Đọc báo Pháp – 17/07/2020
San sẻ nợ công, viên gạch cho một liên bang châu Âu tương lai? – Thụy My
Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đầu tiên không « ảo » như trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành là chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay 17/07/2020.
Figaro chạy tựa trang nhất « Một hội nghị thượng đỉnh thiết yếu châu Âu để tái thúc đẩy kinh tế ». Nhật báo La Croix đặt câu hỏi « Nợ : Liên hiệp châu Âu, một bước nhảy lớn ? » Việc chia sẻ nợ nần giữa các nước châu Âu được bàn bạc tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay ở Bruxelles, liệu sẽ là bước đột phá tiến tới một liên bang hay không ?
Về thời sự nước Pháp, Le Monde quan tâm đến « Thủ tướng Jean Castex : Các chương trình cho 600 ngày » còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Macron. Tựa chính của nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Hiện tượng Tesla thúc đẩy ngành sản xuất xe hơi » : tập đoàn California sản xuất xe điện có trị giá trên thị trường chứng khoán tương đương với Toyota và Volkswagen cộng lại. Libération chạy tựa lớn trang nhất và dành nhiều trang trong cho thành phố nước Ý nổi tiếng bất đắc dĩ trong đại nạn virus corona : « Bergamo, thành phố tử đạo hồi phục ».
Virus từ Vũ Hán đưa tử thần đến Bergamo
Trong bài phóng sự dài « Covid-19 : Tại Bergamo, một thế hệ đã biến mất », Libération gặp gỡ các cư dân địa phương vẫn còn sững sờ trước những gì đã phải chịu đựng, và nhìn nhận những sai sót trong việc xử lý khủng hoảng.
Trong nhiều tuần lễ, các nhân viên nhà đòn sáng nào cũng xếp hàng dài trước tòa thị chính Bergamo. Giacomo Angeloni, trợ lý trẻ của thị trưởng cho biết mỗi ngày nhìn độ dài của hàng người chờ nộp giấy chứng tử mà anh ước lượng được có bao nhiêu người chết hôm trước đó vì con virus từ Vũ Hán. Từng hợp tác với hiệp hội nhân đạo Caritas trước khi làm việc cho thành phố giàu có của vùng Lombardia 122.000 dân, Angeloni nhiều lần chứng kiến cái chết ở Kosovo, rồi đến Indonesia sau trận sóng thần, nhưng chưa bao giờ tưởng tượng sẽ phải đối mặt với tình hình tương tự ngay tại quê hương. Một vụ thảm sát mà người Bergamo chưa hề chuẩn bị.
Con virus đã cướp đi mạng sống của 35.000 người Ý (trong đó phân nửa ở Lombardia), nhưng Bergamo và thành phố Val Seriana lân cận phải chịu đựng thiệt hại nặng nề nhất. Trên 6.000 người đã chết, các nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quá tải. Hình ảnh những đoàn xe vận tải quân sự chở các quan tài chạy trong đêm để hỏa táng tại các thành phố khác hồi giữa tháng Ba, đã trở thành biểu tượng cho đại dịch ở châu Âu. Angeloni cho biết phải nhờ đến quân đội vì trong suốt 50 ngày, cứ mỗi 30 phút lại có một đám tang.
Tử thần để lại dấu ấn ở khắp nơi, không có gia đình nào mà không liên quan. Nhà báo Daniela Talocchi cho biết ở Bergamo, ai cũng có một người thân, người bạn hoặc người quen đã chết vì dịch Covid-19. Nhật báo Eco di Bergamo nơi cô làm việc hàng năm trong dịp lễ Các Thánh vẫn cho ra phụ trang đăng tên những người dân địa phương đã qua đời trong năm, khoảng 4.500, nhưng chỉ hai tháng con virus corona đã giết hại đến 6.000 người. Với 140 người chết mỗi ngày, có thể coi như một sát thủ xả súng vào đám đông, có khi cáo phó chiếm đến 1/3 tờ báo.
Một thế hệ đã ra đi không lời từ biệt
Tại bệnh viện hiện đại mang tên Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị giáo hoàng xuất thân từ Bergamo, tình hình đã khả quan hơn rất nhiều, trong khi vào cao điểm dịch phải nhận đến 550 bệnh nhân một ngày. Một bác sĩ đã mất đi mẹ vợ cho biết ảnh hưởng tinh thần vẫn còn đối với các nhân viên y tế chứng kiến cảnh bệnh nhân chết như rạ mà không có người thân bên cạnh. Một nữ y tá thổ lộ không bao giờ quên được ánh mắt hãi hùng của người bệnh. Ở Nembro, thành phố nhỏ cách Bergamo vài trạm tàu điện, có đến 188 nạn nhân trên 11.000 cư dân, nếu so với dân số nước Ý thì tương tự như 1 triệu người chết.
Tại Codogno, sau hai ca dương tính đầu tiên ngày 23/02, ai cũng ngỡ rằng nguy cơ vẫn còn xa, nhưng chỉ vài ngày sau đợt sóng thần dịch bệnh đã tràn đến, cả thị trưởng lẫn cảnh sát trưởng đều bị nhiễm. Thiếu khí oxy cho bệnh nhân, thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ, chỉ còn tiếng còi xe cấp cứu vang rền trong thành phố …Cáo phó dán đầy những bức tường thay cho áp-phích quảng cáo. « Cứ như một vụ thảm sát. Một thế hệ đã biến đi » – Savino Moretti, một người về hưu cho biết chỉ trong 12 ngày, ông đã mất đến ba người anh em trai vì con virus. Cho đến nay, nghĩa trang thành phố Bergamo vẫn còn những ngôi mộ với các tấm bảng carton bọc nhựa ghi tên người quá cố vì không có thì giờ làm bia mộ.
Vì sao Bergamo phải chịu thiệt hại nặng nề đến thế, do phong tỏa trễ hay vận động hậu trường của ngành kỹ nghệ để không ngưng hoạt động của hàng ngàn công ty làm hàng xuất khẩu ? Dưới áp lực của gia đình các nạn nhân, trong đó có tập thể mang tên « Noi denunceremo » (Chúng tôi tố cáo), tư pháp Bergamo đã mở điều tra. Tuy nhiên khó thể tìm được « bệnh nhân số 0 » tại vùng đất đông dân nhất nước Ý, mở cửa rộng nhất với bên ngoài, chủ yếu là với Trung Quốc.
San sẻ nợ công, viên gạch cho một liên bang châu Âu tương lai ?
Về hội nghị quan trọng đang diễn ra của châu Âu, Libération có bài « Tái thúc đẩy châu Âu : Những ‘kẻ keo kiệt’ đang phục kích tại hội nghị thượng đỉnh hậu Covid ». Le Monde nhận định « Bà Merkel trên tuyến đầu », Les Echos cho là « 27 nước bước vào đấu trường ». Le Figaro dành hai trang báo cho « Châu Âu trước thách thức khó khăn về tái thúc đẩy kinh tế », còn La Croix mạnh dạn đặt vấn đề « Châu Âu liệu có nhảy vọt thành liên bang hay không ? ».
Với 1.800 tỉ euro được đặt ra trên bàn đàm phán, rõ ràng phải có sự hiện diện bằng xương bằng thịt. Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ phải thỏa thuận về ngân sách châu Âu 2021-2027 (từ 1.000 đến 1.100 tỉ euro) và dự án tái thúc đẩy đại quy mô. Kế hoạch do Ủy Ban Châu Âu đề nghị là vô tiền khoáng hậu vì lên đến 750 tỉ euro (gồm 500 tỉ euro tài trợ, 250 tỉ euro cho vay) và mục tiêu tương trợ : EU sẽ đứng ra vay chung rồi phân bổ lại theo nhu cầu từng nước.
Bộ trưởng Tài Chính Đức Olaf Scholz trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Die Zeit hôm 20/05 đã tuyên bố đây không phải là điều cấm kỵ. Ông nhắc đến Alexander Hamilton, bộ trưởng Tài Chính Mỹ đầu tiên
vào năm 1790 đã đạt được việc chuyển nợ công của 13 bang do cuộc chiến tranh độc lập để lại, thành nợ chung. Đây là giai đoạn quan trọng trong việc xây dựng nên Nhà nước liên bang Hoa Kỳ. Người ta dễ dàng so sánh với tình hình EU hiện nay. Việc san sẻ nợ công có thể là lực đẩy cho một liên minh ngân sách châu Âu thực sự.
Tuy vậy trái phiếu chung EU chỉ giới hạn khoảng 1% GDP của khối, chứ không phải toàn bộ nợ công như ông Hamilton đã tiến hành ở Mỹ. Việc so sánh với Hoa Kỳ còn có thể phản tác dụng vì nếu nhấn mạnh dến việc xây dựng một liên bang châu Âu có thể gây tâm lý lo sợ, như trường hợp Hiến pháp châu Âu năm 2005, nhất là trong thời kỳ chủ quyền quốc gia đang được đề cao
Nhà chính trị học Christakis Georgiou nhấn mạnh, điểm mới và là dấu hiệu quan trọng, là chính bộ trưởng Tài Chính Đức đã đưa ra so sánh này. Sự thay đổi rõ ràng là ngoạn mục, vì trong hội nghị của Hội đồng châu Âu hôm 23/04, thủ tướng Đức vẫn còn phản đối. Nhưng Đức vốn thực dụng sau đó đã nhận ra rằng quyền lợi nước mình gắn chặt với EU. Đầu tháng Sáu, xuất khẩu của Đức vào các nước EU đã giảm 35%, đặc biệt với Pháp giảm 48%, Ý 40%…Từ nay các nước Bắc Âu không muốn san sẻ nợ với các nước khác, không còn có thể « núp sau lưng Đức », tuy nhiên vẫn có thể gây trở ngại lớn với nguyên tắc đồng thuận của 27 nước.
Vị thủ tướng chuyên đi xe đạp
Les Echos phác họa chân dung thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người lãnh đạo không chính thức của nhóm bốn nước đòi thắt lưng buộc bụng, có thể ngáng chân cuộc thương lượng.
Mất đi đồng minh Anh sau Brexit, ông Rutte được coi như phát ngôn viên của bốn nước Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển, cương quyết phản đối kế hoạch tái thúc đẩy châu Âu. Mark Rutte nổi tiếng là cứng rắn trong các cuộc họp ở Bruxelles, phát ngôn thẳng thừng ngay cả trước Donald Trump, nhưng trong nước thì ngược lại. Với chủ trương thỏa hiệp, ông lập được chính phủ liên minh trong bối cảnh chính trường chia năm xẻ bảy. Triết lý này khiến Rutte được mệnh danh là « Mister Silicone », vừa mềm dẻo lại vừa bền bỉ.
Nắm quyền từ một thập niên qua, chính khách phái tự do đôi khi bị tố cáo kiếm phiếu của cực hữu với chính sách nhập cư khắt khe, và không ngần ngại giảm lương của giới giáo viên, y tá. Tuy nhiên việc quản lý tốt dịch virus corona giúp ông vẫn dẫn đầu về tỉ lệ tín nhiệm. Vị thủ tướng 53 tuổi độc thân áp dụng cho chính mình nguyên tắc khắc khổ mà ông hy vọng áp đặt được lên châu Âu : ông vẫn sống trong căn hộ mua được sau khi tốt nghiệp, dùng điện thoại Nokia đời cũ, tự lái một chiếc xe hơi rẻ tiền những lúc không chạy xe đạp được. Thủ tướng Hà Lan không có công xa lẫn tài xế, ông luôn đi xe đạp đến gặp các lãnh đạo nước ngoài.
Tài khoản Twitter của nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới bị tấn công
Một chủ đề khác rất được các báo chú ý là việc tài khoản của nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới trên mạng xã hội Twitter bị tin tặc đột nhập.
Thông tin hiện lên cuối giờ chiều thứ Tư 15/07 trong tài khoản cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên Dân Chủ : « Tất cả bitcoin gởi đến địa chỉ sau đây sẽ nhận lại được gấp đôi. Nếu bạn gởi 1.000 đô la, tôi sẽ gởi lại 2.000 đô la. Chỉ trong vòng 30 phút thôi ! ». Tin Twitter tương tự cũng xuất hiện trên tài khoản cựu tổng thống Barack Obama, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, tỉ phú Bill Gates, ông chủ Amazon Jeff Bezos và những ngôi sao như Kim Kardashian…có tài khoản cả trăm triệu người theo dõi. Tuy nhiên tổng thống Mỹ Donald Trump, người sử dụng Twitter nhiều nhất lại không bị ảnh hưởng.
Không phải do các chủ tài khoản sai sót trong bảo mật, mà từ một lỗ hổng an ninh của Twitter. Mạng xã hội này đành phải chận một số chức năng (như đổi mật khẩu, đăng tin) trong vài giờ. Tuy nhiên một số người đã bị mắc bẫy, số tiền ảo tương đương 115.000 đô la đã được chuyển cho tin tặc. Cách đây vài tháng, tài khoản của chính…ông chủ Twitter là Jack Dorsey cũng đã bị tấn công, tin tặc cho đăng các nội dung phân biệt chủng tộc, lăng mạ.
Cũng may vụ tấn công mới đây chỉ nhằm lừa đảo để kiếm bitcoin, người ta lo ngại nếu dùng cho mục đích chính trị sẽ gây tác hại rất lớn. Chẳng hạn tin tặc có thể giả danh những tên tuổi hàng đầu thế giới để thủ lợi ở thị trường chứng khoán, xúi giục biểu tình, gây hỗn loạn…Đặc biệt trong lúc chỉ còn bốn tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, việc chiếm lấy tài khoản chính thức của hai ứng cử viên ngay trong ngày bầu cử cùng với một số cơ quan truyền thông Mỹ, sẽ dẫn đến sự lũng đoạn chưa từng có trong cuộc bỏ phiếu quan trọng này.
Tin tổng hợp
(AFP) – Nga bị tố cáo muốn ăn cắp nghiên cứu về vác-xin chống Covid-19.
Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada vào hôm qua, 16/07/2020, đã lên tiếng tố cáo một nhóm tin tặc Nga, được biết dưới tên APT29, đã tấn công vào các viện bào chế, trung tâm nghiên cứu của Anh, Canada và Mỹ. Nhóm này “gần như chắc chắn” là hoạt động cho tình báo Nga. Cơ quan Anh không nói rõ là tin tặc có thu thập được gì hay không, chỉ thông báo “không có nghiên cứu nào về vác-xin bị tổn hại do cuộc tấn công”.
(AFP) – Tự do giáo dục ở Hồng Kông bị đe dọa mất tự do vì luật an ninh quốc gia.
Theo AFP ngày 15/07/2020, giới chức giáo viên, giảng viên đại học lo ngại luật an ninh sẽ tước đi quyền tự do này và sẽ phải hướng theo nền giáo dục “yêu nước”. Chính quyền trung ương Bắc Kinh từng lên tiếng rằng hệ thống giáo dục Hồng Kông cũng phải chịu trách nhiệm về các cuộc biểu tình đòi dân chủ.
(AFP) – Đại diện Đài Loan tại Hồng Kông “buộc” phải về nước.
Theo chính quyền Đài Loan vào hôm nay, 17/07/2020, đại diện của họ ở Hồng Kông đã gặp phải những “cản trở chính trị không cần thiết”. Theo truyền thông Đài Loan, người đại diện này đã không ký tên vào một thông cáo ủng hộ Bắc Kinh. Trung Quốc rất tức giận vì Đài Loan ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông và đã quyết định mở một văn phòng giúp đỡ người Hồng Kông muốn qua Đài Loan định cư. Luật an ninh mới của Trung Quốc tại Hồng Kông còn buộc các tổ chức chính trị Đài Loan khai báo nhân sự và tài sản.
(AFP) – Cathay Pacific bị thất thu kỷ lục trong quý I/2020.
Trong thông cáo ngày 17/07/2020, hãng hàng không của Hồng Kông thẩm định sẽ bị “mất 9,9 tỉ đô la Hồng Kông” trong quý I/2020 vì dịch Covid-19. Trong khi đó, vào cùng kỳ năm 2019, Cathay Pacific thu được lợi nhuận ròng là 1,3 tỉ đô la Hồng Kông.
(Reuters) – Bắc Kinh hứa vẫn sẽ tôn trọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1.
Tuy nhiên, khi trả lời họp báo ngày 17/07/2020, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc cảnh báo là Bắc Kinh sẽ đáp trả những chiến thuật “quấy rối” của Washington trong nhiều hồ sơ gần đây. Bà Hoa Xuân Oánh mời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Tân Cương để nhìn thấy rằng không có vi phạm nhân quyền ở vùng tự trị tây bắc Trung Quốc.
(SCMP) – Mỹ điều máy bay dọ thám đến Biển Đông.
Nhóm nghiên cứu SCSPI thuộc Đại Học Bắc Kinh ngày 16/07/2020 tiết lộ Hải Quân Hoa Kỳ điều chiếc drone loại MQ-4C Triton đến khu vực ở phía đông nam Đài Loan vào chiều ngày Thứ Tư 15/07/2020. Một ngày sau, các loại máy bay US P-8A và KC -135R đã được trông thấy xuất hiện trên bầu trời ở khu vực này và bay ngang qua Biển Đông. Theo một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, đây có thể là dấu hiệu Hải Quân Mỹ bắt đầu tiến hành các chuyến bay trinh sát, thăm dò các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền.
(Reuters) – Lũ lụt : miền trung và miền đông Trung Quốc trong tình trạng “báo động đỏ”.
Chính quyền thành phố Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang được đặt trong tình trạng báo động tối đa. Mưa lớn làm mực nước sông hồ và nhất là của sông Dương Từ dâng cao, “không còn bảo đảm an toàn cho dân chúng ».
(AFP) – Động đất ở Papua New – Guinea.
Một trận động đất ở cấp độ 6,9 trên thang bậc Richter đã được ghi nhận sáng nay 17/07/2020, ở miền đông đảo này. Chính quyền địa phương đã ra lệnh báo động sóng thần, nhưng đã bãi bỏ sau đó. Đài quan sát Mỹ USGS nói rõ thêm là động đất xảy ra ở độ sâu 85 km, cách thủ đô Port Moresby 150 cây số về phía đông bắc. Papua-New Guinea nằm trên vành đai lửa của Thái Bình Dương, thường xuyên bị động đất. Một cuộc động đất năm 2018 đã làm 125 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy.
(AFP) – Bầu cử tổng thống Ba Lan : đối lập khiếu nại.
Liên minh đối lập PO của Ba Lan ngày 16/07/2020 cho biết đã đệ đơn lên Tối cao Pháp viện yêu cầu không công nhận kết quả bầu cử tổng thống. Kết quả chung cuộc: tổng thống mãn nhiệm Andrej Duda loại ứng viên của đảng đối lập Rafal Trzakowski trong đường tơ kẽ tóc. Đối lập Ba Lan cho rằng cuộc bầu cử lần này “không công bằng” và “không trung thực”.
(AFP) – Gần một triệu cuốn sách của cháu gái tổng thống Trump bán hết ngày đầu ra mắt.
Phát hành hôm 14/07/2020, cuốn Too Much and Never Enough – Quá nhiều và không bao giờ đủ của Mary Trump, về đương kim chủ nhân Nhà Trắng, đã bán ra được 950.00 ấn bản nội trong ngày đầu. Trong cuốn sách này, tác giả miêu tả tổng thống Hoa Kỳ là một “người nói dối và rất tự mãn đến mức độ bệnh hoạn”. Nhà Trắng từng tìm cách ngăn cản việc cho phát hành cuốn sách này, nhưng đã thất bại.
(AFP) – Pháp : trong 24 giờ qua, đã có thêm 18 ca tử vong vì Covid-19,
được ghi nhận tại bệnh viện, nâng tổng số thiệt hại về nhân mạng lên 30.138 người. Cùng ngày 16/07/2020 đã có thêm 119 ca phải nhập viện. Theo Tổng Cục Y Tế Pháp, số ca phải nhập viện tăng lên đôi chút tại 16 tỉnh. 71 % các trường hợp nói trên được ghi nhận 4 vùng vẫn còn bị nặng nhất, là Paris và vùng phụ cận, miền đông và miền bắc nước Pháp cũng như tại lãnh thổ hải ngoại Guyane.
(AFP) – Thêm một trại nuôi bò rừng bị tiêu diệt tại Hà Lan vì Covid-19.
Bộ Nông Nghiệp Hà Lan ngày 17/07/2020 thông báo đây là nông trại thứ 25 phải có biện pháp triệt để nhằm ngăn chận virus corona lây lan. Tới nay, hơn một triệu con bò rừng đã bị tiêu diệt ở Hà Lan từ đầu mùa dịch Covid-19, sau khi phát hiện “rất có thể 2 nhà chăn nuôi bị nhiễm từ giống bò này”. Tây Ban Nha hôm qua cũng vừa phải giết 100.000 con bò rừng, sau khi phát hiện 90 % trong số đó dương tính với virus corona chủng mới.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200717-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 17/7:
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
chỉ trích Hollywood vì sợ Bắc Kinh
Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (17/7), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ chỉ trích Hollywood vì sợ Bắc Kinh
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr đã lên án những hãng phim của Hollywood và các công ty công nghệ Mỹ “quỳ gối” trước Bắc Kinh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới, bao gồm cả trên đất Mỹ”, ông Barr nói trong một sự kiện liên quan đến chính sách về Trung Quốc tại Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford ở Michigan.
“Vì lợi nhuận ngắn hạn, các công ty Mỹ đã chịu khuất phục trước ảnh hưởng đó, thậm chí phải trả giá bằng sự tự do và cởi mở ở Hoa Kỳ”, ông Barr nói.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã chỉ ra một ví dụ chứng minh khẳng định của mình. Ông nói rằng Marvel Studios, một chi nhánh của hãng phim Disney, vào năm 2016, trong sản phẩm Doctor Strange đã tự ý thay đổi câu chuyện gốc về một tu sĩ từ Tây Tạng, bằng việc chuyển sắc tộc của tu sĩ này sang Celtic. Theo ông, đây là một hành động có biểu hiện e sợ chính quyền Trung Quốc.
“Những nhà kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc không cần nói một tiếng, bởi vì Hollywood đang làm việc cho họ”, ông Barr nói. (Chi tiết)
Công ty Trung Quốc thử trái phép vắc xin Covid-19 trên người
Một công ty quốc doanh Trung Quốc SinoPharm đang tự hào rằng cả giám đốc điều hành và nhân viên của họ đã được tiêm thử nghiệm vắc xin điều trị virus Vũ Hán ngay cả trước khi việc này được chính quyền chấp thuận, theo AP.
“Chìa tay giúp mài sắc thanh gươm chiến thắng”, một bài đăng của công ty dược phẩm SinoPharm viết, kèm hình ảnh ca ngợi những nhân viên của họ đang “thử nghiệm trước” vắc xin trị Covid-19 do chính công ty này sản xuất.
SinoPharm tuyên bố rằng họ có 30 “tình nguyện viên đặc biệt” giúp thử nghiệm vắc xin do họ tự chế trước khi họ được cấp phép thử nghiểm vắn xin trên người. Theo AP, điều này khiến giới quan sát phương Tây lo ngại vì nó vi phạm các quy chuẩn chuyên môn và đạo đức.
Cuộc sống khó khăn, người Iran xuống đường biểu tình
Hôm thứ Năm, lực lượng an ninh Iran đã bắn hơi cay nhằm giải tán những người biểu tình đang tuần hành tại thành phố Behbahan, phía tây nam Iran để bày tỏ sự bất bình về điều kiện sống khó khăn, các nhân chứng nói với hãng tin Reuters.
Một video đăng tải trên mạng xã hội Iran cho thấy người biểu tình hô vang những câu như “Không sợ, không sợ, chúng ta cùng nhau ở đây”. Một video khác cho thấy lực lượng an ninh Iran xuất hiện dày đặc xung quanh người biểu tình. Bất chấp việc này, nhiều người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối những quan chức hàng đầu của chính phủ Iran.
“Người dân đang giận dữ. Nền kinh tế tồi tệ tới mức chúng tôi không thể sống được”, một người Iran giấu tên ở Teheran nói với Reuters qua điện thoại.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận thương mại với Mỹ
Hôm thứ Năm, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ, nhưng cảnh báo rằng sẽ đáp trả các chiến thuật “bắt nạt” của Washington, theo Reuters.
Bà Hoa cũng tuyên bố mời Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Trung Quốc thăm khu tự trị Tân Cương để thấy rằng không có vi phạm nhân quyền như truyền thông, các nhà hoạt động và các thế lực khác “đổ oan” cho Bắc Kinh.
Khi được hỏi liệu các lệnh trừng phạt gần đây mà Washington áp dụng với các quan chức cao cấp Trung Quốc vì liên quan tới việc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương có ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại gia đoạn 1 hay không, bà Hoa nói với các phóng viên rằng Trung Quốc hy vọng thỏa thuận này vẫn có thể được thực thi, nhưng lưu ý Bắc Kinh sẽ “đáp trả và có hành động phản ứng” với các hành động “bắt nạt” của Hoa Kỳ.
Tin tặc Nga đang cố ăn cắp vắc xin Covid-19
Các tin tặc được chính phủ Nga hỗ trợ đang cố gắng đánh cắp vắc xin điều trị Covid-19 và những nghiên cứu điều trị khác từ các tổ chức học thuật và dược phẩm trên khắp thế giới, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho biết.
Một tuyên bố chung giữa Anh, Mỹ và Canada đã cáo buộc nhóm tin tặc có tên APT29, hay còn được gọi vởi tên “Cozy Bear” thực hiện các cuộc tấn công này. Tuyên bố cho rằng gần như chắc chắn APT29 làm việc cho tình báo Nga.
“Chúng tôi lên án những cuộc tấn công thấp kém này, nó chống lại những người đang làm công việc quan trọng để chiến đấu với đại dịch Covid-19”, Giám đốc điều hành NCSC, Paul Chichester, nói hôm thứ Năm.
Điểm tin thế giới tối 17/7:
Vũ Hán phát cảnh báo lũ ‘màu đỏ’; Nước ở hồ chứa
đập Tam Hiệp vượt 10m so với mức an toàn
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (17/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Vũ Hán phát cảnh báo lũ ‘màu đỏ’ khi nước sông, hồ đang tăng nhanh
Miền trung và miền nam Trung Quốc tiếp tục chao đảo khi lũ lụt tồi tệ nhất thập niên gây gián đoạn các chuỗi cung ứng thiết yếu bao gồm các thiết bị bảo vệ cá nhân chống dịch Covid-19 và thiệt hại kinh tế chồng chất. Thành phố Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang hôm nay (17/7) phát cảnh báo “màu đỏ” khi mà mưa lớn khiến nước ở các sông, hồ đang tăng nhanh tới mốc tối đa trong thang an toàn, hãng Reuters đưa tin cùng ngày.
Nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp vượt 10m so với mức an toàn
Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ đang tích nhiều nước hơn nhằm cố gắng giảm nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu sông Dương Tử, mực nước ở hồ đã cao hơn 10 mét so với mức an toàn, với sức nước hiện tại hơn 50.000 mét khối mỗi giây, theo Reuters ngày 17/7. Hồ Bà Dương ở Giang Tây, mực nước đã cao hơn 2,5 mét so với cảnh báo. Nước hồ tràn ra hơn 2.000 km vuông khiến làng mạc xung quanh ngập úng. Về phía đông, Thái Hồ gần Thượng Hải cũng phát cảnh báo màu đỏ sau khi nước tăng lên gần 1m so với mức an toàn.
Hàn Quốc thu hồi giấy phép của các nhóm phát tán tờ rơi chống Triều Tiên
Hàn Quốc hôm thứ Sáu (17/7) hủy bỏ giấy phép của hai nhóm chống Triều Tiên với lý do là họ đã thả truyền đơn vào Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng tức giận, làm cho các nỗ lực hòa giải của Hàn Quốc với quốc gia cô lập bị suy yếu, theo Yonhap.
Các nhóm này được những người đào thoát Triều Tiên vận hành trong nhiều năm, đã gửi tờ rơi chống Triều Tiên kèm thực phẩm, thuốc men, tiền giấy 1 USD, đài radio mini và USB cùng với các bộ phim truyền hình lẫn tin tức từ Hàn Quốc, vào Triều Tiên bằng bóng bay hoặc chai thả trên những con sông nơi biên giới. Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên vì vậy đã yêu cầu các nhóm ngừng gửi tuyên truyền nhưng họ từ chối.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU, Ý sẽ chống lại những thay đổi trong Quỹ Phục hồi
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Kinh tế Ý Roberto Gualtieri đưa ra hôm nay (17/7).
Ý muốn Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận mà không thêm thay đổi quan trọng nào trong Quỹ Phục hồi trị giá 750 tỷ euro nhằm tái thiết nền kinh tế Nam Âu đã gánh chịu tác động nặng nề của dịch virus corona, hãng Reuters dẫn lời ông Roberto.
Ngày 27/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho EU. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU. Kế hoạch này được đưa ra sau nhiều áp lực lớn từ Ý và Tây Ban Nha là những quốc gia đầu tiên chịu tác động của đại dịch cũng như phải gánh chịu các khoản nợ lớn nhằm tái thiết nền kinh tế. Nếu được chấp thuận, Ý sẽ được viện trợ trực tiếp gần 82 tỷ euro trong 3 năm tới, Tây Ban Nha sẽ nhận được hơn 77 tỷ euro. Ý và Tây Ban Nha cũng sẽ được vay với số tiền lần lượt là 90 tỷ euro và 31 tỷ euro.
Tin tặc hack 130 tài khoản Twitter để lừa lấy tiền ảo
Twitter tiết lộ vào cuối ngày 16/7, trong tuần, khoảng 130 tài khoản người dùng mạng xã hội này lọt vào tầm ngắm của những tay tin tặc, một sự cố mà trong đó nhiều hồ sơ của các cá nhân và các tổ chức nổi tiếng bị xâm phạm.
Tin tặc đã truy cập hệ thống nội bộ của Twitter để chiếm đoạt tài khoản của một số người dùng hàng đầu của nền tảng này bao gồm ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden, ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và tỷ phú Elon Musk và sử dụng những tài khoản này để lừa lấy tiền kỹ thuật số, theo Reuters.