Đọc báo Pháp – 22/08/2019
Ba trường phái
chống Trung Quốc tại Nhà Trắng
Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Le Monde ngày 12/08/2019, chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd không ngần ngại cho rằng Mỹ hiện nay không có chiến lược chống Trung Quốc. Lý do là vì ở ngay tại Nhà Trắng, đang tồn tại ba trường phái với những mục tiêu khác nhau về tính chất dứt khoát.
Đề tài Trung Quốc tràn ngập tờ báo Le Monde ngày 12/08/2019, cho dù chỉ được gợi lên một phần trên trang nhất với một hai hàng tựa nhỏ, một về chính trị : «Trung Quốc chơi trò gì ở Hồng Kông ?», nêu bật ý kiến của một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc, cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, cho rằng một cuộc can thiệp bằng quân đội hay công an của Bắc Kinh vào Hồng Kông có rất ít khả năng xảy ra, và một về kinh tế, nói về « Tình thế nhức đầu của các hãng xe hơi nước ngoài tại Trung Quốc».
Bài viết chính ở trang Quốc tế tờ Le Monde lấy tựa từ một nhận định của ông Kevin Rudd, theo đó : « Về Trung Quốc, người Mỹ không có chiến lược ». Trả lời phỏng vấn của nhật báo Pháp, cựu thủ tướng Úc, hiện là chủ tịch của Viện Chính Sách Châu Á (Asia Policy Institute), một trung tâm tham vấn về quan hệ giữa Mỹ và Châu Á, trụ sở tại New York, đã không tránh khỏi lo ngại về tình trạng bất đồng ý kiến ngay trong Nhà Trắng hiện nay về đối sách chống Trung Quốc.
Theo ông Rudd, Mỹ hiện nay không có một chiến lược chung về Trung Quốc, vì trong nội bộ chính quyền Mỹ có đến ba khuynh hướng cạnh tranh nhau về mục tiêu cần đạt được sau khi khỏi động cuộc chiến thương mại đánh vào Trung Quốc.
Trường phái « chỉ cần Trung Quốc cải thiện »
Khuynh hướng thứ nhất chủ trương đánh và thắng Trung Quốc về thương mại, buộc được Trung Quốc phải thay đổi cách làm kinh tế.
Những điều mà Washington muốn Bắc Kinh thay đổi là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt hơn, chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, hủy bỏ chế độ trợ cấp nhà nước cho các công ty Trung Quốc. Đây là quan điểm của bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Larry Kudlow.
Theo những người thuộc xu hướng này, một khi Trung Quốc ký vào thỏa thuận các vấn đề nêu trên, Hoa Kỳ sẽ ngừng chiến, sẽ không có chiến tranh công nghệ hay tài chính.
Đây là một kiểu chính sách đối ngoại hòa hoãn và duy trì hiện trạng quân sự.
Trường phái « containment »
Bên cạnh khuynh hướng đó, theo ông Kevin Rudd, còn có một trường phái thứ hai, mà đại biểu là cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro. Phái này đề ra mục tiêu ngăn chặn, không cho Trung Quốc tiếp tục vươn lên.
Để đạt mục tiêu này, cần phải tách rời các nền kinh tế, mà một trong những diễn biến sẽ là chuyển từ cuộc chiến thương mại hiện thời sang một cuộc chiến tài chính.
Trong giả thuyết đó, Hoa Kỳ sẽ tìm cách tách rời Trung Quốc không chỉ ra khỏi thị trường Mỹ, mà còn ra khỏi các đồng minh của Mỹ, và ra khỏi các thị trường khác trên thế giới, và càng nhiều càng tốt.
Công việc đầu tiên có thể được làm trong chính sách này là hạn chế việc cho các công ty Trung Quốc niêm yết giá trên các thị trường tài chính của Hoa Kỳ và đồng minh, hạn chế các khoản tín dụng mà các ngân hàng Mỹ và đồng minh cung cấp. Sau cùng, Hoa Kỳ có thể sử dụng đến vũ khí đô la.
Theo cựu thủ tướng Úc, điểm tột cùng của chính sách này là ban hành các biện pháp cấm vận như đang áp dụng đối với Iran. Ông Rudd cho là Bắc Kinh có lẽ cũng đã nghĩ đến nguy cơ Mỹ dùng đô la làm vũ khí, và đã bắt đầu thực hiện các mô phỏng tài chính, dựa trên những gì mà Mỹ đang áp dụng đối với Venezuela và Iran.
Theo trường phái thứ hai này, điểm tột cùng của chính sách đối phó với Trung Quốc này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh, với quan hệ Mỹ-Trung giống như quan hệ Mỹ-Xô trước đây, theo một chiến lược gọi nôm na là be bờ để ngăn chặn, tiếng Mỹ gọi là « containment ».
Trường phái « đối đầu trực tiếp »
Còn khuynh hướng thứ ba là một chủ trương cực kỳ dứt khoát, không nhất thiết phải kết thúc trong chiến tranh, nhưng bao hàm một sự đối đầu trực tiếp về chính sách đối ngoại, có thể dẫn tới xung đột.
Theo chuyên gia Rudd, những người thuộc trường phái thứ ba này cũng hiện diện trong chính quyền của tổng thống Trump, cho dù chỉ ở bên lề. Đó là các nhân vật như Stephen Miller, cố vấn đặc biệt của tổng thống, hoặc những người thân cận của phó tổng thống Mike Pence.
Chính sách cứng rắn này bao hàm việc tung sức đẩy lùi sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, kiên quyết chống lại bất kỳ yêu sách lãnh thổ tương lai nào của Trung Quốc ở Biển Đông, chống lại mô hình hoạt động hải quân hiện nay của Trung Quốc và tăng cường các quy tắc tham chiến của tàu Mỹ khi bị Trung Quốc ngăn chặn.
Chính sách đối phó cứng rắn này cũng có nghĩa là đối đầu trực tiếp với sáng kiến công nghệ năm 2025 của Trung Quốc, nghiêm cấm sự tham gia của các công ty Mỹ và đồng minh vào bất kỳ dự án phát triển công nghệ nào của Trung Quốc, đặc biệt là những dự án có thể được dùng trong lãnh vực quân sự.
Đối với chuyên gia Rudd, nếu chính sách này được áp dụng, người ta sẽ thấy Mỹ tấn công mạnh vào các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh để làm mất uy tín của nhà nước Trung Quốc.
Hồng Kông: Rất ít khả năng
Bắc Kinh dùng quân đội hay công an
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của báo Le Monde, nhà quan sát kỳ cựu về Trung Quốc Kevin Rudd đã giải thích lý do vì sao ông không tin là Bắc Kinh sẽ cho quân đội hay cảnh sát can thiệp vào Hồng Kông để dẹp phong trào biểu tình chống chính quyền.
Theo ông Rudd, căn cứ vào tình hình hiện nay, sức kháng cự của người Hồng Kông sẽ rất quyết liệt và sẽ khiến cho danh tiếng của Trung Quốc bị tổn hại nặng nề hơn rất nhiều so với lợi lộc mà họ có thể thu được. Trong các cấp ưu tiên của Bắc Kinh, Hồng Kông là một phần trong ưu tiên thứ hai là đoàn kết dân tộc, và sự can thiệp sẽ làm tổn hại tính hợp pháp của đảng, vốn là ưu tiên hàng đầu và sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế – ưu tiên thứ ba.
Theo cựu thủ tướng Úc, không nên so sánh Hồng Kông hiện nay, với Thiên An Môn trước đây. Thiên An Môn là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc, còn Hồng Kông là một thế giới hoàn toàn khác, không phải là Thượng Hải, Đông Cảng hay Vũ Hán.
Một số người lo sợ rằng tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông có thể lan rộng, nhưng những người ở Đại Lục, kể cả những người bất đồng chính kiến, đều biết một hành động tương tự ở Trung Quốc sẽ không có hiệu quả.
Hơn nữa, một sự can thiệp võ trang vào Hồng Kông sẽ phá hủy mọi hy vọng thống nhất hòa bình với Đài Loan, vì lẽ điều đó sẽ khai tử hoàn toàn nguyên tắc « một quốc gia, hai hệ thống ».
Riêng về tình hình Hồng Kông, Le Monde đăc biệt lưu tâm đến vụ Bắc Kinh đánh vào Cathay Pacific, hãng hàng không biểu tượng của Hồng Kông.
Đối với Le Monde, rõ ràng là qua Cathay Pacific, Bắc Kinh muốn gởi thông điệp đe dọa đến tất cả các doanh nghiệp Hồng Kông, cảnh cáo các công ty này về những nguy cơ mà họ sẽ gặp phải nếu để cho nhân viên của họ tham gia biểu tình chống Trung Quốc.
Pháp : Cuộc « nổi dậy » trong bệnh viện
Le Monde dành tựa chính cho cuộc đình công đang diễn ra tại Pháp của nhân viên các cơ sở cấp cứu tại các bệnh viện, được tờ báo mệnh danh là « cuộc nổi dậy của những bàn tay nhỏ trong bệnh viện ».
Tờ báo Pháp ghi nhận là phong trào đình công đòi cải thiện điều kiện làm việc của các nhân viên cấp cứu không ngừng lan rộng. Trên tổng số 640 bệnh viện trên cả nước, hơn một phần ba hiện đang bị phong trào đình công ảnh hưởng.
Đi đầu trong phong trào này là giới y tá, các nhân viên khiêng cáng cứu thương, những y công trợ giúp việc chăm sóc bệnh nhân. Đa số những người này không tham gia các công đoàn, và phải chịu những điều kiện làm việc bấp bênh.
Le Monde đã đặc biệt đến tìm hiểu tình hình tại khoa cấp cứu bệnh viện Lisieux, nơi đã phải đón 33.000 bệnh nhân cấp cứu vào năm ngoái 2018, trong khi công suất chỉ là 15.000 bệnh nhân mỗi năm.
Trang nhất các báo
Trang nhất các tờ báo khác cũng rất đa dạng, hiểu theo nghĩa là không trùng với nhau
Thời sự quốc tế nóng bỏng được Libération chú ý là nghi án tự tử của nhà tỷ phú Mỹ Jeffrey Epstein, với hàng tựa đập vào mắt trang nhất : « Nước Mỹ đối mặt với con ác quỷ của mình ».
Đối với tờ báo Pháp, cái chết bất ngờ, trong những điều kiện lạ lùng, của doanh nhân bị buộc vào các tội danh khai thác tình dục trẻ vị thành niên đã làm dấy lên những tin đồn về nguyên nhân tử vong của một người có dính líu đến nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
La Croix thì chú ý đến thời sự châu Âu, với sự kiện phe cực hữu Ý của bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini phá vỡ liên minh cầm quyền tại Roma với mưu đồ độc quyền lãnh đạo. Nhật báo Công Giáo nêu bật sự kiện ở trang nhất, với tít lớn : « Nước Ý trong tâm trạng hoài nghi ».
Nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã dành tựa lớn cho lãnh vực chuyên biệt của mình, và đặc biệt chú ý đến tập đoàn Mỹ Amazon và ông chủ Jeff Bezos với hàng tựa lớn trang nhất : « Amazon : Quản trị theo cung cách của Jeff Bezos ».
Tờ báo giới thiệu bài đầu tiên trong loạt phóng sự điều tra về « đế chế Amazon », nêu bật các kinh nghiệm chống tệ nạn quan liêu của người sáng lập ra tập đoàn bán hàng trên mạng số một của hành tinh.
Riêng Le Figaro chú ý đến một vấn đề xã hội đang nổi côm tại Pháp : làm sao giải quyết số lượng ngày càng đông của trẻ vị thành niên nước ngoài có mặt trên đất Pháp mà không có người bảo hộ hợp pháp. Tờ báo chạy tựa : « Thiếu niên ngoại quốc : Các đại biểu dân cử địa phương rung chuông báo đông ».
http://vi.rfi.fr/diem-bao/20190812-ba-truong-phai-chong-trung-quoc-tai-nha-trang
Tin đọc nhanh
(Yonhap) – Bắc Triều Tiên ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông.
Cơ quan thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên ngày 11/08/2019 trích phát biểu của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Triều Tiên, theo đó không một tổ chức, cộng đồng hay cá nhân nào được quyền xâm phạm chủ quyền, an ninh Trung Quốc và nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », vì « Hồng Kông làcủa Trung Quốc ». Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang được thắt chặt. Tháng 06/2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức Bình Nhưỡng.
(Reuters) – Úc chi 340 triệu đô la để tăng cường lực lượng đặc nhiệm.
Theo thông báo ngày 12/08/2019, kế hoạch quân sự này dự tính kéo dài 20 năm nhằm bảo vệ Úc trước những mối đe dọa an ninh trong nước và quốc tế. Tháng 07/2019, Úc đã loan báo thành lập một đơn vị mới nhằm huấn luyện và hỗ trợ các đồng minh tại khu vực Thái Bình Dương. Chính phủ Úc cho biết ngân sách quân sự của nước này sẽ đạt đến 2% GDP trong tháng 06/2021, so với mức chi hiện nay cho quân sự là 1,89%.
(Reuters) -Chính quyền Nga răn đe Google không được quảng bá biểu tình « phạm pháp ».
Cơ quan kiểm soát truyền thông Nga Roscomnadzor hôm 11/08/19, đưa ra thông cáo yêu cầu tập đoàn Google dừng quảng cáo các « sự kiện quần chúng bất hợp pháp » trên trang Youtube. Theo cơ quan này, một số cá nhân và tổ chức đã mua lại các công cụ quảng cáo trên trang Youtube nhằm phát tán thông tin biểu tình “bất hợp pháp”.
(AFP) – Thêm 81 di dân được cứu trên biển Địa Trung Hải.
Tổ chức từ thiện Pháp SOS Địa Trung Hải và Y Sỹ Không Biên Giới (MSF) ngày 11/08/2019 đã cứu thêm được 81 người tị nạn ngoài khơi biển Libya và đưa họ lên tàu Ocean Viking. Trên tàu Ocean Viking trước đó có 130 người. Cũng trong khu vực nói trên, tàu Open Arms của tổ chức từ thiện Tây Ban Nha Proactiva cũng đã vớt 160 người nhập cư.
(AFP) – Xô xát giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại đền Al-Aqsa, nhiều người Palestine bị thương.
Đền Al-Aqsa là một trong những nơi nhạy cảm nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Hôm 11/08/2019 là ngày khởi đầu lễ Aid al-Adha của người Hồi Giáo, hàng ngàn người Palestine đã đến đền Al-Aqsa cầu nguyện. Sau buổi lễ, đã xảy xô sát giữa người Palestine với lực lượng an ninh Israel. Theo tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, 61 người bị thương, khoảng 15 người phải nhập viện.
(Yonhap) – Samsung ra mắt thiết bị cảm biến ảnh cho điện thoại có độ phân giải lên tới 100 Megapixel.
Tập đoàn Hàn Quốc ngày 12/08/19 chính thức cho ra mắt thiết bị cảm biến ảnh cho điện thoại mới có độ phân giải 108 Megapixel, « tương đương một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiện đại » dành cho dòng sản phẩm điện thoại Xiaomi cao cấp sắp tới. Đại diện Samsung cho biết đây là thiết bị cảm biến ảnh điện thoại đầu tiên trên thế giới vượt qua mức 100 Megapixel. Thiết bị này sẽ được đưa vào sản xuất cuối tháng Tám.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190812-tin-doc-nhanh