Đọc báo Pháp – 24/07/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 24/07/2018

Pháp : Vụ Benalla phơi bầy nhiều lỗ hổng

ở thượng đỉnh quyền lực

Trọng Thành

Vụ Benalla khiến uy tín của tổng thống Pháp bị thách thức nghiêm trọng tiếp tục là tâm điểm của nhiều báo Pháp hôm nay, 24/07/2018. Về thời sự quốc tế, căng thẳng Hoa Kỳ – Iran đặc biệt với màn đấu khẩu mới đây giữa Donald Trump và giới chóp bu Teheran là một chủ đề được làng báo Pháp chú ý.

Trước hết về vụ Benalla, Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Sau các cuộc điều trần, điện Elysée dưới áp lực ». Le Monde và Libération tập trung vào thái độ của bộ trưởng Nội Vụ Gerard Collomb, hướng toàn bộ trách nhiệm về phía phủ tổng thống. La Croix có bài xã luận với tựa đề « Hãy cảnh giác với những người có trách nhiệm canh giữ », nêu nhận định : « Làm thế nào mà có thể tránh được sự hỗn loạn trong vụ Benalla, trong khi điện Elysée tập trung toàn bộ hào quang quyền lực ? ».

Theo La Croix, hai cuộc điều trần của bộ trưởng Nội Vụ và cảnh sát trưởng Paris làm nổi bật lên vấn đề là điện Elysée đã tỏ ra kém cỏi trong việc kiểm soát hành động của các nhân viên phủ tổng thống. Một hệ thống bị chính viên cảnh sát trưởng lên án là kiểu quan hệ « thân hữukhông lành mạnh ». Tờ báo Công Giáo nêu giả thuyết là cơ chế tổ chức hiện hành của bộ máy quyền lực của nền Cộng hòa V đã để hở những khoảng trống, khiến một số nhân viên nhân danh phủ tổng thống có thể lộng hành mà không bị trừng phạt đúng mức.

Le Monde có bài « Các lỗ hổng trên thượng đỉnh quyền lực », cho biết sau nhiều ngày im lặng, trong một cuộc họp với một số bộ trưởng hôm Chủ nhật 22/07, tổng thống Macron đã thừa nhận vụ Benalla cho thấy rõ ràng là đã có nhiều trục trặc tại phủ tống thống, mà từ đấy đến chỗ chấp nhận là có những lỗ hổng trên thượng đỉnh quyền lực chỉ còn « một bước ».

Điện Elysée, bộ Nội Vụ, sở Cảnh Sát Paris

Le Monde chỉ ra những sai lầm của ba định chế, nơi tập trung các quyền lực quan trọng nhất của ngành cảnh sát. Thứ nhất là điện Elysée. Ngày 2/5, gần một ngày sau khi vụ Benalla hành hung người biểu tình được quay phim, các quan chức cao cấp nhất của chính quyền được báo động. Ông Strzoda – chánh văn phòng phủ tổng thống, người phụ trách trực tiếp Benalla – cho Le Monde biết ông đã trực tiếp báo động với tổng thống Macron – đang trong chuyến công du Úc – về vụ việc này, và được trả lời : Nếu diễn biến này là có thực, đương sự sẽ bị trừng phạt. Chánh văn phòng phủ tổng thống quyết định đình chỉ chức vụ đối với Benalla trong vòng hai tuần, nhưng không có biện pháp kỷ luật nào được đưa ra. Vẫn theo chánh văn phòng Strzoda, sau vụ việc này, ông Benalla chỉ bị điều chuyển công tác.

Định chế thứ hai bị Le Monde điểm tên là bộ Nội Vụ. Mặc dù đã được các cộng sự thông báo, nhưng bộ trưởng Nội Vụ chỉ cho mở một cuộc điều tra nội bộ, sau khi vụ việc được Le Monde phát giác. Định chế thứ ba bị phê phán là sở Cảnh Sát Paris. Theo Le Monde, vào thời điểm xảy ra vụ hành hung, có khá nhiều nhân viên cảnh sát thuộc bộ phận phụ trách bảo vệ trật tự công cộng và giao thông (DOPC) có mặt tại chỗ, nhưng đã không có ai can thiệp để cản bớt các hành động hung hãn của Benalla. Vẫn theo Le Monde, việc Benalla có quan hệ thân thiết với nhiều chỉ huy cảnh sát là điều đã được khẳng định, đặc biệt qua việc một số « bạn » của Benalla trong cảnh sát đã tuồn cho đương sự một số đoạn băng video, ghi lại vụ hành hung nói trên.

Le Monde cũng nhấn mạnh đến sự lơi lỏng của phía tư pháp. Cho dù vụ việc xảy ra từ ngày 2/5, tổng thống, bộ trưởng Nội Vụ và nhiều lãnh đạo cảnh sát đã biết vụ này, nhưng phải đến ngày 19/7, tư pháp mới can thiệp. Le Monde đặt câu hỏi : Phải chăng đã bộ Nội Vụ và sở Cảnh Sát đã cố tình cho chìm xuống vụ việc đụng đến một nhân vật thân cận của tổng thống, và có nguy cơ phá hủy uy tín của ông ?

Hiện tại hồ sơ vụ việc nằm trong tay hai định chế : Viện Công Tố Paris và Quốc Hội.

« Jupiter » mất chủ động

Vẫn Le Monde cho biết, sau nhiều ngày im lặng, tổng thống Emmanuel Macron « tổ chức phản công ». Hôm Chủ nhật, lần đầu tiên tổng thống Pháp lên tiếng chỉ trích ứng xử của Benalla, cựu trợ lý Văn phòng tổng thống, là « không thể chấp nhận được ». Theo phát ngôn viên chính phủ, ông Benjamin Griveaux, tổng thống Macron « bình tĩnh và rất cương quyết » hành động để sự thật được xác lập.

Về phần mình, Les Echos đánh giá là vụ Benalla đang khiến tổng thống Pháp bị cản trở trong dự án cải cách. Người tự mệnh danh là đứng ở cương vị vô song trong hệ thống quyền lực quốc gia, tự so mình với « Jupiter » chúa tể của các vị thần, đang lâm vào thế bị động. Bài xã luận của Libération với tựa đề « Thời kỳ khó khăn » cũng chung một nhận xét, khi thừa nhận rằng Emmanuel Macron không còn là người chủ động nữa : cuộc cải cách Hiến pháp mong muốn đã bị Quốc Hội lùi lại sau mùa hè. Bản thân ông Macron cũng sẽ không có mặt như dự kiến tại chặng đua Xe đạp vòng quanh nước Pháp ở dãy Pyrénée vào ngày mai.

Cũng Libération có một phóng sự tại một bãi biển miền đông nam nước Pháp, ghi nhận thái độ đa chiều của người dân Pháp về vụ bê bối đình đám Benalla. Nếu như một số người cho rằng vụ việc là không thể chấp nhận được, ông Macron và chính phủ phải từ chức, thì một số người khác lại tỏ ra rất thờ ơ.

TT Trump đả kích dữ dội Iran

để đánh lạc hướng ‘‘bê bối Helsinki’’ ?

Về thời sự quốc tế, báo Le Figaro ghi nhận căng thẳng giữa Washington và Teheran đã « dâng lên mức cao nhất », kể từ khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, hồi tháng 5/2018.

Cảnh cáo chế độ Iran sẽ phải đón nhận những tai họa chưa từng có, được tổng thống Mỹ đưa lên qua Twitter, sau một trận đánh golf tối Chủ nhật 22/07. Le Figaro lưu ý là cần đặt tuyên bố dữ dội này trong bối cảnh căng thẳng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới, với việc áp đặt các trừng phạt đầu tiên chống lại lĩnh vực ngân hàng Iran, kể từ ngày 04/08. Iran tuyên bố sẵn sàng ngăn cản giao thông hàng hải tại vùng Vịnh Persic, để trả đũa.

Báo Le Figaro cũng dẫn lời người phát ngôn viên của Nhà Trắng, khẳng định tuyên bố bốc lửa của tổng thống Mỹ hoàn toàn không phải là hành động nhằm đánh lạc hướng công luận, sau các ứng xử của ông Trump tại thượng đỉnh với tổng thống Nga ở Helsinki, bị công luận trong nước lên án mạnh.

Vấn đề Donald Trump có dùng các đe dọa nhắm vào Iran để đánh lạc hướng hay không cũng là câu hỏi chính mà Les Echos đặt ra ngay trong phần mở đầu của bài « Trump đe dọa Iran, kẻ thù tuyệt hảo của nước Mỹ ». Theo Les Echos, không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống Mỹ chọn những lời lẽ hết sức cứng rắn như vậy, vì tấn công vào Iran, được coi là một kẻ thù truyền thống của nước Mỹ, sẽ giúp tổng thống Hoa Kỳ duy trì được thiện cảm của một bộ phận cử tri, cũng như nhiều đồng minh.

Triệt hạ kinh tế Iran có khiến giá dầu tăng ?

Vấn đề quan trọng khác mà Les Echos nêu lên trong hồ sơ Mỹ-Iran là câu chuyện giá dầu. Liệu cuộc chiến ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu mỏ có dẫn đến việc giá dầu trên thế giới tăng vọt hay không, bởi Iran chiếm đến 5% sản lượng dầu thế giới ?

Trong khi một số chuyên gia đặt hy vọng vào khả năng Mỹ hợp tác với Nga để kìm hãm giá dầu, bởi Nga là nhà sản xuất hàng đầu thế giới, một chuyên gia về Iran, ông Clément Therme, lại hy vọng Matxcơva cũng như Trung Quốc hợp tác với Iran trong vấn đề dầu mỏ, để chống lại các quyết định trừng phạt Iran của Mỹ.

Đông đảo người Mỹ gốc Iran không ủng hộ chính sách của Trump

Cuộc chiến chống chế độ Iran của chính quyền Trump không được nhiều hưởng ứng trong cộng đồng người Iran ở hải ngoại là chủ đề bài phóng sự của La Croix. Trong số gần 1 triệu người Iran sống tại Mỹ, rất nhiều người phản đối chính sách của Donald Trump, đặc biệt sau khi tổng thống Mỹ ban hành quyết định cấm nhập cư đối với 7 nước Hồi Giáo, trong đó có Iran. Nhiều người, do vậy, không có cơ hội mời thân nhân. Một số người chất vấn tại sao trừng phạt của Washington lại không nhằm vào con cái của các quan chức chế độ hiện theo học tại Mỹ.

Pháp : Thất nghiệp cao,

nhưng doanh nghiệp khó tuyển người

Trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos dành tựa trang nhất cho tình trạng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Pháp khó tuyển mộ nhân viên. Một hiện tượng đầy nghịch lý đang xảy ra tại Pháp là, trong lúc thất nghiệp ít có chiều hướng suy giảm, việc tuyển mộ nhân viên lại không hề dễ dàng. Điều tra của Bpfrance cho thấy là 41% doanh nghiệp có quy mô dưới 250 lao động, «gặp khó khăn nghiêm trọng » trong tuyển mộ. Tình trạng hiện nay được đánh giá là chưa từng có kể từ năm 2002. Tình trạng khan hiếm nhân công cũng xảy ra đúng vào thời điểm kinh tế Pháp đang khởi sắc trở lại.

Hàng loạt nguyên nhân được nêu ra, như lương bổng, hình ảnh của nghề nghiệp, vị trí công ty…, tuy nhiên vấn đề tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp vẫn được coi là một nguyên nhân chính. Chính phủ Pháp hiện đang có hai dự án cải cách lớn trong việc đào tạo nghề và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, hơn một nửa số doanh nghiệp được điều tra cho biết họ sẽ không chờ đợi, giải pháp chủ yếu sẽ là tuyển mộ « lao động biệt phái », tức các lao động đến từ một quốc gia khác thuộc Liên Hiệp Châu Âu. Ông Patrick Liebus, chủ tịch Liên hiệp các doanh nghiệp nhỏ trong ngành xây dựng, cho rằng điều này có lẽ khó tránh khỏi, nhưng thật là nghịch lý khi một quốc gia có đến hơn 3,5 triệu người thất nghiệp lại không đáp ứng được nhu cầu nhân công của chính mình.

Cũng liên quan đến kinh tế, La Croix có hồ sơ lớn để giải thích lý do vì sao đông đảo giới trẻ châu Phi muốn bỏ nước mà đi. Theo một điều tra năm 2016 của Viện Gallup, 42% thanh niên châu Phi, từ 15 đến 24 tuổi, muốn rời xứ sở. Thất nghiệp là một nguyên nhân chính.

Trung Quốc : Mùa hè tan nát

với dịch vụ vay tiền trên mạng

Về Trung Quốc, Les Echos có bài « Vắc xin : Người Trung Quốc lại một lần nữa phẫn nộ », nói về vụ tập đoàn sản xuất vắc xin Trường Sinh (Changsheng) bị tố sản xuất vắc xin giả, khiến hàng triệu gia đình lo sợ. Cũng Les Echos có bài « Mùa hè tan nát với dịch vụ vay tiền trên mạng ». Chỉ riêng trong tháng Bảy này, 118 địa chỉ cho vay tiền trên mạng đã bị chính quyền buộc phải đóng cửa. Chiến dịch tấn công vào dịch vụ tài chính ngoài luồng này được đánh giá là chưa từng có từ hai năm nay.

Thị trường cho vay trên mạng tại Trung Quốc bùng phát từ khoảng 4, 5 năm gần đây, với khoảng 125 tỉ euro giao dịch, riêng trong năm 2016, thông qua 6.000 địa chỉ các loại trên mạng. Khoảng hơn 2 triệu người tham gia vào hoạt động vay và cho vay. Tuy nhiên, hoạt động này kéo theo hàng loạt bê bối ghê gớm – cùng với các vụ gian lận, phá sản – là việc các chủ nợ đưa ra nhiều điều kiện vô cùng phi lý, chẳng hạn như kiểu bắt các nữ sinh phải gửi ảnh khỏa thân, như một thứ đặt cược chắc chắn. Một công ty tài chính Trung Quốc dự báo, trong ba năm tới trên thị trường này, sẽ chỉ còn 10% các cơ sở còn hoạt động.

2017 : « Năm đẫm máu » với môi trường

Báo Libération nêu lên một kỷ lục đau thương : 2017 là năm có nhiều nhà hoạt động vì môi trường bị giết hại. 207 người, so với 185 người năm 2015, 201 người năm 2016. Theo điều tra của Global Witness, xung đột đất đai khiến nhiều người thiệt mạng nhất. Lần đầu tiên, lĩnh vực nông nghiệp vượt qua ngành khai thác mỏ, với 46 người bị sát hại khi phản đối trồng dầu cọ cà phê, hoa quả nhiệt đới, mía hay chăn nuôi. 40 người bị giết hại khi chống lại các hoạt động khai thác khoáng sản, dầu mỏ, 23 người bị giết vì chống lại việc săn bắt thú hoang, con số tương tự với hành động chống khai thác lâm sản.

Global Witness cũng điểm mặt các hành động bạo lực khác nhắm vào giới bảo vệ môi trường, như bạo hành tình dục, cấm rời khỏi lãnh thổ hay đe dọa các loại… Tại châu Á, Philippines được nêu ra như một trường hợp tiêu biểu, tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ sau khi ông Duterte lên làm tổng thống.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Front Line Defenders ghi nhận là gần 70% các nhà hoạt động nhân quyền bị giết hại trong năm ngoái là vì lý do bảo vệ môi trường. Theo Somos Defensores, một tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Nam Mỹ, lý do chính khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn, đó là do các thủ phạm không hề bị tư pháp sờ đến.

http://vi.rfi.fr/phap/20180724-phap-vu-benalla-phoi-bay-nhieu-lo-hong-o-thuong-dinh-quyen-luc

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Đấu khẩu Mỹ-Iran qua Twitter : Teheran đáp trả. 

Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif ngày 23/07/2018 đáp lời tổng thống Hoa Kỳ khi tuyên bố Teheran “KHÔNG SỢ” những lời hù dọa của Trump và cũng kêu gọi ông Trump “HÃY THẬN TRỌNG”. Thông điệp của ngoại trưởng Iran được viết bằng tiếng Anh, nhưng chỉ mở đầu và kết thúc bằng chữ hoa, khác với tin nhắn trước đó của tổng thống Mỹ.

(Reuters) – Hy Lạp : Hỏa hoạn khiến ít nhất 60 người thiệt mạng. 

Các đợt cháy dữ dội ở một ngôi làng du lịch nhỏ ven biển, thuộc vùng Mati, cách thủ đô Athens khoảng 30 km cũng làm hơn 150 người bị thương. Chính phủ Hy Lạp hôm 23/07/2018 kêu gọi châu Âu trợ giúp khẩn cấp nhằm dập tắt các đám cháy đang bùng lên ở nhiều vùng.

(AFP) – Cháy rừng diện rộng : Thụy Điển cầu viện của châu Âu và NATO. 

Suốt nhiều tuần qua, 25.000ha rừng đã cháy rụi. Tháng 07/2108 là một trong những tháng nóng nhất tính từ hai thế kỷ rưỡi nay. Do thiếu phương tiện, Thụy Điển hôm 23/07/2018 đã kêu gọi sự trợ giúp thêm của các nước láng giềng. Pháp, Ý, Đức, Na Uy, Đan Mạch …. đã tích cực hỗ trợ Thụy Điển.

(AFP) – Nhật Bản: Đợt nắng nóng kéo dài 3 tuần khiến 80 người chết và 35.000 người phải nhập viện. 

Chỉ riêng tuần qua, đã có 65 người chết vì thời tiết nóng ẩm. Phần lớn nạn nhân là người cao tuổi và trẻ em. Cơ quan khí tượng ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có ở nhiều vùng và coi đợt nắng nóng này là thảm họa tự nhiên.

(AFP) – Nhật Bản: Dịch vụ gửi hình ảnh đám cưới lên không trung. 

Công tyWarpspace giới thiệu dịch vụ mới mà họ hợp tác với một khách sạn nổi tiếng về tổ chức tiệc cưới. Với giá khoảng 270 đô la, những cặp vợ chồng cưới tại khách sạn sẽ có thể ghi tên và in các họa tiết trang trí trên các mảnh titan 16x8mm. Các mảnh titan sẽ được vệ tinh phóng lên không gian và bay lơ lửng trong không trung trong vòng 1-2 năm. Sau đó, khách hàng sẽ nhận được hình ảnh mảnh titan lơ lửng giữa các vì sao. Vệ tinh dự kiến được phóng từ năm 2019, nhưng công ty sẽ sớm nhận đơn đặt hàng của các cặp đôi.

(AFP) – Chiến tranh kinh tế Mỹ – Trung : Bắc Kinh quyết định các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 23/07/2018 có buổi họp với chính phủ để thông qua hàng loạt biện pháp thuế khóa và tài chính. Trong thông cáo chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện chính sách năng động hơn về ngân sách, thúc đẩy đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực giao thông, truyền thông, khai thác dầu lửa và khí ga.

(AFP)- Chiến tranh thương mại, trọng tâm thượng đỉnh của nhóm BRICS giữa 5 nền kinh tế đang trỗi dậy. 

Trong ba ngày họp từ 25 đến 27/07/2018 tại thành phố Johannesburg, Nam Phi, phái đoàn 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tập trung vào cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào. Từ tháng 6/2018, nhóm BRICS đã lên án chính sách bảo hộ của Mỹ. Nguyên thủ 5 nền kinh tế đang trỗi dậy sẽ có mặt tại Johannesburg.

(AFP) – 207 nhà hoạt động môi trường bị sát hại trong năm 2017. 

Tổ chức Global Witness gọi đây là năm đen tối nhất đối với giới bảo vệ môi trường. Theo công bố sáng hôm nay 24/07/2018, 207 nạn nhân nói trên tập trung tại 22 quốc gia. 60% số họ ở khu vực Mỹ la tinh, nhiều nhất là Brazil – với 57 vụ sát hại. Nhưng nếu tính trên quy mô dân số, thì Nicaragua là nước có tỉ lệ nhà hoạt động môi trường bị sát hại cao nhất.

(AFP) – Venezuela: Lạm phát từ nay tới cuối năm 2018 sẽ lên tới 1.000.000%, GDP giảm 18%. 

Trên đây là dự báo mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công bố hôm qua 23/07/2018. Theo IMF, Venezuela đang ở tình trạng tương tự Đức hồi năm 1923 và Zimbabue vào cuối những năm 2000. Các nước láng giềng của Venezuela có nguy cơ chịu tác động tiêu cực nếu kinh tế Venezuela sụp đổ.

(AFP) – Nicaragua: Tổng thống Ortega từ chối từ chức và bác bỏ khả năng tổng tuyển cử trước thời hạn. 

Sau tuyên bố của tổng thống Nicaragua, hàng chục ngàn người hôm qua 23/07/2018, kể cả phe đối lập và những người ủng hộ ông Ortega xuống đường tuần hành. Tuy nhiên, đụng độ giữa hai bên đã không xảy ra.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180724-tin-doc-nhanh