Đọc báo Pháp – 24/08/2020
Đường vào Nhà Trắng: Donald Trump tung những lá bài lợi hại sau cùng – Tú Anh
Covid-19 tăng tốc lây lan buộc chính phủ Pháp thay đổi chiến lược. Tại Belarus, lòng yêu chuộng tự do đối mặt với bạo lực chính trị. Tại Mỹ, liệu Joe Biden đủ cân sức khi Donald Trump xuất chiêu ? Đó là những chủ đề trên báo Pháp ngày thứ Hai 24/08/2020.
Vào lúc còn hơn hai tháng nữa là đến ngày 03/11, Donald Trump tung những lá chủ bài lợi hại. Les Echos phân tích thế mạnh của chủ nhân Nhà Trắng và nhược điểm của đối thủ Joe Biden:
Đại Hội đảng Cộng Hòa cuối cùng sẽ diễn ra một phần có công chúng và một phần qua video. Đây là cơ hội để tổng thống Donald Trump trở lại những yếu tố cơ bản và một lần nữa đưa vào cuộc tranh luận chủ đề di dân nhập cư.
Mỗi đêm kể từ 22 giờ, chương trình vận động tranh cử bắt đầu với trọng tâm đả phá lập luận của phe Dân Chủ gọi Donald Trump là mối đe dọa của nền dân chủ. Chủ nhân Nhà Trắng sẽ bất chấp hiểm nguy corona, gia tăng lấn chiếm địa hình, đích thân đến tận các bang then chốt, và nhấn mạnh đến những chủ đề mà cử tri bình dân ưu tư, trong đó có hồ sơ di dân nhập cư. Donald Trump cũng sẽ tự khen là nhờ ông mà hiện tượng « du lịch sinh nở » chấm dứt, không còn chuyện « lợi dụng kẽ hở luật pháp Mỹ » ôm bầu qua Mỹ sinh con để ở lại.
Theo Les Echos, chiến thuật này sẽ hiệu quả. Khác với Đại Hội đảng Dân Chủ, tập trung tấn công vào Donald Trump, Đại Hội đảng Cộng Hoà sẽ giới thiệu « những trường hợp cụ thể, những con người cụ thể, nhờ các biện pháp của chính quyền Trump mà đổi đời và những kỳ vọng vào Trump trong 4 năm tới ».
Cuối cùng, Donald Trump sẽ sử dụng vũ khí sở trường là tấn công cá nhân, chiến thuật đã được thi hành vào năm 2016. Trong cuộc phỏng vấn của đài Fox News, Donald Trump như để hâm nóng công luận, tuyên bố là nhiều « vụ việc tai tiếng » sẽ được tiết lộ.trong bài phân tích « Ba ẩn số trong một cuộc bầu cử », nhật báo kinh tế lưu ý sự khác biệt quan trọng nhất giữa bầu cử Pháp và Mỹ. Tại Pháp, nếu qua thăm dò ý kiến, một ứng cử viên được điểm tín nhiệm cao hơn đối thủ 10 điểm, thì có thể an tâm mình sẽ vào Điện Elysée. Tại Mỹ, Joe Biden dẫn đầu từ 4% đến 10% nhưng đó chỉ là « nhiệt độ toàn cảnh ». Ai đoán được tâm ý của cử tri ngày đi bầu ở các bang mà tỷ lệ hai phe ngang nhau ?
Một ẩn số khác là trong bối cảnh đại dịch, cử tri đi bầu như thế nào ? Đa số người nghèo ủng hộ đảng Dân Chủ bầu qua bưu điện, nhưng nếu tỷ lệ vắng mặt cao thì kết quả thiên về ai ?
Đó là chưa kể tuổi tác của Joe Biden cũng là một nhược điểm, cũng không có tài hùng biện gây hứng thú như Barack Obama. Trong khi đó, Donald Trump, cho dù nay thế này mai thế khác, nhưng lúc nào cũng chứng tỏ là một nhà lãnh đạo hành pháp có uy thế, nhất là đối với Trung Quốc và toàn cầu hóa. Công thức « một vị tổng thống bình thường » của Joe Biden không bao giờ là một công thức ăn khách, Les Echos kết luận.
Belarus: Công an là chiếc phao của nhà độc tài
Tự mình hại mình, vì khinh thường phụ nữ, Loukachenko gây ra phong trào cách mạng phụ nữ, nhận định của Le Monde. Nhật báo độc lập dành hai trang cho Belarus : phân tích về lòng trung thành của lực lượng an ninh đối với tổng thống Loukachenko và vì sao ông do dự trong việc huy động quân đội đàn áp biểu tình.
Le Monde cũng giới thiệu khuôn mặt phản kháng của Svetlana Tsikhanovskaia, không ai ngờ người mẹ 37 tuổi, một sớm một chiều làm điên đảo nhà độc tài và tiếp tục thách thức Loukachenko từ Litva. Nhưng với bộ máy đàn áp trong tay và Nga sau lưng, tổng thống Belarus sẽ dùng biện pháp mạnh.
Loukachenko, theo phân tích của một chính trị gia đối lập, đã bị thua một cách thảm hại. Bởi vì sự dối trá phủ kín chế độ, cho nên tổng thống Belarus không hiểu gì cả để rồi trở thành bù nhìn của Putin. Chiếc phao cuối cùng của chế độ là lực lượng công an, là mật vụ và nhất là 4.000 cảnh sát chống bạo động trung thành. Cho đến nay, số sĩ quan từ bỏ hàng ngũ theo phe đối lập chưa đủ đông nhưng 4.000 so với 9 triệu dân thì đâu có là bao. Ban hành tình trạng khẩn cấp để huy động quân đội cũng là một biện pháp nhưng 40% quân nhân là lính nghĩa vụ, không rõ tâm tư. Chính sự trung thành của lực lượng an ninh là yếu tố cho phép Lukashenko « đắc cử » và củng cố ghế lãnh đạo.
Le Figaro cũng đứng về phe dân chủ: Loukachenko ương ngạnh trước áp lực đường phố. Tổng thống Belarus bị dân chúng đả đảo nhưng được Matxcơva hậu thuẫn. Thế thì có lợi gì ? Một thanh niên trong đoàn biểu tình phân tích: Loukachenko mất lòng dân là hợp ý với Putin vì sẽ ngoan ngoãn hơn với Nga.
Libération dự đoán là tình hình trong những ngày tới sẽ rất căng. Theo lời kêu gọi của Svetlana Tsikhanovskaia, nhiều chục ngàn người xuống đường tại Minsk nhưng liệu có thể xem đây « hớp nước tự do cuối cùng ? ». Loukachenko bay lên tận thành phố Grodno, gần Ba Lan, kích động tinh thần lực lượng biên phòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà ông cho là mục tiêu tấn công của NATO để xâm lấn nước Nga, ông lên án Ba Lan muốn chiếm đoạt các nhà máy, các xí nghiệp của Belarus, còn Angela Merkel và Emmanuel Macron đứng sau giựt dây. Cũng từ vùng biên giới này, tổng thống Belarus đe dọa: « Kể từ thứ Hai sẽ không còn những cuộc xuống đường ». Libération được một công nhân cho biết bị « các xếp » cảnh báo coi chừng bị đe dọa đuổi việc, đuổi ra khỏi nhà.
Trong chương trình thời sự của các đài truyền hình Nhà nước, nhà báo Nga thay thế nhà báo Belarus. Với Matxcơva sau lưng, sau hơn hai tuần lúng túng, Loukachenko có vẻ phục hồi được tinh thần.
Covid-19: Pháp ưu tiên chống dịch thay vì chấn hưng kinh tế
Bị lưỡi gươm siêu vi corona treo lơ lửng trên đầu, chính phủ Pháp thay đổi chiến lược, ưu tiên ngăn dịch tái phát, chấn hưng kinh tế làm sau.
Nước Pháp : Giờ đeo khẩu trang, trong trường học, ngoài phố và trong xí nghiệp, tựa trên trang nhất của Le Monde. Covid-19: Pháp chuyển hướng đeo khẩu trang bắt buộc nhưng chưa thấy có hiện tượng dân đổ xô mua khẩu trang tích trữ. Trong khi đó, bộ Y Tế và các cố vấn khoa học không loại trừ khả năng làn sóng Covid 19 bùng mạnh vào mùa đông, theo đà ngày càng đông người bị nhiễm.
Số người « dương tính » với siêu vi corona tăng nhanh nhưng số nhập viện cấp cứu lại ít đi là do đâu ? Một số nhà khoa học cho là siêu vi biến thể, nhưng theo Le Monde, ít có người tin.
Ngoài lý do y tế, sức khỏe, viễn cảnh đợt hai làm hàng quán, doanh nghiệp âu lo : Cứ thế này thì làm sao buôn bán ? Le Figaro bi quan: Chúng ta đang bị một lưỡi gươm treo trên đầu, Pháp cũng như thế giới đi trên con đường vô định với những câu hỏi không giải đáp.: Đợt dịch thứ hai có hay không ? Mùa đông sẽ thuận lợi cho đại dịch bùng dậy ? Trẻ con có thoát vòng lây nhiễm ? Bị nhiễm một lần có bị tái nhiễm hay không ? Liệu sẽ có một loại vac-xin hay thuốc trị hiệu nghiệm trong tương lai gần ?
Trong không khí ảm đạm này, nhật báo thiên hữu đưa hai tin khích lệ: Bệnh viện Pháp chuẩn bị tốt hơn để canh chừng Covid tấn công đợt hai. Xí nghiệp Pháp tổ chức tốt và thích ứng với các biện pháp mới phòng dịch cho nhân viên ở chỗ làm.
Nhưng trước tương lai bất trắc, chính phủ Pháp đối phó ra sao ?
Hiếm khi báo chí Pháp tỏ ra đồng thuận từ chủ đề cho đến phân tích như hôm nay. Macron ưu tiên cho y tế trước đã. Kinh tế chờ bước qua tháng 9, tựa của Les Echos.
Nhật báo thiên tả Libération cùng nhịp : Hành pháp lo ngừa bệnh. Trước diễn biến khó lường của Covid-19 và mối đe dọa đợt hai, chính phủ xét lại chiến lược, đảo ngược ưu tiên. Khống chế dịch không để vượt tầm kiểm soát là nhu cầu khẩn cấp, vực dậy kinh tế chỉ là thứ yếu. Những gì đang diễn ra tại Úc cho phép suy đoán sẽ xảy ra đợt tấn công thứ hai vào mùa đông tại châu Âu, Libération mượn lời một giáo sư y tế cộng đồng, kết luận.
Mùa tựu trường năm nay sẽ không giống bất cứ năm nào. Học sinh từ 12 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang, các báo đều nhấn mạnh.
Còn ở cấp đại học, như để trấn an các tân sinh viên, Le Figaro cho biết các ban giám hiệu hiểu rõ thế hệ sinh viên vừa đậu tú tài « corona », không đủ bản lĩnh của các thế hệ đàn anh. Mỗi đại học, tùy theo phương tiện vật chất và nhân sự sẽ tổ chức giảng dạy sao cho sinh viên năm thứ nhất không bị bỡ ngỡ và bỏ cuộc giữa đường: video, lớp buổi tối, lớp thứ Bảy… theo một vị viện trưởng.
Tin tổng hợp
(AFP) – Hồng Kông : Hoàng Chi Phong lo sẽ bị bắt.
Trả lời phỏng vấn qua video, trong khuôn khổ Liên hoan Sách quốc tế Edimbourg (Scotland), Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), 23 tuổi, tác giả cuốn « Unfree Speech » cho biết mỗi ngày khi đi ngủ anh đều lo rằng sẽ bị cảnh sát dựng dậy lúc 5 giờ sáng như trường hợp tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai). Chỉ riêng việc tham gia hội nghị truyền hình này, cũng đã có thể bị quy tội, và trước đó hai tiếng đồng hồ, Hoàng Chi Phong đã bị một chiếc xe hơi bám sát, nhưng anh cho rằng có « nghĩa vụ và trách nhiệm » phải nói về tình hình Hồng Kông.
(Reuters) – Donald Trump tuyên bố có thể không làm ăn với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ khi trả lời phỏng vấn của Fox News hôm qua 23/08/2020 đã nêu ra khả năng tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không đối xử tử tế. Trước đó vào tháng Sáu, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin từng nói đến khả năng này, nếu các công ty Mỹ không được cạnh tranh bình đẳng tại Hoa lục. Mới đây tổng thống Trump cũng đã từ chối đàm phán giai đoạn 2 về thương mại với Trung Quốc.
(AFP) – Virus corona : TT. Trump cho phép mở rộng trị liệu truyền huyết thanh.
Thông báo được đưa ra ngày Chủ Nhật 23/08/2020, trong bối cảnh chủ nhân Nhà Trắng bị chỉ trích xử lý dịch bệnh kém. Theo nguyên thủ Mỹ, quyết định này là « một bước tiến lịch sử » cho việc điều trị Covid-19, cho phép cứu sống đáng kể nhiều mạng người.
(AFP) – Virus corona : Người dân Tân Cương phản đối lệnh phong tỏa.
« Tại sao phải phong tỏa cả vùng Tân Cương ? » là những gì cư dân mạng phản đối trên các mạng xã hội Trung Quốc. Khu tự trị tây bắc Trung Quốc từ hơn một tháng nay dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sau khi phát hiện một ổ dịch tại thủ phủ Urumqi làm hơn 900 người nhiễm virus corona. Tuy nhiên, từ hơn 8 ngày qua không có một ca nhiễm mới nào nhưng người lao động, sinh viên, doanh nhân và du khách vẫn chưa được phép rời Tân Cương.
(AFP) – Hậu Covid-19 : Ngoại trưởng Trung Quốc có chuyến thăm châu Âu đầu tiên.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 24/08/2020 cho biết từ ngày 25/08 đến 01/09/2020, ông Vương Nghị sẽ đến thăm 5 nước Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức, với mục tiêu là « tìm kiếm một tiếng nói chung để bảo vệ chủ nghĩa đa phương » và « hợp tác đối phó dịch bệnh ». Đây là chuyến công du châu Âu đầu tiên của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
(AFP) – California : khoảng 240.000 người sơ tán vì cháy rừng.
Đây là một trong các cuộc cháy rừng ghê gớm nhất trong lịch sử. Hôm qua, 23/08/2020, khoảng 138.000 hecta rừng đã bị lửa tiêu hủy. Khoảng 200 thành viên lực lượng Cận vệ Quốc gia được huy động, khoảng 14.000 nhân viên cứu hỏa tham gia chữa cháy hôm qua. Thống đốc bang Gavin Newsom kêu gọi sự hỗ trợ của Canada và Úc. Ít nhất 5 người chết, gần 1.000 ngôi nhà bị hủy hoại.
(AFP) – Đức : Nhà đối lập Nga Navalny có thể bị « đầu độc ».
Theo Steffen Seibert , phát ngôn viên chính phủ Đức hôm nay, 24/08/2020, nhà đối lập Nga « có nhiều khả năng » là nạn nhân của « một vụ đầu độc » và Berlin rất chú ý đến giả thiết này. Bệnh viện Đức ở Berlin chưa lên tiếng và đang nghiên cứu các kết quả xét nghiệm.
(AFP) – Lo ngại về sức khỏe thủ tướng Nhật.
Hôm nay, 24/08/2020, ông Shinzo Abe cho biết vừa trải qua các xét nghiệm y tế tại một bệnh viện ở Tokyo, lần thứ hai trong vòng 8 ngày và đây chỉ là đợt xét nghiệm bổ sung cho kỳ xét nghiệm tuần trước. Thủ tướng Nhật hy vọng có thể « tiếp tục làm việc với cường độ cao » để phục vụ đất nước. Kênh truyền hình Nippon TV, dẫn các nguồn tin thân cận với đảng Tự Do – Dân Chủ cầm quyền, cho biết sau cuộc xét nghiệm lần trước, ông Abe bắt đầu được điều trị vì một căn bệnh ông từng mắc trước đó và đây không phải là một cuộc kiểm tra y tế đơn thuần.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200824-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 24/8:
Quan chức Mỹ dự tưởng niệm cuộc chiến Quốc-Cộng;
Belarus tiếp tục biểu tình
Lục Du
Chào mừng quý độc giả của DKN đến với mục Điểm tin thế giới. Sáng nay, thứ Hai (24/8), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Quan chức Mỹ dự lễ tưởng niệm cuộc chiến Quốc-Cộng
Ông Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), Đại sứ Mỹ trên thực tế tại hòn đảo này hôm Chủ nhật (23/8) đã lần đầu tiên tham dự một buổi lễ thường niên tưởng niệm trận chiến chống lại âm mưu xâm lược của chính quyền Trung Quốc 62 năm trước của người dân xứ Đài, theo Taiwan News.
Lễ tưởng niệm những người lính đã thiệt mạng trong cuộc chiến bảo vệ Đài Loan năm 1958 được tổ chức tại một nghĩa trang ở huyện đảo Kim Môn, hòn đảo tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc năm đó.
Ông Christensen là quan chức nước ngoài duy nhất tham dự buổi lễ. Tại buổi lễ, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đặt vòng hoa và cúi đầu bày tỏ lòng kính trọng đối với những người lính đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương.
Belarus tiếp tục biểu tình
Hôm Chủ nhật các cuộc biểu tình phản đối và yêu cầu Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ chức vẫn tiếp tục diễn ra. Hàng ngàn người bất chấp cảnh báo từ quân đội đã tràn vào Thủ đô Minsk, tập trung một thời gian ngắn gần tư dinh của ông Lukashenko, trước khi giải tán một cách hòa bình, theo Reuters.
Các con đường thành phố Minsk tràn ngập những lá cờ màu đỏ và trắng biểu thị sự phản đối của họ đối với ông Lukashenko. Họ cũng hô vang các khẩu hiệu kêu gọi ông rời bỏ quyền lực và tái tổ chức các cuộc bầu cử.
Vị tổng thống đã tại vị liên tục trong 26 năm đã gọi những người biểu tình là “lũ chuột”. Ông đã xuất hiện trong các đoạn phim truyền hình trong trang phục áo giáp, trên tay cầm súng trường nhằm truyền đi thông điệp cứng rắn đối với những người phản đối sau khi cuộc bầu cử tổng thống bị cáo buộc gian lận vào ngày 9/8. (chi tiết)
Bắc Kinh tổ chức nhiều cuộc tập trận trên biển
Hôm Chủ nhật (23/8), Trung Quốc đã thông báo tổ chức một cuộc tập trận hải quân nữa tại Biển Đông từ hôm nay, trong bối cảnh Mỹ cũng đang tăng cường sự hiện diện ở vùng biển này, theo SCMP.
Cục Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc (CMSA) tại Quảng Đông cho biết cuộc tập trận mới nhất sẽ được tổ chức ngoài khơi biển phía nam từ thứ Hai đến thứ Bảy trong tuần.
Trước đó một ngày, văn phòng Hải Nam của CMSA đã thông báo về một cuộc tập trận riêng biệt và độc lập ở ngoài khơi hòn đảo, diễn ra trong cùng thời gian với cuộc tập trận được đề cập ở trên.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cùng tổ chức hai cuộc tập trận khác ở vùng biển phía đông, cuộc tập trận thứ nhất ở biển Hoàng Hải sẽ kết thúc vào thứ Tư và một cuộc diễn tập tuần duyên ngoài khơi tỉnh Hà Bắc sẽ diễn ra cho đến cuối tháng Chín. (chi tiết)
Nga: Chính trị gia đối lập Navalny có thể ‘sống sót’
Ông Alexei Navalny, chính trị gia đối lập với Tổng thống Nga Putin, có thể sẽ sống sót sau khi bị đầu độc và rơi vào trạng thái hôn mê hôm thứ Năm tuần trước, người sáng lập một nhóm hoạt động nhân quyền ở Nga chia sẻ với giới truyền thông, theo Reuters.
“Navalny sẽ sống sót sau cuộc tấn công bằng thuốc độc, nhưng sẽ bị mất khả năng hoạt động chính trị trong nhiều tháng”, ông Jaka Bizilj, người sáng lập Tổ chức Điện ảnh vì Hòa bình, nói với tờ Bild.
“Nếu anh ấy vượt qua được – điều mà tất cả chúng ta đều hy vọng – thì anh ấy chắc chắn cũng sẽ [phải] rời chính trường trong ít nhất một đến hai tháng”, ông Bizilj cho biết thêm sau khi ông Navalny được đưa tới Đức điều trị.
Venezuela: Ông Maduro bày tỏ sự biết ơn đối với Iran
Reuters đưa tin, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm Chủ nhật đã bày tỏ sự biết ơn đối với đồng minh Iran vì đã giúp chính phủ của ông chống đỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Vị tổng thống thiên tả cũng đề xuất ý tưởng mua tên lửa của Iran.
Đầu năm, Tehran đã cho điều nhiều tàu vận tải dầu đến Venezuela để giúp nước này khắc phục tình trạng thiếu nhiên liệu, cũng như cung cấp thiết bị để giúp công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA sửa chữa các nhà máy lọc dầu đang xuống cấp.
“Chúng tôi đang giúp đỡ lẫn nhau”, ông Maduro nói trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên truyền hình nhà nước. “Tôi nghĩ kinh nghiệm của Iran sẽ giúp chúng tôi củng cố năng lực quản lý của mình”.
Điểm tin thế giới tối 24/8:
Bị tố ‘tích nước’, Trung Quốc hứa
chia sẻ dữ liệu sông MêKông; Đa số người Nga
không muốn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (24/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bị tố ‘tích nước’, Trung Quốc hứa chia sẻ dữ liệu sông MêKông
Thủ tướng Trung Quốc cam kết hôm thứ Hai (24/8) sẽ chia sẻ thêm dữ liệu quản lý nguồn nước sông Mê-Kông trong lãnh thổ của họ với các nước láng giềng Đông Nam Á. Động thái này xảy ra sau khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc tích trữ nước và làm tổn hại đến sinh kế khu vực hạ nguồn, theo Reuters.
“Trung Quốc sẵn sàng cung cấp nhiều hỗ trợ hơn trong khả năng cho các nước Lan Thương – Mêkông để sử dụng nguồn tài nguyên nước tốt hơn”, Tân Hoa Xã trích phát biểu của thủ tướng Lý Khắc Cường trong một hội nghị video với 6 nước thành viên LMC gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Hai năm hạn hán kỷ lục trên dòng sông MêKông dài 4.350 km đã ảnh hưởng xấu đến sinh kế của khoảng 60 triệu người phụ thuộc vào nó, từ ngành chăn nuôi đến đánh bắt cá.
Đa số người Nga không muốn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga
52% người Nga không muốn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do nước này sản xuất, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu ý kiến công chúng VTsIOM. Nga đăng ký vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới hôm 11/8. Chế phẩm được đặt tên là Sputnik V, theo hãng thông tấn Tass.
Theo khảo sát của VTsIOM, 58% người Nga dự đoán sẽ xảy ra làn sóng đại dịch thứ hai ở nước này.
Tính đến nay, Nga ghi nhận 951.897 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 767.477 ca hồi phục và 16.310 ca tử vong.
Ông Trump ngày ‘xông xáo’ trong khi ông Biden chỉ ‘ở nhà’
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden cho biết trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 23/8, ông không có kế hoạch cho một chiến dịch tranh cử năng nổ bổ sung khi chỉ còn hơn hai tháng nữa là sẽ đến cuộc bầu cử ngày 3/11, theo Reuters.
Ông Biden, 77 tuổi, đã hạn chế đi lại trong chiến dịch tranh cử và tránh tiếp xúc đám đông kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đỉnh điểm là vào tuần trước khi một đại hội trực tuyến của đảng Dân chủ diễn ra, trong đó ông Biden nhận đề cử tổng thống của đảng mình từ một phòng khiêu vũ khách sạn trống người ở Delaware.
Ngược lại, ông Trump, 74 tuổi, đã có một lịch trình tranh cử ngày càng tích cực và dày đặc. Tuần trước ông đã tới các bang chiến trường là Pennsylvania và Wisconsin. Hôm nay (24/8), ông Trump sẽ nhận
đề cử ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa tại Charlotter, Bắc Carolina, trong hội nghị đảng này.
Công ty Úc đối mặt rủi ro gia tăng khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cảnh báo về những rủi ro gia tăng đối với các doanh nghiệp Australia xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời chỉ ra cơ hội cho 10 nước ASEAN, theo Financial Review.
“Một vài quyết định pháp lý mà Trung Quốc đưa ra trong năm nay sẽ làm gia tăng nguy cơ các doanh nghiệp Australia sẽ gặp phải khi giao dịch với các đối tác Trung Quốc. Vì vậy việc thay đổi hành vi kinh doanh là một vấn đề cho cả hai phía”, Thượng nghị sĩ Birmingham nói.
“Tiềm năng tăng trưởng ở một số quốc gia như Việt Nam và Indonesia, cùng mối quan hệ quốc tế đã được thiết lập với những nước khác như Singapore hoặc Malaysia, sẽ mang đến cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư lớn”.