Đọc báo Pháp – 24/02/2017
Châu Âu và dầu khí của Nga : Ai cần ai ?
Gazprom là ông khổng lồ có đôi chân đất sét. Dù đã chuyển hướng sang châu Á và kỳ vọng rất nhiều vào Trung Quốc, nhưng châu Âu vẫn là thị trường mua vào 80% khí đốt của công ty dầu khí Nga này.
Toàn cảnh chính trị Pháp với những liên minh cả bên cánh tả lẫn cánh hữu chiếm trọn trang nhất các tờ báo Paris trong ngày 24/12/2017. Ở bên trong, các hồ sơ lớn tập trung vào sự hồi sinh của nền công nghệ xe hơi Pháp, vào Hội Chợ Nông Nghiệp 2017, mở ra từ ngày 25/02/2017 đến 05/03/2017 tại khu triển lãm Porte de Versailles, Paris.
Những tuyên bố trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của tổng thống Donald Trump, quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và nước láng giềng sát cạnh là Mêhicô bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Thời sự châu Á gần như bị lãng quên, cho dù thủ tướng Pháp vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc và điều tra vẫn chưa ngã ngũ về vụ anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên bị sát hại tại Malaysia.
Nhưng trước hết, xin điểm qua bài phân tích trên nhật báo kinh tế Les Echos nói về tập đoàn dầu khí Nga, ông khổng lồ có đôi chân đất sét.
Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất của Gazprom
Gazprom phá kỷ lục, bán 180 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016. Nga cung cấp đến 1/3 nhu cầu của Lục Địa Già. Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí số 1 này của Nga, Alexei Miller, một người thân cận với tổng thống Putin, không khỏi tự hào là « một đối tác không thể thiếu » của châu Âu trên bàn cờ năng lượng. Miller cho rằng, đến năm 2025, mỗi năm châu Âu cần mua vào thêm 100 tỷ mét khối khí đốt và sẽ càng phải lệ thuộc thêm vào nhà cung cấp Nga.
Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đó, Gazprom có kế hoạch xây dựng thêm hai hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại châu Âu : Bắc Hải Lưu 2 đến tận cửa ngõ của nước Đức và Turk Stream mà ở đó Thổ Nhĩ Kỳ là cổng vào châu Âu của tập đoàn Gazprom.
Có điều Liên Hiệp Châu Âu không mấy thiết tha với những lời chào mời của công ty dầu khí Nga. Les Echos giải thích : hai đường ống dẫn khí đốt đó như hai cái càng cua, để đưa khí đốt của Gazprom vào châu Âu, một qua ngả phía Bắc, một ở phía Nam mà không phải qua ngả Ukraina.
Nhưng liệu tính toán này có lợi hay không cho châu Âu ?
Có hai lập trường trái ngược nhau : một số nhà quan sát cho rằng Bruxelles nên duy trì cửa ngõ Ukraina để viện cớ kinh tế, gián tiếp gây áp lực chính trị với Matxcơva. Số khác lại quan niệm, tránh được điểm nhậy cảm là Ukraina trên bàn cờ năng lượng sẽ cho phép Liên Hiệp Châu Âu và Nga giải tỏa bớt một mối căng thẳng, bởi trong mọi trường hợp, đôi bên vẫn cần đến nhau.
Tác giả bài báo không chủ quan như vậy khi cho rằng Gazprom không hẳn trong thế thượng phong. Dù đã xoay sang châu Á, coi Trung Quốc như một đối tác quan trọng nhất nhì, nhưng đến nay, châu Âu vẫn là nơi mua vào 80% khí đốt của tập đoàn này. Trong khi đó trên thị trường nội địa, thị phần của Gazprom đang bị thu hẹp lại : 2016 là năm tổng giám đốc Alexei Miller phải đau đầu vì hai đối thủ đáng gờm là Novatek và Rosneft.
Les Echos không quên nhắc lại là hiện nay, châu Âu và Gazprom đang lao vào một cuộc đọ sức về mặt pháp lý. Bruxelles đòi tập đoàn dầu khí của Nga bồi thường rất nhiều vì đã ỷ thế độc quyền, áp đặt giá « trên trời » với 8 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu. Do vậy, thông tín viên của tờ báo kinh tế Pháp tại Matxcơva Benjamin Quénelle, tin rằng bên cạnh những màn « diễu võ giương oai » nói trên hay những căng thẳng về mặt địa chính trị, tốt hơn hết là Gazprom và Bruxelles nên tìm ra thỏa hiệp vì lợi của cả đôi bên.
Dầu hỏa tăng giá
Nếu như Les Echos tập trung nói về khí đốt, phụ trang kinh tế trên Le Monde quả quyết : thời kỳ giá dầu rẻ đã đi qua.
Bất chấp những xung đột và bất ổn về địa chính trị ở Trung Đông, giá dầu đang từ 100 đô la một thùng năm 2014, rơi xuống còn chưa đầy 30 đô la trong năm 2015. Các công ty dầu khí đã lập tức cắt giảm 60% ngân sách đầu tư vào các hoạt động thăm dò.
Năm 2016 là lần đầu tiên từ 60 năm qua, số lượng các công trình thăm dò rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Nhưng phải chăng thời kỳ khó khăn nhất cho các công ty dầu khí đã đi qua ? Ả Rập Xê Út đã khóa chặt lại van dầu, chấm dứt chính sách trừng phạt Nga, Iran và các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.
OPEP, tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa, và Nga đồng ý giảm bớt mức cung ứng để đẩy giá vàng đen lên cao. Câu hỏi đặt ra là liệu khi nào thế giới lại phải đối mặt với một cơn « sốt dầu » và giá dầu hỏa sẽ tăng lên tới đâu.
WTO trước thách thức « America first »
Chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Roberto Azevedo, mạnh dạn tuyên bố « tin tưởng vào khả năng có thể làm việc chung với chính quyền Trump ». Le Monde chú ý đến vai trò của WTO trước một chính quyền mới ở Washington đang muốn áp mở ra một cuộc chiến tranh thương mại với Mêhicô, với Trung Quốc và áp đặt một trật tự kinh tế, thương mại mới cho thế giới.
Tờ báo trích dẫn phân tích của giáo sư kinh tế trường Khoa Học Chính Trị Paris, Philippe Martin, theo đó với Donald Trump ở Nhà Trắng, đây là cơ hội để Tổ Chức Thương Mại Thế Giới tô điểm lại hình ảnh sau một thời gian dài bị lu mờ. Định chế này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không phải vì mục đích thúc đẩy thêm tiến trình tự do hóa các luồng trao đổi mậu dịch toàn cầu, mà trọng trách của WTO giờ đây là đứng ra làm trọng tài, tránh để nổ ra chiến tranh thương mại trước chính sách America First của Donald Trump.
Andriy Artemenko, một Donald Trump của Ukraina ?
Mọi người nghĩ gì nếu có một người hùng ở Kiev tự nhận là có phép lạ giải quyết khủng hoảng Ukraina ? Le Figaro chú ý tới một đại biểu Quốc Hội Ukraina vô danh, bỗng chốc trở thành tâm điểm của báo chí Kiev và quốc tế. Đó là trường hợp của ông Andriy Artemenko, 48 tuổi. Ông này khẳng định có « phép lạ » đóng lại xung đột ở miền đông Ukraina đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng từ hơn ba năm qua.
Nhật báo Mỹ New York Times tiết lộ ông ta đã đến tận New York, len lỏi vào câu lạc bộ khép kín nhất của các cộng tác viên trung thành với tổng thống Hoa Kỳ. Artemenko được luật sư riêng của tổng thống Trump là ông Michael D. Cohen và một cộng tác viên của lãnh đạo Mỹ, chuyên về hồ sơ Nga tiếp tại một khách sạn lớn của thành phố.
Kênh liên lạc này đến gần được với cựu cố vấn an ninh của tổng thống Hoa Kỳ là tướng Flynn trước khi nhân vật này phải từ chức. Theo các nguồn tin rò rỉ, dường như Washington hứa là nếu Nga rút quân khỏi khu vực Donbass, miền đông Ukraina, thì Mỹ sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Matxcơva.
Theo Le Figaro, Kiev phẫn nộ trước các cuộc vận động ngoại giao trong bóng tối này và đã tiến hành thủ tục truy tố dân biểu Artemenko về tội « phản bội ». Với tội danh này, người tự nhận mình là một Donald Trump của Ukraina có thể bị từ 10 đến 15 năm tù. Trước mắt, ông Artemenko vẫn bình an vô sự, tiếp phóng viên báo Pháp tại văn phòng đại biểu Quốc Hội của ông ở thủ đô Kiev và tuyên bố « không ân hận gì cả » cuộc đời ông đã thay đổi hoàn toàn với những « diễn biến gần đây ».
Bầu cử tổng thống Pháp : Macron và triển vọng
Hai ngày sau khi được đảng cánh trung của ông François Bayrou ủng hộ, ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron mạnh dạn công bố chương trình hành động trong lĩnh vực kinh tế. Trả lời báo Les Echos, cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp thông báo sẽ tiết kiệm 60 tỷ euro chi tiêu công, trong đó phải kể cả 25 tỷ trợ cấp xã hội cho người dân. Bên cạnh đó Macron dự trù đầu tư 50 tỷ euro vào cơ sơ hạ tầng để tạo một « mô hình tăng trưởng mới ». Les Echos đánh giá, chính sách kinh tế của ngôi sao đang lên này trên chính trường Pháp, « không thuộc về cánh tả, cánh hữu hay cánh trung ».
Trong khi đó liên minh cánh tả vẫn tiếp tục « tả tơi » : một ứng cử viên tổng thống đã bỏ cuộc và tuyên bố ủng hộ ứng viên đảng xã hội Benoit Hamon, nhưng như ghi nhận của báo Libération thiên tả : đó là một « liên minh nhỏ » không đáng kể. Nhìn từ góc độ của tờ báo thiên hữu Le Figaro, « áp lực đang gia tăng với một ứng cử viên tổng thống cánh tả khác là ông Jean-Luc Mélenchon ».
Con tàu nối liền thành phố Lyon và Vũ Hán
Vào lúc thủ tướng Pháp, Bernard Cazeneuve kết thúc chuyến công du Trung Quốc, Les Echos chú ý tới cuộc hành trình hơn 11 ngàn cây số của đoàn xe lửa chở đầy hàng, xuất phát từ thành phố Lyon đến Vũ Hán. Trên các toa tàu có hàng chục ngàn chai rượu vang đỏ Bordeaux, phụ tùng xe hơi cho hãng xe PSA… Sau hơn hai tuần lễ, đi từ Pháp, sang Đức, Ba Lan, Belarus, Nga, Kazakhstan rồi tiến vào lãnh thổ Trung Quốc đúng vào lúc thủ tướng Pháp có mặt ở Vũ Hán, chuyến tàu này nằm trong khuôn khổ kế hoạch con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Bắc Kinh.
Vũ Hán với hơn 10 triệu dân đang nuôi tham vọng trở thành cổng vào của thị trường rượu vang đỏ Bordeaux tại Trung Quốc.
Olympic 2024 Paris nắm chắc phần thắng ?
Cũng vẫn Pháp đang tràn trề hy vọng được quyền tổ chức Thế Vận Hội Olympic mùa hè 2024 sau khi Budapest rút lui. Đó là ghi nhận của tờ Libération. Chỉ còn lại Paris và thành phố Thiên Thần – Los Angeles. Tờ báo ghi nhận : dân chúng thì luôn thận trọng và sợ tốn kém vì tổ chức sự kiện thể thao trọng đại này. Thủ đô Athens của Hy Lạp trước đây đã phải chi ra đến 13 tỷ euro cho Olympic 2004. Rio 2016 dự trù chỉ tốn kém 9 tỷ ban đầu, nhưng dường như là chính quyền Brazil đang phải bỏ ra thêm đến 9 tỷ nữa để trang trải các phí tổn trong mùa Thế Vận Hội 2016.
Hiện tại, cả Paris lẫn Los Angeles đều khẳng định với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế là chỉ tốn từ 5 đến 6 tỷ mà thôi.
Điện ảnh : Lễ trao giải César
Cuối cùng, trong lĩnh vực điện ảnh, mọi chú ý đang hướng về buổi lễ trao giải César của làng điện ảnh Pháp tối 24/02, hai ngày trước giải thưởng Oscar của Mỹ. Le Figaro dự đoán ban tổ chức năm nay thể nào cũng dành một phút tưởng nhớ ba nữ diễn viên lớn của nghệ thuật thứ 7 Pháp vừa ra đi : Michèle Morgan, Emmanuelle Riva và Claude Gensac.
Tờ báo cũng chờ đợi là giới nghệ sĩ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích chính sách bài ngoại của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với sắc lệnh nhập cư gây nhiều tranh cãi và chủ trương co cụm của nữ ứng cử viên tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen, đại diện cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia.
Bên cạnh đó, Le Figaro không khỏi thất vọng trước một bất công : 42 năm qua, nữ diễn viên nổi tiếng một thời, cô đào có thân hình nẩy lửa Brigitte Bardot chưa bao giờ được nghệ thuật thứ 7 Pháp vinh danh. Trong khi đó, tối trao giải, ban giám khảo dành một giải thưởng César danh dự cho nam tài tử Mỹ George Clooney.
Tối Chủ Nhật 26/02 đến lượt lễ trao giải Oscar được tổ chức tại Hoa Kỳ. Nhân dịp này, báo New York Times chuẩn bị công bố một đoạn phim quảng cáo với một thông điệp chính : « Nói lên sự thật quan trọng hơn bao giờ hết ». Đây là một cách gián tiếp để tờ báo trả lời tổng thống Donald Trump vào lúc chủ nhân Nhà Trắng liên tục tố cáo các phương tiện truyền thông phao tin thất thiệt. Một tờ báo uy tín khác của Mỹ là Washington Post cũng tỏ rõ lập trường chống lại những cáo buộc của tổng thống Trump bằng cách kêu gọi độc giả tránh để cho « Nền Dân Chủ chết trong tăm tối ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170224-chau-au-va-dau-khi-cua-nga-ai-can-ai
Tin đọc nhanh
(AFP) – Nhật Bản : Thái tử Naruhito sẵn sàng kế vị ngôi Hoàng Đế. Hiện đã 83 tuổi, Nhật Hoàng Akihito bày tỏ mong muốn thoái vị hồi tháng 08/2016, vì sợ tuổi già khiến Ngài không thể đảm nhiệm tốt vai trò « biểu tượng của Dân tộc ». Phát biểu với báo giới, Thái tử Naruhito, 57 tuổi, cho biết là ông càng ngày càng ý thức được trách nhiệm đang chờ đón ông trong tương lai.
(AFP) – Chống đột quị : Nhật khởi sự chiến dịch « Chiều Thứ Sáu ưu tiên » (Premium Friday). Kể từ ngày 24/02/2017, cứ vào thứ Sáu mỗi tháng, chính quyền kêu gọi nhân viên rời công việc sớm hơn giờ quy định, ngày từ 15 giờ, để dành thời gian giải trí, tiêu xài, nghỉ ngơi. Bản thân thủ tướng Shinzo Abe cũng làm gương với buổi chiều thiền định tại một ngôi đền ở Tokyo. Chính quyền Nhật hy vọng đẩy lùi thói quen làm việc bất kể giờ giấc của nhiều doanh nghiệp, được các công ty khuyến khích với tiền thưởng cho giờ làm thêm. Nhiều người không tin là thói quen đã bắt rễ trong xã hội Nhật này có thể sớm thay đổi.
(AFP) – WTO bác bỏ kháng nghị của Nga cấm nhập thịt lợn châu Âu do nguy cơ dịch. Tổ chức thương mại Thế Giới ra phán quyết ngày 23/02. Ngay sau đó, Ủy Ban Châu Âu kêu gọi Nga « hủy bỏ các biện pháp không có cơ sở pháp lý và cho phép các doanh nghiệp làm ăn trở lại bình thường ». Đầu 2014, Matxcơva quyết định cấm nhập thịt lợn từ châu Âu, do dịch tại Litva và Ba Lan. Tháng 07/2014, Liên Hiệp Châu Âu đã kiện lên Tổ chức Thương Mại Thế Giới.
(AFP) – Hà Lan chấp thuận Ukraina làm hội viên liên kết của Liên Hiệp Châu Âu. Trong đêm 23/02, với 89 phiếu thuận trên 55 phiếu chống, Quốc Hội Hà Lan đã thông qua văn kiện thỏa hiệp cho phép Kiev tăng cường đối thoại chính trị, trao đổi kinh tế và thương mại với Liên Hiệp Châu Âu trong nỗ lực muốn xa dần ảnh hưởng của Matxcơva. Nhưng, vì quyền lợi kinh tế với Nga, đa số cử tri Hà Lan, trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 04/2016 đã bác bỏ thỏa thuận đầu tiên. Văn kiện thỏa hiệp quy định một số giới hạn về lao động và viện trợ nhưng nhất là không phải là « bàn đạp » để Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Hà Lan là thành viên cuối cùng trong Liên Hiệp Châu Âu dè dặt với Ukraina.
(AFP) – Biên giới vật lý giữa Cộng Hòa Ireland và Bắc Ireland. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, ngày 24/02, tuyên bố với báo giới là ông phản đối việc xây dựng – sau Brexit – đường biên giới vật lý giữa Cộng Hòa Ireland và Bắc Ireland thuộc Vương Quốc Anh. Thủ tướng Cộng Hòa Ireland Enda Kenny cũng phát biểu là Cộng Hòa Ireland và Anh Quốc đã thống nhất không dựng lại biên giới vật lý trước đây giữa hai nước. Nhưng bà cũng gọi những thương lượng tới đây là « một thử thách chính trị ».
(AP) – FBI bác bỏ đề nghị của Nhà Trắng đòi phủ nhận tin báo chí về việc các cố vấn của Donald Trump gặp tình báo Nga. Dân biểu John Conyer, thuộc đảng Dân Chủ, thành viên Tiểu Ban Tư Pháp Hạ viện Mỹ nói rằng « Nhà Trắng không được phép gây áp lực buộc FBI phải đưa ra các nhận định công khai trong thời gian tiến hành điều tra về tổng thống và các cố vấn của ông ».
(Reuters) – Tổng thống Mỹ muốn tăng cường sức mạnh hạt nhân. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 23/02, ông Donald Trump khẳng định lực lượng hạt nhân quân sự của Mỹ phải « đứng đầu » nhóm các cường quốc hạt nhân. Đây là lần đầu tiên ông Trump phát biểu về vấn đề hạt nhân, kể từ khi nhậm chức ngày 20/01. Theo nhiều nhà phân tích, tổng thống Mỹ muốn hủy bỏ hiệp định hạt nhân mới nhất giữa Washington và Matxcơva năm 2010, theo đó hai bên phải giới hạn hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược ở mức cân bằng nhau trong vòng 10 năm.
(RFI) – Syria : Hòa đàm tại Genève, bom nổ tại chiến trường. Phái đoàn chính phủ Syria và phe nổi dậy chấp thuận ngồi đối diện tại phòng họp. Tuy hai bên vẫn không mở lời với nhau nhưng trong ngày đầu tiên (23/02) của vòng bốn, đại diện của Damas không có thái độ khiêu khích như những kỳ trước. Ngược lại, bạo lực vẫn tiếp diễn ở miền bắc Syria : 32 chiến binh nổi dậy bị chết do không quân chính phủ oanh kích gần Aleppo. Tại Al-Bab, sau khi bị lực lượng Kurdistan-Syria đuổi ra khỏi thành phố, Daech trả đũa bằng xe bom, giết chết 42 chiến binh đối phương ngay bộ chỉ huy vừa mới chiếm.
(AFP) – Irak : Lần đầu tiên quân đội vào được khu vực tây Mossoul, ngày 24/02, nằm trong tay của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Hiện có khoảng 750.000 thường dân bị kẹt tại Mossoul, trong đó gần một nửa là trẻ em. Khoảng 2.000 quân thánh chiến vẫn còn kháng cự tại đây, khiến cuộc chiến giải phóng phần còn lại của thành phố chắc chắn sẽ hết sức khốc liệt.
(AFP) – Brazil khai mạc lễ hội Rio, với chủ đề « tham nhũng ». Lễ hội dân gian thuộc hàng nổi tiếng nhất hành tinh kéo dài một tuần từ ngày 24/02 dự kiến sẽ thu hút hơn một triệu người. Dù diễn ra trong bối cảnh ngân sách Brazil kiệt quệ, tham nhũng tràn lan gây bất mãn, song người dân Brazil không bỏ lỡ dịp carnaval, một cơ hội để nhấn mọi nỗi buồn trong giai điệu samba. Một hình tượng mà dân Brazil sẽ làm sống lại là Nicolas Fouquet, một viên quan phụ trách ngân khố thời vua « Mặt Trời » Louis XIV của Pháp, thường bị coi là biểu tượng của tham nhũng. Đây cũng là một cách để dân Brazil nhớ đến siêu án tham nhũng Petrobras, đang làm rung chuyển chính giới nước này.
(AFP) – Lễ trao giải thưởng điện ảnh César lần thứ 42 của Pháp diễn ra tối 24/02. Với 11 đề cử, trong đó có đề cử cho bộ phim hay nhất và nhà sản xuất xuất sắc nhất, bộ phim Elle (tạm dịch là « Nàng ») của đạo diễn Hà Lan Paul Verhoeven với diễn viên chính Isabelle Huppert là một trong những bộ phim được yêu thích nhất. Vị trí chủ tịch ban giám khảo bị bỏ trống vì nhà làm phim nổi tiếng Roman Polanski, 83 tuổi, từ chối chức vụ này do những tai tiếng liên quan tới việc ông bị tư pháp Mỹ truy nã suốt gần 40 năm qua vì tội lạm dụng tình dục trẻ em.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170224-tin-doc-nhanh