, nhưng thà thế còn hơn ! » là tựa bài xã luận La Croix. Nhật báo Công Giáo, khi nhắc lại thần thoại Hy Lạp về thiếu nữ Cassandra, thừa nhận « không một ai muốn nghe báo trước về các thảm họa, và thường là người ta thích tin rằng chúng sẽ không xảy ra ». Từ 30 năm nay, các cảnh báo mà GIEC liên tục đưa ra « đã không làm thay đổi gì nhiều ». Thượng đỉnh Khí hậu mới đây tại Liên Hiệp Quốc (Climate Action Summit) « gần như là một thất bại », ngoại trừ sự xuất hiện của Greta Thunberg.

Tuy nhiên, La Croix nhấn mạnh điểm khác biệt là : Lần này không còn là sự cảnh báo, mà thảm họa đã thực sự xẩy ra. Kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm trung bình 430 tỉ tấn băng hà tan chảy, khiến nước biển dâng nhanh hơn gấp 2,5 lần so với thế kỉ trước.

« Thảm họa đã nhãn tiền. Không ai có thể phủ nhận. Về một mặt nào đó, điều này có lẽ tốt hơn, bởi sẽ giúp cho mỗi người tăng tốc nhận thức về tính chất khẩn cấp của việc thay đổi triệt để lối sống, phương thức vận hành của nền kinh tế. Chính quyền các nước không còn có thể thoái thác, ẩn núp đằng sau lập luận cho là cần phải xem chừng công luận nữa. Vấn đề giờ đây không còn là cứu lấy hành tinh của chúng ta nữa, mà rất cụ thể là, làm thế nào để chăm sóc nó ».

« Trật tự sinh thái thế giới mới »

Les Echos hôm nay, tuy không lấy báo cáo GIEC làm tựa trang nhất, nhưng dành nhiều bài bên trong để nói về cuộc chiến bảo vệ Khí hậu. Theo Les Echos, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030 của Liên Hiệp Quốc là cơ hội duy nhất cho phép thoát được các thảm họa do khí hậu bị hâm nóng và môi trường suy thoái. Mà để làm được điều này các nước đang phát triển cần phải có thêm đầu tư, ước tính nhiều hơn 12% hàng năm so với hiện nay. Lấy tiền đâu ra ?

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD / CNUCED) khuyến nghị xây dựng dựng một « Trật tự sinh thái thế giới mới ». Để có thêm tiền cho môi trường, CNUCED đề nghị tăng cường chống lại việc các đại tập đoàn lậu thuế, ước tính có thể thu về từ 50 đến 200 tỉ đô la/năm. Bên cạnh đó, các khoản thuế mới nhắm vào ngành công nghệ kỹ thuật số đang trỗi dậy cũng có thể là một nguồn thu bổ sung.

Cũng Les Echos cho biết một số đại tập đoàn xa xỉ phẩm Pháp bắt đầu chuyển mạnh sang các cam kết môi trường, vốn không phải là ưu tiên. LVMH hôm qua, công bố lộ trình từ đây đến 2025, thực hiện việc 100% nguyên liệu có nguồn gốc động vật phải ghi rõ nguồn gốc.

Chuyên gia Allan Litchman :

Donald Trump sẽ bị phế truất

Vụ tổng thống Mỹ bị Hạ Viện khởi sự điều tra để tiến tới phế truất cũng được nhiều báo Pháp quan tâm. Đây là lần đầu tiên, tại Mỹ khởi sự thủ tục phế truất một đương kim tổng thống, kể từ 20 năm nay. Đe dạo phế truất tổng thống đảo lộn cuộc tranh cử Mỹ là tựa lớn hồ sơ của Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp có cuộc phỏng vấn đáng chú ý với nhà chính trị học Allan Litchman về tác động của tiến trình phế truất tổng thống đối với cuộc tranh cử 2020. Theo giáo sư Allan Litchman không có gì gây khó khăn hơn cho tổng thống Trump là trở thành đối tượng của thủ tục phế truất. Ông Litchman dự đoán Donald Trump có thể sẽ bị phế truất trước khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc, cuối năm 2020. Allan Litchman là một trong số ít người dự báo Donald Trump đắc cử năm 2016, cũng như dự báo đúng kết quả của 8 cuộc bầu cử tổng thống trước đó.

Vì sao chủ tịch Hạ Viện Mỹ quyết định hành động?

Lý do chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi mạo hiểm quyết định khởi sự điều tra, nhằm phế truất tổng thống là chủ đề một bài viết khác của Les Echos. Theo Les Echos, dù xác xuất thành công được coi là rất nhỏ, và hành động này có nguy cơ làm nhiễu loạn cuộc tranh cử tổng thống (tiến trình luận tội bị ông Trump sử dụng làm phương tiện đả kích phe Dân Chủ), nhưng đối với chủ tịch Hạ Viện, việc khởi sự thủ tục phế truất lần thứ tư trong lịch sử chính trị Mỹ này vừa là « một nghĩa vụ », và cũng là « một cơ hội chính trị ». Les Echos nhấn mạnh đến ba lý do khiến chủ tịch Hạ Viện quyết định hành động.

Thứ nhất, điều quá rõ ràng là ông Donald Trump đã nhờ cậy đến một thế lực nước ngoài can thiệp vào bầu cử Mỹ. Thứ hai là, nếu lời báo động từ một nhân viên tình báo Mỹ là xác thực, thì tổng thống Trump đã đánh đổi một trợ giúp về tài chính, gây áp lực với nguyên thủ Ukraina, để lấy « các thông tin tiêu cực » về con trai ứng cử viên tranh cử tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden. Như vậy rõ ràng đây là tội « phản bội ». Lý do thứ ba là chủ tịch Hạ Viện đứng trước áp lực của cử tri Dân Chủ, từ lâu nay, đã hết sức bất mãn trước một tổng thống « bất tài » và « không đủ tư cách », và đây là một cơ hội để ông Trump phải ra đi.

Thủ tướng Anh về nước, Nghị Viện náo động

Quyết định đình chỉ Quốc Hội của thủ tướng Johnson bị Tòa Án Tối Cao nước Anh bác bỏ. Le Figaro ghi nhận, vừa từ New York trở về, thủ tướng Anh đã rơi vào chảo lửa của điện Westminster, nơi Nghị Viện vừa nhóm họp trở lại và đối lập sẵn sàng chống lại ông.

Thủ tướng Anh, vừa phê phán phán quyết của Tòa Án, vừa lên án tình trạng « tê liệt » tại Quốc Hội, và mưu toan của các nghị sĩ nhằm phá hỏng các thương thuyết về Brexit với Liên Âu. Thủ tướng Anh thách các nghị sĩ giải tán Quốc Hội tổ chức bầu cử sớm, để cử tri bầu lên một Quốc Hội mới nhằm thực thi quyết định chia tay với Liên Âu, theo kết quả trưng cầu dân ý 2016.

Theo Les Echos, điều mà các nghị sĩ Anh lo ngại hiện nay là thủ tướng Johnson tìm được phương tiện để lách luật, khiến nước Anh rời khỏi Liên Âu không có thỏa thuận (no-deal Brexit), với các hệ quả dự kiến vô cùng lớn cho đôi bên.

Khách Trung Quốc xuất ngoại tăng vọt

Về châu Á, Les Echos chú ý đến sự bùng nổ của du lịch Trung Quốc.Hôm qua, Trung Quốc khánh thành sân bay Bắc Kinh – Đại Hưng (Daxing), được coi là sân bay lớn nhất thế giới. Nhân dịp này, nhật báo kinh tế Pháp giới thiệu về tình trạng khách du lịch người Trung Quốc tăng vọt, dẫn đến tình trạng phải xây dựng thêm hàng loạt cơ sở hạ tầng mới. Khách Trung Quốc du lịch nước ngoài năm ngoái là 150 triệu, so với 4,5 triệu cách nay hơn 20 năm. Chủ yếu du khách Hoa lục đến các nước châu Á, trước hết là hai vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc : Hồng Kông 49 triệu, Macao 20 triệu, tiếp theo là Thái Lan (10,5) và Nhật Bản (8,4).

http://vi.rfi.fr/phap/20190926-noi-tuc-gian-cua-Greta-va-thong-diep-lanh-gay-cua-gioi-khoa-hoc

 

Tin đọc  nhanh

(AP) – Trung Quốc tung thêm 10.000 tấn thịt heo dự trữ ra thị trường.

Với quyết định được loan báo hôm nay, 26/09/2019, đây là lần thứ hai trong không đầy một tháng Bắc Kinh dùng thịt dự trữ để tìm cách hạ giá thịt heo đang tăng vọt. Giá thịt heo tại Trung Quốc đã tăng gần 50% so với một năm trước đây, sau khi đàn gia súc tại nước này bị dịch tả heo châu Phi tàn hại.

(Reuters) – Tổng thống Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận về thương mại “sớm hơn” mong đợi. 

Trả lời báo chí tại New York hôm 25/09/2019, nguyên thủ Mỹ nói thêm Trung Quốc “đang muốn đạt được thỏa thuận hơn ai hết”, bởi vì thị trường lao động Trung Quốc đang bị tuột dốc và các doanh nghiệp nước ngoài đang bỏ Hoa Lục ra đi, kể cả tính đến chuyện quay lại Hoa Kỳ.

(Reuters) – Mỹ và Nhật ký thỏa thuận thương mại hạn chế. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào hôm qua 25/09/2019 đã ký một thỏa thuận thương mại hạn chế, cắt giảm thuế quan trên các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, máy công cụ và một số mặt hàng khác của Nhật Bản. Tuy nhiên, thỏa thuận không có điều khoản về ôtô, và thủ tướng Abe cho biết là ông Trump đã bảo đảm rằng Mỹ sẽ không áp thuế nhập khẩu lên xe hơi Nhật vì lý do an ninh quốc gia như ông từng đe dọa trước đó.

(AFP) – Động đất tại Indonesia, ít nhất 20 người thiệt mạng.

Quần đảo Makuku bị động đất sáng ngày 26/09/2019, với cường độ 6,5 trên nấc thang Richter. Chính quyền Jakarta cho biết hiện tại có ít nhất 20 người chết, hơn 100 người bị thương và khoảng 2.000 người phải sơ tán.

(AFP) – IMF có tân lãnh đạo.

Kirstalina Georgieva là phụ nữ thứ nhì lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Ngày 25/09/2019, IMF chính thức chỉ định bà Kirstalina Georgieva, người Bulgari, lên thay thế bà Christine Lagarde. Hồ sơ nợ của Achentina và hỗ trợ tăng trưởng của thế giới sẽ là hai ưu tiên trong nhiệm kỳ sắp mở ra của Kirstalina Georgieva từ ngày 01/10/2019. Về phần Christine Lagarde, bà chuẩn bị về lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE.

(Reuters) – Israel: Benjamin Netanyahu được giao trách nhiệm thành lập chính phủ. 

Tổng thống Israel, vào hôm qua 25/09/2019, đã giao cho thủ tướng mãn nhiệm Benjamin Netanyahu trách nhiệm thành lập chính phủ mới. Đây sẽ là một chính phủ liên minh với đảng cánh trung Xanh và Trắng. Tám ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội, không đảng nào, ngay cả đảng Likoud của thủ tướng mãn nhiệm, tập hợp được đa số để thành lập chính phủ. Ông Netanyahu, sau thông báo của tổng thống, sẽ tiếp tục giữ chiếc ghế của ông và có 15 ngày để thành lập nội các.

(AFP) – Trạm Không Gian Quốc Tế ISS đón phi hành gia đầu tiên của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. 

Hazza Al Mansouri, 35 tuổi đã đi vào lịch sử, khi bước vào trạm không gian ISS vào sáng hôm nay, 26/09/2019. Ông cũng là người Ả Rập đầu tiên lên trạm không gian này. Phi thuyền Soyouz MS 15, bay lên từ căn cứ Baikonour (Kazakhstan), vào hôm qua, chở theo 3 người, Jessica Meir, người Mỹ, al Mansouri và người chỉ huy Oleg Skripotchka, người Nga. Với chuyến bay này, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là nước Ả Rập thứ 3 cử người lên không gian, sau Ả Rập Xê Út năm 1985 và Syria năm 1987.

(AFP) – Tuần duyên Mỹ tịch thu hơn 5 tấn cocaine trong một chiếc tàu ngầm. 

Trong một thông cáo công bố hôm 24/09/2019, tuần duyên Mỹ cho biết là một chiếc tàu ngầm chở 5,4 tấn cocaine đã bị chặn bắt ở Thái Bình Dương, ngoài khơi Nam Mỹ. Chiếc tàu dài 12 mét đã bị một phi cơ giám sát hàng hải phát hiện và chặn giữ ngày 01/09, ở vùng biển quốc tế, với sự trợ giúp của Hải Quân Colombia. Số cocaine trên tàu trị giá hơn 165 triệu đô la. 4 người tình nghi buôn lậu trên tàu đã bị bắt giữ. Vào tháng 7, tuần duyên Mỹ cũng đã thông báo tịch thu được 13 tấn cocaine ngoài khơi Nam Mỹ.

(AFP) – Ai Cập : Hơn 1.000 người bị bắt sau các cuộc biểu tình chống tổng thống al-Sissi. 

Theo hai tổ chức phi chính phủvào hôm qua, 25/09/2019, thì trong số những người bị bắt kể từ ngày 20 tháng 09, không chỉ có những người biểu tình, mà có cả nhà báo và nhà hoạt động chính trị. Trong số những người bị bắt gần đây nhất, có hai học giả nổi tiếng về quan điểm phê phán đối với chính phủ Ai Cập.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190926-tin-doc-nhanh

 

Tạp chí Tiêu Điểm

Cuộc đua giành đảo để chiếm ưu thế hàng hải

Minh Anh

Không còn là nơi xa xôi hẻo lánh, bị cô lập, những hòn đảo trên biển đang trở thành những mảnh ghép chiến lược quan trọng được nhiều cường quốc đua nhau chiếm đoạt hay tranh giành ảnh hưởng nhằm kiểm soát những vùng lãnh hải bao la. Việc chiếm đóng và xây dựng các đảo đá ngầm ở Biển Đông là một trong số các ví dụ điển hình nhất trong cuộc đua giành đảo này.

Mỏm đá, đảo nhỏ, đảo?

Thống kê của Liên Hiệp Quốc đưa ra một con số ấn tượng : 460.000 đảo trên khắp hành tinh. Từ cổ chí kim, nói đến đảo là nhắc đến nhiều chức năng của đảo : Một vị trí chủ chốt để kiểm soát một eo biển, Điểm giao thương và giao thoa văn hóa, Chốn thiên đường để quay phim giải trí, Một khu bảo tồn sinh thái…

Sự giầu có của một hòn đảo giờ không chỉ gắn liền với mảnh đất hình thành nên nó, và dưới thời thực dân, cho phép cường quốc cai trị đảo trở nên giầu có, mà còn đi liền với cả vùng biển bao bọc đảo – hay đúng hơn với cả đáy biển và những gì chúng cất trữ. Vậy trước hết, như thế nào mới được xem là đảo ? Bà Marie Redon, nhà địa chất học trường đại học Paris 13, tác giả tập sách « Vị thế địa chính trị của các đảo » (Nhà xuất bản Le Cavalier Bleu) giải thích trên đài RFI :

« Định nghĩa nghe có vẻ hiển nhiên. Nếu chúng ta bảo một ai đó « vẽ cho tôi một hòn đảo đi », một cách ngẫu nhiên, chúng ta sẽ có một mảnh đất chung quanh bao bọc nước và điều này chỉ dừng ở đó. Như vậy, một mảnh đất xung quanh toàn là nước, đương nhiên rồi, nhưng mảnh đất nào mới được ? Diện tích mảnh đất đó là bao nhiêu ? Liệu đó có là một mỏm đá, một đảo nhỏ ? Hay đó là một mảnh đất không nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống để được xem là một hòn đảo ? Phải chăng nước Anh vẫn luôn là đảo bất chấp đường hầm dưới biển Manche ? Hay như đảo Ré (phía tây nước Pháp) vẫn luôn là một hòn đảo ?

Thật tình, có điều gì đó thoáng nghĩ có vẻ rất rõ ràng trong định nghĩa về đảo, nhưng đồng thời cũng cực kỳ phức tạp khi chúng ta đi sâu hơn trong khái niệm này. Do vậy, định nghĩa đơn giản : Đó là một mảnh đất chung quanh bao bọc nước. Định nghĩa phức tạp hơn, dĩ nhiên chúng ta sẽ đề cập đến trong suốt chương trình này. Điều quan trọng đối với tôi chính là bản thân định nghĩa về đảo cũng đang trở thành một thách thức địa chính trị và kinh tế quan trọng. »

Vùng đặc quyền kinh tế : 200 hay 350 hải lý ?

Thế rồi xuất hiện một ký hiệu rất dễ thương nhưng có một tầm quan trọng lớn: Đó là EEZ – vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tương đương với 370,4 km) được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS lần III công bố năm 1982. Điều này có nghĩa là từ đường bờ biển, các quốc gia ven biển được quyền tiến ra khơi xa đến 370,4 km. Việc quốc tế công nhận vùng đặc quyền kinh tế EEZ đã mở đường cho quyết định công nhận các đảo quốc nhỏ đang phát triển như là một nhóm quốc gia đặc biệt trong lòng tổ chức quốc tế này 10 năm sau đó. Nhờ có EEZ mà vai trò những đảo quốc nhỏ này cũng tăng dần cùng với thời gian trên bàn cờ địa chính trị.

Lợi ích kinh tế và chiến lược từ biển cả mang về ngày càng lớn do vậy ngày càng có nhiều quốc gia đòi hỏi mở rộng EEZ. Hiện Tòa Án Công Lý Quốc Tế đang xem xét khả năng mở rộng các vùng đặc quyền kinh tế từ 200 hải lý lên đến 350 hải lý. Nghĩa là các nước duyên hải có thể vươn ra khơi xa đến 600 km tính từ bờ biển. Câu hỏi đặt ra : Vì sao là 200 và 350 hải lý ? Bà Marie Redon giải thích tiếp :

« Vì sao là 200 hải lý và 350 hải lý ? Con số 200 hải lý, độ rộng này không phải được chọn một cách ngẫu nhiên. Con số này từng phù hợp và bây giờ vẫn phù hợp với dòng hải lưu Humboldt, đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương. Đòi hỏi 200 hải lý này là do các quốc gia duyên hải như Pêru, Chilê đưa ra nhằm bảo vệ các vùng ngư trường của họ. Bởi vì khi người ta đề cập đến vùng EEZ này, đây là một thuật ngữ rất quan trọng, những quốc gia đó muốn độc quyền bảo vệ các nguồn tài nguyên như thủy sản và tài nguyên dưới lòng đáy biển.

Còn 350 hải lý tương đương với việc mở rộng ranh giới thềm lục địa. Ở đây chúng ta đang bước vào lĩnh vực thuật ngữ hải dương học. Thềm lục địa chính là việc nối dài về mặt kỹ thuật từ đất liền ra biển cả, và thường thì chính sâu dưới thềm lục địa chúng ta sẽ tìm thấy các nguồn dầu khí. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của mọi yêu sách. Bởi vì, những quốc gia nào không có nước láng giềng đối mặt, có thể mở rộng và có một thềm lục địa vượt quá 200 hải lý với nguồn dầu hỏa được tìm thấy hoặc có hy vọng tìm thấy dưới thềm lục địa thì những nước đó sẽ tìm cách đẩy xa hơn nữa giới hạn này. »

Cuộc đua giành đảo : Hoàng Sa, Trường Sa là ví dụ điển hình

Đây chính là trường hợp của nhiều cường quốc lớn hiện nay như Hoa Kỳ, Pháp, vốn dĩ là những quốc gia có EEZ rộng lớn nhất thế giới. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột trong tương lai. Tại Bắc Băng Dương, dưới tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần, băng tuyết tại đây tan nhanh dẫn đến sự thèm muốn sở hữu những vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên chưa được khai thác và có thể sẽ là những con đường hàng hải chiến lược trong tương lai.

Hoa Kỳ, Nga, Canada… bắt đầu khởi động cuộc đua giành quyền kiểm soát nhiều đảo quan trọng. Sự kiện gây chú ý gần đây nhất là ý định mua đảo Groenland bất thành của tổng thống Mỹ Donald Trump do bị Đan Mạch bác bỏ. Vụ việc thoáng nghe có vẻ khôi hài nhưng thật chất đó là cả một ý đồ chiến lược của Mỹ, nhằm bảo vệ sân sau Bắc Cực trước thế mạnh đang lên của Nga và Trung Quốc.

Nếu như các cường quốc xưa và nay rất « chăm chút » cho việc mở rộng ảnh hưởng hàng hải của mình, thì những cường quốc mới trỗi dậy cũng tìm cách chen chân vào cuộc chơi. Trung Quốc, những năm gần đây, một mặt không ngừng mở rộng quan hệ với các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, nhằm triệt tiêu dần nguồn lực ủng hộ của Đài Loan, hòn đảo « cứng đầu, khó trị » luôn tìm cách cưỡng lại mọi ý đồ hợp nhất Đài Loan về với Hoa Lục. Mặt khác, Bắc Kinh liên tục xâm chiếm các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa, rồi tiến hành cải tạo biến chúng thành đảo, lập các tiền đồn quân sự. Hành động này của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị các nước có tranh chấp chủ quyền tại những bãi đá ngầm như Việt Nam, Philippines phản đối gay gắt. Năm 2013, chính quyền Manila quyết định kiện Trung

Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với toàn bộ vùng Biển Đông.

Năm 2016, Tòa án quốc tế La Haye ra phán quyết bất lợi, không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những bãi đá ngầm trên. Về điểm này, bà Marie Redon cho rằng chính hồ sơ này cũng cho thấy rõ có những bất cập và một số kẽ hở pháp lý về cách định nghĩa như thế nào là đảo.

« Thời gian gần đây, tôi cho là khoảng những năm 2016 – 2017, một phán quyết của tòa án Công lý Quốc tế đã được đưa ra nêu rõ định nghĩa về đảo khi cho rằng đảo phải là một mảnh đất nổi lên mặt nước khi thủy triều lên và không phải do nhân tạo, mà phải là tự nhiên. Và yếu tố cuối cùng chính là đảo phải có thể thích hợp với điều kiện sinh sống của con người.

Thế nhưng, thuật ngữ « thích hợp với điều kiện sinh sống con người » lại không mấy rõ ràng. Liệu việc « thích hợp cho điều kiện sinh sống con người » này có được là nhờ vào nguồn cung cấp từ bên ngoài hay là tự thân, điều này chưa mấy rõ. Dẫu sao thì các luật gia, các chuyên gia về luật biển cũng đang suy nghĩ về khái niệm này.

Trong trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa, tôi nhớ là vào năm 2014, chúng tôi có xem những bức ảnh chụp làm cho mọi người phì cười bởi vì quý vị sẽ thấy những hòn đảo ở đây đang phình to ra, đúng hơn là những đảo nhỏ, những mỏm đá đang phình to. Bởi vì Trung Quốc hy vọng có thể biến các mỏm đá thành đảo, những bãi đá không nhô lên khỏi mặt nước lúc thủy triều lên và những bãi đá này không hề có quy chế đảo.

Biến bãi đá ngầm thành đảo khi cho xây dựng ở đó các cảng sân bay trực thăng, cảng biển … phán quyết của La Haye đưa ra là « Không ». Đây không phải là những hòn đảo. Đó chỉ là những bãi đá ngầm, do vậy quý vị không được quyền có vùng đặc quyền kinh tế EEZ cùng với các mục tiêu địa chất. Quý vị chỉ có quyền một vùng lãnh hải 6 hải lý nhưng không có quyền vùng EEZ. »

Mỗi một siêu cường một « bảo bối »

Không chỉ tại Biển Đông, tham vọng của Trung Quốc còn mở rộng sang cả vùng Ấn Độ Dương, cạnh tranh với Ấn Độ giành quyền kiểm soát tuyến lưu thông hàng hải thiết yếu qua việc lập các căn cứ quân sự hay xây cảng biển tại các nước đối tác trong khu vực với dự án « chuỗi ngọc » nổi tiếng. Bà Marie Redon tóm lược chính sách chinh phục đảo của Trung Quốc cũng như một số cường quốc như sau.

« Để tóm tắt, về tình hình Biển Đông, tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tại Ấn Độ Dương, nếu nhìn trên bản đồ, người ta nhận thấy là không gian hàng hải ở đây thật sự bị khép kín và căng thẳng gia tăng bởi vì một cuộc đua chiếm hữu không chỉ về mặt lãnh thổ thông qua việc chiếm đảo, mà nhất là cả « đất biển » như vùng EEZ, những gì mang lại cho Trung Quốc quyền khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, dầu hỏa và cả với việc kiểm soát lối đi chiến lược.

Bởi vì, 90% giao thương thế giới đều được thực hiện bằng con đường hàng hải. Đương nhiên, việc có một hòn đảo nằm ngay giữa một eo biển giống như trường hợp nước Pháp tại eo biển Mozambic đối với quần đảo Eparses chẳng hạn, điều đó đồng nghĩa với việc có quyền giám sát những gì đang xảy ra và ai đi qua eo biển này ! »

Tóm lại, trong cuộc đua giành đảo này, Trung Quốc không hề đơn thương độc mã. Mỗi một siêu cường đều nhắm một « bảo bối » riêng. Về việc Trung Quốc chiếm lấy toàn bộ Biển Đông, phương Tây cũng khó mà lên tiếng, nên chỉ đành chấp nhận ở việc kêu gọi « tự do lưu thông hàng hải » mà thôi !

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190926-cuoc-dua-gianh-dao-uu-the-hang-hai