Đọc báo Pháp – 16/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 16/10/2017

Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình,

giấc mơ Trung Hoa và Đại hội Đảng

Thụy My

Le Monde hôm nay dành hẳn 8 trang báo cho việc « Trung Quốc quay lại với tư cách đại cường », với dòng chữ Hán trên trang nhất « Trung Quốc, cường quốc quật khởi » – tên một bộ phim tài liệu dài đến 12 tập chiếu trên truyền hình nước này năm 2006. « Hoàng đế đỏ » Tập Cận Bình, nhân danh « Giấc mơ Trung Hoa », từ khi lên ngôi đã siết chặt xã hội dân sự cũng như nền kinh tế.

Giấc mơ Trung Hoa thay cho giấc mơ Mỹ

Tờ báo nhận xét, cách đây mười năm, khi chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, chính quyền đã phân phát nhiều cassette cho các tài xế taxi để họ ráng tập nói vài câu tiếng Anh. Năm 2017, đến lượt bé gái cháu nội của tổng thống Mỹ Donald Trump hát và đọc một bài thơ tiếng Hoa trước mặt Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago. Le Monde cho rằng đây là một biểu tượng : chúng ta đã bước vào thế kỷ Trung Hoa.

Sau ba thập niên cất cánh, Trung Quốc nay muốn cạnh tranh với siêu cường Mỹ, và Tập Cận Bình còn khoe « Giấc mơ Trung Hoa » để thay cho « American Dream ». Giấc mơ này được thể hiện bằng các tham vọng lãnh thổ và chiến lược. Chính sách âm thầm phát triển của cuối thập niên 70 đã kết thúc. Tại châu Á, Tập Cận Bình yêu sách chủ quyền Biển Đông, bất chấp những quan ngại của các láng giềng. Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP là một món quà từ trên trời rơi xuống cho ông Tập, nhân đó ông quảng bá « Con đường tơ lụa mới ».

Trong nội bộ, Tập Cận Bình áp đặt nhân sự của mình trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhân danh chống tham nhũng, trong quân đội và xã hội dân sự. Đừng mơ đến cải cách chính trị : ông Tập là một người chống Gorbatchev. Các luật sư và nhà báo « láo xược » đã bị bỏ tù. Cứng rắn trong đối nội, bành trướng với bên ngoài, đó là tôn chỉ của ông Tập, với hy vọng mang lại cơ hội tuyệt vời cho ngày kỷ niệm 100 năm thành lập đảng vào năm 2021, một năm trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ

Tại Đại hội Đảng khai mạc vào thứ Tư 18/10 tới, Tập Cận Bình không chỉ được giao tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà còn muốn nối gót hai lãnh đạo đã đi vào lịch sử là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, với việc đưa vào điều lệ đảng tư tưởng của ông ta. Cho đến nay, chỉ có Mao (với tư tưởng Mao Trạch Đông) và Đặng (với lý thuyết Đặng Tiểu Bình) là có được vinh dự này, nhưng không phải trong lúc sinh thời.

Ông Tập đưa ra khái niệm « Quản trị ». Tác phẩm « Quản trị Trung Quốc » dày trên 500 trang xuất bản tháng Giêng năm 2015 tập hợp các bài diễn văn và tiểu luận, là đóng góp của Tập Cận Bình, bên cạnh những chuyến công du 56 nước, vượt 570.000 km, được tiếp đón trọng thị. Trên thảm đỏ, ông luôn tươi cười, biểu tượng cho một Trung Quốc kiêu hãnh và tự tin, đối chọi với nước Mỹ của ông Trump cô lập và khuấy động.

Để hiểu vì sao nhấn mạnh « quản trị », chúng ta cần quay lại với năm 2012 của Đại hội Đảng 18, khi Tập Cận Bình mới được đề cử. Chế độ Bắc Kinh đang còn sững sờ trước sự lan rộng của Mùa Xuân Ả Rập, thì lại xảy ra xì-căng-đan đình đám Bạc Hy Lai, và sau đó đến lượt luật gia mù Trần Quang Thành đào thoát, gây khủng hoảng ngoại giao với Mỹ. Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào dường như thất thế trước sự thu hút của tổng thống Barack Obama và sự cương quyết của ngoại trưởng Hillary Clinton. Trên toàn quốc, xuất hiện nhiều lời kêu gọi trên các mạng xã hội, vạch trần bộ máy tuyên truyền và đòi hỏi chia sẻ quyền lực chính trị. Báo chí Hoa lục gọi đây là « cuộc khủng hoảng quản trị».

Pháp trị của quân chủ chuyên chế thay cho Nhà nước pháp quyền

Khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã gây thất vọng cho những người vẫn mong mỏi có được cải cách chính trị. Một nhà trí thức ẩn danh nói với Le Monde : « Cách đây bốn, năm năm, tôi rất lạc quan, như nhiều người cùng thế hệ. Cứ ngỡ rằng sẽ hướng đến một mô hình kiểu phương Tây, rằng xã hội chúng tôi sẽ trở nên tự do hơn. Nay thì phải từ bỏ ảo tưởng ấy ».

Ông Tập « Hán hóa » tất cả, vận dụng nền văn minh Trung Hoa cổ, Khổng Tử và một loạt truyền thống chính trị, chẳng hạn thuyết « pháp trị » của Hàn Phi Tử (Han Fei) thời quân chủ chuyên chế, khác hẳn với Nhà nước pháp quyền của phương Tây.

Sự quản trị độc đoán của Tập Cận Bình nhằm duy trì độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản, và tham vọng quốc tế trở thành siêu cường. Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận xét : « Mao muốn xuất khẩu cách mạng, còn Tập Cận Bình muốn xuất khẩu tư bản. Ông ta mơ một đại cường đỏ. Nền kinh tế là vũ khí hiệu quả nhất, « Con đường tơ lụa mới » và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là các phương tiện chiến lược. Thế nhưng những thứ đó cần đến sức mạnh quân sự hỗ trợ. Như vậy, Bắc Kinh sẽ mở rộng dấu ấn quân sự trên thế giới, như đã làm với căn cứ đầu tiên ở Djibouti. Đầu tư vào quân sự là trọng yếu, vì Trung Quốc đã ấn định mục tiêu trở thành cường quốc biển, trong khi hiện nay còn yếu kém ».

Theo Le Monde, những thử thách đối với ông Tập không ít : nền kinh tế chao đảo, và ông nổi tiếng có nhiều kẻ thù bên trong. Ở bên ngoài, Hồng Kông và Đài Loan nổi loạn trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, với một Donald Trump nóng nảy, bất định, là trắc nghiệm cho « chính sách ngoại giao nước lớn » của Bắc Kinh.

Tất cả đều ngưng đọng trước Đại hội Đảng

Trong bài « Trung Quốc dừng mọi hoạt động trước Đại hội Đảng », tờ báo cho biết, trong khi thủ đô Bắc Kinh rợp những băng-rôn đỏ « Nhiệt liệt chào mừng Đại hội 19 », các nhà hàng gần quảng trường Thiên An Môn buộc phải tạm đóng cửa vì không được sử dụng các bình gaz.

Airbnb thông báo cho khách hàng là tất cả các căn hộ trong bán kính 20 km xung quanh quảng trường bị cấm cho thuê đến cuối tháng 10. Một điều bắt buộc nữa là bầu trời xanh : các nhà máy thép của tỉnh Hà Bắc kế cận phải ngưng sản xuất từ ngày 12/10. Giá một số hóa chất tăng cao bất thường vì cấm vận chuyển hàng nguy hiểm trên sông Dương Tử (Yangzi) tuy nằm cách thủ đô cả ngàn cây số.

Lãnh vực giải trí cũng không thoát : một kênh truyền hình đã phải ngưng chương trình tranh luận về những khó khăn của đất nước. Thay vào đó là loạt phim tài liệu mang tên « Vinh quang Trung Quốc ».

Đại hội 19 : Tập Cận Bình sẽ khống chế ?

Với 2.287 đại biểu, Đại hội 19 sẽ « bầu ra » Ban chấp hành Trung ương, và sau đó Trung ương chỉ định Bộ Chính trị gồm 25 thành viên và 7 ủy viên thường trực, nắm giữ quyền lực tối cao. Kỳ này có nhiều ghế trống do về hưu hay do bị thanh trừng : 5/7 ủy viên thường trực, 12/25 ủy viên Bộ Chính trị, 5/11 trong Quân ủy Trung ương. Vấn đề là Tập Cận Bình sẽ áp đặt được bao nhiêu người thân tín.

Ông Tập chỉ tin tưởng vào những ai đã từng làm việc chung với mình.

Ông phải thỏa thuận với Đoàn Thanh niên, phe của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tuy đã yếu đi nhưng vẫn còn nhiều cán bộ tài năng và giữ vị trí quan trọng. Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), vừa được ông Tập đẩy lên làm bí thư Trùng Khánh, có hy vọng trở thành ủy viên thường trực.

Nhưng đáng chú ý nhất là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), trưởng ban kỷ luật trung ương đầy quyền lực, người chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng. Ở tuổi 69, trên nguyên tắc ông Vương không thể tiếp tục là ủy viên thường trực, nhưng cánh tay mặt của Tập Cận Bình có thể được đặc cách. Một số nhà quan sát cho rằng ông Tập sẽ tránh giới thiệu người kế nhiệm cho Đại hội 20, năm 2022.

Le Monde cũng đề cập đến « đạo quân Chi Giang » của Tập Cận Bình, gồm khoảng hai chục quan chức, là những người đã chịu ơn mưa móc của ông Tập nên đã thăng tiến vùn vụt.

Siết chặt kinh tế tư nhân

Trên lãnh vực kinh tế, mặc dù đề cao chủ trương tự do hóa, nhưng chế độ lại tăng cường kiểm soát lãnh vực tư nhân, với mục đích giữ ổn định, dành ưu tiên cho quốc doanh.

Những tập đoàn quá nhiều tham vọng bị chặn bước, mà người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tập đoàn Vạn Đạt (Wanda) đã học được một bài học : phải bán đi 77 khách sạn và phần hùn trong 13 dự án du lịch, trị giá tổng cộng 7,7 tỉ đô la ; từ bỏ ý định mua khu đất 4 hecta bên dòng sông Thames, cách Buckingham Palace không đầy 1 km.

Tương tự đối với các tập đoàn Phục Tinh (Fosun), An Bang (Anbang). Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui), chủ tịch An Bang, chồng của cháu gái Đặng Tiểu Bình, ngỡ như bất khả xâm phạm, bị bắt vào tháng Sáu và từ đó đến nay không hề thấy xuất hiện hay được nhắc đến.

Chuyên gia Fraser Howie nhận xét : « Khi ra lệnh cho doanh nghiệp tư nhân, Tập Cận Bình cho thấy không có ranh giới công-tư như ở phương Tây. Cũng có những vấn đề như rủi ro tài chính, chảy máu vốn nhưng chỉ là thứ yếu. Ông Tập đặc biệt muốn chứng tỏ không có bất kỳ lãnh vực nào của xã hội mà ông hoặc đảng Cộng Sản không có quyền can thiệp. Đây là xu hướng đang lo ngại ở Trung Quốc, vì lãnh vực quốc doanh vốn kém hiệu quả, trong những năm gần đây lại càng sa sút ».

Trong thời buổi đồng nhân dân tệ yếu kém so với đô la, các đầu tư ra nước ngoài bị coi là một cách chuyển tiền ra ngoại quốc, thay vì là sự phát triển mang tầm chiến lược. Ông Howie nói thêm : « Trước mắt, nếu kiểm soát thị trường tiền tệ, chứng khoán và thậm chí cả mức độ hoạt động kinh tế, có thể có được sự ổn định. Nhưng về trung và dài hạn, sẽ gây căng thẳng nhiều hơn cho nền kinh tế. »

Internet bị bóp nghẹt

Về mặt xã hội, hàng loạt biện pháp khắc nghiệt được đưa ra để siết chặt internet. Gần đến đại hội, WhatsApp không còn hoạt động được. Tại Tân Cương, khi sử dụng VPN để vượt tường lửa thì công an được báo động ngay.

Ngay từ năm 2013, tất cả những ai đăng tin tức « có hại » lên mạng Vi Bác (Weibo), được xem 5.000 lần hay chia sẻ 500 lần đều có nguy cơ bị tù giam. Nhiều blogger đã bị bắt. Một nhà báo trẻ Trung Quốc cho biết : « Từ khi ra quy định này, ai nấy đều thận trọng, đó là hồi kết của việc mở cửa internet ». Các luật về an ninh mạng được thông qua tháng 11/2016 trao quyền cho an ninh lập hồ sơ khởi tố các cư dân mạng muốn « lật đổ chính quyền » hay « gây rối trật tự công cộng ». Một blogger trẻ đã lãnh án bốn năm tù vì đăng clip cảnh người dân biểu tình. Một người dân Quảng Đông cũng bị 9 tháng tù giam vì lập trang web bán các phần mềm để né « Vạn Lý Hỏa Thành ».

New York nay đã trở thành thủ đô của một « Trung Quốc tự do », nơi các nhà ly khai và trí thức Trung Quốc nói lên những tiếng nói đòi dân chủ. Tại đây họ tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị về tương lai đất nước, đăng bài trên những trang tiếng Hoa. Mới đây, một phóng viên Ý thường trú tại Bắc Kinh đã phải sang New York phỏng vấn một giáo sư người Hoa vì tại Hoa lục, chẳng ai dám trả lời.

Đảng đứng trên Nhà nước

Nhà Trung Quốc học Sebastien Veg nhận xét, mỗi tân lãnh đạo ĐCSTQ đều phải đối mặt với việc giữ ba thăng bằng căn bản, để bảo vệ chế độ. Đó là thăng bằng giữa định chế hóa và cải cách chính trị, giữa trọng dụng nhân tài và phe nhóm, giữa tự do hóa và kiểm soát xã hội.

Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm ở chỗ tăng cường quyền lực của Đảng, đứng trên Nhà nước. Dựa trên phe « thái tử đỏ », thay vì giúp Nhà nước hiệu quả hơn nhờ tách biệt với Đảng và ý thức hệ, ông Tập lại khẳng định vai trò lãnh đạo đảng như công cụ kỷ luật, điều tiết nền kinh tế và xã hội, tiêu chuẩn chính trị.

Chiến dịch chống tham nhũng do đảng lãnh đạo đã tấn công 1 triệu cán bộ từ 2013, trong đó khoảng 200.000 bị điều tra, trong đó có 130 mang hàm thứ trưởng trở lên. Từ 2017, chiến dịch mở rộng sang lãnh vực tư nhân. ĐCSTQ còn tăng cường vai trò tổ đảng trong các công ty tư, tổ chức phi chính phủ, thậm chí công ty liên doanh với nước ngoài.

Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông dự báo trên Le Figaro : những kẻ thù của ông Tập, đang yếu đi và chia rẽ, chỉ đợi một dịp khủng hoảng lớn để phản công. Cuộc khủng hoảng đó có thể là kinh tế hay ngoại giao – nếu hồ sơ Triều Tiên nóng bỏng diễn tiến xấu đi, trở thành xung đột.

Iran, tổng thống Pháp : Tựa chính báo Paris

Tổng thống Mỹ và hiệp định nguyên tử Iran, cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình lần đầu tiên của tổng thống Pháp, Tập Cận Bình và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới ; đó là những chủ đề được các báo Pháp đề cập nhiều nhất.

Tựa chính của Le Monde hôm nay là « Donald Trump gây nguy hiểm cho hiệp định nguyên tử Iran »Le Figaro nhận xét « Emmanuel Macron giảm nhẹ giọng điệu nhưng giữ nguyên phương hướng », còn Libération chơi chữ : « Macron trò chuyện với người dân Pháp : Mẹ kiếp, hãy cố thành công đi ! », nhắc lại từ ngữ (“bordel!“) có phần bình dân mà tổng thống Pháp từng bị phê phán gần đây. Trên lãnh vực xã hội, tờ báo công giáo La Croix chạy tựa « Để kết thúc bạo lực tình dục ». Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến những thay đổi trong chính sách về hợp đồng làm việc ngắn hạn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171016-hoang-de-do-tap-can-binh-giac-mo-trung-hoa-va-dai-hoi-dang

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Việt Nam chuẩn bị đón trận bão mới. Theo dự báo ngày 16/10/2017, một trận bão mới, với tên quốc tế là Khanun, sẽ di chuyển vào Việt Nam. Trận bão này nối tiếp ngay sau cơn áp thấp nhiệt đới hoành hành tại miền Bắc và bắc Trung Bộ Việt Nam cách đây vừa tròn một tuần, gây ra lũ lụt và sạt lở đất khiến 72 người thiệt mạng, 50.000 ngôi nhà bị ngập, hủy hoại hơn 22.000 ha lúa, và 300.000 vật nuôi bị chết.

(AFP) – 276 người chết trong vụ khủng bố tại Somalia. Số nạn nhân vụ đánh bom chiều Thứ Bảy 14/10/2017 tại trung tâm Mogadiscio không ngừng tăng thêm : cho tới chiều 16/10, các giới chức y tế và cảnh sát Somalia, xác nhận 279 người chết, hơn 300 người bị thương. Chưa ai nhận là thủ phạm vụ tấn công đẫm máu nhất tại Somalia.

(Reuters) – Đại đa số người Philippines ủng hộ chiến dịch chống ma túy của ông Duterte.Theo một cuộc thăm dò được công bố ngày 16/10/2017, có 88% trong số 1.200 người được viện Pulse Asia thăm dò vào tháng Chín cho biết họ ủng hộ chiến dịch chống ma túy, chỉ có 2% phản đối, và 9% không ý kiến. Tuy nhiên, 73% cho rằng đã có những vụ hành quyết không qua xét xử. Cảnh sát Philippines luôn bác bỏ các cáo buộc giết người tùy tiện, khẳng định số 3.900 người bị giết chết là do họ có vũ trang và chống đối kịch liệt khi bị bắt.

(Reuters) – Hồng Kông : Việc bỏ tù ba nhà hoạt động dân chủ đe dọa nghiêm trọng Nhà Nước pháp quyền. Một nhóm 12 luật sư quốc tế tên tuổi trong lá thư ngỏ hôm 16/10/2017 báo động: Sự kiện Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) và La Quán Thông (Nathan Law) bị phạt tù trong năm nay, chứng tỏ độc lập tư pháp của Hồng Kông đang bị đe dọa trước sự can thiệp của chế độ Bắc Kinh. Các luật sư nhấn mạnh, các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2014 là « một trong những phong trào phản kháng ôn hòa chưa từng thấy trên thế giới ».

(AFP) – Bầu cử Quốc Hội Nhật Bản : Liên minh của thủ tướng Abe có thể thắng lớn. Theo kết quả một cuộc thăm dò của nhật báo Mainichi Shimbun, tiến hành với hơn 73.000 cử tri Nhật Bản, được công bố ngày 16/10/2017, đảng Tự Do – Dân Chủ của ông Abe có thể giành được 303/465 ghế đại biểu trong nghị viện Nhật Bản. Đối thủ chính trị của ông Abe là bà Yuriko Koike đang mất dần ảnh hưởng. Cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra vào Chủ Nhật 22/10/2017.

(Reuters) – Hàn Quốc : Luật sư của cựu TT Park Geun Hye tẩy chay tòa án.Ngày 16/10/2017, luật sư bảo vệ cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đồng loạt từ nhiệm, với lý do Tư Pháp từ chối cho phép bà Park tại ngoại hầu tra. Dàn luật sư của bà Park phản đối một vụ án mang «màu sắc chính trị ». Nữ tổng thống Hàn Quốc đầu tiên, Park Geun Hye bị truất phế hồi tháng 3/2017. Ngày 18/04/2017, bà chính thức bị truy tố về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, đòi các tập đoàn lớn Hàn Quốc phải chi tiền cho một tổ chức do người bạn thâm niên là pháp sư Choi Soon Sil điều hành.

(AFP) – Thêm thuyền nhân Rohingya thiệt mạng. Một quan chức Bangladesh ngày 16/10/2017 cho biết, ít nhất 10 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích trong một vụ đắm tàu ngoài khơi Cox’s Bazarar, sát biên giới Miến Điện và Bangladesh. Nạn nhân là người Rohingya theo đạo Hồi bị quân đội Miến Điện truy bức. Trong 24 giờ qua, khoảng 12.000 thuyền nhân Rohingya đã cập bến Cox’s Bazar.

(AFP) – Liên Hiệp Quốc bầu thành viên Hội Đồng Nhân Quyền. Ngày 16/10/2017, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tiến hành bầu 15 thành viên Hội Đồng Nhân Quyền, tuy nhiên, việc ứng cử của Cộng Hòa Dân Chủ Congo gây tranh cãi, do những xung đột bạo lực trong vùng Kasai.

(AFP) – Catalunya : Lãnh đạo xin thời hạn hai tháng để đối thoại. Trong bức thư gửi tới chính phủ Tây Ban Nha ngày 16/10/2017, ông Carles Puigdemont tỏ ý muốn khởi động một cuộc đối thoại với chính quyền Madrid trong vòng hai tháng, và trong khi chờ đợi ông sẽ hoãn lại việc thực hiện nhiệm vụ đưa vùng Catalunya tiến tới độc lập mà người dân đã trao cho ông trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vừa qua. Ngày 16/10 là hạn chót để ông Puigdemont đưa ra câu trả lời cho chính phủ Tây Ban Nha về việc tuyên bố độc lập của vùng Catalunya.

(Reuters) – Tokyo, thành phố « lịch sự » nhất với nữ giới.Theo một nghiên cứu được công bố ngày 16/10/2017, Tokyo được xem là thành phố an toàn nhất với nữ giới. Đội sổ là Cairo, thủ đô Ai Cập. Cuộc thăm dò dựa trên một số tiêu chuẩn như là : phụ nữ không bị bạo hành về tình dục, nếp sống lành mạnh, phái đẹp được chăm sóc chu đáo về mặt ý tế và phụ nữ dễ kiếm tiền, thăng tiến trong xã hội. Luân Đôn đứng hạng 5, Paris hạng 3 và New York hạng 7.

(AFP) – Dự án thành lập khu bảo tồn hải dương Nam Băng Dương. Tại Sydney, ngày 16/10/2017, Pháp và Úc khởi động đàm phán lại về dự án lập vùng bảo tồn biển trong khu vực Nam Băng Dương. Kế hoạch này đã được đôi bên đề cập tới từ năm 2016, dự trù quy định diện tích hơn 1,5 triệu cây số vuông, tương đương với diện tích của Pháp, Ý, Đức, Thụy Sĩ, Áo và ba nước Hà Lan, Luxembourg và Bỉ cộng lại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171016-tin-doc-nhanh