Đọc báo Pháp – 24/02/2020
Virus corona :
Trung Quốc từ Đại Nhảy Vọt đến Đại Thụt Lùi
Thanh Hà
Covid-19 đẩy cuộc bầu cử Quốc Hội Iran, chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Mỹ, phiên tòa tại Luân Đôn xử Julian Assange sáng lập viên WikiLeaks… xuống hàng thứ yếu. Từ đầu mùa dịch, lần đầu tiên virus corona phủ kín các mặt báo Paris ngày 24/02/2020.
Như vết dầu loang, Covid-19 từ Trung Quốc đã tràn sang tới Hàn Quốc, Ý và cả Iran. Nhưng trước hết xin điểm bài xã luận trên Le Figaro.
Hoàng đế họ Tập mất mặt vì Covid-19
Tờ báo này đặc biệt xoáy vào Trung Quốc. Tác giả bài xã luận mang tựa đề “Bước Đại Thụt Lùi”, Patrick Saint-Paul, không chút khoan nhượng với “hoàng đế họ Tập”.
Vì virus corona, từ ngày nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời năm 1949, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị cô lập như ngày hôm nay. Tại Bắc Kinh, “hoàng đế họ Tập đang bị mất mặt”. Từ khi “lên ngôi” năm 2012, Tập Cận Bình đã thâu tóm tất cả quyền lực, tặng cho mình khả năng lãnh đạo đất nước mãn đời. Ông Tập chủ trương đưa Trung Quốc trở thành “trung tâm” của thế giới, ngang hàng với Mỹ và đã hứa hẹn một “giấc mộng Trung Hoa” tươi sáng. Nhưng Covid-19 nằm ngoài kế hoạch của Bắc Kinh. Thế giới đang xa lánh Trung Quốc.
Tập Cận Bình muốn tránh theo chân Mikhail Gorbatchev để trở thành người đào mồ chôn vùi đảng Cộng Sản Trung Quốc. Cựu lãnh đạo Liên Xô từng tâm sự, Liên Bang Xô Viết xưa kia đã tan rã vì thảm họa nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl. Thách thức lần này của ông Tập, theo tác giả bài báo, là làm thế nào tránh để virus corona có sức công phá như lò máy điện hạt nhân ở Tchernobyl năm nào.
Covid-19, điểm nhạy cảm của ngành ngoại giao Trung Quốc
Cũng trên Le Figaro, thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh Sébastien Falletti bồi thêm : “Dịch bệnh làm Trung Quốc rớt đài”. Covid-19 phơi bày ra ánh sáng thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh đang rất khó chịu về thế yếu trên bàn cờ quốc tế.
Hàng loạt hoạt động ngoại giao của Trung Quốc bị đình trệ vì dịch viêm phổi lần này. Từ cuối tháng 01/2020, Bắc Kinh ngậm bồ hòn làm ngọt khi thấy các đối tác lần lượt hồi hương kiều dân ra khỏi ổ dịch Vũ Hán. Kể cả nước Nga cũng đã cấm cửa các công dân Trung Quốc và hầu hết các hãng hàng không quốc tế ngưng các chuyến bay tới Hoa Lục. Trung Quốc thực sự bị “phong tỏa”.
Thêm vào đó, khủng hoảng y tế tại cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu này đã buộc Bắc Kinh phải cầu viện quốc tế, như bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào khác trên thế giới, chận đứng tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ để trở thành “cái rốn của hành tinh”.
Ngoài mặt, lãnh đạo Trung Quốc cảm ơn Pháp và 160 nguyên thủ đoàn kết với Bắc Kinh chống virus corona, nhưng ở hậu trường, “ngành ngoại giao Trung Quốc khó che giấu cay đắng” thấy các nước bạn
lần lượt xa lánh. Bên cạnh đó, khủng hoảng lần này cũng đang làm lộ rõ tinh thần bài Trung Quốc ở khắp nơi, những hành vi kỳ thị người Trung Quốc càng kiến bức tranh thêm ảm đạm.
Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại
Trong cơn hoạn nạn lần này, Trung Quốc thực sự chỉ có một người bạn duy nhất là Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt. Ông này bị Le Figaro gọi là “một chư hầu của Bắc Kinh”. Một điểm tựa duy nhất như vậy làm lộ rõ thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc.
Chưa hết, Covid-19 còn phơi bày ra ánh sáng những bất cập, nếu không muốn nói là những “xấu xa” hay nhược điểm của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới mà Trung Quốc từ trước đến nay vẫn che đậy từ hệ thống y tế cho đến các màn kiểm duyệt, che giấu thông tin…
Với ngần ấy lỗ hổng, Le Figaro cho rằng sau dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới gây nên lần này, các nhà đầu tư cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ vốn vào Trung Quốc. Về chính trị, Covid-19 cũng bắt các nhà lãnh đạo quốc tế đánh giá lại về “sức mạnh thực sự của ông khổng lồ châu Á này”, theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc với báo Le Figaro.
Virus corona : Dân chết, chính quyền tiếp tục “trình diễn”
Vào lúc một phần các hoạt động tại Trung Quốc bị tê liệt vì virus corona, Libération chú ý đến sự kiện chủ tịch Tập Cận Bình trên đài truyền hình Nhà nước hôm Chủ Nhật 23/02/2020 nhìn nhận đây là “khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất” trong 70 năm qua đồng thời, đã có “một số thiếu sót trong việc xử lý dịch”. Có điều, như ghi nhận của phóng viên báo Libération, Hoàn Cầu Thời Báo đã “quên” nhắc đến chi tiết này khi tường thuật lại về bài phát biểu của ông Tập.
Gần như cùng lúc chủ tịch Trung Quốc phát biểu trên đài truyền hình, thì ông Lý Khắc Cường tổ chức một màn trình diễn ngoạn mục. Cũng Libération thuật lại, thủ tướng họ Lý chủ trì một cuộc họp qua video quy tụ 170.000 quan chức, cán bộ, các giới chức quân sự trên toàn quốc để bàn về những biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chùm ảnh cho thấy, 170.000 quan chức này đều đeo khẩu trang trong cuộc họp “từ xa” với thủ tướng ! Libération bình luận : màn trình diễn lố bịch đó mâu thuẫn với thông báo lạc quan chính Bắc Kinh đã tung ra cách nay vài hôm, đó là “số ca lây nhiễm mới thấp hơn so với số người đã được chữa khỏi”.
Còn ở bên trong Vũ Hán ?
Trong khi đó, tại Vũ Hán từ một tháng qua, người dân sinh sống như thế nào kể từ khi thành phố này bị “cách ly” ? Le Figaro tiết lộ từ ba ngày qua, người dân bị cấm đi ra ngoài mua bán. Từ trước tới nay, cứ hai ngày một lần, mỗi hộ gia đình được phép để cho một người đi chợ. Nhưng từ hôm 22/02, dân cư Vũ Hán được lệnh ở yên trong nhà, lương thực do các tổ dân phố cung cấp.
Hình ảnh này gợi lại thời kỳ Mao Trạch Đông còn lãnh đạo đất nước. Một sinh viên 23 tuổi sống gần Vũ Hán kể lại với phóng viên báo Le Figaro rằng từ ngày 14/02, trong chung cư của cô, thang máy bị cúp, không một ai được xuống đường. Có đi bộ xuống cũng bị đuổi lên nhà trước khi ra khỏi cửa chung cư. Đây là một thay đổi quan trọng từ khi ông Tập Cận Bình gài người thân tín đứng đầu tỉnh Hồ Bắc. Không chỉ có Vũ Hán, mà cả ở Hàng Châu, Ôn Châu hay thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, gần với Thượng Hải người dân cũ bị “giam lỏng trong nhà”.
Lo lắng lan rộng
Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Hoa lục, Hàn Quốc, Iran là những điểm nóng mới với những ca lây nhiễm tăng nhanh. La Croix ghi nhận : tương tự như Trung Quốc, “Iran cũng đang bị các nước láng giềng đóng cửa biên giới”, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan, hay Armenia.
Dịch đã lan sang tới châu Âu : Ý phong tỏa 11 thành phố nhỏ ở miền bắc, Libération trên trang nhất chơi chữ “Ý đậy vung chuông” ngăn ngừa virus.
Tít trên tờ Les Echos gần giống với tựa của báo Libération : “Virus corona, nỗi lo sợ lan sang đến châu Âu”. Tờ báo kinh tế này của Pháp đã có tổng cộng 7 bài về những khía cạnh khách nhau của dịch viêm phổi cấp tính xuất phát từ Trung Quốc : nào là dịch bệnh đang trở thành một vấn đề “cấp bách của thế giới”, “Báo động đỏ tại Hàn Quốc” ; “Ý rơi vào bẫy” của Covid-19 ; “Iran bầu lại Quốc Hội trong nỗi lo âu dịch lan tràn”…
Trên trang internet được cập nhật từng giờ, độc giả không được trấn an chút nào với những bài : “đồng euro mất gia trước nguy cơ dịch bệnh lây lan tại châu Âu” ; “virus corona lan rộng và gây hoảng hốt trên các sàn chứng khoán” ; “kinh tế Ý có nguy cơ chìm vào suy thoái”…
“Lo lắng” cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Monde và đây là tâm trạng của từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Ý và kể cả Pháp.
Le Figaro lưu ý độc giả Covid-19 một khi đã “gõ cửa” nước Ý và Roma áp dụng các biện pháp mạnh theo kiểu Trung Quốc để đối phó, thì Pháp ở sát cạnh đã cảnh giác và tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng đối phó trong trường hợp bệnh dịch bùng phát.
Tờ báo này tiết lộ chiều qua thủ tướng Edouard Philippe triệu tập bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, Y Tế và Giao Thông để cùng “thẩm định tình hình”. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran không loại trừ khả năng, dịch bệnh bùng phát tại Pháp. Trong ấn bản được cập nhật trên mạng, tờ báo này cho biết bộ Y Tế Pháp huy động “thêm 70 bệnh viện trên toàn quốc trong tư thế sẵn sàng”.
Covid-19, kẻ phá rối
Dưới một góc độ không nghiêm trọng bằng, cũng tờ Le Figaro cho biết, virus corona sau khi đã phá hỏng mùa lễ hội hóa trang nổi tiếng của Venise, làm đảo lộn tuần lễ thời trang tại Milano của Ý, kể từ ngày 24/02, Covid-19 tiếp tục quậy phá tuần lễ Fashion Week của Paris : ít nhất 6 nhà may nổi tiếng của Trung Quốc hủy chương trình đến Paris. Nhiều nhà may tên tuổi dự trù trình làng các bộ “collection mới” qua Instagram và các mạng xã hội. Cầm chắc là virus corona không thể len lỏi qua cách kênh này để lây nhiễm cho bất kỳ một ai.
Tin tổng hợp
(AFP) – Covid-19 : Liên Hiệp Quốc đặc cách miễn cấm vận Bắc Triều Tiên.
Liên Đoàn Quốc Tế các Hội Hồng Thập Tự và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ ngày 24/02/2020 cho biết đã được Liên Hiệp Quốc cho phép đặc cách miễn cấm vận đặc biệt để cung cấp thiết bị y tế cho Bắc Triều Tiên nhằm đối phó với khả năng dịch virus corona lây lan đến nước này. Chính quyền Bình Nhưỡng cho đến giờ vẫn bảo đảm họ kiểm soát được tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu dịch lan sang, Bắc Triều Tiên sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn về vệ sinh y tế ngay lập tức vì thiếu các trang thiết bị y tế do bị quốc tế cấm vận.
(AFP) – Trung Quốc cấm tiệt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Đề nghị này đã được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc họp tại Bắc Kinh thông qua ngày 24/02/2020. Theo ủy ban, lệnh cấm này nhằm « bãi bỏ thói quen xấu tiêu thụ quá nhiều động vật hoang dã và bảo vệ sức khỏe cũng như đời sống của người dân một cách có hiệu quả ». Lệnh cấm sẽ được áp dụng ngay tức thì trong khi chờ một cuộc bỏ phiếu chính thức.
(AFP) – Virus Corona làm quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng.
Bộ trưởng Du Lịch Trung Quốc ngày 24/02/2020 khuyến nghị các công dân nên tránh đi đến Mỹ do những biện pháp đề phòng dịch bệnh thái quá mà bộ trưởng Trung Quốc cho rằng mang tính kỳ thị. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần phản đối các phản ứng của Hoa Kỳ mà họ cho là « quá đà ».
(AFP) – Bernie Sanders chủ trương can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Ứng cử viên đang dẫn đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, ông Bernie Sanders trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 23/02/2020 cho biết sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc dùng vũ lực tấn công Đài Loan. Vị thượng nghị sĩ từng phản đối việc Mỹ đưa quân vào Irak năm 2002 khẳng định Hoa Kỳ có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, và không loại trừ giải pháp quân sự đối với các mối đe dọa nhắm vào đồng minh của Mỹ, như trường hợp Đài Loan.
(AFP) – Anh xem xét yêu cầu dẫn độ Julian Assange.
Tư pháp Anh ngày 24/02/2020 bắt đầu xem xét yêu cầu của Hoa Kỳ cho dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks. Nếu đòi hỏi này được chấp nhận, Julian Assange, người Úc 48 tuổi có nguy cơ lãnh án đến 175 năm tù vì 17 tội danh liên quan đến tấn công tin học và gián điệp. Năm 2010, WikiLeaks đã tiết lộ 250.000 bức điện ngoại giao và 500.000 tài liệu mật liên quan đến các hoạt động của quân đội Mỹ tại Irak và Afghanistan.
(AFP) – Kênh truyền hình Nga RT (Russia Today) tuyển dụng cựu lãnh đạo tình báo Pháp.
Kênh RT Pháp ngữ cho biết, ông Alain Juillet, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo tại Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE), sẽ dẫn chương trình địa chính trị của đài, 2 lần mỗi tháng, chuyên về các chủ đề « ngoại giao, xung đột, khủng bố, an ninh, tình báo kinh tế… ». Phát sóng chính thức tại Pháp từ cuối năm 2017, RT là kênh truyền hình Nhà nước Nga, chủ yếu quảng bá lập trường quan điểm Nga đối với khán giả ngoại quốc. Kênh RT Pháp ngữ đã nhiều lần bị phủ tổng thống Pháp từ chối cho dự họp báo chính thức vì cho rằng đây là kênh tuyên truyền phục vụ điện Kremlin.
(AFP)- Pháp : Vợ chồng cựu thủ tướng ra tòa.
Ông François Fillon, cựu thủ tướng Pháp dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012) cùng vợ là Penelope Fillon bị tòa án đưa ra xét xử trong nghi án ngụy tạo việc làm cho vợ. Phiên tòa kéo dài đến ngày 11/03, nhưng đã bị hoãn đến thứ Tư 26/02 do giới luật sư biểu tình. Các bị cáo phải đối diện với mức án tới 10 năm tù, cũng như khoản tiền phạt rất nặng. Ông François Fillon, 65 tuổi khi đang ra tranh cử tổng thống Pháp, tháng Giêng năm 2017, bị báo chí phát giác trong thời gian làm nghị sĩ từ 1998-2013, tuyển dụng vợ làm trợ lý để trả lương, nhưng trên thực tế bà không làm việc. Tư Pháp đã cho khởi tố, điều tra vụ án. Theo các nhà điều tra, vụ việc này đã gây thiệt hại cho công quỹ hơn 130 nghìn euro.
(AFP) – Pháp : Mèo ra tranh cử tại địa phương ?
Một đảng ở Pháp hôm 24/02/2020 loan báo ý định cho một con mèo vào danh sách ứng cử trong cuộc bầu cử địa phương ở Rennes (miền tây nước Pháp) ngày 15 và 22/03 để nhấn mạnh đến điều kiện sống của loài vật. Danh sách « Rennes en commun » của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất muốn cho mèo Rec vào gần cuối danh sách, dưới cái tên được một người cho mượn. Đồng giám đốc chiến dịch tranh cử Félix Boullanger nói rằng việc này chỉ mang tính biểu tượng. Liên danh cam kết ủng hộ bảo vệ súc vật, tăng protein thực vật trong các căng-tin, cấm các đoàn xiếc sử dụng động vật hoang dã và chủ trương triệt sản mèo hoang.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200224-tin-tong-hop
Điểm tin thế giới sáng 24/2:
Italy đẩy mạnh
các biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Lục Du
Sáng nay, thứ Hai (24/2), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Italy đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Italy đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh nước này có số người nhiễm bệnh tăng nhanh chóng và đã ghi nhận ca tử vong thứ ba trong ngày Chủ nhật (23/2), theo Reuters.
Lễ hội Venice Carnival thường tập trung hàng ngàn người, các buổi biểu diễn âm nhạc tại nhà hát, cũng như các trận bóng đá thu hút giới mộ điệu đã bị hủy để hạn chế tối đa sự lây lan của loại virus có tên chính thức là SARS-CoV-2.
Tình trạng báo động ở Italy đã gia tăng mối quan ngại cho nước láng giềng Áo. AP dự đoán nhiều khả năng Áo sẽ sớm đóng cửa biên giới với Italy nếu như tình hình dịch bệnh ở đây trở nên tồi tệ hơn.
Vào tối Chủ nhật, Áo đã cho dừng tất cả các chuyến tàu qua lại với Italy, sau khi nhận được thông tin rằng có 2 người trên chuyến tàu từ phía Italy tới Áo bị sốt. Chuyến tàu này đã được yêu cầu dừng lại trước khi vào lãnh thổ Áo.
Ông Trump nhận được sự ủng hộ tăng vào thời điểm quyết định
The Guardian cho hay, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump đang cao hơn vào thời điểm quyết định của cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào cuối năm nay, hứa hẹn mang tới nhiệm kỳ tiếp theo cho vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ.
Một cuộc thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump là 49%. Các cuộc thăm dò trên trang FiveThirtyEight cho kết quả: tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump tăng lên kể từ tháng 9/2019, thời điểm đảng Dân chủ bắt đầu cuộc luận tội ông Trump.
Vào Chủ nhật (23/2), một cuộc thăm dò của CBS News ghi nhận 65% người Mỹ tin rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai trước ứng viên của đảng Dân chủ.
Thổ Nhĩ Kỳ: Động đất mạnh, ít nhất 9 người thiệt mạng
Vào Chủ nhật (23/2), một trận động đất mạnh 5,7 độ richter đã xảy ra tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Iran, khiến 9 người thiệt mạng và hàng nghìn ngôi nhà sụp đổ, Reuters đưa tin.
Ngoài số người chết, có hơn 100 người bị thương ở các làng và thị trấn thuộc cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tại nước này, 3 trong số những người chết là trẻ em và 50 người bị thương, trong đó có 9 người ở tình trạng nguy kịch.
Đã xuất hiện một số dư chấn sau trận động đất này, bao gồm một cơn địa trấn với cường độ lớn 6.0 độ richter, xảy ra 10 giờ sau đó. Không có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong từ cơn dư chấn này.
Lực lượng an ninh Iraq tiếp tục bắn chết người
Lực lượng an ninh Iraq tiếp tục làm chết người biểu tình. Hôm Chủ nhật (23/2), tại Thủ đô Baghdad, họ đã nổ súng vào người biểu tình khiến 1 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương, Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng an ninh và y tế Iraq cho biết.
Đã có gần 500 người biểu tình thiệt mạng kể từ khi các cuộc tuần hành phản đối chính phủ Iraq nổ ra vào ngày 1/10/2019. Người biểu tình xuống đường đòi hỏi nhà cầm quyền phải giải quyết nạn tham nhũng và hạn chế sự can thiệp của nước ngoài.
Không rõ các cuộc biểu tình tập trung đông người này sẽ tiếp tục tới khi nào khi Iraq đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus corona, bất chấp việc đóng cửa biên giới với Iran, quốc gia có hàng chục người nhiễm và 8 người chết vì loại virus được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Lính Israel bắn chết một người Palestine đặt bom
Hôm Chủ nhật (23/2), quân đội Israel đã giết chết một người đàn ông Palestine trong khi người này đang cố gắng đặt chất nổ gần hàng rào an ninh của Israel tại Dải Gaza, quân đội Israel nói với Reuters.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Palestine Jihad nói rằng người đàn ông bị quân đội Israel bắn chết là một trong những thành viên của họ.
Các nhân chứng và các quan chức y tế nói rằng hai người Palestine khác bị thương sau khi binh lính Israel bắn vào một nhóm người cố gắng tiếp cận để lấy thi thể của người bị bắn chết gần hàng rào biên giới.
Điểm tin thế giới chiều 24/2:
Thêm người tử vong ở Ý và Iran vì COVID-19
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (24/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Nghị sĩ Iran nói có ít nhất 50 người ở thành phố Qon tử vong vì dịch COVID-19
Hãng thông tấn bán chính thức Iran ILNA hôm nay (24/2) dẫn lời nghị sĩ Ahmad Amiriabadi Farahani ở thành phố Qon, nói rằng, thành phố hiện có hơn 250 người bị cách ly và 50 người tử vong kể từ ngày 13/2 do chủng mới virus corona.
Số liệu của Nghị sĩ Farahani cao hơn nhiều so với con số 12 ca tử vong được chính phủ công bố vài giờ trước đó.
“Bộ trưởng Y tế thông báo 12 người chết vì nhiễm virus corona và 47 trường hợp nhiễm bệnh trong nước”, phát ngôn viên quốc hội Iran Assadollah Abbassi cho biết sau phiên họp kín. “Nguồn lây nhiễm virus corona ở Iran là người nhập cảnh bất hợp pháp từ Pakistan, Afghanistan và Trung Quốc”.
Thành phố Qom nằm ở phía tây bắc và lớn thứ bảy của Iran.
Ca tử vong thứ tư ở Ý vì dịch COVID-19
Một người thứ tư ở Ý đã chết sau khi nhiễm virus corona, Reuters ngày 24/2 dẫn tin từ đài RAI báo cáo hôm thứ Hai, khi giới chức nước Ý đang khẩn trương ngăn chặn sự bùng phát căn bệnh ở phía bắc đất nước với khoảng 150 ca được thống kê kể từ 21/2.
Bệnh nhân qua đời khoảng 80 tuổi và trước đó đã vào viện để điều trị một căn bệnh không liên quan cho tới khi ông cụ suy kiệt vì virus corona, đài RAI nói. Ba người khác đã chết vì căn bệnh này cũng là những người già và ít nhất hai trong số họ đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Israel cách ly 200 người Hàn Quốc tại căn cứ quân sự
Lo ngại dịch COVID-19, Israel cách ly khoảng 200 du khách từ Hàn Quốc tại một căn cứ quân sự trong khu định cư của người Do Thái ở khu vực chiếm đóng thuộc Bờ Tây, Reuters hôm 23/2 dẫn nguồn từ trang tin Ynet của Israel.
Khi được hỏi về báo cáo này, một quan chức Israel chỉ nói rằng cơ sở an ninh trên “đang xem xét các chọn lựa nhằm đáp ứng một đoàn du khách từ Hàn Quốc theo các chỉ thị của Bộ Y tế về vấn đề này”.
Trong một phát biểu khác vào hôm 23/2, Bộ trưởng Nội vụ Israel, Aryeh Deri cho biết ông đã ra lệnh đưa Hàn Quốc và Nhật Bản vào danh sách các quốc gia châu Á cấm du lịch tới cũng như xuất phát từ Israel. Những nước khác trong danh sách này bao gồm Trung Quốc và Thái Lan, ông nói.
Dịch COVID-19 giáng đòn nặng vào ngành bán lẻ Hàn Quốc
Hãng tin Yonhap dẫn tin các nhà phân tích môi giới địa phương cho biết trong hôm thứ Hai (24/2), họ dự kiến trong năm nay có sự sụt giảm mạnh trong ngành bán lẻ do sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Số ca mắc virus corona chủng mới ở Hàn Quốc đã tăng cấp số nhân lên tới 763 người vào hôm thứ Hai, so với chỉ 30 người vào tuần trước đó.
Hơn 110.000 người chào đón Tổng thống Trump tới Ấn Độ
The Epoch Times ngày 24/2 thông tin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và phu nhân Melania đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Sardar Vallabhbhai (Ahmedabad) cho chuyến công du chính thức Ấn Độ trong 2 ngày.
Đặt chân lên quốc gia Nam Á, Tổng thống Trump được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào đón nồng ấm tại sân bay trước khi ông cùng đoàn tháp tùng tới thăm Sabarmati Ashram – ngôi nhà cũ của lãnh đạo độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi. Sau đó họ di chuyển 14 dặm từ sân bay đến sân vận động cricket lớn nhất thế giới nơi có hơn 110.000 người tập trung để chào đón tổng thống Mỹ.
Tổng thống Trump và phu nhân cũng sẽ tới thăm đền Taj Mahal.
Thủ tướng Malaysia đệ đơn từ chức
Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đệ đơn từ chức vào hôm thứ Hai (24/2), sau một cuộc đảo chính nội bộ thành lập một liên minh cầm quyền mới, theo Nikkei Asian Review.
Văn phòng thủ tướng cho biết trong một tuyên bố rằng nhà lãnh đạo 94 tuổi đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương vào lúc 1h chiều (giờ địa phương).
Liên minh cầm quyền gần hai năm tuổi của ông Mahathir đang lún sâu vào những mâu thuẫn nghiêm trọng về vấn đề chuyển giao quyền lực giữa ông Mahathir và người kế nhiệm được chỉ định Anwar Ibrahim.