Đọc báo Pháp – 17/12/2016
Mỹ muốn thử chiến thuật mới ở Biển Đông :
Dùng bộ binh diệt hạm
Chủ lực của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Tây Thái Bình Dương cho đến nay thường là Hải Quân và Không Quân. Tuy nhiên mới đây, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cho rằng Lục Quân Mỹ cũng nên đóng một vai trò tích cực hơn bằng cách thành lập những đội có thể gọi là Lục Quân Hải Chiến, đặc trách việc tiêu diệt chiến hạm đối phương. Nguyệt san The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản trong số tháng 12/2016 đã có bài nêu bật chiến thuật mới này.
The Diplomat trước hết nhắc lại sự kiện đô đốc Harry Harris, ngày 15/11/2016, trong một tham luận đọc tại Washington, đã cho biết ông muốn Lục Quân Mỹ thành lập các đơn vị mới chuyên trách nhiệm vụ diệt hạm để răn đe chiến hạm của đối thủ của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.
Đối với đô đốc Harris, vai trò của bộ binh cần phải được phát huy trong đó có việc « tiêu diệt các chiến hạm bằng cách sử dụng các hệ thống tên lửa chống hạm đặt ở trên bờ ». Theo ông, đúng với truyền thống, Lục Quân sẽ mang đến những thế mạnh của họ: « nhân lực, hỏa lực và năng lực ». Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến cũng có thể đóng một vai trò tương tự trong tương lai.
Các yếu tố trung tâm của một chiến lược phòng thủ như vậy sẽ được bố trí chung quanh các hòn đảo có thể án ngữ lối ra biển khơi ngoài Thái Bình Dương của các đối thủ tiềm tàng như Hải Quân Trung Quốc chẳng hạn
Đô đốc Harris giải thích : « Tôi nghĩ đến một nơi ở vùng tây Thái Bình Dương mà ta có thể bố trí các hệ thống vũ khí ở nhiều chỗ ; các hệ thống này sẽ đặt các đối thủ tiềm tàng ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản vào vòng nguy hiểm… Tôi cho rằng đây là một khái niệm quan trọng mà chúng ta buộc phải nghĩ đến khi vạch ra cách duy trì ưu thế so với các đối thủ của chúng ta trong khu vực. »
Trong bài phát biểu của mình, đô đốc Harris đã nêu bật các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông : « Tôi rất quan ngại trước các động thái quyết đoán của Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng Biển Đông, và cả ở vùng Biển Hoa Đông… »
Biến tên lửa địa đối địa thành địa đối hải
Các hệ thống vũ khí có thể được triển khai bao gồm loại pháo tự hành Paladin M109A7, hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142, và hệ thống tên lửa chiến thuật của Lục Quân. Hệ thống này sẽ được nâng cấp để có thể tấn công các mục tiêu di động trên đất liền và trên biển…
Trong một bài phát biểu ngày 03/11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter ghi nhận : « Khi được gắn một thiết bị dò tìm có sẵn lên mũi, tên lửa có thể bắn trúng một mục tiêu di động, cả trên đất liền lẫn trên biển. Với khả năng này, những gì trước đây chỉ là một hệ thống tên lửa địa-đối-địa của Lục Quân, nay có thể được bắn đi từ bờ biển đến những mục tiêu ngoài khơi cách đó đến 300 km [186 dặm] ».
Bước tiếp theo là phải giúp cho Lục Quân Mỹ hiểu rõ địa bàn vùng biển là mục tiêu, và điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi trong học thuyết của Lục Quân Mỹ.
Như chuyên gia Steven Stashwick đã giải thích vào tháng 10 vừa qua, Lục Quân đã bắt đầu làm quen với khái niệm gọi là « Chiến Tranh Đa Miền » – Multi-Domain Battle – « sử dụng lực lượng trên bộ để vừa khai thác, vừa cho phép hành động trên không, trên biển, trên mạng, trên không gian và bao quát toàn bộ quang phổ điện từ ». Ở Tây Thái Bình Dương, điều đó được hiện thực hóa thành một cái ô chống tiếp cận và truy cập A2/AD hình thành từ các cơ sở đặt trên đất liền và bao trùm chuỗi đảo đầu tiên.
Điểm quan trọng cần lưu ý là mọi vai trò phòng thủ bờ biển mới được giao cho Lục Quân Mỹ, đều phải được thực hiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.
Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng một khái niệm chống tiếp cận và truy cập khu vực A2/AD với đặc điểm của Nhật Bản, dựa trên các dàn pháo và tên lửa nhằm bảo vệ hải đảo và vùng ven biển. Vào tháng Tám, Nhật Bản cũng tuyên bố là sẽ phát triển loại tên lửa địa-đối-hải mới để củng cố hệ thống phòng thủ các hải đảo xa bờ mà Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông.
Chủ đề trên trang bìa tạp chí Pháp
Lược nhìn các hồ sơ lớn được chạy tít trên trang bìa các tạp chí Pháp tuần này, thời sự nóng bỏng hình như đã nhường bước cho lịch sử và cuộc sống hàng ngày với các chủ đề rất khác biệt.
Courrier International và Le Point đều chú ý đến hoạt động « Gián điệp », tuy nhiên nếu Le Point tập trung trên ‘Tình báo Pháp’, tựa trang bìa với ảnh của Dominique Prieur, năm 1988, tham gia vào việc phá chiếc tàu « Rainbow Warrior » của tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace, thì Courrier International cảnh báo về nhũng ‘gián điệp ngay tại nhà’, bao quanh chúng ta, theo dõi chúng ta hàng ngày ngay trong nhà : đó là những vật dụng kết nối mà chúng ta sử dụng hàng ngày, từ máy hút bụi thông minh cho đến chiếc tủ lạnh các bạn, có thể cung cấp những dữ liệu cá nhân cho các công ty tập đoàn sản xuất !
Nga mơ ước về thời kỳ hùng mạnh Liên Xô
Tạp chí L’Express, dưới dòng tựa cũng trên trang bìa : « Nga, đế chế phản công », đã dành một hồ sơ đặc biệt về đất nước của Putin, nhân dịp năm tới đây là năm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga (1917–2017). Tờ báo điểm lại chuyển biến lớn trong 100 năm qua, với nhận định trong phần mở đầu : 100 năm sau cách mạng 1917, Nga đã không bỏ mô hình chuyên chế, mà ngược lại nữa là khác. Đối với L’Express, đấy là « một khoảng mênh mông mong manh mà tương lai đè nặng lên tương lai của chúng ta. »
Trong loạt phóng sự của L’Express, nêu lên các vấn đề từ kinh tế khó khăn với các trừng phạt của Châu Âu, đời sống dân vùng biển Caspi, cho đến cuộc chiến của tin tặc Nga, có lẽ đáng chú ý nhất, giúp hiểu rõ suy nghĩ người Nga và vì sao ông Putin được uy tín như thế, là bài về thanh niên « Thế hệ Putin » và « các chiếc bóng » của Saint Petersburg.
Tại thành phố từng có tên là Leningrad, hai phóng viên của L’Express, Marc Epstein và Alla Chevelkinator có vẻ ngạc nhiên ghi nhận là mỗi người ở đây đều gìn giữ kỷ niệm thành phố bị bao vây thời Thế Chiến Thứ II với số người chết không kể siết (1.800.000 người trong đó gần 1 triệu thường dân). Nhưng cho dù thế, ở đây các lập luận đầy tính quân sự chủ nghĩa của chế độ vẫn có sức thu hút.
Mở đầu bài phóng sự ở Saint Petersburg, phóng viên của L’Express ghi nhận trước tiên là ai đặt chân đến Nga, ở đấy vài ngày thì có cảm giác là chiến tranh gần kề : một sắc lệnh vừa được ông Putin ký, đã tố cáo Châu Âu « bành trướng về mặt địa chính trị » và « tìm cách phá vỡ sự ổn định khu vực và toàn cầu ».
Trên đài truyền hình nhà nước thì một nhà báo nổi tiếng thân điện Kremlin đe dọa biến nước Mỹ thành tro bụi hạt nhân. Trên các chiếc xe hơi đã xuất hiện những tấm dán ghi « 41-45, chúng tôi sẵn sàng trở lại ». Có vẻ như cuộc Thế Chiến Thứ Hai làm 26 triệu người chết riêng ở Liên Xô, không còn đè nặng lên tâm tư. Người Nga, theo cảm nhận của phóng viên L’Express giờ đây hừng hực khí thế sẵn sàng chiến đấu.
Tại Saint Pétersburg, vào đầu tháng 10, lãnh đạo tại đây đã ra lệnh trữ một lượng lúa mì đủ để mỗi cư dân có thể sử dụng trong 20 ngày, trong trường hợp khủng hoảng.
Theo bài phóng sự, tại thành phố này cũng như tại các nơi khác ở Nga các khóa huấn luyện bán quân sự ngày càng thu hút đông đảo người tham gia. Thanh niên chen nhau ghi danh học kỹ thuật chiến đấu, cách sử dụng vũ khí, trong các hiệp hội gọi là « yêu nước ». Một cựu quân nhân và giám đốc một hiệp hội giải thích : « khi các nhà ngoại giao bất đồng với nhau thì dân chúng cảm thấy họ phải bào vệ đất nước thôi ».
Nhưng giải thích về tâm lý người Nga hiện nay mà đa số sẵn sàng đi theo Putin, bài phóng sự trích giải thích nhà báo kiêm sử gia Nga Vitali Demarski, cho là một bộ phận đông đảo người Nga đã bị chấn động trước sự sụp đổ của Liên Xô đầu thập niên 1990, họ cảm nhận đó là một nỗi nhục nhã. Ngày nay họ mơ ước phục hồi lại cường quốc của họ, mơ ước có hành động kinh thiên động địa, hành động anh hùng và chấp nhận sự nói láo của một nhân vật như Putin.
Ông Demarski phân tích một cách chân thật là « đại bộ phận người Nga không hiểu nhiều về thế giới nơi họ đang sống, nhưng chịu ảnh hưởng của chế độ và giáo hội Chính Thống Giáo, họ rất ghét phương Tây. Chính quyền Nga không có khả năng vạch ra một chính sách phát triển bền vững cho nước Nga cho nên đã ca ngợi quá khứ cho đó là tột đỉnh vinh quang.
Con đường Tơ lụa hay thời vinh quang của Trung Quốc
Tạp chí L’Obs tuần này cũng nhìn lại lịch sử nhưng là lịch sử Trung Quốc, cũng đã có một thời kỳ vẻ vang với « Con Đường Tơ Lụa ». Tạp chí tóm lược trong phần dẫn nhập : Trung Quốc, xưởng sản xuất của thế giới, đã đầu tư hàng tỷ để củng cố các con đường thương mại. Một câu chuyện bắt đầu từ cách đây 21 thế kỷ.
Đây là đề án kinh tế- chính trị của ông Tập Cận Bình : Vạch ra những con đường thương mại to lớn, băng qua Châu Á bằng đường bộ, đánh vòng lục địa này bằng đường biển, cho nên đã được chỉ định bằng tên tiếng Anh, Obor (One Belt, vành đai trên biển) One Road (con đường trên đất liền). Báo chí Trung Quốc cũng như nước ngoài, gọi đó dưới một cái tên thơ mộng hơn « Con Đường Tơ Lụa Mới ».
Theo bài báo chương trình này được gợi lên năm 2013, và đã được nhắc đến nhiều lúc gần đây trên báo chí, thể như Bắc Kinh muốn tranh thủ tình hình lộn xộn mà tổng thống tân cử Mỹ làm dấy lên đối với ngành ngoại giao Mỹ, để đẩy các con tốt của mình.
Tác giả bài báo thử tìm hiểu xem thật ra cái tên con đường tơ lụa có ý nghĩa gì đối với người Trung Hoa. Cụm từ ‘con đường tơ lụa’ không phải là xưa lắm, chỉ được một nhà địa lý người Đức đưa ra cuối thế kỷ XIX, trong lúc mà thực tế thì đã tồn tại hơn 2000 năm.
Theo bài viết bị đe dọa ở phía Tây Bắc các hoàng đế nhà Hán tìm ‘đồng minh’ nơi những lãnh chúa ở các vùng hiện nay là Trung Á, Uzbekistan hay Afghanistan. Một sứ giả Hán vào năm 100 trước công nguyên đã đến đây, khi trở về nước, đã mô tả những điều lạ được chứng kiến, từ lạc đà đến ngựa quý. Phía Hán có thể trao đổi với vật quý của mình : đó là tơ mà họ giữ bí quyết sản xuất. Như thế thương nhân Trung Quốc với loại hàng quý báu này bắt đầu lên đường.
Con đường tơ lụa đã ra đời. Họ đi từ thủ đô Trường An, và dần dần trên đường rẽ sang nhiều hướng, xuống Ấn Độ, qua Iran, đến tận bờ biển Syria bây giờ, lúc ấy thuộc đế quốc La Mã. Các mệnh phụ La Mã rất ưa thích loại lụa nhẹ, mềm mại này đến từ một nước xa xôi mà họ gọi là Sérique, tức xứ của tơ lụa. Nhưng phải đợi đến Marco Polo thì sự hiếu kỳ về Trung Quốc ở Châu Âu mới lên đỉnh cao.
Cho đến thế kỷ 18, Trung Quốc là một cường quốc thương mại hàng đầu với những mặt hàng quý giá, đứng đầu là tơ lụa, nhưng còn trà hay đồ sứ. Nhưng cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX đã mang lại cho Châu Âu thế mạnh công nghệ, tài chính và sản xuất, đè bẹp phần còn lại của thế giới.
Theo bài báo, « Con Đường Tơ Lụa » chỉ gợi lên đối với người Trung Hoa kỷ niệm về một thời kỳ huy hoàng, và khi làm sống lại con đường này ngày nay, ông Tập Cận Bình muốn nhắn nhủ với thế giới là thời kỳ huy hoàng đó đang trở lại với Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161217-my-muon-thu-chien-thuat-moi-o-bien-dong-dung-bo-binh-diet-ham
Tin đọc nhanh
(AFP) Trung Quốc phản đối Ấn Độ về việc tổng thống Ấn gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, New Delhi bác bỏ lập luận của Bắc Kinh. Ngày16/12/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng phản đối cuộc tiếp xúc hồi đầu tháng giữa tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma. Lời phản đối của Bắc Kinh đã bị bộ Ngoại Giao Ấn Độ bác bỏ với lý do là cuộc gặp nói trên hoàn toàn không mang tính chất chính trị. Cuộc gặp diễn ra tại phủ tổng thống Ấn Độ ở New Delhi, nhân dịp đức Đạt Lai Lạt Ma đến Ấn Độ trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh về chăm sóc trẻ em có sự tham gia của nhiều lãnh đạo thế giới cũng như những người đoạt giải Nobel (10-11/12).
(AFP)- Một nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc bị cáo buộc « cung cấp bí mật quốc gia » cho nước ngoài. Lời buộc tội trên đây được đưa ra sau khi luật sư Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong) mất tích từ gần một tháng nay. Theo báo chí Bắc Kinh ngày 16/12/2016, luật sư họ Giang bị bắt giữ trong vòng 9 ngày vì tội sử dụng hộ chiếu của người khác. Trong quá trình điều tra công an phát hiện đương sự « có liên hệ với nhiều tổ chức ngoại quốc và dường như đã cung cấp bí mật quốc gia » cho nước ngoài. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, ông Giang Thiên Dũng đặc trách về một số hồ sơ nhạy cảm như giáo phái Pháp Luân Công bị cấm hoạt động ở Trung Quốc. Một trong những thân chủ của ông là nhà đấu tranh nhân quyền Trung Quốc, luật sư trần Quang Thành, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ.
(AFP) – Dân Hàn Quốc tiếp tục biểu tình đòi truất phế nhanh chóng và dứt khoát nữ tổng thống Park Geun Hye. Phong trào biểu tình như vậy đã bước qua tuần lễ thứ tám. Theo ban tổ chức biểu tình, những người xuống đường tập trung tại Tòa Án Hiến Pháp, nơi 9 thẩm phán đang xem xét giá trị pháp lý của kiến nghị truất phế tổng thống mà Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồi tuần trước. Tòa án sẽ có thời hạn 180 ngày để ra phán quyết tối hậu, nhưng những người biểu tình kêu gọi các thẩm phán đẩy nhanh tiến trình này.
(Reuters) – Bắc Kinh báo động đỏ vì ô nhiễm không khí. Chính quyền Bắc Kinh ngày 17/12/2016 đã ra lệnh cho 1.200 nhà máy dừng hoặc giảm hoạt động, một ngày sau khi có cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức cao nhất, tức là mức báo động đỏ, kéo dài trong 5 ngày. Chính quyền Bắc Kinh còn yêu cầu người dân ở lại trong nhà, hạn chế đi lại, trong bối cảnh khói mù độc hại đang bao phủ thủ đô Bắc Kinh và lan ra khu vực rộng lớn ở miền bắc Trung Quốc. Theo Reuters, 10 thành phố ở tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh, nơi có các nhà máy sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, cũng nhận được lời cảnh báo đỏ. Các nhà máy thép tại đây buộc phải cắt giảm sản lượng.
(AFP)- Nổ bom tại miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, 13 quân nhân thiệt mạng. Một chiếc xe gài bom phát nổ vào sáng ngày 17/12/2016 tại thành phố Kayseri, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ làm 13 quân nhân thiệt mạng, 48 ngừơi bị thương. Tổng thống Erdogan tố cáo đảng Những Người Lao Động Kurdistan PKK đòi ly khai là thủ phạm. Thứ Bảy tuần trước hai vụ đánh bom nhắm vào sân vận động ở Istanbul gây tử vong cho 44 nhân viên an ninh và 150 người bị thương.
(Reuters)- Bạo động tại Venezuela, ba người thiệt mạng. Theo phe đối lập Venezuela cảnh tượng cướp phá, hôi của ngày hôm qua 16/12/2016 đã làm ba người chết tại thành phố Callao ở miền nam. Đây là hậu quả của lệnh rút lại tờ giấy bạc trị giá 100 bolivar khỏi các hoạt động kinh tế để thay thế bằng tờ 500, 1.000, 2.000, 10.000 và thậm chí là 20.000 bolivar. Hàng chục cửa hàng lương thực, thực phẩm bị cướp phá.
(AFP)- Mỹ treo giải thưởng 25 triệu đô la cho ai bắt được thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abou Bakr al Baghdadi. Trước đây tiền thưởng chỉ là 10 triệu nhưng Washington vừa quyết định nâng mức thưởng lên thành 25 triệu đô. Abou Bakr al Baghdadi, tên thật là Ibrahim al Samarrai, từ hai năm qua, nhân vật này tự xưng là thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo. Theo nhiều nguồn tin người ta đã trông thấy Bakr al Baghdadi ở khu vực Mossoul, phía bắc Irak.
(AFP)- Paris tiếp tục bị ô nhiễm không khí, tháp Eiffel đóng cửa. Ngày 17/12/2016 chỉ có những xe mang bảng số lẻ được quyền đi lại trong nội thành Paris và 22 thị trấn lân cận. Cũng tại Paris, biểu tượng của thành phố là Tháp Eiffel tiếp tục đóng cửa trong ngày thứ 5 liên tiếp : nhân viên đình công đòi ban giám đốc phải trình bày một chính sách phát triển rõ ràng hơn cho công trình nổi tiếng này của nước Pháp. Mỗi năm có khoảng 6 triệu người tham quan tháp mang tên kỹ sư Gustave Eiffel.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161217-tin-doc-nhanh
Tạp chí đặc biệt
Trung Quốc: Chơi siêu xe, chịu siêu thuế
Tại Trung Quốc, muốn khoe giàu thì phải tốn tiền. Đây là thông điệp mới của chính phủ Trung Quốc gửi tới các “đại gia” có thú chơi siêu xe. Từ ngày 01/12/2016, các xe hơi hạng sang có giá trên 1,3 triệu nhân dân tệ (177.000 euro) sẽ bị đánh thuế đặc biệt lên tới 10%.
Quyết định này nhằm kêu gọi người dân “khiêm tốn” hơn khi mua sắm xe hơi, đồng thời để hạn chế các loại xe hơi tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Đối với các hãng xe hơi Ferrari, Aston Martin, Lamborghini, Bentley hay Rolls-Royce, Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và cũng là “thiên đường siêu xe”, nên quyết định này của Bắc Kinh quả là một “tin xấu”.
Tuy nhiên, đây không phải là quyết định đáng ngạc nhiên vì nó đã nằm trong chiến dịch đấu tranh chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình nhắm vào các quan chức cấp cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Biện pháp này cũng nhằm hạn chế người giàu phô trương tài sản lộ liễu, quá đà trong bối cảnh bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.
Trên thực tế, các đại gia Trung Quốc thường là quan chức cấp cao hoặc người làm ăn trong lĩnh vực tư nhân. Họ có thú chơi xe “siêu sang”, và thường là xe nhập từ châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc tìm cách hạn chế nhập xe hơi cao cấp. Trước đây, các siêu xe bị đánh thuế nhập khẩu lên tới 35%, chưa kể thuế giá trị gia tăng và thuế phát thải khí CO2. Với biện pháp này, Trung Quốc đã từng là một trong những quốc gia mà các siêu xe Ferrari và Bentley có giá cao nhất thế giới. Thế nhưng, điều đó cũng không kìm hãm được nhu cầu chơi siêu xe của những người Trung Quốc “lắm tiền, nhiều của”.
Từ năm 2013 đến năm 2015, số siêu xe Roll-Royce tiêu thụ ở Trung Quốc đã giảm từ 946 xuống còn 517 xe. Nhưng gần đây, các hãng xe hơi lại bán được rất nhiều xe hơi đắt tiền, đặc biệt số xe Ferrari bán ra đã tăng 26% trong quý hai năm nay.
Không chỉ đánh “siêu thuế” với các loại “siêu xe”, Bắc Kinh sẽ mạnh tay áp quota xe hơi “siêu sạch” trong những năm tới để hạn chế ô nhiễm không khí tại những nơi đông dân. Mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc đặt ra là đến năm 2018, 8% số xe hơi bán ra là xe điện hoặc xe chạy bằng xăng điện. Con số này sẽ phải tăng lên thành 12% vào năm 2020 và đến năm 2025, Trung Quốc sẽ phải đạt mục tiêu bán được 3 triệu xe sạch, tức là nhiều gấp 3 lần so với hiện nay. Kế hoạch này của chính phủ Trung Quốc khiến các hãng xe hơi Mỹ đặc biệt lo ngại, vì họ vẫn đi sau châu Âu và Nhật trong việc chế tạo xe hơi tiêu thụ ít nhiên liệu.
Pháp: Thanh thiếu niên bắt đầu uống rượu,
hút thuốc lá và cần sa muộn hơn trước đây
Trong một báo cáo, Đài Quan Sát Chất Gây Nghiện Và Chứng Nghiện Hút của Pháp cho biết giới trẻ bắt đầu uống rượu, hút thuốc lá và cần sa ở độ tuổi muộn hơn so với 11 năm trước.
Cơ quan này trích dẫn kết quả một cuộc khảo sát năm 2014 cho thấy thiếu niên Pháp bắt đầu uống rượu khi được 15 tuổi 2 tháng, bắt đầu hút thuốc vào tuổi 14 và bắt đầu hút cần sa khi được 15 tuổi 3 tháng. Tính trung bình, thanh thiếu niên Pháp bắt đầu hút thuốc muộn hơn 8 tháng và hút cần sa muộn hơn 4 tháng so với con số thống kê vào năm 2005.
Xu hướng này có thể được giải thích bằng việc giới trẻ dành nhiều thời gian xem TV và lướt net hơn trước đây. Nếu vào năm 2003, chỉ có 23% giới trẻ lướt nét mỗi ngày thì vào năm 2015, con số này là 83%. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh, thường là hình mẫu trong mắt con trẻ cho tới khi các em 12-13 tuổi, cũng hút thuốc và uống rượu ít hơn so với trước đây, điều này cũng ảnh hưởng tích cực không nhỏ tới lối sống của các em. Và cuối cùng, theo Đài Quan Sát Chất Gây Nghiện Và Chứng Nghiện Hút, đó là nhờ có chính sách phòng ngừa của nhà nước. Chẳng hạn, vào những năm 1990, hút thuốc ở các nơi công cộng khép kín được coi là chuyện hết sức bình thường, thì giờ đây, chẳng còn ai làm thế nữa.
Không chỉ bắt đầu hút thuốc, uống rượu muộn hơn trước đây mà tỉ lệ giới trẻ hút thuốc, uống rượu thường xuyên cũng đã giảm, duy chỉ có tỉ lệ thanh thiếu niên hút cần sa thường xuyên là vẫn giữ nguyên.
Đỉnh cao ô nhiễm môi trường
khiến Pháp phải trả giá đắt về kinh tế
Đỉnh cao ô nhiễm môi trường đã khiến nhà chức trách Pháp phải triển khai biện pháp xe hơi lưu thông luân phiên theo biển số chẵn – lẻ ở Paris và các vùng phụ cận, đồng thời miễn phí giao thông công cộng cho người dân. Đây là lần thứ 4 trong vòng 20 năm, Pháp áp dụng biện pháp này để hạn chế ô nhiễm không khí trong những ngày ô nhiễm lên mức đỉnh điểm.
Chỉ tính riêng ở Paris và các vùng phụ cận, trong những ngày này, ngành đường sắt thiệt hại tới 4 triệu euro/ngày. Còn lưu thông xe hơi luân phiên theo biển số chẵn – lẻ đặc biệt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, tính trung bình, mỗi ngày các công ty này thất thu tới 90 triệu euro.
Nhìn rộng hơn, theo một báo cáo của ủy ban điều tra của Thượng Viện, ô nhiễm không khí nói chung tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế, khiến nước Pháp thiệt hại tới hơn 100 tỉ euro/năm, tương đương với hơn 30% thiếu hụt ngân sách quốc gia, không chỉ do các chi phí chăm sóc sức khỏe tăng mà còn do năng suất lao động giảm, số ngày người lao động nghỉ làm vì phải nhập viện điều tri bệnh tăng cao, thêm vào đó là thiệt hại về hệ sinh thái và nông nghiệp. Theo báo cáo này, số ngày nghỉ của người lao động do ô nhiễm môi trường lên tới 650 000 ngày/năm. Còn về sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm không khí đã khiến sản lượng lúa mì ở vùng phụ cận Paris giảm 10% so với các khu vực không bị ô nhiễm.
Quả chà là, « cứu tinh » của nền kinh tế Tunisia
Tại Tunisia, trồng trọt, chế biến, xuất khẩu quả chà là là một trong những ngành năng động nhất của nền sản xuất nông nghiệp. Năm nay, xuất khẩu chà là đã đạt mức kỷ lục về số lượng, chỉ sau xuất khẩu dầu ô liu và mang về cho Tunisia 465 triệu đina đồng ngoại tệ (189 triệu euro). Về giá trị, Tunisia là nước xuất khẩu chà là đứng đầu thế giới.
Quả chà là được trồng quanh năm ở miền Nam Tunisia và nuôi sống khoảng 50-60.000 hộ gia đình. Theo con số chính thức của bộ Nông Nghiệp Tunisia, quả chà là chỉ chiếm 6% sản xuất nông nghiệp nhưng lại chiếm tới 19% giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Tunisia.
Anh Ali, một người dân tỉnh Douz, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực du lịch, giờ du lịch thất thu sau các vụ khủng bố năm 2015, giống nhiều người khác trong vùng, anh Ali chuyển sang kinh doanh chà là. Anh chia sẻ là trồng chà là là nghề xương sống ở vùng Douz, thu hút rất nhiều nhân công. Có những người chỉ làm việc có 2-3 tháng/năm, vào mùa thu hoạch chà là. Vào mùa này, đâu đâu người ta cũng nghe nói tới quả chà là. Nếu được mùa, giá tốt, ai cũng cười vui. Người dân chỉ đợi mùa thu hoạch để có tiền lo các việc lớn, như cưới xin, sửa sang nhà cửa. Còn nếu chẳng may mất mùa, thì chẳng có gì hết, không cưới xin, không xây dựng nhà cửa, nói tóm lại là không có gì hết.
Hươu cao cổ rơi vào danh sách các loài động vật
có nguy cơ tuyệt chủng
Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế mới đây đã xếp hươu cao cổ vào danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hươu cao cổ là một trong những loài vật lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê năm ngoái, trên toàn thế giới chỉ còn có 100.000 con hươu cao cổ, giảm 40% so với cách đây 30 năm.
Nạn săn bắn trộm, việc diện tích sinh sống tự nhiên của loài hươu cao cổ bị thu hẹp do các hoạt động nông nghiệp và khai thác mỏ đã khiến loài động vật vốn được coi là biểu tượng của châu Phi ngày càng bị đe dọa.
Theo một nghiên cứu gần đây, 3/4 các loài động vật và thực vật bị buôn bán bất hợp pháp, bị sử dụng vì mục đích giải trí hay sinh kế. Diện tích rừng bị thu hẹp nhường chỗ cho diện tích chăn nuôi và trồng trọt khiến cho 1/2 các loài động thực vật mất nơi sinh tồn tự nhiên. Thêm vào đó, thay đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới 1/10 các loài động thực vật. Nhiều loại động, thực vật đã tuyệt chủng và với tốc độ nhanh gấp 10.000 lần so với thế kỷ 19.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161217-trung-quoc-choi-sieu-xe-chiu-sieu-thue