Đọc báo Pháp – 25/10/2019
Những cuộc nổi dậy tại các nền dân chủ
Những “cuộc đọ sức” dưới muôn hình vạn trạng chiếm nhiều trang báo Paris ngày 25/10/2019. Dân Bolivia chống đối tổng thống bám quyền, Chilê tổng đình công bảo vệ miếng cơm manh áo, 1/4 dân số Liban vùng lên chống giới quan lại tham ô vơ vét công quỹ.
Trên chính trường Mỹ, tổng thống Trump “sa lầy vì hồ sơ Ukraina, bị đả kích về chính sách Syria“. Nhà tỉ phú địa ốc New York này đang lao vào cuộc “đọ sức” với cái mà ông gọi là “cả một hệ thống nhà nước chống đối ông”.
Hai ông khổng lồ của thế giới tin học, Google và Facebook, kẻ thì “đọ sức” với làng báo châu Âu trên vấn đề bản quyền, người thì “đọ sức” với Quốc Hội Mỹ chung quanh kế hoạch cho ra đời đồng tiền ảo Libra.
Phải chăng chỉ còn lại Matxcơva là một “ốc đảo bình yên” ?
Sotchi, trung tâm ngoại giao của thế giới ?
Vào lúc các nền dân chủ trên thế giới, bất luận lớn hay bé, đau đầu vì các cuộc xuống đường của dân chúng, hay biến thành đấu trường giữa đảng cầm quyền và phe đối lập, thì tại Nga, tổng thống Vladimir Putin ghi những bàn thắng quan trọng về ngoại giao.
Le Figaro và Les Echos cùng trở lại thượng đỉnh Nga- Châu Phi đầu tiên vừa khép lại tại thành phố biển Sotchi. “Chủ nhân điện Kremlin muốn có được một bức ảnh lưu niệm đẹp, Vladimir Putin đứng cạnh các lãnh đạo của châu Phi tương tự như các thượng đỉnh Pháp – Phi hay Trung Quốc và châu Phi”. Sotchi là cơ hội cho phép thực hiện mong muốn ấy, cho dù về thực chất, “không có nhiều hợp đồng được ký kết” nhân sự kiện ngoại giao này.
Dù vậy, theo phóng viên báo Le Figaro, Matxcơva đã khai thác lá bài an ninh để khẳng định dấu ấn của mình tại Lục Địa Đen. Trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh, nguyên thủ Nga đã nhấn mạnh : “Khủng bố và mùa xuân Ả Rập gây trở ngại cho đà phát triển của châu Phi. Các chi phí về an ninh là một gánh nặng đối với các quốc gia trong vùng, do vậy Nga sẽ “hỗ trợ nhóm nước G5 trong vùng Sahel – gồm Burkina Faso, Mali, Mauritanie, Niger và Tchad – trong nỗ lục chống khủng bố”. Matxcơva không úp mở về ý định xóa bớt nợ cho châu Phi. Theo tác giả bài báo, lời lẽ này của nguyên thủ Nga nhằm khiêu khích Paris : Pháp là điểm tựa chính của nhóm G5 tại Sahel.
Châu Phi: Putin sao chép thành công của Trung Quốc
Báo kinh tế Les Echos đưa ra cùng quan điểm : Các bên không thông báo những biện pháp cụ thể tại thượng đỉnh Nga –Châu Phi đầu tiên. “Những dự án bạc tỉ Vladimir Putin hứa hẹn vẫn chưa được khởi động”. Thế nhưng đây là cơ hội để Matxcơva nối lại mối quan hệ đặc biệt với châu lục này. Hơn thế nữa Sotchi là phiên bản của thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi vào thời điểm mà một phần công luận tại châu lục rộng lớn này bắt đầu dè chừng với với chủ nợ là Bắc Kinh.
Nhưng nếu Bắc Kinh có tiền thì Nga có vũ khí. Gian trưng bày vũ khí của tập đoàn sản xuất súng trường Kalashnikov tại Sotchi trong ba ngày hội nghị vừa qua đông không ngớt khách. Hàng loạt các chính khách và quan chức châu Phi xếp hàng dài để được chụp ảnh bên những khẩu AK. Đấy là một trong những biểu tượng của quan hệ Nga –Phi. Nhưng tham vọng của Matxcơva không dừng lại ở đó. Ngoài vũ khí, nhiều tập đoàn Nga trong các lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí, năng lượng hạt nhân, đường sắt đều đã có mặt và có rất nhiều kế hoạch hợp tác với các nước châu Phi. Trên mặt trận này, một lần nữa Nga muốn gặm nhấm thị trường trường vốn được xem là sân sau của Pháp và thậm chí là một bãi đáp tiện lợi của các tập đoàn Trung Quốc.
Châu Mỹ Latinh : Công phẫn của quần chúng
Phần tin quốc tế trên tờ Libération dành hai trang để nói về tình hình Chilê. Bên trên bức ảnh đen trắng người biểu tình trèo lên tượng đài ở thủ đô Santiago trong ngày đầu tiên cuộc tổng đình công hôm 23/10/2019 là hàng tựa : “Dân nghe thấy những hứa hẹn của chính quyền nhưng tức giận vẫn không nguôi”.
Quyết định tăng giá vé metro chỉ là ngòi nổ của một cuộc khủng hoảng âm ỉ tại quốc gia thịnh vượng và ổn định nhất tại châu Mỹ Latinh. Thật vậy kinh tế Chilê liên tục tăng trưởng trong ba thập niên. Mới chỉ cách nay hai tuần, tổng thống Pinera không khỏi tự hào tuyên bố “Chilê là ốc đảo bình yên trong lúc châu Mỹ Latinh đang trải qua bão tố (…) Chilê tạo thêm được 176.000 việc làm một năm người lao động được tăng lương”. Cách nay vài tháng, con trai tổng thống Brazil tham quan Chilê đã không ngớt lời ca ngợi chính sách hưu bổng trên đất nước của tổng thống Pinera.
Nhưng đằng sau những thống kê đẹp đẽ đó thì Chilê trong nhiều thập niên qua cũng là một đất nước nơi khoảng cách giàu nghèo, cơ hội thăng tiếng thuộc hàng “bất bình đẳng” bậc nhất. Đây là nơi 1 % dân số trên toàn quốc kiểm soát đến 25 % tài sản quốc gia. Theo nhà xã hội học Emmanuelle Barozet được Libération trích dẫn, phẫn uất lại càng chồng chất trước những bất công. Những người có chức có quyền dù có phạm tội cũng chỉ bị phạt lấy lệ. Gần đây hơn vừa lộ ra vụ tổng thống Pinera và người tiền nhiệm Michelle Bachelet từ nhiều năm qua không hề phải đóng thuế thổ trạch tại những ngôi nhà nghỉ mắt của họ.
Tờ Les Echos chán ngán ghi nhận tại Bolivia và Chilê, “tổng đình công kéo dài và phong trào phản kháng không có dấu hiệu hụt hơi”. Cũng tờ báo này chú ý nhiều hơn đến một quốc gia khác trong khu vực là Achentina. Chủ Nhật 27/10/2019 cử tri Achentina bầu lại tổng thống. Cánh tả có cơ may trở lại nắm quyền. Tổng thống Macri thất bại trên vế kinh tế. Đối thủ của ông hiện đang dẫn đầu đến 15 điểm trong các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu.
Trump sa lầy vì Ukraina
Trong bài viết mang tựa đề “Donald Trump sa lầy trong vụ Ukraina”, Le Monde điểm lại một cách chi tiết những cuộc điều trần với những lời khai ngày càng bất lợi cho tổng thống Mỹ. Tờ báo nhận định bên đảng Cộng Hòa “dày công gây trở ngại cho công việc điều tra” về nghi ngờ Donald Trump nhờ Kiev triệt hạ một đối thủ chính trị. Và trong quá trình điều tra người ta khám phá ra rằng, cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani không ngần ngại đi đêm, lập hẳn một kênh ngoại giao riêng chỉ để phục vụ quyền lợi của cá nhân ông Trump.
Tờ Le Figaro nói đến hai mặt trận Donald Trump phải đương đầu đang diễn ra ngay tại thủ đô Washington : một là hồ sơ Ukraina và hai là chính sách Trung Đông của chủ nhân Nhà Trắng đang bị đảng Cộng Hòa chỉ trích.
Liên quan đến cáo buộc ông Trump cầu viện Ukraina can thiệp vào chính trị Mỹ, Nhà Trắng hô hào rằng đấy là một đòn bẩn của bên đảng đối lập Dân Chủ dùng để tấn công ông, tựa như điều họ đã làm ngay từ khi nhà tỉ phú New York vừa đắc cử năm 2016. Bị ngay chính đảng Cộng Hòa chỉ trích bỏ rơi đồng minh Kurdistan, phó mặc chính sách Trung Đông cho chính quyền Nga, tổng thống Donald Trump ầm ĩ cho rằng đấy là thủ đoạn của giới chính khách ở Washington, của những tầng lớp ăn trên ngồi trước, thù ghét ông. Có điều, như ghi nhận của tờ báo, điểm mạnh của Trump là ông đã bắt mạch đúng công luận : dân Mỹ mệt mỏi với các cuộc chiến kéo dài ở Trung Đông và số này sẵn sàng “nhường” hồ sơ Trung Đông lại cho nước Nga của Vladimir Putin.
Đáng lo ngại hơn cả, theo như ghi nhận của Jeff Gedmin, tổng biên tập tạp chí The American Interest chuyên về quan hệ quốc tế, nền dân chủ của Hoa Kỳ đang bị chao đảo, ngay cả khi nước Mỹ sang trang được những năm tháng dưới chính quyền Trump. Nói cách khác, ngay cả trong trường hợp tổng thống Trump có bị truất phế đi chăng nữa và đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống vào năm tới, thì “gốc rễ nuôi dưỡng chủ nghĩa Trump sẽ còn tồn tại” và chưa chắc gì đảng Dân Chủ sẽ tránh được vết xe đổ của bên đảng Cộng Hòa. Chuyên gia này cho rằng, những lập trường mang tính mị dân và bảo hộ, chủ trương cô lập nước Mỹ với thế giới bên ngoài là một trào lưu có thực trên đất Mỹ và trào lưu đó có nhiều cơ hội để phát triển mạnh thêm nữa trong tương lai.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191025-nhung-cuoc-noi-day-tai-cac-nen-dan-chu
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Vụ 39 di dân Trung Quốc tử vong, Bắc Kinh đổ lỗi cho châu Âu.
Hôm nay 25/10/2019, một ngày sau khi cảnh sát Anh phát hiện 39 tử thi trên một chiếc xe tải đông lạnh, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận đó là di dân Trung Quốc bất hợp pháp. Tuy nhiên, Hoàn Cầu Thời Báo lên án gắt gao Anh Quốc và Châu Âu « không thể trốn tránh trách nhiệm bảo vệ những nạn nhân này khỏi một cái chết thảm khốc. Tại sao người Anh và Châu Âu không tự hỏi tại sao để xảy ra thảm nạn ? ». Toàn bài báo đảng không có một lời giải thích vì sao dân Hoa lục phải đi tìm đất sống, trở thành nạn nhân cho xã hội đen. Năm 2000, một vụ tương tự đã xảy ra với 58 nạn nhân Trung Quốc, cũng trên đường vượt biển sang Anh Quốc .
(Reuters) – Gian lận, đội Trung Quốc bị loại trong cuộc đua tìm phương hướng.
Liên đoàn quốc tế chạy đua tìm phương hướng (IOF) cho biết đã loại toàn thể vận động viên Trung Quốc trong cuộc tranh tài giữa các quân nhân thế giới, được tổ chức tại Hoa lục hôm Chủ nhật tuần trước. Lý do là đoàn Trung Quốc đã gian lận. Thay vì chỉ sử dụng la bàn và bản đồ, các quân nhân Trung Quốc đã nhờ dân chúng địa phương chỉ đường, nhờ mốc định vị bất hợp lệ và các con đường tắt chỉ có người tại chỗ mới biết. Đơn kháng cáo của liên đoàn Trung Quốc bị bác bỏ. Báo chí Hoa lục vẫn chưa đưa tin thất bại này.
(AFP) – Bắc Kinh lên án phó tổng thống Mỹ « ngạo mạn ».
Hai lời tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence, ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông và chỉ trích liên đoàn bóng rổ Mỹ NBA nhu nhược trước « chế độ độc tài » Hoa lục bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ. Trong cuộc trao đổi với báo chí sáng nay 25/10/2019, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng những phát biểu của phó tổng thống Mike Pence chứng tỏ ông là con người « ngạo mạn và đạo đức giả ».
(AFP) – Trung Quốc phản đối Châu Âu « cổ vũ khủng bố ».
Một ngày sau khi Nghị Viện Châu Âu thông báo tặng giải thưởng nhân quyền mang tên nhà ly khai Liên Xô Andrei Sakharov cho giáo sư Duy Ngô Nhĩ Illham Tohti, chính quyền Hoa lục hôm nay 25/10/2019, qua phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cáo buộc Châu Âu can thiệp vào chuyện pháp lý của Trung Quốc, khuyến khích khủng bố, ly khai. Illham Tohti, 50 tuổi, nguyên là giáo sư đại học, bị kết án tù chung thân. Tội của ông là phổ biến các bài nghiên cứu và phân tích tạo tinh thần đồng cảm, giúp người Hán hiểu rõ những khó khăn của người Duy Ngô Nhĩ vì chính sách kỳ thị ở Tân Cương.
(Ouest-France) – Trung Quốc : Khan hiếm thịt lợn, người dân chuyển sang ăn thịt chó và thịt thỏ.
Từ tháng 09/2018 đến tháng 09/2019, số lợn nuôi ở Trung Quốc đã giảm 41%, giá thịt tăng gấp đôi. Do khan hiếm thịt và giá cả quá đắt, ở nhiều vùng, nhất là vùng xa xôi, nông thôn, người dân quay lại ăn thịt chó. Thịt thỏ cũng được bày bán thay thịt lợn với giá phải chăng. Nhiều cửa hàng còn có chương trình khuyến mại thịt thỏ.
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên đề nghị Hàn Quốc tháo dỡ các công trình trên núi Kim Cương.
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay cho biết Bình Nhưỡng cũng thông báo sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng riêng của Bắc Triều Tiên. Thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh phá dỡ tất cả các công trình không đẹp mắt do Hàn Quốc xây, thông qua một thỏa thuận với Seoul. Được xây năm 1998, chương trình du lịch trên núi Kim Cương được coi là một trong những dự án hợp tác chính giữa hai miền.
(AFP) – Đảo Chypre điều tra vụ gia đình thủ tướng Cam Bốt Hun Sen mua quốc tịch.
Tin này được tiết lộ hôm 23/10/2019. Theo yêu cầu của đối lập, chính phủ đảo Chypre, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ điều tra về các vụ lạm dụng luật đầu tư mà nhiều thân nhân của giới lãnh đạo xứ chùa Tháp có được hộ chiếu Chypre, tức là của Liên Hiệp Châu Âu. Theo tố cáo, thân nhân của thủ tướng Hun Sen có tài sản hàng chục triệu đô la cất giấu ở nước ngoài và dùng tiền để mua quốc tịch Chypre trong năm 2016 và 2017.
(AFP) – Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra ứng dụng Tiktok của Trung Quốc.
Ứng dụng chia sẻ video Tiktok được nhiều trẻ vị thành niên Mỹ ưa chuộng. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ lo ngại về Bắc Kinh lợi dụng để theo dõi người dùng Mỹ, nên đề nghị cơ quan tình báo đánh giá về các nguy cơ của Tiktok đối với an ninh quốc gia. Tiktok còn bị cho là kiểm duyệt các nội dung bị Trung Quốc xem là nhạy cảm về chính trị. Trong một thông cáo, Tiktok đã bác bỏ mọi cáo buộc của các thượng nghị sĩ Mỹ.
(AFP) – Khủng hoảng Chilê : Liên Hiệp Quốc cử phái đoàn đến điều tra về vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Chilê Sebastian Piñera tỏ ý hoan nghênh phái đoàn của Liên Hiệp Quốc. Còn trong nước, biểu tình, đình công vẫn tiếp diễn. Bộ trưởng Quốc Phòng Chilê hôm qua 24/10/2019 loan báo cho điều tra về cáo buộc cảnh sát và binh lính dùng vũ lực thái quá trấn áp người biểu tình. Bị phản đối về việc sử dụng các biện pháp quá mạnh, như lệnh giới nghiêm, cho quân đội tuần tra đường phố … tổng thống Piñera hôm qua cho biết sẽ sớm ngưng lệnh giới nghiêm và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Bạo động khiến tổng cộng 18 người chết và hơn 7.000 người bị câu lưu.
(AFP) – Bầu cử tổng thống Bolivia : Tổng thống sắp mãn nhiệm Evo Morales tự nhận đã đắc cử.
Theo kết quả hơn 98% phiếu được kiểm tính đến hôm qua 24/10/2019, ông Evo Morales được gần 47% số phiếu, dẫn trước đối thủ Carlos Mesa 10 điểm. Theo tổng thống sắp mãn nhiệm, như vậy là đủ để không cần tổ chức vòng 2 và coi như ông đã tái đắc cử tổng thống. Ứng viên Carlos Mesa kêu gọi dân chúng tiếp tục biểu tình cho đến khi nào chính quyền thông báo tổ chức bầu cử vòng 2. Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi Bolivia tổ chức bầu cử vòng 2 để đảm bảo tính chân thực, công bằng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191025-tin-doc-nhanh