Đọc báo Pháp – 19/06/2020
Ấn-Trung: đụng độ giữa hai chủ nghĩa dân tộc – Tú Anh
John Bolton thanh toán nợ nần với Donald Trump, NATO bị đe dọa từ bất đồng bên trong, tham vọng địa chiến lược Trung-Ấn báo hiệu một thế giới đầy bất trắc là những hồ sơ nóng trên báo Pháp ngày 19/06/2020.
Trump bị cố vấn cũ cho ăn đòn, tựa của Le Monde trên bức ảnh chụp chủ nhân Nhà Trắng và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton thời cơm lành canh ngọt.
Tình hình căng thẳng tràn ngập các trang báo của Le Monde: Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hành động phá hoại NATO. Châu Âu tố cáo Ankara gây chuyện trong nội bộ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà vụ mới nhất là chĩa đại bác vào một chiến hạm Pháp đang tiến hành một hải vụ của NATO trong vùng Địa Trung Hải. La Croix báo động : Paris-Ankara bên bờ xung đột.
Họa vô đơn chí cho châu Âu, Donald Trump lại dọa tái bố trí lực lượng Mỹ, rút bớt quân đóng tại Đức trong khi Berlin là thành phần cột trụ trong chiến lược phòng thủ biên giới miền đông đối đầu Nga. Hành đông xé lẻ của Erdogan cũng như thái độ đơn phương của Trump chỉ làm NATO mất tình đoàn kết. Ba Lan và các nước Baltic hy vọng sẽ được Washington tái phối trí quân ở nước mình.
Châu Á cũng nóng bỏng với hành động đe dọa của Trung Quốc đối với Úc và Ấn Độ. “Sau covid-19, Trung Quốc trả thù nước Úc”. Trả thù Canberra đòi điều tra tận gốc vụ đại dịch Vũ Hán, Bắc Kinh kêu gọi dân chúng và sinh viên tẩy chay nước Úc, không du lịch, không du học. Tuy nhiên nói dễ làm khó.
Ấn-Trung: một khoảnh đất nhỏ có nguy cơ gây xung đột lớn
Trong loạt bài về tình hình nóng trên thế giới, Le Figaro ghi nhận: Bình Nhưỡng cho nổ tung tiến trình sưởi ấm quan hệ liên Triều. Trump cảnh cáo Assad: hòa bình hay bị trừng phạt nặng.
Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là khủng hoảng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc. “Ấn Độ tố cáo hành động bạo lực có chủ đích của Trung Quốc” ở Ladakh, Le Monde cho biết chính quyền hai bên đều kín tiếng nhưng theo báo chí Ấn Độ, một nhóm binh sĩ Trung Quốc không dỡ lều trại, trái với một thỏa thuận của quân đội hai bên, khi lính Ấn, không võ trang đến nơi thì bị một toán quân Trung Quốc trang bị gậy sắt tấn công, lùa vào triền núi khiến cho hàng chục binh sĩ rơi xuống hố sâu hoặc xuống sông mà chết. Trong bài phân tích “Cuộc đụng độ giữa hai chủ nghĩa dân tộc”, Le Monde cho rằng Trung Quốc phải chiếm cho được vài cây số vuông trên cao điểm nhìn xuống khu vực thung lũng sông Galwan để phong tỏa con đường chiến lược của Ấn Độ, dự kiến hoàn tất trong năm nay song song với chính sách cải tổ hành chánh bang Jammu và Cachemire nam 2019. Đây là một dự án lâu đời của phe hữu dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ nằm sát cạnh vùng Aksai-Chin của Trung Quốc. Do vậy, dù khoảnh đất vài cây số vuông, nơi xảy ra cuộc ấu đả đẫm máu đêm 14/06, có thật sự là của Trung Quốc hay không, Bắc Kinh cũng dứt khoát cho Ấn Độ một bài học. Thái độ của Bắc Kinh đang được thể hiện ở Biển Đông, chiếm trước biển đảo để đặt đối phương vào “chuyện đã rồi”.
Hệ quả: Thái độ võ đoán của Bắc Kinh chỉ có thể làm cho Ấn Độ đi theo chiến lược “tứ giác kim cương”, của Mỹ, Nhật, Úc.
Trong bối cảnh chính sách đê điều Trung Quốc của Donald Trump lên án Bắc Kinh trong vụ Covid-19, thế giới hậu corona sẽ là một thế giới đầy căng thẳng nghiêm trọng, theo kết luận của Le Monde.
Cũng cùng đề tài, Le Figaro nhấn mạnh chiến thuật “tằm ăn dâu” của Trung Quốc lợi dụng thời cơ gậm nhắm biên giới, vừa đủ để chiến thắng mà không để xảy ra chiến tranh toàn diện. Trung Quốc đã từng đánh chiếm một đồn biên giới của Ấn từ năm 1962. Lần này, Trung Quốc cho rằng đại dịch Covid-19 đang làm cho Ấn Độ phân tâm, là cơ hội bằng vàng để ra tay uy hiếp. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị thế giới đã đổi khác. Liệu Ấn Độ có để cho Trung Quốc thống trị Himalaya hay không ?
Lục quân Pháp chuẩn bị đối đầu với những cuộc chiến gian lao
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí Pháp, Le Monde, Le Figaro, tướng Thierry Burkhard, tham mưu trưởng lục quân cho biết lục quân sẽ được nâng cao khả năng tác chiến để có thể đảm trách những nhiệm vụ khó khăn trong thời gian tới. Tình hình thế giới ngày nay có thể đưa đến chiến tranh giữa nước này với nước kia. Điển hình, xung đột ở Libya, đằng sau hai phe xung khắc là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bán đảo Crimée cũng là một điểm nóng giữa Nga và Ukraina, chính sách lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Một trong những biện pháp sẽ được quân đội Pháp tiến hành trong chiến lược “Bò cạp – Scorpion” tăng cường bảo vệ lãnh thổ là đưa xe bọc thép đến Nouvelle Calédonie ở Nam Thái Bình Dương.
Nhà Trắng: John Bolton luận tội Donald Trump
Trump bị cố vấn cũ cho ăn đòn, tựa của Le Monde trên bức ảnh chụp chủ nhân Nhà Trắng và cố vấn an ninh quốc gia. “John Bolton luận tội Donald Trump”, tựa của Les Echos.
Tổng thống Donald Trump muốn chận quyển hồi ký của cố vấn cũ, trong đó ông bị tố cáo lấy chuyện quốc gia phục vụ quyền lợi riêng, nhờ Trung Quốc giúp cho tái đắc cử, tóm ý của Le Monde. Trong quyển hồi ký, cựu cố vấn an ninh thuật lại như sau: trong hội nghị thượng đỉnh Osaka giữa năm 2019, Donald Trump đã “xoay” cuộc đối thoại với Tập Cận Bình vào chủ đề bầu cử 2020 và muốn chủ tịch Trung Quốc bằng cánh nào đó giúp tái đắc cử. La Croix cho biết chi tiết: Donald Trump đề nghị Tập Cận Bình mua thêm lúa mì và đậu nành của nông dân Mỹ, thành phần cử tri cốt cán của chủ nhân Nhà Trắng.
Libération trích một đoạn khác: Hồi ký của cựu cố vấn John Bolton xác nhận tổng thống Doanld Trump thiếu kiến thức về chính trị quốc tế, không biết Anh Quốc có vũ khí nguyên tử, lầm tưởng Phần Lan là lãnh thổ của Nga…
Thời sự Pháp: 150 đề nghị bảo vệ môi trường, kỷ niệm 80 năm lời kêu gọi kháng chiến
Với tựa trên trang nhất: 150 đề nghị của 150 đại diện xã hội công dân vừa trao cho tổng thống Pháp Macron, nhật báo hôm nay đều tập trung vào hồ sơ khí hậu : các biện pháp triệt để, Les Echos và Le Figaro lưu ý.
Nhật báo thiên hữu tóm lược: làm việc ít đi, sản xuất ít đi và tiêu thụ ít đi để làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. La Croix giới thiệu các biện pháp “triệt để”: đánh thuế nặng phân hóa học, tăng thuế xe gây ô nhiễm, cấm quảng cáo thương mại hóa chất hâm nóng khí quyển.
Libération đặt câu hỏi: liệu tổng thống Macron sẽ thi hành ?
18/06 nhân kỷ niệm 80 năm ngày tướng de Gaulle, một thiếu tướng vô danh, từ Luân Đôn, qua đài BBC kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong lúc giới chính trị và tướng lãnh có tiếng tăm muốn thỏa hiệp với Hitler. Các báo đều đưa gần như cùng một nội dung: Lời kêu gọi đi vào lịch sử. Nước Pháp chỉ thua một trận đánh nhưng không thua chiến tranh. Lời kêu gọi của một người làm thay đổi cục diện của một nước.
Trang văn hóa, chân dung của Le Monde dành cho chân dung của một người Việt 62 tuổi , Nguyễn Tấn Tài Lục , nhạc sĩ rock bỏ nghề, từ ba năm nay có một quầy làm “người bán sách cũ ở Paname” (Paname: một tên khác của Paris). Thông thạo nhiều ngôn ngữ Á châu: tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Lào học ở Trường Ngôn Ngũ Đông Phương, Paris, Tài Lục có bí kíp bán sách đuợc giá: nắm vững nội dung thì nói giá nào cũng được. Một quyển sách nghiên cứu về Khmer Đỏ, mua ở hiệu sách cũ chừng 20 xu, Tài Lục bán cho khách 60 euro. Trong số các giai thoại hấp dẫn có câu chuyện cách nay 35 năm, tình cờ anh mua một quyển sách lên án chính sách thực dân Pháp, ở chợ trời, với giá 1 franc: tên tác giả là Nguyễn Ái Quốc.
Tin tổng hợp
(AFP) – NATO điều tra về hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm qua, 18/06/2020, theo yêu cầu của các nước châu Âu, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã quyết định điều tra về thái độ « hung hăng » của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại việc khám xét các tàu bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vũ khí do Liên Hiệp Quốc ban hành nhằm chắm dứt cuộc xung đột ở Libya. Trong ngày 10/06, trên biển Địa Trung Hải, đã hai lần các tàu của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chận việc khám xét một tàu khả nghi, vụ nghiêm trọng nhất xảy ra với một tàu của Pháp.
(AFP) – Một nhân vật thân cận của con trai tổng thống Brazil bị bắt.
Một nhân vật thân cận với Flavio Bolsonaro, con trai của tổng thống Brazil hôm qua, 18/06/2020, đã bị bắt, trong cuộc điều tra về một vụ biển thủ công quỹ. Người bị bắt là tài xế của Flavio Bolsonaro, khi ông còn là dân biểu của bang Rio de Janeiro. Bản thân con trai tổng thống Bolsonaro bị nghi đã rửa tiền bằng cách mua các căn hộ bằng tiền mặt.
( AFP) – Phi cơ Trung Quốc lại xâm nhập vùng phòng không Đài Loan.
Đài Bắc tố cáo máy bay tiêm kích của Trung Quốc hôm nay, 19/06/2020, đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, ít nhất một chiếc máy bay tiêm kích J-10 đã xâm nhập vào vùng phòng không này, buộc Đài Bắc phải điều phi cơ lên ngăn chận. Đây là vụ xâm nhập thứ tư của các chiến đấu cơ Trung Quốc từ cách đây đây 4 ngày, khi các phi cơ này bắt đầu bay bên trên Đài Loan với một tần suất cao chưa từng có.
(AFP) – Trung Quốc chính thức truy tố hai công dân Canada tội làm “gián điệp”.
Hai người Canada Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao từng làm việc tại Bắc Kinh và Michael Spavor, doanh nhân và là chuyên gia về Bắc Triều Tiên, bị buộc tội “gián điệp”, theo thông cáo của Viện Kiểm Sát Trung Quốc ra ngày hôm qua 18/06/2020. Hai công dân này bị bắt hồi tháng 12/2018 vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Washington đề nghị Ottawa cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ để xét xử tội lách trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Vụ bắt giữ đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Đến giờ tư pháp Canada đang xem xét hồ sơ dẫn độ.
(Le Figaro) – Berlin cáo buộc Mátxcơva ra lệnh ám sát trên đất Đức.
Hôm qua, 18/06/2020, Viện Công Tố Liên Bang Đức đã chính thức cáo buộc chính quyền trung ương Nga đã “ra lệnh thanh toán” Tornike Kavtarashvili, một công dân Gruzia. Vụ ám sát đã diễn ra ngày 23/08/2019 ngay tại công viên Tiergarten, trung tâm thủ đô Berlin, trở thành một vụ việc liên quan đến hai Nhà nước. Quan hệ ngoại giao giữa Mátxcơva và Berlin đã xuống tới mức thấp nhất sau vụ việc. Sau khi đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga hồi cuối năm 2019, chính phủ Đức dự tính sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt mới đối với Nga ở quy mô Liên Hiệp Châu Âu. Matxcơva ngay lập tức đã bác bỏ các cáo buộc của Đức là “không có cơ sở”.
(AFP) – Dời Techno Parade đến năm 2021.
Techno Parade, cuộc diễu hành nhạc techno vẫn diễn ra ở Paris từ 22 năm qua sẽ không được tổ chức vào tháng 9 năm nay, và được dời sang năm sau, do tình hình dịch Covid-19. Cho đến nay, chỉ có một lần Techno Parade bị hủy, đó là vào năm 2001, sau các vụ tấn công khủng bố ở New York, Hoa Kỳ.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200619-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 19/6:
Mỹ-Trung
không có sự đồng thuận sau cuộc họp ở Hawaii
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (19/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ-Trung không có sự đồng thuận sau cuộc họp ở Hawaii
Không có sự đồng thuận nào đạt được trong cuộc đàm phán hôm thứ Tư tại Hawaii giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, theo SCMP.
Tuy nhiên, hai quan chức ngoại giao Mỹ-Trung đã ăn tối và thảo luận trọng suốt 7 giờ trong không khí mà các nhà quan sát đánh giá rằng hai bên giữ thái độ sẵn sàng duy trì đối thoại và giữ mối quan hệ của họ ít nhất ở mức độ như hiện tại.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay cuộc họp giữa ông Pompeo và ông Dương diễn ra trong không khí “có tính xây dựng”. Ông Dương cũng nói với Ngoại trưởng Mỹ về quan điểm của Bắc Kinh đối với Hồng Kông, Đài Loan và Tân Cương, đề nghị Washington không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về cuộc họp không đề cập tới các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung. Thay vào đó, tuyên bố nói rằng ông Pompeo “đã nhấn mạnh các biện pháp toàn diện có tính tương hỗ giữa hai quốc gia trong các hoạt động thương mại, an ninh và ngoại giao”, và lưu ý rằng “cần có sự minh bạch và chia sẻ thông tin đầy đủ để chống lại đại dịch Covid-19 đang diễn ra, cũng như ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong tương lai”.
Ông Trump tiếp tục đe dọa cắt đứt quan hệ với Trung Quốc
Reuters đưa tin, Tổng thống Trump hôm thứ Năm đã nhắc lại việc chính phủ Mỹ có thể sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với chính quyền Trung Quốc.
“Hoa Kỳ chắc chắn duy trì một lựa chọn chính sách, trong các trường hợp khác nhau, về việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc”, ông Trump viết trên Twitter.
Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi ông Trump ký ban hành luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc dính líu tới hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đang có cuộc họp với Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (chi tiết).
Quan chức Mỹ nói về sự nguy hiểm của Triều Tiên
Hôm thứ Năm, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc đánh giá rằng các hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên nhắm vào Hàn Quốc cho thấy Bình Nhưỡng tiếp tục là mối đe dọa nguy hiểm “nghiêm trọng” đối với an ninh khu vực, theo Yonhap.
Phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến, David Helvey, trợ lý bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho biết Hoa Kỳ vẫn phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc để đảm bảo sẵn sàng chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Thật khó để dự đoán những gì sẽ diễn ra trong vài ngày, hãy những tuần tới”, ông Helvey nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng tôi vẫn cảnh giác chống lại bất kỳ các kiểu đe dọa và khiêu khích nào”.
Mỹ treo thưởng lớn cho ai bắt 2 thủ lĩnh phiến quân Colombia
Hoa Kỳ hôm thứ Năm treo phần thưởng lên tới 20 triệu đô la cho những người bắt được hai nhân vật cộm cán của lực lượng phiến quân ở Colombia, theo Fox News.
Hai nhân vật mà Cơ quan Phòng chống Ma túy và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ muốn nhắm tới là Luciano Marín, bí danh Iván Márquez, và Seuxis Hernández, bí danh Jesús Santrich.
Marín và Hernández từng được trao ghế trong nghị viện Colombia, và hai thủ lĩnh phiến quân này cũng từng ủng hộ tích cực hiệp định hòa bình ký năm 2016, kết thúc cuộc xung đột kéo dài giữa phiến quân và chính phủ. Tuy nhiên Marín và Hernández đã chạy trốn và được cho là đang tiếp tục hoạt động buôn bán ma túy.
Trung Quốc có chuyển động quân sự gần biên giới Ấn Độ
Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy, quân đội Trung Quốc đang triển khai hàng loạt hoạt động tại sườn núi Himalaya giáp ranh với Ấn Độ, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng đang căng thẳng sau các cuộc giao trách ác liệt trên vùng đất tranh chấp, làm chết hàng chục binh sĩ, theo bản tin hôm thứ Năm của Reuters.
Hình ảnh vệ tinh ghi nhận việc quân đội Trung Quốc đang vận chuyển thiết bị dọc theo những ngọn núi và trên một con sông ở Thung lũng Galwan, nơi giữ vị trí chiến lược quan trọng vì nó có đường nối đến Aksai Chin, cao nguyên tranh chấp mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng trên thực tế là Trung Quốc kiểm soát.
“Nhìn vào hình ảnh vệ tinh này, có vẻ như Trung Quốc đang cho xây dựng những con đường trong thung lũng và có thể làm hư hại dòng sông”, Mitch Jeffrey Lewis, lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Quốc tế California Middle Middlebury, nói.
Điểm tin tối 19/6:
Trung Quốc cắt xẻ núi Himalaya
trước khi xảy ra đụng độ với Ấn Độ
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (19/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc cắt xẻ núi Himalaya trước khi xảy ra đụng độ với Ấn Độ
Trong những ngày trước vụ giao tranh biên giới dữ dội nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã đưa các máy khoan cắt tới xẻ một đường mòn vào sườn núi của dãy Himalaya và thậm chí có thể đã phá hoại một dòng sông ở đây, theo Reuters.
Từ những hình ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp hôm 16/6, một ngày sau khi binh lính hai bên đấu tay đôi ở thung lũng Galwan băng giá, cho thấy phía Trung Quốc đã gia tăng hoạt động từ một tuần trước đó. Phía Ấn Độ cho biết 20 người lính đã hy sinh trong cuộc tấn công có tính trước của quân đội Trung Quốc vào tối khuya 15/6, vào thời điểm các chỉ huy hàng đầu đã đồng ý xoa dịu căng thẳng trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), là biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng đều có vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc từ chức vì mối quan hệ với Triều Tiên xấu đi
Ông Kim Yeon Chul, người giám sát mối quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên đã đệ đơn từ chức, chịu trách nhiệm vì mối quan hệ giữa hai bên đã xấu đi, nổi bật là việc Triều Tiên đã phá hủy Văn phòng liên lạc chung.
Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng và Seoul gia tăng căng thẳng do các hoạt động thả truyền đơn qua vùng giới tuyến của những người đào thoát – diễn ra ở phía Hàn Quốc.
Theo Yonhap, Bộ trưởng Kim Yeon Chul đã đệ đơn từ chức hôm 17/6. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay (19/6) chấp nhận đơn.
Trung Quốc nói Vành đai và Con đường bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19
Khoảng 20% các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc để nối châu Á, châu Âu và xa hơn nữa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch virus corona, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm thứ Sáu (19/6).
“Theo một khảo sát của Bộ, khoảng 40% các dự án có chút tác động bất lợi, và 30-40% khác bị ảnh hưởng phần nào”, Wang Xiaolong, Tổng giám đốc Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh. “Khoảng 20% các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Wang nói nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Theo Reuters, hơn 100 nước đã ký thỏa thuận hợp tác BRI với Trung Quốc trong các hạng mục như đường sắt, cảng, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng khác. Theo dữ liệu Refinitiv, liên quan đến sáng kiến này có hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc buộc tội hai người Canada bị giam giữ với cáo buộc gián điệp
Các công tố viên Trung Quốc hôm 19/6 đã buộc tội 2 người Canada bị giam giữ ở Trung Quốc là gián điệp, trong một vụ kiện đã chia rẽ mối quan hệ Ottawa và Bắc Kinh, theo Reuters.
Trung Quốc đã bắt giữ cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor vào cuối năm 2018 với các cáo buộc an ninh nhà nước, như một hành động đáp trả ngay sau khi chính quyền Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu tại Vancouver theo một lệnh bắt giữ của Hoa Kỳ. Trung Quốc nhiều lần kêu gọi thả bà Mạnh và cảnh báo Canada có thể phải đối mặt với hậu quả vì đã trợ giúp Mỹ trong vụ bà Mạnh.
Kem đánh răng Darlie của Colgate sẽ được đánh giá lại thương hiệu
Colgate-Palmolive, thương hiệu hàng tiêu dùng Mỹ nói rằng nhãn hàng kem đánh răng Darlie sẽ được xem xét thay đổi. Sản phẩm bị gọi là có lịch sử phân biệt chủng tộc giữa bối cảnh phong trào biểu tình Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen đáng giá) sau cái chết của George Floyd.
Theo HKFP, kem đánh răng được biết đến với cái tên là “Darkie” cho đến năm 1989 khi chủ sở hữu xin lỗi và đổi tên tiếng Anh của nó. Nhưng các quảng cáo địa phương ở Trung Quốc vẫn gọi nó là “Kem đánh răng của người da đen” như đã gọi trong nhiều thập niên.
Darlie cũng là một nhãn hàng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, trên thị trường nó được gọi là “kem đánh răng ông Tây” mô tả theo hình ảnh in trên bao bì sản phẩm.