Đọc báo Pháp – 18/08/2020
Sự chín chắn và lằn ranh đỏ của cách mạng Belarus – Thụy My
Tình hình Belarus vẫn là điểm nóng được tất cả các báo Pháp hôm nay đề cập đến, bên cạnh hồ sơ Yemen và nạn sa thải hàng loạt nhân viên sau phong tỏa.
Sự thách thức của nhà độc tài
«Belarus: Công nhân đình công, biểu tình không ngừng nghỉ», đặc phái viên của Libération tóm tắt. Các hoạt động phản kháng liên tiếp diễn ra, một tuần sau khi nhà độc tài Alexandre Loukachenko tiếp tục nhiệm kỳ thứ sáu, và tỏ ra khiêu khích hơn bao giờ hết.
«Chúng ta đã bầu cử xong rồi. Trừ phi các vị giết tôi, thì không có cuộc bầu cử nào khác!». Để đưa thông điệp này đến các công nhân đình công, ông Loukachenko dùng trực thăng bay đến nhà máy MZKT. Ông tuyên bố: «Nếu các bạn khiêu khích, tôi sẽ xử lý một cách thô bạo». Trước một công chúng liên tục hô to «Hãy ra đi ! » dù đã được an ninh chọn lọc kỹ càng, ông thách thức «Cứ tha hồ hô đi».
Khoảng 30 nhà máy quốc doanh đã đình công. Công nhân các nhà máy BelAZ, nhà máy Belarus MTZ lớn nhất nước cũng xuống đường, các hầm mỏ Belaruskali, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về potasse ngừng hoạt động, hai tập đoàn truyền thông Nhà nước đình công và các nhà báo đi biểu tình. Mọi giới đều có một mục tiêu chung : dân chủ.
Bị cô lập, Loukachenko cố chia rẽ đối lập
Le Figaro nhận thấy ông « Loukachenko ngày càng bị cô lập ». Đối mặt với những đợt biểu tình không hề giảm sút, tổng thống Belarus cố gắng câu giờ và chia rẽ phe đối lập.
Ông Loukachenko cho biết cần có Hiến Pháp mới và đề nghị với công nhân MZKT: « Chúng ta sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, ban hành Hiến Pháp mới và theo đó tôi sẽ nhường lại quyền hành, chứ không phải dưới áp lực của đường phố ». Tổng thống sau đó lặp lại đề nghị này với người dân.
Theo Alexandre Baounov, tổng biên tập trang phân tích Carnegie.ru : « Nếu Loukachenko nói đến cải cách Hiến Pháp, là để cố gắng chia rẽ đối lập, giữa những người ôn hòa sẵn sàng chia sẻ quyền lực và những người cứng rắn hơn ». Tuy nhiên « Không ai tin rằng ông ấy sẽ tổ chức một cuộc chuyển giao ôn hòa ». Đối lập luôn nghi ngờ ý đồ của Loukachenko.
Cựu bộ trưởng Văn Hóa Belarus : « Tôi xấu hổ trước bạo lực »
Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Pavel Latouchko, cựu đại sứ Belarus tại Pháp, cựu bộ trưởng Văn Hóa cho biết ông đã bỏ sang phe đối lập vì xấu hổ trước bạo lực của chính quyền.
Ông Latouchko cho biết hôm thứ Sáu tuần trước, khi xem đi xem lại các video trấn áp người biểu tình được phổ biến trên Telegram, ông vô cùng xấu hổ trước sự thô bạo này. Trong Đệ nhị Thế chiến, Belarus đã mất đi một phần ba dân số, nhưng ngoài thời kỳ đó, lịch sử đất nước chưa bao giờ có bạo lực. Đồng thời ông bộ trưởng cũng hãnh diện trước sự can đảm của người dân Belarus, và cảm thấy không thể đứng ngoài. Khi từ chức, ông nhận được vô số lời khích lệ trên mạng xã hội, trên đường phố, kể cả từ các viên chức cao cấp hay giới chức an ninh.
Cựu bộ trưởng khẳng định đa số giới tinh hoa không còn ủng hộ chế độ, vì hiểu rằng đất nước sẽ suy sụp. Cho dù ông Loukachenko cố giữ được ghế đi nữa, Belarus sẽ mất đi lớp trẻ trước tình hình kinh tế tệ hại và thiếu tự do chính trị hiện nay. Theo ông, quân đội vẫn trung thành với tổng tư lệnh nhưng sẽ không làm gì chống lại nhân dân, còn cảnh sát thì e ngại sẽ bị ảnh hưởng nếu chế độ bị lật đổ.
Một phong trào phản kháng chín chắn, linh hoạt
Trong bài « Sự chín chắn của cả một dân tộc », Le Monde nhận định, không thân châu Âu cũng không thù nghịch với Nga, phong trào đấu tranh Belarus muốn kết thúc một mô hình cai trị không chấp nhận bất kỳ sự phản kháng nào.
Chế độ Loukachenko nói rằng đây là âm mưu của thế lực thù địch, rằng lực lượng NATO đang áp sát biên giới, nhưng người dân thấy rõ chỉ là luận điệu của một tổng thống muốn bám ghế bằng mọi giá.
Tại các nước Liên Xô cũ đã từng diễn ra « cách mạng hoa hồng » ở Gruzia (2003), « cách mạng cam » ở Ukraina (2004 và 2014), « cách mạng hoa uất kim hương » ở Kyrghyzstan (2005)…nhưng phương Tây chưa hề nghĩ rằng một sự thay đổi sẽ diễn ra tại Belarus với một chế độ đàn áp, quan hệ chặt chẽ với Nga .
Thực tế cho thấy phong trào đấu tranh Belarus linh hoạt như ở Hồng Kông : không có trung tâm chỉ huy trừ vài khuôn mặt nổi bật, mà là nhiều đầu mối độc lập. Nơi thì tuần hành, nơi thả bong bóng, chỗ khác nắm tay nhau tạo thành chuỗi người dọc theo những con đường. Người ta xuống đường trong đồng phục áo trắng y tế hay nón bảo hộ công trường, các ban giám đốc không còn chỉ đạo được ai.
Chế độ đã sai lầm khi lại để cho Alexandre Loukachenko tái đắc cử với tỉ lệ 80%, cũng như những lần trước. Gian lận quy mô, bắt bớ hàng ngàn người chỉ làm cho đối lập thêm mạnh. Phong trào đấu tranh không thân phương Tây cũng không chống Nga, chỉ đòi hỏi các quyền công dân. Họ thống nhất với các yêu sách : trả tự do cho những người bị bắt, chấm dứt đàn áp, những kẻ có trách nhiệm phải trả lời trước pháp luật, tổ chức bầu cử công bằng.
Về phía Matxcơva không thể chấp nhận cho Minsk rời xa về địa chính trị. Một Belarus dân chủ hóa sẽ đầy đe dọa cho Nga, trong lúc khoảng mấy chục ngàn người ở vùng Viễn Đông vẫn biểu tình chống đối. Nhưng công khai can thiệp vào Belarus lại đầy rủi ro : đa số người dân sẽ chống lại Nga. Một sự chọn lựa không dễ dàng cho Kremlin.
Lằn ranh đỏ cho cách mạng Belarus : NATO
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, tác giả Renaud Girard phân tích « Lằn ranh đỏ của cuộc cách mạng Belarus ».
Chừng như sắp đến hồi kết của ông Loukachenko : giới trẻ có học được sự ủng hộ của công nhân các nhà máy quốc doanh, tại một đất nước vẫn duy trì nền kinh tế theo kiểu Liên Xô cũ ; các phóng viên đài truyền hình Nhà nước đình công. Tình hình giống như ở Serbia vào đầu tháng 10/2000, chỉ còn chờ đợi giới quân nhân, cảnh sát tham gia, như đã diễn ra với nhà độc tài Ceaucescu của Rumani tháng 12/1989, hay Milosevic của Serbia.
Từ đầu cuộc khủng hoảng, Loukachenko đã nhiều lần kêu gọi sự trợ giúp của ông Vladimir Putin, nhưng điện Kremlin không mấy hăng hái. Các thông cáo chỉ nhắc lại những điều khoản của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO hay OTSC theo tiếng Pháp) gồm 6 nước Liên Xô cũ, cùng bảo vệ nhau chống lại sự tấn công của nước ngoài. Thế nhưng chẳng có nước ngoài nào gây hấn với Belarus. Ông Putin không mấy ưa ông Loukachenko, và hơn nữa, gần đây tổng thống Belarus đã tưng bừng đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đến đề nghị bán khí đốt Mỹ cho Belarus.
Có lẽ ông Putin sẽ từ chối gởi quân đến đàn áp biểu tình. Nhưng để tránh một chiến thắng vẻ vang của phong trào phảng kháng, ngoại giao Nga sẽ vận động hậu trường cho một sự chuyển giao êm thắm, ông Loukachenko được thay thế bằng một nhân vật ôn hòa được cả đối lập lẫn Matxcơva chấp nhận.
Nga chỉ vạch ra một lằn ranh đỏ cho cách mạng Belarus : không gia nhập NATO. Trong cuộc cách mạng Maidan, Putin sợ rằng đối lập Ukraina sẽ xua đuổi hạm đội Nga ở Sébastopol, thay thế bằng lực lượng NATO. Nhưng sau khi sáp nhập Crimée, ông Putin đã phạm sai lầm chiến lược là đưa quân sang Donbass mùa hè 2014, gây ra tâm lý chống Nga dữ dội mà trước đó hầu như rất hiếm hoi. Nếu rút được kinh nghiệm, lần này Putin sẽ không can thiệp thô bạo vào Belarus. Kinh tế sa sút do giá dầu giảm, Nga cần tô điểm lại hình ảnh, không phải với việc diễn lại xe tăng đàn áp Mùa xuân Praha 1968, mà với một vũ khí hòa bình : vac-xin chống virus corona.
Thái Lan : Giới trẻ không còn muốn nhà vua đứng trên pháp luật
Còn tại Thái Lan, Le Figaro và Le Monde cùng có chung nhận định là phong trào biểu tình lần này nhắm vào quốc vương vốn xưa nay bất khả xâm phạm.
Đây là điểm mới rất quan trọng, tại một đất nước có luật khi quân nghiêm khắc nhất thế giới. Giới sinh viên đòi hỏi hủy bỏ tội danh này, tài sản của vua không lẫn lộn với hoàng gia, và quốc vương không công nhận các vụ đảo chính trong tương lai, tóm lại là không xen vào chính trị nữa.
Tuy trên nguyên tắc thì Thái Lan là nước quân chủ lập hiến, nhà vua có vai trò biểu tượng như nữ hoàng Anh, nhưng trên thực tế vua Thái Lan lại có quyền lực rất lớn, nhất là đối với quân đội và toàn bộ hệ thống chính trị. Việc vua Rama X từ đầu đại dịch virus corona luôn ở Đức và Thụy Sĩ, lại càng khiến người dân bất bình. Vị vua 67 tuổi ham chơi này, từ khi lên ngôi năm 2016 luôn muốn mở rộng quyền hành chính trị, nhưng lại né tránh các nghĩa vụ. Cuộc biểu tình ngày 10/08 làm rúng động hoàng gia và phe bảo thủ : những người trẻ đòi hỏi « Không ai được đứng trên pháp luật ».
Thủ tướng Prayut lo ngại khi phong trào đấu tranh chuyển sang hướng này. Cuối tuần rồi ông lên truyền hình nói rằng sinh viên đã vượt qua lằn ranh đỏ, nhưng rốt cuộc nhìn nhận « tương lai thuộc về lớp trẻ ». Về phần vua Rama X, tuần rồi trở về Thái Lan nhân sinh nhật cựu hoàng hậu Sirikit, tỏ ra bực tức trước tình hình mới.
Chưa ai thấy được lối ra cho phong trào. Người Thái vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ thảm sát năm 1976, khi quân đội và các nhóm cực hữu dìm cuộc biểu tình sinh viên trường đại học Thamasat trong biển máu. Một khuôn mặt sinh viên tranh đấu nói với Le Monde : « Chuyến tàu dân chủ đã rời ga, và không gì có thể làm con tàu dừng lại được ».
Virus corona mang lại lợi thế cho Joe Biden
Nhìn sang nước Mỹ, Le Monde nhận xét « Joe Biden hưởng lợi trong chiến dịch tranh cử nhờ Covid-19 ».
Đại hội của đảng Dân Chủ hầu như hoàn toàn diễn ra trên mạng. Cho đến nay, ông Biden đã hưởng lợi từ tình hình chưa từng thấy này. Trong đợt bầu cử sơ bộ của Dân Chủ, ông chưa bao giờ thu hút được đám đông, người đến dự toàn hoan nghênh các đối thủ của ông. Con virus đã làm sớm chấm dứt chiến dịch vận động, và giúp cho ứng cử viên tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ tránh được cuộc chạy đua marathon đầy mệt mỏi. Sự kín tiếng của ông khiến các chiến lược gia thời Obama lo ngại, nhưng rồi đại dịch đã đứng về phía Biden trong thời kỳ phong tỏa.
Tin tổng hợp
(Bộ Y Tế Việt Nam) – Việt Nam ghi nhận ca tử vong thứ 25.
Nạn nhân là nữ, 51 tuổi, sống tại Đà Nẵng, có nhiều bệnh nền. Theo thống kê lúc 6h sáng hôm nay 18/08/2020, Việt Nam có thêm 7 ca nhiễm virus corona, trong đó có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng (3 ca ở Quảng Nam, Hải Dương có 2 ca, Hà Nội 1 ca) và 1 ca nhập cảnh đã được cách ly ngay tại Cần Thơ. Tổng số người nhiễm virus corona tính đến sáng hôm nay là 983 trường hợp.
(Yonhap) – Hàn Quốc và Mỹ duy trì tập trận bất chấp dịch Covid-19.
Theo thông báo chính thức của Seoul, cuộc tập trận chung thường niên được bắt đầu từ hôm nay kéo dài cho đến ngày 28/08, được thực hiện chủ yếu qua mô phỏng trên máy tính. Đây cũng là cuộc tập luyện quân sự lớn của quân đội hai nước, ban đầu dự tính vào mùa xuân vừa qua nhưng do đại dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Hiện Bắc Triều Tiên cũng đang tiến hành các cuộc tập trận như quy mô nhỏ vì Bình Nhưỡng đang phải lo đối phó với dịch Covid 19 và lũ lụt trong nước.
(AFP) – Cựu nhân viên CIA bị buộc tội làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Theo thông báo của bộ Tư Pháp Mỹ ngày 17/08/2020, một cựu nhân viên tình báo và cảnh sát liên bang Mỹ đã bị truy tố tại Hawaii vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc. Có thể nhân vật này đã chuyển các tài liệu mật và danh sách các chỉ điểm của Mỹ cho Bắc Kinh. Theo cáo trạng được bộ Tư Pháp công bố, bị cáo là Andrew Yuk Ching Ma, năm ngoái đã được một nhân viên người Mỹ tự nhận làm việc cho cơ quan tình báo Trung Quốc tiếp cận để mua các tài liệu mật. Andrew, 67 tuổi, sinh tại Hồng Kông, có quốc tịch Mỹ, từ năm 1982-1989 làm việc cho CIA.
(Reuters) – Hồng Kông sẽ kiện Mỹ lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm nay 18/08/2020, khẳng định bà không cảm thấy phiền phức khi lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm đến bà, nhưng bà cho biết chính quyền Hồng Kông sẽ kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới về việc Washington ra yêu sách mới với đặc khu, buộc dán nhãn Made in China, lấy đó làm điều kiện để Mỹ nhập hàng sản xuất từ Hồng Kông.
(AFP) – Truyền hình Nhà nước Thụy Điển cấm nhân viên sử dụng TikTok trên điện thoại công vụ.
Đài truyền hình SVT hôm qua 17/08/2020 thông báo biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh. Các nhân viên của đài SVT đã nhận được thông báo qua email. Trước đó, cũng trong tháng này, đài phát thanh nhà nước SR cũng ra quyết định tương tự. Phụ trách báo chí của đài SR phát biểu là ứng dụng chia sẻ vidéo TikTok của ByteDance không tương thích với các tiêu chí an toàn của các công cụ làm việc của đài, trong đó có điện thoại công vụ.
(AFP) – Kabul hứng nhiều trái rocket trong ngày kỷ niệm 101 năm Afghanistan độc lập.
Nhiều quả rocket hôm nay 18/08/2020 đã được phóng đi từ hai chiếc xe, trúng vào nhiều ngôi nhà trong một số khu phố, khiến 10 bị thương, trong đó có 4 trẻ em. Các vụ tấn công rocket xảy ra trong bối cảnh chính phủ Kabul và phe nổi dậy Taliban chuẩn bị thương lượng về hòa bình. Phủ tổng thống Afghanistan, cũng bị trúng rocket, 6 nhân viên lực lượng an ninh bị thương. Đây là lần thứ 3 trong vòng 2 năm phủ tổng thống bị nhắm bắn rocket. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
(AFP) – Rượu vang Úc: Mục tiêu gây sức ép của Trung Quốc.
Kể từ ngày 18/08/2020, Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống việc Úc trợ giá rượu vang xuất khẩu qua Trung Quốc trong suốt năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc là thị trường rượu vang số một của Úc, hơn cả Pháp và Chi Lê. Bộ thương mại Trung Quốc giải thích là do có đơn kiện của Hiệp hội rượu Trung Quốc.
(AFP) – Tây Ban Nha: Hoàng cung vén màn bí mật.
Theo thông báo công bố hôm nay 18/08/2020, cựu hoàng Juan Carlos lưu vong ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất . Bị điều tra về các cáo buộc tham ô có liên quan đến một vài vương triều dầu hỏa vùng Vịnh, cựu hoàng Tây Ban Nha rời đất nước hồi đầu tháng 8. Tin đầu tiên nói đến Cộng Hoà Dominicana là nơi lưu vong.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200818-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 18/8:
Bà Hillary hạ thấp mối đe dọa Trung Quốc;
Mỹ siết chặt Huawei
Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của DKN. Bản tin sáng nay, thứ Ba (18/8), của chúng tôi có những tin sau:
Bà Hillary hạ thấp mối đe dọa Trung Quốc
BreitBart đưa tin, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hạ thấp mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc trong cuộc thảo luận hôm thứ Hai với Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng mọi người “không thể đổ lỗi cho một quốc gia vì lợi ích của mình” .
Theo BreitBart, trong khi hạ thấp mối đe dọa Trung Quốc, bà Clinton đã tìm cách đổ lỗi cho chính quyền Trump, người luôn nhấn mạnh sự nguy hiểm của Bắc Kinh và tích cực hành động chống lại chế độ cộng sản.
Chúng ta nên “tự vấn bản thân vì đã không hiệu quả hơn trong cách thức chúng ta đối phó với cách tiếp cận mới, hung hăng hơn, và đầy tham vọng của Trung Quốc”, bà Clinton nói.
Mỹ siết chặt Huawei
Theo các quy định mới do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành hôm thứ Hai, bất kỳ công ty nào bán bất kỳ sản phẩm nào của Huawei được sản xuất ở bất kỳ đâu bằng công nghệ Hoa Kỳ sẽ phải xin giấy phép. SCMP cho hay, quy định này nhằm ngăn chặn việc Huawei trốn tránh các kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ bằng cách mua các bộ phận điện tử thông qua các bên thứ ba.
Bộ Thương mại cũng đã bổ sung 38 chi nhánh khác của Huawei tại 21 quốc gia vào danh sách quản lý nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài xuất khẩu công nghệ Mỹ cho các thực thể này.
“Vì chúng tôi đã hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Hoa Kỳ, Huawei và các chi nhánh của nó đã lách luật bằng cách thông qua các bên thứ ba để khai thác công nghệ của Mỹ theo xu hướng làm suy yếu lợi ích từ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết. “Hành động đa mũi nhọn này thể hiện cam kết không ngừng của chúng tôi trong việc ngăn chặn Huawei thực hiện những hành vi này”. (chi tiết)
Cựu sĩ quan CIA bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Một cựu sĩ quan CIA đã bị buộc tội cung cấp bí mật cho Trung Quốc trong suốt một thập kỷ. Đây là vụ án được một quan chức hàng đầu Bộ Tư pháp mô tả giống như một “cuốn tiểu thuyết gián điệp”, SCMP đưa tin sáng thứ Ba.
Bộ Tư pháp cho biết, cựu nhân viên CIA đồng thời là nhà ngôn ngữ học FBI, Alexander Yuk Chung Ma, 67 tuổi, cư dân Hawaii, đã bị bắt hôm thứ Sáu (14/8) tại Hawaii và bị buộc tội âm mưu cung cấp thông tin quốc phòng cho chính phủ nước ngoài. Ông Ma sẽ phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.
Một hồ sơ của FBI cáo buộc một người đàn ông 85 tuổi ở Los Angeles, họ hàng của ông Ma và cũng là một cựu sĩ quan CIA, đóng vai trò chủ mưu nhưng không bị buộc tội vì ông này đang mắc “bệnh suy nhược về nhận thức”.
Tổng thống Belarus đặt điều kiện chuyển giao quyền lực
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko hôm thứ Hai nói rằng ông sẽ sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử mới và bàn giao quyền lực sau một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp. Reuters nhận định, đây là một bước đi của ông Lukashenko nhằm xoa dịu các cuộc biểu tình và đình công hàng loạt trong những ngày qua.
Tuy nhiên người đã ngồi ở ghế tổng thống Belarus 26 năm lại đưa ra một ràng buộc rằng ông sẽ không thực hiện việc này trong khi đang chịu áp lực từ người biểu tình. “Chúng tôi đã tổ chức bầu cử rồi”, ông Lukashenko nói. “Sẽ không có bất kỳ cuộc bầu cử mới nào, trừ khi bạn giết tối”.
Ông Lukashenko không chỉ đang phải chịu các áp lực từ người biểu tình, mà còn phải đối mặt với mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của EU sau khi chính phủ của ông thực hiện các cuộc đàn áp người biểu tình, những người tố cáo ông gian lận để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tuần trước.
Ông Trump nói về cách tạo thêm 10 triệu việc làm mới
Tổng thống Trump hôm thứ Hai tuyên bố sẽ tạo ra 10 triệu việc làm trong 10 tháng, và một trong những cách để thực hiện mục tiêu này là thiết lập các khoản tín dụng thuế cho các công ty Hoa Kỳ chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ tạo ra các khoản tín dụng thuế cho các công ty mang việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ”, ông Trump nói trong một bài phát biểu kéo dài một giờ trong cuộc vận động tranh cử tại Mankato, bang Minnesota. Ông cũng dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra trong trường hợp ông tái đắc cử.
“Chúng ta đã cùng nhau tạo ra những điều kỳ diệu cho nền kinh tế và bây giờ chúng ta sẽ thực hiện lại kỳ tích này”, ông Trump nói với những người ủng hộ.
Điểm tin thế giới tối 18/8:
Ông Trump sẽ ân xá cho một người ‘rất quan trọng’;
Tổng thống Bồ Đào Nha bơi ra biển cứu người
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (18/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump sẽ ân xá cho một người ‘rất quan trọng’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/8 cho biết ông sẽ ân xá cho một người “rất, rất quan trọng” vào ngày mai (theo giờ Mỹ), nhưng nhấn mạnh người đó không phải Edward Snowden hay Michael Flynn, theo Reuters.
Thông tin trên được ông Trump công bố với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One hôm thứ Ba (17/8). Ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết, ngoại trừ việc nói rằng người được ân xá không phải cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden hay cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Tổng thống Bồ Đào Nha bơi ra biển cứu người
Theo BBC, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa hôm 15/8 đã bơi ra hỗ trợ cứu hai người phụ nữ sau khi thuyền kayak của họ bị lật trên biển Algarve.
Sự việc xảy ra hôm 15/8 khi ông Rebelo de Sousa, 71 tuổi, đang trong kỳ nghỉ ở vùng Algarve, cực nam Bồ Đào Nha, nhằm thúc đẩy ngành du lịch tại khu vực này. Vị tổng thống kể rằng ông đang phát biểu
với các phóng viên tại bãi biển Praia do Alvor thì phát hiện hai người gặp nạn. Họ bị dòng hải lưu cuốn từ một bãi biển gần đó vào vịnh.
Video cho thấy ông bơi ra giữa biển, đến chỗ hai người phụ nữ đang chới với để trợ giúp họ. Một người đàn ông khác đã có mặt ở đó, đang cố giúp lật lại con thuyền, trong khi một người lái motor nước cũng tiến lại để giúp đỡ. Người này sau đó đã kéo kayak vào bờ.
Bộ trưởng Tài chính Canada từ chức
Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau hôm thứ Hai tuyên bố từ chức khi đang bị điều tra bê bối liên quan đến tiền hỗ trợ Covid-19 cho thanh niên, theo AFP.
“Khi chúng ta chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống đại dịch và mở đường hướng tới hồi phục kinh tế, chúng ta phải công nhận quá trình này sẽ mất nhiều năm. Đây là thời điểm thích hợp để một bộ trưởng tài chính mới đưa ra kế hoạch phục hồi trên con đường dài và đầy thử thách phía trước”, ông Morneau nói.
Tuần qua, truyền thông Canada đưa tin về sự bất đồng giữa ông Morneau và Thủ tướng Trudeau trong cách thức tái khởi động nền kinh tế đang suy thoái của Canada do đại dịch, trong bối cảnh ngân sách chính phủ thâm hụt tới 340 tỷ đô la Canada.
Ủy viên Đạo đức của Canada cũng mở một cuộc điều tra về mối quan hệ của ông Morneau với một tổ chức từ thiện liên hệ với chính phủ để phân phối viện trợ tiền Covid-19 cho thanh niên.
Động đất mạnh tại Philippines làm 1 người chết, nhiều nhà cửa hư hại
Một trận động đất mạnh 6,6 độ richter sáng nay đã xảy ra tại miền Trung Philippines làm ít nhất 1 người chết và nhiều nhà cửa bị hư hại, theo Manila Bulletin.
Trận động đất được Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ ghi nhận lúc 8h3′ giờ địa phương (7h3′ giờ Việt Nam) tại vùng Bicol, phía Đông Nam đảo Masbate. Hàng chục dư chấn đã xảy ra sau động đất.
Chính quyền thị trấn Cataingan trên đảo Masbate cho biết trận động đất rất mạnh khiến nhiều nhà cửa bị hư hại. Thị trấn Cataingan nằm cách tâm chấn vài km về phía Tây.
Tại thị trấn Palanas lân cận, cảnh sát cho biết một số bệnh nhân bao gồm những phụ nữ sắp sinh đã phải sơ tán khỏi bệnh viện để phòng ngừa dư chấn.
Trong khi đó, gần như tất cả người dân trong các tòa nhà tại thành phố Iloilo, cách đảo Masbate khoảng 400 km về phía Đông Nam, đã đổ ra đường do động đất.
Bộ trưởng Năng lượng Nga nhiễm Covid-19
Sputnik hôm thứ Ba (18/8) dẫn lời Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã dương tính với nCov.
Theo thông tin từ Bộ Năng lượng Nga, ông Novak không có bất cứ triệu chứng mắc bệnh nào và hiện sức khỏe vẫn ổn.