Đọc báo Pháp – 21/08/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 21/08/2017

Bắc Triều Tiên – Mỹ : Sự hòa dịu mong manh

Anh Vũ

Các trang báo Pháp đầu tuần vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu vào những sự kiện thời sự đã diễn ra cuối tuần qua, như vụ khủng bố tại Catalunya, Tây Ban Nha hay vụ ông Steve Bannon cố vấn chiến lược của tổng thống Mỹ bị sa thải khiến ông Trump lại thêm lẻ loi. … Nhật báo le Monde chú ý tới một thời sự nóng của châu Á cho dù đã dịu xuống nhưng nguy cơ có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Đó là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Bài viết của Philippe Pons, nhà báo chuyên theo về tình hình châu Á, mang tựa đề : « Bắc Triều Tiên : Sự hòa dịu bề ngoài ».

Người ta còn nhớ màn đấu khẩu dọa dẫm nhau giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cách đây hai tuần đã đẩy tình hình căng thẳng lên đến cao độ tưởng chừng như một cuộc chiến tranh hủy diệt giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sắp nổ ra đến nơi. Nhưng cuối cùng hôm 15/08, Kim Jong Un bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch bắn tên lửa về phía đảo Guam, lãnh thổ Mỹ nằm giữa tây Thái Bình Dương.

Quyết định trên đã làm dịu căng thẳng và được ông Trump đánh giá đó là một « quyết định khôn ngoan ». Thế nhưng theo tác giả Philippe Pons, sự hòa dịu đó « có nguy cơ không kéo dài bao lâu bởi ngày thứ Hai 21/08, Mỹ – Hàn mở cuộc tập trận thường niên trên quy mô lớn, huy động hơn chục nghìn quân. Hoạt động này vẫn luôn được Bình Nhưỡng nhìn nhận như là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng » Bắc Triều Tiên.

Bài báo phân tích : Ngừng dự định bắn tên lửa không phải là Bình Nhưỡng lùi bước trước « lửa giận » của ông Trump. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Triều Tiên lên gân rồi lại cho chùng xuống và tiếp tục trở lại căng hơn. Vì thế cần phải tính đến những khiêu khích mới.

Theo phần đông các nhà phân tích thì giờ đây thế giới cần phải đối mặt với một thực tế : « Bắc Triều Tiên đang có chỗ đứng trong những cường quốc hạt nhân. Các lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã đạt được, có thể là đã vượt quá cả hy vọng của họ, điều mà họ muốn tìm kiếm đó là : Hoa Kỳ nhìn nhận nghiêm túc mối đe dọa của họ và Bắc Triều Tiên nghiễm nhiên được thừa nhận là một cường quốc hạt nhân hoặc đang chuẩn bị được như vậy ».

Tác giả bài viết nhận thấy, sự đe dọa của Bình Nhưỡng khiến Hoa Kỳ phải đánh giá lại tổn thất của một cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên nhất là khả năng phản công chết người nhằm vào Seoul, các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa lập trường của Trung Quốc đã được tờ báo đảng Global Times gần đây bày tỏ đó là nếu Bắc Triều Tiến tấn công Mỹ trước, Bắc Kinh sẽ đứng ngoài cuộc, nhưng nếu ngược lại Mỹ hành động trước, Bắc Kinh sẽ nhảy vào. Đó chính là hai điều kìm lại « cơn giận » của Donald Trump.

Như vậy chỉ còn lại con đường đàm phán. Thế nhưng, Bình Nhưỡng đã đặt điều kiện tiên quyết là Washington phải chấm dứt đe dọa họ. Về phần Mỹ, tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã nhắc trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây : « Mối đe dọa Bắc Triều Tiên còn tồn tại rất lâu dài, chúng ta sẽ phải sẵn sàng để đáp trả ».

Tác giả kết luận : « Cả hai bên đều không loại trừ đàm phán, nhưng mỗi bên vẫn bám giữ lập trường riêng của mình và cho rằng bên kia phải tiến trước ».

Chiến tranh Triều Tiên :

Kịch bản thảm họa cho kinh tế thế giới

Vẫn trên chủ đề căng thẳng với Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài viết khác mang tiêu đề : « Một cuộc xung đột giữa hai miền Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới ».

Tờ báo đặt vấn đề : « Ngoài các suy xét chính trị, lo ngại về an ninh, cần phải cân nhắc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc và thế giới ? Quy mô của nó sẽ ra sao ? Đánh giá tác động đó thế nào ? »

Từ nhiều tuần qua, nhiều nhà phân tích phương tây cũng như châu Á đã suy nghĩ về những câu hỏi đó để dựng nên nhiều kịch bản. Nhìn chung các chuyên gia đều cho rằng, nếu căng thẳng chỉ dừng ở các cuộc đấu khẩu thì tác động đến kinh tế Hàn Quốc không lớn. Nhưng trường hợp xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh hạt nhân nổ ra thì bên cạnh thiệt hại về người rất lớn thì nền kinh tế Hàn Quốc sẽ bị suy sụp gần như hoàn toàn. Trong khi đó, giờ đây Hàn Quốc là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất điện tử và xe hơi của toàn cầu.

Điều gì sẽ xảy ra với kinh tế thế giới khi các nhà máy của Hàn Quốc bị phá sập ? Theo Le Monde, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng : « Việt Nam, nước nhập khẩu 20% linh kiến của Hàn Quốc, sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất ». Bên cạnh đó thị trường tài chính thế giới sẽ hoảng loạn và tác động tai hại đến kinh tế thế giới.

Sự chi phối không khoan nhượng

của Bắc Kinh với Hồng Kông

Tiếp tục với nhật báo le Monde. Xã luận của tờ báo trở lại với sự kiện chính quyền Hồng Kông vừa tuyên phạt án tù ba nhà đấu tranh dân chủ của phong trào « Dù vàng » năm 2014, những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ mới chống lại sự chi phối của chính quyền Hoa Lục.

Xã luận le Monde nhận định : « Người ta nhận ra ở đây một quyền lực tuyệt đối của chủ tịch Tập Cận Bình. Tại Hoa lục, ông ta không ngần ngại trấn áp các luật sư, nhà báo, các nhà hoạt động, các tổ chức xã hội dân sự, chỉ vì họ đòi hỏi một điều là thực thi hiến pháp và pháp luật. Còn ở Hồng Kông, không hài lòng với việc rửa hận vụ nổi dậy mùa thu 2014, ông Tập muốn cho thấy không để cho người Hồng Kông một cơ hội nào thể hiện tấm gương dân chủ ».

Le Monde liệt kê một loạt những hành động có thể coi là can thiệp vào nội tình của Hồng Kông, vùng đất được hưởng quy chế « một đất nước, hai chế độ » khi được Anh trả lại cho Trung Quốc năm 1997 : Bắc Kinh đang có ý định áp đặt các môn học giáo dục ái quốc với người Hồng Kông, cho phép công an Trung Quốc hoạt động trong các nhà ga ở Hồng Kông hay thâu tóm báo chí về tay những tập đoàn trung thành với Bắc Kinh. Một thí dụ điển hình là hôm 11 tháng 8 vừa qua, đài phát thanh truyền hình Hồng Kông đã bỏ các buổi phát sóng của BBC để thay bằng chương trình của đài phát thanh chính thức Trung Quốc nhằm mục đích gọi là : « Tăng cường trao đổi văn hóa giữa Hoa lục và Hồng Kông ».

Xã luận báo Le Monde kết luận : « tính toán của chính quyền Trung Quốc không vô lý. Giới « tài phiệt » nắm giữ nền kinh tế của thành phố 7 triệu dân này đã từ lâu bị thu phục vì miếng mồi tăng trưởng kinh tế ở Hoa lục. Để hoàn thiện sự xích lại gần nhau, chỉ còn việc bịt miệng những thanh niên bướng bỉnh. Nhưng họ không biết là bỏ tù những người đó tức là cả một thế hệ người Hồng Kông có thể sẽ đứng lên chống lại Trung Quốc ».

Donald Trump, một tổng thống ngày càng suy yếu

Chuyển qua với trang báo le Figaro, tờ báo dành trang sự kiện để nói về chính quyền của Donald Trump vẫn chưa hết các rối ren trong nội bộ.

Le Figaro ghi nhận : « Trump buộc phải lập lại trật tự ở Nhà Trắng ». Bị suy yếu bởi các tranh cãi nổi nên sau các vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc ở thành phố Charlottesville, tổng thống Mỹ đã cắt ngắn kỳ nghỉ hè, trở về Washington. Việc buộc lòng phải loại bỏ vị cố vấn chiến lược của mình, một nhân vật có tư tưởng cực hữu gây nhiều tranh cãi, Steve Bannon, đã cho thấy rõ mối tương quan quyền lực trong Nhà Trắng. Tuy vậy, phản ứng đó không giải quyết được vấn đề đường lối chính trị mà ông Trump muốn theo đuổi.

Le Figaro nhắc lại là từ khi lao vào cuộc phiêu lưu tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã hành động theo kiểu nổi loạn : Chống lại hệ thống, giới ưu tú, những quy tắc ứng xử hay chuẩn mực chính trị truyền thống. Ông hứa sẽ đoạn tuyệt với cách làm chính trị kiểu cũ mà theo ông đầy nhưng toan tính thủ đoạn.

Thế nhưng người ta nhận thấy càng ngày tổng thống Mỹ càng trở nên cô lập hơn. Động thái hy sinh « cận thần » Bannon khiến nhiều nhà quan sát phải đặt câu hỏi : « Phải chăng đây là điểm bắt đầu của một cái kết ». Nhiều người còn đi xa hơn còn nhắc tới một kịch bản ông Trump ra đi sớm.

Cách phản ứng thể hiện thái độ thiên vị cực hữu của tổng thống về sự kiện Charlottesville không chỉ làm dấy lên làn sóng chỉ trích mà hàng loạt các nhà chính trị, doanh nhân, nhà báo… quay lưng lại với ông Trump. Người thì kêu gọi ông từ chức, người khác thì thấy ông không đủ năng lực để lãnh đạo đất nước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170821-bac-trieu-tien-%E2%80%93-my-su-hoa-diu-mong-manh

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Quân đội Philippines giải cứu một con tin Việt Nam bị Hồi Giáo cực đoan cầm giữ. Theo người phát ngôn quân đội Philippines, người thủy thủ Việt Nam bị nhóm Abu Sayyaf – chuyên bắt người để đòi tiền chuộc – cầm giữ từ 9 tháng nay, được giải thoát ngày 20/08/2017 tại đảo Basilan, thuộc vùng Mindanao. Người phát ngôn quân đội Philippines cho biết nhóm vũ trang bắt cóc hiện bị vây chặt và phủ nhận tin đồn trả tiền chuộc để cứu thủ thủy người Việt. Hiện vẫn còn một thủy thủ Việt Nam bị Abu Sayyaf giam giữ. Tháng 07/2017, hai thủy thủ Việt Nam bị nhóm này hành quyết.

(AFP) – Miến Điện : Một cựu « quân nhân nhí » bị bắt vì kể lại quá khứ. Trong buổi phỏng vấn với đài Châu Á Tự Do (Radio Free Asia), Aung Ko Htwe kể lại chuyện bị lính Miến Điện bắt cóc năm 2005, khi mới 14 tuổi và bị buộc trở thành lính trong quân đội. Ngay sau đó, Aung Ko Htwe bị cảnh sát bắt tại Rangun vì tội vu khống quân đội và có nguy cơ lĩnh án 2 năm tù. Hiện Aung Ko Htwe bị giam tại nhà tù Insein chờ đưa ra xét xử ngày 01/09. Cảnh sát không đưa ra bất kỳ thông tin nào về vụ bắt giữ.

(AFP) – Tổng thống Mỹ sẽ công bố chiến lược về vấn đề Afghanistanhôm nay. Theo thông cáo từ Nhà Trắng, dự kiến 21 giờ địa phương ngày 21/08/2017, tổng thống Mỹ sẽ có buổi họp tại căn cứ quân sự Fort Myer (tây nam Washington) để trình bày về tầm nhìn tương lai của Mỹ, các cam kết của Mỹ ở Afghanistan và Nam Á. Hoa Kỳ hiện có khoảng 8.400 quân thường trú tại Afghanistan với nhiệm vụ chính là cố vấn và đào tạo lực lượng quân đội địa phương.

(AFP) – Pháp : Tông xe ở Marseille, một người chết, một người bị thương. Vụ việc xảy ra ngày 21/08/2017, tại thành phố cảng Marseille. Cảnh sát đã bắt được thủ phạm tại khu trung tâm Vieux-Port. Tuy nhiên, khả năng « một vụ khủng bố » bị cảnh sát bác bỏ và tiến hành điều tra theo hướng thủ phạm có vấn đề tâm lý. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố tăng cao tại Pháp, cũng như ở châu Âu, đặc biệt chỉ 4 ngày sau vụ khủng bố tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha.

(AFP) – Pháp bắt giữ một kho vũ khí và thuốc phiện ở Saint-Denis. Theo thông báo ngày 20/08/2017 của một số dân biểu địa phương, kho vũ khí này gồm một súng phóng tên lửa chống tăng, ba bánh chất nổ, hai khẩu súng ngắn và nhiều đạn được cùng với 40 kg thuốc phiện trong cư xá Jacques-Duclos, ở tỉnh Saint-Denis, ngoại ô Paris. Một người bảo vệ tòa nhà đã bị cảnh sát thẩm vấn. Ngoài ra, hai người đàn ông 30 và 40 tuổi cũng bị thẩm tra và bắt giam ngày 19/08 vì tội buôn bán vũ khí và thuốc phiện.

(RFI) – Anh : Tháp đồng hồ Big Ben tạm nghỉ 4 năm. Trưa 21/08/2017, người dân Anh Quốc tập trung dưới chân tháp Big Ben để nghe những tiếng chuông cuối cùng. Công việc bảo dưỡng dự kiến déo dài 4 năm, gồm sơn lại quả chuông nặng 13,7 tấn, cải thiện bộ máy của đồng hồ và trùng tu toàn bộ tháp Big Ben. Tuy nhiên, công chúng vẫn có thể nghe được tiếng chuông vào dịp Năm Mới hoặc ngày kỷ niệm Đình chiến Thế Giới thứ nhất (11/11/1918).

(AFP) – Thủ tướng Đức cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên « lạm dụng » Interpol, trong việc bắt nhà văn Đức gốc Thổ Dogan Akhanli, thường viết về nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài phát thanh RTL ngày 20/08/2017, bà Merkel cũng hoan nghênh việc chính quyền Madrid trả tự do cho nhà văn này, sau khi Berlin phản đối. Nhà văn Đức gốc Thổ vẫn phải lưu lại Madrid trong khi chờ Thổ Nhĩ Kỳ chính thức yêu cầu dẫn độ. Sự kiện này lại khiến quan hệ Berlin-Ankara thêm căng thẳng.

(AFP) – Phần Lan : Nghi phạm tấn công bằng dao ở Turku quan tâm đến « tư tưởng cực đoan ». Abderrahman Mechkah, 18 tuổi, được cho là mang quốc tịch Maroc, là thủ phạm vụ tấn công được cho là « khủng bố », nhưng động cơ gây án vẫn chưa được làm rõ. Ngày 21/08/2017, Cơ quan tình báo Phần Lan (Supo) cho biết, đầu năm 2017, cảnh sát từng nhận được thông tin cho biết Abderrahman Mechkah « trở nên cực đoan », song không có thông tin liên quan đến một vụ tấn công. Nghi phạm đã bị cảnh sát thẩm vấn tại bệnh viện ngày 20/08 và sẽ bị một thẩm phán thẩm vấn vào ngày 22/08 qua hệ thống video từ bệnh viện.

(AFP) – Mỹ đình chỉ cấp visa cho Nga. Theo đại sứ quán Mỹ, việc cấp các visa không thuộc loại định cư dài hạn sẽ tạm thời đình chỉ kể từ thứ Tư, 23/08/2017. Đại sứ quán Hoa Kỳ giải thích do số lượng nhân viên sứ quán bị cắt giảm theo đòi hỏi của Matxcơva, dịch vụ cấp visa buộc phải đình chỉ cho đến ngày 01/09 tại thủ đô nước Nga. Tuy nhiên, hoạt động cấp visa sẽ bị đình chỉ vô thời hạn đối với cơ quan lãnh sự quán ở các thành phố khác. Các biện pháp nói trên sẽ tiếp tục có hiệu lực, chừng nào mà Nga duy trì quyết định buộc Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao, được đưa ra hồi tháng Bẩy.

(Reuters) – Nga tiêu diệt 200 chiến binh Daech. Các hãng tin Nga dẫn thông tin từ bộ Quốc Phòng Nga, cho hay các cuộc không kích mới đây tại miền đông Syria, đã tiêu diệt hơn 200 chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Không quân Nga tấn công nhằm vào một đoàn xe của Daech của Daech tại khu vực gần thành phố Dair az Zour, nơi lực lượng này rút về cố thủ, kể từ khi thất thủ tại Mossoul, Irak.

(AFP) – Irak siết vòng vây thành trì Tal Afar của Daech. Sau khi chiếm được bốn ngôi làng, ngày 21/08/2017, với sự trợ giúp của liên quân quốc tế, quân đội Irak đã mở ba hướng tấn công nhắm vào Tal Afar, một trong những thành trì ở phía bắc Irak của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và bố trí lực lượng tại các cửa ngõ dẫn vào khu vực này. Chính quyền địa phương lo ngại hàng nghìn quân thánh chiến trụ trong thành phố sẽ dùng thường dân làm bia đỡ đạn.

(AFP) – Qatar bác bỏ thông tin cấm máy bay Ả Rập Xê Út trở người hành hương đến thánh địa Mecca dừng tại Doha. Ngày 21/08/2017, Cơ quan hàng không dân dụng Qatar tuyên bố « những cáo buộc (của Ả Rập Xê Út) là vô căn cứ » khi truyền thông của nước láng giềng đưa tin Doha từ chối cho các chuyến bay chở người hành hương, do Ả Rập Xê Út chi trả, được quá cảnh tại Doha. Tuần trước, Ryad thông báo đã mở cửa trở lại biên giới trên bộ với Qatar, người hành hương có thể đến thánh địa Mecca bắt đầu lễ Hajj vào cuối tháng Tám.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170821-tin-doc-nhanh