Đọc báo Pháp – 20/05/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 20/05/2020

Chấn hưng kinh tế LHCÂ: Các nước “keo kiệt” thách thức đầu tầu Pháp-Đức – Trọng Nghĩa

Trên các nhật báo ra ngày hôm nay, 20/05/2020, làm tốn giấy mực nhiều nhất vẫn là sáng kiến khôi phục kinh tế Liên Hiệp Châu Âu thời hậu Covid-19 vừa được hai đầu tầu Pháp-Đức tung ra hôm 18/05. Các báo đều ghi nhận điểm nổi bật là tính chất liên đới tương trợ của đề nghị, một điểm đã lại làm dấy

lên phản ứng bất bình trong một số thành viên mà tờ báo thiên hữu Le Figaro không ngần ngại mệnh danh là “keo kiệt”.

Về chủ đề châu Âu thời hậu Covid-19, Le Monde chạy hàng tựa chính rất khách quan trên trang nhất: “Sáng kiến ​​của Macron và Merkel để khôi phục châu Âu”.

Tờ báo trước hết nhắc lại nội dung chính của kế hoạch chung Pháp-Đức nhằm khắc phục các tác hại ghê gớm mà dịch Covid-19 đã gây ra cho Liên Hiệp Châu Âu, với việc bơm 500 tỷ euro vào ngân sách chung của toàn khối dùng để chi cho các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các ngành nghề bị đại dịch tác hại nhiều nhất.

Berlin thay đổi hoàn toàn lập trường

Điều được tờ báo tâm đắc nhất là sự kiện Berlin đã xóa bỏ một cấm kỵ về kinh tế mà nước Đức vẫn duy trì cho đến gần đây. Trong bài viết “Paris và Berlin đoàn kết bên nhau để thúc đẩy trở lại nền kinh tế châu Âu”, tờ báo nhấn mạnh là khi đồng ý với Pháp về việc toàn khối sẽ cùng nhau chia sẻ các món nợ tái thiết của mỗi quốc gia thành viên, Đức đã mạnh dạn phá bỏ một cấm kỵ cố hữu về kinh tế.

Mục tiêu mà lãnh đạo hai đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu là Đức và Pháp đề ra là “ bảo đảm tính toàn vẹn của thị trường thống nhất châu Âu và khu vực đồng euro” mà sự tồn tại bị đại dịch Covid-19 đe dọa.

Theo Le Monde, sáng kiến Pháp-Đức có thể được coi là một cuộc cách mạng nhỏ, đặc biệt là đối với Berlin. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vẫn kiên quyết phản đối mọi ý tưởng về việc toàn khối gánh vác các khoản nợ tái thiết của các thành viên tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ngày 26/03, rốt cuộc đã cởi mở hơn khi đáp ứng đề nghị thể hiện tình liên đới từng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra.

Nhật báo Pháp ghi nhận: “Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, Ý và Tây Ban Nha đã luôn luôn yêu cầu toàn Liên Âu thể hiện tình đoàn kết. Các nước như Bồ Đào Nha, Hy Lạp hay Pháp cũng vậy. Ngược lại, các quốc gia được gọi là “tằn tiện” như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch đã kiên quyết chống lại. Cho đến nay, Đức vẫn là đồng minh của các nước vừa kể, nhưng giờ đây đã quyết định đổi phe.

Le Figaro: Các nước “keo kiệt” nghĩ đến việc phản công

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng đồng quan điểm với Le Monde, cho rằng thay đổi lập trường của bà Merkel là một điều “Kolossal” – gọi theo tiếng Đức – nghĩa là cực kỳ to lớn.

Trong bài “Macron đã làm thế nào để lôi kéo được Merkel cùng chấp nhận ý tưởng về sự đoàn kết tài chính châu Âu”, Le Figaro còn nhấn mạnh đến tính chất to lớn về mặt tài chánh của sáng kiến chung Pháp-Đức: Ngân sách 500 tỷ euro dĩ nhiên là thua xa con số từ 1.000 đến 1.500 tỷ mà Paris hy vọng, nhưng vẫn cao hơn kế hoạch Marshall của Mỹ thời kỳ sau năm 1945.

Đối với tờ báo, việc thủ tướng Đức thay đổi 180 độ lập trường, đồng thuận với tổng thống Pháp, đã khiến nhiều nước phải nghiến răng căm tức. Trong bài “Các nước “keo kiệt” đang suy tính đến một cuộc phản công”, Le Figaro nêu bật phản ứng trước mắt của nhóm 4 nước Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch, nổi tiếng về lập trường kiên quyết không chấp nhận gánh vác nợ nần của các thành viên khác.

Theo Le Figaro, thủ tướng Áo Sebastian Kurz, là người đầu tiên phản ứng, lên tiếng bày tỏ ngay vào tối thứ 18/05 thái độ phản đối của ông đối với đề xuất Pháp-Đức. Ông còn nhân danh nhóm bốn nước bao gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển khẳng định rằng lập trường của họ vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu đã thấy rằng quan điểm của Hà Lan có dấu hiệu thay đổi, như việc bộ trưởng Tài Chánh Hà Lan Wopke Hoekstra, vốn rất nhanh nhảu trong việc phản đối, lần này đã kín tiếng hơn, trung thành với quan điểm của thủ tướng Hà Lan Mark Rutte theo đó phải đợi cho đến khi Ủy Ban Châu Âu cụ thể hóa đề xuất của Pháp-Đức vào tuần tới trước khi có phản ứng.

Les Echos: Pháp-Đức đề nghị tăng thẩm quyền y tế cho LHCÂ

Cũng liên quan đến sáng kiến mới Pháp-Đức, trong một bài viết được giới thiệu trên trang nhất, nhật báo kinh tế Les Echos thấy rằng trong lãnh vực công nghiệp y tế, hai nhà lãnh đạo Macron và Merkel cũng mong muốn châu Âu có một chính sách chung.

Đối với Les Echos, đại dịch Covid-19 đã phơi bày các giới hạn trong chính sách y tế riêng rẽ của từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Do vậy, Paris và Berlin muốn “trang bị cho châu Âu những thẩm quyền rất cụ thể về mặt y tế”.

Những thẩm quyền này có thể liên quan đến việc bảo đảm cho Liên Âu có một kho dự trữ chung về khẩu trang, các thiết bị xét nghiệm, hay là khả năng mua chung các loại thuốc trị liệu, vac-xin, hoặc là đề ra những kế hoạch phòng ngừa ở cấp châu Âu.

Hai đầu tầu Đức và Pháp đã thấy đó là các hướng đi cần phát triển lâu dài, và Ủy Ban Châu Âu sẽ đưa ra đề nghị cụ thể vào tuần tới đây trong khuôn khổ ngân sách sắp tới của Liên Hiệp Châu Âu.

Le Figaro: Covid-19 đe dọa chế độ làm việc 35 giờ/tuần?

Trên trang nhất của mình, Le Figaro cũng chú ý đến các kế sách đối phó với khủng hoảng kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra, nhưng nhấn mạnh đến tình hình tại Pháp.

Dưới hàng tựa lớn: “Phải chăng sẽ phải làm việc nhiều hơn để vượt qua khủng hoảng ?”, Le Figaro ghi nhận một xu thế đang xuất hiện: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy các công ty xí nghiệp xem xét lại vấn đề tổ chức lao động, bắt đầu gây nên tranh luận về tuần lễ làm việc 35 giờ hiện nay”.

Tờ báo trích dẫn một tuyên bố thẳng thắn của chủ tịch hiệp hội chủ nhân Pháp Medef, ông Geoffroy Roux de Bézieux trong một bài phỏng vấn, khẳng định rằng “sớm muộn gì thì cũng phải xem xét lại vấn đề thời gian làm việc, số ngày nghỉ lễ, và chế độ nghỉ phép có lương để hỗ trợ tiến trình khôi phục kinh tế và tạo điều kiện cho việc thúc đẩy thêm tăng trưởng bằng cách làm việc nhiều hơn”.

Theo nhật báo Pháp, từ ngày có bài phỏng vấn đó đến nay, tranh luận bắt đầu nỗi lên về việc làm sao để các xí nghiệp thích nghi được với khủng hoảng. Nhiều xí nghiệp bị tác động mạnh sau hai tháng hoạt động hoàn toàn bị ngưng trệ, sẽ bắt đầu các cuộc thương lượng để điều chỉnh cách tổ chức sản xuất, với việc kéo dài thời gian lao động để cứu vãn công ăn việc làm.

Một cơ chế mới, thỏa thuận về hiệu năng tập thể, ký với các công đoàn đại diện cho đa số người lao động, cho phép xem xét lại các điều kiện làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, từ vấn đề mức lương, nơi làm việc và thời gian lao động, cho đến vấn đề vận hành theo ê kíp làm việc.

Tờ báo thiên hữu đã không ngần ngại bênh vực cho việc xem xét lại chế độ làm việc 35 giờ từng được một chính quyền cánh tả tại Pháp đề ra khi ghi nhận “cánh hữu Pháp tiếp cận vấn đề lao động 35 giờ trên tinh thần không để cho ý thức hệ chi phối và một cách sáng suốt”.

Les Echos: Hàng tồn kho chất đống tại Pháp vì Covid19

Cũng quan tâm đến tình trạng kinh tế Pháp thời hậu Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos đã chú ý đến một hậu quả thương mại bất ngờ: khối lượng hàng tồn kho cực lớn của hầu hết các doanh nghiệp.

Tựa lớn trang nhất của Les Echos xác định: “Nền kinh tế đang lâm bệnh với khối hàng không bán được”.

Trên ba trang báo, tờ báo kinh tế đã liệt kê tình trạng hàng tồn kho càng lúc càng chồng chất ở các doanh nghiệp, trong lúc giới phân phối muốn chính quyền bật đèn xanh cho mùa hạ giá (Soldes hay Sales trong tiếng Anh) được mở ra sớm hơn.

Les Echos đặc biệt ghi nhận hai lãnh vực bị hiện tượng hàng ứ đọng tác hại. Trước hết là ngành thời trang may mặc, đang phải liên tục giảm giá, kế đến là ngành chế tạo ô tô, với những chiếc xe hơi chồng chất ở các đại lý mà không có người mua.

Một ví dụ điển hình được Les Echos phân tích là tình trạng của tập đoàn chế tạo ô tô Renault nổi tiếng của Pháp. Trong tình thế cực kỳ khốn khó, Renault đã được Nhà nước bảo đảm cho một khoản tín dụng lên đến 5 tỷ euro.

Libération: Bộ trưởng và đại biểu dân cử bị kiện vì virus corona

Trái với các đồng nghiệp, Libération và La Croix chú ý đến khía cạnh xã hội của giai đoạn hậu Covid-19.

Libération chú ý đến phương diện tư pháp, với câu hỏi lớn trên trang nhất: “Virus corona: Phải chăng sẽ có phản ứng quật ngược lại về mặt pháp lý?”

Theo tờ báo, hiện nay đã có rất nhiều đơn kiện, từ hàng chục đơn kiện các bộ trưởng (và kể cả thủ tướng) trước Tòa Án của Nền Cộng Hòa, cơ chế đặc trách xét xử các thành viên chính phủ đương nhiệm, cho đến những đơn kiện giới hạn ở cấp địa phương hay liên quan đến chế độ làm việc thời phong tỏa vì Covid-19.

Các đơn kiện này, đặc biệt là các khiếu nại trước Tham Chính Viện hay Tòa Án của Nền Cộng Hòa, cộng thêm với các đòi hỏi Quốc Hội thành lập ủy ban điều tra, đều nhằm buộc các đại biểu dân cử và các lãnh đạo cao cấp giải thích cách họ xử lý dịch bệnh trong thời gian qua.

Nhật báo La Croix thì chú ý đến lãnh vực tôn giáo, thở phào nhẹ nhõm trước việc “Cánh cửa những nơi thờ phượng đang hé mở”, tựa lớn trang nhất, trên nền Nhà Thờ Đức Bà Paris với một vài giáo dân đeo khẩu trang đứng phía trước.

http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200520-ch%C3%A2%CC%81n-h%C6%B0ng-kinh-t%C3%AA%CC%81-lhc%C3%A2-ca%CC%81c-n%C6%B0%C6%A1%CC%81c-keo-ki%C3%AA%CC%A3t-tha%CC%81ch-th%C6%B0%CC%81c-%C4%91%C3%A2%CC%80u-t%C3%A2%CC%80u-pha%CC%81p-%C4%91%C6%B0%CC%81c

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Dịch Covid-19 thêm trầm trọng tại Brazil. 

Lần đầu tiên, số ca tử vong trong vòng một ngày tại Brazil đã vượt ngưỡng 1.000 (1.179 ca), theo số liệu ngày 19/05/2020. Tuy nhiên, tình trạng tồi tệ nhất còn chưa tới vì đỉnh dịch sẽ diễn ra vào đầu tháng Sáu, theo dự báo của giới chuyên gia. Hiện tại, với tổng cộng gần 18.000 ca tử vong, Brazil chiếm hơn một nửa số ca tử vong vì virus corona ở Nam Mỹ và vùng Caribê.

(Reuters)  Nga : Tình hình dịch bắt đầu ổn định ? 

Số ca nhiễm mới tại Nga tăng thêm 8.764 người trong vòng 24 giờ và có 135 bệnh nhân chết vì Covid-19 theo số liệu ngày 20/05/2020 của Trung tâm khủng hoảng phụ trách chống dịch của Nga. Thủ tướng Nga cho rằng đây là dấu hiệu tình hình bắt đầu ổn định, nhưng ông vẫn kêu gọi thận trọng tại 17 vùng đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch.

(Yonhap) – Hàn Quốc : Học sinh cấp 3 đi học trở lại. 

Lần đầu tiên từ đầu năm 2020, ngày 20/05, học sinh cấp 3 ở Hàn Quốc được đi học trở lại sau khi học kỳ 2 bị nhiều lần trì hoãn từ tháng Ba. Ngoài đo nhiệt độ, nước khử trùng, học sinh và giáo viên sẽ phải đeo khẩu trang trong suốt buổi học, trừ lúc ăn trưa và phải giữ khoảng cách ít nhất 1 mét. Ngày 20/05, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ 9 ngày qua, với thêm 32 ca lây nhiễm trong cộng đồng, liên quan đến một trung tâm bệnh viện ở Seoul và trường hợp lây nhiễm từ khu Itaewon.

(AFP) – Ba CLB bóng đá Real, Bayern và Intern tổ chức Cúp Tương ái. 

Ý tưởng được CLB Real Madrid thông báo ngày 19/05/2020. Ba trận thi đấu của ba CLB hàng đầu châu Âu sẽ diễn ra vào năm 2021, tại Madrid, Milan và Munich nhằm gây quỹ cho các cơ quan dịch tễ tại Tây Ban Nha và Ý. Tại mỗi trận thị đấu, câu lạc bộ chủ nhà sẽ mời đội ngũ nhân viên y tế của thành phố đó đến dự để cảm ơn họ đã chiến đấu chống dịch Covid-19.

(AFP) – Nghị Viện Hungary bỏ phiếu bảo mật nội dung hợp đồng đầu tư tuyến đường sắt Budapest-Beograd,

nằm trong dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Dự luật, được Nghị Viện Hungary bỏ phiếu hôm 19/05/2020, ấn định thời hạn bảo mật 10 năm vì cho rằng việc công bố có thể « đe dọa khả năng thực hiện chính sách ngoại giao và lợi ích thương mại của Hungary ». Hungary, hợp tác với ngân hàng nhà nước Trung Quốc Exim, đầu tư 85% (tương đương khoảng 2 tỉ euro) vào dự án. Dự án gây lo lắng ở hai điểm : khả năng Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Hungary và nguy cơ tham nhũng trong tuyến đường dài 350 km ở Hungary.

(AFP) – Roll-Royce sa thải khoảng 9.000 nhân viên. 

Do tác động « chưa từng có » của dịch Covid-19 đến ngành hành không, tập đoàn sản xuất động cơ máy bay của Anh thông báo hôm 20/05/2020 giảm biên chế, chiểm khoảng 17% tổng số 52.000 nhân viên của tập đoàn, chủ yếu trong lĩnh vực hàng không dân sự, một số vị chí hành chính. Lĩnh vực quốc phòng không bị tác động.

(AFP) – Syria: Hoà đàm mở lại tại Genève ? 

Theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, Geir Pedersen, các phe xung đột đồng ý trở lại Genève « khi tình hình dịch cho phép ». Chương trình nghị sự lần này là bàn về dự thảo hiến pháp cho Syria hậu chiến. Tuy nhiên, đặc sứ Geir Pedersen không nói là khi nào đàm phán mở lại giữa phe tổng tống Bachar al Assad, đối lập và xã hội công dân. Cuộc họp đầu tiên diễn ra vào mùa thu 2019.

(AFP) – Bão Amphan đe dọa Ấn Độ và Bangladesh. 

Amphan, cơn bão lớn nhất từ hai thập niên nay vần vũ ngoài khơi vịnh Bengal, dự báo sẽ vào đất liền ngày 20/05/2020. Hàng triệu cư dân hai nước Ấn Độ và Bangladesh ở vùng duyên hải đã được di tản tránh những ngọn gió lên đến 185 km/giờ và sóng cao 5 thước.

(France 24) – Xe đạp dopping : Cựu vô địch ngựa sắt người Mỹ Lance Amstrong thú nhận thêm sự thật. 

Lance Amstrong, 48 tuổi, 7 lần vô địch Vòng Đua Nước Pháp, thú thật đã dùng thuốc tăng lực, gian lận  luật thể thao từ năm 21 tuổi. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài ESPN, thần tượng bị mất ngôi cùng một số tay đua xe đạp Mỹ trong đoàn US Postal như Tyler Hamilton và George Hincapie trả lời các câu hỏi về kinh nghiệm dopping của chính họ. Phóng sự sẽ được phát trong chương trình ngày 24 và 31/05 sắp đến.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200520-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 20/5:

Tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt

sắp trở lại Biển Đông

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (20/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý bạn đọc những tin sau:

Tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt sắp trở lại Biển Đông

Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Hoa Kỳ sẽ trở lại hoạt động vào cuối tuần này sau khi tạm nghỉ gần hai tháng vì hơn 1000 thủy thủ của tàu bị nhiễm virus Vũ Hán. Sự xuất hiện trở lại của tàu sân bay này sẽ góp phần đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, theo bản tin hôm thứ Ba của Fox News.

Kể từ giữa tháng Ba, trùng thời điểm Theodore Roosevelt ghé đảo Guam và tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách vấn đề Đông Nam Á, nói với Fox News.

“Chúng tôi nhìn thấy xu hướng hiện tại rất đáng lo ngại”, ông Werner nói, và cho biết thêm, “Chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành vi gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông” trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 và “trong khi các nước hướng sự tập trung vào bên trong, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của họ [ở vùng biển này]”.

Ông Tedros sẽ tiếp tục ‘lãnh đạo’ thế giới chống dịch

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Ba, cho biết ông sẽ tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

“Chúng tôi muốn có trách nhiệm hơn bất cứ ai”, ông Tedros nói trong cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của 194 thành viên WHO. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo chiến lược trong việc điều phối các phản ứng toàn cầu [đối với Covid-19]”.

Ông Tedros đưa ra phát biểu này sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ Hai rằng nếu WHO không có những tiến bộ sau 30 ngày thì Hoa Kỳ sẽ cắt toàn bộ viện trợ và xem xét việc rút khỏi tổ chức này. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích sự yếu kém cũng như các biểu hiện thiên vị Trung Quốc của WHO trong đại dịch Covid-19.

Afghanistan: Xả súng nhà thờ, 8 người thiệt mạng

Vào tối thứ Ba, các tay súng đã bắn chết 8 người và khiến 5 người khác bị thương tại một nhà thờ Hồi giáo ở miền Trung Afghanistan, các quan chức địa phương nói với Reuters.

Ông Wahida Shahkar, phát ngôn viên của thống đốc tỉnh Parwan, cho biết: “Các tay súng đã bắn vào những người đang cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo”.

Bộ Nội vụ Afghanistan đã xác nhận vụ tấn công xảy ra ở thủ phủ Chwankar của tỉnh Parwan, và cho rằng lực lượng Taliban đã làm việc này. Tuy nhiên, Taliban phủ nhận và nói rằng lực lượng an ninh Afghanistan vu khống họ.

Ông Trump ký lệnh loại bỏ các quy định cản trở kinh tế

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào thứ Ba để chỉ đạo các cơ quan liên bang cắt giảm các quy định, điều này theo ông sẽ giúp nền kinh tế phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

Ông Trump nói rằng sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan chính phủ phải loại bỏ “các quy định không cần thiết cản trở sự phục hồi của nền kinh tế”.

“Tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan xem xét lại hàng trăm quy định mà chúng tôi đã đình chỉ để phản ứng với virus và sẽ đình chỉ vĩnh viễn những quy định này nếu có thể”, ông Trump cho biết thêm.

Ông Pompeo nói Đài Loan là đối tác tin cậy của Mỹ

Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã chúc mừng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử, ca ngợi các biện pháp chống dịch của Đài Loan và gọi hòn đảo này là một đối tác đáng tin cậy, theo Reuters.

“Chúng ta có một tầm nhìn chung cho khu vực, hướng tới một mục tiêu bao gồm luật pháp, minh bạch, thịnh vượng và an ninh cho tất cả các nước”, ngoại trưởng Mỹ nói trong một tuyên bố, và cho biết thêm: “Đại dịch COVID-19 gần đây đã tạo cơ hội cho cộng đồng quốc tế nhìn thấy sự ưu việt trong mô hình chống đại dịch của Đài Loan”.

Bà Thái Anh Văn sẽ tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ hai vào thứ Tư. Reuters cho rằng trong bài phát biểu nhậm chức của mình, bà Thái sẽ đề cập tới việc “tham gia tích cực” vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, theo yêu cầu của Bắc Kinh, một trong các cơ quan hàng đầu của Liên Hợp Quốc

là WHO đã không để Đài Loan tham dự các cuộc họp thảo luận biện pháp đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-20-5-tau-san-bay-my-theodore-roosevelt-sap-tro-lai-bien-dong.html

 

Điểm tin thế giới chiều 20/5:

Trung Quốc nổi giận

vì Mỹ chúc mừng bà Thái Anh Văn

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (20/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Trung Quốc nổi giận vì Mỹ chúc mừng bà Thái Anh Văn

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay tuyên bố rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan và mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ vì đã gửi lời chúc mừng bà Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ hai.

“Trung Quốc sẽ có biện pháp đối phó cần thiết và Hoa Kỳ phải gánh chịu hậu quả”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Tổng thống Thái Anh Văn chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình hôm nay (20/5). Một số quan chức Mỹ, trong đó có ông Pompeo đã gửi lời chúc mừng, đồng thời ca ngợi Đài Loan là hình mẫu của một nền dân chủ.

Campuchia dỡ lệnh cấm du khách từ 6 nước

Reuters dẫn tin từ Bộ Y tế Campuchia hôm nay cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đã dỡ bỏ lệnh cấm du khách đến từ Iran, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Hoa Kỳ đã được đưa ra trước đó để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, du khách nước ngoài vẫn cần phải có giấy chứng nhận không quá 72 giờ để xác minh rằng họ không bị nhiễm nCov. Du khách cũng sẽ phải cách ly trong 14 ngày sau và xét nghiệm Covid-19.

Thủ tướng Nga nói dịch Covid-19 trong nước đang ổn định hơn

Theo Reuters, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hôm nay nói rằng tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang bước vào giai đoạn ổn định hơn, trong khi cảnh báo việc dỡ bỏ các hạn chế ở 17 khu vực cần phải cẩn thận.

Trung tâm Xử lý Khủng hoảng do nCoV thuộc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8.764 ca nhiễm nCoV trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 308.705, trong đó 2.972 người đã tử vong.

Một người đàn ông bị tuyên án tử qua cuộc gọi trực tuyến

Bản tin ngày 20/5 của Reuters cho biết, một người đàn ông Malaysia bị kết án tử hình thông qua cuộc gọi video trên ứng dụng Zoom vì tội buôn bán ma túy.

Punithan Genasan, 37 tuổi, bị tuyến án tử hình hôm 15/5 vì tham gia vào vụ buôn bán ma túy từ năm 2011. Đây là trường hợp đầu tiên bị kết án từ xa trong bối cảnh Singapore đang áp các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn Covid-19.

“Vì sự an toàn cho tất cả những người tham gia quá trình tố tụng, phiên tòa đã được tiến hành bằng hình thức gọi trực tuyến”, một phát ngôn viên của Tòa án Tối cao Singapore cho biết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-20-5-trung-quoc-noi-gian-vi-my-chuc-mung-ba-thai-anh-van.html

 

Tạp chí xã hội

Thuốc trị Covid-19:

Thử nghiệm thì nhiều, hy vọng thì ít

Thanh Phương

Hiện đang có hàng trăm cuộc thử nghiệm các loại thuốc trị Covid-19 trên thế giới, thế nhưng cho tới nay chỉ mới lóe một vài tia hy vọng thật sự, ấy là chưa kể một số chương trình nghiên cứu đang gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là thất bại, như chương trình Discovery của châu Âu.

Làm sao ngặn chận virus corona chủng mới xâm nhập các tế bào, không cho chúng nhân ra gấp bội trong cơ thể, kiểm soát được phản ứng của hệ miễn dịch trước sự tấn công của virus. Các nhà khoa học

đang cấp tốc nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau, cố tìm ra một liều thuốc công hiệu để trị một căn bệnh mà nay đã khiến hơn 300.000 người chết trên toàn thế giới

Theo tạp chí y khoa The Lancet, hiện có hơn 800 cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở nhiều nước khác nhau để thẩm định hiệu quả của hàng chục loại thuốc trị Covid-19. Khoảng hơn 300 thử nghiệm được tiến hành ở Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh, 125 thử nghiệm ở Hoa Kỳ, quốc gia bị dịch nặng nhất hiện nay. Riêng tại Pháp thì có khoảng 45 cuộc thử nghiệm.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu đang kêu gọi các đồng nghiệp không nên vì quá gấp rút mà bỏ quên tính chất nghiêm túc khoa học của các cuộc thử nghiệm, để không làm dấy lên những hy vọng hão huyền. Tại Pháp cũng như tại Mỹ, không ít viện nghiên cứu lớn đã gây tranh cãi khi vội vã thông báo các kết quả « khả quan » ngay cả trước khi công bố toàn bộ công trình nghiên cứu. Nhà truyền nhiễm học Florence Ader, người chỉ đạo cuộc thử nghiệm châu Âu Discovery, đã từng lên tiếng cảnh báo về cái mà bà gọi là « dịch nghiên cứu », vì có rất nhiều thử nghiệm thất bại « ngay từ trong trứng nước », do có quá ít bệnh nhân tham gia, hoặc được tiến hành với những phương pháp không có gì bảo đảm. Bà Ader khuyên là nên tập trung nỗ lực vào một số nghiên cứu lớn.

Các loại thuốc đang được thử nghiệm

Bây giờ chúng ta hãy điểm qua những loại thuốc chính yếu đang được thử nghiệm. Trước hết là remdesivir, do hãng dược phẩm Gilead của Mỹ phát triển để trị bệnh Ebola, nhưng đã tỏ ra không công hiệu đối với bệnh này. Tuy vậy, trong phòng thí nghiệm, remdesivir đã chứng tỏ khả năng ngăn chận các virus khác. Vấn đề là các dữ liệu về công hiệu của thuốc này đối với Covid-19 vẫn còn mâu thuẫn với nhau và vẫn còn tản mác.

Hoa Kỳ trông chờ rất nhiều vào remdevisir, cho nên ngày 01/05 vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã cấp tốc cấp phép sử dụng loại thuốc này ngoài thử nghiệm lâm sàng trong các bệnh viện, trên cơ sở thử nghiệm rộng rãi trong công chúng. Kết quả cho thấy là tính trung bình, các bệnh nhân Covid-19 nặng hồi phục nhanh hơn 4 ngày so với các bệnh nhân nặng khác ( trong vòng 11 ngày thay vì 15 ngày ). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này còn quá « khiêm tốn », tuy một số nhà nghiên cứu khác thì thấy dầu sao remdesivir cũng là một phương tiện để giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện. Giới khoa học cũng chỉ trích việc các kết quả của nghiên cứu về thử nghiệm remdesivir không được công bố toàn bộ. Mặt khác, nghiên cứu cũng không cho thấy là remdesivir đã thật sự làm giảm tỷ lệ tử vong, bởi vì sự cách biệt về tỷ lệ tử vong giữa nhóm bệnh nhân được cho uống thử thuốc ( 8% ) và nhóm đối chứng ( 11,6% ) là quá thấp so với ngưỡng cần thiết để kết quả thử nghiệm có thể được xem là chuẩn xác.

Thứ hai là thuốc tocilizumab, được coi là niềm hy vọng cho những ca Covid-19 nặng, vì thuốc này điều hòa phản ứng của hệ miễn dịch, để không gây thêm tác hại cho cơ thể người bệnh. Vào cuối tháng 4, hệ thống bệnh viện Paris thông báo là thuốc tocilizumab giảm « đáng kể » nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ phải vào khoa hồi sức nơi các bệnh nhân Covid -19 nặng, nhưng họ lại không đưa ra các số liệu cụ thể và cũng không công bố nội dung công trình nghiên cứu.

Các cuộc thử nghiệm khác đang được tiến hành với thuốc  tocilizumab. Nhưng cho dù thật sự có công hiệu, chi phí quá cao của loại thuốc này, cũng như cách điều trị bằng tiêm tĩnh mạch khiến cho rất khó sử dụng phổ biến.

Thứ ba là thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine, một loại thuốc đã làm hao tốn rất nhiều giấy mực trong những tháng qua. Theo hai công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Anh Quốc BMJ ngày 15/05/2020, hydroxychloroquine dường như không có công hiệu trị Covid-19, cho dù là đối với các bệnh nhân nặng hay nhẹ.

Công trình nghiên cứu thứ nhất, do các nhà nghiên cứu Pháp tiến hành, đã đi đến kết luận là loại thuốc chống sốt rét này không làm giảm đáng kể nguy cơ phải vào khoa hồi sức hoặc nguy cơ tử vong đối với các bệnh nhân nhập viện vì bị viêm phổi do Covid-19. Công trình nghiên cứu thứ hai, do một ê kíp nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến hành, cho thấy là thuốc hydroxychloroquine không giúp diệt trừ virus nhanh hơn so với các thuốc chuẩn ở các bệnh nhân Covid-19 nhẹ, thậm chí các phản ứng phụ của thuốc chống sốt rét này còn nặng hơn các thuốc kia.

Dựa trên hai kết quả nghiên cứu nói trên, tạp chí BMJ đánh giá là không nên sử dụng hydroxychloroquine như là một loại thuốc phổ biến để trị Covid-19.

Thứ tư là thuốc chống HIV. Các cuộc thử nghiệm kết hợp hai loại thuốc điều trị HIV, lopinavir và ritonavir, vẫn chưa mang lại các kết quả được hứa hẹn. Một nghiên cứu của Trung Quốc được công bố ngày 19/03 đã kết luận là điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng thuốc chống HIV không giúp giảm bớt nguy cơ tử vong cũng như không rút ngắn thời gian bình phục. Tuy nhiên, một số dữ liệu cho thấy là thuốc chống HIV có hiệu quả nếu cho bệnh nhân uống sớm.

Discovery thất bại ?

Được khởi động từ cuối tháng 3 với hy vọng nhanh chóng tìm ra một loại thuốc công hiệu để trị Covid-19, cho tới nay chương trình thử nghiệm lâm sàng Discovery của châu Âu vẫn chưa đạt được kết quả nào, do không có hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu và do hiệu quả của 4 loại thuốc được thử nghiệm không như là người ta hy vọng lúc ban đầu.

Thật ra, nguyên nhân chủ yếu đó là số bệnh nhân được thử nghiệm hiện giờ còn quá ít, chỉ có 750 người, gần như toàn bộ là ở Pháp, trong khi mục tiêu đề ra là quy tụ đến 3.200 bệnh nhân ở châu Âu, trong đó có ít nhất 800 người ở Pháp. Lúc đầu có ít nhất 7 quốc gia  châu Âu tuyên bố tham gia Discovery, trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, nhưng hiện chỉ có duy nhất một bệnh nhân bên ngoài Pháp, ở Luxembourg.

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 12/05, bác sĩ Jean-Philippe Lanoix, khoa bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Amiens, Pháp, nơi mà hai chương trình thử nghiệm trong khuôn khổ Discovery đang được tiến hành, cho biết :

« Hiện nay chúng tôi có gần 750 bệnh nhân tham gia cuộc thử nghiệm, trên 800 bệnh nhân được dự kiến, tại Pháp. Đây là một điều rất tốt. Chúng tôi chưa có đủ các kết quả để có thể quyết định là nên ngưng thử nghiệm nào, bởi vì có thể đối với nhóm này thuốc có công hiệu hơn nhóm kia, cho nên phải ngưng thử nghiệm đối với nhóm mà thuốc hoàn toàn không có công hiệu.

Trong thử nghiệm, bao giờ cũng có một nhóm bệnh nhân không được cho uống loại thuốc nào khác ngoài thuốc trị các triệu chứng, gọi là nhóm « chuẩn » và bốn nhóm kia được cho uống các loại thuốc hydroxychloroquine, remdesivir và hai loại thuốc chống virus khác. »

Thật ra ban đầu thuốc chống sốt rét không được dự trù trong chương trình thử nghiệm Discovery, nhưng vì sao loại thuốc này đã được đưa vào, bác sĩ Lanoix giải thích :

« Một trong những đặc điểm của chương trình thử nghiệm Discovery là thích ứng với diễn biến của dịch virus corona, vì thật sự là chúng ta chưa biết nhiều về dịch bệnh này. Những người khởi xướng chương trình đã dự trù sẽ bao gồm những loại thuốc lúc đầu họ không nghĩ là sẽ có công hiệu. Họ để mở ngỏ cánh cửa, để nếu có những loại thuốc nào xuất hiện trên thị trường, điều mà hiện nay vẫn còn có thể xảy ra, thì sẽ thêm một nhóm bệnh nhân thứ 5, thứ 6 vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Thuốc hydroxychloroquine, sau khi đã chứng tỏ có phần nào công hiệu đối với một số bệnh nhân, đã được thêm vào để thử nghiệm trên nhóm bệnh nhân thứ 5 trong chương trình này. »

Một khó khăn khác đối với chương trình thử nghiệm Discovery, đó là không có những quy định đồng nhất giữa các nước châu Âu tham gia chương trình này, theo lời bác sĩ Lanoix :

« Trong việc xử lý các dữ liệu của bệnh nhân, nước này có thể có những quy định bó buộc hơn những nước khác, tùy theo các dữ liệu đó có thuộc diện bí mật thông tin sức khỏe hay không, ai được quyền xử lý các dữ liệu đó. Ví dụ như tôi thêm một bệnh nhân người Bỉ, một bệnh nhân người Đức vào chương trình thử nghiệm, trong những điều kiện nào, tôi có thể chuyển các dữ liệu y khoa đến các nhân viên thống kê ở những nước khác. Tôi nghĩ là mỗi nước có những quy định khác nhau và rõ ràng là không có một sự đồng nhất trong vấn đề này.

Ấy là chưa kể là định nghĩa của mỗi nước cũng khác nhau. Trong chương trình Discovery có 5 nhóm, trong đó có một nhóm gọi là nhóm chuẩn, nhưng các nước và các bệnh viện không hẳn là có chung một định nghĩa về nhóm điều trị chuẩn. Chẳng hạn như tại Ý, một số bệnh viện và một số vùng đưa thuốc hydroxychloriquine và thuốc remdesivir vào nhóm điều trị chuẩn. Như vậy nhóm chuẩn của nước này lại khác với của những nước kia, điều này chắc chắn gây ra các vấn đề. »

Những khó khăn của chương trình Discovery cũng phản ánh một thực tế : các nước châu Âu không thể có hành động chung, nhất là khi khi đối đầu với một khủng hoảng y tế khẩn cấp như dịch Covid-19. Đối với bác sĩ Lanoix, chương trình Discovery chưa đạt kết quả mong muốn, nhưng không hẳn là một thất bại :

« Một trong những đặc điểm của chương trình thử nghiệm này, đó là đã được thiết lập trong một thời gian rất ngắn, và huy động các bệnh nhân thật là nhanh. Đúng là phải hoan nghênh các ê kíp đã tham gia vào việc khởi động chương trình Discovery. Nhưng ở cấp độ châu Âu thì việc tiến hành phải mất nhiều thời gian, vì phải đáp ứng những yêu cầu về hành chính. Đối với tôi, đó là điều không có gì đáng ngạc nhiên và không thể nói là chương trình thất bại. 

Tôi hy vọng là lần sau chúng ta sẽ chuẩn bị tốt hơn ở cấp độ châu Âu, để có phản ứng nhanh hơn, nếu có một đợt dịch thứ hai. Tôi nghĩ đây là cơ hội để các nước châu Âu làm việc với nhau, tuy là tốc độ còn chậm so với đà lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19. »

Kể từ khi chương trình Discovery được tiến hành, một ủy ban chuyên gia ở bên ngoài, có tên là Data Safety Monitoring Board (DSMB), vẫn họp định kỳ để phân tích các dữ liệu và cố vấn cho các nhà nghiên cứu. Theo khuyến cáo của DSMB, nên tiếp tục chương trình thử nghiệm Discovery, nhưng các nước châu Âu phải tích cực tuyển thêm nhiều bệnh nhân cho chương trình này.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200520-thu%E1%BB%91c-tr%E1%BB%8B-covid-19-th%E1%BB%AD-nghi%E1%BB%87m-th%C3%AC-nhi%E1%BB%81u-hy-v%E1%BB%8Dng-th%C3%AC-%C3%ADt