Đọc báo Pháp – 21/05/2020
Uy tín lên cao, Tổng thống Đài Loan không sợ đối đầu Trung Quốc – Thụy My
Có đến 73% người Đài Loan tín nhiệm tổng thống Thái Anh Văn, chỉ có 2,7% cảm thấy mình là người Trung Quốc. Mặc cho Tập Cận Bình đe dọa, đa số chuyên gia phương Tây tin rằng Bắc Kinh khó thể can thiệp quân sự, do nguy cơ xung đột lan rộng, và tác động tiêu cực lên hình ảnh của Trung Quốc trước thế giới.
Hôm nay 21/05/2020 là ngày nghỉ lễ Thăng Thiên (Ascention), hai tờ La Croix và Les Echos vắng mặt. Tựa chính của các báo phát hành hôm nay tập trung vào tình hình kinh tế nước Pháp ảm đạm do dịch corona.
Le Figaro chạy tựa « Renault, cú sốc xã hội đầu tiên của cuộc khủng hoảng dịch tễ ». Đã suy yếu từ trước khi đại dịch virus corona xảy ra, dự định đóng cửa ba nhà máy của tập đoàn xe hơi Pháp gây tranh cãi. Libération quan tâm đến « Covid-19, sự lây lan các kế hoạch sa thải ». Phá sản, giảm bớt nhân sự…các thông báo liên tục được đưa ra với sự chậm lại của nền kinh tế, gây lo ngại bùng nổ thất nghiệp. Le Monde nói về hai dự luật của chính phủ : lùi lại thêm 9 năm nữa việc bù đắp thâm hụt cho quỹ phúc lợi xã hội, lập thêm một nhánh mới để chăm lo cho người già không tự vận động được.
70% người dân coi trọng bản sắc Đài Loan thay vì Trung Quốc
Liên quan đến châu Á, Le Monde nhận định « Uy tín đang ở mức cao nhất, nữ tổng thống Đài Loan khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai » kể từ hôm qua.
Theo cuộc thăm dò công bố hôm thứ Hai 18/05, có đến 73% người Đài Loan tín nhiệm bà Thái Anh Văn. Nhờ quản lý tốt cuộc khủng hoảng dịch tễ, hòn đảo 23 triệu dân chỉ có 7 người chết vì virus corona, mà không cần phải phong tỏa đất nước. Một kết quả đầy ý nghĩa nữa là có đến 70% người dân tự coi mình là người Đài Loan, chỉ có 2,7% cảm thấy là người Trung Quốc, và 25,2% « cả hai ». Đây là yếu tố quan trọng, vì nhiệm kỳ thứ hai của nữ tổng thống đảng Dân Tiến tiếp tục bị mối quan hệ với Bắc Kinh chi phối.
Đọc thêm: Thế giới lo đối phó dịch bệnh, Trung Quốc tăng cường đe dọa Đài Loan
Tập Cận Bình đã tuyên bố không muốn « để lại cho các thế hệ sau » việc « thống nhất » Đài Loan với « mẫu quốc », và ông ta không loại trừ việc sử dụng đến vũ lực. Từ giữa tháng Giêng đến nay, hải quân và không quân Trung Quốc đã hơn một chục lần xâm nhập lãnh hải và không phận Đài Loan.
Trong bài diễn văn nhậm chức hôm qua, bà Thái Anh Văn nhắc lại bốn nguyên tắc cho quan hệ giữa đôi bờ eo biển : hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại. Bà không đề cập đến công thức « Một đất nước, hai chế độ » áp dụng cho Hồng Kông mà ông Tập muốn dẫn dụ Đài Loan. Cho dù là chủ tịch đảng Dân Tiến vốn chủ trương độc lập, bà Thái vẫn muốn duy trì nguyên trạng « một cách hòa bình và ổn định », « đôi bên phải tìm ra phương thức cùng chung sống lâu dài ».
29 nước ủng hộ Đài Bắc trong hội nghị WHO
Từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016, Bắc Kinh không ngừng bao vây về ngoại giao. Trong bốn năm qua, Đài Loan đã bị mất 7 đồng minh, chỉ còn được 15 nước nhỏ chính thức công nhận, trong đó ý nghĩa nhất là Vatican.
Tuy nhiên Đài Loan được nhiều nước phương Tây ủng hộ, đặc biệt là Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump còn đi xa hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào, qua việc siết chặt quan hệ và hợp tác quân sự. Dù Đài Loan không quay lại được với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 18/05 do Trung Quốc ngăn trở, nhưng đã có đến 29 nước đứng về phía Đài Bắc trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand.
Một trong những mục tiêu của bà Thái Anh Văn là « tăng cường hợp tác với các nước cùng chia sẻ những giá trị chung ». Đài Loan còn muốn « thu hút vốn đầu tư và tài năng của toàn thế giới ». Tuy nhiên kỹ nghệ điện tử của Đài Loan hiện diện cùng lúc ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở thế rất nhạy cảm.
Trung Quốc đe dọa, nhưng khó thể cưỡng chiếm Đài Loan
Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne, việc quản lý hiệu quả khủng hoảng dịch tễ giúp bà Thái có khởi đầu thuận lợi cho nhiệm kỳ hai. Le Figaro dẫn lời nhà Trung Quốc học Kerry Brown ở King’s College : « Trung Quốc đã mất hẳn Đài Loan trong cuộc khủng hoảng virus corona ».
Đọc thêm: Virus corona : Đài Loan chống dịch thành công, Trung Quốc tức tối
Bà Thái Anh Văn còn phải tìm được sự thăng bằng cho người dân ngày càng gắn bó hơn với bản sắc Đài Loan – khác biệt với Trung Quốc, và thực tế tương quan lực lượng. Chuyên gia quân sự này nhận định « cách biệt về năng lực quân sự với Trung Quốc đang tăng lên, nhưng Đài Loan có lực lượng phòng thủ vững chắc ».
An ninh quốc gia là ưu tiên thứ ba của nữ tổng thống, sau phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đối với ông Duchâtel, tuy vậy an ninh của Đài Loan ngày càng lệ thuộc hơn vào khả năng răn đe của Hoa Kỳ. Mặc cho Tập Cận Bình đe dọa, đa số chuyên gia phương Tây tin rằng Trung Quốc khó thể can thiệp quân sự, do nguy cơ xung đột lan rộng, và tác động tiêu cực lên hình ảnh của Trung Quốc trước thế giới.
Mỹ : Trump đối đầu Obama
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Monde nhận thấy « Trump chống lại Obama : Sự thù địch đè nặng lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ».
Bộ trưởng tư pháp William Barr hôm thứ Hai đầu tuần đã từ chối mở điều tra đối với cựu tổng thống Barack Obama, mà ông Donald Trump đã đe dọa từ nhiều ngày qua, cũng như đối với cựu tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông Trump tháng 11 tới. Theo tổng thống Donald Trump và một số tờ báo bảo thủ, thì Obama đã huy động phương tiện của liên bang trong những ngày cuối nhiệm kỳ để tìm cách lật đổ người kế nhiệm trong « hồ sơ Nga ».
Chiến dịch tranh cử kỳ này là giai đoạn mới của cuộc song đấu từ nhiều năm qua giữa hai nhân vật hoàn toàn đối nghịch, từ xuất thân gia đình, quá trình hoạt động cho đến tính cách. Bị Obama chế giễu trong một buổi dạ tiệc năm 2011, nhà tỉ phú đã trả thù 5 năm sau đó bằng cách hiên ngang thay chân ông Barack Obama ở Phòng bầu dục Nhà Trắng.
Sự thù nghịch này cùng với việc ông Trump xóa hết các chính sách trước đây của Obama như nhập cư, môi trường…khiến cựu tổng thống coi việc Joe Biden thắng cử là ưu tiên hàng đầu. Obama công khai gọi việc ông Trump xử lý khủng hoảng dịch tễ « hoàn toàn là thảm họa », còn Donald Trump tố cáo « sự bất tài tệ hại » của người tiền nhiệm trong dịch cúm A (H1N1) năm 2009 khiến hơn 10.000 người chết và để lại kho thiết bị y tế trống rỗng.
Khi xuất hiện như đối thủ hàng đầu của Donald Trump, Barack Obama có nguy cơ làm Joe Biden vốn đã mờ nhạt nay càng yếu thêm, tuy nhiên có thể giúp huy động cử tri gốc Phi từng ủng hộ nhiệt thành tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Sự thay đổi 180° của thủ tướng Đức
Tại châu Âu, Le Monde cho rằng « Ở cuối con đường, bà Angela Merkel đã làm những gì phải làm ». Được Paris thúc giục, Berlin đã thay đổi ý kiến về quỹ tái thiết châu Âu, thấy rằng lợi ích cho châu Âu cũng là lợi ích của nước Đức.
Tờ báo nhắc lại, cách đây 9 năm, cựu thủ tướng Đức Helmut Schmidt ở tuổi 93 đã đọc bài diễn văn cuối cùng của mình trong đại hội đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ông nhấn mạnh, sức mạnh của Đức không thể thành hiện thực nếu không có kế hoạch Marshall, cộng đồng châu Âu và NATO, « không có sự giúp đỡ của các nước láng giềng và sự sụp đổ của khối Đông Âu ». Như vậy nước Đức phải đáp lại khi các láng giềng cần giúp đỡ, hội nhập vào châu Âu cũng là để bảo vệ chính mình.
Thủ tướng Schmidt đã qua đời năm 2015, nhưng thông điệp của ông vẫn mang tính thời sự. Hôm thứ Hai 18/05, một thủ tướng Dân chủ Xã hội khác, chưa từng sống qua hai cuộc đại chiến thế giới như ông nhưng trải qua chiến tranh lạnh, đã nối gót. Là người quản lý giỏi hơn là có tầm nhìn xa, ít dùng những lời hoa mỹ, bà Angela Merkel đã tìm được những từ đơn giản để giải thích cho sự thay đổi 180 độ của bà về ngân sách châu Âu ; phá vỡ cấm kỵ xưa nay về việc châu Âu cùng vay nợ để giúp những nước bị đại dịch tàn phá có thể hồi phục.
Hồi tháng Ba, bà Merkel từng tỏ ra lạnh lùng trước tình trạng của Ý và Tây Ban Nha, nhưng nay bà đã hiểu « cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu » đe dọa châu lục, đồng thời cũng đe dọa nước Đức. Thực dụng, bà Merkel đồng thời là nhà chiến thuật. Quyết định của Tòa bảo hiến Karlsruhe hôm 05/05 có tác dụng như một quả bom trong giới thân châu Âu kể cả ở Đức. Angela Merkel thấy rằng không thể để đại dịch nhấn chìm cả châu Âu, và rốt cuộc thỏa hiệp được với Paris.
Ngày 01/07 tới, Đức sẽ trở thành chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng. Đây sẽ là nhiệm vụ châu Âu cuối cùng của thủ tướng Merkel, vốn sẽ rời chính trường năm tới, sau 15 năm lãnh đạo nước Đức. Bà chỉ còn vài tuần lễ để thuyết phục các nước Bắc Âu cứng rắn vẫn chống lại việc gánh nợ chung.
Pháp : Nguy cơ khi khẩu trang thành rác thải
Tại Pháp, Libération đề cập đến một khía cạnh khác của đại dịch corona trong bài « Rác thải độc hại : Khẩu trang rơi vãi ». Các nhân viên vệ sinh vốn đang gánh chịu nguy cơ phơi nhiễm, nay phải đối phó với những chiếc khẩu trang dùng một lần bị quẳng trên đường phố, cống nghẹt vì khăn giấy tẩm chất sát trùng…
Chính quyền nay kêu gọi cho khẩu trang và khăn ướt xài rồi vào túi ni-lông, giữ trong nhà 24 giờ rồi mới cho vào thùng rác, loại dành cho rác không tái chế được. Một dân biểu đề nghị tăng tiền phạt từ 68 euro lên 300 euro đối với những ai xả rác bừa bãi.
Một hệ quả khác của dịch corona, là từ nay Paris không còn sử dụng nước không tái chế để rửa đường phố và tưới cây ở công viên, vì sợ nhiễm virus. Có nghĩa là dùng nước uống được cho công việc này, thay vì nước sông Seine, kinh rạch…Ngược lại, đất bùn thu được từ các trạm tái chế nước thải dùng làm lớp đất mặt cho nông nghiệp nay lại có chất lượng tốt hơn.
Khẩu trang làm son phấn hết thời ?
Đối với phụ nữ, « Khẩu trang làm thay đổi thói quen trang điểm thường lệ », theo Le Figaro. Năm nay khó có việc những nét môi son đỏ thắm màu lựu hoặc màu san hô đầy sức sống quay trở lại như những mùa hè năm trước.
Dưới cặp kính mát và chiếc khẩu trang che kín mặt, không còn có thể làm đẹp : son, phấn nền lem vào vải, có thể khiến khẩu trang không còn chống virus một cách hiệu quả. Tại Hàn Quốc đã có bán loại nước xịt để cố định phấn trang điểm, và loại phấn không lem, tuy làm khô da.
Sức nóng và mồ hôi còn có thể làm nổi mụn và vi khuẩn sinh sôi. Một nhà sản xuất mỹ phẩm cho rằng việc đeo khẩu trang có thể làm người sử dụng bỏ rơi các loại kem dễ gây kích ứng, nhường chỗ cho những loại tăng cường bảo vệ làn da mặt.
Tin tổng hợp
(AFP) – Viện Công tố đề nghị án tù 35 năm đối với cựu tổng thống Hàn Quốc.
Hôm qua, 20/05/2020, Viện Công tố Hàn Quốc đã đề nghị bản án này trong phiên xử phúc thẩm. Nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã bị truất phế vào năm 2017 và bị kết án 32 năm tù vì tội tham nhũng và lạm quyền. Theo hãng tin Yonhap, bà Park Geun Hye đã tẩy chay phiên tòa. Bản án sẽ được tuyên vào ngày 10/07 tới.
(AFP) – Covid-19 : Cuba xin hoãn trả nợ.
Với nền kinh tế bị suy yếu do tác động của dịch Covid-19, Cuba muốn các chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris cho hoãn trả nợ đến 2022. Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, phó thủ tướng Cuba Ricardo Cabrisas đã viết thư cho CLB Paris để yêu cầu như trên. Vốn vẫn còn bị Mỹ cấm vận, Cuba đã từng xin hoãn đến cuối tháng 5 để trả các món nợ đáo hạn của năm 2019.
(AFP) – Nếu không diễn ra tháng 07/2021, Thế vận hội Tokyo sẽ bị hủy.
Đó là thừa nhận của chủ tịch Ủy ban Thế vận Quốc tế (CIO) Thomas Bach hôm qua, 20/05/2020. Do tình tình dịch Covid-19, Thế vận hội Tokyo 2020 đã bị dời lại 1 năm. Ông Thomas đã thừa nhận như trên khi được hỏi về tuyên bố của chủ tịch ủy ban tổ chức Nhật Bản Yoshiro Mori vào cuối tháng 4, rằng nếu đại dịch tiếp diễn vào mùa hè năm tới thì sẽ phải hủy Thế vận hội Tokyo.
(AFP) – Mỹ trừng phạt bộ trưởng Nội Vụ Iran, vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchon hôm qua 20/05/2020 tố cáo chế độ Teheran đàn áp dữ dội người dân Iran bất đồng ý kiến, kể cả tuần hành ôn hòa. Công ty nhà nước LEF, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng, dịch vụ, công nghệ và nhà băng cũng như các lãnh đạo của LEF, cũng bị Washington trừng phạt vì có vai trò chủ chốt trong các cuộc đàn áp của chính phủ, trong việc quản lý các trại giam, nơi diễn ra nhiều hành vi tra tấn về thể chất và tinh thần.
(Reuters) – Covid-19 : Air France chấm dứt khai thác máy bay A380.
Tập đoàn Air France-KLM hôm qua 20/05/2020 thông báo như trên. Hiện nay, Air France sở hữu 5 máy bay A380. Air France thay thế A380 bằng các loại máy bay thế hệ mới hơn : A350 và Boeing 787. Ban đầu, Air France dự kiến ngưng khai thác A380 vào cuối năm 2022, nhưng khủng hoảng đã đẩy nhanh quyết định.
(AFP) – Thượng đỉnh Pháp ngữ bị đẩy lui sang năm 2021.
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) hôm qua 20/05/2020 thông báo lý do là cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Ban đầu thượng đỉnh lần thứ 18 dự kiến diễn ra vào hai ngày 12-13 tháng 12/2020, tại Tunis, Tunisia.
(AFP) – Pháp chính thức xóa bỏ đồng Franc CFA tại Tây Phi vào hôm qua 20/05/2020.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Pháp Le Drian khẳng định Pháp không từ bỏ các cam kết tài chính tại Tây Phi. Theo một thỏa thuận ngày 21/12/2019 giữa Pháp và các nước Tây Phi, đồng Franc CFA sẽ được thay thế bằng đồng ECO. Việc xóa bỏ đồng tiền này biểu trưng cho sự đổi mới trong quan hệ giữa Pháp và châu Phi, bởi đồng Franc CFA bị coi là di sản từ thời thực dân Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200521-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 21/5:
Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích ông Tập nói dối
về Covid-19;
Trung Quốc xây sân bay sát cạnh Đài Loan
Lục Du
Chào mừng quý độc giả của Đại Kỷ Nguyên đến với mục Điểm tin thế giới. Sáng nay, thứ Năm (21/5), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ nghi ngờ ông Tập nói dối về Covid-19
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo một lần nữa chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc về vấn đề dịch viêm phổi Vũ Hán, nói rằng 2 tỷ USD mà Bắc Kinh cam kết đóng góp để chống lại đại dịch không “đáng gì” so với việc hàng trăm ngàn người trên thế giới đã thiệt mạng và hàng ngàn tỷ đô la mà các nước chịu thiệt hại vì Covid-19, theo Reuters.
Ông Pompeo cũng tỏ ý nghi ngờ tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh đã minh bạch thông tin sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, nói rằng nếu ông Tập muốn chứng minh điều đó thì nên tổ chức một cuộc họp báo để phóng viên hỏi ông ta bất cứ điều gì.
“Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong tuần này rằng Trung Quốc đang hành động với trách nhiệm công khai, minh bạch. Tôi ước gì nó đúng là vậy”, ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao.
Trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã lặp lại cáo buộc chính quyền Trung Quốc tiếp tục tìm cách trì hoãn việc trưng ra các mẫu virus và cho chuyên gia quốc tế tiếp cận các cơ sở nghiên cứu về virus ở Vũ Hán để thực hiện ý đồ kiểm duyệt thông tin gắt gao “hơn nữa”.
Chính quyền Hồng Kông hạn chế người dân tưởng niệm ngày Lục Tứ
Không thể tập trung đông người do lệnh cấm, nhưng người Hồng Kông sẽ vẫn thắp nến để tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn diễn ra vào ngày 4/6 cách đây 31 năm, một người tham gia tổ chức sự kiện này nói với Reuters hôm thứ Tư.
Hôm thứ Ba, chính quyền Hồng Kông đưa ra thông báo gia hạn lệnh cấm người dân tụ tập quá 8 người tới hết ngày 4/6. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Hồng Kông không thể tổ chức các cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng chục ngàn người tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn như mọi năm.
Ông Lee Cheuk-yan, Chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước ở Trung Quốc, nói với Reuters rằng ông tin động cơ thúc đẩy nhà cầm quyền nới thêm lệnh cấm tụ tập đông người là vì để “đàn áp chính trị”.
Siêu bão tấn công Ấn Độ và Bangladesh giữa đại dịch
Hàng triệu người ở Bangladesh và Ấn Độ hôm thứ Tư đã phải đương đầu với ‘siêu bão’ Amphan đổ bộ vào bờ biển phía đông Ấn Độ mang theo gió lớn, những cơn mưa xối xả và các mối đe dọa tiềm ẩn của một cơn bão nguy hiểm cùng với nguy cơ lây lan virus Vũ Hán, theo SBS News.
Tổ chức Lưỡi liềm đỏ của Bangladesh thông tin, một tình nguyện viên đã bị chết đuối sau khi giúp người dân di chuyển tới nơi trú ẩn bão. Thuyền của tình nguyện viên này đã bị lật úp sau khi bị gió giật mạnh.
Trung Quốc xây dựng sân bay sát cạnh Đài Loan
Cư dân mạng Đài Loan đã phẫn nộ trước thông tin chính quyền Trung Quốc đang cho xây dựng một sân bay ngay sát bờ biển một hòn đảo thuộc chủ quyền của họ, cho rằng hành vi này của Bắc Kinh lộ rõ âm mưu muốn xâm phạm chủ quyền của Đài Loan, theo Taiwan News.
Liberty Times hôm thứ Tư cho hay, một cư dân của đảo Kim Môn, Đài Loan, đã phát hiện ra việc này và chụp hình công trình xây dựng sân bay của Trung Quốc đưa lên mạng. Bức ảnh nhanh chóng được cư dân mạng Đài Loan chia sẻ trên PTT, một mạng xã hội của Đài Loan, với dòng chú thích: “Sân bay mới ở Hạ Môn đang được xây dựng ngay sát đảo Kim Môn”.
Một cư dân mạng Đài Loan khác đã đăng lại bức ảnh với thông tin bổ sung, sân bay mà Bắc Kinh đang cho xây dựng chỉ cách bờ biển của đảo Kim Môn khoảng 6km và nhận định rằng hành động này của chính quyền Trung Quốc nằm trong âm mưu xâm phạm chủ quyền Đài Loan.
Bắc Kinh đặt hàng đồ bảo hộ y tế nhiều bất thường
Chính quyền Trung Quốc một lần nữa đã quay lại đặt hàng ồ ạt các nhà máy sản xuất đồ bảo hộ và thiết bị y tế, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai, theo bản tin hôm thứ Tư của Fox News.
Doanh nhân Mỹ Moshe Malamud, người đã có thâm niên hơn 20 năm kinh doanh với Trung Quốc, nói với The New York Post: “Tôi đã đặt một đơn hàng lớn hơn với một trong các nhà phân phối lớn hơn [ở Trung Quốc], và họ nói với tôi rằng, ‘Tôi có thể hoàn thành đơn hàng này nhưng sau đó chúng tôi đã được chính phủ Trung Quốc ký hợp đồng sản xuất 250 triệu áo bảo hộ’”.
Ông bình luận: “Chúng ta nghe nói Trung Quốc đã vượt qua dịch bệnh, vậy thì ‘Họ đặt mua 250 triệu áo choàng bảo hộ để làm gì?’”.
Ông Malamud cho biết ông cũng được nghe sự việc tương tự tại một nhà sản xuất nhiệt kế ở Trung Quốc.
Điểm tin thế giới chiều 21/5:
Lầu Năm Góc lên án Trung Quốc leo thang ở
Biển Đông; Mỹ quan ngại mức độ tự trị của Hồng Kông
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (21/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Lầu Năm Góc lên án Trung Quốc leo thang ở Biển Đông
Lầu Năm Góc cho biết lực lượng vũ trang Trung Quốc đã có các cuộc chạm trán “nguy hiểm” với quân đội Mỹ trên Biển Đông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Ông Reed Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Nam Á, nói với Fox News hôm 19/5 rằng đã xảy ra “ít nhất” 9 vụ việc đáng quan ngại liên quan tới các máy bay chiến đấu Trung Quốc và máy bay Mỹ tại vùng trời phía trên Biển Đông kể từ giữa tháng 3.
Ông Werner nói rằng Trung Quốc tiếp tục có “hành vi leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm”. Ông Werner cũng cho biết một tàu hộ tống của Trung Quốc đi cùng nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này đã di chuyển “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” gần tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ tại Biển Đông hồi tháng trước.
“Chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành vi gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông giữa đại dịch Covid-19. Trong khi các nước tập trung vào nội bộ (để chống dịch), Trung Quốc vẫn tiếp tục vươn ra bên ngoài”, ông Werner nhận định.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Eastburn cho biết Mỹ “quan ngại việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động cơ hội, chèn ép các nước láng giềng, đưa ra những yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Đông trong khi khu vực và thế giới tập trung đối phó với đại dịch Covid-19”.
Mỹ quan ngại mức độ tự trị của Hồng Kông
Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 20/4 cho biết cách chính quyền đối xử với các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông gần đây khiến Mỹ khó có thể đánh giá Hồng Kông vẫn duy trì mức độ tự trị cao.
Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Tổng thống Trump kí hồi tháng 11/2019, chính quyền Washington có thể dừng quy chế thương mại đặc biệt đã cấp cho Hồng Kông – dựa trên đánh giá hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc đặc khu này có duy trì được đủ mức tự quản để được hưởng ưu đãi hay không.
Ông Pompeo cho biết đánh giá này hiện vẫn đang được xem xét.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao những gì đang diễn ra ở đó”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo.
Ông Pompeo cho biết các nhà lập pháp Hồng Kông ủng hộ dân chủ phải chịu đựng sự “hành xử thô bạo” trong tuần này trong khi cố gắng ngăn chặn hành động của các chính trị gia thân Bắc Kinh mà họ cho là không đúng.
“Các nhà hoạt động hàng đầu Hồng Kông như Martin Lee và Jimmy Lai phải hầu tòa. Những hành động như vậy khiến cho việc đánh giá rằng Hồng Kông vẫn giữ mức độ tự trị cao trở nên khó khăn hơn”, ông Pompeo nhấn mạnh.
10.000 nhân viên y tế Iran nhiễm nCov
Hãng thông tấn bán chính thức ILNA dẫn lời phó Bộ trưởng y tế Iran hôm nay cho biết, khoảng 10.000 nhân viên y tế nước này đã nhiễm Covid-19 và nhiều người trong số đó đã tử vong.
Bé hai ngày tuổi tử vong sau khi nhiễm Covid-19
Tờ News24 cho hay, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize tối 20/5 xác nhận ca tử vong liên quan đến Covid-19 đầu tiên ở trẻ sơ sinh là một em bé hai ngày tuổi sinh non.
Ông Mkhize cho hay: “Người mẹ đã nhiễm Covid-19 và đứa trẻ sau đó cũng dương tính với Covid-19”. Em bé sinh non gặp khó khăn về phổi, cần hỗ trợ thông khí ngay sau khi sinh.
Tạp chí tiêu điểm
Mua lại nợ công: Tòa Bảo Hiến Đức
thách thức Liên Hiệp Châu Âu
Minh Anh
Thứ Ba, 05/05/2020, Tòa Bảo Hiến Đức ra tối hậu thư yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) trong vòng ba tháng phải giải thích rõ về chương trình mua nợ đưa ra năm 2015. Năm ngày sau, 10/05/2020, trong một thông cáo, Ủy Ban Châu Âu cho biết xem xét khả năng mở một vụ kiện chống Đức. Vì sao Đức và Liên Hiệp Châu Âu lại đọ sức với nhau vào lúc này ? Đâu là những rủi ro cho tương lai khu vực đồng euro ?
Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vượt quá thẩm quyền ?
Tòa Bảo Hiến Đức vừa đặt một quả bom nổ chậm ngay dưới chân nền tảng của khối đồng tiền chung euro, Le Monde ngày 07/05 thẳng thừng nhận xét. Các thẩm phán Đức ra hạn định Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu có ba tháng để giải trình về chính sách trên, bằng không họ có thể ra lệnh cho Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) – cổ đông lớn nhất của BCE, ngưng tham gia vào chương trình mua lại trái phiếu công.
Với báo Le Monde phán quyết lạnh lùng này của thẩm phán Đức chẳng khác gì như « cú đánh trời giáng » đe dọa đến sự độc lập của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt, được thiết kế theo mô hình của Bundesbank.
Chuyện gì đã xảy ra cách nay năm năm ? Tại sao Tòa Bảo Hiến Đức lại đòi BCE phải giải thích vào lúc này ? Chuyên gia kinh tế Anne-Laure Delatte, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp, Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế (CEPII), trên đài RFI nhắc lại vụ việc :
« Sau cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) cũng như các ngân hàng khác trên thế giới đã đưa ra một chính sách tiền tệ rất đặc biệt mà người ta gọi là ʺQuantitative easingʺ (tạm dịch là chương trình nới lỏng định lượng), nghĩa là người ta mua phiếu nợ trên thị trường để cung cấp thanh khoản.
Đến năm 2015, BCE còn tiến thêm một bước nữa là đi mua các trái phiếu công trên thị trường thứ cấp. Nói ngắn gọn, BCE mua các loại phiếu nợ của các chính phủ, của các nước thành viên khối sử dụng chung đồng euro. Những nước khác họ cũng làm như thế như FED (Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ), Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc nhưng ở mức độ thấp hơn.
Kể từ năm 2015, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu thực hiện chương trình này và điều này rất quan trọng, bởi vì trên thực tế, BCE chi phối việc mua trái phiếu. Dần dà, bảng tổng kết của BCE ngày một phình to, đã tăng lên gấp 3 lần trong những năm gần đây. Việc mua loại trái phiếu được biết đến nhiều nhất PSPP (Public Sector Purchase Programme – Chương trình mua trái phiếu khu vực công) hiện chiếm đến gần như phân nửa chương trình mua phiếu nợ được ghi trong bảng tổng kết tài sản của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu. »
Một cách cụ thể, các thẩm phán Đức trách cứ Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu năm 2015 đã vượt quá thẩm quyền, thực thi một chính sách tiền tệ « quá bành trướng », « tỷ lệ thuận » với các rủi ro, có nguy cơ gây tác động đến vấn đề chủ quyền kinh tế của một quốc gia.
Chỉ có điều phán quyết được đưa ra không đúng thời điểm. Ngay giữa lúc nhiều nền kinh tế châu Âu đang kiệt quệ vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Liên Hiệp Châu Âu vừa thông qua một « kế hoạch khẩn cấp chống đại dịch » PEPP – Pandemic Emergency Purchase Programme. Cụ thể là Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu mua lại các khoản nợ công của các nước thành viên, trị giá 750 tỷ euro, nhằm vực dậy các nền kinh tế sau dịch bệnh.
Theo nhận định của ông Frederik Ducrozet, chuyên gia kinh tế ngân hàng tư nhân Pictet, khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde, quyết định này của các thẩm phán Đức còn ngầm nhắc lại những quy định do chính Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu tự áp đặt vào năm 2015 khi đưa ra kế hoạch mua lại nợ. « Một trong những nguyên tắc đó là Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu không nên chiếm giữ quá 33% mức nợ của một nước. Vậy khi người ta gộp cả hai chương trình PSPP và PEPP, họ đang tiến gần một cách nguy hiểm đến mức giới hạn này. Từ đây đến cuối năm 2020, BCE sẽ có nguy cơ nắm giữ đến hơn 33% nợ của nước Đức ».
Xung đột pháp lý giữa Đức và Liên Hiệp Châu Âu
Chính sách tiền tệ của BCE luôn là một chủ đề nhậy cảm tại Đức. Là những người rất tiết kiệm, người dân Đức cảm thấy bị thiệt hại nhiều bởi các chính sách tiền tệ của BCE từ 10 năm qua, nguồn cội của việc lãi suất thấp. Đây chính là điểm khiến cho những thành phần bảo thủ và cực hữu tại Đức, những người hoài nghi châu Âu khai thác tối đa cho các mục tiêu chính trị như nhận xét của nữ kinh tế gia Anne-Laure Delatte với đài RFI :
« Trên thực tế, có một bộ phận chính trị gia Đức phản đối ý tưởng dự án châu Âu, hay khối đồng euro theo mô hình liên bang. Ẩn sau thách thức chính trị này, những người dựa vào Tòa Bảo Hiến Đức là ai ? Đó là những thành viên của đảng CSU (Liên Minh Xã Hội Kitô Giáo Bayern), và nhất là đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland – Con đường khác cho nước Đức). Có một sự liên minh đặc biệt giữa những người có xu hướng bảo thủ và phe cực hữu để chống đối chính sách tiền tệ này của Liên Hiệp Châu Âu ».
Đây không phải là lần đầu tiên Tư Pháp Đức tấn công BCE. Ngay từ năm 2015, Tòa Bảo Hiến Đức đã phản đối chương trình PSPP. Nhưng đến tháng 12/2018, Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu (CJUE) khẳng định là chính sách tiền tệ này là hợp lệ. Dù vậy, các thẩm phán Đức vẫn cho rằng « những năm gần đây, Tòa Án Công Lý Châu Âu ngày càng đi quá đà trong việc diễn giải các hiệp ước như Maastricht (1993) hay Lisboa (2009) » theo như bình luận của một chuyên gia am tường trong lĩnh vực này với báo Le Monde.
Các thẩm phán Đức còn nghiêm khắc chỉ trích Tòa Công Lý Châu Âu đã thiếu các biện pháp nhằm giám sát các chương trình hành động của BCE. Về điểm này, một nhà ngoại giao giải thích với nhật báo Pháp rằng « các thẩm phán Đức tại Tòa Bảo Hiến có một quan niệm rất nghiêm ngặt trong việc phối hợp giữa luật pháp quốc gia và luật châu Âu ». Theo phân tích của ông Guntram Wolff, kinh tế gia và giám đốc Viện Bruegle trên đài RFI, bất đồng quan điểm pháp lý trong cách diễn giải các hiệp ước chính là vấn đề cốt lõi của vụ việc này.
« Đây mới chính là vấn đề trọng tâm theo như quan điểm của Tòa Bảo Hiến Đức. Việc đưa ra những quyết định cần thiết này từ một trong số các thẩm phán nhằm khẳng định rằng chính họ là người diễn giải giới hạn các thẩm quyền, rằng luật của châu Âu chỉ dành cho các định chế của Liên Hiệp Châu Âu. Các thẩm phán ở Luxembourg, Tòa Công Lý Liên Hiệp Châu Âu không thể diễn giải các giới hạn của luật hiến pháp Đức, theo đó, chính họ mới là người trao các thẩm quyền cho Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.
Đây chính là điểm xung đột. Bởi vì, theo quan điểm của Liên Hiệp Châu Âu, bắt đầu từ điều luật của Liên Hiệp và trong lô-gic của cách diễn giải này, chính Tòa Công Lý Châu Âu mới là bên chịu trách nhiệm diễn giải hiệp ước. Nhưng lô-gic quốc gia cho rằng yếu tố chủ quyền đất nước mới tạo dựng nên nền tảng cơ bản cho mọi hình thức chủ quyền châu Âu. Cuộc xung đột này mới chính là tâm điểm của cuộc tranh luận hiện nay. »
Nguy cơ khủng hoảng 2010 – 2012 tái diễn ?
Trước quyết định của Tòa Bảo Hiến Đức, Ủy Ban Châu Âu cho biết có thể mở một quy trình pháp lý kiện nước Đức. Chuyên gia Anne-Laure Delatte cảnh báo vụ việc này có nguy cơ vượt quá khuôn khổ chính sách kinh tế, tiền tệ và thương mại. « Ở đây còn có một thách thức chính trị thật sự nhằm phá vỡ các dự án hội nhập của Liên Hiệp. Trên thực tế, người ta đang tạo điều kiện cho các phe chủ nghĩa dân túy tại Hungary và Ba Lan cũng như tất cả những ai phản đối tiến trình hội nhập Liên Hiệp Châu Âu ».
Vẫn theo nữ kinh tế gia này, phán quyết này của Tòa Bảo Hiến Đức có nguy cơ để lại nhiều rủi ro cho tương lai khu vực đồng euro.
« Điểm quan trọng ở đây chính là cuộc khủng hoảng nợ công như những gì xảy ra trong giai đoạn 2010 – 2012, đã tái xuất hiện ngay từ tháng Ba. Thậm chí từ cuối tháng Hai, người ta đã thấy là nhiều khoản vay của Ý, lãi suất rủi ro của Ý, rủi ro mà các nhà đầu tư chấp nhận để cho chính phủ Ý vay tăng vọt. Quả thật người ta rất lo sợ là cuộc khủng hoảng 2010 -2012 lại tiếp diễn.
Trên thực tế, bà Christine Lagarde và đương nhiên là BCE đã làm mọi cách cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng và đã có phản ứng rất nhanh. Thế nên, khi đặt nghi vấn chính sách tiền tệ vào lúc này, đây quả thật là cực kỳ mạo hiểm bởi vì đây chính là người lính cứu hỏa duy nhất trong khu vực đồng euro hiện nay. Rủi thay là Hội Đồng Châu Âu và tất cả các định chế khác bên cạnh Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu lại không có một phương tiện nào để dập lửa như BCE đã làm ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200521-duc-toa-bao-hien-lien-hiep-chau-au-tien-te