Điểm báo Pháp – 22/06/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phương Nga

Brexit : Châu Âu sợ « hiệu ứng domino »

Brexit và Châu Âu, hãng xi măng số 1 thế giới Lafarge gián tiếp chi tiền cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, các cuộc biểu tình chống luật lao động tại Pháp, ô nhiễm không khí tại Pháp và giải Bóng đá Châu Âu Euro 2016. Trên đây là một số nội dung chính trên trang nhất các nhật báo Pháp ra hôm nay, 22/06/2016.

Ngày mai, thứ năm 23/06/2016, người dân Anh sẽ bỏ phiếu về việc ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, các nhật báo Pháp ra hôm nay đều có bài đề cập đến chủ đề lớn này. Le Monde có bài xã luận với tựa đề : « Mối nguy của Brexit ».

Ra đi hay ở lại Châu Âu, đó không chỉ còn là việc riêng giữa nước Anh và Châu Âu nữa. Le Monde khẳng định : « Tất cả dự án xây dựng Châu Âu có thể lại được đưa ra thảo luận ». Trước giờ G, bài xã luận khẳng định rằng đến lúc này nước Anh đã tận dụng được đáng kể quyền lợi của mình khi trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, từ 1973, với việc gia nhập vào Cộng Đồng Kinh Tế Chung Châu Âu – tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu, nền kinh tế Anh hiếm khi nào đã vận hành tốt được như vậy. Bằng việc chấp thuận hình thức trao đổi mậu dịch tự do của khối này, nước Anh đã mở rộng quan hệ với các quốc gia nằm ở Đông Âu và Trung Âu, và rồi kể từ 1989, nước Anh đã mở rộng quan hệ với cả thế giới. Các điều luật được Liên hiệp Châu Âu ban hành cũng chịu nhiều ảnh hưởng của quốc gia này.

Kịch bản « out » và những hệ lụy

Ngày nay, bản thân nước Anh cũng giữ một vai trò quan trọng đối với Châu Âu. Trước việc nước Anh ra đi hay ở lại Châu Âu, phe ủng hộ nước Anh ở lại e sợ sẽ có lộn xộn về kinh tế và tài chính nếu phe ủng hộ Brexit thắng thế. Còn về phía phe này thì họ liên tiếp đưa ra các tuyên bố thô thiển, tố cáo rằng Châu Âu chẳng có gì hay ho cả.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát nhập cư, phe ủng hộ Brexit đã không ngừng cổ vũ chính sách bài ngoại, thậm chí phân biệt chủng tộc. Chính trong bầu không khí đầy rẫy những tuyên truyền độc hại này mà một nữ nghị sĩ trẻ của Công Đảng Anh, thân Châu Âu, Jo Cox, đã bị sát hại.

Bài xã luận cũng cho hay tại Pháp, một số người thân Châu Âu đang thể hiện mong muốn nước Anh rời Liên Hiệp Châu Âu. Bởi lẽ nếu Brexit thành hiện thực thì họ cho rằng ảnh hưởng của cặp đôi Pháp-Đức trong Châu Âu sẽ được phục hồi. Tuy nhiên, tác giả bài xã luận không hề tin vào điều đó. Đơn giản là vì trong giai đoạn hiện nay, xu hướng hoài nghi Châu Âu đang ngày càng lan rộng bên trong các nước thành viên của Liên Hiệp và có quá nhiều điểm khác biệt về kinh tế giữa hai quốc gia Pháp và Đức.

Tác giả bài xã luận tin rằng nếu Brexit thắng thế thì sẽ làm gia tăng những quan điểm về chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay các phản kháng của phe cực hữu và tất nhiên những điều đó sẽ đe dọa đến nền dân chủ. Kế đến, nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino cũng sẽ rất lớn, chẳng hạn như việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tại các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hay việc bước đầu phá bỏ những gì đã được các nước thành viên cùng nhau xây dựng và vun đắp kể từ sau chiến tranh thế giới. Nói tóm lại, điều nguy hại nếu Brexit thắng thế hiển nhiên sẽ là tình trạng lộn xộn của một Châu Âu, giống như đầu những năm 1950. Lịch sử đã chỉ ra rằng người ta chỉ nhìn nhận thấy mức độ nghiêm trọng của những lỗi lầm khi đã quá muộn.

Kịch bản « in » và những điều cần làm

Bài xã luận cũng thẳng thắn nhìn vào sự thật. Liên Hiệp Châu Âu đang vận hành một cách vất vả. Người ta nhận thấy sự bất lực và thái độ quá ư dè dặt của các lãnh đạo của 28 nước thành viên trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đồng euro cũng như cuộc khủng hoảng di dân. Qua đó người ta cũng thấy được rằng dự án mang tầm Châu Âu của bản thân các nước thành viên không hề được lòng người dân.

Tuy nhiên, tác giả bài xã luận khẳng định rằng phải nhìn nhận và đối chiếu những sai lầm này với những gì đã phải trải qua nhiều vất vả, gian truân mới đạt được, đó là : sự tăng trưởng kinh tế, các khoản tiền lớn chi cho xã hội, hay như phương thức giải quyết các tranh chấp nội bộ trong hòa bình. Đó chính là cái được hay mất trong ván bài Brexit hay không Brexit tới đây.

Tác giả cũng lưu ý một điều rằng ngay cả khi nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu như nhiều người trông mong thì điều tồi tệ vẫn có thể xảy ra, đó là tình trạng Châu Âu không có gì thay đổi. Chính vì thế theo tác giả, Châu Âu cần phải xem xét lại toàn diện, làm bản tổng kết những gì được và còn chưa được, hay dũng cảm tiến hành các cải cách liên quan đến thể chế.

 

Pháp báo động tình trạng ô nhiễm môi trường

Đứng sau thuốc lá và rượu, ô nhiễm không khí được xếp hàng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong tại Pháp. Le Monde và Libération đều có bài viết liên quan đến tình trạng này.

48.000 người chết sớm mỗi năm. Trên đây là con số của một nghiên cứu của Hiệp hội sức khỏe công của Pháp, công bố hôm qua, 21/06/2016. Theo tổ chức này, ô nhiễm bầu không khí thực sự là một vấn đề lớn đối với sức khỏe của người dân. Theo nghiên cứu nói trên, các hạt bụi siêu nhỏ, có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2,5) lẫn trong không khí, xâm nhập sâu trong hệ thống hô hấp và gây ra các bệnh lý, dẫn đến tình trạng giảm tuổi thọ đến 30, thậm chí 32 năm đối với những người sống tại các thành phố nhỏ bị ô nhiễm nặng.

47 triệu người dân bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2007-2008. Đó là con số ước tính của một nghiên cứu của Châu Âu, được tiến hành từ năm 2000 và được công bố năm 2005, mang tên« Clean Air for Europe », tạm dịch là « Không khí trong lành cho Châu Âu ».

Nghiên cứu cũng được tiến hành với 36.219 thành phố, xã và thị trấn trên toàn nước Pháp. Một vài thành phố nằm gần khu công nghiệp như xung quanh hồ Berre ở vùng Bouches-du-Rhône hay ở miền Đông của nước Pháp cũng trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mức độ trung bình của PM 2,5 chỉ nên dừng ở mức 10 microgam/m3, trong khi đó ở các khu vực nông thôn của Pháp, tỉ lệ này đã lên tới 14 microgam/m3. Bà Sylvia Médina, điều phối viên của chương trình « Không khí và sức khỏe »cho biết : « Các hậu quả của ô nhiễm bầu khí quyển xuất phát chủ yếu từ việc phải đối mặt hàng ngày với các nguồn gây ô nhiễm. Ngay cả khi mức độ ô nhiễm không quá cao, các hạt bụi siêu nhỏ cũng gây viêm nhiễm, và làm tăng các bệnh mãn tính ».

 

Tương lai của tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo

Vẫn về nước Pháp, báo Libération hôm nay có bài liên quan đến tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo, với tựa đề : « Charlie lấy lại được hình ảnh của mình »

Một năm rưỡi sau khi ban giám đốc của Charlie Hebdo bị anh em nhà Kouachi sát hại, 07/01/2015, nhật báo này bắt đầu trở lại hoạt động ổn định, về cả mức báo bán ra cũng như số lượng thành viên trong ê-kip. Mặc dầu vẫn còn ít nhiều áp lực trong nội bộ, Riss, giám đốc mới của tòa soạn tuyên bố rằng tờ báo có thể nghĩ đến một tương lai thanh bình hơn.

Trung Quốc lấn sân sang du lịch Pháp

Phụ san kinh tế của nhật báo Le Figaro có bài viết mang tựa : « Trung Quốc lại xâm nhập vào ngành du lịch của Pháp ». 

Bài báo cho biết ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Năm 2015, con số này là 120 triệu, ước tính đến 2025, con số này sẽ đạt 220 triệu. Nhà chức trách Trung Quốc cho rằng sẽ hoàn toàn bình thường khi mà khách du lịch người Trung Quốc được các tập đoàn cũng là của Trung Quốc phục vụ trong suốt chuyến đi du lịch tại nước ngoài của họ.

Từ khách sạn cho đến các câu lạc bộ phục vụ du lịch, rồi các công ty chuyên lo chế biến các khay thức ăn trên máy bay, đâu đâu cũng có mặt các công ty của Trung Quốc.

Hôm qua, 21/06/2016, Odalys, công ty đứng thứ 2 của Pháp và Châu Âu chuyên về nhà ở du lịch, chỉ sau Pierre & Vacances, tuyên bố 35% vốn của công ty đã được tập đoàn Trung Quốc Hywin Financial Holding Group mua lại và tập đoàn này trong tương lai sẽ phát triển Odalys tại Trung Quốc.

 

Kế sách mới của Daech

Nhìn ra thế giới, trong mục « Ý kiến và tranh luận », báo Les Echos có bài viết liên quan đến chiến lược mới của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan, kể từ sau vụ tấn công khủng bố diễn ra tại Orlando – Mỹ và Magnanville – Pháp, đó là « suy tính trên phạm vi toàn cầu, và tiến hành ở mức địa phương ». Nói cách khác, tổ chức này sử dụng “các con sói đơn lẻ” để gieo rắc hận thù trong lòng xã hội phương Tây.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160622-brexit-chau-au-e-so-%C2%AB-hieu-ung-domino-%C2%BB