Đọc báo Pháp – 20/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 20/01/2020

Trung Quốc: Tôn giáo và dân số là công cụ chính trị

Tú Anh

Bên cạnh ván cờ quốc tế ở Libya và bạo lực tại Liban, thời sự Trung Quốc ngự chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay nhưng do các chủ đề tiêu cực hơn là tích cực : thổi phồng dân số, viết lại kinh thánh theo định hướng

« Hán hóa » kinh thánh và kinh Coran

Từ khi Tập Cận Bình nắm quyền vào năm 2013, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và Phật giáo Tây Tạng bị đàn áp thô bạo hơn. Mục tiêu của đảng Cộng Sản Trung Quốc là kiểm sóat triệt để sinh hoạt tôn giáo mà bước kế tiếp là viết lại kinh thánh và kinh Coran theo ý thức hệ cộng sản.

Với bài phóng sự « Con đường thập tự chinh của các tôn giáo » tại Trung Quốc, nhật báo thiên tả Libération mở đầu với lời kể của ba phụ nữ Trung Quốc,tín đồ hội thánh Tin Lành « Thượng Đế Toàn Năng ». Một người tên Louisa, thợ làm tóc 43 tuổi, kể lại : Tôi bị nhốt trong một nhà giam bí mật, cùng với 30 người trong một phòng giam. Cảnh sát trói tay chúng tôi, cầm quyển kinh thánh đánh đập thô bạo, bắt chúng tôi phải nói « Không có Chúa, chỉ có Đảng mang lại hạnh phúc cho nhân dân ».

Nhân chứng thứ hai, Kate, 33 tuổi cho biết thêm: cả tuổi thơ của chị bị Nhà nước nhồi sọ phải hết lòng phục vụ đảng. Chế độ chính trị sợ đạo Tin Lành nhưng càng đàn áp thì càng làm cho người bị đàn áp vững tin vào Thiên Chúa.

Được thả vào năm 2013, và hai năm cải tạo tại phường, Louisa bỏ địa phương lẩn trốn thêm hai năm trước khi sang được nước Pháp tị nạn.

Từ năm 2013 đến nay, từ khi Tập Cận Bình lãnh đạo Trung Quốc, chính sách đàn áp tôn giáo ngày càng khốc liệt hơn. Theo các nhà họat động nhân quyền, hội thánh Thượng Đế Toàn Năng có 4 triệu tín đồ tại Hoa Lục, nhưng có đến 40.000 người bị bắt, khoảng 100 người chết vì bị tra tấn. Trong mục tiêu « Hán hóa » tôn giáo, 5576 nhà thờ đã bị chính quyền đập phá. Tháng 10 năm 2019, một giáo đường với sức đón tiêp 3000 tín đồ bị ủi sập bằng xe ủi đất.

Cũng theo nhật báo cánh tả, từ năm 1949, khi chiếm chính quyền, chế độ Mao đã đàn áp mọi tôn giáo. Nhưng từ năm 1976, sau khi Mao qua đời, chùa chiền và đền thờ Lão giáo tương đối không còn bị trấn áp nữa. Để rồi, đến năm 2016, Tập Cận Bình đề xuất chính sách « Hán hóa » tôn giáo trong đó có biện pháp dịch lại kinh thánh và kinh Coran theo định hướng ý thức hệ chính trị của đảng Cộng Sản. Đạo Tin Lành tại Hoa Lục, Đạo Phật Tây Tạng, đạo Hồi Tân Cương bị xem là mối đe dọa cho chế độ.

Thái độ của Vatican như thế nào ? Theo Libération, thỏa hiệp bổ nhiệm giám mục, sự im lặng của Đức Giáo Hoàng về vụ viết lại kinh thánh, về tình hình Hồng Kông trong khi giáo hội Công Giáo Hồng Kông và các hội thánh Tin Lành ủng hộ phong trào dân chủ cho phép quy đoán toà thánh muốn duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Bắc Kinh càng cấm thì tinh thần đồng tâm khắc sâu trong nền văn hóa Trung Hoa càng phát triển, thấy cái gì hay thì noi theo. Theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, tại Trung Quốc mối quan hệ nhân quả giữa sự xu hướng tôn giáo phục sinh và phong trào phản kháng tại Hồng Kông là điều có thật. Đó là một cách để đạt tới tinh thần độc lập cá nhân và chính trị, tái tạo những cộng đồng tin cậy lẫn nhau. Bài thánh ca « Vinh danh Thiên Chúa» trở thành bài hát của phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Ban kiểm duyệt Hoa Lục cấm bài hát này vì sợ siêu vi dân chủ lan rộng.

Tại Trung Quốc, năm Chuột đẻ ra voi ?

Trung Quốc hay Ấn Độ có dân số đông nhất địa cầu ? Ở Trung Quốc cái gì cũng sửa cho hợp với đường lối. Chuyên gia dân số học Dịch Phú Hiền (Y Fu Xian) đại học Mỹ Wisconsin-Madison chỉ trích nhà nước Trung Quốc sửa đổi thống kê để lừa thế giới.

Báo Pháp đồng loạt đưa tin những mỗi tờ mỗi kiểu. Sinh suất giảm mạnh tại Trung Quốc cho dù không còn chính sách một con, tựa của Le Monde. Còn theo Le Figaro, dân số là môn võ chiến đấu. Vì sao ? Từ ba hôm nay, một bài phân tích của chuyên gia Dịch Phú Hiền được phổ biến trên báo chí từ Mỹ đến Á Âu. Trong khi Trung Quốc loan báo một cách hãnh diện « dân số vượt qua ngưỡng 1,4 tỷ dân », nhà dân số học bị xem là « bất trị » này chứng minh Trung Quốc « nâng » số dân cao hơn sự thật đến 121 triệu người. Trên thực tế, với 1 tỷ 279 triệu dân, Trung Quốc đã bị Ấn Độ vượt qua mặt. Giáo sư Dịch Phú Hiền chỉ ra những bất cập trong thống kê chính thức. Một thí dụ cụ thể: năm 2000 thông báo có 17,700 triệu trẻ sơ sinh nhưng kiểm kê năm 2015 nói trên toàn quốc có 13,57 triệu trẻ em vị thành niên 15 tuổi, tức là thiếu 4 triệu.

Vậy Bắc Kinh « thổi phồng » thống kê dân số để làm gì ? Cũng theo tác giả, trong bàn cờ địa chiến lược, danh xưng quốc gia đông dân nhất địa cầu cho phép Bắc Kinh khẳng định là « đối tác không thể thiếu » với các nước Tây Phương. Mất « vương miện » này, sẽ làm cản trở Tập Cận Bình thực hiện giấc mơ đoạt ngôi siêu cường của Mỹ, theo một tiến trình mà bộ máy tuyên truyền gọi là « đặc thù của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ». Do vậy, bằng mọi cách, Trung Quốc không để cho năm Tý đẻ ra chuột, mà phải đẻ ra voi.

Miến Điện: Chốt chiến lược của Bắc Kinh

Trong khi les Echos lưu ý tình trạng Trung Quốc bị giảm tăng trưởng nghiêm trọng nhất tính từ 29 năm qua thì La Croix nói đến chuyến « chinh phục của chủ tịch Tập Cận Bình » tại Miến Điện.

Hai ngày thăm viếng, 33 hợp đồng ký kết trong đó có xây đường sắt nối miền bắc đến miền trung Miến Điện và một hải cảng nước sâu ở bang Arakan. Nhưng ngoài Trung Quốc nước nào dám đầu tư ở Arakan nơi xảy ra khủng hoảng nhân quyền ? Một nhà hoạt động chia sẻ bi quan.

Miến Điện cũng cần sự ủng hộ của Trung Quốc vào lúc Toà Công Lý Quốc Tế sắp công bố phán quyết về vụ đàn áp Rohingya và lá phiếu phủ quyết để chống lại các nghị quyết ở Hội Đồng Bảo An trong tương lai.

Dù vậy, trong bối cảnh sắp bầu cử vào tháng 11, chính quyền Aung San Suu Kyi, rất lo ngại hệ quả xấu nếu bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Chính phủ Miến Điện đã đàm phán lại một dự án thủy điện khổng lồ làm giảm hóa đơn từ 8 tỷ đô la xuống còn 1,3 tỷ.

Dân chúng cũng như giới lãnh đạo chính trị đều thận trọng với các dự án lớn của Trung Quốc. Theo một dân biểu, chính phủ Aung San Suu Kyi sẽ không vướng bẫy nợ của láng giềng.

Người dân Liban không còn gì để mất.

Tại Liban, sau bốn tháng tranh đấu chống chính quyền liên tôn giáo tham ô và bất lực, phong trào phản kháng bùng mạnh chưa từng thấy. Vì sao người dân Liban nổi xung ? Đây là hồ sơ quốc tế của La Croix:

Hơn 400 người bị thương trong đêm thứ Bảy vì xung đột với cảnh sát. Cơn giận của người dân Liban lên tột độ vì các phe tôn giáo chính trị vẫn bám trụ. Trong khi đó, do khủng hoảng tài chính ngân hàng thiếu tiền mặt, lương trả chậm, hàng hóa thiếu hụt, chính quyền quản lý tồi đưa Liban, từng có danh hiệu là Thụy Sĩ ở Địa Trung Hải vào nguy cơ bị tê liệt và sụp đổ toàn diện.

Tại Pháp, các phe cực đoan

ủng hộ bạo lực coi chừng hệ quả

Đó là lời răn đe của Le Figaro.

Đình công tại Pháp tàn dần nhưng bạo lực gia tăng. Cá nhân tổng thống Macron bị biến thành mục tiêu tấn công theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Le Figaro cảnh giác những lãnh tụ nghiệp đoàn hay đảng phái gián tiếp ủng hộ bạo lực

Cho dù sai hay đúng, đa số dân chúng luôn luôn quy trách nhiệm cho chính phủ kho có đình công. Tuy vậy, người dân không thích các hành vi bạo lực và sẽ nghiêm khắc với tác giả bạo lực. Thế mà, trong những ngày qua, tổng thống bị đe dọa khi đi xem sinh hoạt văn nghệ phải được sơ tán khẩn cấp sau khi một nhà báo cựu thành viên của đảng cực tả ngồi sau lưng, qua điện thoại di động nhắn tin chỉ điểm vị trí của nguyên thủ quốc gia. Nhiều bộ trưởng bị ngăn chận la ó không cho phát biểu chúc Tết hay tham gia một cuộc hội thảo về bầu cử…

Những hành động này, theo Le Figaro, sẽ bị công luận dù không ưa tổng thống, sẽ lên án các tác giả của nó. Do hệ quả của phong trào chống dự án cản cách hồi hưu, hành pháp bị suy yếu. Nhưng thái độ của các phe cực đoan, theo đuổi những mục tiêu cực đoan, coi chừng sẽ thất thế trước tinh thần cởi mở, đối thoại và hiện thân của trật tự của chính phủ Macron, đã chứng tỏ qua nhượng bộ về « tuổi về hưu tối thiểu ».

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200120-trung-qu%E1%BB%91c-t%C3%B4n-gi%C3%A1o-v%C3%A0-d%C3%A2n-s%E1%BB%91-l%C3%A0-c%C3%B4ng-c%E1%BB%A5-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-1

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Irak : Phong trào phản kháng lại trỗi dậy.

Nhiều tuần lễ lắng dịu, ngày 20/01/2020, bạo động lại diễn ra dữ dội tại Bagdad và nhiều thành phố ở miền nam Irak. Các cuộc va chạm giữa cảnh sát và những người biểu tình đã làm cho hàng chục người bị thương. Những người phản đối chỉ trích thủ tướng Adel Addoul Mahdi đã không thực hiện lời cam kết là thay đổi chính phủ của mình.

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò dầu khí « bất hợp pháp » ngoài khơi đảo Chypre.

Lời cảnh báo này được đưa ra ngay sau khi ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiếc tầu Yavuz đã đến vùng lãnh hải phía nam đảo Chypre để tiến hành các hoạt động thăm dò. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã có những thỏa thuận với chính phủ lâm thời Libya. Tuy nhiên, thỏa thuận này gây nhiều tranh cãi do có liên quan đến việc phân định ranh giới lãnh hải. Vùng biển đông Địa Trung Hải được cho là có nhiều giếng dầu còn thu hút sự thèm muốn của nhiều nước khác trong khu vực như Hy Lạp, Ai Cập, Chypre và Israel.

(AFP) – Ý: Hàng chục ngàn người biểu tình chống cực hữu tại thành phố Bologna. 

Họ tập hợp tối hôm 19/01/2020 theo lời kêu gọi của phong trào chống phát xít non trẻ mang tên “phong trào của 6000 con cá mòi”. Mục tiêu là gây ảnh hưởng trên cuộc bầu cử vùng khu vực quan trọng được tổ chức vào ngày 26 tháng 01. Chiến thắng của phe cực hữu của ông Matteo Salvini tại vùng Emilia Romagna miền bắc Ý mà Bologna là thủ phủ có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ do Đảng Dân Chủ (cánh tả) và Phong Trào 5 Sao thành lập đến một cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, mở đường cho phe cực hữu trở lại nắm quyền.

(AFP) – Malaysia gởi trả rác nhựa về nước xuất xứ trong đó có Pháp. 

Kuala Lumpur cho biết hôm 20/01/2020 là họ đã gởi trả 150 container rác nhựa về các quốc gia thải ra loại rác này, trong đó có 43 container về Pháp, 42 về Anh, 17 về Mỹ, 11 về Canada… Malaysia nhấn mạnh rằng họ không muốn trở thành “bãi rác” cho các nước phát triển. Sắp tới đây, Malaysia sẽ gởi trả về nước xuất phát 110 container khác, trong đó có 60 container về Mỹ.

(The Philippine Star) – Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra ngày 14/03/2020. 

Theo phủ tổng thống Philippines ngày 19/01/2020, bất chấp việc Quốc Hội Mỹ đã thông qua một điều khoản ngân sách cấm nhập cảnh đối với các quan chức Philippines đứng sau vụ giam giữ thượng nghị sĩ Leila de Lima, tổng thống Duterte nằm trong số các nhà lãnh đạo Đông Nam Á được tổng thống Mỹ Donald Trump mời tới hội nghị thượng đỉnh Las Vegas tổ chức vào ngày 14 tháng 3. Ông Duterte tuy nhiên chưa cho biết là sẽ đi Mỹ dự thượng đỉnh hay không.

(AFP) – Bà Mạnh Vãn Châu ra tòa ở Canada. 

Giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei), bà Mạnh Vãn Châu hôm nay 20/01/2020 ra trước tòa án Vancouver, Canada, trong nỗ lực chống lại việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Nếu tư pháp Canada bác bỏ, thủ tục dẫn độ sẽ bước sang giai đoạn mới với nhiều khả năng kháng cáo, có thể kéo dài nhiều năm. Bị bắt ngày 01/12/2018 khi quá cảnh Vancouver, bà Mạnh được tại ngoại hầu tra, sống tại căn biệt thự sang trọng của bà ở thành phố này. Trong khi đó hai công dân Canada là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor bị Trung Quốc bắt vài ngày sau đó, và bị giam trong những điều kiện tồi tệ, được cho là sự trả đũa của Bắc Kinh.

(Reuters) – Eo biển Ormuz : Châu Âu lập phái bộ giám sát.

Ngoại trưởng Pháp hôm nay 20/01/2020 thông báo, tám nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Bỉ, Đan Mạch sẽ đóng góp vào việc thành lập một phái bộ châu Âu giám sát vùng vịnh Ormuz (EMASOH). Với sự « tôn trọng hoàn toàn » luật quốc tế đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), EMASOH sẽ giúp giám sát tình hình trên biển tại vùng Vịnh và biển Ả Rập. Trụ sở phái bộ sẽ đặt tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

(AFP) –Tranh cãi về hộp đen máy bay Ukraina bị Iran bắn rơi. 

Canada hôm qua 19/01/2020 một lần nữa đòi hỏi Teheran phải nhanh chóng giao các hộp đen chiếc máy bay bị Iran bắn rơi hôm 8/1 cho Ukraina hay Pháp, sau khi cơ quan hàng không dân dụng Iran cho biết sẽ giữ lại một thời gian để nghiên cứu.

(AFP) –8 tỉ đô la đáp lời mời gọi đầu tư của Pháp. 

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire hôm nay 20/01/2020 cho biết, các chủ doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ loan báo đầu tư tổng cộng 8 tỉ đô la, trong sự kiện « Chọn lựa nước Pháp » lần thứ ba tổ chức tại cung điện Versailles, do tổng thống Emmanuel Macron chủ trì. Trong đó tập đoàn Coca Cola quyết định đầu tư 1 tỉ euro trong vòng 5 năm tại Pháp, tập đoàn dược phẩm AstraTeneca đầu tư 500 triệu đô la. Pháp là quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng nhì châu Âu (sau Đức), và đứng hàng thứ 15 trong danh sách các nước ưa thích của các nhà đầu tư thế giới.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200120-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Tạp chí Việt Nam 

Biển Đông: Việt Nam sẽ khó tận dụng

chiếc ghế chủ tịch ASEAN

Thanh Phương

Năm 2020 là một năm mà các nhà ngoại giao của Việt Nam hết sức bận rộn, bởi vì Việt Nam vừa đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vừa làm hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong 2 năm ( nhiệm kỳ 2020-2021 ), thậm chí trong tháng 1 năm nay còn nắm giữ chức

chủ tịch luân phiên của Hội Đồng. Nhưng liệu Việt Nam có thể tận dụng được hai vị thế đặc biệt này để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và khu vực trên vấn đề Biển Đông?

Đối với nhiều nước ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam, thách đố lớn nhất trong năm nay vẫn là sự lớn mạnh của Trung Quốc và việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm gây áp lực lên các nước yếu hơn. Trên Biển Đông, việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo đang gây nhiều quan ngại sâu sắc không chỉ cho ASEAN, mà cả các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 17/01/2020 từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang trước hết nhận định về khuôn khổ hành động của Việt Nam trong hai cương vị đó, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông:

“Việt Nam đã gia nhập ASEAN từ năm 1995 và như vậy là hai lần làm chủ tịch ASEAN, lần thứ nhất là vào năm 2010. Năm đó có những chuyển biến quan trọng trong ASEAN, chẳng hạn như có hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng mở rộng, bao gồm cả Úc, Nhật, Mỹ và có những sáng kiến mới trong thời gian đó. Phải nói đây là một thành công về phương diện ngoại giao của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN) Việt Nam.

Sau 10 năm thì Việt Nam luân phiên trở lại giữ chức chủ tịch ASEAN và lần này trùng hợp với chức vụ khác cũng tương đối quan trọng là thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nói chung đây cũng là một thành công của ngành ngoại giao CHXHCN Việt Nam.

Nhưng nói đến ngoại giao thì phải nói đến sự mặc cả với các nước để có được những vị trí này. Riêng trong trường hợp ASEAN thì đây là chức chủ tịch luân phiên, nên không có vấn đề vận động, tranh đấu, còn về chiếc ghế thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì phải vận động rất nhiều, nhất là khi CHXHCN Việt Nam là ứng viên duy nhất ( của khu vực châu Á ). Tôi đặt câu hỏi là Việt Nam đã phải trả giá như thế nào đối với Bắc Kinh để lấy sự ủng hộ?

Khi nhậm chức thành viên không thường trực, đại diện của Việt Nam đã tuyên bố rõ là sẽ không nêu vấn đề Biển Đông tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây có thể là một quyết định thực tiễn, bởi vì Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bị chi phối bởi năm hội viên thường trực có quyền phủ quyết. Giả sử Việt Nam có nêu lên ( vấn đề Biển Đông ) mà Trung Quốc phủ quyết thì cũng như không. Tuy vậy, tôi cho rằng đây là một thái độ dè dặt quá đáng, vì Việt Nam sẽ không mất gì cả khi nêu lên vấn đề này để Trung Quốc phủ quyết, để cho thế giới thấy lập trường ngang ngược của Bắc Kinh.

Trở lại chức chủ tịch ASEAN 2020, chủ đề mà Việt Nam đưa ra là “gắn kết” và “chủ động thích ứng”, rồi họ giải thích qua năm điểm: đoàn kết thống nhất, lợi ích kinh tế, giá trị chung, quan hệ đối tác và năng lực thể chế. Đây là những khái niệm chung, cái quan trọng là đoàn kết và thống nhất, nhưng mà đoàn kết và thống nhất như thế nào? Chúng ta đặt ra vấn đề này để chúng ta có thể lấy Biển Đông làm ví dụ.”

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực ở Biển Đông, tranh chấp tại vùng biển này được dự báo sẽ là vấn đề nổi cộm nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN của Việt Nam, theo nhận định của trang mạng ASEAN Today ngày 04/12/2019. Theo ASEAN Today, với việc Hà Nội nay giữ chức chủ tịch ASEAN, tranh chấp với Bắc Kinh về Biển Đông có thể sẽ định hình cho vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới.

Hà Nội đã đề ra năm ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020: an ninh khu vực, kết nối khu vực, các giá trị chung của ASEAN, quan hệ đối tác với các nước khác, hiệu quả hoạt động của ASEAN. Theo ASEAN Today, tuy phần lớn chỉ mang tính chất “hô hào”, những ưu tiên đó có thể là nền tảng để Việt Nam thúc đẩy ASEAN đạt đồng thuận trên vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đại diện cho các nước Đông Nam Á trong các quan hệ với các nước khác, đặc biệt là với Trung Quốc, và trong hồ sơ Biển Đông, Hà Nội được dự báo là sẽ có thái độ cứng rắn hơn so với các nước khác từng nắm chiếc ghế này nhưng không có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh hoặc ngại đụng chạm Bắc Kinh.

Năm 2020 sẽ là năm mà các nước ASEAN và Trung Quốc theo dự kiến sẽ phải đẩy mạnh đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC để có thể thông qua văn bản này vào năm 2022. Trong chiếc ghế chủ tịch ASEAN, Việt Nam chắc chắc cũng sẽ nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông theo hướng có lợi cho mình và điều này cũng sẽ khiến Hoa Kỳ hài lòng.

Nhưng vấn đề là ASEAN vẫn còn bị chia rẽ quá nặng nề trên vấn đề Biển Đông để có thể đạt được sự đồng thuận cần thiết để đạt được một bộ quy tắc ứng xử theo mong muốn của Việt Nam, như nhận định của nhà báo Lưu Tường Quang:

“Thương thuyết về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông trên Biển Đông COC đã có từ rất lâu, nhưng hai thập niên qua thì vẫn dậm chân tại chỗ, vì Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ bất cứ một điểm gì trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Trước đây, Bắc Kinh khăng khăng loại bỏ Hoàng Sa ra khỏi phạm vi áp dụng của COC và nhất quyết giữ lập trường thương thuyết song phương, chứ không phải đa phương, trong khi tranh chấp Biển Đông là vấn đề vừa song phương, vừa đa phương. Nếu Bắc Kinh vẫn không nhượng bộ chút nào về vấn đề Hoàng Sa, cũng như về phương thức giải quyết song phương hay đa phương, thì Việt Nam sẽ làm gì?

Nếu Việt Nam nói là chúng ta theo đuổi mục đích đoàn kết và thống nhất, do đó nhượng bộ để cho bộ quy tắc COC được đồng ý, và để Brunei, quốc gia chủ tịch kế tiếp, thông qua vào năm 2021, điều này có nghĩa là CHXHCN Việt Nam bán nước và mang tội với lịch sử. Còn nếu Việt Nam vẫn giữ lập trường đòi Hoàng Sa phải được bao gồm trong bộ quy tắc ứng xử, thì tất nhiên thương thuyết sẽ dậm chân tại chổ.

Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả trong ưu tiên đầu tiên là “đoàn kết và thống nhất”. Trong vấn đề COC, tôi rất hoài nghi là nó sẽ đạt được đồng thuận để có thể được hoàn tất vào năm 2021.

Việt Nam có thể có một vài lợi thế là sau khi Malaysia và Indonesia đã bắt đầu có những sự tranh chấp rõ rệt hơn với Bắc Kinh, thì Malaysia và Indonesia cũng đã có lập trường cứng rắn hơn khi thương thuyết về COC. Nhưng điều này chỉ có lợi một phần nào cho lập trường của Việt Nam, bởi vì ASEAN rất chia rẽ. Philippines đã ngả theo lập trường là phần lớn ủng hộ Trung Quốc. Miến Điện hay Thái Lan thì không có quyền lợi gì ở Biển Đông, do đó có thể ngả theo Bắc Kinh để thủ lợi. Còn tất nhiên Cam Bốt và Lào là hai quốc gia bị ảnh hưởng rất nhiều của Bắc Kinh từ nhiều năm nay. Nội bộ ASEAN chia rẽ như vậy, tôi không lạc quan vào khả năng của CHXHCN Việt Nam trong việc đạt được đoàn kết và thống nhất để có thể giải quyết vấn đề Biển Đông. Vì không có sự đoàn kết, thống nhất đó, thời gian Việt Nam làm chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ phung phí đi.”

Cũng giống như vào năm 2012 và 2016, chắc chắn là Cam Bốt sẽ ngăn chận các tuyên bố của ASEAN về Biển Đông, để bảo vệ liên minh giữa nước này với Trung Quốc. Nhất là vào lúc mà quan hệ quân sự giữa Phnom Penh với Bắc Kinh dường như đang chặt chẽ hơn, theo nhà báo Lưu Tường Quang:

“Cam Bốt không chỉ là tiếng nói của Bắc Kinh trong nội bộ ASEAN, mà chúng ta chưa bao giờ thấy một bản thông cáo chung nào của ASEAN nêu lên vấn đề Biển Đông hoặc chỉ trích Trung Quốc một cách rõ rệt, bởi lý do đơn giản là Cam Bốt bao giờ cũng chống đối. Trong năm 2020 này, Cam Bốt còn có vấn đề khác gây chia rẽ trầm trọng hơn: có những nguồn tin cho rằng Bắc Kinh có những mật ước với Phnom Penh và đã viện trợ rất nhiều cho Hun Sen để có thể sử dụng độc quyền một căn cứ gần Sihanoukville vào mục đích quân sự. Mặc dù chế độ Hun Sen đã cải chính, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng điều này có thể đã xảy ra, vì chính Hoa Kỳ và Úc đã nêu quan ngại.

Nếu Trung Quốc sử dụng căn cứ ở Cam Bốt như là bàn đạp để ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông và ảnh hưởng đến hoạt động trong ASEAN, tôi không nghĩ là Việt Nam có khả năng “gắn kết” và “chủ động thích ứng”, để có thể thực hiện mục đã đề ra khi làm chủ tịch ASEAN năm 2020.

Trong bài báo đề ngày 04/12/2019, ASEAN Today nhắc lại là đầu tháng 11 vừa qua, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã tuyên bố, nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại, chính phủ Việt Nam có thể sẽ sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng nếu có kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực như Philippines đã làm vào năm 2016, thì Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ bác bỏ phán quyết của Tòa.

Do đó, theo ASEAN Today, Hà Nội sẽ cố tận dụng chiếc ghế chủ tịch ASEAN để xây dựng một sự đồng thuận trong khối trước khi tiến hành một hành động pháp lý. Cho dù điều này có thể sẽ không ngăn cản Trung Quốc xâm nhập vùng biển của các nước ASEAN, nhưng ít ra nó sẽ là một thắng lợi ngoại giao đối với Việt Nam.

Nhà báo Lưu Tường Quang cũng cho rằng, dù biết trước là Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết, Việt Nam cũng nên kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Trọng tài Thường trực như Philippines đã làm:

“ Tôi không nghĩ là vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 có thể củng cố hay cải thiện khả năng của Việt Nam để đối chọi với thách đố của Trung Quốc. Vào năm 2010, Việt Nam đã từng làm chủ tịch ASEAN và lúc bấy giờ còn là thời của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc chưa bắt đầu xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Mãi đến tháng 12/2013, khi ông Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư, họ mới bắt đầu một tiến trình kéo dài trong 3,4 năm trời để biến 6,7 đá thành 6,7 đảo và sau đó quân sự hóa hoàn toàn các đảo nhân tạo này, trở thành các căn cứ quân sự, có cả chiến đấu cơ, có cả những tàu chiến thăm viếng.

Cho nên, cục diện của Biển Đông đã hoàn toàn đổi khác và sự xác quyết về chủ quyền, về thế đứng của Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế cũng mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng ta thấy là Philippines dưới thời tổng thống Aquino đã đưa Trung Cộng ra trước Tòa Trọng tài Thường trực CPA tại La Haye. Tòa Trọng tài này đã có một phán quyết rất rõ rệt, công bố ngày 12/07/2016 theo đó, đường “lưỡi bò” chín đoạn của Bắc Kinh hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và do đó hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của CPA là chung quyết và có tính chất cưỡng hành, nhưng Bắc Kinh vẫn một mực từ chối chấp nhận.

Tuy rằng tổng thống Duterte của Philippines đã không dám sử dụng phán quyết của tòa CPA và cũng không bao giờ dám nhắc đến phán quyết này. Ngược lại, tổng thống Indonesia Widodo không những đã nhắc lại phán quyết năm 2016, mà còn sử dụng phán quyết này trong tranh chấp với Bắc Kinh về vấn đề đánh cá, về vùng đặc quyền kinh tế tại quần đảo Natuna. Tổng thống Indonesia đã đích thân đến đảo này và xác quyết chủ quyền, đồng thời gia tăng hoạt động của tàu chiến và phi cơ của Indonesia để bảo vệ chủ quyền.

Trong vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng, tôi chưa hề thấy một vị bộ trưởng, một vị thủ tướng hay một vị ủy viên Bộ Chính trị nào đến một đảo của Việt Nam tại Trường Sa để xác quyết chủ quyền cả!

Cũng vì lý do đó tôi không nghĩ là với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể làm gì khác hơn là trong quá khứ. Một việc mà CHXHCN Việt Nam có thể làm và có thể gây ra sự khác biệt, là kiện Trung Quốc ra trước tòa trọng tài quốc tế tương tự như Philippines đã làm. Mặc dù chắc chắc là Trung Cộng sẽ không công nhận phán quyết đó, nhưng phán quyết đó vẫn là một thành phần của luật pháp quốc tế, trong luật về biển, chẳng hạn như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Nếu Việt Nam có can đảm làm việc ấy, thật sự đó là điều mà Việt Nam dù là chủ tịch ASEAN hay sau khi là chủ tịch có thể làm được và vẫn có thể mang lại một kết quả thuận lợi, mặc dù trên thực tế không đủ hoặc không có khả năng thi hành phán quyết như vậy. Tuy nhiên, đứng về phương diện công pháp quốc tế, đó cũng là một thành quả đáng kể và đó cũng là một thành phần của luật pháp quốc tế, được tồn tại sau này.”

http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200120-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-vi%E1%BB%87t-nam-s%E1%BA%BD-kh%C3%B3-t%E1%BA%ADn-d%E1%BB%A5ng-chi%E1%BA%BFc-gh%E1%BA%BF-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-asean