Đọc báo Pháp – 18/01/2020
Đài Loan: Giấc mơ khác xa “Trung Quốc mộng”
của Tập Cận Bình
Mai Vân
Âm vang chiến thắng của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hôm 11/01/2020 tiếp tục được thấy trên các tuần báo Pháp. Trên tạp chí L’Express, nhà bình luận Eric Chol không ngần ngại mượn lại khái niệm “Trung Quốc Mộng”, hay là giấc mơ Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình rất tâm đắc để châm biếm rằng đúng là người Đài Loan đã chọn một giấc mơ Trung Quốc, nhưng đó không phải là cái mà ông Tập đã tưởng tượng ra.
Trong bài “Đài Loan hay giấc mơ Trung Quốc khác”, nhà bình luận của L’Express liên tưởng đến những ngôi sao trên lá cờ Trung Quốc để so sánh số phận của Hồng Kông và Đài Loan, khi ngôi sao này mờ đi thì ngôi sao kia sáng chói lên.
Cho đến gần đây, Hồng Kông còn được xem là thành trì của các quyền tự do ở Trung Quốc và là hiện thân của một mô hình tự do có hiệu quả. Thế nhưng, thành trì này đã liên tục phải chịu những cú húc của người láng giềng Trung Quốc to lớn.
Theo nguyên tắc “nhất quốc lưỡng trị” mà Luân Đôn và Bắc Kinh đã nghĩ ra năm 1997, thì Hồng Kông sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tự do (báo chí, ngôn luận) và một nhà nước pháp quyền. Thế nhưng rủi thay, từ tháng 6 năm 2019, quyền tự trị của Hồng Kông càng lúc càng bị giảm thiểu. Quyết định hôm 12/01/2020 cấm không cho lãnh đạo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nhập cảnh đã đánh dấu một bước mới trong việc hạn chế quyền tự do ở đặc khu.
Tuy nhiên, theo hướng ngược lại, tạp chí Pháp ghi nhận: “Ở cách ‘Hương Cảng’ 717 cây số, 23 triệu dân Đài Loan đã nhắc nhở phần còn lại thế giới – mà đầu tiên hết là Bắc Kinh – về sức sinh động của nền dân chủ, của mô hình tự do của họ”.
Với việc bầu lại bà Thái Anh Văn một cách vẻ vang, Đài Loan đã nói không với Trung Quốc, và cú tát tai càng đau hơn đối với ông Tập Cận Bình khi mà chủ tịch Trung Quốc, cách đây không đầy một năm, đã nhấn mạnh tính chất “tất yếu” của việc sát nhập Đài Loan, kể cả bằng vũ lực.
Bắc Kinh đã gây sức ép, bóp nghẹt Đài Loan về ngoại giao và kinh tế, tuyên truyền dữ dội trong thời gian vận động tranh cử ở Đài Loan. Có điều là Trung Quốc đã quên mất ngọn lửa dân chủ mà người Đài Loan nuôi dưỡng, nhất là khi họ thấy rõ sự thất bại của mô hình “một đất nước, hai chế độ” ở Hồng Kông.
Tóm lại, đối với L’Express, năm 2020 quả là đã không bắt đầu với giấc mơ mà ông Tập Cận Bình đã tưởng tượng ra.
Đài Loan : Đường đi thuận lợi ?
Cùng một nhận định như L’Express, Courrier International đã trích dịch bài xã luận trên nhật báo Đài Loan Taipei Times cho rằng : “Sự kiện tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử là một cái tát cho Bắc Kinh”.
Theo bài báo, tổng thống mãn nhiệm Đài Loan đã chiến thắng được nhờ hai yếu tố : Chủ trương không khuất phục Bắc Kinh của chính bà, cũng như của đảng Dân Tiến, và tình trạng khả quan của nền kinh tế Đài Loan. Giờ đây, theo tờ Taipei Times, bà cần duy trì hướng đi đó.
Với thắng lợi toàn diện – bà Thái Anh Văn được 57,1% phiếu bầu, còn đảng Dân Tiến được 61 ghế trong số 113 ghế Quốc Hội – chính quyền Đài Bắc đương nhiệm sẽ có thể tiếp tục theo đuổi chiến lược kinh tế và chính trị trong bốn năm tới. Vấn đề là sẽ phải quản lý các mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh và các vấn đề chính trị nội bộ, tất cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.
Về bối cảnh kinh tế của hòn đảo, bài báo nêu bật hai triển vọng tích cực. Trước hết, để tránh nguy cơ bị Mỹ áp thuế, các nhà sản xuất Đài Loan bắt đầu hồi hương cơ sở sản xuất trước đó đặt ở Trung Quốc. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của điện thoại 5G trên thế giới đang kích thích ngành xuất khẩu các linh kiện điện tử Đài Loan.
Nhìn chung, theo tính toán của Tổng Cục Ngân Sách, Kế Toán và Thống Kê Đài Loan hồi tháng 11/2019, tăng trưởng kinh tế Đài Loan, từ 2,64% năm ngoái, sẽ đạt 2,72% trong năm nay.
Le Point: CGT, kẻ phá hoại nước Pháp
Thời sự Pháp với phong trào đình công dai dẳng chống cải tổ hưu bổng tiếp tục được các tuần báo Pháp quan tâm. Vai trò hàng đầu của công đoàn CGT trong các cuộc đình công đã khiến Le Point rất bực tức. Tờ báo không ngần ngại dành trang bìa và một hồ sơ 12 trang để vạch trần sự kiện được nêu bật trong tựa lớn : “CGT đã làm nước Pháp kiệt quệ như thế nào”.
Theo cái nhìn của Le Point, CGT là một công đoàn “đã bị soán ngôi (công đoàn số một tại Pháp), bị mất hơi sức, không chấp nhận đối thoại, nhưng có khả năng ngăn chận hoạt động của một đất nước”. Đối với tạp chí thiên hữu này, “người Pháp sẽ phải trả giá rất đắt”.
Le Point cũng không mấy ưa thích Philippe Martinez, lãnh đạo công đoàn CGT. Ngay trang bìa, là một bức ảnh cho thấy nhân vật này với một vẻ mặt cau có, mặc áo màu xanh công nhân trên một phông nền màu đen.
Tờ báo tố cáo : “Ngay cả khi xã hội bình lặng – một khái niệm rất tương đối với công đoàn CGT – ông Martinez luôn luôn có tối thiểu là một cận vệ và một tài xế đi theo. Giống như những lãnh đạo CGT tiền nhiệm, ông Martinez được cấp một chiếc xe công vụ với đèn quay báo hiệu (giống như của cảnh sát)”.
Cho dù hết sức gay gắt với CGT, nhưng hồ sơ của Le Point về công đoàn này không có phát hiện gì mới so với tất cả những gì đã được biết.
Le Point đã chỉ trích thiệt hại bạc tỷ mà cuộc đình công đã gây ra cho hai công ty chuyên chở công cộng là SNCF trong ngành đường sắt, và RATP trong ngành xe buýt và metro.
Tạp chí còn bới lại một cuộc điều tra năm 2011 về nguồn tài trợ cho các công đoàn, theo đó các đại tập đoàn đã rất hào phóng với tất cả các công đoàn (tức là không chỉ riêng cho CGT).
Một ví dụ nổi bật: Tập đoàn viễn thông Orange hàng năm rót 3,7 triệu euro cho các công đoàn và dành cho họ một khoảng thời gian làm việc công đoàn nhưng vẫn ăn lương, tương đương với công việc của 300 lao động toàn phần.
L’Obs: “Những tội lỗi của nền Cộng Hòa (Pháp) ”
Cũng chú ý đến vấn đề tiền bạc, nhưng liên quan đến giới chính khách hay quan chức cao cấp, trang bìa tạp chí L’Obs tuần này được dành cho những “Tội lỗi của nền Cộng Hòa”, hay nói đúng hơn là những thói hư tật xấu của các công chức cao cấp, trong ba lãnh vực “vận động hành lang, hạ cánh béo bở, chồng chéo lợi ích ”.
Hồ sơ chính của L’Obs giới thiệu tập biên khảo “Les Voraces” – tạm dịch là “Những kẻ háu ăn” – của Vincent Jauvert, phóng viên của L’Obs, vừa xuất bản ngày 16/01/2020. Tác phẩm vạch trần mối quan hệ “không phải đạo” giữa các chính khách, công chức cao cấp với giới doanh nhân.
Gương mặt tiêu biểu của giới chính khách bị gọi là “háu ăn” đó mà L’Obs nêu bật thành điển hình là ông François Baroin, từng là bộ trưởng thời cựu tổng thống Sarkozy và cố tổng thống Chirac, giờ là thị
trưởng của thành phố Troyes. Thế nhưng nhân vật này đồng thời vẫn làm những công việc như luật sư, lãnh đạo ngân hàng, nhà quản trị, và cũng có thể ra tranh chức tổng thống trong tương lai.
L’Obs đã tìm hiểu về các khoản thu nhập của vị cựu bộ trưởng đến từ các chức vụ mà ông đang kiêm nhiệm: Ngoài lương đại biểu dân cử 8.500 euro, ông còn lãnh lương luật sư. Khi hợp tác với luật sư Francis Szpiner của cố tổng thống Chirac, ông được trả một mức cố định 7.500 euro, cộng vào đấy còn những khoản tiền lời được chia. Ông Baroin còn được ngân hàng Anh Barclays thuê làm cố vấn, nhưng thù lao được giữ kín. Ngoài ra ông còn có thu nhập đến từ tập đoàn Bỉ Sea-Invest Corporation, nơi ông Baroin vừa là thành viên hội đồng quản trị, vừa chịu trách nhiệm 3 chi nhánh của tập đoàn này.
Tuy nhiên l’Obs không chỉ chú ý đến ông Baroin mà còn nhìn đến những khoản lương các công chức đang ở trong chính quyền hiện tại, nơi mà chức bộ trưởng không đồng nghĩa với việc có mức lương cao nhất trong bộ.
Bộ trưởng Giáo Dục Jean Michel Blanquer chẳng hạn, hiện chỉ lãnh 8.054 euro là lương bộ trưởng. Thế nhưng trước đây, khi chỉ giữ chức tổng giám đốc chương trình giảng dậy, ông nhận được đến 12.428 euro.
Cũng như vậy, bộ trưởng Giao Thông Elisabeth Borne hiện có mức lương thấp hơn thời bà làm chánh văn phòng bộ Sinh Thái của bà Ségolène Royal. Khi ấy bà lãnh được 12.154 euro, cao hơn cả lương của bà Ségolène Royal.
Quốc vụ khanh đặc trách Môi Trường Emmanuelle Wargon giờ đây cũng vậy: Vào năm 2014, lúc còn là tổng ủy viên phụ trách nhân dụng và huấn nghiêp, lương của bà lên đến 16.900 euro mỗi tháng.
Netflix, một loại ma túy mới
Cũng trong lãnh vực xã hội, tuần báo L’Express đã chú ý đến mạng Netflix tại Pháp với cái nhìn không mấy thiện cảm. Trong hàng tựa trang bìa, tạp chí Pháp gọi đó là một loại “ma túy mới”, với ảnh vẽ Netflix như một màng nhện lớn mà con người đang rơi vào.
Tạp chí giải thích với vẻ bất lực: “Trong không đầy 5 năm, Netflix đã đi vào cuộc sống của chúng ta, làm đảo lộn thú tiêu khiển, quan hệ xã hội của chúng ta, làm cho truyền hình truyền thống trở nên lỗi thời dần dần, giống như một con yêu tinh háu ăn nuốt chửng những giờ ngủ hay giờ đọc sách của chúng ta, luôn cám dỗ để lấy mất thời gian rãnh rỗi của chúng ta”.
Đối với L’Express, Netflix đã thành công nhờ vào sự kết hợp tinh tế giữa cách chào hàng hấp dẫn và kỹ thuật marketing độc đáo mà ít ai trong số 6,7 triệu người thuê bao ở Pháp (14 triệu người sử dụng, theo Médiamétrie) có thể tưởng tượng ra được.
Tuy nhiên, tạp chí Pháp cũng thấy rằng Netflix cũng làm cho một số khách sử dụng bực mình vì đã xâm nhập quá nhiều vào cuộc sống hàng ngày, khiến nhiều người phát ngán.
Đối với L’Express : Công bằng mà nói, thì Netflix không sáng tạo ra hiện tượng “cuồng si phim bộ”, tiếng Anh gọi là Binge watching, nhưng đã tạo điều kiện hoặc còn khuyến khích hiện tượng này.
Courrier International: “Úc, Kỷ nguyên của lửa”
Hồ sơ chính của Courrier International tuần này được dành cho thảm họa cháy rừng khủng khiếp tại Úc. Trên trang bìa, bên trên ảnh ngôi nhà bỏ trống với ngọn lửa cháy rực, tạp chí Pháp chạy tựa “Úc, Kỷ nguyên của lửa”
Đối với Courrier International, thảm họa ghê gớm mà Úc vừa phải gánh chịu đang buộc giới lãnh đạo cũng như xã hội nước này phải thay đổi nhận thức. Tạp chí Pháp đã trích dẫn lời cảnh báo được nêu lên trên nhật báo The Guardian, ấn bản Úc :
“Mùa hè kinh khủng đang có ở Úc là Sandy Hook của chúng ta, là lúc mà chúng ta chạm đáy. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội để thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi những ưu tiên và đường lối của chúng ta. Nếu làm được thì chúng ta có thể thay đổi được chính sách và tương lai của chúng ta.”
Hình ảnh Sandy Hook mà tác giả bài viết trên tờ The Guardian nêu lên, theo Courrier International, không có gì là ngẫu nhiên. Vào năm 2012, một vụ thảm sát tại trường học Sandy Hook ở Newton (Connecticut, Mỹ) đã gây chấn động ở Mỹ và làm dấy lên trở lại cuộc tranh luận về quyền mang súng, nhưng không mang lại thay đổi gì về mặt luật lệ về vũ khí ở Mỹ.
Sau kỷ nguyên băng hà, đến thời kỳ lửa khói
Theo nhà báo của The Guardian, “Lợi ích riêng tư của các tập đoàn vũ khí và những chính khách chịu ơn họ đã ngăn chặn các thay đổi và chuyển biến” trong vấn đề mang súng ở Mỹ. Câu hỏi đặt ra, là tại Úc, đất nước của những người hoài nghi thuyết thay đổi khí hậu và quốc gia xuất khẩu than hàng đầu trên thế giới, phải chăng người ta cũng sẽ đi đến thất bại nói trên ? Ai phải chịu trách nhiệm về những đám cháy kinh khủng đó ?
Courrier interbational cố tìm câu trả lời, và cho rằng vấn đề ở đây không phải là quy tội Úc mà là nhìn về tương lại.
Trên tờ Wall Street Journal, mà Courrier trích đăng, một nhà bình luận Úc cho là đổ trách nhiệm cho thay đổi khí hậu thì quá đơn giản, những đám cháy khổng lồ của năm 2019, từ Amazonia, California, Bolivia, qua Siberia, Châu Phi, rồi đến Úc, bắt buộc chúng ta phải tìm ra nguyên do và cách thức để tránh điều tồi tệ nhất. Vấn đề quy hoạch lãnh thổ, phương thức đốt cháy ngăn ngừa của thổ dân, đó là những hướng chúng ta nên thăm dò trước khi quá trễ.
Courrier cũng trích dịch bài viết trên website Acon của sử gia về môi trườngStephen J. Pyne, ngược lại cho là đã quá trễ. Theo ông chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của lửa : “lửa đã trở nên nguyên nhân và hậu quả của những thay đổi lớn trên trái đất, cũng như băng đá vào thời băng hà.”
Quy Nhơn: “Điểm du lịch đích thực”
Kết thúc phần điểm tuần báo hôm nay là bài viết về du lịch của tạp chí L’Obs, với phóng viên Valérie Ferrer đưa độc giả đến vùng Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam, một nơi “ít được biết đến, nằm giữa bãi biển, rừng xanh và đền thờ, một điểm du lịch đích thực”.
Valérie Ferrer đã thật sự bị quyến rũ : “Ngược lại với Vịnh Hạ Long, hay hai bờ sông Mêkông, hoặc đường phố đông đúc của Hà Nội, tỉnh Bình Định là một trong những nơi của Việt nam còn giữ những bí mật của mình. Đây còn là một vùng mà các nhà thầu địa ốc và du khách chưa mấy chú ý đến”.
Phóng viên của L’Obs đã bị mê hoặc trước cảnh êm đềm của các bãi biển, làng chài, đồng ruộng, và dĩ nhiên không quên tả cảnh đánh bắt mực ban đêm. Valérie Ferrer cũng đưa độc giả đến chùa Thiên Hưng và Tháp Bánh Ít của người Chàm.
Điều đập mắt đối với Valérie Ferrer ở vùng đất này là sự thanh thản, trầm lặng mà cô rất ưa thích, và cô không quên nhắc đến đây cũng là một chiếc nôi của võ học Việt Nam.
Tin tổng hợp
(Reuters) -Tổng thống Trump cảnh báo giáo chủ Khamenei nên « nói năng cẩn thận ».
Ngày 17/01/2020 trên mạng xã hội Twitter, chủ nhân Nhà Trắng viết : « Người tự cho là ‘Lãnh tụ tối cao’ của Iran (…) đã có những lời lẽ không mấy hay ho về Hoa Kỳ và châu Âu ». Theo ông Trump, lời chỉ trích gay gắt của ông Khamenei khi cho rằng Hoa Kỳ là « kẻ xấu xa » và mô tả Anh, Pháp, Đức là « tay sai của Mỹ » là một sai lầm. Nguyên thủ Mỹ lưu ý « nền kinh tế của Iran đang sụp đổ, và người dân Iran đang đau khổ. Do vậy, ông ấy nên cẩn trọng với lời nói của mình ! ».
(AFP) – Điều tra về tai nạn máy bay của Ukraina tại Teheran : Thủ tướng Canada thúc giục Iran trao hộp đen cho Pháp.
Ông Justin Trudeau hôm 17/01/220 cho rằng Pháp là một trong số các nước hiếm hoi có khả năng phân tích các dữ liệu trong chiếc hộp đen của máy bay bị nạn. Chiếc Boeing của Ukraina bị tên lửa Iran bắn rơi ngay khi vừa cất cánh ở Teheran hôm 08/01/2020, làm 176 người thiệt mạng. Trong số này có nhiều nạn nhân người Canada. Teheran công nhận đã “bắn nhầm” máy bay hàng không dân dụng của Ukraina.
(France 24) – Một cựu đại sứ Liên Hiệp Châu Âu bị nghi ngờ làm gián điệp cho Trung Quốc.
Trang mạng kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 ngày 17/01/2020 cho biết cảnh sát Đức hôm 15/01/2020 đã tiến hành lục soát nhà riêng và văn phòng làm việc của một cựu đại sứ châu Âu tại Hàn Quốc cùng với hai người khác. Danh tính của những người bị tình nghi không được tiết lộ. Theo cơ quan chức năng Đức, chiến dịch này là kết quả điều tra từ một năm qua nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ của ba người này với cơ quan tình báo chính Trung Quốc.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các nước ngưng can thiệp vào Libya.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Libya, Ghassan Salamé ngày 18/01/2020 cho rằng điều mà Libya cần là nước ngoài nên chấm dứt can thiệp vào quốc gia bắc Phi này. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh ngày 19/01 tại Berlin diễn ra Hội nghị Hòa bình Quốc tế nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Vẫn theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc, « mọi can thiệp từ bên ngoài có thể chỉ có vài tác dụng như liều thuốc aspirine trong ngắn hạn. ». Do vậy, một trong những mục tiêu của hội nghị ở Berlin là chấm dứt mọi sự can dự của nước ngoài vào Libya.
(AFP) – Úc : Mưa giông dập tắt một phần hỏa hoạn nhưng gây lũ lụt ở phía Bắc.
Phần lớn lửa cháy ở phía đông nước Úc đã được dập tắt nhờ những cơn mưa giông hôm 17/01/2020 nhưng hỏa hoạn ở nam và đông nam vẫn tiếp tục hoành hành. Tuy nhiên, những cơn mưa giông dữ dội ở bang Queensland đã nhấn chìm vùng phía bắc, khiến nhiều đoạn đường bị cấm lưu thông. Ban tổ chức giải Open quần vợt Úc ngày 18/01/2020 cho biết có thể sẽ cho tạm ngưng giải đấu nếu chất lượng không khí không bảo đảm cho sức khỏe các tay vợt.
(AFP) – Hoa Kỳ : Chống sạt lở bờ biển Miami.
Để chống hiện tượng sạt lở bờ biển Miami Beach, một trong những bãi biển thu hút nhiều du khách nhất nước Mỹ, quân đội Hoa Kỳ trong tháng này đã bắt đầu đổ hơn 200 ngàn mét khối cát vào bãi biển này. Theo giải thích của giáo sư Steve Leatherman, đại học quốc tế Frorida hôm 17/01/2020, hiện tượng sạt sở bờ biển chính là do mực nước biển dâng cao, hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng cũng là do tác động của các cơn cuồng phong thường xuyên đổ vào bang Florida trong những năm qua.
(AFP) – Nhà tạo mẫu thời trang Jean Paul Gaultier giải nghệ.
Sau 50 năm sự nghiệp, đem lại nhiều thay đổi cho ngành thời trang hạng sang của Pháp, Jean Paul Gaultier ngày 17/01/2020 thông báo giã từ sân khấu. Buổi trình diễn ngày Thứ Tư 22/01/2020 tại nhà hát Théâtre du Châtelet sẽ là lần cuối ông điều khiển một cuộc défilé Haute Couture. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nhà tạo mẫu người Pháp được danh ca Mỹ Madona yêu thích nhất rửa tay gác kiếm. Ông cho biết đang ấp ủ nhiều dự án khác cho nhà may mang tên mình, và nhãn hiệu “Couture Gaultier Paris tiếp tục sống mãi”.
(AFP) – Mêhicô tăng cường bảo vệ biên giới.
Hôm 17/01/2020, chính phủ Mêhicô thông báo tăng cường an ninh ở biên giới phía nam, do sắp có một đoàn di dân mới kéo đến, chủ yếu là từ Honduras và Salvador. Mặc dù chính phủ Mêhicô đã thi hành các biện pháp an ninh theo đúng cam kết với chính quyền Donald Trump, số người di dân kéo đến biên giới vẫn không giảm đi. Những người này cố đi vào lãnh thổ Mêhicô, rồi từ đó tìm đường sang Hoa Kỳ.
( AFP ) – Trung Quốc : Cư dân mạng bất bình về hai phụ nữ đi xe vào Tử Cấm Thành.
Các bức ảnh chụp hai phụ nữ đứng trước một chiếc xe hạng sang đậu ngay trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, được đăng trên mạng xã hội Weibo, đã gây phẫn nộ dư luận tại Trung Quốc hôm 18/01/2020, vì xe hơi không được phép đi vào khu vực này. Ngay cả các lãnh đạo nước ngoài đến tham quan Tử Cấm Thành cũng phải xuống xe, rồi đi bộ vào. Các bức ảnh nói trên đã bị gỡ bỏ. Ban quản lý Tử Cấm Thành đã phải xin lỗi và hứa sẽ làm sáng tỏ vụ này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200118-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Tạp chí đặc biệt
Vụ Đồng Tâm: Từ bàng hoàng, phẫn nộ đến tỉnh thức
Trọng Thành
Vụ tập kích của an ninh Việt Nam vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, khiến một cụ già 84 tuổi và 3 sĩ quan công an thiệt mạng, gây chấn động các mạng xã hội. Trong lúc chính quyền bưng bít thông tin, nhiều người tiếp tục tìm hiểu lý do dẫn đến cuộc can thiệp thảm khốc này. Tổng thống Mỹ rút đe dọa hủy diệt nhiều công trình văn hóa của Iran, sau khi bị UNESCO lên án. Đài Loan đứng đầu châu Á về tỉ lệ nữ dân biểu trong Quốc Hội. Trên đây là chủ đề chính tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Hơn một tuần sau vụ can thiệp của an ninh Việt Nam tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngày 09/01/2020, công luận vẫn chưa thôi bàng hoàng về một biến cố chưa từng có tại Việt Nam.
Truyền hình Nhà nước phổ biến đoạn phim, vào giữa trời đêm, cảnh sát cơ động xả súng dữ dội vào một ngôi nhà dân bình thường ở Đồng Tâm, như thể tấn công vào một hang ổ mafia. Một ngày sau, công an trả lại xác của người thủ lĩnh tinh thần cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, với nhiều vết đạn. Thi thể bị mổ phanh. Hàng chục người dân bị bắt giữ, bị khởi tố về tội chống lại người thi hành công vụ, chống lại một quyết định giải tỏa đất của chính quyền. Sau cuộc tập kích trong đêm, Đồng Tâm tiếp tục bị phong tỏa. Ba viên sĩ quan công an thiệt mạng, sau khi bị rớt xuống ”giếng trời” trong nhà dân, ngay lập tức được chủ tịch Nước truy tặng huân chương. Lực lượng công an phát động phong trào học tập ”gương hy sinh” của ba chiến sĩ.
Đọc thêm : ”Vụ Đồng Tâm”: Một tiền lệ ”hết sức nguy hiểm” cho Việt Nam
Đối với rất nhiều người, rất khó tin được biến cố thảm khốc này lại xảy ra trong một thời kỳ mà Việt Nam đang cố gắng hội nhập với thế giới dân chủ, phát triển, đúng vào thời điểm Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cũng đúng vào ngày 09/01 này, Liên Hiệp Quốc thảo luận về dự thảo tuyên bố ”Tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, do Việt Nam chủ trì. Tuyên bố nhận được sự ủng hộ kỉ lục của các thành viên Liên Hiệp Quốc.
Tâm sự của tiến sĩ kinh tế học Nguyễn Ngọc Chu có lẽ nói thay cho rất nhiều người: ”Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm. Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng…. nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 09/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết.” (Bài ”Đồng Tâm : Đừng để ‘Oan oan tương báo’ !”).
”Cố tạo ra cái vực thẳm ngăn cách giữa chính quyền và nhân dân ư? Tôi thực sự không hiểu họ nghĩ gì?” (họa sĩ Lê Quảng Hà). ”Đốt lò để lấy lại niềm tin của dân, rồi lấy nước mắt hờn căm của dân dội cho tắt ngấm cái lò đáng nể ấy. Lú hay minh? ” (nhà văn Nguyễn Quang Lập) (‘‘Đốt lò” là cụm từ ông Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Nước và lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam dùng để chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong nội bộ Đảng. ”Lú” là một biệt danh mang tính khinh thị mà nhiều người dùng để chỉ lãnh đạo đảng).
Nhát chém ”cắt đứt sợi dây liên kết cuối cùng giữa Dân và Đảng” ?
Nhận xét trên đây của một Facebooker có lẽ tóm lược rõ ý nghĩa chấn động của cuộc can thiệp thảm khốc, có thể đã xóa bỏ đi nốt chút ảo tưởng cuối cùng của nhiều người trong xã hội Việt Nam, vẫn còn giữ một chút niềm tin tưởng mơ hồ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng (”Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước” là một trong các khẩu hiệu tranh đấu của dân làng Đồng Tâm).
”Suốt hơn hai năm qua, có cả một ngàn cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong hòa bình, trong tình đồng bào. Nhưng chính quyền đã lựa chọn giải pháp dùng sức mạnh của công cụ chuyên chính. Họ chỉ không tính được rằng, sau cú hạ sát kẻ cầm đầu, thì chính kẻ đó từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu, hàng triệu người…. người nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành một biểu tượng của chống lại áp bức, một nhân vật bi kịch, một nhân vật lịch sử, một nhân vật văn học đẹp lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn… ” (Bài ”Phát súng lịch sử” của nhà văn Tạ Duy Anh).
”Ngọn lửa Lê Đình Kình đang sáng chói! Cái chết của cụ đã vạch mặt sự dã man tàn bạo của chế độ cộng sản Việt Nam. Cái chết của cụ không vô ích. Cụ chết đi để cho nhiều người dám vượt qua nỗi sợ hãi để sống cho ra người! ” (Bài ”Cụ sẽ mãi là biểu tượng của tự do” của nghệ sĩ Kim Chi).
Đi tìm nguyên nhân cuộc can thiệp thảm khốc
Về các nguyên nhân đã dẫn đến can thiệp thảm khốc tại Đồng Tâm, nhiều người cho rằng sẽ phải hàng chục năm nữa, vụ thảm án này mới có thể được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, không có gì cản trở nhiều giả thiết được nêu ra. Nhà báo Võ Văn Tạo đặc biệt lưu ý đến hai nguyên nhân chính, một nguyên nhân xa và một nguyên nhân trực tiếp.
Mời nghe nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang)
”Để dẫn đến sự kiện này, cái quan trọng nhất theo tôi là sự kiện ngày 15/04/2017. Để chống lại việc Nhà nước đem lực lượng vũ trang vào đàn áp người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm). Như người ta nói con giun xéo mãi cũng quằn, họ nổi khùng lên, đã bắt 38 cán bộ, chiến sĩ, cảnh sát cơ động, trong đó có cả cán bộ huyện nữa làm con tin. Họ đòi ông chủ tịch Hà Nội, hoặc cấp trên nữa phải về để đối thoại với dân, để giải quyết dứt điểm chuyện Đồng Sênh. Từ lúc nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, và từ sau 1975, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng do đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị, thì chưa có một vụ nào mà người dân táo gan làm như thế.
Nếu để ý kỹ đến vụ này mới thấy người dân Đồng Tâm đã đối xử rất tốt với các cảnh sát cơ động trong thời gian bị bắt làm con tin. Đến khi thả ra, những người bị bắt làm con tin không giận, mà chắp tay vái lạy. Nghĩa là đội ơn người dân ở Đồng Tâm. Trong những ngày đó, người dân Đồng Tâm đối xử rất tử tế, nuôi nấng rất đàng hoàng, đối xử rất tình cảm với anh em. Nhưng với thế lực diều hâu, bảo thủ, trong Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự biến đó là không thể chấp nhận được. Họ sẽ tìm cách trả thù khi có dịp.
Về mặt thời điểm, trên mạng có một số người đưa ra giải thích thế này, tôi cũng thấy có lý. Khi lữ đoàn được giao quản lý dự án sân bay Miếu Môn ngày xưa, người ta quyết định xây bức tường, người ta chỉ bảo vệ 47 hecta trước đây đã được quy hoạch vào sân bay (bức tường được khởi công hồi giữa năm 2018), còn phần còn lại 59 hecta bên ngoài, họ không xây tường. Việc này sẽ làm lộ ra chuyện chính quyền Hà Nội nhập nhèm chuyện 59 hecta. Cụ Kình cũng không che giấu gì cụ có đầy đủ tài liệu để chứng minh số đất này là đất nông nghiệp của xã, chứ không phải của bên quốc phòng (trong một phát biểu hồi tháng 5/2019, đại biểu Quốc Hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, cũng ghi nhận: ”Gót chân Asin của Chính phủ trong vụ Đồng Tâm là không đưa ra được bản đồ”). Cụ Kình là một người thông thái, mẫn tiệp, cụ là một nhân chứng sống, tuổi thọ cao, lại có uy tín nữa, lại có tài liệu để chứng minh, cho nên người ta cố tình, càng sớm càng tốt giết người bịt khẩu. Tôi nghĩ rằng chuyện bắt sống đâu có gì khó. Chỉ cần một quả đạn hóa học bắn vào nhà cụ Kình thôi. Hơi cay làm cho mọi người mê man hết. Tại sao họ không làm như thế? Rõ ràng là họ cố bắn cho chết ! Đây là cố sát ! ”.
”Hành động vì Đồng Tâm”: Tìm công lý cho các nạn nhân ở cả phía người dân, cả phía công an
Tại Việt Nam, trong lúc chính quyền tìm mọi cách bưng bít thông tin, có nhiều nỗ lực từ phía xã hội để làm sáng tỏ sự thực. Nhóm ”Hành động vì Đồng Tâm”, được thành lập ít ngày sau vụ này, đã hoàn thành một bản báo cáo sơ bộbằng tiếng Anh, mang tựa đề ”Fighting over Senh Field. A report on the Dong Tam Village Attak”, gửi đến cộng đồng quốc tế, 7 ngày sau vụ án. Báo cáo dài 28 trang thuật lại ngọn ngành cuộc chiến pháp lý của người Đồng Tâm và vụ can thiệp ngày 09/01/2020. Nhóm ”Hành Động vì Đồng Tâm” cũng kêu gọi mọi người tham gia đóng góp, phổ biến thông tin, bảo vệ các nhân chứng, đấu tranh nhằm phục hồi công lý.
Nhóm Hành động vì Đồng Tâm cho biết những khó khăn của việc thu thập bằng chứng, trong đó có việc”suốt từ vụ tấn công vào đêm mồng 8, rạng ngày 09/01/2020, đến nay, nhà cầm quyền vẫn đang bao vây làng Đồng Tâm, cắt điện, cắt internet…”. Theo một thông tin trên mạng Facebook, thì chính quyền đã thành công trong việc gây sức ép buộc Facebook phải xoá bỏ nhiều video và bài đăng về sự kiện Đồng Tâm, còn đội ngũ dư luận viên đã khiến cho nhiều tài khoản Facebook bị ngưng hoạt động thông qua các chiến dịch tấn công phối hợp.
Trump rút lại đe dọa hủy diệt di sản văn hóa Iran
Thảm kịch ở xã Đồng Tâm, ven Hà Nội, bờ Tây Thái Bình Dương xảy ra cũng vào thời điểm vùng Trung Cận Đông chìm trong nguy cơ chiến tranh giữa Iran với Mỹ và các đồng minh. Đặc biệt đáng chú ý là những lời lẽ đe dọa hủy diệt các công trình văn hóa lớn của Iran của tổng thống Mỹ, bất chấp luật pháp quốc tế. Không khí chiến tranh dường như là cơ hội thuận lợi cho các thế lực diều hâu, ở các bên, tự tung tự tác.
Thứ Bảy 04/01/2020, trên Twitter, tổng thống Mỹ cảnh báo Iran là Hoa Kỳ sẽ đáp trả, nếu bị Teheran tấn công, để trả đũa vụ oanh kích giết chết tướng Soleimani. Trong số 52 mục tiêu, sẽ có nhiều cơ sở ”rất quan trọng đối với văn hóa Iran”. Trước làn sóng phản đối, ngoại trưởng Mike Pompeo buộc phải lên tiếng chống đỡ. Tuy nhiên, tối hôm sau, Chủ Nhật 05/01, nhà tỉ phú một lần nữa khẳng định, nếu công dân Mỹ bị giết hại, bị tra tấn, bị đánh bom, thì ”tại sao chúng ta không có quyền tấn công các cơ sở văn hóa của đối phương ? ”.
Trước thái độ hung hăng của tổng thống Donald Trump, thứ Hai 06/01, UNESCO buộc phải lên tiếng nhắc lại nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước 1972 của UNESCO, không cho phép làm tổn hại trực tiếp, hoặc gián tiếp đến các di sản văn hóa và thiên nhiên trên lãnh thổ các quốc gia khác, tham gia Công ước. tại Iran có khoảng 20 di sản như vậy. Một cựu luật sư của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhắc nhở bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và tổng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley cần công khai khẳng định nghĩa vụ trước luật pháp quốc tế của quân đội Mỹ trong thời gian xung đột vũ trang.
Đêm ngày thứ Hai 06 qua sáng ngày thứ Ba 07/01, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ Mark Esper chính thức khẳng định tôn trọng luật pháp, trong thời gian xung đột vũ trang, ngược lại với tuyên bố của tổng thống Trump.
Sáng ngày thứ Ba, tổng thống Mỹ buộc phải chính thức loại trừ khả năng tấn công các mục tiêu văn hóa của Iran. Trong cuộc hội kiến với thủ tướng Hy Lạp, ông Trump khẳng định: ”theo nhiều bộ luật khác nhau, chúng tôi có nghĩa vụ phải thận trọng” với các di sản văn hóa Iran. Donald Trump nói với giọng đầy vẻ miễn cưỡng, ”Họ có quyền giết hại công dân của chúng tôi… nhưng nếu đã là luật, thì tôi muốn tôn trọng”.
Việc ông Trump ồn ào tuyên bố sẽ thực thi một hành động phạm pháp, rồi rút lại, vì muốn tôn trọng luật pháp có thể được đánh giá theo nhiều góc độ. Tuyên bố có vẻ như đầy ngẫu hứng của tổng thống Mỹ có thể là một động tác tâm lý để tranh thủ nhóm cử tri cực hữu tại Mỹ. Việc rút lại lời tuyên bố cũng có thể coi là một mũi tên nhắm hai mục đích, đầy tính toán, vừa để chứng tỏ một mặt thái độ ôn hòa vừa đủ, mặt khác vẫn khẳng định ông làm điều này một cách miễn cưỡng. Thái độ này ắt hẳn ít làm mất lòng nhóm cử tri cực hữu. Dù sao, việc tổng thống Mỹ rút lại đe dọa hủy diệt cơ sở văn hóa Iran cũng cho thấy trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, ngay cả các nhà lãnh đạo cực đoan nhất cũng khó lòng tự cho phép mình đứng trên luật pháp.
Đài Loan đứng đầu châu Á về tỉ lệ dân biểu nữ trong Quốc Hội
Đầu tháng Giêng 2020, cộng đồng quốc tế chứng kiến thắng lợi áp đảo của tổng thống Đài Loan mãn nhiệm Thái Anh Văn, gây cảm hứng mạnh mẽ cho những ai muốn chống lại quyền lực thống trị mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập tại châu Á. Chiến thắng chưa từng có của phe đòi độc lập cho Đài Loan đi liền với một thắng lợi khác. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Đài Loan cùng ngày, số lượng dân biểu nữ đắc cử lên tới mức kỷ lục, với 41,6%, đưa Đài Loan trở thành Nghị Viện bình đẳng về giới nhất châu Á, và đứng thứ 16 trên thế giới (đứng trên Pháp, thứ 20, và vượt xa Trung Quốc, thứ 71).
Phóng viên RFI Adrien Simorre thực hiện cuộc phóng sự tại trụ sở Nghị Viện Đài Loan, ngay sau ngày bầu cử. Adrien Simorre có mặt tại văn phòng của nữ dân biểu mãn nhiệm đảng Dân Tiến Vưu Mỹ Nữ. Sau 8 năm đảm nhiệm cương vị dân biểu, người nghị sĩ đang dọn dẹp căn phòng để nhường chỗ cho một dân biểu mới, với nhiều cảm xúc.
Nữ dân biểu Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-Nu) vui vẻ chỉ cho phóng viên RFI một sơ đồ cho thấy tỉ lệ nghị sĩ nữ trong Quốc Hội Đài Loan không ngừng tăng lên theo năm tháng. Theo vị dân biểu này, bí quyết thành công này chính là bắt nguồn từ sự năng động của các phong trào xã hội. Vưu Mỹ Nữ vốn là một nhà tranh đấu nữ quyền ngay từ những năm 1990. Bà cho biết:
”Ở Đài Loan, chúng tôi đã sống dưới chế độ độc tài trong một thời gian rất dài, trong đó cả các quyền căn bản nhất của con người đã không được tôn trọng. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn dân chủ hóa đất nước những năm 1990, nhiều phong trào xã hội đã xuất hiện, để bảo vệ các quyền của người lao động, của nông dân, của môi trường. Có một phong trào bảo vệ quyền phụ nữ. Tôi đã tham gia vào phong trào này. Từng bước một chúng tôi khẳng định các quyền này. Đây là một công việc dài hơi, và giờ đây chúng ta thấy chúng đã mang lại kết quả”.
Các kết quả nói trên ít được thế giới biết đến, vì Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc công nhận, do áp lực của Bắc Kinh. Theo một báo cáo công bố đầu năm nay của chính quyền Đài Bắc, Đài Loan đứng thứ 8 thế giới về phương diện bình đẳng nam – nữ.
Nữ dân biểu cho biết không khí kỳ thị giới vẫn còn nặng nề tại Đài Loan: ”Trong thời gian tranh cử, các nữ chính gia Đài Loan thường là nạn nhân của các lời lẽ khinh rẻ. Ví dụ như, nữ tổng thống mãn nhiệm Thái Anh Văn bị phó chủ tịch Quốc Dân Đảng bêu riếu là bà không thể hiểu được những người làm cha mẹ, bởi bản thân bà không lập gia đình, không có con. Hoặc ông chủ của tập đoàn Foxconn đã chế giễu các nữ chính trị gia là họ quá mất thời gian trong việc chăm sóc con cái và chồng mình. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về năng lực của chính trị gia nam và chính gia nữ Đài Loan, các chính trị gia nữ cũng có năng lực không kém, thậm chí hơn chính trị gia nam”.