Đọc báo Pháp – 26/03/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 26/03/2020

Trung Quốc biến chiến tranh y tế

thành chiến tranh ý thức hệ

Trọng Nghĩa

Đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới tiếp tục ngự trị trên trang nhất các báo ra ngày 26/03/2020. Libération và Le Figaro tập trung trên tình hình Pháp, Les Echos quan tâm đến tai họa đang ập xuống nước Mỹ, còn Le Monde và La Croix mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Le Monde lo ngại trước khủng hoảng kinh tế, trong lúc La Croix ghi nhận sự trở lại của “chủ nghĩa can thiệp” Nhà Nước. Ảnh hưởng địa chính trị của dịch cũng được Les Echos nêu bật trong bài “Trung Quốc biến chiến tranh y tế thành chiến tranh ý thức hệ”

Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh Frédéric Schaeffer trước hết ghi nhận sự kiện là trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể việc gởi khẩu trang và thiết bị y tế, thậm chí cả chuyên gia chống dịch đi khắp nơi trên thế giới.

Báo chí chính thức của Trung Quốc đã tuyên truyền rộng rãi về những hoạt động này, trong lúc bộ Ngoại Giao tại Bắc Kinh nói đến con số 82 quốc gia trên thế giới đã được Trung Quốc trợ giúp về y tế.

Ngoài các khoản viện trợ từ chính phủ, các đại tập đoàn Trung Quốc như Tencent, Alibaba, Huawei, Fosun… cũng tỏ ra rất hào phóng đối với các nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của Les Echos, khi tiến hành “chính sách ngoại giao khẩu trang” đó, Bắc Kinh muốn tìm cách “thay đổi hình ảnh tiêu cực của họ trên trường quốc tế, làm cho mọi người quên đi rằng Trung Quốc là cái nôi của dịch bệnh để xuất hiện như một vị cứu tinh của nhân loại”.

Chính sách ngoại giao khẩu trang của Bắc Kinh bị Mỹ chỉ trích

Trong bối cảnh các nước khác không nói gì, Frederic Schaeffer ghi nhận: “Chính sách ngoại giao khẩu trang của Bắc Kinh bị Washington cực lực chỉ trích”.

Theo Les Echos, Covid-19 đã xen vào cuộc đọ sức Mỹ – Trung. Theo lời Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một sử gia tại Bắc Kinh: “Vào lúc mà Mỹ cũng bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề, Trung Quốc nghĩ là đã đến lúc họ đứng lên giành quyền lãnh đạo thế giới”.

Les Echos nêu ra một ví dụ đầy ý nghĩa. Hiệp hội Jack Ma của Mã Vân, người sáng lập tập đoàn Trung Quốc Alibaba, thông báo sẽ giúp 24 quốc gia Châu Mỹ La Tinh, vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

Âm mưu chối tội

Theo nhật báo kinh tế Pháp, đi xa hơn là cái gọi là “ngoại giao khẩu trang” đó, Bắc Kinh tìm cách gỡ thể diện bằng cách cố viết lại lịch sử. Những ngày qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc và nhiều đại sứ đã gợi lên, nhưng không trưng ra bằng chứng, giả thuyết theo đó có thể là quân đội Mỹ đã đưa virus vào Trung Quốc.

Washington thì dùng những từ ngữ làm Bắc Kinh bực tức, ông Donald Trump đã nhiều lần nói đến “virus Trung Quốc”.

Les Echos ghi nhận: Hôm thứ Tư, 25/03, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã còn đi xa hơn khi nói sau cuộc họp nhóm G7 là: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe đọa quan trọng cho sức khỏe và cách sống của chúng ta ; như dịch bệnh đã chứng minh rõ ràng”.

Theo ông Pompeo: “Các quốc gia G7 rất ý thức về chiến dịch thông tin giả mà đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lao vào để phủ nhận trách nhiệm”.

Le Monde: Khủng hoảng kinh tế núp bóng khủng hoảng y tế

Về dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, Le Monde đặc biệt chú ý đến nguy cơ “Khủng hoảng kinh tế ở phía sau khủng hoảng y tế”, tựa lớn chạy trên năm cột trang nhất.

Theo Le Monde, vào lúc đại dịch đã khiến hoạt động kinh tế chùng hẳn lại ở rất nhiều nước, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về khả năng nền kinh tế đột ngột đình đốn.

Tại Pháp, bộ trưởng kinh tế Bruno Lemaire đã cố biện hộ cho một chính sách phong tỏa thông thoáng, cho phép guồng máy sản xuất tiếp tục vận hành. Một cách cụ thể, chính quyền Pháp đang chuẩn bị một loạt pháp lệnh nhằm nới lỏng các quy định về thời gian lao động và nghỉ phép ăn lương, cũng như tạo thêm thuận lợi cho việc áp dụng chế độ sa thải bán phần.

Trên bình diện quốc tế, trước bóng ma kinh tế sụp đổ như vào năm 2008 với vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản, thậm chí nguy cơ một trận đại suy thoái như vào thời 1929, các Nhà Nước và Ngân Hàng Trung Ương đang tiếp tục ồ ạt bơm thanh khoản vào các nền kinh tế.

Một ví dụ điển hình được Le Monde phân tích là sự kiện Thượng Viện Mỹ đã thông qua một kế hoạch cứu nguy kinh tế thời đại dịch Covid-19 trị giá 2000 tỷ đô la, với hy vọng giúp kinh tế tránh được nguy cơ sụp đổ.

Tinh hình châu Phi đáng lo ngại

Trên bình diện khủng hoảng y tế thuần túy liên quan đến Covid-19, Le Monde đặc biệt lo lắng cho số phận của châu Phi.

Bên trên một bức ảnh màu trên trang nhất, cho thấy một đại biểu dân cử ở thành phố Kampala, thủ đô Uganda, tay cầm loa mặt đeo một cái khẩu trang được kéo trễ xuống cằm, tờ báo chạy tựa “Châu Phi không vũ khí trước một thảm họa được dự báo”.

Le Monde ghi nhận là đại dịch đã lan ra rất nhiều nước trên lục địa đen, và các hậu quả sẽ rất khủng khiếp trên một lục địa đa phần thiếu vắng các cơ cấu y tế.

La Croix: Khẩn cấp cần Nhà Nước

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn trên thế giới, gây đại họa về kinh tế, buộc chính quyền khắp nơi phải can thiêp, nhật báo La Croix đã tóm tắt tình hình trong một tựa lớn đơn giản ở trang nhất: “Khẩn cấp cần Nhà Nước”.

Theo tờ báo Công Giáo, ở Pháp cũng như ở khắp nơi trên thế giới, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra đánh dấu sự trở lại của việc Nhà Nước can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, với hàng loạt các kế hoạch phục hồi kinh tế khổng lồ được liên tiếp tung ra khắp nơi để trợ giúp những tác nhân kinh tế đối phó với tác hại của đại dịch.

Câu hỏi mà La Croix đặt ra là liệu vai trò can thiệp của Nhà Nước vào kinh tế đó có sẽ kéo dài hay không, hay là chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi.

Liên Hiệp Châu Âu cần chứng tỏ tính hữu ích

La Croix cũng đặc biệt chú ý đến cuộc họp dự trù hôm nay của lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu về phương cách đối phó với dịch Covid-19 và cho rằng “Liên Hiệp Châu Âu bị buộc phải đạt được kết quả”.

Đối với La Croix, nhân “Hội nghị thượng đỉnh từ xa” vào hôm nay, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã tự đặt ra một thách thức là chứng minh sự hữu ích của mình. Ủy Ban Châu Âu đã chủ trương vận dụng năng lực kinh tế của mình để “băng bó” các vết thương thời hậu đại dịch Covid-19.

Câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra là liệu Châu Âu có thể đoàn kết được với nhau trong bối cảnh toàn lục địa đã trở thành tâm chấn của dịch Covid-19? Đây là điều 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu phải chứng minh trong bối cảnh họ cũng cần thống nhất lập trường về cách đối phó với dịch bệnh ở cấp châu Âu.

Le Figaro: Bi kịch cho những người cao tuổi

Về dịch Covid-19 tại Pháp, Le Figaro chú ý số phận những người già. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất: “Người cao tuổi: Bi kịch đằng sau cánh cửa đóng kín của các viện dưỡng lão”

Theo nhận định của Le Figaro, đối với sự lây lan của con virus corona và sự gia tăng tàn bạo của số người chết, các cơ sở dành cho người già không khả năng tự chăm sóc tại Pháp đã lên tiếng kêu cứu.

Khi sự lây lan của dịch Covid-19 tăng tốc ở Pháp, khủng hoảng y tế đã trở nên rất nghiêm trọng tại các viện dưỡng lão, tập hợp gần 850.000 người. Một số cơ sở đã bị nghẹt thở trước một tỷ lệ tử vong cao bất thường.

Sự thiếu vắng một chính sách xét nghiệm không cho phép biết rõ là liệu nguyên nhân có phải do con virus corona hay không. Những trường hợp tử vong này không được tính trong các thống kê được ông tổng cục trưởng Y Tế công bố hàng ngày.

Để bảo vệ những người cao tuổi khỏi bị lây nhiễm, từ nhiều ngày qua, gia đình không còn được phép đến thăm. Tuy nhiên bên trong các viện dưỡng lão, phương tiện để ngăn ngừa virus lây lan rất thiếu.

Ngoài việc không có công cụ xét nghiệm, kể cả đối với các nhân viên chăm sóc, các thiết bị bảo vệ rất thiếu. Chính phủ Pháp hiện đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ phía giới điều hành các viện dưỡng lão.

Theo Le Figaro, vào lúc “Những người sống trong các viện dưỡng lão phải sống trong tình trạng cô đơn”, thì “các gia đình có người già hiện đang phải sống trong nỗi sợ hãi, lo âu”

Libération: Y tế Pháp báo động đỏ

Cũng khai thác chủ đề dịch Covid-19 tại Pháp, trong tựa lớn trang nhất: “Tất cả các chỉ số đều màu đỏ”, tờ Libération đã lên tiếng báo động về làn sóng bệnh nhân mới sắp tràn ngập các bệnh viện Pháp.

Trong bài viết mang tựa đề rất tượng hình: “Virus corona: Các bệnh viện chìm dưới nước”, Libération cho biết là ông Martin Hirsch lãnh đạo cơ quan quản lý các bệnh viện công ở Pháp (APHP) đã gióng lên hồi chuông báo động về cú sốc cận kề mà ngành y tế Pháp phải đối phó.

Theo ông, hiện nay các bệnh viện đang gần đến điểm bị gãy đổ vì không còn sức chứa. Giường bệnh và thiết bị đang rất thiếu, các nhân viên y tế bị ngập đầu trong công việc và đáng lo ngại hơn cả, số người bị nhiễm Covid-19 trong số họ càng lúc càng nhiều.

Đối với Libération, toàn thể nước Pháp cần phải tổng động viên để đối phó với làn sóng dịch bệnh sắp đổ ập xuống.

Trong tình hình đó, Libération đã ghi nhận sự kiện “Từ Alsace (thành phố miền Đông nước Pháp, một ổ dịch lớn tại Pháp, Tổng thống Macron kêu gọi “đoàn kết” và hứa hẹn một “đại kế hoạch” cho các bệnh viện.

Les Echos: Virus đổ ập xuống nước Mỹ

Như nói ở trên nhật báo Les Echos đặt trọng tâm trên tình hình Hoa Kỳ. Tờ báo chạy tựa lớn trang nhất: “Virus đang đổ ập xuống nước Mỹ”.

Sau khi ghi nhận sự kiện là tại New York, các bệnh viện đã quá tải, tờ báo nhấn mạnh đến nhận định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới theo đó “Hoa Kỳ sẽ là tâm chấn tiếp theo của đại dịch toàn cầu”.

Les Echos dĩ nhiên là đã quan tâm đến đối sách chống tác hại kinh tế của dịch Covid-19 mà chính quyền Mỹ đưa ra, với “Thỏa thuận về kế hoạch cứu nguy kinh tế 2.000 tỷ đô la” đã được cả hai viện Quốc Hội thông qua. Tờ báo cũng chú ý đến “Kho vũ khí chống khủng hoảng của Nhà Trắng” bao gồm việc cấp tiền trực tiếp cho người dân, cấp tín dụng dễ dàng và giảm các khoản phí mà doanh nghiệp phải chịu.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200326-trung-qu%C3%B4%CC%81c-bi%C3%AA%CC%81n-chi%C3%AA%CC%81n-tranh-y-t%C3%AA%CC%81-tha%CC%80nh-chi%C3%AA%CC%81n-tranh-y%CC%81-th%C6%B0%CC%81c-h%C3%AA%CC%A3

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Hiến binh Pháp đầu tiên chết vì Covid-19. 

Theo thông báo của Hiến binh quốc gia Pháp, đã có một hiến binh đầu tiên chết vì dịch Covid-19. Hiến binh này chết tại nhà riêng ở Maisons-Alfort, vùng Val-de-Marne, ngoại ô Paris.

(AFP) – Tour de France không có khán giả ? 

Hôm nay, 26/03/2020, bộ trưởng Thể Thao Pháp Roxana Maracineanu cho rằng có thể tổ chức cuộc đua xe đạp Vòng đua Pháp Quốc (Tour de France) 2020 không có khán giả, do tình hình dịch Covid-19. Từ khi ra đời năm 1903 đến nay, Tour de France chỉ có 2 lần không được tổ chức, khi nổ ra 2 cuộc thế chiến.

(AFP) – Tại Pháp, phi trường Orly và Beauvais tạm đóng cửa.

Ngành hàng không quốc tế gần như tê liệt hoàn toàn vì virus corona. Sân bay quốc tế Pháp Orly thông báo đóng cửa kể từ ngày 31/03/2020, còn sân bay Beauvais, vùng Oise, cách Paris khoảng 70km, đã tạm đóng cửa từ chiều 25/03/2020. Tất cả các chuyến bay đến Paris đều được chuyển về phi trường Charles de Gaulle.

(AFP) – Covid-19 : Pháp rút quân khỏi Irak. 

Tư lệnh Pháp ngày 25/03/2020 thông báo do đại dịch Covid-19 đã bùng phát tại Trung Đông, Pháp rút lực lượng làm công tác đào tạo cho quân đội chính phủ Bagdad khỏi Irak. Iran, nước láng giềng sát cạnh, ghi nhận gần 1.700 người thiệt mạng vì virus corona. Riêng trên lãnh thổ Irak có hơn 230 ca nhiễm và 20 trường hợp tử vong.

(AFP) – Lầu Năm Góc ngưng điều động binh lính Mỹ trên thế giới trong hai tháng nhằm ngăn chận dịch Covid-19. 

Đó là thông báo của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper hôm qua, 25/03/2020. Quyết định này có hiệu lực đối với cả việc triển khai và hồi hương các binh lính ở các chiến trường.

(AFP) – Chức sắc cao cấp của Vatican bị nhiễm virus corona. 

Theo hãng tin Ansa của Ý và hai nhật báo Ý Il Messagero và La Stampa hôm nay, 26/03/2020, một chức sắc cao cấp, sống trong cùng dinh thự với giáo hoàng Phanxicô trong tòa thánh Vatican, đã được xét nghiệm là dương tính với virus corona hôm qua. Cũng theo báo chí Ý, giáo hoàng Phanxicô, năm nay 83 tuổi, chưa bị nhiễm virus.

(Reutes) – Matxcơva đình chỉ tất cả các chuyến bay đến hay xuất phát từ Nga. 

Lệnh cấm được ban hành hôm 26/03/2020 và có hiệu lực kể từ ngày mai. Đô trưởng Matxcơva vừa ban hành lệnh đóng cửa tất cả các hàng quán, ngoại trừ cửa hiệu bán nhu yếu phẩm và các nhà thuốc tây. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28/03/2020 đến 05/04/2020.

(AFP) – Covid-19 : Bệnh viện công tại Luân Đôn phải “triền miên” đối mặt với “sóng thần”. 

Phát biểu trên đài BBC hôm 26/03/2020, Chris Hopson, một quan chức Y Tế Anh đưa ra tuyên bố như trên và nói thêm số bệnh nhân tăng rất nhanh trong những tuần qua và đó thường là những ca rất nặng. Thêm vào đó, có từ 30 đến 50 % nhân viên y tế tại các bệnh viện công đã phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Theo thống kê mới nhất tính đến chiều qua, trên toàn nước Anh có hơn 9.500 người nhiễm, và 463 ca tử vong.

(AFP) – Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. 

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ngày 25/03/2020 cho biết chiếc USS McCambbelle, một tuần dương hạm với tên lửa dẫn đường, đã đi qua eo biển Đài Loan. Đài Bắc xem đây là một hoạt động “bình thường”.

http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200326-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 26/3:

Tổng giám đốc WHO khen ông Trump;

Phó thủ tướng Tây Ban Nha nhiễm nCoV

Lục Du

Sáng nay, thứ Năm (26/3), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:

Tổng giám đốc WHO khen ông Trump

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư (25/3) đã ca ngợi vai trò lãnh đạo của Tổng thống Trump trong việc xử lý sự bùng phát của virus Vũ Hán, nói rằng ông chủ Nhà Trắng đang “đảm nhận trách nhiệm” dẫn dắt nước Mỹ phản ứng với đại dịch toàn cầu, theo Fox News.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã nhiều lần kêu gọi các nguyên thủ quốc gia lãnh đạo “toàn bộ chính phủ” để đối phó với COVID-19 và nói rằng ông Trump đang làm điều đó.

“Đó chính xác là những gì ông ấy đang làm, và chúng tôi đánh giá cao điều này, bởi vì chiến đấu với đại dịch này cần có cam kết chính trị”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo buổi chiều tại Geneva.

Ông Tedros nói rằng ông và Tổng thống Trump gần đây đã có những trao đổi về dịch COVID-19 và Tổng thống Mỹ đang “làm tất cả những gì có thể”. Tổng giám đốc WHO cho biết thêm: “Tôi tin rằng các cam kết và lãnh đạo chính trị có thể mang tới sự thay đổi hoặc có thể chặn đứng đại dịch này”.

Phó thủ tướng Tây Ban Nha nhiễm nCoV

Theo tuyên bố hôm ngày 25/3 của chính phủ Tây Ban Nha, Phó thủ tướng Carmen Calvo, 63 tuổi, ban đầu cho kết quả âm tính với nCoV, tuy nhiên, xét nghiệm lần hai hôm 24/3 cho thấy bà đã nhiễm virus.

Theo Reuters, bà Carmen Calvo đang trong tình trạng ổn định và đang được điều trị. Hai ngày trước đó, bà nhập viện với lý do nhiễm trùng đường hô hấp.

Hơn 3 tỷ người trên thế giới bị phong tỏa vì virus Vũ Hán

Theo AFP, tính tới thứ Tư (25/3), đã có hơn 3 tỷ người trên thế giới phải sống trong điều kiện bị phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus Vũ Hán, trong khi số người chết vì loại virus nguy hiểm này tăng vọt tại châu Âu và Mỹ.

Theo thống kê của Worldometers, số người chết và nhiễm bệnh trong đại dịch COVID-19 tính tới 5h:11, ngày 26/3 (giờ Việt Nam) ở 198/204 nước và vùng lãnh thổ, lần lượt là 21.148 và 466.752.

“COVID-19 đang đe dọa toàn bộ nhân loại, và toàn bộ nhân loại phải chiến đấu chống lại”, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres nói và kêu gọi gói tài chính 2 tỷ USD để giúp đỡ người nghèo trên thế giới trong đại dịch. “Hành động toàn cầu và đoàn kết là rất quan trọng. Phản ứng của từng quốc gia sẽ không đủ”, ông Antonio nói thêm.

Vi phạm lệnh chống nCoV, hơn 900 người Tây Ban Nha bị bắt

Tây Ban Nha đã bắt giữ hơn 900 người vi phạm các mệnh lệnh của chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, trong bối cảnh số người chết vì virus Vũ Hán tính tới hết ngày thứ Tư (25/3) ở nước này đã vượt qua Trung Quốc, theo Fox News.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, Fernando Grande-Marlaska, nói rằng 926 người vi phạm lệnh hạn chế đi lại đã bị bắt giữ. Theo báo báo của cảnh sát, có 102.000 người có biểu hiện bất tuân các lệnh phòng chống dịch của chính phủ.

Theo thống kê của Worldometers, tính tới 7h07 ngày 26/3 (giờ Việt Nam), Tây Ban Nha ghi nhận 49.515 ca nhiễm virus Vũ Hán và 656 ca tử vong.

Pháp rút quân khỏi Iraq vì vì ảnh hưởng của virus Vũ Hán

Do sự bùng phát của dịch COVID-19, Pháp sẽ rút tất cả các đơn vị quân đội đang đồn trú ở Iraq cho đến khi có thông báo mới, bà Florence Parly, Bộ trưởng Quân lực Pháp, cho biết hôm thứ Tư (25/3).

“Pháp đã đưa ra quyết định hồi hương [binh sĩ] cho đến khi có thông báo mới về nhân sự được triển khai trong chiến dịch Chammal ở Iraq”, Reuters dẫn lời bà Florence, và cho biết thêm rằng có khoảng 100 trăm binh sĩ Pháp ở Iraq sẽ được hồi hương.

Hiện Iraq, nơi lực lượng của Pháp đồn trú, tính tới sáng ngày 26/3, có 346 người nhiễm virus Vũ Hán, trong số đó  29 người đã tử vong.

Theo thống kê của Worldometers, tính tới 7h07 ngày 26/3 (giờ Việt Nam), Pháp ghi nhận 25.233 ca nhiễm virus Vũ Hán và 1.331ca tử vong.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-26-3-tong-giam-doc-who-khen-ong-trump-pho-thu-tuong-tay-ban-nha-nhiem-ncov.html

 

Điểm tin thế giới chiều 26/3:

Đặc phái viên Hoa Kỳ nói

Trung Quốc gây nguy hiểm cho thế giới

Băng Thanh

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (26/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Đặc phái viên Hoa Kỳ nói Trung Quốc gây nguy hiểm cho thế giới

Theo Reuters, Đại sứ Hoa Kỳ tại Luân Đôn cho biết Trung Quốc đã gây nguy hiểm cho thế giới bằng cách đàn áp thông tin về sự bùng phát của virus Vũ Hán khiến cho virus này lan rộng ra khắp thế giới.

“Đầu tiên họ cố gắng trấn áp tin tức”, Đại sứ Woody Johnson viết trong một bài báo đăng trên tờ The Times hôm 26/3, nói thêm rằng Bắc Kinh đã chia sẻ thông tin quan trọng về dịch bệnh cho thế giới một cách “chọn lọc” trong khi gây trở ngại cho các cơ quan y tế quốc tế.

“Nếu Trung Quốc hành động đúng vào đúng thời điểm, nhiều người dân hơn và phần còn lại của thế giới, có thể đã tránh được tác động nghiêm trọng nhất của căn bệnh này”, Đại sứ viết.

Nghị sĩ Hoa Kỳ đề xuất đạo luật ‘Không Trung Quốc’

Taiwan News hôm 26/3 đưa tin, ông Matt Gaetz, Nghị sĩ Hoa Kỳ hôm 24/3 đã giới thiệu đạo luật ‘Không Trung Quốc’ đến Nghị viện Mỹ để đảm bảo rằng, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tại Hoa Kỳ sẽ không nhận được viện trợ về ảnh hưởng của virus Vũ Hán.

Trong thông cáo báo chí từ văn phòng của nghị sĩ Gaetz, nghị sĩ cho biết mục đích của “Đạo luật Không Trung Quốc” là đảm bảo các công ty nhà nước Trung Quốc tại Hoa Kỳ không nhận được tiền đóng thuế của người Mỹ từ các gói viện trợ của Nghị viện.

Theo dự luật, không có khoản tiền nào được sử dụng cho năm 2020 có thể được sử dụng vì lợi ích của bất kỳ doanh nghiệp Trung Quốc nào, hoặc bất kỳ công dân Hoa Kỳ hoặc nước ngoài nào chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

Theo Reuters, vào hôm 25/3, tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan trong bối cảnh quân đội Trung Quốc gần đây liên tục diễn tập gần hòn đảo.

“Chuyến di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ Anthony Junco hôm 25/3 cho biết.

Chiến hạm Mỹ di chuyển về hướng bắc và được lực lượng vũ trang Đài Loan theo dõi. “Đây là nhiệm vụ bình thường, không có gì đáng lo ngại”, cơ quan phòng vệ hòn đảo ra thông cáo cho hay.

Đây là lần thứ ba tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay

9 bác sĩ tử vong, nhiều bệnh viện Philippines quá tải

Theo AFP, 9 bác sĩ ở Philippines đã tử vong vì virus Vũ Hán, trong khi nhiều bệnh viện quá tải và nhân viên y tế tuyến đầu không đủ thiết bị bảo hộ.

“Giá tôi được quyền quyết định, tôi sẽ cho xét nghiệm những nhân viên y tế tuyến đầu và xét nghiệm lại cho họ sau 7 ngày. Các bác sĩ có thể là những mầm bệnh”, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Philippines Benito Atienza hôm nay (26/3) cho hay.

Philippines hiện có hơn 630 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 38 trường hợp đã tử vong. Thông báo về các bác sĩ tử vong đã làm gia tăng thêm lo ngại rằng quy mô cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán ở Philippines tồi tệ hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.

Trung Quốc: Sau virus Vũ Hán, tới virus hanta gây chết người

Một người đàn ông ở Trung Quốc tử vong đầu tuần này khi đang đi xe buýt trở lại tỉnh Sơn Đông để làm việc. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông này dương tính với virus hanta, khiến giới chức trách phải tiến hành xét nghiệm thêm 32 người khác trên cùng chuyến xe với nạn nhân, theo Global Times.

Hiện chưa có kết quả xét nghiệm của 32 người liên đới. Triệu chứng của bệnh này bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, ớn lạnh. Các triệu chứng sau đó có thể có ho, khó thở.

Theo Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), căn bệnh này lây lan từ chuột, không thể lây từ người sang người, nhưng thường được truyền sang bệnh nhân khi họ hít thở không khí bị nhiễm virus từ phân chuột. Cũng có thể nạn nhân bị nhiễm virus do bị một con chuột bệnh cắn, hoặc sờ phải vật gì đã bị nhiễm nước tiểu, phân, hay nước bọt của chuột rồi chạm vào mắt, mũi, miệng. Cũng có thể nạn nhân bị nhiễm virus khi ăn phải thực phẩm bị dính phân, nước tiểu, nước bọt của con chuột bệnh.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-26-3-dac-phai-vien-hoa-ky-noi-trung-quoc-gay-nguy-hiem-cho-the-gioi.html

 

Tạp chí khoa học

Chloroquine: “Thần dược” trị Covid-19?

Minh Anh

Dịch virus corona chủng mới tiếp tục lan rộng trên khắp hành tinh cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng và làm hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh. Hơn 1/3 dân số thế giới phải « tự giam lỏng » trong nhà để kềm hãm đà lây lan dịch bệnh. Trong hành trình tìm kiếm một « thần dược » để trị virus corona mới này, một loại thuốc đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt : Sử dụng các loại thuốc có chứa Chloroquine.

Được chiết xuất từ vỏ cây Chinchona ofcinalis ở Peru, chloroquine xuất hiện trên thị trường dược phẩm của Pháp từ năm 1949 dưới tên gọi Nivaquine, sau này là Plaquenil do hãng dược Sanofi bào chế. Thế nhưng, tranh luận bùng nổ khi giáo sư Didier Raoult, lãnh đạo Viện Nhiễm trùng học Địa Trung Hải ở Marseille, dựa vào các nghiên cứu của Trung Quốc và một số thử nghiệm lâm sàng tại viện của ông, khẳng định rằng chloroquine có thể chữa trị bệnh nhiễm virus corona. Vị bác sĩ có uy tín tại Pháp cũng như trên thế giới còn đi xa hơn khi đề xuất cho sử dụng đại trà trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus này.

Tuyên bố này của ông đã gây chia rẽ giới khoa học phương Tây. Một số bệnh viện Pháp cho rằng sẽ sử dụng thuốc này nhưng số khác thì tỏ ra dè dặt, vì nghiên cứu chỉ mới thực hiện trên một số ít nạn nhân (trên thực tế là 24 người), do vậy khó đánh giá được hiệu quả thật sự của thuốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình cấp bách, Hội đồng cấp cao y tế công cộng khuyến nghị chỉ nên dùng chloroquine đối với những ca nghiêm trọng, trong khi chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng tại châu Âu với sự tham gia của 8 nước. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo cẩn trọng trước một « hy vọng giả tạo », trong khi tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hồ hởi, tuyên bố có thể cho sử dụng chloroquine để trị virus corona, bất chấp thái độ dè dặt của giới chức y tế Mỹ.

Vì sao chloroquine lại làm dấy lên nhiều tranh luận như vậy ? Vậy chloroquine là thuốc gì ? Tác dụng thật sự của thuốc ra sao trong việc điều trị virus corona  mới  ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh.

*****

RFI : Kính chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Trước hết, bác sĩ có thể cho biết tác dụng thật sự của chloroquine là gì ?

BS. Trương Hữu Khanh: « Thật ra thuốc chloroquine này là một loại thuốc kinh điển, trong ngành y khoa đã dùng từ lâu. Đó là một loại thuốc để điều trị bệnh sốt rét, vốn là một loại ký sinh trùng có thể lây trung gian từ muỗi qua người. Bên cạnh đó, chloroquine còn được dùng để trị một số bệnh lý mãn tính về khớp, miễn dịch như là virus. Đó không phải là một thuốc gì lạ trong ngành y khoa cả. »

RFI : Có ý kiến cho rằng chloroquine có thể dùng để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thực hư thế nào ?

« Chloroquine từng được sử dụng trong điều trị nhiễm virus hồi đợt dịch SARS năm 2003. Nhưng rất tiếc là sau đó SARS tự tiêu đi. Khi đó, người ta đã dùng chloroquine, bỏ vào trong tế bào thì thấy là ức chế được con virus nhóm SARS. Sau đó thì người ta cũng dùng chloroquine này thử nghiệm trên loài linh trưởng thì cũng cho thấy có tác dụng.

Tuy nhiên, đối với khoa học, việc muốn chứng minh có tác dụng trên người đòi hỏi một thời gian. Với tình trạng bệnh nhiều như hiện nay, thì các nhà y khoa phải lục lại tất cả các thuốc trong quá khứ, hoặc là các thử nghiệm một số bệnh khác để ứng dụng cho SARS-Cov-2, gọi là Covid-19, điều đó là không quá ngạc nhiên. Đó chính là vai trò của người làm công tác điều trị, các nhà khoa học bắt buộc phải làm như vậy.

Thế nhưng, để đánh giá mức độ có tác dụng thật sự hay không đòi hỏi phải có thời gian. Đôi khi, vào cuối sau trận dịch, người ta ngồi tổng kết lại với nhau thì mới biết được ‘‘ ah, cái này có tác dụng thật sự’’ hay là không có tác dụng. Nếu chỉ có một vài ca nghiên cứu chưa có kết luận một cách chắc chắn. Điều này cũng tương tự như các loại thuốc khác, cho nên việc áp dụng điều trị chỉ nên sử dụng ở trong bệnh viện và do các nhà nghiên cứu thực hiện, không nên sử dụng ở bên ngoài. »

RFI : Như vậy theo như bác sĩ nói, người dân không nên tự ý đi mua hay trữ thuốc chloroquine ở nhà nếu cảm thấy có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19 ?

« Đúng vậy. Chúng ta biết là một loại thuốc, nhất là chloroquine này, liều điều trị và liều độc tính gây tử vong rất là gần nhau, đòi hỏi phải chính xác và đúng nữa. Nếu chúng ta tự mua thuốc để dành rồi tự uống thì rất nguy hiểm.

Có hai điểm chúng ta phải chú ý. Thứ nhất là nếu chúng ta bị sốt, rồi uống vô mà chúng ta không chắc hẳn là bị SARS-Cov 2 này, nếu chúng ta uống vô mà không cẩn thận liều, thứ nhất là không có tác dụng và thứ hai là nguy hiểm.

Điểm thứ hai là có nhiều người uống để ngừa, không có virus tấn công, thì mình cũng không biết được là ngừa đến chừng nào. Bởi vì mình có thể bị virus tấn công bất cứ lúc nào vì nếu mình không có một phương pháp sinh hoạt để ngừa virus. Bởi vì nếu mình uống thuốc ngừa thì phải uống hoài. Mà uống hoài như vậy sẽ ảnh hưởng đến gan thận. Đến một lúc nào đó uống sai, thì có khả năng sẽ bị ngộ độc.

Thứ ba nữa là nếu mình để thuốc này trong nhà, mình giữ, có khả năng những người nào đó trong cùng gia đình bị bệnh lú lẫn chẳng hạn, họ uống sai mà nhất là trẻ con thì khả năng tử vong rất là cao. Do vậy, nếu có nghe nói chloroquine có khả năng điều trị Covid-19, thì đương nhiên điều này có lẽ là đáng mừng nhưng tất cả những điều đó nên dành cho người điều trị làm, bác sĩ trực tiếp điều trị ca bệnh làm. Bởi vì nên biết là đa số những người bị bệnh Covid-19 là tự khỏi, cho nên để kết luận xem là chloroquine có tác dụng đòi hỏi phải có một thời gian nhất định ».

RFI : Phải chăng Việt Nam cấm bán chloroquine ? Vì sao ?

« Thật ra chloroquine lúc trước đưa vô không được bán nhiều cho một ai đó, bởi vì đây là loại thuốc họ dùng để tự tử. Hiện nay do những lời đồn như thế thì có một số người săn thuốc đó để ở nhà ».

RFI : Trong tình hình khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, bác sĩ có thể cho biết trên thế giới hiện nay có bao nhiêu phác đồ điều trị Covid-19 ?

« Thật ra khi gặp một ca viêm phổi siêu vi, chúng ta phải hiểu là đa số các siêu vi chúng ta không có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên phác đồ điều trị chuẩn của viêm phổi siêu vi chung cũng như là cho Covid-19 không hề khác nhau. Nghĩa là chúng ta sẽ điều trị triệu chứng. Nếu mà có suy hô hấp, chúng ta sẽ can thiệp suy hô hấp đó cho tới mức độ cao nhất là thở máy. Và nếu có những rối loạn về chức năng của các cơ quan khác thì điều trị chỉnh các chức năng đó lại và chờ cho cơ thể tự hồi phục và đẩy con virus ra khỏi cơ thể.

Còn lại có những phác đồ điều trị mà chúng ta có thể thấy sử dụng thuốc chloroquine hay là những thuốc mới như Remdesivir… Những kháng sinh đó thật sự ra chỉ là trong vòng nghiên cứu thôi và khác biệt của kháng sinh có mục tiêu là để điều trị bội nhiễm. Chúng ta biết là khi nó bội nhiễm, vi khuẩn và nhất là vi khuẩn trong bệnh viện có thể gây tử vong rất là cao do tính kháng thuốc cao. Thật ra không có một phác đồ điều trị nào khác được với nhiễm khuẩn siêu vi, bởi vì hiện nay, thuốc điều trị đặc hiệu của Covid-19, điều trị đúng vào con virus đó hiện nay vẫn còn nghiên cứu. »

http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200326-chloroquine-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-covid19