Đọc báo Pháp – 22/03/2017
Bốn cuộc chiến gây nên nạn đói thế giới 2017
Bốn khu vực rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực được Liên Hiệp Quốc thống kê năm 2017 đều có một điểm chung là do con người gây ra, chứ không phải do biến đổi thời tiết. Theo nhật báo Libération, tất cả đều là hệ quả trực tiếp của các cuộc xung đột vũ trang.
« Nó gặm nhấm ngực tôi không thương xót ; một công việc lặng lẽ, kỳ lạ đang diễn ra trong đó. Người ta cứ tưởng là có khoảng hai chục con vật nhỏ đang nghiêng đầu bên này và gặm nhấm tôi từng chút một, rồi lại nghiêng đầu sang bên kia và lại tiếp tục gặm nhấm thêm tí nữa… Chúng âm thầm mở một lối đi, không hề vội vã và để lại những khoảng trống khắp nơi chúng đi qua ».
« Nó » ở đây chính là cảm giác đói giày vò nhân vật Knut Hamsun trong cuốn tiểu thuyết cùng tên được xuất bản năm 1890. Vậy mà đến năm 2017, vài triệu người trên thế giới vẫn còn cảm giác này.
« Nạn đói » tái xuất hiện ở Nam Sudan
Nạn đói tái xuất hiện tại bang Unity, Nam Sudan, với khoảng 80.000 người bị đói. Đây là quê hương của phó tổng thống Riek Machar, người đứng đầu một cuộc nổi dậy vũ trang khiến đất nước kiệt quệ từ tháng 12/2013. Theo Libération, vùng đất này hiện bị tàn phá bởi một trong số các cuộc xung đột được coi là tàn bạo nhất thế giới.
Khoảng 1,5 triệu dân rời Nam Sudan, chủ yếu sang nước láng giềng Uganda. Những người ở lại thường không còn nguồn sống. Theo đánh giá của tổ chức Acted, nạn đói có thể lan rộng trong những tháng tới. Trơ trẽn thay, chính phủ Nam Sudan, phải chịu phần lớn trách nhiệm về tình trạng này, lại vừa quyết định tăng 10 lần phí visa đối với tình nguyện viên nhân đạo nước ngoài : từ 1.000 lên thành 10.000 đô la. Theo Liên Hiệp Quốc, ít nhất, một nửa ngân sách nhà nước được dành cho quân đội.
Hơn 1/2 dân số Yemen trước tình trạng « khủng hoảng lương thực »
Yemen, quốc gia lớn thứ hai trên bán đảo Ả Rập, có khoảng 17 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng « khủng hoảng lương thực » (mức độ báo động 3 trên mức thang 5). Theo ông Stephen O’Brien, phụ trách điều phối cứu hộ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc, « đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trên thế giới ».
Trước khi rơi vào chiến tranh, Yemen mua 90% lương thực từ nước ngoài. Con đường nhập khẩu bị tê liệt hoàn toàn vì cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm nay giữa người Huti, hiện đang chiếm thủ đô Sana và lực lượng trung thành với tổng thống Abd Mansour Hadi (lập thủ đô ở Aden) và nhận được hậu thuẫn từ liên quân các nước Hồi Giáo do Ả Rập Xê Út đứng đầu. Khu cảng chính Hodeida dẫn vào miền bắc đất nước bị đóng cửa và nằm trên chiến tuyến. Trong khi đó, cả hai bên thỉnh thoảng từ chối phân phát hàng cứu viện cho người dân.
Nigeria : Cộng đồng quốc tế không kịp thời nắm bắt quy mô khủng hoảng
Bang Borno của Nigeria, khu vực đông dân nằm bên hồ Tchad, bị liệt vào tình trạng « khẩn cấp lương thực ». Hàng triệu dân làng bỏ nhà và ruộng đồng để lên thành phố hay đến các khu vực cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc vì sợ nhóm khủng bố thánh chiến Boko Haram đến cướp bóc tàn phá và cũng sợ những đợt trả đũa của quân đội Nigeria.
Khác với Nam Sudan, ở Nigeria có lương thực-thực phẩm, nhưng giá cao đến mức di dân không thể mua được. Vì vậy, các tổ chức nhân đạo chọn giải pháp trợ cấp tài chính. Còn đối với người dân nằm trong các vùng có giao tranh, phân phối lương thực là ưu tiên hàng đầu. Tổ chức Y sĩ không Biên giới lo ngại một số « khu vực đói » sẽ lại xuất hiện trong thời gian sắp tới.
Somalia : Vùng đất dễ bị tổn thương trên bình diện lương thực
Những đợt hạn hán kéo dài và thường xuyên, mà gần đây nhất là vào năm 2011-2012, đã biến Somalia, ở vùng Sừng Châu Phi thành một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trên bình diện lương thực.
Ngoài yếu tố khí hậu, Somalia còn bị tàn phá vì các cuộc chiến kéo dài từ hơn 20 năm nay, mà tình hình ngày càng đáng báo động hơn, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Cuối tháng 02/2017, chính phủ ban hành tình trạng « thảm họa quốc gia », trong khi phần lớn lãnh thổ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Quân thánh chiến Al Shebad ở miền nam nước này thường xuyên ngăn cản các đoàn cứu trợ nhân đạo vào khu vực. Năm 2011, nạn đói đã giết chết gần 260.000 Somalia.
Bầu cử tổng thống Pháp : Cuộc tranh luận đầu tiên
trên truyền hình không thuyết phục
Chỉ còn khoảng một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Pháp, hiếm khi nào lại có một đợt vận động tranh cử lộn xộn như lần này : giữa một bên là lùm xùm tai tiếng với tư pháp và một bên là thiếu khả năng giải thích cho người dân Pháp đâu là những thách thức quan trọng cho tương lai của nước này.
Theo bài xã luận của Le Monde, một cuộc tranh luận trên truyền hình là điều cần thiết khi khoảng 1/3 cử tri còn lưỡng lự đi bỏ phiếu hay không và gần 1/2 cử tri chưa biết chọn ứng viên nào. Cuộc tranh luận là cơ hội để mỗi ứng viên thể hiện khí chất, cá tính của họ và khẳng định chính sách mà họ muốn thực hiện.
Thế nhưng, theo Le Monde, ngoài những điểm trên, cuộc tranh luận diễn ra tối 20/03 có vẻ gây thất vọng hơn là thuyết phục. Có quá nhiều chủ đề được đề cập trong cuộc tranh luận khiến khán giả có cảm giác đây chỉ là dịp đối chọi lập trường, thậm chí bị đơn giản hóa, hay chỉ là khẩu hiệu, mà thiếu tranh luận sâu sắc. Thêm vào đó, từng nhiều lần gây « vỡ mộng »trong quá khứ, nhưng điều ngạc nhiên là cỗ máy sản xuất những lời hứa hẹn kỳ diệu và tốn kém vẫn hoạt động tốt.
9,8 triệu khán giả Pháp theo dõi tranh luận
Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình tối 20/03 đã thu hút được 9,8 triệu người xem, theo nhật báo Libération. Với Le Monde, « 5 tiếng nói cho một cuộc đối đầu không có tranh luận », vì « “thực đơn quá nhiều món”, mà các câu trả lời lại quá ngắn ».
Một số chủ đề chính trong kế hoạch của các ứng viên được nhiều nhật báo Pháp phân tích. Rút khỏi khối đồng tiền chung châu Âu là đề xuất trọng tâm trong chương trình tranh cử của ứng viên Marine Le Pen, thuộc đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia. Theo trang nhất của Les Echos : « Rút khỏi đồng euro là điều khiến các doanh nghiệp lo sợ ». Giá sản xuất tăng, làm đảo lộn chuỗi sản xuất, thay đổi hệ thống tin học… mới chỉ là một số bất cập cụ thể ngay trước mắt được một số chủ doanh nghiệp liệt kê.
Với Le Figaro, « Trường hợp Macron chia rẽ chính phủ ». Ngay sau buổi tranh luận đầu tiên, nhiều bộ trưởng cánh tả đã tuyên bố ủng hộ ứng viên cánh trung của phong trào « Tiến bước ! », bất chấp lời kêu gọi ủng hộ ứng viên đảng Xã Hội Benoit Hamon của thủ tướng Cazeneuve.
Bộ trưởng Nội Vụ Pháp từ chức vì… tạo việc làm cho con gái
Cựu thủ tướng Pháp, ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon, giờ không còn « cô đơn » trong vụ tạo việc làm giả cho vợ và các con. Chỉ 24 tiếng sau khi bị phát hiện ký 24 hợp đồng « trợ lý nghị sĩ » đầy khuất tất cho hai cô con gái, bộ trưởng Nội Vụ Pháp đã từ chức. Đây là chủ đề được đưa trên trang nhất của các nhật báo Pháp.
Le Figaro và La Croix đưa tin : « Bị cuốn vào tâm bão, bộ trưởng Nội Vụ từ chức ». Đánh giá quyết định của từ chức của Bruno Le Roux, Libération cho rằng ít nhất « Ông ấy đã ra đi », trái ngược với trường hợp của Fillon. Les Echos nhận định « François Hollande khẩn cấp hy sinh Bruno Le Roux », vì không muốn thời gian cuối nhiệm kỳ tổng thống bị vướng vào vụ việc này.
Bắc Kinh tổ chức chiến tranh thương mại chống Seoul
Thời sự châu Á vắng bóng trên các nhật báo Pháp số ra hôm nay. Riêng tờ Le Figaro quan tâm đến sự kiện bài Hàn Quốc, với cuộc chiến thương mại do Bắc Kinh đạo diễn.
Tung video thóa mạ tập đoàn Lotte trên nền nhạc yêu nước, hay người nghỉ hưu và trẻ nhỏ biểu tình kêu gọi tẩy chay sản phẩm của tập đoàn Hàn Quốc này khiến 80% trên tổng số 99 cửa hàng hoạt động tại Trung Quốc phải đóng cửa từ đầu tháng 03/2017. Tuy nhiên, đằng sau sự phẫn nộ của người dân là hình bóng của chính quyền, vì phần lớn các siêu thị của tập đoàn đột nhiên phải đóng cửa, vì không đáp ứng tiêu chí về… cứu hỏa sau loạt thanh tra bất ngờ.
Đây chỉ là một trong những đòn trả đũa mới nhất của Bắc Kinh, kể từ khi tập đoàn Lotte nhượng một khu đất cho chính phủ Hàn Quốc để lắp hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Thực ra, từ mùa thu 2016 khi Seoul quyết định triển khai hệ thống phòng thủ, Bắc Kinh đã có nhiều biện pháp trả đũa nhằm vào nền kinh tế thứ 4 của châu Á, đến mức Seoul phải phản ánh lên tổ chức Thương Mại Thế Giới, cho rằng những biện pháp này có thể vi phạm luật thương mại, theo thông báo ngày 20/03 của bộ trưởng Thương Mại Hàn Quốc.
Lotte không phải là nạn nhân duy nhất. Mỹ phẩm Hàn Quốc cũng bị cấm vì những tiêu chuẩn đầy kỳ bí và các bộ phim truyền hình Hàn Quốc hay các nhóm nhạc K-Pop cũng biến mất khỏi màn ảnh. Bắc Kinh cũng tấn công vào lĩnh vực du lịch khi cấm các công ty lữ hành tổ chức các chuyến đi đến xứ sở kim chi.
Với Seoul, đây là mối đe dọa nặng nề vì gần một nửa trong tổng số 16 triệu du khách đến Hàn Quốc năm 2016 là người Hoa, thường bị thu hút vì hàng miễn thuế. Nền kinh tế Hàn Quốc dễ bị tác động trước những đòn trả đũa của Bắc Kinh vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 25% lượng xuất khẩu của Hàn Quốc. Hơn nữa, các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai… có rất nhiều khu công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc, trong đó khoảng 56% đã phải gánh chịu hệ quả do THAAD.
Tại diễn đàn Davos, Trung Quốc bác bỏ mọi lời cáo buộc này và khẳng định « ủng hộ trao đổi thương mại bình thường với Hàn Quốc, nhưng điều này cũng đòi hỏi một thái độ phù hợp với công luận ». Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lại càng khiến các tập đoàn Hàn Quốc suy yếu hơn, vì một số thì bị vướng mắc vào tai tiếng chính trị ChoiGate, một số khác, như các xưởng đóng tầu của Daewoo, thì đang trên bờ phá sản.
Pháp : Bệnh mãn tính thúc bách ngành Y
Tại Pháp, có khoảng 20 triệu người mắc những bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư, chứng khó thở hay bệnh tiểu đường…. Trên quy mô toàn cầu, từ năm 1980 đến 2014, số bệnh nhân tiểu đường tăng từ 108 lên 422 triệu người (thống kê của WHO). Hàng năm có 14 triệu người mắc bệnh ung thư và… điều đáng sợ là con số này có thể tăng thêm khoảng 70% trong hai thập kỷ tới.
Vậy nguyên nhân là gì? Theo các tác giả cuốn Bệnh mãn tính : Hướng đến ngành Y thứ ba(Maladies chroniques : Vers la troisième médecine) được Le Monde giới thiệu dưới hàng tựa : « Các bệnh mãn tính đang thúc bách ngành Y », có bốn nguyên nhân chính : tuổi tác ; yếu tố môi trường ; chế độ ăn uống quá nhiều dinh dưỡng và tiếp xúc với các tác nhân gây rối loạn tuyến nội tiết ; thuốc lá và ô nhiễm.
Pháp là nước nổi tiếng về tiến bộ y tế, nhưng lại chậm trễ trong hai lĩnh vực : phòng ngừa và bất công xã hội về chăm sóc y tế. Riêng về phòng ngừa các trường hợp tử vong có thể tránh được (như do hút thuốc và rượu), trong số 14 biện pháp được các chuyên gia đề xuất với chính phủ Pháp, chỉ có một biện pháp được thông qua : sử dụng bao thuốc không in mác.
Với giới chuyên gia, mô hình truyền thống « bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân » hoạt động từ nhiều năm qua không còn phù hợp, mà mô hình mới hiện nay phải là một ngành Y liên kết (cả về y-sinh học, giáo dục, tâm lý và xã hội) và do các điều dưỡng, nhân viên hành chính, nhân viên xã hội… cùng điều phối.
Các tác giả cuốn sách muốn cổ vũ thay đổi và đưa ra 12 đề xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo được sự công bằng được chăm sóc y tế vì 1/4 người bệnh buộc phải bỏ dở điều trị vì lý do tài chính. Vậy là, tân bộ trưởng Y Tế trong chính phủ tương lai của Pháp sẽ không thiếu việc để làm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170322-bon-cuoc-chien-gay-nen-nan-doi-the-gioi
Tin đọc nhanh
(AFP) – Hàn Quốc cho hồi hương hài cốt MIA Trung Quốc. Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa hai nước vì hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, Seoul hôm 22/03/2017 đã tổ chức lễ chuyển giao cho Bắc Kinh hài cốt 28 lính Trung Quốc thiệt mạng trong Chiến Tranh Triều Tiên 1950-53. Trung Quốc đã cho hàng triệu binh sĩ sang giúp Bắc Triều Tiên chống liên quân Liên Hiệp Quốc và Hàn Quốc. Khoảng 180.000 lính Trung Quốc bị chết. Kể từ khi hai quốc gia đạt được thoả thuận, đã có 569 hài cốt lính Trung Quốc được hồi hương.
(AFP) – Trung Quốc và Ấn Độ hạn chế đáng kể số đề án nhà máy điện than. Theo báo cáo công bố ngày 22/03/2017 của CoalSwarm, Greenpeace và Sierra Club, năm 2016 tại Trung Quốc, số đề án trong giai đoạn tiền xây dựng đã giảm 48%, so với 2015, số đề án mới giai đoạn khởi đầu giảm 62% và giấy phép mới giảm đến 85%. Nhìn chung, từ 2006 đến 2016, Ấn Độ và Trung Quốc đã xây dựng 86% nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng than trên thế giới. Sau Thỏa thuận Khí Hậu Paris, các tổ chức bảo vệ môi trường hy vọng xu thế này sẽ tiếp tục.
(AFP) – Vụ scandal quỹ 1MDB : Hoa Kỳ sẽ truy tố một doanh nhân. Theo tờ The Wall Street Journal hôm nay, 22/03/2017, nhà chức trách Mỹ dự định truy tố hình sự ông Low Teak Jho, một nhà doanh nghiệp Malaysia, bị nghi dính líu đến vụ tai tiếng tham nhũng của quỹ đầu nhà nước 1MDB, vụ đã khiến thủ tướng Najib Razak bị mất uy tín. Ông Rajak là người bạn của gia đình ông Low Teak Jho.
(AFP) – Mở lại hầm mộ Chúa Giêsu. Chín tháng sau khi được tu sửa, hầm mộ mà theo truyền thuyết là nơi mà Chúa Giêsu được mai táng đã được khánh thành lại trong một buổi lễ tại nhà thờ Thánh Mộ ở Jerusalem. Bắt đầu từ tháng 05/2016, công trình tu bổ là nhằm củng cố các cấu trúc của hầm mộ Chúa Giêsu và làm cho hầm mộ này trở lại nguyên trạng lúc đầu.
(AFP) – Liên minh chống thánh chiến họp tại Washington. Ngoại trưởng 68 nước thành viên trong Liên minh chống thánh chiến họp vào hôm nay 22/03/201. Đây là lần đầu tiên có cuộc họp ở cấp này từ năm 2014. Ngoài việc điểm lại tình hình trên hiện trường Syria và Irak, mục tiêu cuộc họp còn là tìm hiểu rõ ràng hơn quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ. Chiến lược của Nhà Trắng hiện nay vẫn còn khá mơ hồ.
(AFP) – Tổng thống Mỹ sẽ tham dự thượng đỉnh NATO để trấn an đồng minh. Thông cáo của Nhà Trắng tối qua, 21/03/2017, khẳng định : « Tổng thống (Mỹ) rất nôn nóng được gặp các đối tác NATO để nói lên cam kết của Mỹ và thảo luận những vấn đề then chốt của tổ chức, đặc biệt là việc chia sẻ trách nhiệm và vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố ». Vài giờ trước đó, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo ngoại trưởng Tillerson sẽ không dự cuộc họp các ngoại trưởng NATO vào tháng Tư. Bộ ngoại giao Mỹ đã trấn an, dù sao ông Tillerson cũng sẽ gặp các đồng nhiệm NATO trong cuộc họp các thành viên Liên minh chống Daech vào hôm nay tại Washington.
http://vi.rfi.fr/tong-hop/20170322-tin-doc-nhanh