Đọc báo Pháp – 21/08/2020
Thái Lan: Tuổi trẻ dấn thân vì ước mơ dân chủ – Tú Anh
Siêu vi corona biến thể, luật sư Nga Alexei Navalny bị trúng độc, luật sư Thái Lan Anon Nampa bị cáo buộc tội phản loạn, thế giới giữa hai cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế, Joe Biden – Donald Trump trên võ đài chính trị tại Mỹ là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày 21/08/2020.
Hành động vì tương lai đất nước
Quốc tế khủng hoảng: Macron trên mọi mặt trận từ Liban, Mali, Niger, Belarus, đến Thổ Nhĩ Kỳ… một danh sách dài trên trang nhất Le Monde vào lúc chủ nhân điện Elysée tiếp nữ thủ tướng Đức Angela Merkel .
Trang châu Á của Le Monde chú ý đến phong trào thanh niên, sinh viên Thái Lan dấn thân cho nền dân chủ.
Thái Lan, từ củ cà rốt đến cây gậy, chế độ quân nhân trá hình tìm cách làm im tiếng nói phản kháng của giới trẻ, đó là ý nghĩa của bài phân tích « Tại Thái Lan, cuộc đàn áp hình thành».
Khắc tinh của thủ tướng Chan-O-Cha là một luật sư trẻ tuổi Anon Nampa cùng với nhiều lãnh tụ phong trào đòi cải cách, kẻ bị câu lưu, người bị truy nã với các tội danh: phản loạn, vi phạm lệnh cấm biểu tình và quy định phòng dịch virus corona.
Chỉ riêng với tôi danh phản loạn, các nhà hoạt động Thái Lan có thể lãnh án 7 năm tù. Theo thông tín viên Bruno Philip của Le Monde tại Đông Nam Á, Anon Nampa theo quá trình tranh đấu, tự nhiên trở thành lãnh tụ của phong trào như mô hình Hồng Kông.
Trước nguy cơ phong trào lan rộng trong giới trẻ, vì có yêu cầu của quốc vương không nên áp dụng luật chống phạm thượng, hình phạt có thể lên đến 15 năm tù, chính quyền quân nhân trong lớp áo dân sự, sử dụng luật chống phản loạn cũng như các nguyên tắc trói buộc về mạng xã hội, những đạo luật triệt tiêu tự do, theo tố cáo của các nhà dân chủ. Theo họ, Thái Lan đang sống trong một chế độ độc tài giả dạng dân chủ. Trong khi đó, như tuyên bố của luật sư Anon Nampa, giới trẻ Thái Lan ước mơ một chế độ vương triều chung sống hài hòa với nền dân chủ. Để được như thế, sinh viên đòi chính phủ từ chức, giải tán Quốc Hội để bầu lại và phải có một Hiến Pháp mới. Hiến Pháp của chính phủ quân sự năm 2017 quy định 250 thượng nghị sĩ do một ủy ban thân cận với quân đội chỉ định.
Anon Nampa thề sẽ thành công « ngay trong kiếp này »
Có lẽ đã đến lúc chính quyền Thái ra tay. Nhưng theo Le Monde, khủng hoảng kinh tế, do đại dịch Covid làm nghiêm trọng thêm, đã làm cho phong trào chống chế độ la rộng đến thành phần học sinh. Một đoạn video loan truyền trên mạng ghi lại những hình ảnh đáng ngạc nhiên : Hàng trăm học sinh trung học đến bộ Giáo Dục trình nguyện vọng. Bộ trưởng Natthaphone Thepsuwan tỏ thiện chí tiếp học sinh. Nhưng khi ông bắt đầu nói thì bị các học sinh bảo phải ngồi xuống đất trong những hàng sau cùng. Trong tiếng huýt sáo thúc giục, bộ trưởng Thái tuân thủ ngồi bẹp xuống đất. Dường như thời đối thoại vẫn còn.
Ai muốn giết Alexei Navalny ?
Vào lúc Pháp, Đức kêu gọi Vladimir Putin giúp giải quyết khủng hoảng chính trị tại Belarus bằng giải pháp ôn hòa thì có tin nhà đối lập Nga Alexei Navalny, khắc tinh của tổng thống Nga, « bị nghi ngờ trúng độc » trên máy bay từ miền Viễn Đông về Matxcơva, sau khi uống một ly trà ở phi trường. Máy bay phải đáp khẩn cấp. Le Monde đưa tin: « Đối thủ của Putin nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nhật báo độc lập nhắc lại, chính quyền Putin truy bức nhà tranh đấu chống tham ô như trút đòn thù. Một năm, hai lần bị trúng độc. Từ 2011, Navalny bị giam 232 ngày, bị quản thúc 242 ngày ».
Le Figaro không giấu lo ngại « Alexei Navalny, đối thủ số một điện Kremlin, có thể bị đầu độc ». Vào tháng 7/2019, Alexei Navalny bị dị ứng dữ dội, một bác sĩ Nga đã nêu giả thuyết « trúng độc ». Các thân hữu xem đó là hệ quả của nỗ lực chống tham ô của luật sư Navalny. Lần này, ông mới thực hiện xong một cuộc điều tra về nạn tham ô ở Siberia và trở về Matxcơva với cả khối tài liệu trong tay. Nhật báo thiên hữu cho biết thêm, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức, đang hội đàm tại miền nam nước Pháp, đều lo lắng và đề nghị đưa nhà đối lập Nga sang châu Âu chữa trị. Trong khi đó, truyền thông Nhà nước và các mạng thân Kremlin, thông thường không bao giờ nhắc tên Navalny, nhưng đã phải lên tiếng về sự kiện này với giả thuyết Navalny bị rượu và ma túy vật ngã. Đương nhiên giới thân cận của ông bác bỏ các luận điểm này .
Le Figaro cho biết thêm một sự kiện : Tại Nga, đầu độc là mối đe dọa không thể xem thường, tổng thống Putin, luôn luôn uống nước trong bình riêng mang theo và không bao giờ cầm ly do người ta mời. La Croix bi quan chạy tựa trên trang nhất : Nhà đối lập Nga Alexei Navalny giữa sống và chết.
Libération đặt câu hỏi « Ai muốn giết Navalny, một luật sư nhân quyền nay là một lãnh tụ có tầm cỡ ?». Nhật báo thiên tả còn dành một bài dài để lượt kê một loạt vụ đầu độc hay nghi ngờ bị đầu độc mà nạn nhân là nhà báo đối lập, là sĩ quan tình báo tị nạn. Danh sách rất dài từ phóng viên điều tra nạn tham ô Chtchokotchikira chết vào năm 2003 mà toàn bộ hồ sơ bệnh lý biến mất cho đến vụ hai bố con cựu trung tá tình báo Sergei Skripal bị mưu sát ở ngoại ô Luân Đôn và vụ trung tá Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng phóng xạ trước đó, cũng tại Luân Đôn .
Belarus : Nghệ sĩ cũng dấn thân
Về khủng hoảng Belarus, Le Figaro đề cao giới nghệ sĩ dấn thân trên tuyến đầu chống Lukachenko. Chim đầu đàn là Pavel Latushka, cựu bộ trưởng Văn Hóa, cựu đại sứ tại Pháp, giám đốc Nhà hát lớn ở thủ đô Minsk. Vì tham gia biểu tình chống tổng thống Lukachenko, bất chấp khuyến cáo, ông bị đuổi việc nhưng biện pháp trừng phạt này gây tác dụng ngược. Pavel Latushka trở thành người hùng trong giới nghệ sĩ. Hàng trăm nghệ sĩ cũng như người ái mộ ông tập trung trước cửa Nhà Hát Quốc Gia bày tỏ tinh thần ủng hộ.
Thứ Năm vừa qua, nhà của ông bị tạt sơn đỏ. Tiếp theo đó, « Hội đồng điều phối » phong trào phản kháng, trong đó ông là thành viên, bị chính quyền điều tra hình sự với cáo buộc « vi phạm an ninh quốc gia ».
Mùa nghỉ hè sắp kết thúc, đại dịch Covid 19 không giảm với nhiệt độ mà còn tăng tốc lây lan . Le Figaro dành hai trang cho « nghịch lý của dịch bệnh lan tràn nhưng giảm độc hại. Phải chăng do biến thể mà siêu vi SARS-CoV-2 lây nhiều hơn nhưng giết ít hơn. Mỗi ngày tại Pháp có từ 3000 đến 4000 ca mới nhưng trong một tuần chỉ có 65 nạn nhân từ trần. Cùng chiều hướng, Les Echos đưa tít : Covid leo thang lây nhiễm tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha. 7551 ca biến thể được phát hiện .
Covid 19 gây xáo trộn sinh hoạt kinh tế, thất nghiệp gia tăng. Để làm giảm bớt phần nào tác hại, các nước châu Âu chi hàng chục tỷ euro vực dậy kinh tế, trong đó có nỗ lực đào tạo cho thanh niên, nhân viên đổi nghề hoặc cải tiến khả năng làm việc từ nhà. Les Echos phân tích chương trình huấn nghệ kỹ thuật số cho giới trẻ Pháp từ 200 triệu đến 300 triệu euro.
Về thời sự các châu lục khác :
Le Monde đưa tin : Tại Mỹ, cựu tổng thống Barack Obama, nhân Đại Hội đảng Dân Chủ, nhân danh nền dân chủ Hoa Kỳ, đọc một bài diễn văn lịch sử như một bản cáo trạng lên án chủ nhân Nhà Trắng thiếu tư cách làm tổng thống, kêu gọi cử tri bầu cho liên danh Joe Biden- Kamala Harris cứu nguy nền dân chủ.
Libération trên trang nhất kêu gọi « Tiến lên, Joe Biden ! » . Theo nhật báo thiên tả « tuy không có sức lôi cuốn công chúng, nhưng cựu phó tổng thống của Barack Obama là niềm hy vọng duy nhất để chiến thắng Donald Trump : tiền ủng hộ vận động tranh cử tăng vọt, thăm dò ý kiến thuận lợi .
Về châu Á, Libération giới thiệu « chế độ Nhà nước gia đình trị của Bắc Triều Tiên » . Kim Jong Un và em gái tận dụng mọi phương tiện để củng cố chế độ kể cả giết người thân và anh em trong nhà .
La Croix cho biết : Dân Bắc Phi ra đi bằng mọi giá. Không còn tin tưởng vào tương lai, ngày càng có đông người Tunisia, Algeri vượt Đại Trung Hải bất chấp hiểm nguy và thảm nạn.
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un giao một phần quyền hành cho nhiều người thân cận.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc đã khẳng định như trên vào hôm qua, 20/08/2020. Theo tình báo Hàn Quốc, bà Kim Yo Jong, em gái của ông Lim Jong Un, sẽ “điều hành công việc chung của Nhà Nước trên cơ sở các quyền hành được chuyển giao”. Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA ngày 20/08, nhân hội nghị toàn thể Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un cho biết sẽ công bố một kế hoạch 5 năm mới nhằm phát triển kinh tế tại Đại Hội Đảng Lao Động Triều Tiên mở ra vào tháng Giêng 2021.
( AFP ) – Thái Lan lại bắt giữ nhiều nhà hoạt động.
Hôm qua, 20/8/2020, thêm 5 nhà hoạt động bị bắt, sau đó được trả tự do có điều kiện, do những người này có liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây đòi cải tổ chính phủ và cải tổ nền quân chủ, vốn là một chủ đề cấm kỵ ở vương quốc này. Từ đầu tháng 8 đến nay đã có tổng cộng 11 nhà hoạt động bị bắt và bị truy tố về tội phản loạn và vi phạm luật về tình trạng khẩn cấp y tế.
( Reuters ) – Trung Quốc « không nên xem thường Đài Loan ».
Hôm qua, 20/08/2020, bộ Quốc Phòng Đài Loan ra tuyên bố nói rõ là Trung Quốc không nên đánh giá thấp quyết tâm của Đài Bắc bảo vệ lãnh thổ của mình và các đe dọa quân sự của Bắc Kinh chỉ khiến cho người dân hòn đảo này thêm quyết tâm.
(Reuters) -Trung Quốc: Mực nước đập Tam Hiệp lên gần đến mức tối đa.
Theo số liệu công bố hôm nay, 21/08/2020, mực nước ở đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã lên gần đến mức tối đa sau các trận mưa như trút nước vào hôm qua. Nước hồ trữ chứa của con đập lên đến mức 166,6 mét, cao thêm 2 mét chỉ trong một buổi tối và cao hơn gần 20 mét so với mức báo động. Mực nước tối đa của hồ chứa của đập Tam Hiệp là 175 mét.
(AFP) – Động đất 6,9 độ Richter ngoài khơi Indonesia.
Địa chấn hôm nay 21/08/2020 xảy ra cách bờ biển phía nam thành phố Katabu trên đảo Célèbes 200 km, ở độ sâu 600 km dưới đáy biển. Không có thiệt hại nhân mạng và vật chất. Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực thường xảy ra động đất.
AFP) – Covid-19 : Nga sẽ cho thử nghiệm vac-xin trên 40.000 người tự nguyện.
Hôm qua 20/08/2020 Nga thông báo vac-xin Sputnik V sẽ được thử nghiệm lâm sàng từ tuần tới tại 45 cơ sở y tế. Theo dự kiến, tiêm chủng ngừa virus corona sẽ được triển khai trên diện rộng tại Nga vào tháng 10/2020 và Sputnik V sẽ bắt đầu được giao cho nước ngoài vào tháng 11 hoặc 12/2020.
(AFP) – Tổng thống Trump muốn rút lính Mỹ ra khỏi Irak.
Đón tiếp thủ tướng Irak vào hôm qua, 20/08/2020, tổng thống Mỹ khẳng định ông muốn rút lính Mỹ khỏi Irak, nhưng không cho biết lịch trình. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra vào lúc mà Bagdad và Washington phải đối đầu với những nhóm vũ trang, thường là thân Iran. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tiếp thủ tướng Moustafa al-Kazimi, được đề cử vào tháng 5, và có tiếng là thân Mỹ hơn người tiền nhiệm.
(Reuters) – TT Colombia : Venezuela đang tìm cách mua tên lửa của Iran.
Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 20/08/2020 tố cáo chế độ của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang tìm cách trang bị tên lửa do Iran chế tạo và cung cấp cho các nhóm phiến quân Colombia vũ khí do Nga và Belarus chế tạo. Ngoại trưởng Azzera coi cáo buộc của Colombia là « điều giả tưởng ». Cũng như nhiều nước, Colombia không công nhận tính chính đáng của Nicolas Maduro.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200821-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 21/8:
Kim Jong Un trao thêm quyền cho em gái;
Video thủ lĩnh đối lập ở Nga nghi bị đầu độc
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (21/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Kim Jong Un trao thêm quyền cho em gái
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giao thêm quyền cho em gái Kim Yo-Jong, bao gồm việc giám sát mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc, theo báo cáo từ một cơ quan gián điệp Seoul, Fox News đưa tin.
Mặc dù ông Kim vẫn duy trì “quyền lực tuyệt đối”, nhưng ông đã giao nhiều quyền hơn cho em gái và một số phụ tá khác trong nỗ lực giảm mức độ căng thẳng trong công việc của mình, Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho hay.
NIS cho biết thêm, Kim Yo-Jong, ở độ tuổi ngoài 30, hiện sẽ “chỉ đạo các công việc chung của nhà nước” Triều Tiên.
Video thủ lĩnh đối lập ở Nga nghi bị đầu độc
Một video lan truyền trên mạng xã hội (bên dưới) hôm thứ Năm cho thấy các nhân viên y tế đang chăm sóc cho ông Alexei Navalny trên máy bay, khi ông Navalny hét lên đau đớn sau khi uống một cốc trà mà những đồng minh của vị chính trị gia đối lập với Tổng thống Nga Putin cho là đã bị Kremlin bỏ thuốc độc, theo Fox News.
“Khi bắt đầu chuyến bay [Navalny] đi vệ sinh và ông ấy đã không quay lại”, chủ nhân của video cho biết sự việc trong một thông báo trên Instagram story. “Ông ấy bị ốm nặng và họ gần như không thể hồi sức cho ông ấy khi ông ấy la hét đau đớn. Họ không nói điều gì xảy ra với ông ấy. Bây giờ chúng tôi đã hạ cánh ở Omsk. Xe cấp cứu đã đến”.
Người phát ngôn của ông Navalny, bà Kira Yarmysh, nói với đài phát thanh Echo Moskvy rằng ông hẳn đã uống một cốc trà có độc tại một quán cà phê ở sân bay trước khi lên máy bay từ Siberia về lại Moscow vào sáng thứ Năm. Trong suốt chuyến bay, ông Navalny bắt đầu đổ mồ hôi và yêu cầu bà nói chuyện để ông có thể “tập trung vào âm thanh của giọng nói”. Sau đó ông Yarmysh vào nhà vệ sinh và bất tỉnh, sau đó rơi vào trạng thái hôn mê và phải thở máy trong tình trạng nghiêm trọng.
Trong một động thái liên quan, theo Reuters, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp hôm thứ Năm đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với bệnh tình của ông Navalny và đề nghị chăm sóc y tế cho thủ lĩnh phe đối lập ở Nga.
Hoa Kỳ sẽ trừng phạt thế lực thuê tấn công lính Mỹ
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm tuyên bố sẽ trả đũa nếu các quốc gia khác bị phát hiện trả tiền thưởng cho các cuộc tấn công quân đội Mỹ ở Afghanistan, theo Reuters.
Vào cuối tháng Sáu, xuất hiện thông tin rằng tình báo Hoa Kỳ phát hiện chính phủ Nga đã trả tiền cho Tabliban để tổ chức khủng bố này tấn công lính Mỹ ở Afghanistan. Nga phủ nhận cáo buộc và Tổng thống Trump nói rằng ông không tin có việc này.
CNN tháng này đưa tin rằng tình báo Mỹ cũng thông tin rằng Iran đã trả tiền thưởng cho Taliban để nhắm mục tiêu vào quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Tổng thống Trump, phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng cùng với thủ tướng Iraq, nói với các phóng viên rằng nếu các báo cáo đó được xác định là sự thật, thì “chúng tôi sẽ tấn công họ rất mạnh, đầu bạn sẽ quay”.
Chính phủ Maduro ngăn công dân Mỹ xuất cảnh
Chính phủ của Tổng thống “tiếm quyền” Venezuela Nicolas Maduro đang ngăn cấm công dân Hoa Kỳ xuất cảnh, từ chối các chuyến bay sơ tán nhân đạo của Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Năm, Reuters đưa tin.
“Trước đây chúng tôi đã đưa ra những lời đề nghị cho phép công dân Mỹ rời đi, nhưng tất cả đều bị Maduro và tay chân của ông ta từ chối”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Morgan Ortagus, nói.
Washington đã phủ nhận chính phủ Maduro và thay vào đó công nhận nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela, mặc dù ông Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát các thể chế nhà nước trên thực tế.
Belarus: Người biểu tình đối mặt tội hình sự
Các công tố viên ở Belarus đã cáo buộc phe đối lập cố gắng giành quyền lãnh đạo đất nước và đã mở một vụ án hình sự chống lại họ, trong bối cảnh các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức vẫn tiếp tục, theo The Guardian.
Thông báo này làm tăng khả năng xét xử và bỏ tù đối với các nhà lãnh đạo của một hội đồng điều phối, được thành lập trong tuần này, bao gồm các chính trị gia đối lập, các đại diện nhà máy và người từng đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich.
Hội đồng này đã tổ chức cuộc họp đầu tiên hôm thứ Tư, kêu gọi các cuộc bầu cử mới và các cuộc đàm phán với chính quyền, nhưng Tổng thống Lukashenko đã bác bỏ và nói rằng đây là một âm mưu đảo chính do phương Tây hậu thuẫn.
Các cuộc biểu tình lớn ở Belarus liên tục nổ ra kể từ khi ông Lukashenko thắng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 6 liên tiếp với 80% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng. Những người ủng hộ phe đối lập tin rằng vị tổng thống tại vị suốt 26 năm đã gian lận để giành phiếu. Các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mặc dù đã có hơn 7.000 người bị bắt và nhiều người trong số họ bị đánh đập dã man.
(Ảnh: Reuters)
Điểm tin thế giới tối 21/8:
Hồ chứa đập Tam Hiệp chưa đầy 10m nữa là tràn
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (21/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Hồ chứa đập Tam Hiệp chưa đầy 10m nữa là tràn
Mực nước tại Đập Tam Hiệp khổng lồ của Trung Quốc trên sông Dương Tử đang nhích gần tới mức tối đa sau khi những trận mưa lớn làm gia tăng khối lượng nước lên mức kỷ lục, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Sáu (21/8), theo Reuters.
Với 75.000 m3/s từ sông Dương Tử đổ vào thứ Năm, độ sâu của hồ chứa đạt 165.6 m, tăng 2 m qua đêm và cao hơn gần 20 m so với mức cảnh báo chính thức.
Độ sâu tối đa theo thiết kế của hồ chứa lớn nhất Trung Quốc là 175 m.
Nhà chức trách đã tăng lưu lượng xả lên mức kỷ lục 48.800 m3/s hôm thứ Năm để cố gắng hạ thấp mực nước hồ chứa, và có thể họ sẽ phải tăng tiếp để tránh khả năng xảy ra một đợt tràn nguy hiểm.
Trung Quốc tố Đài Loan chi tiền bôi nhọ đại sứ Bắc Kinh tại Kiribati
Bức ảnh đại sứ Trung Quốc tại Kiribati dẫm trên lưng những đứa trẻ bản địa nằm sấp mặt đang gây tranh cãi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bảo vệ nhà ngoại giao này và cáo buộc Đài Loan mua chuộc dư luận trực tuyến để lan truyền những bình luận ác ý, trang tin Taiwan News cho biết.
Trong bức ảnh ban đầu được người dùng Michael Field chia sẻ trên Twitter, đại sứ Trung Quốc mới nhậm chức Kiribati, ông Tang Songgen đang dẫm lên lưng hàng dài những đứa trẻ bản địa đang nằm sấp trên mặt đất trong một nghi lễ tiếp đón ông.
Người dân địa phương cho biết đây là một nghi lễ truyền thống của Kiribati, mặc dù nó thường xuất hiện trong các đám cưới. Các báo cáo truyền thông cho biết không có nhà ngoại giao hoặc quan chức chính phủ nước ngoài nào khác, kể cả những người từ Đài Loan, từng tham gia một nghi lễ như vậy, trái ngược với tuyên bố của ông Triệu.
Nhiều quan chức nước ngoài khác cũng đưa ra bình luận. Constantine Panayiotou, tùy viên quốc phòng Mỹ tại 5 quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm đảo Kiribati, viết trên Twitter: “Tôi chỉ đơn giản là không thể tưởng tượng được việc dẫm lên người những đứa trẻ (hoặc ngay cả người lớn) là một hành vi có thể chấp nhận được của đại sứ bất kỳ quốc gia nào!”.
Dave Sharma, một nghị sĩ Úc trước đây từng là nhà ngoại giao cho phái bộ Úc tại Papua New Guinea cũng cho biết: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu một đại diện của Úc tham gia vào một nghi lễ kiểu như vậy”.
Mỹ gỡ bỏ phong tỏa tài sản Venezuela để giúp chống dịch Covid-19
Phe đối lập Venezuela cho biết hôm thứ Năm Mỹ đã cấp cho họ quyền truy cập ngân quỹ hàng triệu đô la của chính phủ Veneuela để hỗ trợ việc chống dịch Covid-19 tại nước này, theo Reuters.
Bộ Tài chính Mỹ đã phê duyệt việc gỡ phong tỏa các nguồn quỹ, phe đối lập cho biết trong một tuyên bố nhưng không cho biết tổng số tiền.
Tuyên bố cho biết, một phần nguồn quỹ được gỡ phong tỏa sẽ được dùng để chi trả cho khoảng 62.000 nhân viên y tế với mức 300 USD/người. Trong lần ghi hình trực tiếp trên Twitter tối thứ Năm, lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cho biết các nhân viên y tế có thể đăng ký tài khoản để nhận khoản thanh toán
100 USD/tháng, bắt đầu từ thứ Hai. Nhân viên y tế ở Venezuela có thể kiếm được ít nhất 5 USD mỗi tháng.
WHO thảo luận với Nga về vắc xin Covid-19
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đã bắt đầu thảo luận với Nga để nhằm thu thập thông tin về loại vắc xin Covid-19 thử nghiệm mà nước này gần đây phê duyệt, hãng AP đưa tin.
Tuần trước, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc xin virus corona. Nhưng loại vắc xin này vẫn chưa trải qua các thử nghiệm tiên tiến theo yêu cầu như thường lệ để chứng minh tính hiệu quả trước khi cấp phép. Như vậy, đây là một vi phạm lớn trong quy trình nghiên cứu cấp phép vắc-xin. Các quan chức Nga tuyên bố vắc xin này sẽ cung cấp khả năng miễn dịch Covid-19 trong dài hạn nhưng không đưa ra bằng chứng.
Đồng minh phe đối lập Nga cáo buộc Kremlin cản trở việc đưa đối thủ của Putin sang Đức điều trị
Các đồng minh của nhà chính trị đối lập Nga Alexei Navalny đã tố cáo Kremlin cản trở việc đưa ông sang Đức để điều trị y tế vào thứ Sáu (21/8). Họ nói rằng quyết định của chính quyền Nga đã đặt tính mạng của ông Navalny rơi vào nguy hiểm vì bệnh viện Siberian nơi ông Navalny đang chữa trị thiếu trang thiết bị y tế, theo Reuters.
Ông Navalny, một người chỉ trích ông Tổng thống Vladimir Putin và các phụ tá, đang trong tình trạng nghiêm trọng sau khi uống trà vào sáng thứ Năm. Những đồng minh của ông Navalny cho rằng trong cốc trà có độc.