Đọc báo Pháp – 25/04/2020
Đại dịch Covid-19: Trung Quốc và hiệu ứng ‘‘gậy ông đập lưng ông’’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện Vũ Hán, gần 2 tháng sau khi chính thức công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán. Ảnh chụp ngày 10/03/2020. Xie Huanchi/Xinhua via REUTERS
Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo Pháp. Trong lúc L’Obs tập trung làm sáng tỏ hậu trường của chiến dịch chuẩn bị gỡ bỏ phong tỏa sắp tới, Le Point chỉ ra những thói tật của bộ máy quan liêu khiến nước Pháp trả giá đắt trong đại dịch. L’Express bàn về những bài học thành công của nước Đức. Courrier International chú ý đến thay đổi lớn trong giao tiếp xã hội thời kỳ hậu phong tỏa.
Le Point tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề: ‘‘Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông’’. Bài viết so sánh đại dịch Covid-19, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008. Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu ‘‘làn sóng dân túy bùng lên’’ sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc ‘‘có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới’’.
Bắc Kinh hiện rõ chân tướng
Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã ‘‘xử lý một cách mẫu mực’’, cho thấy rõ ‘‘bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực’’. Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng ‘‘dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng’’. Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.
Đọc thêm :Để dịch virus corona vượt tầm kiểm soát: Tội chính của Bắc Kinh là giấu thông tin?
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại: Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Covid – 19 tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Covid – 19, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Covid -19.
Đại dịch Covid-19 cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc. Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các ‘‘hộ chiếu y tế’’ cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý. Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung – cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt).
Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng ‘‘phương Tây hoá’’, các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bất tính chất tương phản sâu xa, đằng sau ‘‘thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc’’, một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử ‘‘rất cổ hủ’’. Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.
‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’
‘‘Chủ nghĩa đa phương quốc tế trong cơn hôn mê’’ là tựa đề một bài phân tích khác của Le Point, ghi nhận cuộc đại khủng hoảng 2020 đang làm tăng tốc tiến trình tan rã của cơ chế hợp tác quốc tế, được đặt nền móng từ sau Thế chiến Hai. Le Point trở lại với cội nguồn của trật tự thế giới hiện nay, với nhận
định của cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chính trị gia Thụy Điển Dag Hammarskjöld: Mục tiêu xây dựng Liên Hiệp Quốc ‘‘không phải là để đưa nhân loại đến thiên đường, mà là để giúp chúng ta không rơi xuống địa ngục’’. Rốt cục, sứ mạng của Liên Hiệp Quốc đã thất bại : Đại dịch này cho thấy rõ.
Đọc thêm: Virus corona – Covid-19: Tổ Chức Y Tế Thế Giới có góp phần để dịch trầm trọng hơn?
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, định chế phụ trách y tế của Liên Hiệp Quốc đã không đảm nhiệm được vai trò: WHO bênh vực Bắc Kinh, gạt Đài Loan ra ngoài, trong khi nền dân chủ này đã có chính sách đúng trong cuộc chiến chống dịch, WHO cũng không tiến hành điều tra một cách không thiên vị nguồn gốc virus… Về phần mình, Hội Đồng Bảo An cũng tồi tệ không kém. Ngày 10/04, định chế có vai trò lớn đối với nền an ninh thế giới này mới họp lần đầu tiên về Covid-19, nhưng không ra đuợc nghị quyết.
Dù sao, Le Point cũng kết thúc bài phân tích với một sắc thái lạc quan, khi nhấn mạnh là, thời đại chúng ta cho thấy, thường là sau mỗi lần trải qua chiến tranh hay khủng hoảng, nền dân chủ, nhân quyền và hợp tác quốc tế lại được thiết lập. Sau mỗi lần rơi vào đại thảm họa, nhân loại lại trở về tìm kiếm thống nhất và tinh thần đoàn kết. ‘‘Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho việc tái xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế’’.
‘‘2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch’’
Đại dịch 2020 có thể là điểm khởi đầu cho một hệ thống quan hệ quốc tế mới. Le Point có bài phỏng vấn nhà bình luận chính trị Thụy Điển Johan Norberg cho thấy triển vọng này, với tiêu đề ‘‘2020 là năm tốt nhất để đối phó với một đại dịch’’. Nhà bình luận Thụy Điển – theo quan điểm tự do, ủng hộ tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, cho dù cần phải điều chỉnh – tỏ ra tin tưởng là nền khoa học với trình độ và mức độ toàn cầu hóa như hiện nay hoàn toàn có thể cho phép nhân loại đối phó tốt với đại dịch, với điều kiện ‘‘phải đoàn kết’’. Theo ông, về mặt nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ quốc tế lại phản ứng mau lẹ như vậy với một bệnh dịch mới xuất hiện: Khoảng một tuần sau khi virus được xác nhận, các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết lập được bản đồ gen, vào giữa tháng 2, các nhà khoa học Đức đã chế được xét nghiệm nhanh…
Ra khỏi phong tỏa: Vẻ đẹp của ‘‘vũ điệu’’ không tiếp xúc
Quan điểm lạc quan của nhà bình luận Thụy Điển có thể mang lại một không khí hưng phấn về dài hạn, nhưng trước mắt rất nhiều xã hội hiện nay đang lúng túng trước viễn cảnh còn lâu mới có vác-xin, trong lúc thời kỳ phong tỏa không thể kéo dài. Sống sao đây trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa, khi nguy cơ một đợt dịch mới bùng phát bất cứ lúc nào, là chủ đề chính của tuần san Courrier International?
Thời kỳ hậu phong tỏa sẽ chứng kiến một thay đổi lớn trong cách thức giao tiếp xã hội, xưa nay dựa trên tiếp xúc cơ thể, từ cái bắt tay, ôm hôn, hay hôn má, tùy theo mỗi nền văn hóa. Tiếp xúc cơ thể thuộc về nền tảng của quan hệ con người. Tuy nhiên, giờ đây, giãn cách xã hội, tránh né tiếp xúc lại là đòi hỏi bắt buộc của thời kỳ chung sống với Covid-19. Liệu một xã hội có thể tồn tại bình thường không, khi mọi người không còn có những tiếp xúc về cơ thể?
Theo một bài viết trên nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, một kỷ nguyên ‘‘không tiếp xúc’’ là ‘‘không thể tránh khỏi’’. Một bài viết khác trên Washington Post thì nhấn mạnh, đối diện với thảm họa kinh hoàng, với bao người thiệt mạng do virus, thì ‘‘lối sống chắc chắn sẽ bị đảo lộn hoàn toàn’’. Cây viết Gia Kourlas, một chuyên gia về vũ đạo, trên New York Times, hình dung lối sống mới với nhiều chất thơ, khi quan sát những cảnh tượng hoàn toàn mới mẻ trên đường phố New York, khi giãn cách xã hội là điều bắt buộc, mỗi người như trở thành một diễn viên múa, với những chuyển động lạ kỳ, tránh mọi tiếp xúc với người khác. Những cảnh tượng, theo tác giả, mang lại một vẻ đẹp lạ thường.
Nạn quan liêu khiến Pháp điêu đứng
Trong lúc Courrier International chú ý nhiều đến khía cạnh thi vị trong sự thay đổi lối giao tiếp trong xã hội thời ra khỏi phong tỏa, thì Le Point tuần này tập trung làm sáng tỏ những tệ hại của nền quan liêu khiến nước Pháp sa lầy trong đại dịch Covid – 19, không những trong giai đoạn phản ứng đầu tiên, mà đặc biệt trong giai đoạn ra khỏi phong tỏa và phục hồi kinh tế. Điều tra của Le Point đánh giá là chính phủ đã không xác lập được một chính sách rõ ràng, giống như các nền dân chủ châu Á, hay láng giềng Đức. Một nghị sĩ cánh trung ở vùng Haut-Rhin cáo buộc chính phủ bỏ lỡ cơ hội hành động sớm ba tuần, khiến phong tỏa phải kéo dài, gây thiệt hại ước tính 100 tỉ euro.
Ngoài vấn đề thiếu máy trợ thở, thiếu khẩu trang nghiêm trọng, Le Point cũng nêu bật việc nước Pháp thiếu chiến lược xét nghiệm, do thể chế quan liêu nặng nề. Từ năm 2013, các phòng thực nghiệm y sinh về thú y không có quyền sử dụng các sinh phẩm có nguồn gốc người, và ngược lại. Cho dù Viện Hàn Lâm Y Học Pháp lên tiếng phản đối từ sớm, nhưng chỉ đến ngày 05/04 (tức hơn hai tuần sau khi phong tỏa hãm dịch), chính phủ mới dỡ bỏ hạn chế này. Cũng trong thời gian đó, tại Ý hay Đức, đã hoàn toàn không có sự đối lập như vậy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Pháp bị chậm chân trong sản xuất xét nghiệm đại trà. Một ví dụ khác là việc Cơ quan y tế cấp vùng (ARS) trong một thời gian dài đã không cho phép xét nghiệm nhân viên làm việc tại các nhà dưỡng lão (Ehpad). Việc chậm xét nghiệm bị cáo buộc là đã dẫn đến số người nhiễm virus và tử vong cao tại các Ehpad.
Theo Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE), có đến 20% chi phí y tế tại Pháp là ‘‘không cần thiết, gây lãng phí khổng lồ cho công quỹ’’. Theo chủ tịch Liên minh các bệnh viện Pháp (FHF), ông Frédéric Valletoux, nước Pháp cần nhiều đầu tư hơn cho y tế, nhưng cần đầu tư một cách thông minh hơn.
‘‘Hậu trường’’ chiến dịch gỡ phong tỏa: Sứ mạng gần như bất khả
L’Obs tuần này chú ý đến ‘‘những vấn đề trong hậu trường’’ của chiến dịch ra khỏi phong tỏa tại Pháp. Ý tưởng chính của phóng sự điều tra của L’Obs là ‘‘phong tỏa dễ hơn rất nhiều so với việc ra khỏi phong tỏa. Chính quyền hiện nay ý thức rõ đang phải đối mặt với một bài toán vô cùng hắc búa. Phương pháp điều hành xã hội từ trên xuống, bằng uy quyền, sẽ là không đủ, nhưng làm thế nào có thể chinh phục được dư luận, trong lúc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu, và các khiếu kiện nhắm vào chính quyền đang xuất hiện ngày một nhiều?’’. Một nhân vật thân cận với tổng thống giải thích: ‘‘Hiện tại, một kẻ thù chung (dịch bệnh) giúp chúng ta đoàn kết… nhưng đến khi giai đoạn này chấm dứt, điều kinh khủng sẽ xảy ra, các rạn nứt xã hội sẽ bùng lên…’’.
Nhiều nhân vật thân cận với tổng thống Emmanuel Macron coi mục tiêu ra khỏi phong tỏa một cách an toàn, tức không xẩy ra làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai, là ‘‘nhiệm vụ bất khả’’. Một trong những nguyên nhân chính là giới khoa học dần dần phát hiện ra rằng một người có thể nhiều lần bị nhiễm virus, trong lúc ”trước đó toàn bộ chiến lược dựa vào khả năng miễn dịch’’. Nhiều người trong giới thân cận với tổng thống Macron đặt niềm tin vào sức mạnh phi thường của vị nguyên thủ, luôn sẵn sàng đối đầu với thách thức.
L’Obs trở lại bài phát biểu lần thứ 4 của tổng thống Emmanuel Macron, ngày 13/04, thu hút gần 37 triệu khán thính giả, điều chưa từng có trong lịch sử truyền hình Pháp. Mười lăm phút trước đó, toàn bộ các bộ trưởng, các nhân vật trọng yếu trong đảng cầm quyền đều không hay biết gì về những đường nét lớn của chiến lược phong tỏa, về ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa (11/05). Theo L’Obs, sau một thời gian dựa hẳn vào hội đồng khoa học, giờ đây vào giai đoạn đặc biệt bất trắc này, tổng thống Macron nhận lãnh trở lại vai trò người ra quyết định cuối cùng. Ngày bắt đầu ra khỏi phong tỏa mà ông đưa ra được coi là sớm hơn nhiều so với dự tính của bộ Giáo Dục. Tuy nhiên, theo L’Obs, cũng chính tổng thống Pháp đã lắng nghe tối đa tư vấn từ các phía, giới chuyên gia, triết gia, trí thức, giới chính trị, lãnh đạo tôn giáo, giới chủ, các nghiệp đoàn… trước khi ra quyết định sau cùng.
Thủ tướng Pháp có hai tuần lễ để thảo ra kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa, với 17 chương trình hành động khác nhau do các bộ phụ trách. Những vấn đề thực tế hàng đầu đặt ra là : Mở lại trường học, tổ chức giao thông, tổ chức các không gian làm việc tại doanh nghiệp như thế nào?
‘‘Dân Pháp không bạc ác với thế hệ cao niên!’’
Riêng về chủ đề tỉ lệ tử vong cao tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi sống phụ thuộc (gọi tắt là Ehpad), cũng thường gọi là nhà dưỡng lão, Le Point có bài phỏng vấn cựu nghị sĩ đảng Xã Hội Jérôme Guedj. Cuộc đối thoại được Le Point đánh giá là không có ‘‘vùng cấm’’. Tỉ lệ người chết vì Covid-19 tại các Ehpad rất cao gây bàng hoàng công luận (theo thống kê của bộ Y Tế ngày 23/04, trong số 21.856 người qua đời vì Covid-19, có 8.309 người chết tại các cơ sở y tế-xã hội, trong đó chủ yếu là tại các Ehpad).
Cựu dân biểu đảng Xã Hội nhấn mạnh là cần đặt vấn đề này trong xu hướng lão hóa chung của các quốc gia phát triển. Đến năm 2040, nước Pháp ước tính sẽ có khoảng 4 triệu người trên 85 tuổi. Đây là điều mà nhà bác học Lévi-Strauss từng ví như một trong những biến đổi nhân chủng học lớn lao, để lại những hệ quả ghê gớm, có thể so sánh với thời điểm nhân loại chọn lối sống định cư vào thời kỳ đồ đá mới. Làm thế nào chăm sóc tốt cho sức khỏe những người già cả nhất trong những năm tháng cuối đời là một vấn đề rất lớn của xã hội.
Về số lượng người cao tuổi tử vong tại các nhà dưỡng lão, cựu nghị sĩ Jérôme Guedj cho biết, hàng năm có 150.000 người trên tổng số khoảng 600.000 cụ ông, cụ bà sống trong các Ehpad, ra đi. Trung bình các cụ đến Ehpad với nhiều căn bệnh nặng, và chỉ sống trung bình khoảng hai năm tại đây. Ehpad thường được coi là nơi ở cuối đời của rất nhiều người già tại Pháp. Cựu nghị sĩ Guedij cũng hy vọng là, cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là một cơ hội cho thấy cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện việc chăm sóc người cao tuổi.
Người Đức giành thắng lợi như thế nào?
Hồ sơ chính của L’Express là về các bài học từ nước Đức. Bài ‘‘Virus corona: Người Đức đã giành thắng lợi như thế nào’’ nhận xét: Trừ phi có một làn sóng dịch thứ hai, có thể nói Đức là quốc gia thành công nhất trong số các nước châu Âu đông dân. Số lượng người chết vì Covid-19 tại Đức chỉ chưa bằng một phần tư tại Pháp (tính đến ngày 21/04) (dưới 5.000 người so với trên 20.000 người tại Pháp), trong lúc cả hai quốc gia gần như đối diện với dịch Covid-19 vào cùng thời điểm.
Về ưu thế của Đức, bác sĩ Gernot Marx, trưởng khoa hồi sức, bệnh viện Aix-la-Chapelle, nhận xét: Trên thực tế, ngành y tế Pháp và Đức có thể nói có chất lượng gần giống như nhau, vấn đề tạo sự khác biệt là quyết định chính trị của chính phủ Đức. Berlin đã mau chóng nhận ra vai trò quyết định của xét nghiệm nhanh. Ngay từ giữa tháng Giêng, tức chỉ ít ngày sau khi có những thông tin đầu tiên về dịch tại Trung Quốc, một ê-kíp của Bệnh viện Đại học nổi tiếng Charité (Berlin) đã bắt tay chế tạo loại xét nghiệm này.
L’Express cũng thừa nhận nước Đức cũng có nhiều điểm yếu tương tự như Pháp, ví dụ như trong vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc về khẩu trang, cũng như đang trong quá trình cải tổ hệ thống bệnh viện, với khả năng sẽ giảm mạnh số lượng bệnh viện trên toàn quốc, để giảm chi phí. Tuy nhiên, người Đức đã tỏ ra có hiệu quả hơn trong đại dịch này, và chính đại dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để người Đức trở lại nhìn nhận lại các giá trị của một hệ thống y tế, đã được đặt nền móng từ cuối thế kỷ XIX, dưới thời thủ tướng Bismarck, để xem xem những gì nên giữ, những gì nên bỏ.
Tin tổng hợp
(Reuters) – Thêm 618 ca nhiễm virus corona tại Singapore.
Theo thông báo của bộ Y Tế Singapore, tính đến ngày 25/04/2020, trên toàn quốc có tổng cộng 12.693 trường hợp dương tính với siêu vi corona chủng mới. So với dân số 5,7 triệu người, Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất tại châu Á.
(AFP) – Pháp tung 7 tỷ euro cứu hãng hàng không quốc gia Air France.
Ngày 24/04/2020, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire thông báo hỗ trợ Air France đối phó với tác động do virus corona gây nên. Gói hỗ trợ 7 tỷ euro của chính phủ Pháp được thực hiện dưới 2 hình thức. Chính phủ cấp trực tiếp 3 tỷ euro tín dụng cho Air France và bảo đảm đến 90 % cho khoản 4 tỷ mà tập đoàn hàng không quốc gia này sẽ phải vay mượn của ngân hàng. Hiện tại vì Covid-19, hoạt động của Air France chỉ tương đương 5 % so với bình thường.
(AFP) – Virus corona : 125 thủy thủ hàng không mẫu hạm Pháp Charles De Gaulle khỏi bệnh.
Phát ngôn viên của Hải Quân Pháp ngày 24/04/2020 cho biết đây là nhóm bình phục đầu tiên trong số 1.046 thủy thủ bị lây nhiễm. Những người khỏi bệnh đã được xuất viện hoặc ra khỏi các khu cách ly trong căn cứ quân sự. Hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle đã cập bến cảng Toulon hôm 12/04/2020. Gần hai phần ba trên tổng số 1.760 quân nhân trên tàu bị phát hiện dương tính với virus corona. Hiện tại, hai thủy thủ vẫn phải nằm khoa hồi sức đăc biệt.
(AFP) – Quân đội Pháp tích trữ hoạt chất chloroquine của Trung Quốc.
Bộ Quân Lực Pháp hôm 24/04/2020 công nhận đã mua chloroquine do Trung Quốc bào chế để dự phòng trường hợp loại thuốc này có thể được dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Bộ Quân Lực Pháp xác nhận đã mua của Trung Quốc “muối và chất phosphate de chloroquine cho phép sản xuất thuốc tiêm”. Tuy nhiên, thông tin về lượng hàng mua vào vẫn được giữ kín.
(AFP) – WHO : Không có bằng chứng bệnh nhân Covid-19 không bị tái nhiễm.
Một thông cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 25/04/2020 đưa ra kết luận như trên. Các ca dương tính với virus corona vẫn có thể bị tái nhiễm và cũng chưa có bằng chứng là những người này có được kháng thể trước bệnh viêm phổi cấp tính do chủng mới gây nên.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200425-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 25/4:
Trung Quốc cử đội chuyên gia y tế đến Triều Tiên
Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (25/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau
Trung Quốc cử đội chuyên gia y tế đến Triều Tiên
Reuters hôm 25/4 đưa tin, Trung Quốc đã phái một đội bao gồm các chuyên gia y tế tới Triều Tiên để tư vấn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Chuyến đi của các bác sĩ và quan chức Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có các báo cáo mâu thuẫn về sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Reuters hiện chưa thể xác định chuyến đi của đội Trung Quốc báo hiệu gì về sức khỏe của Kim.
Theo nguồn tin từ 2 người giấu tên nói với Reuters, một phái đoàn dẫn đầu bởi một thành viên cao cấp của Ban Liên lạc Quốc tế của chính quyền Trung Quốc đã rời Bắc Kinh đến Triều Tiên hôm 23/4.
Reuters chưa liên lạc được với Ban Liên lạc Quốc tế để xác minh về thông tin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.
Mỹ tuyên bố không tham gia sáng kiến toàn cầu của WHO
Hoa Kỳ sẽ không tham gia việc phát động một sáng kiến toàn cầu hôm 24/4 để đẩy nhanh tốc độ phát triển, sản xuất và phân phát thuốc và vắc-xin chống Covid-19, một phát ngôn viên của phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc nói với Reuters.
Trả lời một câu hỏi qua email, quan chức này nói:
“Sẽ không có sự tham gia chính thức của Mỹ… Chúng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về sáng kiến này để hỗ trợ cho hợp tác quốc tế nhằm phát triển một vắc-xin chống Covid-19 sớm nhất có thể”.
Phản đối Tổng thống, Bộ trưởng tư pháp Brazil từ chức
Hãng Reuters đưa tin, Bộ trưởng tư pháp Brazil, Sergio Moro hôm 25/4 đã từ chức và cáo buộc Tổng thống Bolsonaro can thiệp chính trị vào lực lượng thực thi pháp luật.
Sergio Moro, cựu thẩm phán chống tham nhũng nổi tiếng tại Brazil, hôm 25/4 thông báo từ chức vì Tổng thống Jair Bolsonaro sa thải Tư lệnh Cảnh sát Liên bang Mauricio Valeixo vì “lý do cá nhân và chính trị”.
Văn phòng Tổng thống Brazil chưa bình luận về thông tin này.
Giới chức Mỹ: ‘Ánh sáng mặt trời, nóng và ẩm làm suy yếu virus Covid-19’
Theo VOA, có dấu hiệu cho thấy virus Vũ Hán suy yếu nhanh hơn khi bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời, các điều kiện nóng và ẩm, một giới chức Mỹ nói hôm 23/4, trong một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể sẽ ít lây lan hơn trong những tháng mùa hè.
Các nhà nghiên cứu làm việc cho chính phủ Mỹ đã xác định rằng virus Vũ Hán phát triển tốt nhất trong các điều kiện khô, và sẽ mất đi độ nguy hiểm của nó trong điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao, nhất là khi virus bị phơi ra dưới ánh nắng mặt trời, theo lời ông William Bryan, quyền Giám đốc ban Khoa học Công nghệ của Bộ Nội An Hoa Kỳ.
Ông nói tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng: “Con virus chết nhanh nhất khi có ánh sáng mặt trời trực tiếp rọi vào”.
Phi công B-52 trong chiến tranh Việt Nam qua đời vì Covid-19
Ông Donald Reed Herring, cựu chiến binh Hoa Kỳ, người từng lái máy bay ném bom B-47 và B-52 trong Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời vì Covid-19, thọ 86 tuổi, VOA Việt Ngữ hôm 24/4 dẫn tin từ các báo của Hoa Kỳ cho biết.
Ông Herring qua đời tối 21/4 tại thành phố Norman, bang Oklahoma, khoảng ba tuần sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Ông Herring là anh cả của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren đại diện cho bang Massachusetts, người thường xuyên nhắc đến ông khi bà vận động tranh cử tổng thống vào đầu năm nay.
“Ông đã gia nhập Không quân Mỹ năm 19 tuổi và đã cống hiến cả sự nghiệp của mình trong quân đội, bao gồm tham gia chiến đấu tại Việt Nam khoảng 5 năm rưỡi nhưng không liên tục”, Thượng nghị sĩ Warren viết trên Twitter.
Điểm tin thế giới chiều 25/4:
Hơn 200 bệnh nhân Hàn Quốc tái nhiễm COVID-19,
Canada nhập một triệu mặt nạ lỗi từ Trung Quốc
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (25/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hơn 200 bệnh nhân Hàn Quốc tái nhiễm COVID-19
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), hơn 200 bệnh nhân trở về nhà sau khi hồi phục từ COVID-19 đã bị tái nhiễm, theo NTD.
Các quan chức y tế nước này không rõ làm thế nào các bệnh nhân này bị tái nhiễm, một cuộc điều tra dịch tễ học chuyên sâu đang được tiến hành, theo Đài Phát thanh – Truyền hình Hàn Quốc KBS.
Canada nhập một triệu mặt nạ lỗi từ Trung Quốc
Các quan chức y tế Canada cho biết, khoảng 1 triệu mặt nạ phòng độc KN95 nhập từ Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng chống dịch Covid-19, do đó sẽ không được phân phối cho các nhân viên tuyến đầu tại nước này, theo The Epoch Times.
Mặt nạ phòng độc KN95 là phiên bản Trung Quốc của dòng mặt nạ N95 phổ biến, được dùng riêng cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Bộ Y tế Israel cấm sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm của Trung Quốc
Bộ Y tế Israel đã yêu cầu các phòng thí nghiệm bệnh viện và tổ chức Magen David Adom (một cơ quan tương đương Hội Chữ thập đỏ) lập tức ngừng sử dụng khoảng 10.000 bộ dụng cụ xét nghiệm bị hỏng của Trung Quốc, theo The Epoch Times.
Vấn đề xuất hiện sau khi các chuyên gia phòng thí nghiệm nhận thấy màu sắc bên trong ống nghiệm khá bất thường, do đó không thể xác định kết quả là âm tính hay dương tính.
Một nguồn tin bên trong Bộ Y tế Israel cho biết bộ dụng cụ được sản xuất bởi Công ty Công nghệ sinh học Bang Shuo Quảng Châu. Nguồn tin nói nhà máy này đã không tuân theo quy trình đảm bảo chất lượng cơ bản bởi nếu làm vậy, tình huống này sẽ khó có thể xảy ra.
Nhiều quốc gia khác cũng báo cáo các vấn đề chất lượng với bộ dụng cụ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc, cùng với mặt nạ và các vật tư y tế khác, như Anh, Hà Lan, Canada, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, …
Các thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất chỉ cấp ngân sách cho WHO nếu tuân thủ điều kiện
Các khoản ngân sách tương lai của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới sẽ phụ thuộc vào thái độ hợp tác của tổ chức này với cuộc điều tra của Nghị viện Mỹ đối với việc xử lý dịch Covid-19 của WHO trong thời gian qua, đây là điều kiện được đưa ra bởi một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hôm thứ Sáu (24/3). Họ cũng đề nghị các đồng nghiệp trong Đảng thống nhất ý kiến này, theo The Epoch Times.
Trong một lá thư gửi tới hai Thượng nghị sĩ Lyndsey Graham và Patrick Leahy – lần lượt là Chủ tịch và thành viên tiểu ban soạn thảo dự luật chi tiêu ngân sách, trong đó bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – 5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã yêu cầu giảm ngân sách cho WHO trong năm tài khóa 2021 nếu tổ chức này không hợp tác với cuộc điều tra.
“Ban lãnh đạo WHO dường như đã tắc trách trong việc bảo vệ cộng đồng toàn cầu trước đại dịch COVID-19, bởi vì họ đã tin tưởng một cách mù quáng các thông tin sai lệch do ĐCSTQ cung cấp”, trích nội dung bức thư.
Chế độ gọi thoại mới của Facebook cho phép 50 người cùng lúc
Facebook đã bổ sung một loạt các tính năng gọi video mới cho WhatsApp, Messenger và ứng dụng chính của mình, theo sau nhu cầu ngày càng gia tăng đối với chức năng gọi thoại qua video.
Theo đó, một nhóm gọi video có thể lên đến 50 người.
Trao đổi với BBC, hãng công nghệ này cho biết họ phát hành các tính năng này sớm hơn dự định do tình trạng phong tỏa bởi Covid-19. Chức năng này chỉ mới được cung cấp cho một số người dùng ở Anh, trước khi phổ cập đến tất cả người dùng Facebook trong vài tuần tới.
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube; Trái: KOREA NOW, Phải: Richard Aguilar)
Tạp chí đặc biệt
Dịch Covid-19 khiến người tị nạn thêm khốn khổ
Thanh Phương
Đại dịch Covid-19 khiến người tị nạn thêm khốn khổ, như trường hợp ở Malaysia và Hy Lạp. Tại Mỹ, nhân viên trong các cửa hàng ăn nhanh McDonald’s đình công đòi được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm virus corona. Một công ty ở Ailen bị chỉ trích vì tuyển dụng người lao động từ Bulgari ngay giữa mùa dịch. Đức bắt đầu cho mở các cửa hàng. Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhập từ Trung Quốc. Đó là những đề tài của tạp chí Thế giới đó đây tuần này.
Malaysia : Người tị nạn Miến Điện bị bỏ rơi
Đây là một trong những hậu quả đáng báo động của dịch Covid-19 : Malaysia, vốn vẫn hỗ trợ hết mình cho người anh em Hồi Giáo Rohingya ở Miến Điện, đã đẩy trở ra rất nhiều tàu vượt biên, có những tàu đã trôi dạt trên biển từ hơn hai tháng nay. Hành động này là nhằm ngăn chặn dịch bệnh đến từ các thuyền nhân. Nhưng ngay cả đối với cộng đồng người tị nạn đến từ Miến Điện, tình hình cũng đang rất khó khăn, theo giải thích của thông tín viên Gabrielle Maréchaux trong bài tường trình ngày 21/04/2020:
« Đây là ca tử vong số 88 : một người nhập cư Miến Điện 36 tuổi được nhập viện quá trễ. Theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 154.000 người tị nạn Miến Điện, trong đó có nhiều người sắc tộc Rohingya, đang sống ở Malaysia, tuyệt đại đa số là những người làm công nhật.
Do Malaysia đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh, hoàn cảnh của họ khó khăn hơn bao giờ hết. Thường thì họ làm những công việc được mô tả bằng 3 tính từ bắt đầu bằng chữ D theo tiếng Anh « dirty, dangerous, difficult » (dơ bẩn, nguy hiểm, khó khăn), mà lương thì rất thấp.
Cũng bị mất các nguồn thu nhập, Malaysia yêu cầu đại sứ quán Miến Điện kể từ nay phải cung ứng cho công dân của họ tại những vùng bị phong tỏa gắt gao nhất, trong khi những diễn biến gần đây bên nước láng giềng Singapore lẽ ra phải buộc chính quyền Kuala Lumpur quan tâm đến nguy cơ bệnh lan truyền từ người nhập cư. Thật vậy, đợt dịch thứ hai bùng phát ở Singapore chính là từ cộng đồng những người bị bỏ mặc như vậy.
Hôm Thứ Hai bộ Y Tế Malaysia cho biết họ khuyến khích người nhập cư đi xét nghiệm Covid-19, nhưng theo các hiệp hội, trong số hơn 3 triệu người lao động bất hợp pháp, rất nhiều người ngại đi xét nghiệm.»
Hy Lạp : Nguy cơ dịch bệnh tại các trại tị nạn
Tại Hy Lạp, hàng chục ngàn người xin tị nạn, đa số đến từ các nước châu Phi, ngày 22/04/2020 đã tổ chức một cuộc biểu tình trước trại Moria, đảo Lesbos. Lý do của cuộc biểu tình chủ yếu liên quan đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trong trại tị nạn lớn nhất châu Âu, vừa chật kín người, vừa bẩn thỉu, những người tị nạn, bị cách ly từ giữa tháng Tư và cảm thấy bị bỏ rơi, không thể giữ vệ sinh đàng hoàng, cũng không thể tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.
Từ Athènes, thông tín viên Joel Bronner gởi về bài tường trình ngày 22/04/2020:
« Chúng tôi không được an toàn trước đại dịch Covid-19 » là dòng chữ trên biểu ngữ mà những người biểu tình giương lên trước trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp. Trước nguy cơ y tế này, những người xin tị nạn mong được « giải phóng », như họ ghi trên biểu ngữ, và được chuyển về phần lãnh thổ lục địa của Hy Lạp.
Trước khi có cuộc biểu tình này, chính phủ Hy Lạp đã thông báo sẽ chuyển dần dần khoảng 2.300 người về lục địa trong hai tuần tới. Tại Moria, giữa các cánh đồng ôliu, gần 19 ngàn người sống chen chúc trong và chung quanh một không gian vốn chỉ được dự trù để đón tiếp khoảng 3.000 người.
Trong một thông cáo vừa được thông qua, tổ chức Human Rights Watch lo ngại “một cuộc khủng hoảng y tế công cộng” do những điều kiện sống “không thể tưởng tượng nổi” trong các trại bị quá tải trên các đảo ở vùng biển Égée. Ở đó, rửa tay thường xuyên là chuyện hoàn toàn không thể có.
Có bằng chứng cho thấy virus đang lây lan giữa những người thường sống chung với trong các lều trại chật hẹp : Khoảng 150 người xin tị nạn được xét nghiệm dương tính trong tuần qua, tại một khách sạn ở miền nam nước này. »
Đình công tại các nhà hàng McDonald’s ở Mỹ
Tại nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ, đã xảy ra các vụ đình công ở các nhà hàng McDonald’s từ một tuần qua. Các nhân viên bất mãn vì họ không được bảo vệ đầy đủ trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Họ đòi được phát khẩu trang và được nghỉ bệnh có ăn lương. Tại Chicago, một số người thậm chí còn kiện McDonald’s về việc ban giám đốc, để có thể tiếp tục mở các nhà hàng, đã che giấu những ca nhiễm Covid-19 trong số các nhân viên. Thông tín viên Eric de Salve gởi về bài phóng sự trong một nhà hàng McDonald’s ở Oakland, bang California :
« Tiếng còi xe inh ỏi và tiếng hô khẩu hiệu vang lên trước một nhà hàng McDonald’s ở Okland. Khoảng 20 người biểu tình bằng xe hơi hô lớn : « Mạng sống của chúng tôi quý hơn bánh burger ». Trong số này có Kyla, một nhà hoạt động của đảng Dân Chủ Xã Hội. Cô nói : « Hôm nay, chúng tôi chặn ngõ vào drive-in của nhà hàng McDonald’s để ủng hộ 5 nhân viên đang đình công vì ban quản lý không quan tâm bảo vệ cho họ ».
Kể từ khi phát hiện một ca nhiễm Covid-19 trong nhà hàng này, Imelda, 43 tuổi, một trong những người tham gia đình công, vốn không có bảo hiểm y tế, rất sợ đi làm. Bà mẹ gốc Nam Mỹ có ba đứa con đã yêu cầu ban quản lý cho nghỉ bệnh, được cách ly có ăn lương và được phát khẩu trang.
Bà nói : « Đình công như vậy là rất khó khăn, vì chúng tôi bị cắt lương, nhưng chúng tôi phải đình công để bảo vệ cho chính bản thân chúng tôi và gia đình, cũng như cho các đồng nghiệp và thực khách. »
Hàng chục cửa hàng McDonlad’s hiện đang đình công tại Hoa Kỳ, vì các nhân viên tố cáo ban quản lý lơ là việc phòng chống Covid-19. McDonald’s đúng là có cho nhân viên được quyền nghỉ ăn lương 14 ngày, nhưng chỉ trong các cửa hàng của tập đoàn này. Trong khi đó có đến 95% các nhà hàng là nhượng quyền thương mại, tức là hoạt động độc lập và ban quản lý áp dụng các quy định riêng. »
Ailen : Tranh cãi về lao động nước ngoài
Lệnh phong tỏa cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho thị trường lao động tại châu Âu. Ví dụ như tại Ailen, công ty canh tác rau quả Keelings, một trong những công ty chủ chốt trong lĩnh vực này, vì không thể tuyển dụng người trong nước, đã phải mướn 200 lao động thời vụ người Bulgari, trong lúc đang có lệnh hạn chế tối đa việc đi lại để ngăn chận dịch Covid-19.
Từ Dublin, thông tín viên Emeline Vin gởi về bài tường trình ngày 22/04/2020 :
« Lập trường chính thức là chính phủ sẽ nêu vấn đề thủ tục ở biên giới với chính phủ Bắc Ailen, nói rõ hơn là họ chưa đưa ra quyết định nào. Theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, những lao động nông nghiệp rất cần thiết và họ phải được quyền tự do đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu.
Chỉ có điều ở Ireland, một số người dân không hiểu vì sao công ty Keelings lại đưa 200 người Bulgari đến trong khi cả nước đang bị tê liệt vì lệnh phong tỏa và một phần sáu dân Ireland đang thất nghiệp. Keelings khẳng định là họ đã cố tìm lao động thời vụ trong nước nhưng không tìm đủ người.
Công ty này bảo đảm là các lao động nước ngoài mà họ tuyển dụng sẽ bị cách ly hai tuần, như tất cả những người nhập cảnh vào Ailen trong lúc này. Nhưng việc cách ly sẽ do họ tự quản lý, chứ không có sự giám sát của nhà chức trách. Trong thời gia cách ly, các lao động này được trả lương và có chỗ ở.
Giám đốc Tổng cục Y tế và chính phủ không đồng tình với quyết định của công ty Keelings. Thủ tướng Leo Varadkar kêu gọi các công ty cố gắng tuyển dụng tối đa lao động trong nước, để hạn chế nguy cơ bệnh lây lan. »
Đức cho mở lại các cửa hàng
Vào đầu tuần nay, nước Đức bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa. Các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông có thể mở cửa kể từ ngày 20/04/2020. Các hiệu sách, đại lý xe hơi và cửa hàng bán xe đạp, bất kể diện tích, cũng được mở cửa. Nhưng các biện pháp ngăn ngừa khác thì vẫn được giữ nguyên. Riêng các trường học sẽ mở cửa trở lại kể từ ngày 04/05.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gởi về bài tường trình ngày 20/04:
« Sau khi đã dọn dẹp sạch sẽ, chất đầy lại các quầy hàng, thi hành các biện pháp phòng ngừa, các cửa hàng ở Đức sẵn sàng đón các khách hàng mới. Các khoản trợ cấp và các hỗ trợ khác mà một số cửa hàng được hưởng dĩ nhiên không đủ để tình hình trở lại bình thường và để bù lại doanh thu bị mất trong những tuần qua trong khi họ vẫn phải trả các chi phí cố định.
Chủ một cửa hàng bán giầy tại bang Saarland vui mừng vì cửa hàng được mở lại sáng nay: « Chúng tôi không được phép để quá 5 người vào cùng một lúc. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 mét. Máy thu tiền thì được bọc lớp nhựa trong. Từ sáng nay, có vài khách đến mua, nhất là các trẻ em đang cần giầy dép mới. Quý hai, trước mùa hè, là giai đoạn quan trọng đối với doanh số của cửa hàng chúng tôi. Bình thường khách mua rất nhiều giầy dép. Chúng tôi đã phải đóng cửa bốn tuần và rất cần mở cửa lại, cho dù chúng tôi không thiệt hại nhiều như những cửa hàng khác. »
Việc giảm nhẹ các hạn chế chỉ được áp dụng cho các cửa hàng có diện tích dưới 800 mét vuông. Một số vùng chỉ cho các cửa hàng mở cửa vài ngày, những vùng khác thì thoải mái hơn. Giai đoạn mới này đang gây tranh luận về việc có nên dỡ bỏ hơn nữa biện pháp phong tỏa hay không. Thủ tướng Angela Merkel sợ rằng những tranh luận này khiến dân Đức lơ là việc tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch bệnh. Theo báo chí Đức, trong một cuộc họp của đảng, thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi người đừng bàn tán quá nhiều về khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa. »
Ấn Độ ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc
Ấn Độ đã quyết định tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 có kết quả không chính xác. Với 650.000 bộ xét nghiệm vừa nhập từ Trung Quốc, nước này sẽ tăng đáng kể số người được xét nghiệm, nhưng các thử nghiệm đầu tiên cho thấy các bộ xét nghiệm này có thể đã bị hỏng.
Từ New Dehli, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình ngày 22/04 :
« Từ nhiều tuần nay, Ấn Độ ngóng chờ chúng, nhưng bây giờ giống như họ vừa bị một gáo nước lạnh : Các bộ xét nghiệm nhanh của Trung Quốc có tỷ lệ sai lệch từ 6 đến 71% khi so sánh với các kết quả trong các phòng xét nghiệm vốn chính xác hơn. Cho nên, New Delhi phải tạm ngưng sử dụng các bộ xét nghiệm đó, trong khi chờ thẩm định.
Cơ quan y tế Ấn Độ quyết định sẽ không sử dụng các bộ xét nghiệm Trung Quốc trong việc chẩn đoán bệnh vì công nghệ này không đáng tin cậy lắm. Nhưng nhờ các bộ xét nghiệm này mà Ấn Độ sẽ tăng số xét nghiệm cho những bệnh nhân không có triệu chứng, chiếm đến 69% số bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ. Điều này sẽ giúp thẩm định sự lây lan thầm lặng của dịch bệnh, trong khi chưa đầy hai tuần nữa là đến lúc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm Trung Quốc gây thất vọng lớn như thế trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay : Các thiết bị bảo hộ của Trung Quốc đã từng bị vứt bỏ khi vừa nhập về. Đại sứ quán Trung Quốc lúc đó đã khuyến cáo chỉ mua hàng của các công ty được chính phủ Bắc Kinh chứng nhận. Trong trường hợp này, Ấn Độ đã làm đúng theo khuyến cáo, thế mà chất lượng hàng hóa vẫn không được bảo đảm. »