Đọc báo Pháp – 24/02/2018
Làm sao cắt được vòi bạch tuộc của Nga
đang vươn tới phương Tây ?
Các tạp chí lớn tại Pháp tuần này đều dành trang bìa cho các chủ đề mang tính chất xã hội và gắn với Pháp. Riêng tuần báo Anh The Economist đã khai thác một đề tài chính trị nóng bỏng : Nước Nga của Putin đang len lỏi vào các nền dân chủ phương Tây như thế nào. Trên trang bìa là hình vẽ một con bạch tuộc – với cái đầu mang dáng dấp của tổng thống Nga – đang vung vẩy những chiếc vòi. Bên trên bức hình là tựa lớn : « Kẻ khuấy động » bên trên hàng tiểu tựa giải thích : « Cách nước Nga đe dọa các nền dân chủ phương Tây ».
Ở bài viết bên trong, The Economist đã nhắc lại sự kiện, Chính phủ Nga trong tuần đã lại phủ nhận cáo buộc là họ đã xen vào để lũng đoạn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Lời cải chính được đưa ra sau khi Robert Mueller, công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra ảnh hưởng của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, đã công bố bản cáo trạng nhắm vào 13 công dân Nga, nêu chi tiết về những gì các bị cáo này đã làm thông qua mạng xã hội để tìm cách gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Mỹ.
Trong bài xã luận, tuần báo Anh trước hết nhắc lại rằng : Vào cuối thập niên 1980, khi Mikhail Gorbachev phát động phong trào perestroika, Nga đã hòa dịu với phương Tây. Người ta đã tưởng rằng hai bên đều sẽ từ bỏ ý muốn lật đổ đối phương bằng những lời dối trá và những lập luận hoang tưởng theo kiểu chiến tranh lạnh. Thế nhưng, qua cáo trạng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller nhắm vào 13 người Nga công bố ngày 16 tháng 2, thì quả là người ta đã lầm.
Ông Mueller cáo buộc rằng vào năm 2014, Nga đã bắt đầu âm mưu chống lại nền dân chủ Mỹ, và ông tin rằng ông có đủ bằng chứng để bác bỏ trước tòa án những lời phủ nhận của Nga. Vladimir Putin đã bật đèn xanh cho chiến dịch đó, có lẽ vì nghĩ rằng cơ quan CIA của Mỹ đang kích động một cuộc nổi dậy ở Ukraina. Tổ chức mang tên Cơ Quan Nghiên Cứu Internet (Internet Research Agency – IRA) , được một nhà tài phiệt thân điện Kremlin hậu thuẫn, đã thành lập một nhóm « chuyên gia xuyên tạc » – mà giới tin học gọi nôm na là internet troll – một hệ thống thanh toán chi phí và các danh tính giả, mục tiêu là đào sâu hố chia rẽ tại Mỹ, để rồi sau đó tác động đến cử tri để dồn phiếu từ bà Hillary Clinton sang cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Châu Âu cũng là đối tượng bị lũng đoạn: Nga bị nghi là đã tài trợ cho các chính trị gia cực đoan, đã thâm nhập vào các hệ thống máy tính để đánh cắp thông tin, đã tổ chức những cuộc biểu tình và loan truyền tin thất thiệt. Và ở châu Âu cũng thế, mục tiêu là kích động, khoét sâu chia rẽ trong xã hội.
Ba bài học kinh nghiệm
Đối với The Economist, rất khó mà biết chính xác là Nga đã thành công đến đâu, nhưng các âm mưu của họ làm dấy lên nỗi quan ngại về những điểm yếu trong các nền dân chủ phương Tây, với ba bài học cay đắng cần rút ra.
Trước tiên hết, đó là việc các mạng xã hội hiện nay là một công cụ hiệu quả hơn so với các kỹ thuật dựng chuyện hay mua chuộc nhà báo hồi những năm 60. Sử dụng Facebook để phát hiện, chiêu mộ ủng hộ viên, và hoàn thiện các khẩu hiệu ăn khách nhất không tốn kém bao nhiêu. Với một chút khéo léo, ta có thể lôi kéo cả hệ thống vào việc tán dương, ủng hộ các bài đăng của mình. Và nếu đánh cắp được dữ liệu máy tính của các định chế lớn như đảng Dân Chủ Mỹ, như người Nga đã làm, ta có ngay cả một mạng lưới để phát tán thông tin.
Bài học thứ hai là chiến dịch của Nga đã khai thác được sự chia rẽ ở Mỹ, kích động vấn đề chủng tộc, xúi giục cử tri da đen xem bà Clinton như kẻ thù và ở nhà không đi bỏ phiếu, khơi dậy nỗi bực tức của người da trắng… Sau chiến thắng của ông Trump mà nó đã cố gắng góp phần, nó lại tổ chức một cuộc biểu tình chống Trump ở Manhattan. Và mới đây, ngay sau vụ thảm sát bằng súng tại trường Parkland, các robot tin học của Nga bắt đầu lao vào cuộc tranh cãi về kiểm soát súng đạn. Người châu Âu, ở một mức độ ít hơn, cũng bị chia rẽ, đặc biệt là ở Anh Quốc với vụ Brexit. Chính các chia rẽ tiềm ẩn trong các nền dân chủ phương Tây đã khiến họ sẽ bị lũng đoạn.
Bài học quan trọng nhất là phản ứng của phương Tây trước cuộc tấn công của Nga rất yếu, trái ngược với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh trước đây. Tại Mỹ, cả hai tổng thống đều thất bại trong cách đối phó.
Barack Obama rất đau đớn trước những bằng chứng về sự can thiệp của Nga, nhưng lại tự kềm chế trong việc áp đặt lệnh trừng phạt. Có lẽ vì ông cho rằng ông Trump chắc chắn sẽ thất cử, nên không muốn tạo ra những nghi ngờ rằng ông cố tình tác động vào kết quả. Đối với The Economist, nhận định đó của ông Obama là một sai lầm nghiêm trọng.
Còn thất bại của ông Trump thì xuất phát từ cách nhìn của ông về vụ việc. Lẽ ra ông phải lên tiếng chống lại ông Putin và bảo vệ Mỹ chống lại thái độ thù địch của Nga. Thế nhưng thay vào đó, dưới tác động của một số người trong đảng Cộng Hòa, ông lại ra sức hạ uy tín các cơ quan điều tra âm mưu của Nga, và hàm ý muốn sa thải ông Mueller hoặc những người bảo vệ ông tại Bộ Tư Pháp Mỹ, tương tự như việc ông cách chức James Comey người đứng đầu FBI…
Châu Âu phải năng động đối phó
Theo tuần báo Anh, các bài học kể trên cho thấy là để phá được âm mưu của Nga, các nền dân chủ phương Tây cần phải năng động hơn.
Giới lãnh đạo phương Tây phải tìm cách khôi phục lòng tin nơi cử tri. Điều đó đòi hỏi trước tiên hết là sự minh bạch. Châu Âu cần mở thêm nhiều cuộc điều tra chính thức, với người phụ trách có thẩm quyền như ông Mueller. Luật về các khoản tài trợ cho các chính đảng cũng cần được siết chặt, để xác định rõ là ai đã trao tiền cho ai. Và các phương tiện truyền thông xã hội cần phải được mở ra cho giám sát, để bất cứ ai cũng có thể xác định được ai là những người đang trả tiền cho các thông tin quảng cáo, và để cho giới chuyên gia nghiên cứu có thể dễ dàng lột mặt nạ kẻ gian.
Bên cạnh đó, phải có hành động đối kháng cụ thể, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất. Thủ tướng Đức Angela Merkel chẳng hạn, đã thành công khi cảnh cáo ông Putin rằng sẽ có hậu quả nếu ông can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đức. Tại Pháp, Emmanuel Macron đã làm nản lòng các hacker Nga bằng cách tạo ra các thư điện tử giả mạo để lẫn trong số những bức thư thực sự, khiến cho những kẻ đánh cắp bị mất uy tín khi tiết lộ thông tin sai lệch. Báo chí Phần Lan thì cùng nhau hợp tác để thanh lọc tin tức giả mạo và chỉnh lại những thông tin sai lạc.
Tuy nhiên, khả năng chống đỡ có phần dễ dàng hơn đối với Đức, Pháp và Phần Lan, nơi niềm tin của người dân nơi chính quyền trung ương cao hơn ở Mỹ. Nhưng đó cũng là lý do tại sao mà Hoa Kỳ cần trả đũa và dằn mặt Nga trong vụ này… Giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ đang đẩy đất nước vào con đường thất bại : Ít ra họ cũng nên tổ chức các buổi điều trần khẩn cấp để bảo vệ Mỹ chống lại các mưu toan lũng đoạn trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cho đến lúc này, tổng thống Trump vẫn khăng khăng đổ lỗi cho FBI và đảng Dân Chủ, thể như là Mỹ không còn tin rằng nền dân chủ xứng đáng được bảo vệ.
Di sản Johnny Hallyday: Gia đình xào xáo
Như nói ở trên, các tuần báo Pháp đều dành trang nhất cho đề tài xã hội Pháp. Đáng chú ý hơn cả có lẽ là hồ sơ đặc biệt của L’Express nói về cuộc tranh giành di sản gay gắt trong gia đình cố ca sĩ Johnny Hallyday, giữa bà mẹ kế Laeticia với hai người con chồng David Hallyday và Laura Smet.
L’Express đã minh họa hồ sơ chính của mình bằng một bức ảnh trên trang bìa, cho thấy ba nhân vật chính trong tấn bi kịch đeo kính đen, mỗi người nhìn về một phía khác nhau. Ở bên trong, tuần báo Pháp ghi nhận: « “Gia tộc Hallyday” mà người ta cứ tưởng là rất gắn bó với nhau trong nỗi đau bị mất người thân, mà người ta từng thấy rất hòa thuận trong ngày tang lễ lạnh giá ở nhà thờ Madeleine, từ 10 ngày qua, các thành viên gia tộc đó đang cấu xé lẫn nhau », giữa một bên là những đứa con bị truất quyền thừa kế, và bên kia là một góa phụ với dáng vẻ căng thẳng.
Theo L’Express, đây quả là một bi kịch vì đã có « Những cuộc sống bị bôi bẩn, phơi bày đến mức buồn nôn, những lời rỉ tai độc ác sẽ hằn ghi mãi mãi trong ký ức, những đứa con sẽ phải gánh chịu toàn bộ những mâu thuẫn của người cha, một người phụ nữ có thể là đã thoáng thấy thiên đường nhưng bất ngờ bị tống xuống địa ngục ».
Đối với tuần báo Pháp, trong gia tộc Hallyday, thời kỳ để tang chỉ là một điều hão huyền, và việc người cha mất đi đã dẫn ngay đến chiến tranh.
Từ nữ triết gia Simone de Beauvoir đến #Metoo
Tuần báo L’Obs cũng chú ý đến xã hội Pháp, nhưng trên một khía cạnh đang gây sôi nổi khắp thế giới: nạn sách nhiễu tình dục, với việc ngày càng có nhiều phụ nữ nạn nhân lên tiếng. Thế nhưng, L’Obs đã đặt sự kiện này trong bối cảnh phong trào đấu tranh cho nữ quyền với hồ sơ chính mang tựa đề « Để hiểu rõ cuộc cách mạng nữ quyền », bên dưới một tiểu tựa : « Từ Beauvoir đến Metoo ».
#MeToo là một phong trào trên mạng Twitter đang rất phổ biến, kêu gọi phụ nữ vùng lên vạch trần nạn quấy rối tình dục mà chính mình là nạn nhân. Trong hồ sơ của mình, L’Obs đã tự hỏi về nữ triết gia Pháp nổi tiếng rằng : « Liệu Simone de Beauvoir, (nếu sống vào thời nay) có sẽ gởi thông điệp Twitter #Metoo hay không? »
Hỏi như vậy, nhưng câu trả lời của L’Obs rất rõ khi tờ báo ghi nhận những dấu mốc chính mà nữ sĩ Pháp đã đặt ra trên con đường đấu tranh cho nữ quyền : « Khi nữ triết gia cho ra mắt quyển Giới tính thứ hai – Le Deuxième Sexe vào năm 1949, bà đã gây chấn động trên toàn thế giới. Tiếp theo đó là bản ‘Tuyên Ngôn của nhóm 343 do tuần báo Le Nouvel Observateur (tiền thân của L’Obs) công bố vào năm 1971, một văn kiện sẽ dẫn đến bộ luật Veil, (hợp pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ Pháp), và bộ luật năm 1980, xác định hành vi hãm hiếp là trọng tội. »
Trong hơn một chục trang, tuần báo Pháp đã điểm lại «Câu chuyện về 70 năm đấu tranh cho nữ quyền».
Hồi ký của Jean-Marie Le Pen,
sáng lập viên đảng cực hữu Pháp FN
Nếu L’Express đã đưa Simone de Beauvoir lên trang nhất, thì đồng nghiệp Le Point lại dành trang bìa cho bài phỏng vấn Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng cực hữu FN, cha của chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc gia hiện nay là Marine Le Pen, nhân dịp ông phát hành tập đầu tiên trong bộ hồi ký của ông, bao gồm giai đoạn từ năm 1928 đến năm 1972.
Le Point đã giành nguyên một hồ sơ 13 trang cho sự kiện này, và trích dẫn nhiều trang trong hồi ký, trên nguyên tắc chỉ ra mắt độc giả vào ngày 28/02 tới đây mà thôi.
Giải thích về chọn lựa của mình, Le Point cho rằng dẫu sao thì hồi ký của ông Jean Marie Le Pen là « một tài liệu được đặc biệt chờ đợi vì là di chúc của một trong những nhân vật chính trị gây tranh cãi nhất của Pháp ».
Muller, nhà xuất bản đã đồng ý phát hành hồi ký của ông Le Pen là một nhà xuất bản được ít người biết đến, có điều, theo như lời thừa nhận của chính đương sự, ông không còn chọn lựa nào khác, vì « Các nhà xuất bản lớn, thậm chí trung bình, đều không dám phát hành quyển sách của tôi. Điều đó đủ cho thấy mức độ tự do tư tưởng ở Pháp ».
Một trong những điểm gây tranh cãi trong hồi ký của nhân vật cực hữu này là ông nhất mực bênh vực cho các hành vi tra tấn mà quân đội Pháp từng áp dụng ở Algérie, thậm chí còn nói : « Đó là những phương thức thu thập thông tin thuộc loại ít thô bạo nhất… chỉ là đánh đập, trấn nước, quay điện, nhưng không hề xâm phạm sự toàn vẹn thân thể (của tù nhân) ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180224-lam-sao-cat-duoc-voi-bach-tuoc-cua-nga-dang-vuon-toi-phuong-tay
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Philippines: Người Công Giáo biểu tình chống tổng thống Duterte. Khoảng 1.000 người đã xuống đường ngày 24/02/2018 tại Manila để phản đối cuộc chiến đẩm máu chống ma túy và ý muốn tái lập án tử hình của tổng thống Duterte. Những người biểu tình mang biểu ngữ : « Chấm dứt giết chóc, bảo vệ tính thiêng liêng của cuộc sống »… Hôm 23/02, sinh viên ở thủ đô và ở các tỉnh cũng xuống đường phản đối chính sách của ông Duterte.
(Reuters) – Pháp truy tố một nghi phạm trong vụ khủng bố ở Barcelona
Nguồn tin tư pháp Paris hôm qua, 23/02/2018, cho biết : Một nghi phạm trong cuộc điều tra về vụ khủng bố ở Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 8/2017, làm 16 người chết, vừa bị bắt hôm 20/02 ở miền nam nước Pháp, đã bị truy tố và tạm giam. Người này bị tình nghi có liên hệ với nghi can khủng bố Driss Oukabir đang bị giam giữ ở Tây Ban Nha, sau khi bị truy tố về tội tham gia một tổ chức khủng bố, và sát nhân, vì dính líu đến vụ tấn công bằng xe ở Barcelona.
(AFP) – Hải quan Pháp tìm được một bức danh họa bị đánh cắp từ năm 2009. Đó làbức tranh Les Choristes của nhà danh họa Pháp Edgard Degas, vẽ năm 1877, đã được tìm thấy trong khoang chứa hành lý một chiếc xe buýt trên một bãi dừng xe trên xa lộ vùng Seine et Marne, ngoại ô Paris. Bức tranh này được bảo tàng Orsay ở Paris cho mượn, đã bị đánh cắp tại bảo tàng Cantini, Marseille.
(RFI) – Triển lãm nông nghiệp Pháp : Chính quyền đối mặt với tình hình đầy bất trắc
Triển lãm nông nghiệp tại Porte de Versailles Paris lần thứ 55 khai mạc hôm nay, 24/02, trong không khí khá căng thẳng. Ngành nông nghiệp Pháp là nhà sản xuất hàng đầu và nhà xuất khẩu đứng hàng thứ hai châu Âu, đang gặp nhiều khủng hoảng, khoảng 20.000 cơ sở sản xuất nông nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa. Hàng loạt các chủ đề gây bất đồng lớn như thỏa thuận thương mại tự do với các nước châu Mỹ, giá cả nông phẩm, thuốc trừ sâu có chứa glyphosate… Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ tham dự Triển lãm trong suốt ngày hôm nay để tiếp xúc với giới nông gia, phá kỷ lục của người tiền nhiệm François Hollande, năm 2013. Tổng thống Macron cho biết có thể sẽ lại Triển lãm sau giờ đóng cửa, nếu cần.
(Reuters) – Afghanistan: Thêm hai vụ khủng bố khiến hơn 20 người thiệt mạng. Lực lượng Taliban vào hôm nay, 24/02/2018 đã tấn công vào một đồn lính ở Farah, miền tây Afghanistan, khiến cho 18 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Cùng lúc, tại thủ đô Kabul, một kẻ khủng bố tự sát đã cho nổ bom mang trên người tại một khu vực gần tổng hành dinh phái bộ quốc tế của NATO làm ít nhất một người thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng thừa nhận vụ tấn công. Ngoài hai vụ trên ở Farah và Kabul, ở tỉnh Helmand, một vụ khủng bố bằng xe gài chất nổ cũng đã gây thiệt hại nhân mạng và thương vong, đồn lính ở đây cũng bị Taliban tấn công.
(AFP) – Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OEA) ra nghị quyết yêu cầu Venezuela lùi thời hạn bầu cử. Với 19 phiếu ủng hộ và 5 phiếu chống, và 8 vắng mặt, OEA đã thông qua nghị quyết, kêu gọi chính quyền Caracas « xem xét lại » mục tiêu của cuộc bầu cử tổng thống, vốn được chính quyền ấn định vào ngày 22/04. Theo tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Venezuela phải thay đổi thời hạn, cũng như có các biện pháp làm sao để cuộc bầu cử diễn ra tự do, công bằng, minh bạch, với sự giám sát của các tổ chức quốc tế. Đối lập Venezuela kiểm soát Quốc Hội, hôm thứ Năm 22/02 lên án dự án bầu cử mới của chính quyền là « âm mưu đảo chính ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180224-tin-doc-nhanh