Đọc báo Pháp – 22/12/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Dân số – gánh nặng cho ngân sách Nhật Bản

Thùy Dương

Tăng trưởng thấp kèm theo chi tiêu xã hội tăng mạnh đã đè nặng lên ngân sách của Nhật. Nhật báo Le Figaro cho biết Nhật là quốc gia có số nợ tính theo đầu người cao nhất thế giới: 85.700 đô la/người, cao gấp đôi số nợ tính theo đầu người ở Pháp (35.800 đô la).

Bộ Tài Chính Nhật dự tính kế hoạch chi tiêu cho năm tài khóa 2017-2018 – bắt đầu từ tháng 04 năm tới – là 97,4 tỉ yên (794 tỉ euro) – một mức cao kỷ lục. Dự án ngân sách này được đệ trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng vào ngày hôm nay. Theo đánh giá của Le Figaro, đây là khoản tiền rất lớn trong bối cảnh nợ công tăng và dân số hiện nay của Nhật giảm, số người ở độ tuổi lao động cũng giảm mạnh. Trong khi tăng trưởng “ì ạch” thì chi phí chăm sóc sức khỏe lại tăng mạnh. Le Figaro dự báo Nhật sẽ không đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách sơ bộ vào năm 2020.

Nhưng dường như Tokyo không lo ngại về mức nợ công cao kỷ lục thế giới: Từ các chính khách cho tới giới báo chí, không ai nói tới chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Dường như ai cũng trông chờ vào kế hoạch hồi phục kinh tế của nhà nước.

Hy vọng duy nhất để phục hồi tài chính công là năng suất tăng theo như lời hứa của thủ tướng Shinzo Abe. Thế nhưng, sau 4 năm ông Abe lãnh đạo đất nước, năng suất của Nhật vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Trong một nghiên cứu mới đây, nhà kinh tế Richard Kats đánh giá: “Cứ theo đà này, cho tới năm 2060, tổng sản phẩm quốc nội của Nhật sẽ giảm 28%”.

Nhưng nếu “túng tiền” thì đã có Ngân Hàng Trung Ương và thống đốc Haruhiko Kuroda lo. Liệu có doanh nghiệp nào, cá nhân nào lại không muốn có một vị thống đốc ngân hàng “dễ dãi” tới như vậy?

Được thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm, từ 4 năm nay, thống đốc ngân hàng trung ương Haruhiko Kuroda đã ủng hộ chính sách cải cách kinh tế “táo bạo” Abenomics của ông Abe : Mua hầu như toàn bộ trái phiếu mà bộ Tài Chính phát hành với lãi suất gần như bằng 0.

Hiện nay, Ngân Hàng Trung Ương Nhật đang nắm giữ tới 40% số trái phiếu đang lưu hành so với con số 10% tại Pháp. Các quan chức cấp cao của Ngân Hàng Trung Ương Nhật đang phản đối chính sách này. Một người cho biết: “Chính sách này có thể chấp nhận được vào thời điểm năm 2012. Nhưng hiện giờ, nó không còn phù hợp nữa. Vấn đề là sẽ phải cố gắng trong vòng 30 năm để thoát ra được khỏi chính sách lãi suất 0% này. (…) Từ nay đến năm 2020, chúng tôi phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng còn sau đó, phải liệu chừng việc kinh tế Nhật lại trượt dốc.”

Nước Đức sau vụ khủng bố ở Berlin

Vụ tấn công khủng bố tại Berlin vẫn chiếm nhiều trang bài của các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay.

Nhật báo Libération giật tít lớn “Cuộc vây bắt ở châu Âu”, cho biết lệnh truy nã Anis Amri, nghi can số 1 trong vụ khủng bố ở Berlin hôm nay đã được phát trên toàn châu Âu. Nhà chức trách Đức treo giải 100.000 euro cho ai cung cấp thông tin cho phép bắt giữ được nghi phạm Anis Amri 24 tuổi, người Tunisia.

“Merkel bị chỉ trích sau vụ khủng bố ở Berlin” là tít lớn trên trang nhất báo Le Monde. Trong khi hung thủ đâm xe vào chợ Noel ở Berlin vẫn đang bị truy lùng ráo riết, thì thủ tướng Angela Merkel bị chỉ trích nặng nề về chính sách tiếp nhận di dân. Nhật báo Le Monde hôm nay cho biết đảng cánh hữu AFD và các đảng cực hữu khác của Đức hôm qua đã kêu gọi biểu tình trước phủ thủ tướng để phản đối chính sách di dân của bà Merkel.

Nhật báo Le Figaro đi tìm lời đáp cho câu hỏi: “Tại sao mối đe dọa từ Hồi Giáo cực đoan ngày càng tăng ở Đức”. Đối với Merkel, Đức là nước lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, tham gia vào liên minh chống Daech. Vì thế, sự bất ổn của Đức cũng là một mục tiêu của khủng bố Hồi Giáo. Ngoài ra, Daech đã lợi dụng con đường di dân tới Đức để xâm nhập vào châu Âu. Nước Đức cũng là một nước mà các tín đồ Hồi Giáo Salafi không chỉ đông mà còn tăng nhanh, tạo điều kiện cho xu hướng cực đoan phát triển.

Còn nhật báo công giáo La Croix thì cho biết sau vụ khủng bố, nước Đức đang tranh cãi về các biện pháp an ninh. Không phải ai cũng ủng hộ việc thắt chặt an ninh. Nước Đức đang bị giằng xé giữa an ninh và quyền tự do cá nhân.

Trong khi đó “Cuộc sống đã quay trở lại ở các chợ Noel ở Berlin” như tiêu đề một bài viết trên Le Figaro. Tờ báo cho biết sau vụ tấn công khủng bố hôm thứ Hai 19/12, hôm nay các khu chợ Noel đã được mở cửa trở lại, nhưng vắng khách hơn trước đây. Nhiều người dân nói họ chỉ buồn chứ không sợ hãi. Còn thị trưởng Berlin thì kêu gọi người dân không nên “tự giam mình trong nhà” và khuyến khích họ quay trở lại nhịp sống bình thường. Đối với người Đức, chợ Noel có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người ta đi chợ Noel không phải chỉ để mua quà Noel, mà đó còn là nơi vui chơi, hẹn hò, gặp gỡ của nhiều người.

Pháp tăng cường tuần tra các điểm đông người

Sau vụ khủng bố nhắm vào một khu chợ Noel tại Berlin, chính phủ Pháp đã yêu cầu tăng cường cảnh giác, nâng báo động từ mức cao lên mức đặc biệt cao, nhất là tại các chợ Noel và những nơi tập trung đông người, để bảo vệ dân chúng. Bộ trưởng Nội Vụ Bruno Le Roux tuyên bố: « Tôi muốn người dân đi ra khỏi nhà và vui chơi, nhưng tôi muốn họ thận trọng”.

Vài giờ trước khi xảy ra vụ khủng bố ở Berlin, Bộ trưởng Nội Vụ Pháp cho Le Monde biết ông đã tăng cường triển khai các lực lượng cơ động. Số binh lính được huy động tăng từ 7000 lên 8500 người. Tuần tra được tăng cường tại tất cả các địa điểm tập trung đông người, nhưng đặc biệt là các nhà thờ Thiên Chúa Giáo trong hai ngày 24 và 25/12.

Ở thành phố Strasbourg, nơi có một trong những khu chợ Noel lớn nhất nước Pháp, các biện pháp bảo vệ an ninh cũng đã được tăng cường, chẳng hạn bố trí thêm nhiều xe tải trọng lớn chắn ngang hoặc các khối bê tông lớn để làm vật cản. Chợ Noel ở Strasbourg vẫn được duy trì đến 18h ngày 24/12 theo đúng dự kiến ban đầu. Bộ trưởng Nội Vụ đã tới kiểm tra an ninh tại khu chợ và tỏ ra hài lòng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo là phải điều chỉnh các biện pháp an ninh từng ngày cho phù hợp.

Tại Nice, 5 tháng sau vụ khủng bố trên đại lộ La promenade des Anglais, khu làng Noel cũng được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt. Theo lời giải thích của người đứng đầu vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur trên kênh truyền hình RTL, mô hình an ninh được áp dụng ở khu làng Noel ở Nice giống như ở khu vực “fanzone” cho người hâm mộ bóng đá mà Pháp đã thử nghiệm ở giải Euro mùa hè 2016, với các cánh cổng điện tử có người canh gác, với biện pháp kiểm tra người và đồ vật.

Facebook bị cáo buộc lừa Liên Hiệp Châu Âu

trong vụ mua lại WhatsApp

Sau Google và Apple, giờ tới lượt Facebook bị Ủy Ban Châu Âu « sờ gáy ». Le Monde cho biết bà Margrethe Vestager, ủy viên châu Âu phụ trách mảng cạnh tranh ngày 20/12 đã cáo buộc Facebook cung cấp thông tin « sai lệch »  « lừa đảo » để được Ủy Ban Châu Âu cho phép mua lại dịch vụ nhắn tin WhatsApp với giá 22 tỉ đô la.

Bruxelles nhắc lại là vào năm 2014, Facebook đã khẳng định không có khả năng tự động kết nối tài khoản Facebook và tài khoản WhatsApp của cùng một người dùng với nhau. Tuy nhiên, theo Bruxelles, vào năm 2014, Facebook đã có khả năng làm điều đó. Ủy Ban Châu Âu đã yêu cầu Facebook cung cấp lại thông tin chính xác.

Còn Facebook thì đã bác bỏ cáo buộc của Bruxelles. Phát ngôn viên của hãng công nghệ Facebook cho biết đã cung cấp thông tin chi tiết về khả năng kỹ thuật và ý định của hãng. Facebook tin là một cuộc kiểm tra toàn diện sẽ khẳng định hãng này đã làm đúng quy định.

Facebook có thể sẽ bị phạt tới 1% của khoản doanh thu gần 18 tỉ đô la năm 2015. Đây là một tin xấu đối với Facebook. Mạng xã hội này đang gặp nhiều rắc rối ở châu Âu, chẳng hạn như gần đây, Facebook bị chỉ trích là không thể ngăn cản « thông tin sai lệch » lan truyền.

Thuốc diệt chuột ở Paris

Theo ước tính, ở Paris hiện có 3-6 triệu con chuột cống. Người ta có thể nhìn thấy chuột chạy khắp nơi, từ các công viên, vườn hoa cho tới dọc bờ sông Seine. Vào đầu tháng 12, thành phố đã triển khai chiến dịch diệt chuột với nhiều biện pháp như tạm thời đóng cửa các công viên, đặt bẫy chuột, lấp hang chuột. Nhưng theo đánh giá của nhật báo Libération, dường như các biện pháp này không đạt hiệu quả lắm.

Đây không phải một chiến dịch mới vì vào mùa xuân hàng năm, Paris vẫn tổ chức diệt chuột theo yêu cầu của sở cảnh sát thành phố. Tuy nhiên, chương trình diệt chuột lần này có quy mô lớn hơn rất nhiều. Và theo tờ báo Libération, việc Ủy Ban Olympic Quốc Tế dự kiến tới thăm Paris vào tháng 05/2017 đã củng cố quyết tâm diệt chuột của chính quyền thành phố.

Paris đã huy động 50 nhân viên cho chương trình diệt chuột, cho ra mắt một ứng dụng trên Internet và trên điện thoại di dộng để người dân báo cho chính quyền địa điểm họ nhìn thấy chuột, và tuyển dụng thêm 1 bác sĩ thú y cho cơ quan môi trường của thành phố.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ chương trình diệt chuột mà thành phố đề ra. Nhiều người cho rằng giết chuột không phải giải pháp hay. Thay vì diệt chuột, thành phố nên ưu tiên xử lý rác thải để hạn chế nguồn thức ăn cho chuột. Nhiều người khác thì phê phán thói quen cho chuột ăn trong các công viên. Dường như một số người dân Paris coi việc cho chuột ăn là một thú vui, giống như thú vui cho chim bồ câu ăn vậy.

Vào đầu thế kỷ XX, sau dịch hạch năm 1920, Paris đã có “cảnh sát diệt chuột” và một phòng nghiên cứu về chuột. Từ năm 1928 đến năm 1931, có hai hội thảo quốc tế về chuột đã được tổ chức tại Paris.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161222-dan-so-ganh-nang-cho-ngan-sach-nhat-ban

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Bắc Kinh : Hết báo động ô nhiễm không khí. Sau 6 ngày báo động đỏ, không khí ở thủ đô Trung Quốc hôm nay, 22/12/2016, đã trở lại bình thường. Theo Cục Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, các đợt gió lạnh đã thổi tan đám mây khí độc hại vẫn bao phủ Bắc Kinh và 27 thành phố lớn khác ở miền bắc Trung Quốc. Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề này, chính quyền đã phải thi hành những biện pháp khẩn cấp : đóng cửa trường học, ngưng hoặc giảm sản xuất tại các nhà máy, tăng cường xe bus chạy điện, hạn chế lưu thông xe hơi. Do khói mù làm hạn chế tầm nhìn, hàng trăm chuyến bay cũng đã bị hủy.

(AFP) – Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ không được đến Mông Cổ. Đây là thông báo của chính quyền Mông Cổ hôm qua 21/12/2016. Quyết định này được áp dụng kể cả với mục tiêu thuần túy tôn giáo. Tuyên bố nói trên của ngoại trưởng Mông Cổ được coi là một nhượng bộ lớn của chính quyền Ulan Bator trước các đe dọa của Bắc Kinh, sau khi lãnh tụ Phật Giáo tới Mông Cổ hồi tháng 11/2016. Trung Quốc bị nghi là đã chặn việc xuất khẩu than qua Mông Cổ, để gây áp lực.

(AFP) – Nhật Bản chịu đóng góp 32,7 triệu đô la vào kinh phí hoạt động thường niên của UNESCO. Đây là thông báo của ngoại trưởng Nhật Bản đưa ra hôm nay 22/12/2016. Nguồn đóng góp này đã bị tạm ngưng sau việc năm 2015, UNESCO, cơ quan văn hóa và khoa học của Liên Hiệp Quốc, chấp thuận yêu cầu của Trung Quốc đưa các tài liệu ghi lại những hành động tàn bạo của quân đội Nhật Bản tại Nam Kinh năm 1937 vào Di sản Tư liệu Thế giới. Nhật Bản – một trong những quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho UNESCO – đã phản đối và đã cho tạm ngưng tài trợ cho cơ quan này từ đầu năm nay.

(AFP) – Indonesia tăng cường an ninh sau khi phá tan âm mưu khủng bố. Theo thông báo của cảnh sát ngày hôm nay 22/12/2016, 155 000 cảnh sát và binh sĩ sẽ được triển khai đảm bảo an ninh cho các lễ hội cuối năm. Thông báo này được đưa ra sau khi các lực lượng an ninh hôm qua cho biết đã phá vỡ một âm mưu khủng bố tự sát vào ngày Noel, từ một nhóm khủng bố có liên hệ với Daech.

(AFP) – Tin tặc Nga tấn công mạng lưới tin học quân đội Ukraina. Theo một công ty an ninh mạng Hoa Kỳ, nhóm tin tặc Nga đã đột nhập và đánh cắp được nhiều thông tin về các vị trí bố phòng của nhiều đơn vị quân đội nước này trong thời gian từ cuối 2014 đến nay, trong đó có các đơn vị đang chiến đấu tại miền đông Ukraina, chống lại phe ly khai thân Nga. Cũng theo nguồn tin trên, nhóm tin tặc có thể trực thuộc tình báo quân sự Nga và các phần mềm gián điệp được sử dụng tại Ukraina là giống với các phần mềm đã được sử dụng để tấn công web của đảng Dân Chủ Mỹ trong thời gian tranh cử tổng thống.

(AFP) – Hai hành khách trò chuyện bằng tiếng Ả Rập trên máy bay bị nghi là khủng bố. Hai người này bị buộc rời khỏi máy bay của hãng Delta (Mỹ) từ Luân Đôn tới New York. Vụ việc đã bị hai người hành khách này đưa lên mạng Youtube và một số mạng xã hội khác, hôm qua, 21/12, để phản đối việc bị kỳ thị chủng tộc.

(AFP) – Pháp khai trương đường lót pin Mặt trời đầu tiên trên thế giới. Lễ khánh thành diễn ra tại làng Tourouve ở vùng Normandie hôm nay, 22/12/2016, với sự chứng kiến của bộ trưởng Môi trường Pháp Ségolène Royal. Có độ dài 1 km với một diện tích tổng cộng 2.800m2, được nối vào mạng lưới điện, con đường pin mặt trời này có thể cung cấp một lượng điện đủ để thắp sáng một thành phố 5 ngàn dân.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161222-tin-doc-nhanh

 

2016: Năm của mọi sự bất ngờ

Minh Anh

Có lẽ sẽ không ngoa chút nào khi đánh giá năm 2016 là « năm kinh khủng », như Victor Hugo đã từng ví cho năm 1871, năm mang đậm dấu ấn của cuộc xâm lăng Đức và thời kỳ Công Xã Paris. Nhưng năm 2016 cũng phong phú những sự kiện ngoài dự đoán mà chúng ta có thể xem đấy như là năm của mọi sự bất ngờ. Vì sao ?

Ông Renaud Giraud trên mục Ý kiến độc giả của báo Le Figaro ngày 20/12/2016 điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm qua và đề xuất hai hướng đi cho ngành ngoại giao Pháp.

Brexit khai màn

Bất ngờ thứ nhất chính là Brexit. Thông qua lá phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, cử tri Anh quốc đã quyết định chấm dứt 43 năm chung sống với Liên Hiệp Châu Âu. Mối họa tan rã dần dần Liên Hiệp Châu Âu lăm le xuất hiện. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này trước hết thể hiện sự nổi dậy của người dân Anh chống lại tầng lớp lãnh đạo. Hiện tượng bất mãn này giờ trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.

Đúng như mô tả của nhà địa lý học Christophe Guilluy, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng xã hội phương Tây, giữa một bên là vài khu đô thị hội nhập tốt với toàn cầu hóa và bên kia là những vùng phụ cận rộng lớn, những vùng thiệt thòi của sự toàn cầu hóa. Về mặt chính trị, những khu vực này bỗng trở nên náo nhiệt do một cơn phẫn nộ chống lại tầng lớp ưu tú, bằng cách chỉ dựa vào đòi hỏi một chính sách bảo hộ và đường biên giới.

Donald Trump và chính sách đối ngoại với Nga và Trung Quốc

Cũng chính cơn phẫn nộ đó là nguyên nhân của một sự bất ngờ thứ hai trong thế giới Anglo-Saxon : Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Người ta đã lầm khi nghĩ rằng chiến thắng của ông Trump sẽ là sự khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của Hoa Kỳ.

Nhưng sự gắn kết vào quyền và tự do chính là nền tảng về bản sắc chính trị người Anglo-Saxon. Khi bỏ phiếu chọn Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái khung nền dân chủ.

Trong chính sách đối ngoại, cũng chính làn gió thực tiễn đó đang thổi qua ba cường quốc quân sự phương Tây. Theresa May (Anh), Donald Trump (Mỹ) và Franҫois Fillon (Pháp) chia sẻ ý tưởng là đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại giao với Matxcơva.

Mặt khác, một sơ đồ ngược so với tình hình năm 1972 đang được thiết lập tại Washington : Vào đầu những năm 1970, Nixon và Kissinger xích lại gần với Trung Quốc để chống Liên Xô, thì ngày nay, Trump sẽ tìm cách xích lại gần Nga, để chia rẽ nước này với Trung Quốc.

Rodrigo Duterte, bất ngờ lớn thứ ba

Việc Mỹ xích lại gần Nga trở nên khẩn cấp cũng do một bất ngờ lớn thứ ba trong năm 2016 : Tiến triển chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế. Tháng 5/2016, Rodrigo Duterte có xu hướng dân túy đã đắc cử tổng thống và tung ra một chiến dịch bài trừ ma túy ngoạn mục. Một chiến dịch chà đạp lên tất cả các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.

Những người tiêu thụ chất gây nghiện bình thường tại các khu ổ chuột đã bị các biệt đội tử thần bắn hạ một cách lạnh lùng. Bề ngoài, ông Duterte đang dẫn đất nước đi đến sự sụp đổ. Hoa Kỳ đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính sách được cho là phản tác dụng. Nhưng những lời chỉ trích này chẳng mang lại một chút tự do nào cho người Philippines, mà còn dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Manila.

Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ kể từ khi giành được độc lập, nay ông Duterte đã quyết định chấm dứt mối quan hệ đặc quyền này và xích lại gần với Trung Quốc. Việc mất đồng minh Philippines đã gây chao đảo thế cờ tại vùng Đông Nam Á.

Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ hạ màn

Bất ngờ thứ tư, tấm bản đồ Trung Đông đang được nắn lại do sự lật ngược ngoạn mục tình hình Syria theo hướng có lợi cho chế độ Bachar al Assad. Tháng 9/2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng có thể chiếm được Damas. Nhưng chính sự can thiệp của Nga đã cứu chế độ trong đường tơ kẽ tóc và cho phép tái chinh phục Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Giờ thì Nga đang thay thế Hoa Kỳ đóng vai quốc mẫu trong khu vực.

Cũng trong vùng này, cú đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 do một nhóm binh sĩ quân đội, có liên hệ với giáo phái Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm. Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho tổng thống Erdogan củng cố quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có, vượt ra khỏi phạm vi giáo phái Gulen.

Được củng cố ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, ông Erdogan với cái nhìn thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại trang quan hệ song phương năm 2015 do vụ không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara hôm thứ Hai 19/12/2016 có lẽ chẳng làm thay đổi tình thế.

Bài học nào cho ngoại giao Pháp ?

Bài học nào cần được rút ra từ một năm như thế cho nền ngoại giao Pháp ? Tác giả cho rằng có hai hướng chủ đạo.

Thứ nhất là phải có óc thực tiễn. Trước sự bất ngờ, cần có sự mềm mỏng và thực dụng, như hình ảnh của những con báo. Hãy xem xét thực tế như chính bản thân nó : chúng ta không nên tự khép mình trong một khuôn khổ cứng nhắc, từ bỏ việc lên lớp đạo đức để chỉ tỏa sáng bằng chính tấm gương của mình, hãy xem xét vấn đề trên phương diện tính hiệu quả và bảo tồn các lợi ích của Pháp.

Thứ hai là độc lập quốc gia. Trong một thế giới ngày càng bấp bênh, nơi mà sự bất ngờ và ngẫu nhiên làm chủ, ngay chính những đồng minh lâu đời nhất, họ cũng chỉ có thể sống sót, đối phó được với những điều bất ngờ bằng cách dựa vào chính sức lực của mình.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161222-2016-nam-cua-moi-su-bat-ngo

 

2016, năm hoàng hôn của các nền dân chủ non trẻ Á châu

Tú AnhArnaud Dubus

Tại Đông Nam Á, năm 2016 là năm thụt lùi của dân chủ và nhân quyền, là một năm thắng thế của xu hướng độc đoán. Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều rơi vào tình trạng này. Ngược lại ở Bắc Á, một lần nữa Hàn Quốc chứng tỏ là một quốc gia có tinh thần trách nhiệm khi đất nước bị khủng hoảng nghiêm trọng. Các chính phủ ASEAN cần noi gương Hàn Quốc khi bị dân chúng tính sổ.

Trên đây là hai nhận xét chung của giới quan sát về thời sự châu Á năm 2016. Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok tổng kết :

Toàn cảnh các nền dân chủ non trẻ ở Đông Nam Á như thế nào trong năm sắp kết thúc? Nhìn chung, 2016 không phải là năm tốt đẹp cho các quyền tự do tại những quốc gia mà chế độ đa đảng được công nhận ?

Arnaud Dubus : Như anh đã trình bày, Đông Nam Á bước vào một khúc quanh với những chính quyền độc đoán trong năm 2016, một bước ngoặt đã manh nha xuất hiện từ một năm trước. 

Tại Thái Lan, chính quyền quân sự độc đoán tiếp tục củng cố quyền lực với bản Hiến Pháp đẩy các đảng đối lập qua bên lề sinh họat chính trị. Quân đội có thể đứng sau hậu trường chỉ đạo mọi chính sách quốc gia. Đến tháng 12 thì họ ban hành đạo luật về internet cực kỳ hà khắc, đúc kết một năm suy thóai nhân quyền. Giới tướng lĩnh Thái Lan dường như đang nắm thượng phong trong khi đối lập chống độc tài bị xuống tinh thần từ khi bản Hiến Pháp mới được thông qua bằng trưng cầu dân ý.

Tại Malaysia, nơi mà nền dân chủ được phô trương, thủ tướng Najib Razak bác bỏ mọi cáo buộc tham nhũng ở qui mô lớn. Ông cho bỏ tù những lãnh tụ phong trào đòi bầu cử trước kỳ hạn. Chưa bao giờ trong lịch sử Malaysia mà một vị thủ tướng bị mất lòng dân lại cố bám trụ bằng mọi thủ đoạn như ông Najib Razak.

Tại Philippines, Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống, đã đưa Philippines này vào tình trạng một nước vô luật pháp. Trong bảy tháng qua, cảnh sát và dân quân đã hạ sát 6.500 người. Trong số nạn nhân, ngoài những người sử dụng ma túy, kẻ tình nghi buôn bán ma túy, còn có những người vô can, chẳng liên hệ gì đến tệ nạn xã hội này. Với chính phủ Duterte, những vụ hành quyết ngoài khuôn khổ pháp luật như thế này không bị điều tra hay truy tố. Chính phủ cũng không có biện pháp kiểm soát các nhóm dân quân.

Tại Cam Bốt, sau gần 40 năm cầm quyền, rõ ràng là ông Hun Sen sẵn sàng bảo vệ chiếc ghế thủ tướng bằng mọi giá. Uy tín đảng đối lập (Cứu Nguy Dân Tộc) của Sam Rainsy gia tăng nhiều trong lòng dân chúng Cam Bốt trước cuộc bầu cử năm 2018. Tuy nhiên, cũng như lần bầu cử cách nay 5 năm, 2013, lần này ông Hun Sen không ngần ngại dùng các biện pháp đe dọa, bạo hành, các thủ đoạn pháp lý và chính trị để đánh phá đối lập. Nhiều chính trị gia đối lập như ông Khem Sokha, sau một thời gian bị giam, chỉ được thả nhờ có lệnh ân xá của quốc vương Sihamoni. Một chi tiết đáng được lưu ý : thủ tướng Cam Bốt từng tuyên bố ông là « fan », là người ngưỡng mộ tổng thống Philippines.

Công luận biết tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương tái lập án tử hình. Điều không ai ngờ là vào lúc người dân Philippines chuẩn bị Giáng Sinh và năm mới thì nhà lãnh đạo tự khoe « tự tay bắn giết » đề ra định mức : mỗi ngày hành hình từ 5 đến 6 tội phạm.

Dự luật tái lập án tử hình sẽ được đưa ra quốc hội biểu quyết vào tháng 01/2017.

Án tử hình tại Philippines đã được bãi bỏ vào năm 2006 sau một chiến dịch vận động hành lang của Giáo Hội Công Giáo. Bình luận về tuyên bố « quota hành quyết » của tổng thống Duterte (ngày 17/12/2016) Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Philippines, đức cha Jerôme Secillano lo ngại : Philippines có thể đã bị xem là một nước man rợ, giờ đây sắp trở thành thủ đô thế giới của án tử hình.

Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad Al- Hussein, trong bức thư gửi Quốc hội Philippines cảnh báo : Manila vi phạm bổn phận quốc tế nếu tái lập án tử hình. Đặt ra quota hành quyết mỗi ngày là hành động quá trớn.

Nếu hình ảnh Philiipines bị xấu đi vì tổng thống Duterte xem nhẹ luật pháp và sinh mạng công dân, thì Miến Điện của bà Aung San Suu Kyi, Nobel hoà bình 1991 ra sao ? Đối lập dân chủ lên cầm quyền từ tháng 04/2016 dường như không đáp ứng được những hy vọng mong chờ vì bị bản Hiến Pháp do chính quyền quân sự để lại trói tay. Nội chiến vẫn tiếp diễn, số phận người Hồi Giáo Rohingya vẫn hẩm hiu và tình hình tự do báo chí cũng không khả quan hơn so với thời điểm chính phủ dân sự mới lên.

Arnaud Dubus : Rất thất vọng. Không những bà Aung San Suu Kyi tỏ ra cứng rắn với cộng đồng người Rohingya, thiểu số theo đạo Hồi ở miền tây Miến Điện bị an ninh, cảnh sát kỳ thị bạc đãi mà về quyền tự do báo chí cũng thụt lùi. Dường như bà Aung San Suu Kyi không dám chấp nhận rủi ro và sợ mất uy tín nếu chính phủ của bà đi ngược lại xu hướng chung, dân tộc chủ nghĩa và bài đạo Hồi, của đa số dân Miến Điện.

Một số vụ phóng viên bị bắt hoặc bị ám sát đã xảy ra trong năm nay. Nhưng bà Aung San Suu Kyi không phản ứng gì vì bà bị phe quân nhân trói tay. Dù từ bỏ quyền lực chính trị nhưng phe nhà binh vẫn nắm các bộ quan trọng trong chính phủ.

Trong bầu không khí ảm đảm này, vẫn còn một tia hy vọng bừng lên tại bán đảo Triều tiên.

Đối với giới quan sát, tai tiếng chính trị gây chấn động Hàn Quốc dẫn đến sự kiện tổng thống Park Geun Hye bị dân chúng xuống đường phản đối và quốc hội truất phế là hình ảnh « tích cực » nhất tại châu Á 2016 :

New York Times cho rằng đây là một cơ may để Hàn Quốc thanh lọc tham ô và tái lập niềm tin từ chính trị cho đến kinh tế. Nhìn từ Đông Nam Á , giới chuyên gia của viện nghiên cứu Đông Nam Á IRASEC xem Hàn Quốc là tấm gương sáng cho các quốc gia láng giềng noi theo.

Arnaud Dubus :Quốc gia Á châu tạo ra niềm hy vọng lớn nhất trong năm 2016 là Hàn Quốc. Tổng thống Park Geun Hye bị tai tiếng bê bối và đã bị Quốc hội truất phế trong bối cảnh hàng trăm ngàn dân xuống đường, biểu tình đòi tổng thống từ chức.

Bà Park Geun Hye dính líu vào một vụ tai tiếng lạm quyền thế và tham ô. Một trong những cố vấn thân thiết, một loại pháp sư, đồng bóng, có ảnh hưởng mạnh với tổng thống và lạm dụng ưu thế đó để bỏ túi hàng chục triệu đôla từ các đại tập đoàn công nghiệp Chaebol. Nếu trong những ngày tới đây, Toà Bảo Hiến công nhận quyết định của Quốc Hội thì tổng thống Park Geun Hye sẽ mất chức.

Khác với Thái Lan và Malaysia, phong trào phản kháng của người dân Hàn Quốc đã buộc giới lãnh đạo chính trị phải nhượng bộ. Hơn nữa, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nhìn nhận bà có lỗi và có trách nhiệm trong vụ tại tiếng này.

Đây là một bài học mà ít có một chính phủ nào tại châu Á biết noi gương : đó là trách nhiệm của cá nhân khi nắm chính quyền.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161222-2016-nam-hoang-hon-cua-cac-nen-dan-chu-non-tre-tai-a-chau