Đọc báo Pháp – 23/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 23/10/2020

Vatican : Đức Thánh Cha làm giáo dân

« dao động » tinh thần

Tú Anh

Tòa thánh Vatican gia hạn hiệp định tạm thời với Trung Quốc ; Ý kiến của đức giáo hoàng về hôn nhân đồng tính ; Sân sau của Putin bất ổn ; Covid-19 bất chấp giới nghiêm ; Dư âm vụ giáo viên môn sử-địa Samuel Paty bị khủng bố Hồi giáo sát hại là những chủ đề trên báo Pháp hôm nay 23/10/2020.

« Samuel Paty, gương mặt của Cộng Hòa Pháp », Le Monde nhắc lại tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron trong buổi lễ tưởng niệm nhà giáo bị chặt đầu lên trang nhất. Tình trạng lây lan của Covid-19 đã đến đâu ? Thủ tướng Pháp nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng là tựa chính của Le Figaro. Đồng nghiệp Les Echos đăng bức ảnh đường phố vắng tanh vào giờ giới nghiêm để minh họa cho viễn cảnh bi quan « kinh tế nguy ngập ».

Giáo hoàng gây sóng : Đồng tính kết hôn có trái với giáo lý Công giáo ?

« Luật kết hợp dân sự cho hai người đồng tính », đức giáo hoàng thật sự muốn nói gì ? Tựa của La Croix dẫn đầu cho một loạt bài phân tích không riêng gì của nhật báo Công giáo, cùng với quyết định gia hạn hiệp định tạm thời với Bắc Kinh, đó là hai chủ đề có nguy cơ gây chia rẽ trong nội bộ Công giáo.

Vào đầu, nhật báo Công giáo cho biết trong cuốn phim tài liệu truyền hình, giáo hoàng tỏ ý mong muốn các cặp đồng tính phải được bảo vệ qua một đạo luật « kết hợp dân sự » trong những nước chưa có luật này. « Từ lúc còn là giám mục và từ khi làm giáo hoàng, đức cha Phanxicô chưa bao giờ ủng hộ hôn nhân đồng tính. Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ ».

Vấn đề là niềm mong muốn này đã gây ra tranh luận : Phải chăng giáo lý của Giáo hội đang có chuyển biến ? Nhật báo Công giáo mời hai cây bút thần học lý giải. Đức ông Pierre Debergé thẩm định khi đức giáo hoàng trình bày là ngài không có quyền phê phán khi có một người đồng tính tìm đến Chúa thì đó là phát biểu phát xuất từ đáy lòng của một linh mục. Giáo hội phải lưu tâm đến mọi hoàn cảnh của nữ giới và nam giới trong thời đại chúng ta, phải mở vòng tay đón tiếp và không xô đuổi bất kỳ ai.

Linh mục Laurent Lemoine, cây bút thần học thứ hai kêu gọi phải tìm hiểu đức giáo hoàng muốn nói gì. Còn quá sớm để kết luận là Phanxicô chuyển hướng. Giáo hội nên quyết định ngưng chống đối tính chính đáng của những cặp đồng tính sống chung dưới mái nhà. Cộng đồng Vatican kêu gọi là « phải nhìn nhận thực tế của trần thế ». Giáo hội cũng nên phát khởi một công trình nghiên cứu thần học để tạo điều kiện cho các cặp và gia đình đồng tính, không chỉ được bao dung, mà còn phải được chấp nhận một cách chân thật trong cộng đồng xã hội. Để kết luận, tác giả thẩm định là tuyên bố của đức giáo hoàng không gây hệ quả gì cho quyền lực của Tòa Thánh.

Theo Le Monde, lời chia sẻ của đức giáo hoàng trong phim tài liệu bị phe  bảo thủ xem là « chệch hướng » và công khai phản đối. Giám mục Thomas Tobin (Rhode Island) Hoa Kỳ phản ứng : « Tuyên bố của đức giáo hoàng đi ngược lại giáo lý bất di bất dịch của Giáo hội về kết hợp dân sự của những người cùng giới tính. Giáo hội không thể ủng hộ quan hệ, một cách khách quan, là chuyện phi luân lý ».

Nhật báo thiên tả Libération cũng đặt câu hỏi theo lối chơi chữ : Giáo hội có sẵn sàng « kết hợp » với đức giáo hoàng hay chưa ? Điều chắc chắn là Tòa Thánh lo ngại nội bộ rạn nứt.

Tòa Thánh triển hạn với Bắc Kinh một thỏa thuận gây tranh cãi

Vì ước mơ muốn đi sang Trung Quốc mà đức giáo hoàng công nhận 8 giám mục do Bắc Kinh tấn phong. Nhật báo thiên hữu cho độc giả biết ai là người chủ xướng : Hồng y Pietro Parolin, ngoại trưởng của Tòa Thánh.

Đây là vấn đề không những gây tranh cãi mà còn làm giáo dân thất vọng. Theo Le Figaro, bất chấp mọi phản đối, giáo hoàng Phanxicô bám chặt vào ước mơ Trung Quốc, bật đèn xanh tái triển hạn thảo thuận với chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh về vấn đề bổ nhiệm giám mục.

Trong bối cảnh gặp đối kháng trong lãnh vực địa chính trị, bị Mỹ và nhiều nước chỉ trích về vụ dịch Covid, quyết định này, do Hồng y Pietro Parolin, kiến trúc sư của chính sách thân thiện với Bắc Kinh thông báo, là một tin mừng cho chính quyền Trung Quốc trong nỗ lực « ve vãn » nhà nước châu Âu cuối cùng còn thủy chung với Đài Loan.

Muốn theo dấu chân của linh mục Dòng Tên Matteo Ricci, truyền bá đạo Thiên Chúa vào triều đình Trung Hoa ở thế kỷ 16, đức giáo hoàng Phanxicô chấp nhận 8 giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm, đổi lại có ít nhất hai vị do Tòa Thánh bổ nhiệm phải được Bắc Kinh nhìn nhận.

Thế nhưng, từ hai năm nay, tình hình vẫn căng thẳng. Những giáo dân thuộc Giáo hội thầm lặng tiếp tục bị chính quyền ngược đãi như tín đồ hạng hai. Điển hình là giám mục Vinh Sơn Quách Hy Cẩm, giáo phận Mân Đông, Phúc Kiến bị buộc phải nhượng quyền cai quản cho giám mục Nhà nước Chiêm Tự Lộc, ngày 04/10 hai tuần trước khi Trung Quốc được « tin mừng ».

Trong nội bộ Giáo hội, nhiều người đã công khai cáo buộc Tòa Thánh đầu hàng. Hồng y Trần Nhật Quân ở Hồng Kông tố cáo ngoại trưởng Pietro Parolin « nói dối và tự che mắt » trước thảm nạn của giáo dân Hoa lục như biện pháp cấm thiếu niên theo đạo từ năm 2018.

Chủ tịch Tập Cận Bình, trong tham vọng kiểm soát toàn bộ dân chúng ở mọi giai tầng, đã ghi « tư tưởng » của mình vào Hiến Pháp. Hồng y Trần Nhật Quân cảnh báo Tòa Thánh : « Trung Hoa hóa tôn giáo không mang ý nghĩa hội nhập văn hóa mà thật sự là biến đảng thành đạo. Đảng Cộng Sản là thần linh và đảng trưởng là thượng đế ». Chính bầu không khí « siết chặt ý thức hệ này » cản trở ước mơ của lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ theo dấu chân thừa sai Dòng Tên Matteo Ricci. Chuyến công du Trung Quốc của đức giáo hoàng khó có thể được thực hiện trước nhiều năm cho dù Tòa Thánh đã im lặng trước chính sách đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương.

Thái Lan : Lý Tiểu Long can thiệp chiến thuật

Về thời sự châu Á, Le Monde phân tích diễn biến mới tại Thái Lan : thủ tướng Thái lúng túng trước phong trào đấu tranh biến đổi không ngừng như Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long, chiến thuật của giới trẻ Hồng Kông.

Quyết định nhượng bộ của thủ tướng Chan O-Cha hủy bỏ tình trạng khẩn cấp và giả vờ như nhận lỗi không xoa dịu được phong trào tranh đấu. Sinh viên Thái không chấp nhận hành động đàn áp thô bạo của cảnh sát hôm thứ Sáu tuần trước trong khi phe biểu tình chỉ tụ tập một cách ôn hòa.

Chưa biết trong nhữg ngày tới tình hình sẽ diễn biến ra sao về phía chính quyền bởi vì theo nhận định của Le Monde, chính phủ Chan O-Cha ngày càng lúng túng không biết đối phó ra sao, không có một chiến lược đồng bộ đối đầu với một phong trào đa hình, đa dạng, bắt chước phong trào phản kháng tại Hồng Kông chống Trung Quốc : Biểu tình được tổ chức theo nguyên lý dòng nước của cố tài tử điện ảnh phim võ hiệp Lý Tiểu Long. Cụ thể, mỗi ngày, trên Tweet và các mạng xã hội khác nhau, thanh niên Thái cho điểm hẹn ở nhiều nơi tại thủ đô, thường là gần các trạm xe điện. Từ đó, họ nương theo các ngả đường, tuần hành luồn lách cảnh sát.

Một nhượng bộ khác của chính quyền được phóng viên Le Monde cho là quan trọng, đó là tiếp theo tuyên bố của thủ tướng Thái cam kết tôn trọng tự do ngôn luận, tòa án hình sự đã bác một quyết định của bộ Kinh Tế Kỹ Thuật Số « cấm đài Voice TV hoạt động » và trong phán quyết, tòa cho phép mọi « cơ quan truyền thông chuyên nghiệp có quyền trình bày quan điểm hay thông tin đúng theo đạo lý nghề nghiệp ».

Chiến thuật lách né của Joe Biden

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bước vào giai đoạn cuối với cuộc tranh luận sau cùng giữa hai ứng cử viên. Báo chí Pháp chưa kịp lên khuôn. Le Monde phân tích chiến thuật « tránh đòn » của Joe Biden.

Theo dõi hoạt động của cựu phó  tổng thống Mỹ, thông tín viên Gilles Paris nhấn mạnh đặc điểm : Tin cậy vào điểm tín nhiệm trong công luận, ứng cử viên đảng Dân Chủ, tỏ ra rất kín đáo, để cho Donald Trump loay hoay trong khủng hoảng y tế.

Kín đáo theo nghĩa tránh những đề tài gây tranh cãi như không cho ý kiến về câu hỏi có nên thêm thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện hay không ? Hay là cố tình tránh né các câu hỏi liên quan đến con trai Hunter Biden, sau một bài báo của  New York Post.

Cũng liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ, Le Figaro bình luận rộng rãi về tin tình báo Mỹ tố cáo Nga và Iran can thiệp, tung tin giả làm hại Donald Trump. Iran và Nga rõ ràng là muốn Joe Biden đắc cử.

Vành đai an toàn của liên bang Nga căng thẳng

Matxcơva bị ép đẩy vì những biến động ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, không nên xem thường khả năng ứng phó « nguội » của Putin. Theo Les Echos, càng ngày tình hình ở các quốc gia sát nách Nga càng bất ổn từ Belarus, Kyrgyzstan cho đến Armenia và Azerbaijan.

Ba mươi năm sau khi đế quốc Cộng Sản tan rã, khủng hoảng chính trị ở Belarus, Kyrgyzstan và xung đột ở Thượng Karabakh làm người ta nghi ngờ ảnh hưởng thật sự của đàn anh Matxcơva. Một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nhìn nhận mối lo : Putin không thích các cuộc biểu tình phản kháng vì nó phủ nhận tính chính đáng của các chế độ đương quyền. Tình trạng bất ổn là một  phản đề (biện chứng) đi ngược lại những gì tổng thống Nga chờ đợi.

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo : không nên xem thường khả năng đối phó của Putin. Ông ta không thích phản ứng dưới sức ép.

Cuối cùng, Le Figaro dành một trang thể thao để mừng sinh nhật 80 tuổi của cầu vương Pélé, một huyền thoại bóng đá vượt thời gian.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201023-vatican-phanxico-hon-nhan-dong-tinh

Tin tổng hợp

(Vietnamnet) – Cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung: tranh luận về hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên. 

Bên lề Quốc Hội Việt Nam hôm nay, 23/10/2020, chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ, bà Nguyễn Thị Xuân Thu tuyên bố hoạt động quyên góp của ca sĩ hoàn toàn không phạm luật Dân Sự Việt Nam.  Trong những ngày gần đây, việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỉ tiền cứu trợ được nhiều người dân, giới chức trong chính quyền ủng hộ, nhưng cũng bị một số người phản đối, nhân danh một nghị định của chính phủ, quy định một số cơ quan chính quyền được phép quyên góp cứu trợ, trong đó có những tổ chức như Hội Chữ Thập Đỏ, hay Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm nay, yêu cầu ra nghị định mới thay thế cho nghị định nói trên.

(AFP) – Covid-19 : Mỹ cho phép sử dụng thuốc remdesivir. 

Theo hãng Gilead, hôm qua, 22/10/2020, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA của Mỹ đã cấp giấy phép sử dụng cho thuốc kháng virus remdesivir để điều trị các bệnh nhân Covid-19, sau khi đã cấp phép với điều kiện cho loại thuốc này. Gilead cho biết thuốc mang nhãn hiệu Veklury là thuốc đặc trị Covid duy nhất được phép sử dụng tại Hoa Kỳ, sau khi tạm thời được phép sử dụng cho những ca khẩn cấp.

(AFP) – Thỏa thuận ngừng bắn tại Libya. 

Hôm nay, 23/10/2020, các bên tham chiến tại Libya đã ký hiệp định ngừng bắn vĩnh viễn trên toàn quốc. Lễ ký kết được truyền trực tiếp trên Internet, sau năm ngày đàm phán tại Genève dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Rơi vào hỗn loạn kể từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ năm 2011, Libya hiện đang bị xâu xé giữa một bên là Chính phủ đoàn kết dân tộc, được Liên Hiệp Quốc công nhận, đặt ở thủ đô Tripoli và bên kia là phe của thống chế Haftar, đang kiểm soát miền đông Libya.

(AFP) – Pháp : Kẻ sát hại giáo viên Samuel Paty đã tiếp xúc với quân thánh chiến ở Syria.

Theo một nguồn tin theo dõi sát hồ sơ này, Abdoullakh Anzorov, kẻ chặt đầu giáo viên sử địa Samuel Paty ở Conflans – Sainte – Honorine ngày 16/10/2020, đã từng tiếp xúc với một quân thánh chiến người Nga ở Syria. Danh tích của quân thánh chiến này hiện chưa được xác định. Người ta chỉ biết là địa chỉ IP của người này là ở Idleb, cứ địa cuối cùng của phiến quân và quân thánh chiến ở Syria.

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt hai quan chức Nga vì tấn công mạng. 

Hội Đồng Châu Âu hôm qua 22/10/2020 thông báo trừng phạt lãnh đạo tình báo quân đội Nga (GRU) Igor Kostyukov và một sĩ quan tình báo tên là Dimitri Badin vì có liên quan đến vụ tấn công mạng nhắm vào Nghị Viện Đức hồi mùa xuân năm 2015. Hai người này bị cấm vào lãnh thổ Liệp Hiệp Châu Âu và tài sản của họ ở châu Âu bị phong tỏa. GRU cũng bị phong tỏa tài sản. Vụ tấn công tin học đã ảnh hưởng đến hoạt động của Nghị Viện Đức trong nhiều ngày. Nhiều dữ liệu của Nghị Viện Đức bị đánh cắp, tài khoản email của nhiều dân biểu và cả của thủ tướng Merkel cũng bị ảnh hưởng.

(Le Figaro) – Covid-19 : Người nhóm máu O ít nguy cơ nhiễm virus corona hơn. 

Nếu có bị lây nhiễm thì người nhóm máu O cũng dễ khỏi bệnh hơn. Trên đây là kết luận của hai nghiên cứu được tạp chí Blood Advances của Viện Huyết Học Mỹ công bố trong tháng 10/2020. Nghiên cứu của Đan Mạch được thực hiện trên 470.000 người và cho thấy 38,4% người nhiễm Covid mang nhóm máu O trong khi có tới 41,7% dân số Đan Mạch thuộc nhóm máu này. Còn nghiên cứu của Canada cho thấy những bệnh nhân Covid nhóm máu O và B bị nhẹ hơn người bệnh nhân nhóm máu A và AB.

(AFP) – Cuba tố cáo Mỹ tăng cường cấm vận bất chấp đại dịch. 

Chính phủ Cuba hôm qua 22/10/2020 thông báo biện pháp cấm vận của Mỹ đã khiến Cuba thiệt hại hơn 5 tỉ đôla/năm, trong khi dịch bệnh đang hoành hành. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez khẳng định Washington đã lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để đẩy mạnh lệnh cấm vận đến mức chưa từng có, coi đó là sự « tàn bạo » của Mỹ, nhất là chuyện Mỹ chặn việc vận chuyển thiết bị y tế cho Cuba. Theo Ngoại trưởng Bruno Rodriguez, trong 58 năm bị Mỹ cấm vận, Cuba đã thiệt hại 144,413 tỉ đôla, số tiền rất lớn với một nước nhỏ như Cuba.

(AFP) – NATO lập trung tâm không gian để bảo vệ vệ tinh chống lại Nga và Trung Quốc.

Theo tổng thư ký NATO, hôm nay, 23/10/2020, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ lập một trung tâm tại miền tây nam nước Đức, với mục tiêu trước hết là để đối phó với Nga và Trung Quốc. Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Matxcơva và Bắc Kinh đã phát triển nhiều phương tiện có khả năng làm tê  liệt và phá hủy các vệ tinh, và điều này sẽ có « các hệ quả rất nghiêm trọng » đối với hoạt động thông tin liên lạc của khối. Tuy nhiên, tổng thư ký Stoltenberg cũng nhấn mạnh  NATO hoàn toàn không có ý định « quân sự hóa không gian ».

(AFP) – Anh – Nhật ký thỏa thuận thương mại quan trọng. 

Vào lúc Anh và Liên Âu còn đang đàm phán căng thẳng cho một thỏa thuận tương lai, thì Luân Đôn và Tokyo đã đạt được một thỏa thuận song phương vào hôm nay, thứ Sáu 23/10/2020. Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên mà nước Anh đạt được sau Brexit. Thỏa thuận, về cơ bản giống với thỏa thuận giữa Nhật Bản và Liên Hiệp Châu Âu đang có hiệu lực, liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế chủ yếu, như dệt may, công nghệ mới, thực phẩm hay xe hơi. Thỏa thuận, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tới, sẽ mở đường cho các hợp tác « mật thiết hơn » giữa Luân Đôn với 11 quốc gia còn lại trong Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201023-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 23/10:

Trả đũa Mỹ, Bắc Kinh giới thiệu luật dữ liệu cá nhân;

Putin nói đã giúp Nalvany rời Nga chữa bệnh

Lục Du

Mục lục bài viết          

Trả đũa Mỹ, Bắc Kinh giới thiệu luật dữ liệu cá nhân

Putin nói đã giúp Nalvany rời Nga chữa bệnh

Đài Loan ủng hộ phong trào biểu tình dân chủ ở Thái Lan

Vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan có thể vươn tới Đại lục

Mỹ đưa đại sứ Iran tại Iraq vào danh sách đen

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (23/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trả đũa Mỹ, Bắc Kinh giới thiệu luật dữ liệu cá nhân

Hôm thứ Tư (21/10), Bắc Kinh bắt đầu đưa ra bàn thảo dự luật giới hạn chặt chẽ việc chuyển dữ liệu cá nhân của người Trung Quốc ra nước ngoài. Nikkei cho hay, đây là một động thái cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn trả đũa lệnh cấm “phân biệt đối xử” của Hoa Kỳ.

Nếu được thông qua, đạo luật có tên Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân sẽ trở thành bộ luật thống nhất đầu tiên của Trung Quốc về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo dự thảo luật, bất kỳ công ty nào tìm cách lấy dữ liệu cá nhân của người dùng ra bên ngoài Trung Quốc sẽ bị kiểm tra bởi các cơ quan an ninh mạng. Các doanh nghiệp liên quan đến “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”, chẳng hạn như viễn thông hoặc tài chính và những doanh nghiệp xử lý lượng lớn thông tin cá nhân sẽ phải lưu trữ dữ liệu đó trên các máy chủ ở Trung Quốc và trải qua đánh giá rủi ro trước khi gửi ra nước ngoài.

Luật mới này của Trung Quốc xuất hiện sau khi Washington cấm nền tảng chia sẻ video TikTok và ứng dụng trò chuyện WeChat để “bảo vệ an ninh quốc gia và dữ liệu cá nhân” của người dùng Mỹ.

Putin nói đã giúp Nalvany rời Nga chữa bệnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (22/10) cho biết ông đã đích thân can thiệp để đảm bảo rằng nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny có thể được điều trị y tế ở Đức sau khi chính trị gia đối lập được cho là bị đầu độc, Reuters đưa tin.

Phát biểu tại cuộc họp của Câu lạc bộ Valdai, Putin cho biết ông đã yêu cầu văn phòng Tổng công tố của Nga cho phép Navalny rời khỏi đất nước sau khi có lời kêu gọi từ vợ của chính trị gia đối lập.

“Có những hạn chế đi lại đối với ông ấy liên quan đến một cuộc điều tra tư pháp và một vụ án hình sự (chống lại Navalny)”, ông Putin nói. “Nhưng dù sao thì tôi cũng đã yêu cầu văn phòng Tổng công tố cho phép và anh ấy đã rời đi”.

Ông Navalny, 44 tuổi, đột ngột đổ bệnh trong một chuyến bay từ Siberia về Moscow vào ngày 20/8 và sau đó được vận chuyển đến Berlin để điều trị. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học cho biết mẫu máu lấy từ ông Navalny xác nhận sự hiện diện của chất độc thần kinh Novichok, loại chất độc được sử dụng từ thời Liên Xô.

Hiện tại ông Navalny vẫn đang dưỡng bệnh tại Đức. Ông cáo buộc Putin chính là thủ phạm đứng sau vụ đầu độc ông.

Đài Loan ủng hộ phong trào biểu tình dân chủ ở Thái Lan

Hơn một chục tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động chính trị và các tổ chức sinh viên đã cùng nhau họp mặt tại Đài Bắc vào thứ Năm (22/10) để nâng cao nhận thức về phong trào ủng hộ dân chủ ở Thái Lan, khi những người biểu tình ở quốc gia này đang vấp phải sự cản trở của chính phủ, theo Taiwan News.

Được tổ chức bởi Đảng Xanh Đài Loan và Liên minh Đài Loan vì Dân chủ Thái Lan (TATD), cuộc họp báo bắt đầu lúc 9 giờ sáng tại Hội trường Cựu sinh viên Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc. Trong sự kiện này, đại diện của khoảng 15 nhóm xã hội dân sự đã thay nhau bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình yêu cầu dân chủ, mặc dù phong trào đã liên tục gặp khó do đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Cô Thachaporn Supparatanapinyo là một đại diện cho TATD, bao gồm các sinh viên Thái Lan tại Đài Loan, tham gia cuộc họp. Theo cô, người Đài Loan là những người đầu tiên trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình của giới trẻ Thái Lan “không chỉ từ phía người dân mà từ phía chính phủ, đảng chính trị và cả các tổ chức phi chính phủ”.

Cô Thachaporn cho biết cô tin rằng người Đài Loan rất ủng hộ biểu tình yêu cầu dân chủ ở Thái Lan vì họ đã quen với việc đứng lên đấu tranh cho dân chủ – cả ở đất nước của họ và những nơi khác, như đã thấy trong các cuộc biểu tình chống dẫn độ năm ngoái ở Hồng Kông.

Vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan có thể vươn tới Đại lục

Khác với các loại vũ khí trước kia Hoa Kỳ bán cho Đài Loan, các vũ khí tấn công mới mà Washington sẽ cung cấp cho Đài Bắc sắp tới có khả năng tấn công các mục tiêu nằm ở khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục, theo SCMP.

“Đây là một bước đột phá của Mỹ trong quyết định bán vũ khí cho Đài Loan”, Mei Fu-hsing, Giám đốc Trung tâm Phân tích An ninh Đài Loan, một tổ chức tư vấn tư nhân ở New York, cho biết khi đề cập đến quyết định của chính quyền Trump loại bỏ chính sách truyền thống chỉ bán loại vũ khí có tính phòng thủ cho Đài Loan.

Các chuyên gia quân sự cho biết, thương vụ bán vũ khí mới nhất của Mỹ nhằm giúp Đài Bắc có thể đối phó với hỏa lực của Bắc Kinh trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

Đợt mua bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan được chính phủ Mỹ đề xuất là đợt thứ tám. Hôm thứ Năm (22/10), Đài Bắc đã lên tiếng hoan nghênh thiện chí giúp đỡ của Hoa Kỳ trong bối cảnh Đài Loan liên tục chịu sức ép từ các hoạt động đe dọa của Bắc Kinh trong thời gian qua.

Mỹ đưa đại sứ Iran tại Iraq vào danh sách đen

Hôm thứ Năm (22/10), Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen Iraj Masjedi, Đại sứ Iran tại Iraq, nói rằng ông Iraj đã hỗ trợ các nhóm dân quân Iraq trong nhiều năm, lực lượng đã thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và liên quân ở Iraq thời gian qua, theo Reuters và Anadolu Agency

“Với khả năng hiện tại, Masjedi đã khai thác vị trí của mình là đại sứ của chế độ Iran tại Iraq để thực hiện các hành vi tài chính vì lợi ích của IRGC-QF”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến IRGC-QF, từ viết tắt của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Iran đang bổ nhiệm các quan chức IRGC-QF để “thực hiện chương trình nghị sự đối ngoại gây bất ổn của họ”.

“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ và chế tài theo ý của mình để hạn chế lực lượng cầm quyền ở Iran và các quan chức IRGC-QF cố gắng can thiệp vào công việc của các quốc gia có chủ quyền, bao gồm bất kỳ nỗ lực nào nhằm tác động đến các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ”, ông Mnuchin nói thêm.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-23-10-tra-dua-my-bac-kinh-gioi-thieu-luat-du-lieu-ca-nhan-putin-noi-da-giup-nalvany-roi-nga-chua-benh.html

Điểm tin thế giới tối 23/11:

Sự im lặng kỳ lạ của Bắc Kinh;

Đài Loan có thể điều động 450.000 binh sĩ

theo lệnh tổng thống Thái Anh Văn

Triệu Hằng

Mục lục bài viết          

Sự im lặng kỳ lạ của Bắc Kinh

Đài Loan có thể điều động 450.000 binh sĩ theo lệnh tổng thống Thái Anh Văn

Tập Cận Bình trích lời Mao dịp kỷ niệm 70 năm “chống Mỹ viện Triều”

Bước ngoặt ở Thái Lan: Sự phản đối của Nữ hoàng

Tin tặc Nga tấn công mạng máy tính của chính quyền Mỹ

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (23/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Sự im lặng kỳ lạ của Bắc Kinh

Tác giả Katsuji Nakazawa hôm 22/10 trong bài phân tích của mình trên tờ Nikkei Asia đã mở đầu bằng một câu tiếng Việt: “Xin chào. Tôi là Suga Yoshihide”, đây là nguyên câu nói mà tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói vào ngày 19/10 khi ông phát biểu truớc các sinh viên trường Đại học Việt – Nhật ở Hà Nội.

Katsuji Nakazawa cho biết, trong bài diễn văn có tiêu đề: “Cùng nhau xây dựng tương lai khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Thủ tướng Suga lặp lại cụm từ “pháp quyền” (rule of law) 5 lần và nói rằng “những diễn biến trái với tính pháp quyền và tinh thần cởi mở” đang diễn ra ở Biển Đông.

Rõ ràng là mọi người đều biết ông Suga đang nói về ai, Katsuji Nakazawa nhận định. Ông Suga, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình trên cương vị thủ tướng, đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để đào sâu việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc vẫn luôn theo dõi sát các động thái của vị tân thủ tướng này. Thông thường, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ tiếp cận cuốn sách từ vựng của mình và chọn những ngôn từ mạnh nhất sẵn có để lên án một cuộc nói chuyện như vậy của một nhà lãnh đạo nước ngoài. Nhưng lúc này, Trung Quốc đang có phản ứng bình tĩnh và kiềm chế đến mức kỳ lạ.

Đài Loan có thể điều động 450.000 binh sĩ theo lệnh tổng thống Thái Anh Văn

Taiwan News đưa tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát cho biết hôm thứ Năm (22/10) rằng Tổng thống Thái Anh Văn có thể huy động khoảng 450.000 binh sĩ cho một cuộc chiến lớn nếu bà ra mệnh lệnh.

Trong khi báo cáo về kế hoạch cải tổ lực lượng dự bị của Đài Loan của Lập pháp Viện Trung Hoa Dân quốc, ông Nghiêm cho biết, khoảng 260.000 quân dự bị và 185.000 quân nhân tại ngũ có thể phản ứng nhanh chóng với một cuộc khủng hoảng quốc phòng dưới sự chỉ huy của bà Thái. Ông cho biết Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đưa ra các phương án ban đầu để tăng tần suất huy động quân dự bị để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị quốc gia.

Taiwan News trích dẫn CNA cho biết, trước những lo ngại của Chủ tịch Quốc Dân đảng Johnny Chiang về thời gian thực tế cần có để có thể huy động những người dự bị chuẩn bị chiến đấu, ông Nghiêm nói rằng Bộ Quốc phòng sẽ bắt đầu cải cách vào năm 2022.

Tập Cận Bình trích lời Mao dịp kỷ niệm 70 năm “chống Mỹ viện Triều”

Nikkei Asia đưa tin, nhân kỷ niệm 70 năm ngày chính quyền Trung Quốc triển khai quân đội tới bán đảo Triều Tiên để giúp Triều Tiên chống lại các lực lượng Liên Hợp Quốc và Hàn Quốc do Mỹ lãnh đạo trong cuộc chiến năm 1950-1953, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân. Ông Tập trích lời cha già sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông, nói rằng: “Hãy cho thế giới biết rằng người dân Trung Quốc là có tổ chức, và không thể bị coi thường”. Ông không đề cập trực tiếp đến Hoa Kỳ, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên trong bối cảnh tranh chấp với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tháng 10/1950, quân đội Trung Quốc đã vượt sông Áp Lục ở biên giới với Triều Tiên trong khi quân Liên Xô yểm trợ trên không. Nhấn mạnh tầm quan trọng địa chính trị của Triều Tiên, Mao nói: “Nếu môi không còn thì răng cũng lạnh”. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến vào năm 1953, chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, khiến bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng thời chiến.

Bước ngoặt ở Thái Lan: Sự phản đối của Nữ hoàng

Theo Reuters, một thời điểm quan trọng trong phong trào biểu tình ngày càng tăng của Thái Lan đó là sự xuất hiện không báo trước của một chiếc xe limousine Rolls Royce màu sâm panh trên đường phố Bangkok. Đây là xe của Nữ hoàng Suthida, và đoàn xe đã giảm tốc độ khi gặp phải vài chục người biểu tình đang buông lời giễu cợt bên ngoài Tòa nhà Chính phủ Bangkok vào ngày 14 tháng 10. Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã tố cáo đây là hành vi quấy rối không thể tha thứ ở một vương quốc có hiến pháp đòi hỏi phải tôn kính chế độ quân chủ.

Chính phủ Thái Lan, dẫn đầu là cựu chỉ huy quân đội Prayut Chan-o-cha, ông là mục tiêu ban đầu của các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng, đã nhanh chóng phản ứng khi ban hành các lệnh cấm các cuộc biểu tình và thực hiện hàng chục vụ bắt giữ. Nhưng điều này đã thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình hơn nữa và sự chỉ trích lớn hơn đối với chế độ quân chủ mà những người biểu tình cho là nó đã giúp tạo ra sự thống trị của quân đội trong nhiều thập niên. Vào thời điểm Vua Maha Vajiralongkorn phải đối mặt với sự giám sát chưa từng có, nhiều người Thái đã đặt ra câu hỏi tại sao Nữ hoàng Suthida lại đi trên con phố đó vào thời điểm này.

Đảng Move Forward đối lập hôm thứ Năm (22/10) tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch đề nghị quốc hội “nghiên cứu những sai lầm đã gây ra đối với đoàn xe”, yêu cầu thực hiện các hành động nghiêm khắc, cụ thể là viện dẫn Điều 110 tội bạo lực hoặc cố gắng bạo lực với nữ hoàng. Nhưng những người khác lưu ý rằng tuyến đường không phải là đoạn ngắn nhất giữa Cung điện Dusit, nơi nhà vua và hoàng hậu ở, và ngôi đền mà Nữ hoàng Suthida sẽ đến. Họ cũng thắc mắc vì sao đoàn xe hoàng hậu đi chậm như vậy, thậm chí ở những đoạn không có chướng ngại vật, bởi lẽ xe hoàng gia thường di chuyển nhanh hơn nhiều.

Tin tặc Nga tấn công mạng máy tính của chính quyền Mỹ

Các cơ quan chính phủ Mỹ cho biết hôm thứ Năm (22/10) rằng, các tin tặc do Nga tài trợ đã cố gắng đột nhập vào mạng máy tính của chính quyền địa phương Hoa Kỳ và các tiểu bang, và 2 trường hợp trong số đó đã thành công. Đây là cảnh báo lớn thứ hai về các vụ tin tặc nước ngoài trong nhiều ngày, Reuters đưa tin.

Trong một cảnh báo chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử ở Mỹ, các cơ quan này cho biết một nhóm người Nga, đôi khi được các nhà nghiên cứu gọi là Gấu Berserk (Berserk Bear) hoặc Chuồn chuồn ngô (Dragonfly), đã nhắm mục tiêu hàng chục mạng máy tính của chính phủ tiểu bang, địa phương, bộ lạc và lãnh thổ Hoa Kỳ cũng như các mạng lưới hàng không.

Các tin tặc đã đột nhập thành công vào một số mạng không xác định và vào đầu tháng này đã đánh cắp dữ liệu từ hai trong số đó, các cơ quan nêu trên cho biết trong một bài đăng trên trang web của Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng, một nhánh của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. FBI không cung cấp thông tin chi tiết nhưng cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã “làm sáng tỏ hành vi bất chính của Nga”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-23-11-su-im-lang-ky-la-cua-bac-kinh-dai-loan-co-the-dieu-dong-450-000-binh-si-theo-lenh-tong-thong-thai-anh-van.html