Đọc báo Pháp – 18/07/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 18/07/2017

Pháp : Tổng thống Macron

và chính sách ngoại giao “sáng tạo”

Minh Anh

Đón tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại lâu đài Versailles ; mời tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến dự Quốc Khánh Pháp và mời thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ vây bắt người Do Thái Vel’d’Hiv, trong các ngày 16 và 17/07/1942, báo Le Monde ngày 18/07/2017 có bài xã luận nhận định về chính sách « Ngoại giao sáng tạo của tổng thống Macron ».

Vua nước Phổ, Frédéric Đệ Nhị nói : « Nghệ thuật chính trị không phải là làm nẩy sinh các cơ hội mà là biết khai thác các cơ hội đó ». Theo báo Le Monde, kể từ ngày Emmanuel Macron trở thành chủ nhân điện Elysée, 10/05/2017, chính sách ngoại giao của ông đã áp dụng đúng nguyên tắc này.

Từ ba sáng kiến ngoại giao nói trên, tổng thống Macron đưa ra nhiều tín hiệu. Trước tiên, sự bạo dạn có thể bù đắp việc thiếu kinh nghiệm. Thứ hai, đối thoại vẫn tốt hơn là cô lập, tẩy chay và thứ ba là nước Pháp, cường quốc ngoại giao và quân sự, đã quay trở lại và khẳng định vị trí của mình trên sân khấu chính trị quốc tế.

Đối với Le Monde, tổng thống Macron đã thắng trong cuộc tấn công ngoại giao này ; ông đã áp dụng một phương pháp riêng, mang dấu ấn cá nhân, đó là đề cao vai trò của nước Pháp, tận dụng khả năng thuyết phục của mình và thẳng thắn trong đối thoại.

Trên báo Le Journal du Dimanche, Emmanuel Macron cho biết, khi thiết lập quan hệ trực tiếp với Donald Trump, ông muốn tránh tình trạng là nguyên thủ Hoa Kỳ, « xây dựng các liên minh do hoàn cảnh, mang tính cơ hội, với những quốc gia có thể đe dọa cấu trúc quốc tế mà chúng ta đang rất cần ». Le Monde đánh giá là tổng thống Pháp hiểu đúng vấn đề.

Trật tự quốc tế đang bị thay đổi trước các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và sâu sắc. Do vậy, điều cơ bản là phải giữ được những kênh liên lạc mở để kiên quyết tái khẳng định những nguyên tắc nền tảng của trật tự này. Tổng thống Pháp không nên lơ là : tuy bước khởi đầu thành công, nhưng ông vẫn phải thúc đẩy mạnh các sáng kiến này.

Cắt giảm ngân sách : Macron thách thức quân đội

Quan hệ căng thẳng giữa tổng thống Pháp với tổng tham mưu trưởng quân đội liên quan đến quyết định cắt giảm ngân sách quân đội là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của các tờ báo.

Le Monde trong bài « Cuộc khủng hoảng lớn giữa Macron và quân đội », điểm lại các sự kiện : ngày 11/07, bộ trưởng phụ trách ngân sách thông báo vào cuối năm 2017, quân đội phải tiết kiệm 850 triệu euro mua sắm thiết bị, cho dù tổng thống Macron cam kết là vào năm 2025, ngân sách quốc phòng sẽ tương đương 2% tổng sản phẩm nội địa Pháp.

Một ngày sau đó, phát biểu tại Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Hội, tướng Pierre de Villiers, tổng tham mưu trưởng, đến tuổi nghỉ hưu nhưng vừa được tổng thống chấp thuận ở lại vị trí này thêm một năm nữa, đã chỉ trích việc cắt giảm ngân sách trong bối cảnh quân đội triển khai lực lượng chống khủng bố ở nhiều địa bàn bên ngoài.

Ngay lập tức, ngày 13/07, phát biểu tại bộ Quốc Phòng, tổng thống Macron đã công khai nhắc nhở tướng de Villiers với những lời lẽ rất cứng rắn và thể hiện quyền lực : « Tôi cho rằng việc phơi bày trước công chúng một số cuộc thảo luận là không đúng đắn, không nghiêm túc. Tôi là thủ trưởng của các vị… Tôi không hề cần đến các áp lực và bình luận ».

Ngày Quốc khánh, tướng de Villiers vẫn có mặt bên cạnh tổng thống để đi duyệt binh, nhưng ông cho các cộng sự biết là sẽ có một quyết định vào đầu tuần tới. Đến ngày 15/07, trên báo Le Journal du Dimanche, Emmanuel Macron nhấn mạnh : Nếu có điều gì đó làm cho tổng tham mưu trưởng đối lập với tổng thống thì tổng tham mưu trưởng phải thay đổi.

Về cuộc khủng hoảng này, Le Monde trích dẫn cựu tổng tham mưu trưởng Henri Gentégeat, cho rằng : Về cơ bản, quân đội phải phục tùng tổng thống và tổng thống có trách nhiệm khẳng định lại quyền lực của mình. Nhưng phương pháp của Macron gây tổn thương. Không thể công khai bày tỏ bất đồng như vậy đối với một vị tổng tham mưu trưởng trước mắt các thuộc cấp của ông.

Vẫn theo tướng Gentégeat, thực ra, tổng tham mưu trưởng de Villiers chỉ làm đúng bổn phận của ông khi bảo vệ ngân sách của quân đội. Tổng thống Macron sẽ hiểu ra điều này khi ông vào sân điện Invalides để làm lễ tưởng niệm chiến binh Pháp đầu tiên thiệt mạng do thiếu thốn thiết bị quân sự và đến lúc đó, thì những lời chỉ trích sẽ nhắm vào tổng thống.

Cũng về chủ đề này, Le Monde đăng ý kiến của tướng François Chauvancy nhận định rằng « Tổng thống Macron đã phá vỡ tín ước với quân đội ». Theo vị tướng này, lòng tin cậy bị mất khi ông Macron cho rằng sự bất bình của tướng de Villiers dường như là do vận động hành lang, gây sức ép của giới công nghiệp quân sự.

Nghĩ như vậy là không hiểu rõ tổng tham mưu trưởng de Villiers. Mặt khác, khi bày tỏ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, tướng de Villiers thực hiện đúng vai trò của mình. Có vị chỉ huy nào lại có thể chấp nhận việc giảm khả năng chiến đấu của quân đội với hậu quả nghiêm trọng là đe dọa sinh mệnh các binh sĩ.

Theo tướng Chauvancy, tổng thống Macron đã thất bại trong đợt trắc nghiệm đầu tiên về ngân sách. Việc một vị tổng thống, tổng tư lệnh quân đội làm nhục một thuộc cấp, một tổng tham mưu trưởng, sẽ tạo ngờ vực và làm mất trọng tín trong giới quân sự.

Anh Quốc và Liên Âu chia tay : Vòng đàm phán thứ hai

Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc vật vã chia tay. Hôm qua, đại diện Bruxelles và Luân Đôn đã bước vào vòng hai cuộc đàm phán. Le Figaro trên trang nhất dành một góc nhỏ thông báo : « Brexit, Bruxelles và Luân Đôn đề cập đến chủ đề nóng bỏng ».

Tờ báo ghi nhận dường như Vương Quốc Anh bước vào vòng đàm phán đầy vẻ khó khăn. Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra bắt đầu mất kiên nhẫn do việc Luân Đôn hôm qua đến với cuộc đàm phán hầu như tay trắng, không có một kế hoạch cụ thể nào.

Nhưng có lẽ cũng như bao cuộc ly dị thông thường khác, « tài chính » luôn là những vấn đề khó xử lý nhất. Phân chia tài sản luôn là nguồn cội các tranh cãi, nhưng trong cuộc chia tay này, món nợ mà Anh Quốc phải trả cho Liên Âu lại trở thành nguồn gốc căng thẳng giữa đôi bên. Libération khôi hài kết luận : « Brexit, hóa đơn và những rạn nứt ».

Trung Quốc : Tăng trưởng song hành cùng nợ nần

Tăng trưởng Trung Quốc trong quý II/2017 cao hơn mức dự báo. « 6,9% » – tựa ngắn gọn của Libération. Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi « Nên vui mừng hay lo lắng ? », để rồi tự trả lời là đáng lo bởi vì như nhận định của Le Monde « Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với nợ ».

Nhật báo kinh tế nhìn nhận, quả thật mức tăng trưởng này trong quý II đủ để trấn an các đối tác thương mại. Là cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới, đầu tàu kinh tế của cả hành tinh, đóng góp đến 1/3 tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, nhưng người khổng lồ Trung Quốc lại đi trên đôi chân bằng đất sét.

Tổng nợ toàn quốc, tính chung các lĩnh vực (doanh nghiệp, hộ gia đình, Nhà nước và địa phương) đã vượt quá 260% GDP, thay vì là 140% trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế 2008. Một con số chưa từng thấy. Mức nợ tăng vọt này có nguy cơ gây ra một « cú sốc về kinh tế và tài chính » như cảnh báo của cơ quan thẩm định tài chính Fitch.

Theo Les Echos, nguyên nhân là Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng trong ngắn hạn bất chấp những cải cách cơ cấu. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế – IMF – lấy làm tiếc là Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước, « trì hoãn các cải cách cần thiết để bảo đảm ổn định trong trung hạn, và thiếu vắng hiện đại hóa của Nhà nước để củng cố vai trò nền kinh tế thị trường ».

Les Echos ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trước những rủi ro tài chính. Dĩ nhiên Bắc Kinh đã điều chỉnh chính sách tiền tệ và siết chặt nhiều quy định trong những tháng gần đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn cam kết chiến đấu chống những rủi ro đó. Tuy nhiên các nhà quan sát không trông đợi sẽ có một cải cách lớn nào trước kỳ đại hội Đảng vào mùa thu năm nay. Giờ phải chờ xem liệu những cải cách đó có sẽ diễn ra sau đại hội hay không.

Bắc – Nam Triều Tiên : Hội ngộ khó khăn

Châu Âu vật vã lo chuyện chia tay với Anh Quốc, thì ngược lại bán đảo Triều Tiên lại khốn khổ lo lắng cho « hội ngộ Bắc – Nam ». Libération và Les Echos lần lượt loan báo : « Hai miền Triều Tiên, Seoul đề xuất nối lại đối thoại » và « bất chấp những khiêu khích, Seoul chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng ».

Nhật báo công giáo La Croix, trong bài viết đề tựa « Seoul tuyệt vọng giang tay với Bình Nhưỡng », cố gắng giải đáp ba câu hỏi.

Hàn Quốc đề nghị những gì ?

La Croix khẳng định có hai đề xuất khác nhau rõ rệt. Đề nghị thứ nhất mang tính chất quân sự : Tái khởi động đối thoại « Bàn Môn Điếm ». Seoul đề nghị tổ chức một cuộc nói chuyện giữa các giới chức quân đội hai bên, nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau một loạt các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng từ đầu năm 2017.

Đề nghị thứ hai mang tính chất nhân đạo, do Hội Chữ Thập Đỏ Hàn Quốc đề xuất. Theo đó, hai bên sẽ lại tổ chức « hội ngộ » cho các gia đình ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên. Địa điểm gặp thảo luận hồ sơ này vẫn sẽ là ở Bàn Môn Điếm, nhưng vào một thời điểm khác, dự tính khoảng vào đầu tháng 8 tới đây.

Hàn Quốc đối mặt với những thách thức nào ?

Không như người tiền nhiệm, bà Park Geun Hye, vừa bị phế truất, được cho là bảo thủ, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là một người cởi mở, luôn chủ trương nối lại đàm phán. Trong bối cảnh chính quyền Donald Trump tỏ ra mất kiên nhẫn, luôn đe dọa dùng vũ lực và gia tăng trừng phạt cứng rắn với chế độ Kim Jong Un, Seoul đành phải thúc đẩy Bình Nhưỡng tái lập các kênh thông tin liên Triều đã có trước đây trong lĩnh vực quân sự và nhân đạo.

Bắc Triều Tiên phản ứng ra sao ?

Hiện tại Bình Nhưỡng vẫn chưa có phản hồi và có thể phải mất từ một đến hai ngày để đáp trả lại những đề nghị hữu hảo trên của Seoul. Điều đáng lưu ý là cho đến giờ Bắc Triều Tiên vẫn luôn nhấn mạnh không có ý định đàm phán với Hàn Quốc, được cho là một con rối của Hoa Kỳ.

Trong trường hợp Bình Nhưỡng chấp nhận cả hai hoặc chí ít là một trong hai đề xuất, điều này cũng có thể làm lóe lên một tia hy vọng mong manh nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng. Một điều chắc chắn là việc hâm nóng lại quan hệ liên Triều như những năm 2000 là còn xa vời.

Bởi vì, từ năm 2006, Bắc Triều Tiên đã năm lần thử hạt nhân, và đã thử thành công tên lửa liên lục địa hôm 04/07. Với Bình Nhưỡng, bấy nhiêu thành công đủ cho phép nước này không nhượng bộ một điều gì.

Venezuela :

Quốc Hội Lập Hiến – « Không », Maduro ra đi – « Có »

Nhìn sang Nam Mỹ, liệu tổng thống Venezuela có chiều theo ý kiến của toàn dân hay không ? Hơn 7 triệu người dân, tức chiếm khoảng một phần tư dân số Venezuela đã tham gia một cuộc bỏ phiếu do phe đối lập tổ chức tham vấn ý kiến người dân về dự án Quốc Hội Lập Hiến của tổng thống Nicolas Maduro.

Kết quả thu được ngoài sự mong đợi, hơn 98% người tham gia khẳng định : Không muốn có Quốc Hội Lập Hiến, yêu cầu Quân đội bảo vệ Hiến Pháp hiện có và tổ chức bầu cử sớm trước khi ông Maduro hết nhiệm kỳ.

Nói tóm lại, « Tại Venezuela, phe đối lập đã ghi điểm », tựa của Libération. Les Echos nhận xét « Trưng cầu dân ý của đối lập thành công lớn ». La Croix ghi nhận « Thành công của người dân chống Quốc Hội Lập Hiến ».

Địa Trung Hải : Du khách hay bảo tồn ?

Tháng 7- 8 là mùa du lịch. Những bãi biển, những điểm tắm suối và hồ lại rộn rã tiếng cười du khách tắm mát dưới nắng nóng mùa hè. Nhưng Le Figaro đưa ra cảnh báo : « Tại Pháp, cứ 7 người thì có một người không biết bơi ».

Mỗi năm tại Pháp, tai nạn chết đuối đã cướp đi khoảng 500 sinh mạng. Thống kê năm 2015 cho thấy trong suốt mùa hè có đến gần 1300 vụ tai nạn, khoảng 1/3 số này đã thiệt mạng. Trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, mỗi ngày tại Pháp có đến 3-4 vụ chết đuối. Điều đáng ngạc nhiên là 60% số người tử nạn là trên 45 tuổi. Nghịch lý là Pháp có những « kình ngư » nổi tiếng trên thế giới chẳng hạn như Laure Manaudou.

Hè không chỉ là lúc để nghỉ ngơi, mà còn là dịp để khám phá những địa danh khác. Đời sống khấm khá hơn, cộng với điều kiện đi lại ngày một hiện đại và thuận tiện, nhu cầu đi chơi của người dân ở nhiều nơi cũng ngày một lớn. Địa Trung Hải vốn nổi tiếng với những di tích lịch sử, những bãi biển xanh như ngọc, dưới bầu trời xanh lơ đẹp đến mê hồn là một trong số những điểm đến ưa thích của khách thập phương.

Tuy nhiên, Le Figaro lo lắng cho « Những viên ngọc Địa Trung Hải bị ngột ngạt trước làn sóng du lịch đại chúng ». Đe dọa khủng bố đang làm cho các trung tâm du lịch lớn như Barcelona, Luân Đôn, Paris hay Amsterdam vắng dần du khách.

Trong khi đó, tại những danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử ở xung quanh vùng Địa Trung Hải đang hứng chịu hiện tượng quá tải khách du lịch. Hiện tượng du lịch đại chúng ồ ạt đang đặt chính quyền địa phương trước những thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, dự trữ nguồn nước sạch trên các đảo hay như xử lý rác thải… cũng như việc bảo tồn các di sản văn hóa.

http://vi.rfi.fr/phap/20170718-phap-tong-thong-macron-va-chinh-sach-ngoai-giao-sang-tao

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Tập Cận Bình muốn gia tăng nhập khẩu và đầu tư

Theo báo chí Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc c trong bài diễn văn hôm nay 18/07/2017 kêu gọi gia tăng nhập khẩu và ổn định xuất khẩu, tự do hóa thương mại và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, giảm thuế hải quan cho một số mặt hàng tiêu dùng. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Bắc Kinh giảm bớt xuất siêu với Mỹ.

(Reuters) – Sản xuất thép Trung Quốc lại lên mức kỷ lục

Sản lượng thép và nhôm của Trung Quốc đạt mức kỷ lục trong tháng 6/2017 với 73,23 triệu tấn, tăng 5,7% và vượt qua kỷ lục đã đạt được hai tháng trước đó. Căng thẳng với Hoa Kỳ có nguy cơ gia tăng. Mỹ tố cáo thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Tổng thống Donald Trump đe dọa hạn chế nhập khẩu với lý do an ninh quốc gia. Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc bán phá giá.

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ : Quốc Hội chấp thuận triển hạn tình trạng khẩn cấp

Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/07/2017 đã thông qua đề xuất triển hạn thêm 3 tháng tình trạng khẩn cấp được ban bố sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 07/2016. Quyết định của Quốc Hội được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức kỷ niệm một năm dập tắt cuộc đảo chính chống tổng thống Recep Erdogan.

(AFP) – Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiếp tục giam giữ 6 trong số 10 nhà hoạt động nhân quyền

Những người này bị bắt khi đang tham gia một chương trình về an ninh mạng và quản lý thông tin tại Istanbul, trong đó có bà Idil Eser – giám đốc tổ chức Amnesty International, chi nhánh Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sẽ bị đưa ra xét xử về tội tham gia vào tổ chức khủng bố. Amnesty International phản đối quyết định của tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng địnhcả mười nhà hoạt động nhân quyền đó đều vô tội.

(AFP) – Nhà Trắng tố cáo đảng Dân Chủ thông đồng với Ukraina

Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer hôm 17/07/2017, tố cáo Đảng Dân chủ đã có những liên hệ với Ukraina trước bầu cử tổng thống 2016. Theo Nhà Trắng, một đảng viên của đảng Dân Chủ đã gặp gỡ những quan chức đại sứ quán Ukraina để  tìm những thông tin bất lợi, bôi nhọ người đứng đầu chiến dịch của ông Donald Trump lúc đó là ông Paul Manafort. Phía đảng Dân Chủ cho rằng Nhà Trắng đang cố tình đáng lạc hướng dư luận sau vụ con trai tổng thống Trump thừa nhận đã gặp gỡ một nữ luật sư Nga.

(AFP) – Úc thành lập cơ quan đặc biệt để đối phó với khủng bố

Ngày 17/07/2017 Canberra thông báo Cơ quan mới bao gồm ngành tình báo nội địa, cảnh sát và kiểm soát biên giới và được đặt dưới quyền của bộ trưởng Nhập Cư Peter Dutton. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull gọi đó là cải cách quan trọng nhất về tình báo và an ninh nội địa trong hơn 40 năm qua. Nhà chức trách Úc lo ngại về nguy cơ tấn công khủng bố sau khi 4 vụ khủng bố xảy ra trong những năm qua tại nước này.

(AFP) – Nhật hứa đóng góp 1 tỉ euro cho Liên Hiệp Quốc

Hôm qua 17/07/2017, Nhật cam kết trong hai năm tới sẽ tài trợ 2 tỉ euro cho chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc. Với cam kết trên, Tokyo sẽ trở thành một trong những nước đóng góp nhiều nhất trong lĩnh vực này. Theo phát biểu của Ngoại trưởng Nhật trong cuộc họp với Liên Hiệp Quốc, khoản tiền trên được dùng để hỗ trợ trẻ em, thanh niên trên toàn thế giới về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như nhằm phát triển bình đẳng giới.

(AFP) – 10% trẻ em không được tiêm phòng bệnh năm 2016

Tổ chức Y Tế Thế Giới ngày 17/07/2017 thông báo cứ 10 trẻ em thì có 1 em không được tiêm phòng dịch bệnh vào năm 2016 và có nguy cơ mắc các bệnh bạch cầu, uốn ván, ho gà. Khoảng 6% trẻ em chỉ được tiêm 1 trên 3 liều cần thiết. Đây là kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y Tế Thế Giới và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF.

(AFP) – Cảnh báo sóng thần sau vụ động đất 7,7 độ ngoài khơi nước Nga

Theo viện Địa Chất Mỹ USGS, đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/07/2017 một trận động đất 7.7 độ đã được ghi nhận ngoài khơi Nga, dưới độ sâu gần 12 km, cách Nikolskoye gần 199 km về phía Đông, khiến nhà chức trách Hoa Kỳ phải đưa ra báo động về sóng thần tại một số khu vực ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các báo động trên nhanh chóng được gỡ bỏ, chính quyền Mỹ cũng nhấn mạnh Hawaii không bị ảnh hưởng.

(AFP) – Động đất 6,3 độ ngoài khơi Perou

Trận động đất xảy ra đêm hôm qua 17/07, rạng sáng hôm nay 18/07, ở độ sâu 28 km dưới lòng đất, cách bờ biển tây nam Perou 44 km đã làm rung chuyển miền nam Perou, khiến dân chúng lo sợ, nhưng không ai bị thương và cũng không gây nhiều thiệt hại về vật chất. Perou nằm trong khu vực thường xảy ra động đất. Từ đầu năm tới nay, đã có 169 trận động đất được ghi nhận. Trận động đất mạnh nhất xảy ra ngày 15/08/2007, với cường độ 7.9 độ đã khiến 595 thiệt mạng.

(AFP) – Ấn Độ : 76 người chết vì lũ lụt

Hai bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Arunachal Pradesh và Assam, miền Đông Bắc Ấn Độ. Ở bang Assam, hàng chục ngàn người phải đi sơ tán và ở trong 118 cơ sở cứu trợ khẩn cấp do chính phủ triển khai. Một quan chức trong ngành cứu hộ bang Assam cho biết mực nước ở năm con sông lớn ở bang này vẫn cao trên mức báo động. Chính phủ liên bang đã kêu gọi quân đội tham gia cứu hộ khẩn cấp tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

(Reuters) – Hoa Kỳ sẽ cấp thêm 15.000 thị thực cho người lao động

Thông báo của bộ An ninh Nội địa (DHS) được đưa ra ngày 17/07/2017 sau khi được Quốc Hội Mỹ bật đèn xanh hồi tháng Năm và sau khi tham vấn với bộ Lao Động về tình trạng thiếu nhân công có tay nghề tại Mỹ. Thị thực được cấp cho nhân công mùa vụ trong các lĩnh vực du lịch, đánh bắt cá, chế biến. Thông cáo của bộ An ninh Nội địa khẳng định quyết tâm của chính quyền Mỹ trong việc ủng hộ các doanh nghiệp.

(AFP/Reuters) – Hỏa hoạn hoành hành khắp thế giới

Nhiều vụ cháy rừng lớn tại Bristish Colombia, miền tây Canada, 39.000 người phải sơ tán. Khoảng 3.000 lính cứu hỏa và 200 máy bay và trực thăng vẫn đang tiếp tục đối mặt với 159 khu vực hỏa hoạn, trong đó có 27 khu vực nghiêm trọng. Còn tại châu Âu, cháy rừng tiếp tục hoành hành tại vùng Split, bên bờ Adriatique nằm giữa Croatia và Montenegro. Khoảng 4.500 ha rừng bị thiêu rụi và 80 người bị thương, chủ yếu là lính cứu hỏa. Một vụ cháy rừng ở vùng biên giới Pháp-Tây Ban Nhà cũng thiêu rụi hơn 150 ha rừng bên phía Pháp và lan sang phía Tây Ban Nha khoảng 10 km.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170718-tin-doc-nhanh