Đọc báo Pháp – 23/08/2017
Chiến lược Afghanistan :
sự miễn cưỡng của TT Mỹ Donald Trump
Kế hoạch mới về Afghanistan của tổng thống Mỹ Donald Trump là một đề tài được nhiều báo Pháp như Le Figaro, Libération, Les Echos, La Croix … phân tích. Đáng chú ý là bài « Afghanistan : Trump miễn cưỡng gửi quân » đăng trên báo Les Echos.
Rốt cuộc thì tổng thống Donald Trump đã phải thay đổi ý kiến. Muốn rút lính Mỹ khỏi Afghanistan từ lâu nay, nhưng cuối cùng ông Trump đã bị các tướng lĩnh thuyết phục điều thêm quân sang quốc gia Trung Đông. Les Echos cho biết trong những tuần qua, rút quân hay điều thêm quân là một chủ đề gây tranh cãi ở Nhà Trắng, nhất là giữa cố vấn chiến lược Steve Bannon và cố vấn an ninh quốc gia Mc Master. Với sự ra đi của ông Steve Bannon, kết quả cuộc tranh cãi đã rõ ràng.
Tối thứ Hai, 21/08/2017, trong một bài diễn văn đọc tại căn cứ quân sự Fort Myer, bang Virginia và được phát trực tiếp trên truyền hình, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo có « chiến lược mới » về Afghanistan. Tổng thống Mỹ giải thích quyết định của ông xuất phát từ « những mối nguy hiểm lớn trong khu vực, Afghanistan và Pakistan hiện là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới ». Theo ông Trump, Mỹ đưa quân đến Afghanistan không phải để tái thiết đất nước này mà là để tiêu diệt khủng bố.
Thông báo của tổng thống Mỹ được Afghanistan hoan nghênh. Tổng thống Afghanistan phát biểu: « Quan hệ đối tác với Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Sức mạnh các lực lượng an ninh của chúng tôi là để quân Taliban và các nhóm khủng bố khác hiểu rằng họ không thể có chiến thắng quân sự ».
Tuy nhiên, theo Les Echos, các nhà phân tích vẫn dè dặt và hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch mới của tổng thống Donald Trump. Trước tiên, bởi vì, ông Trump đã không thực sự giải thích về chiến lược mới, thậm chí từ chối đưa ra thông tin cụ thể về lịch trình và số quân tăng cường tại Afghanistan. Trong khi đó, báo chí Mỹ tiết lộ số với thêm 4000 quân, tổng số lính Mỹ tại Afghanistan chỉ là hơn 12.000 người, một son số rất nhỏ so với 100.000 quân hồi năm 2010-2011.
Đối với thượng nghĩ sĩ Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng Viện Mỹ, « chiến lược này có được sau quá nhiều thời gian chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, quân thánh chiến taliban đã có những bước tiến nguy hiểm ».
Còn giáo sư về quan hệ quốc tế David Tothkopf, thuộc đại học Columbia, nhận xét là ông Donald Trump nói về chiến lược, nhưng bài diễn văn của ông ấy không có thông tin về chiến lược, ông Trump nói tới việc cam kết, nhưng ông ấy cũng chẳng cam kết gì cả. Đó chỉ là « ảo tưởng rằng có hành động » mà thôi. Theo chuyên gia David Tothkopf, bài diễn văn của tổng thống Donald Trump chỉ nhằm « che khuất » các cuộc tranh cãi gần đây.
Về số phận của chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghaniastan, tướng John Nicholson, đã từng nhiều lần bị tổng thống Donald Trump chỉ trích, thậm chí ông Trump còn kêu gọi tướng John Nicholson từ chức. Giờ thì tướng John Nicholson có thể yên tâm ở lại.
Liên quan đến NATO, hiện có 4.600 binh lính của NATO đóng quân tại Afghanistan. Washington sẽ phải trao đổi với các đồng minh NATO để các quốc gia này đồng hành cùng Mỹ và đóng góp thêm vào chiến lược mới của ông Donald Trump. Về phần Anh Quốc, bộ trưởng Quốc Phòng Micheal Fallon bình luận « kế hoạch của Mỹ được hoan nghênh ». Còn Pháp, quốc gia đã từng đứng thứ 4 trong việc điều quan sang Afghanistan, thì đã rút hết quân về nước vào năm 2014.
Ẩn số về bước nhảy vọt công nghệ của Bình Nhưỡng
Hôm nay, chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt trên báo Pháp. Tờ Le Monde chạy tít : « Tên lửa : Làm thế nào Bắc Triều Tiên thành công trong bước đại nhảy vọt về công nghệ ? ». Le Monde cho biết chỉ trong một năm, các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc về tên lửa đạo, mặc dù trong suốt năm 2016, Bắc Triều Tiên liên tiếp thất bại trong các vụ thử nghiệm tên lửa. Trong số 8 vụ thử nghiệm, chỉ có 1 vụ thành công.
Theo Le Monde, những thất bại trên có thể do Bắc Triều Tiên còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ công nghệ, nhưng cũng có thể do Mỹ ngầm phá hoại. Trên thực tế, hồi tháng 03/2017, New York Times tiết lộ vào năm 2014, tổng thống Mỹ Barack Obama đã « bật đèn xanh » cho các chiến dịch « cản trở » chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhất là thông qua mạng điện tử.
Bắc Triều Tiên có thể còn gặp những khó khăn về công nghệ để phóng tên lửa trúng đích, nhưng từ giờ Hoa Kỳ đã nằm trong tầm phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Nhưng làm thế nào mà chỉ sau có 1 năm, từ hàng loạt thất bại với các tên lửa chỉ với tầm bắn 3.000 km mà Bình Nhưỡng lại 2 lần thành công với tên lửa có tầm phóng xa gấp hơn 3 lần ? Làm thế nào mà đất nước từng mất 20 năm để cải tiến công nghệ Scud cho một tên lửa lớn hơn, nhưng lại chỉ mất có vài tháng để chế tạo thành công tên lửa liên lục địa ? Các chuyên gia hiện vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.
Khi quan sát các bức ảnh về tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhà phân tích người Đức, Norbert Brügge, phát hiện ra là động cơ tên lửa của Bắc Triều Tiên rất giống động cơ đẩy RD-250 của tên lửa liên lục địa của Liên Xô vào những năm 1970.
Những câu hỏi mới lại được đặt ra. Bình Nhưỡng chỉ có được sơ đồ động cơ đẩy RD-250 hay có được cả động cơ RD-250 ? Từ khi nào ? Chỉ mới đây ? Hay vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, các kỹ sư Nga hoặc Liên Xô đã bán lại công nghệ cho Bắc Triều Tiên ?
Le Monde trích dẫn nhiều ý kiến trái chiều của các nhà phân tích, kỹ sư, quan chức tình báo của Mỹ … Nhiều quan chức tình báo của Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng có khả năng tự chế tạo tên lửa mà không phải nhập động cơ của nước ngoài. Nhưng có chuyên gia thì lại cho rằng Bình Nhưỡng có động cơ tên lửa của Liên Xô và chỉ điều chỉnh lại mà thôi. Một kỹ sư khác lại nhận định Bình Nhưỡng chỉ mới có động cơ tên lửa từ Ukraina.
Nhưng theo Le Monde, tất cả chỉ đều là phỏng đoán. Bước nhảy vọt trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng vẫn còn là một ẩn số.
Na Uy : cuộc chiến vàng đen trên nhiều mặt trận
« Cuộc chiến vàng đen đang diễn ra trên nhiều mặt trận tại Na Uy » với nhiều cuộc biểu tình là nhận định của báo Le Figaro. Một cuộc thăm dò ý kiến mới được công bố cho thấy lần đầu tiên, 44% số người được hỏi ủng hộ việc chính quyền hạn chế khai thác dầu lửa để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Le Figaro, tại một quốc gia dường như chỉ sống nhờ vào khai thác dầu lửa và khí ga từ những năm 1970, thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Chuyên gia Erlend Tellnes, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, giải thích : Một mặt, giá dầu lửa sụt giảm đã khiến hàng trăm ngàn người Na Uy mất việc làm. Mặt khác, nhiều người bắt đầu hiểu rằng cần tìm các nguồn thu nhập khác. Nhiều tổ chức cũng đã hoạt động tích cực để người dân hiểu rằng Na Uy có thể kiếm tiền bằng nhiều cách.
Mục tiêu của các phong trào đấu tranh và nhiều chính đảng nhỏ hiện nay ở Na Uy là buộc chính phủ ngưng triển khai các dự án mới khai thác dầu mỏ và khí đốt.
Le Monde nhấn mạnh không thể phủ nhận là Na Uy đã có nhiều nố lực chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Na Uy là nước sử dụng nhiều xe hơi điện nhất thế giới, nhà nước cũng đóng góp nhiều trăm triệu euro cho quỹ bảo vệ rừng Amazon … « Điều trái khoáy » là Na Uy chủ trương khai thác khí đốt với lượng lớn nhất có thể và nhanh nhất có thể. Na Uy hiện là quốc gia sản xuất dầu lửa và khí đốt lớn thứ 8 trên thế giới.
Lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy xuất khẩu ra thế giới năm 2016 cao gấp 10 lần lượng khí phát thải từ chất đốt mà Na Uy sử dụng trong nước. Nói cách khác, Na Uy đứng thứ 7 về xuất khẩu khí phát thải độc hại ra thế giới. Le Monde kết luận : Na Uy là một đất nước nhỏ bé, nhưng lại gây tác động rất lớn tới biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chống buôn lậu động vật quý hiếm : cuộc chiến chết chóc
Trong lĩnh vực sinh thái, báo Le Figaro có bài « Cuộc chiến chết chóc chống những kẻ buôn lậu ». Vụ sát hại ông Wayne Lotter, nhà bảo tồn loài voi, ở Tanzania, nhắc cho mọi người nhớ rằng các nhà hoạt động bảo vệ động vật quý hiếm phải trả giá cho cuộc chiến chống buôn lậu động vật bằng sinh mạng của bản thân. Le Figaro cho biết buôn bán động vật quý hiếm nằm trong số 5 hoạt động buôn bán mang lại nhiều lợi nhất, cùng với buôn bán vũ khí, buôn người, buôn bán hàng giả và buôn ma túy.
Hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã không chỉ đe dọa cuộc sống của các loài động vật mà còn đẩy các nhà bảo tồn động vật vào vòng nguy hiểm. Theo tổ chức International Ranger Federation, từ năm 2009 đến năm 2016, 565 nhà hoạt động đã thiệt mạng vì bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đa số bị những kẻ săn bắn trộm sát hại, không chỉ ở châu Phi mà cả ở châu Á.
Samsung cho ra mắt Galaxy Note 8
Chuyển sang lĩnh vực công nghệ, báo kinh Tế Les Echos cho biết tập đoàn Samsung của Hàn Quốc hôm nay cho ra mắt điện thoại thông minh Galaxy Note 8 để bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh với iPhone 8 của hãng Apple.
Một năm sau thất bại lịch sử của Galaxy Note 7 khiến danh tiếng của Samsung bị ảnh hưởng, tập đoàn Hàn Quốc đang hy vọng lật sang một trang sử mới với Note 8.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170823-chien-luoc-afghanistan-su-mien-cuong-cua-tt-my-donald-trump
Tin đọc nhanh
(AFP) – Philippines : Một dự án công viên giải trí dưới biển bị hủy bỏ. Đài truyền hình Mỹ cho trẻ em Nicklodeon – một trong hai công ty chủ trì dự án – thông báo từ bỏ dự án công viên nước rộng 400 ha tại đảo Palawan, được coi là một trong những « thiên đường » cuối cùng còn lại của quần đảo. Dự án nói trên bị bộ Môi Trường Philippines phản đối. Trước đó, giới bảo vệ môi trường đã huy động một chiến dịch lấy chữ ký trên mạng để lên án dự án công viên biển.
(AFP) – Mỏ dầu đầu tiên của Cam Bốt : Một công ty Singapore thắng thầu. Bộ trưởng Năng Lượng Cam Bốt hôm nay, 23/08/2017, cho biết hợp đồng với công ty KrisEnergy là « một sự kiện lịch sử », đối với Cam Bốt. Việc khai thác dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2020, với sản lượng khoảng 8.000 thùng/ngày. Cam Bốt đi chậm hơn nhiều so với các nước láng giềng trong việc khai thác dầu tại Vịnh Thái Lan.
(AFP) – Đã tìm thấy thi thể nữ phóng viên Thụy Điển mất tích dưới tàu ngầm tự chế. Hôm nay, 23/08/2017, cảnh sát Đan Mạch thông báo đã vớt được phần thân của nạn nhân – mất tích hôm 10/08 – tại vịnh Koge, cách Copenhagen khoảng 50 cây số về phía nam. Cuộc tìm kiếm các bộ phận còn lại vẫn tiếp tục. Người phụ trách cuộc điều tra của cảnh sát hình sự Đan Mạch cho rằng có thể phải thay đổi cáo buộc « làm chết người do bất cẩn » trước đó, căn cứ theo lời khai của nhà sáng chế, viên chủ tàu Peter Madsen, người Đan Mạch.
( AFP )- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du Áo, Rumani và Bulgari từ ngày 23/08/2017, với mục tiêu là nhanh chóng sửa đổi quy định của châu Âu về những người lao động biệt phái, một hồ sơ vẫn gây chia rẽ các nước châu Âu. Quy định này cho phép chẳng hạn như một công ty Ba Lan giành được một hợp đồng ở Pháp được điều động những người lao động Ba Lan đến làm việc tạm thời tại Pháp, mà không phải trả các khoản đóng góp xã hội ở Pháp, vốn cao hơn rất nhiều so với Ba Lan. Đối với tổng thống Macron, đây là một sự cạnh tranh bất bình đẳng và điều này làm tăng thêm tâm lý bài châu Âu ở các nước Tây Âu.
(Reuters) – Phần Lan : Hung thủ đâm dao ở Turku đã từng bị bác đơn tị nạn. Ngày 23/08/2017, cảnh sát Phần Lan vẫn nghi ngờ về danh tính thật của hung thủ Abderrahman Mechkah, được cho là người Maroc, 18 tuổi. Theo họ, có thể hung thủ đã cung cấp thông tin giả cho chính quyền khi mới đến Phần Lan. Trước đó, thanh niên đang xin tị nạn này đã nhận tội trước tòa. Tuy nhiên, luật sư của hung thủ cho biết hiện vẫn chưa chứng minh được tính chất khủng bố của vụ tấn công bằng dao làm hai người chết.
(AFP) – Ukraina : Đình chiến ở vùng Donbass từ ngày 01/09. Theo thông cáo của điện Kremlin, lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraina, Pháp và Đức đã cam kết « kiên quyết » ủng hộ việc áp dụng lệnh đình chiến ở miền đông Ukraina, trong cuộc điện đàm tối 22/08/2017, đồng thời hy vọng « quyết định này sẽ giúp ổn định tình hình về mặt an ninh cho học sinh, cũng như cho mọi thường dân ở vùng Donbass ». Ukraina cũng ủng hộ lệnh ngừng bắn, đồng thời cho biết bốn nhà lãnh đạo đã « tái khẳng định cam kết cá nhân đối với các thỏa thuận Minsk », được ký vào tháng 02/2015.
(AFP) – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm nay, 23/08/2017, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã thông báo với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về sự ủng hộ của Mỹ dành cho lực lượng dân quân Kurdistan Syria, vốn bị Ankara coi là « khủng bố ». Hoa Kỳ cũng có kế hoạch thông báo về cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurdistan tại Irak, dự kiến tổ chức ngày 25/09, một chủ đề bất đồng khác giữa Ankara và Washington.
(AFP) – Irak chiếm lại ba khu phố trong thành trì Tal Afar của Daech. Quân đội Irak, được liên quân quốc tế và lực lượng Hachd Al Chaabi hậu thuẫn, đã « kiểm soát hoàn toàn » ba khu phố Al Kifah (tây bắc), Al Nour (đông nam) và Al Askari (đông bắc) ở thành phố Tal Afar. Tuy nhiên, khoảng 30.000 thường dân bị kẹt trong các cuộc giao chiến.
(AFP) – Qatar và Mỹ diễn tập chung ở vùng Vịnh. Cuộc diễn tập « Friendship Jump » diễn ra ngày 22/08 để tăng cường « quan hệ chặt chẽ giữa hai nước » trong bối cảnh căng thẳng ở vùng Vịnh. Theo thông cáo của bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách Chiến dịch đặc biệt Mỹ (Socom), hơn 40 lính dù Mỹ và Qatar đã thực hiện những bài tập thông thường như nhẩy dù từ một máy bay vận tải quân sự C-130.
(AFP) – Thêm một nhà báo bị ám sát tại Mêhicô. Nhà báo Candido Rios, làm việc cho nhật báo địa phương Acayucan ở bang Veracruz (đông Mêhicô) bị bắn lén hôm 22/08/2017, trước một cửa hàng ở làng Covarrubias. Đây là phóng viên thứ 10 bị ám sát kể từ đầu năm 2017. Mêhicô bị coi là một trong những nước nguy hiểm nhất thế giới cho hoạt động báo chí. Hơn 100 phóng viên bị sát hại từ năm 2000.
( AFP ) – Wal-Mart liên kết với Google để chống Amazon. Hôm nay, 23/08/2017, tập đoàn siêu thị hàng đầu thế giới Wal-Mart của Mỹ thông báo sẽ liên kết với tập đoàn tin học Google để bán các sản phẩm của Wal-Mart trên mạng, trực tiếp cạnh tranh với Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tập đoàn Google cũng thông báo họ sẽ bán trên mạng đủ loại mặt hàng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170823-tin-doc-nhanh