Đọc báo Pháp – 23/12/2016
Trả thù Đài Loan, Bắc Kinh lấy thịt đè người
Donald Trump bổ nhiệm một đối thủ của Trung Quốc làm cố vấn kinh tế. Trung Quốc ô nhiễm, Vladimir Putin muốn « gia tăng hiệu năng » tấn công của lực lượng tên lửa chiến lược. Đương đầu với Nga, Thụy Điển tăng cường quân lực. Quân đội Pháp mệt mỏi. Thủ tướng Đức bị chỉ trích từ mọi phía. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chức sắc Công giáo đừng quên Chúa hài đồng chào đời trong máng lừa. Trên đây là những tin chính trên báo Pháp trong ngày 23/12/2016, cận Giáng sinh.
Le Monde mở trang thời sự châu Á với hàng tựa : Bắc Kinh giành một đồng minh ngoại giao của Đài Bắc : quốc đảo tí hon Sao Tomé-et-Principe, ngoài khơi Tây Phi, cắt đứt quan hệ với Đài Loan và công nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa kể từ thứ tư 21/12/2016.
Theo nhật báo độc lập có uy tín tại Pháp, thật ra chính phủ Đài Bắc có thể ký một ngân phiếu từ « 100 triệu đến 200 triệu đôla » thỏa mãn đề nghị của chính quyền quốc đảo châu Phi này. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, Đài Bắc sang trang chính sách « ngân phiếu ngoại giao » vì muốn chứng tỏ với thế giới, chế độ Trung Hoa Dân Quốc là một « tấm gương của nền dân chủ ». Một viên chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Đài Loan cho biết ngân sách của chính phủ bị Quốc Hội kiểm sóat chặt chẽ và cộng đồng quốc tế theo dõi kỹ xem Đài Bắc có « mua đồng minh » hay không.
Từ khi tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức, Đài Loan đã tiên liệu sẽ bị mất thêm đồng minh vì Bắc Kinh trả đũa. Đầu năm nay, vài ngày sau khi có kết quả bầu cử, với thắng lợi nghiêng về đảng Dân Tiến, Bắc Kinh lên tiếng công nhận Gambia, đòn cảnh cáo đầu tiên. Tiếp theo đó, vào tháng 11/2016, với áp lực của Trung Quốc, cựu tổng thống Mã Anh Cửu, khi dự hội thảo ở Malaysia, không được ban tổ chức giới thiệu là « cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc ». Theo Hoàn cầu Thời báo, tiếng nói của phe chủ chiến tại Trung Quốc, cuộc điện đàm giữa bà Thái Anh Văn và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump là nguyên nhân Đài Loan « bị trừng phạt ».
Thế nhưng, đòn thù của Trung Quốc đã được Đài Loan dự kiến. Ngay khi Sao Tomé et-Principe thông báo nhìn nhận Bắc Kinh, bộ Ngoại Giao Đài Loan lập tức tuyên bố nhân danh « tinh thần đất nước tự hào » ngưng bang giao với tiểu quốc chỉ biết lợi dụng tranh chấp hai bờ eo biển Đài Loan để « khai thác túi tiền ». Tổng thống Thái Anh Văn cũng tức khắc đánh chuông báo động, triệu tập hội nghị các đảng phái, nhắc lại vụ người tiền nhiệm bị Malaysia xem nhẹ, và kêu gọi « toàn dân không phân biệt xu hướng chính trị » đoàn kết trước mối « hiểm nguy » đe dọa đất nước trong bối cảnh « hiện tình thế giới thay đổi ».
Tuy nhiên, theo Le Monde, đòn trả thù của Bắc Kinh không gây thiệt hại gì cho Đài Bắc. Cho dù trên thế giới chỉ có 21 quốc gia, đa số là nước nhỏ, bang giao với Đài Loan, nhưng mô hình dân chủ tại châu Á này, trên thực tế, có bạn bè là những đại cường. Tuy quan hệ ở cấp độ bán chính thức nhưng Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu hay Nhật Bản có mối bang giao « thực tế » với Đài Loan. Chuyên gia Michael Cole, từ Đài Bắc, phân tích : Vụ trả đũa của Bắc Kinh là cơ hội tốt cho Đài Bắc tập trung nghị lực cải tiến quan hệ với các quốc gia tầm cỡ và xứng đáng.
Trung Quốc đầu tư điện ảnh và văn hóa để tuyên truyền?
Dường như không một bài báo nào của Pháp nhẹ tay với Trung Quốc của Tập Cận Bình : từ kinh tế, thương mại cho đến văn hóa và môi trường : Trung Quốc tập trung đầu tư vào văn hóa và điện ảnh để làm gì ? Trung Quốc, tuần lễ của ô nhiễm khói bụi, mạng Ali-baba bán hàng giả…
Với tựa Donald Trump bổ nhiệm một đối thủ của Trung Quốc làm cố vấn kinh tế, Les Echos khéo léo cảnh báo Bắc Kinh : Peter Navarro là tác giả nhiều quyển sách « sát thủ » lên án Trung Quốc tiến hành chiến tranh thương mại phục vụ tham vọng trở thành đại cường kinh tế và quân sự số một tại châu Á. Những phân tích của giáo sư Peter Navarro về nhược điểm của hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế, tuy không tạo được đồng thuận trong giới kinh tế, nhưng lại được nhiều chuyên gia thiên tả tán đồng. Sự kiện, nhà kinh tế chống Trung Quốc vào Nhà Trắng làm cố vấn là tín hiệu chính quyền Mỹ sẽ theo một chính sách cứng rắn với Trung Quốc, theo kết luận của Les Echos.
Trang kinh tế của Le Figaro cho biết thêm, Tao bao, một trong những địa chỉ trên trang web của Alibaba, Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa trở lại vào danh sách đen những cơ sở bán hàng giả, hàng nhái qua internet. Đây là một đòn đau cho công ty thương mại trên mạng số một của Trung Quốc và cũng là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm cho giới đồng nghiệp phương Tây. Alibaba bị tố cáo là nơi dung túng cho hàng giả.
Le Monde, trên trang 13, mô tả sức mạnh và chiến lược đầu tư của Trung Quốc vào nghệ thuật và điện ảnh, đổ tiền tỷ mua cổ phần ở Hollywood và thị trường tranh. Để làm gì ? Từ khi lên nắm quyền, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục doanh nhân Trung Quốc đầu tư vào lãnh vực văn hóa, điện ảnh Mỹ. Một nhóm gồm 16 dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu tư pháp điều tra phải chăng vì mục đích tuyên truyền.
Theo nhà kinh tế Alicia Garcia Herrero, ngân hàng đầu tư Natixis, hiện tượng lên cơn sốt « đầu tư văn hóa » của Trung Quốc có hai mục đích : một là để chứng tỏ với thế giới là Trung Quốc tiến rất nhanh và thứ hai là để… rửa tiền. Còn theo lời thúc giục của ông Tập Cận Bình thì qua sự thành công của « Panda Kungfu » bộ phim hợp tác với quốc tế, thì « nghệ sĩ Trung Quốc phải có khả năng sáng tác tạo niềm cảm hứng và tự tin cho cả dân tộc ». Cả một tham vọng lớn ở một quốc gia mà văn nghệ sĩ bị trói tay.
Cuối cùng, nhật báo cánh tả Liberation, qua phóng viên ở Bắc Kinh, gửi đến độc giả một bài phóng sự dài « tuần lễ bụi mù » tại Trung Quốc : cư dân trốn trong nhà, chạy về quê nơi ít bị ô nhiễm nhất.
Nga và Tây Âu: Chiến tranh lạnh
giữa người khổng lồ và những chú lùn?
Quân đội Pháp báo động : binh sĩ kiệt lực, trang thiết bị xuống cấp. Bộ tổng tham mưu xin tăng ngân sách. Thụy Điển chuẩn bị tái lập chế độ nghĩa vụ quân sự, trong bối cảnh nước Nga của Putin thường xuyên khiêu khích. Ngày hôm qua 22/12/2016, tổng thống Nga tuyên bố lực lượng tấn công chiến lược của Nga hùng mạnh hơn bất cứ quân đội nào khác và bây giờ cần phải « xuyên thủng » hàng rào phòng thủ của đối phương.
Phải chăng châu Âu tứ bề thọ địch ? Chủ nhân điện Kremlin ra lệnh tăng cường cho lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược, tựa của Les Echos. Ngày nay chúng ta hùng mạnh hơn bất cứ một kẻ thù tiềm tàng nào. Tuyên bố của tổng thống Nga. Không hẹn mà nên, Thụy Điển một trong những quốc gia thường bị Nga xâm nhập hải phận và không phận thông báo chuẩn bị tăng cường khả năng quốc phòng. Lần đầu tiên từ 20 năm qua, Thụy Điển tăng cường võ trang. Ngân sách quốc phòng tăng 11% từ nay đến 2020 và tái lập nghĩa vụ quân sự vào năm 2018. Theo Libération, đây mà một ngõ quanh mới trong quan hệ căng thẳng giữa Nga và Tây Âu.
Trong khi đó những cột trụ quân sự tại châu Âu ra sao ? Theo Le Monde, tình hình rất đáng quan ngại. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, Pierre de Villiers, yêu cầu tổng thống Pháp tương lai phải tăng ngân sách quân đội thêm 2%. Nếu không, viên tướng 5 sao cảnh báo : với tình thế hiện nay, các đơn vị Pháp phải tham chiến từ Afghanistan cho đến châu Phi, từ chống khủng bố Daech ở Trung Đông cho đến gìn giữ an ninh nội địa liên tục từ 10 năm nay, binh sĩ và trang thiết bị Pháp đã đi đến tận cùng của khả năng chịu đựng.
Cơn ám ảnh của quân Pháp là rơi vào kịch bản của quân đội Hoàng gia Anh. Trong bài « Cơn ác mộng », Le Monde cho biết, theo nhận định của cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Richard Barrons, thì quân đội Hoàng gia « không đủ lực lượng để chống lại một cuộc tấn công của không quân Nga ». Để có thể đảm nhận vai trò ở Irak và Afghanistan từ 2003 đến nay, quân đội Anh phải tận dụng nhân sự và vũ khí tối đa. Không ngờ, chính phủ lại cắt giảm ngân sách. Hậu quả là phải bỏ sử dụng hàng không mẫu hạm trong vòng 10 năm, hủy bỏ nhiều chương trình tuần tra trên biển …. Và phải nhờ đồng minh bảo vệ hộ.
Thế giới tam cực theo quan điểm của Trump
Châu Âu liệu có thể trông cậy vào Hoa Kỳ của Donald Trump ?. Trong bài « tấm bản đồ thế giới của Trump » Le Monde cảnh báo : tổng thống tân cử chia thế giới làm ba cực : Gian ác là Tập Cận Bình, đồng minh tiềm tàng là Vladimir Putin, Trung Đông là vùng phải tránh. Thế còn châu Âu ? Theo Le Monde, khi bổ nhiệm Stephen Bannon, một lý thuyết gia ủng hộ Brexit, làm cố vấn an ninh, Donald Trump đã gửi tín hiệu : Liên Hiệp Châu Âu phải cẩn thận. Trump ủng hộ Marine Le Pen như ủng hộ đảng Ukip ở Anh. Pháp co cụm, Liên Hiệp Châu Âu sẽ cáo chung.
Sau vụ khủng bố tại Berlin, thủ tướng Đức Angela Merkel bị phe bài ngoại trong nước thừa thế tấn công tới tấp. Trong khi đó một vài tờ báo Pháp, không phải tất cả, cũng trở lại chỉ trích chính sách tiếp đón người tị nạn của nữ lãnh đạo Đức là « sai lầm », mạnh tay phê bình những « thiếu sót » của cơ quan an ninh chống khủng bố của quốc gia láng giềng.
Đó là nội dung bài báo trên trang nhất của Le Figaro : Merkel bị chỉ trích từ mọi phía. Thủ tướng Đức bị sức ép từ hai cạnh sườn : nội tình và bên ngoài biên giới. Tình báo Đức thất bại nặng nề…. Trái lại, Liberation tỏ ra khách quan và thông cảm : không một chế độ dân chủ nào có thể ngăn chận khủng bố 100%. Ngay nước Pháp, cho dù cảnh sát có danh sách đen thành viên ủng hộ Daech cũng không ngăn được những loạt khủng bố từ năm 2015.
Trong mùa Giáng sinh, nhật báo Công giáo La Croix dành nhiều trang cho giới thanh thiếu niên tị nạn và người tàn tật. Bài xã luận với tựa đề « Giáng Sinh khuynh đảo », La Croix nhấn mạnh đến thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Trong thông điệp gửi Giáo triều, Giáo chủ Toà thánh La Mã nhắc nhở các vị chức sắc đừng quên Chúa hài đồng chọn nơi « thấp hèn » là máng cỏ để sinh ra đời. Ngài khuyên các tu sĩ đừng ủng hộ quyền lực chính trị và chạy theo danh vọng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161223-tra-thu-dai-loan-bac-kinh-lay-thit-de-nguoi
Tin đọc nhanh
(AP) – Bắc Triều Tiên chế nhạo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc mãn nhiệm Ban Ki Moon. Trước thông tin ông Ban Ki Moon, một người Hàn Quốc, muốn ra tranh cử tổng thống nước này, trang web nhà nước Bắc Triều Tiên Urimizokkiri ngày 23/12/2016 đã chế nhạo, gọi ông là « một con kỳ nhông mang mặt nạ người », cơ hội chủ nghĩa, đang chìm đắm trong một giấc mơ « rỗng tuếch ». Bài báo giải thích là trong chính trường Hàn Quốc, ông Ban Ki Moon nổi tiếng là người « gió chiều nào thì theo chiều ấy » và « thay đổi màu sắc tùy theo tình huống ».
(AFP) – Philippines chuẩn bị đón bão vào ngày Giáng Sinh. Một cơn bão mạnh dự báo sẽ tiến vào Philippines vào đúng ngày Giáng Sinh. Thông báo này của chính quyền buộc hàng triệu người dân có thói quen đi du lịch nhân dịp Noel phải thay đổi kế hoạch. Philippines là nước có nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo. Nhà chức trách Philippines đã huy động các nguồn lực phòng chống bão ở mức cao nhất và đã tích trữ rất nhiều thực phẩm để trợ giúp nạn nhân của cơn bão Nock-Ten này.
(Reuters) – Máy bay của hãng hàng không Libya – Afriqiyah Airway bị không tặc. Sáng hôm nay 23/12/2016, chumột chiếc máy bay Airbus A320, chở theo 118 hành khách, bay tuyến nội địa Libya đã bị không tặc bắt đổi hướng hạ cánh xuống sân bay La Valltte – Malta. Kẻ không tặc tuyên bố với phi hành đoàn là y hành động « vì Kadhafi ». Tại Malta, không tặc cho biết sẽ thả hành khách nhưng giữ lại 7 thành viên phi hành đoàn. Quân đội đã được triển khai xung quanh chiếc máy bay. Malta nằm cách thủ đô Tripoli của Libya 500 km.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161223-tin-doc-nhanh