Đọc báo Pháp – 20/03/2018
Sự khác nhau giữa Trung Quốc và Nga
Ngày 17/03/2018, Tập Cận Bình được toàn thể 2.970 đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu thông qua nhiệm kỳ thứ hai. Một ngày sau, 18/03, đến lượt Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 4 với hơn 76% phiếu bầu. Theo góc nhìn từ phương Tây, đây là thắng lợi của hai nhà độc tài. Nhưng thắng lợi Putin lại không giống với chiến thắng của Tập. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro (20/03/2018) đưa ra « Những lý do của sự chênh lệch lớn » này.
Theo tác giả, cả Trung Quốc lẫn Nga đều không phải là Nhà nước pháp quyền theo định nghĩa của phương Tây, sau khi hệ tư tưởng cộng sản bị xóa bỏ vào năm 1989. Điểm khác biệt giữa hai thể chế chuyên quyền lớn là đối lập được Matxcơva nhắm mắt cho tồn tại ở một mức độ nào đó, còn Bắc Kinh thì nghiêm cấm. Dân Nga có thể phê phán trên một số báo chí hoặc mạng xã hội. Điều này không thể xẩy ra tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc thì phát triển kinh tế một cách ngoạn mục, trong lúc nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu. Tác giả nhấn mạnh, sự khác biệt giữa hai nước không phải do mức độ chuyên quyền ít hay nhiều. Nguyên nhân là kể từ năm 1989, Trung Quốc không hề phạm một sai lầm chiến lược nào trong lúc Nga vẫn chưa định ra được chiến lược.
Nhà nước và xã hội của Nga và Trung Quốc do đảng Cộng Sản thiết kế, tổ chức và lãnh đạo. Tại Matxcơva, Gorbachev rồi Eltsine đã phá vỡ tổ chức này và không có gì để thay thế. Còn tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo không ngừng củng cố hiệu quả hoạt động của đảng Cộng Sản, với mục đích là quản lý tốt hơn một xã hội tư bản mới của Trung Quốc. Chính thông qua cơ chế Đảng mà Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch chống tham nhũng (khoảng một triệu rưỡi vụ bắt giữ).
Giới lãnh đạo Trung Quốc không cần quan tâm đến nghĩa gốc của từ « Cộng Sản » hay « Tư Bản ». Đó là những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và họ chỉ quan tâm đến một việc là tái lập vị thế đứng đầu châu Á mà Trung Quốc đã từng nắm giữ hồi đầu thế kỷ 19, trước khi bị châu Âu, Mỹ và Nhật Bản tới khuất phục.
Ba gương mặt của Trung Quốc
Để thế chỗ chủ nghĩa cộng sản, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh đã lựa chọn con đường riêng của Trung Quốc. Họ phát huy tối đa tài buôn bán, đầu óc sản xuất của người dân, vốn bị bóp nghẹt dưới thời Mao Trạch Đông, giữ lại những tập đoàn lớn của Nhà nước, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, không phải để chống mà phát triển cùng với Bắc Kinh.
Đối với bên ngoài, Trung Quốc đã từng bước thể hiện ba gương mặt : Giai đoạn đầu tiên, đó là một nước chậm phát triển và phương Tây cần phải giúp đỡ. Giai đoạn hai, đó là một cường quốc thương mại hữu hảo, tôn trọng các quy định tự do trao đổi của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trước tiên, sẵn sàng chuyển giao các công nghệ đã làm chủ được.
Phương Tây đã tin vào lời nói và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đánh cắp công nghệ trên quy mô lớn để trở thành công xưởng của thế giới. Giai đoạn ba, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình : Bắc Kinh củng cố sự bành trướng thương mại với chiến lược Con đường tơ lụa, hướng sang châu Âu mà Trung Quốc từng bước chinh phục.
Tập Cận Bình – Vladimir Putin : Kẻ thong dong, người hối hả
Để thay thế chủ nghĩa cộng sản, thì Nga lại làm ngược lại hoàn toàn. Họ ngây thơ nghĩ là đã lựa chọn con đường phát triển như phương Tây, mời các chuyên gia của Havard, các kinh tế gia « xó bếp » đến tiến hành những cuộc thử nghiệm khổng lồ.
Tất cả bộ máy công nghiệp đã bị tư nhân hóa vội vã và do vậy, rơi vào tay giới tài phiệt, quả đầu mafia, để rồi giới này quay lại áp đặt quan điểm, lợi ích của họ đối với Kremlin. Vladimir Putin đã tái lập trật tự trong xã hội và quyền lực của chính quyền trung ương chống lại những quý tộc mới này, nhưng ông đã không biết xây dựng một Nhà nước pháp quyền cho phép giữ lại cho nước Nga các nhà nghiên cứu và giới đầu tư.
Vẫn theo nhà báo Renaud Girard, về đối ngoại, ông Putin đã lấy được Crimé nhưng mất Ukraina và nguồn vốn từ các ngân hàng phương Tây. Ông giành thắng lợi tại Syria nhưng thắng lợi này không mang lại lợi lộc gì cho dân Nga… Nói tóm lại, Putin dậm chân tại chỗ với các chiến thuật ngắn hạn, trong lúc Tập Cận Bình rảo bước với chiến lược dài hạn.
Do vậy, theo Renaud Girard, trước một Hoa Kỳ tỏ thái độ coi thường, trước một Trung Quốc chỉ chực chờ để ăn tươi nuốt sống, châu Âu chỉ có một giải pháp : đó là hiểu được bệnh hoang tưởng của Nga, giúp chữa trị, rồi lôi kéo Nga trở lại gia đình châu Âu. Nhà báo kết luận : Sẽ là điên rồ khi đẩy Nga rơi vào vòng tay Trung Quốc.
Trung Quốc : Tư pháp mang hơi hướm thời phong kiến ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, thành phần nội các mới vừa được công bố đã được một số nhật báo Pháp khai thác dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Les Echos chú ý đến lĩnh vực kinh tế với bài viết đề tựa « Tập Cận Bình bổ nhiệm một người thân cận để lèo lái nền kinh tế ».
Vương Kỳ Sơn, người tiến hành chiến dịch chống tham nhũng « đả hổ, diệt ruồi » do Tập Cận Bình khởi xướng, nắm cương vị phó chủ tịch nước. Lưu Hà, cố vấn kinh tế, từng học tại đại học Harvard làm phó thủ tướng. Và Dịch Cương lên thay ông Chu Tiểu Xuyên làm thống đốc Ngân hàng Trung ương… Một loạt các vị trí quan trọng đã được giao cho những người thân tín của Tập Cận Bình. Với những quyết định trên, Les Echos cho rằng thủ tướng Lý Khắc Cường xem như bị gạt ra bên lề.
Le Monde quan tâm đến việc Tập Cận Bình thông báo thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới : Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia, do Dương Hiểu Đỗ (Yang Xiaodu), một người thân tín khác của Tập Cận Bình đến từ Thượng Hải lãnh đạo. Bài viết đề tựa : « Tại Trung Quốc, giới công chức dưới ách một nền tư pháp đặc biệt ».
Cơ quan này sẽ có những quyền hạn rộng hơn trong việc chống tham nhũng, giám sát toàn bộ công chức Trung Quốc chứ không chỉ giới hạn trong giới lãnh đạo. Nghĩa là từ nhân viên cho đến lãnh đạo, từ trường học cho đến bệnh viện, qua cả truyền thông, tòa án hay các công ty Nhà nước, kể từ giờ đều có thể là đối tượng điều tra của định chế mới này.
Theo Le Monde, quyền hạn của cơ quan này còn trên cả tư pháp và Tòa Án Tối Cao theo như một loạt sửa đổi bổ sung về luật được thông qua hôm 11/03. Một loạt ủy ban giám sát ở cấp địa phương cũng sẽ được thành lập. Và một mô hình giam giữ mới gọi là « lưu trệ » được thiết lập, giống với kiểu giam giữ « song quy » dành cho đảng viên, bị hạn chế về địa điểm và thời gian.
Ông Nicholas Bequelin, giám đốc Amnesty International phụ trách Đông Á, cảnh báo tình trạng các nhà điều tra lạm dụng quyền hạn cưỡng bức hỏi cung do các quy định áp đặt cho các thành viên trong ủy ban là rất mơ hồ và do tính chất thiếu vắng việc không tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.
« Bất kỳ ai làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho chính phủ có thể sẽ bị giam giữ, thẩm vấn, cưỡng bức nhận tội hay bị trưng dụng mà không cần thông qua một tiến trình pháp lý cũng như các biện pháp hỗ trợ khác trong trường hợp bị các nhà điều tra lạm dụng. (…) Những người bị giam giữ sẽ không có cách nào tiếp cận luật sư và gia đình sẽ không được thông báo trong vòng 24 giờ, nếu như các nhà thẩm vấn cho rằng việc này có thể gây nhiễu cuộc điều tra ».
Nhà nghiên cứu Eva Pils, chuyên gia về luật Trung Quốc trường King’s College tại Luân Đôn cũng lưu ý là việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo cũng như là những quyền hạn tu chính án mới cho lĩnh vực công là hoàn toàn đi ngược với ý tưởng rằng Luật Pháp và Hiến Pháp có thể cản trở quyền lực.
Bà nói : « Ủy Ban Giám Sát mới còn tăng cường hơn nữa việc hợp nhất Đảng và Nhà nước bằng cách thông qua trong Hiến Pháp một hình thức điều tra mà nhìn từ góc độ nhân quyền và những người ủng hộ hiến pháp, không hề có một biện pháp bảo vệ cần thiết nào ».
Nói tóm lại việc trao cho Ủy Ban Giám Sát Quốc Gia mới này những quyền hạn to lớn khiến người ta nhớ lại một giai đoạn hãi hùng dưới triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Đội Cẩm Y Vệ, Đông Xưởng, Tây Xưởng thời kỳ đó cũng có những quyền hạn tương tự khiến bao công thần và dân vô tội bị chết thảm.
Nga : Nhờ Anh Quốc, Putin có thêm lá phiếu toàn dân
Kết quả bầu cử tổng thống Nga vẫn được các báo Pháp tiếp tục bàn luận. Le Monde nhìn nhận rằng « Putin đã có được lá phiếu của toàn dân ». Xã luận của nhật báo độc lập này cũng đặt câu hỏi : « Putin thắng cử để làm gì ? »
Ở tuổi 65, và sau 18 năm cầm quyền, ngày Chủ Nhật 18/03/2018, ông Vladimir Putin, tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 với 76,6% lá phiếu ủng hộ, cao hơn mức tỷ lệ phiếu bầu năm 2012 đến hơn 13 điểm. Một tỷ lệ cao ngất ngưỡng mà không một lãnh đạo châu Âu nào có thể có được. Và bất chấp các cáo buộc có gian lận, tỷ lệ cử tri đi bầu lần này cũng cao hơn lần trước.
Ông Putin thắng lợi vẻ vang là nhờ vào việc đã gạt ra được các ứng viên đối lập « nặng ký », do kiểm soát được toàn bộ truyền thông hay như biết dựa vào các lực lượng an ninh, bắt đầu từ các cơ quan tình báo.
Nhưng mỉa mai thay, với Le Monde, thắng lợi đó còn có sự góp phần của nước Anh và phương Tây. Chính việc gây ầm ĩ vụ hai cha con cựu điệp viên hai mang người Nga, Serguei Skripal bị đầu độc đã mang lại lợi thế cho ông Putin.
Đành rằng không phải ai cũng toàn tâm toàn ý bỏ phiếu cho Vladimir Putin nhưng vụ việc này đã khiến nhiều người dân Nga nghĩ rằng chỉ có ông mới là người đủ sức bảo vệ đất nước trước những mưu đồ chia rẽ nước Nga của Hoa Kỳ và châu Âu.
Những thách thức
Cuộc vui nào rồi cũng chóng tàn, ly sâm banh đã cạn, giờ phải lao vào đối mặt với nhiều thách thức lớn. La Croix đặt câu hỏi : « Những thách thức nào đang chờ đợi chủ nhân điện Kremlin ? »
Kinh tế Nga từ năm 2009 vẫn chậm hồi phục. Ít nhất 23 triệu dân vẫn sống dưới ngưỡng nghèo đói, trong khi mà mức thu nhập trung bình đã bị giảm mất 15% trong vòng 4 năm qua, một phần là do giá dầu thô giảm. Do quá lệ thuộc vào dầu khí, nước Nga của Putin chỉ chăm chăm lo cho các tập đoàn Nhà nước mà bỏ lơ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tự xoay sở với nạn tham nhũng và cướp bóc lộng hành.
Trong khi đó, công cuộc hiện đại hóa đất nước lại bị các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu cản trở, làm hạn chế các dự án đầu tư và chuyển giao công nghệ. Và thách thức cuối cùng, trong một chế độ chuyên chế, Putin giờ sẽ phải tính đến việc hoặc tìm người kế nhiệm hoặc tiếp tục cầm quyền, do việc Hiến Pháp hiện hành cấm ông tiếp tục tranh cử sau năm 2024.
Trang nhất các báo Pháp
Le Monde tiếp tục quan tâm đến bầu cử Nga với hàng tít lớn « Sự tấn phong mới của Vladimir Putin ». Les Echos thông báo : « Kiểm soát người thất nghiệp : những quy định mới ». Bộ trưởng Lao Động cho biết sẽ gia tăng trừng phạt những người thất nghiệp nào không tích cực tìm kiếm việc làm.
La Croix quan tâm đến số phận của hàng nghìn thường dân đông Ghouta ở Syria, đang phải chạy trốn chiến sự do các trận oanh kích dữ dội trong những ngày qua. Tờ báo tìm cách giải thích « Chuyện gì đang diễn ra ở Ghouta, Syria ».
Libération trên nền ảnh món hotdog, nhưng thay miếng xúc xích bằng củ cà rốt với sốt mù tạt chạy tựa lớn : « Những người ăn chay triệt để phản công ». Nguyên nhân là hôm qua, một vài diễn đàn đã lên tiếng đả kích việc tuyên truyền ăn chay toàn phần, nghĩa là chỉ dùng rau củ, không dùng bất kỳ sản phẩm thịt, cá, trứng, sữa nào.
Le Figaro báo động tình trạng « Chim chóc biến mất dần khỏi những vùng nông thôn Pháp ». Chỉ trong vòng 15 năm, nông thôn Pháp đã mất đi 1/3 số lượng chim, và hiện tượng giảm này đã gia tăng nhịp độ trong những năm gần đây.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180320-su-khac-nhau-giua-trung-quoc-va-nga
Tin đọc nhanh
(SCMP) – Hai người Việt chết đuối tại Đài Loan vì định nhập cư bất hợp pháp. Lực lượng tuần duyên Đài Loan ngày 19/03/2018 cho biết hai người Việt trên (một nam và một nữ) nằm trong nhóm 5 người định nhập cư bất hợp pháp, cùng với một công dân Đài Loan. Chiếc xuồng trôi dạt được radar của tuần duyên Đài Loan phát hiện lúc 2h17’ ngoài khơi huyện Đài Đông (phía đông Đài Loan). Khi bị phát hiện, họ đã nhảy xuống biển. Ba người còn sống sót (2 phụ nữ và 1 người đàn ông) đã bị bắt giữ.
(Global Times) – Chống Bắc Kinh, lợi ích của Úc có thể bị tác động. Sau lễ bế mạc thượng đỉnh Úc – ASEAN tại Canberra ngày 18/03/2018, ông Trần Tường Miêu (Chen Xiangmia), một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Nghiên Cứu Quốc Gia về Biển Đông ở tỉnh Hải Nam, cho rằng Úc đã tỏ ra cứng rắn trong lập trường đối với Trung Quốc và « tìm kiếm vai trò quan trọng hơn trong vùng ». Theo cảnh báo của vị chuyên gia này, hai nước lên duy trì hợp tác kinh tế và thường mại, nhưng « Bắc Kinh cũng nên truyền tải một thông điệp đến Canberra về lợi ích của Trung Quốc trên một số vấn đề ».
(AFP) – Công tố Hàn Quốc đề nghị bắt giữ cựu tổng thống Lee Myung Bak. Viện Công Tố Hàn Quốc hôm qua, 19/03/2018, cho biết đã yêu cầu tư pháp cho trát bắt giữ cựu tổng thống Lee, 76 tuổi, bị cáo buộc tham nhũng. Tuần trước cựu tổng thống Hàn Quốc bị cơ quan công tố thẩm vấn tổng cộng hơn 21 giờ, vì các cáo buộc nhận hối lộ hàng triệu euro khi còn nắm quyền từ 2008 đến 2013.
(Reuters) – Lộ tin cung cấp dữ liệu về khách hàng, Facebook “mất” 30 tỉ đô la. Giá cổ phiếu của Facebook sụt 7%, sau khi báo chí Mỹ tuần trước, thứ Bảy, 17/03, tiết lộ tập đoàn này cho phép một công ty Anh thu thập dữ liệu cá nhân của 50 triệu khách hàng của mạng xã hội này. Công ty Anh Cambridge Analytica (CA) từng cộng tác với cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. CA bị cáo buộc dùng các dữ liệu để lập ra một phần mềm dự báo, có thể ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của cử tri Mỹ.
(AFP/RTBF) – Bỉ xuất khẩu thịt đông lạnh quá hạn sang nhiều nước. Ngày 19/03/2018, cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ (Afsca) báo động đến Hồng Kông, Bờ Biển Ngà, Kosovo, ba đối tác nhập khẩu thịt đông lạnh cho tới cuối năm 2016 từ một lò mổ ở Bastogne (phía nam Bỉ) về thời hạn sử dụng thịt bò được ghi trên nhãn đã bị thay đổi. Theo điều tra tại Kosovo của nhóm phóng viên đài RTBF, một phần thịt đông lạnh được nhập sang Kosovo vào năm 2016 đã được đông lạnh trước đó 12 năm và bị thay đổi thời hạn sử dụng. Cơ quan an toàn thực phẩm Bỉ bị chỉ trích hành động chậm trễ cho dù đã được chính quyền Kosovo thông báo ngay từ năm 2016. Tuy nhiên, Afsca biện minh là « tôn trọng bí mật điều tra ».
(RFI/AFP) – Mỹ trừng phạt đồng tiền ảo « petro » của Venzuela. Ngày 19/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh « cấm mọi giao dịch và mọi nguồn tài chính của công dân Mỹ bằng đồng tiền ảo do chính phủ Venezuela ban hành từ ngày 09/01 ». Công tác chăm sóc y tế tại quốc gia Nam Mỹ này cũng gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng khan hiếm : thiếu 88% thuốc men và 79% dụng cụ. Đây là kết quả một bản nghiên cứu được Nghị Viện Venezuela (do phe đối lập kiểm soát) và một tổ chức phi chính phủ công bố ngày 19/03.
(Reuters) – Syrie : Nga ngăn chặn một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An. Pháp và 6 thành viên khác của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề nghị họp về tình hình nhân quyền ở Syria, đặc biệt là tình trạng khu vực đông Ghouta bị quân đội Damas bị vây hãm. Dự kiến cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền sẽ phát biểu. Hôm qua 19/03/2018, phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho rằng không có lý do gì để tổ chức cuộc họp này.
Hôm nay, Liên Hiệp Quốc kêu gọi quân đội Syria mở đường cho cứu trợ nhân đạo vào khu vực còn lại do phe nổi dậy kiểm soát tại đông Ghouta, gần thủ đô Damas, đang bị tấn công liên tục. Theo Phủ Cao Ủy Nhân Quyền, khoảng 50.000 người đã chạy khỏi đông Ghouta trong những ngày gần đây. 70% trong số đó là phụ nữ và trẻ em. UNICEF cho biết rất nhiều em nhỏ trong tình trạng sức khỏe nguy cấp. Damas thông báo đã chiếm được 65% khu vực này.
(AFP) – Băng sơn khổng lồ trên đường lìa Nam Cực. Một khối băng sơn có diện tích như nước Pháp đang trên đường tách rời với lục địa Nam Cực, do khí hậu Trái đất nóng lên, đe dọa hàng trăm triệu cư dân ven bờ. Khối băng sơn Totten nằm ở phía đông Nam Cực là một trong các băng sơn lớn nhất của Nam Cực. Việc khối băng này tan ra sẽ góp phần làm nước biển dâng cao.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180320-tin-doc-nhanh