Đọc báo Pháp – 16/09/2020
Châu Âu không còn lóa mắt trước thị trường khổng lồ Trung Quốc – Thụy My
Theo Le Monde, trong bối cảnh Hoa Kỳ đe dọa một cuộc chiến tranh lạnh và tách rời nền kinh tế khỏi Trung Quốc, Tập Cận Bình đã sai lầm khi do dự không nắm lấy bàn tay chìa ra của châu Âu, cho dù bàn tay ấy nay trở nên cứng rắn hơn.
Đại dịch corona làm các trường đại học chật vật trong mùa khai giảng, châu Âu chuẩn bị đón một đợt dịch thứ hai, việc phổ biến công nghệ 5G tại Pháp, đó là tựa chính của các báo Paris hôm nay 16/09/2020.
Trong bài xã luận « Liên Hiệp Châu Âu -Trung Quốc : Một sự tái cân bằng cần thiết », Le Monde nhận định quan hệ đôi bên rõ ràng đã bước vào một giai đoạn mới. Liên Hiệp Châu Âu (EU) lâu nay mù quáng trước một thị trường khổng lồ, rốt cuộc không còn có thể chấp nhận những thỏa thuận bất bình đẳng. Châu Âu muốn chấm dứt tình trạng cạnh tranh bất chính của một đối tác mà từ nay cần phải đề cao cảnh giác.
Sự cứng rắn trước Bắc Kinh là rất cần thiết để làm cân bằng trở lại mối quan hệ, mà hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã cho thấy. Dù có vài bước tiến về kỹ thuật, có ký kết tôn trọng chỉ dẫn địa lý cho khoảng 100 loại nông sản, nhưng đôi bên không đạt được thỏa thuận về việc mở cửa rộng hơn nữa thị trường Hoa lục. Có hạn chế được đôi chút việc buộc chuyển giao công nghệ, minh bạch hơn một chút về trợ giá của nhà nước, nhưng đòi hỏi của châu Âu trong lãnh vực xe hơi, viễn thông hay vấn đề sản xuất thừa vẫn còn bị treo.
Đọc thêm: Đại dịch Covid và Donald Trump giúp châu Âu thức tỉnh trước Bắc Kinh
Tuy vậy các nhà lãnh đạo EU, đặc biệt là Đức, đã ý thức được giới hạn của xu hướng chỉ chú trọng đến thương mại. Hồi năm 2019 EU đã bước qua một ngưỡng quan trọng khi đánh giá Trung Quốc là « đối thủ mang tính hệ thống », và rồi đại dịch corona đã cho thấy bộ mặt xấu xí của Bắc Kinh. Không minh bạch về nguồn gốc con virus, thao túng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuyên truyền thô bạo ở châu Âu, cộng với sự khủng hoảng khi nhận ra châu Âu lệ thuộc Trung Quốc đến mức nào về trang thiết bị y tế, đã làm dư luận đổi chiều.
Châu Âu nay phải trả giá cho sự ngây thơ trước Bắc Kinh, cũng như sự mất đoàn kết trong khối. Trong một thời gian quá dài, ai nấy đều tìm cách « kéo chiếc mền về phía mình ». Khác với lệ thường, lần này châu Âu phải cám ơn ông Donald Trump vì đã cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ với Trung Quốc.
Tiếc rằng tổng thống Mỹ đã « chinh chiến » một mình mà không tìm cách phối hợp với châu Âu, vốn sẽ có lợi cho cả đôi bên. EU đành phải tự tìm ra phương cách để vừa bảo vệ được lợi ích, vừa trung thành với các giá trị dân chủ. Các nhà lãnh đạo EU hôm thứ Hai đã đòi hỏi Tập Cận Bình để cho các quan sát viên độc lập đến Tân Cương, và nhắc lại quan ngại đối với việc vi phạm các quyền tự do của Hồng Kông.
Tuy chỉ mang tính hình thức vì Bắc Kinh có thói quen làm ngơ, nhưng Trung Quốc đã ý thức được rằng đối tác của mình giờ đây đòi hỏi nhiều hơn. Theo Le Monde, trong lúc Hoa Kỳ đe dọa một cuộc chiến tranh lạnh và tách rời nền kinh tế khỏi Trung Quốc, Tập Cận Bình đã sai lầm khi do dự không nắm lấy bàn tay chìa ra của châu Âu, cho dù bàn tay ấy nay cứng rắn hơn.
Vatican và Trung Quốc gia hạn thỏa thuận
La Croix dành trang nhất cho quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. Theo nguồn tin riêng của nhật báo công giáo, thỏa thuận năm 2018 giữa Tòa Thánh với Bắc Kinh sẽ được gia hạn thêm hai năm nữa.
Nội dung thỏa thuận vẫn được giữ bí mật, nhưng theo những gì được tiết lộ, thì Đức giáo hoàng là người quyết định cuối cùng về việc phong chức giám mục, và đổi lại, Roma cam kết không phong chức cho các giám mục trong giáo hội « ngoài lề ». Tất cả 9 giám mục do Bắc Kinh phong đều đã được Tòa Thánh nhìn nhận – 7 người ngay sau khi ký kết và 2 từ năm ngoái.
Tuy nhiên cha Bernardo Cervellera, người phụ trách trang Asia News cho biết trong những tháng gần đây, đã có những thông tin về việc phá hủy các công trình tôn giáo, bắt cóc các linh mục hay công an đứng canh trước nhà thờ để ngăn trẻ em vị thành niên đi lễ. Theo cha Cervellera, việc giữ bí mật thỏa thuận thực sự là một vấn đề, vì chính quyền có thể lấy cớ là Vatican đã cho phép để hành động.
Tập Cận Bình thành người hùng, người cảnh báo virus ở Vũ Hán bị bỏ quên
Tại Hoa lục, Le Figaro có bài viết dài nói về việc « Tập Cận Bình dàn dựng ‘‘chiến thắng’’ trước Covid ». Buổi lễ hoành tráng tại Đại sảnh đường Nhân Dân tuần trước nhằm tăng cường tính chính danh của đảng và quyền lực của ông Tập, trong bối cảnh đang căng thẳng với các nước phương Tây.
Tập Cận Bình được mô tả có dáng vẻ như một đại đế La Mã, là nhân vật chính trong ngày lễ trang trọng vinh danh 1.500 « người hùng » trong « cuộc chiến tranh nhân dân » chống lại « con yêu quái virus » corona. Bài diễn văn dài của ông Tập chiếm hết phân nửa buổi lễ, chương trình thời sự buổi tối của CCTV dành đến 30 phút cho sự kiện, Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận ca ngợi Tập Cận Bình đến tận mây xanh. Tân Hoa Xã khẳng định : « Với không đầy 0,006% dân số bị lây nhiễm, Trung Quốc đã kiểm soát được con virus, tạo ra phép lạ trong lịch sử nhân loại ».
Đọc thêm: Tập Cận Bình thao túng đảng, tự biến mình thành kẻ thù của cả thế giới
Đại dịch đã được nhào nặn thành một chiến thắng vẻ vang về chính trị, tuyên truyền bước sang một ngưỡng mới về tôn sùng cá nhân lãnh tụ. Tuy nhiên không phải tất cả người dân Trung Quốc đều bị lừa bịp. Vào lúc ông Tập bệ vệ trên thảm đỏ Đại sảnh đường, hàng triệu cư dân mạng đã đăng lên Vi Bác (Weibo) những lời thương tiếc đối với bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên cảnh báo về đại dịch ở Vũ Hán, bị bắt giam và sau đó bị con virus giết chết. Tên người bác sĩ trẻ không hề được nhắc đến trong buổi lễ hoành tráng, nhưng xuất hiện dày đặc trên « Bức tường than khóc » kiểu Trung Quốc.
Nạn thất nghiệp đe dọa Trung Quốc
Về kinh tế, thống kê chính thức công bố hôm qua 15/08 nói rằng tỉ lệ thất nghiệp trong tháng Tám chỉ còn 5,6%, giảm 0,1%. Tuy nhiên theo Les Echos, con số thất nghiệp giảm xuống là nhờ Trung Quốc khéo léo « phù phép » số lao động làm những công việc thời vụ bấp bênh.
Thống kê không tính đến số lao động nhập cư không hộ khẩu và số nông nhàn. Con số này lại càng giả tạo khi từ tháng Bảy, Trung Quốc đã chế ra một loại công việc mới dưới cái tên « chuyên viên tiếp thị trên mạng », gồm tất cả những ai buộc lòng phải buôn bán qua internet. Thủ thuật này làm dân số hoạt động tăng lên một cách giả tạo, vì chỉ cần làm việc một tiếng đồng hồ mỗi tuần để được tính đến.
Chính quyền Trung Quốc nhìn nhận thất nghiệp là một vấn đề lớn. Trong số 8,4 triệu cử nhân mới tốt nghiệp năm nay, hơn một phần tư vẫn đang đi tìm việc làm, và theo một số ước đoán, thì có đến 80 triệu người Trung Quốc thất nghiệp. Toàn bộ hệ thống gồm công ty quốc doanh và các cơ quan các cấp được huy động để tránh bất bình lan rộng trên toàn quốc.
Dù làm ăn thất bát, bốn ngân hàng quốc doanh lớn vẫn nhận thêm người. Với những người trình độ thấp, Bắc Kinh đề nghị làm công việc giao hàng hay bán hàng trên mạng. Còn sinh viên được khuyến khích về quê để « đóng góp vào sự phát triển của đảng, của đất nước và nhân dân » – theo lời Tập Cận Bình, một sự chuyển đổi không hề dễ dàng.
Số phận 12 nhà hoạt động Hồng Kông « vượt biên » trong móng vuốt Bắc Kinh
Trên lãnh vực nhân quyền, Libération có bài phóng sự nói về « Mười hai người Hồng Kông bị tư pháp Trung Quốc nhấn chìm ». Bị bắt vào cuối tháng Tám khi đang định vượt biển sang Đài Loan, các nhà hoạt động này bị bắt giam vì « xâm nhập bất hợp pháp » vào Trung Quốc, và đến nay thân nhân không có tin tức gì về họ.
Chiếc tàu nhỏ bé chở 12 người Hồng Kông từ 16 đến 33 tuổi trong đó có một nữ, đã bị chận lại chỉ vài giờ sau khi ra khơi. Trong nhóm có một người mang quốc tịch Bồ Đào Nha và ít nhất hai người có hộ chiếu Anh hải ngoại. Tờ Washington Post cho biết các nhà hoạt động không nhờ đến môi giới, tự mua tàu và tự điều khiển, hy vọng sẽ vượt được khoảng cách 410 hải lý với Đài Loan, trên Biển Đông dày đặc tàu Trung Quốc.
Đọc thêm: Hồng Kông và những ngày tự do cuối cùng
Sáu luật sư được thân nhân mời đã đến Thâm Quyến, nơi họ bị giam giữ, nhưng bị từ chối cho gặp thân chủ, nói rằng tù nhân đã nhờ đến các luật sư chỉ định. Nỗi đau của các gia đình càng sâu sắc khi không ai quan tâm đến những nạn nhân đang trong móng vuốt của tư pháp Hoa lục. Chính quyền Hồng Kông không ngó tới, lãnh sự quán Bồ Đào Nha phụ trách Hồng Kông và Macao không trả lời nhật báo Pháp, còn Đài Loan cũng giữ im lặng.
Cho đến nay, chỉ duy nhất ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại về số phận của 12 tù nhân Hồng Kông. Trang web La Croix cho biết, từ cáo buộc ban đầu là « nhập cảnh trái phép », hôm thứ Hai 14/09 tội danh đã chuyển thành « ly khai » với khung hình phạt lên đến chung thân, tử hình !
Nhà hoạt động Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan) than thở : « Tình hình ngày càng tồi tệ. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, hàng trăm người đã vượt biển để đến Hồng Kông và sang các nước khác. Ngày nay, chính người Hồng Kông phải chạy trốn chế độ Bắc Kinh. Nhưng khác với năm 1989, người tị nạn được trợ giúp và được nhiều nơi ủng hộ, ngày nay chúng tôi không còn lối thoát nào khác ngoài việc vượt biên bằng đường biển hết sức nguy hiểm ».
Mỹ : « Cơn thịnh nộ », cuốn sách gây sốc trước cuộc bầu cử tổng thống
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro đề cập đến cuốn sách « Rage » (tạm dịch « Cơn thịnh nộ ») đang gây chấn động, ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump.
Nhà báo nổi tiếng Bob Woodward đã có 17 cuộc nói chuyện điện thoại với tổng thống Mỹ, và đã có những tiết lộ hết sức bất lợi cho ông Trump trong cuốn sách. Tác phẩm này chỉ khẳng định thêm quan điểm của cả hai phe ủng hộ và công kích Donald Trump lâu nay : một bên ngưỡng mộ sự can đảm của một nhân vật dám đi ngược lại truyền thống, và trái lại, bên kia cho rằng Trump là một người bất tài nguy hiểm. Các cố vấn của ông Trump không thể hiểu được vì sao ông lại bất cẩn đến mức cung cấp đạn dược cho đối thủ, chỉ vài tuần trước kỳ bầu cử tổng thống.
Tin tổng hợp
(Reuters) – Người Mông Cổ biểu tình chống chuyến viếng thăm ngoại trưởng Trung Quốc.
Biểu tình đã diễn ra tại thủ đô Mông Cổ Ulanbator nhân chuyến thăm của ngoại trưởng Vương Nghị, trong lúc Bắc Kinh bị tố cáo hủy bỏ ngôn ngữ và văn hóa Mông Cổ ở vùng Nội Mông. Khoảng 100 người, đã tập hợp trước trụ sở chính phủ, hô to “Hãy bảo vệ ngôn ngữ của chúng ta”, “Vương Nghị cút đi”. Người Mông Cổ phán đối chính sách mới của Trung Quốc buộc các trường tiểu và trung học ở Nội Mông chỉ sử dụng tiếng quan thoại trong các môn ngữ văn, chính trị, lịch sử.
(Reuters) – Trung Quốc khẳng định việc tập trận gần Đài Loan là “cần thiết”.
Bắc Kinh vào hôm nay, 16/09/2020, cho là cuộc tập trận ngoài khơi phía tây nam Đài Loan tuần qua là một “hành động cần thiết” để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Lời khẳng định trên được đưa ra sau khi Đài Loan than phiền về cuộc thao diễn quy mô lớn không quân và hải quân là một hành vi khiêu khích và hù dọa nghiêm trọng. Trung Quốc đưa loại chiến đấu cơ tiên tiến Su-30 và J-10 tham gia.
( AFP ) – Nhà đối lập Nga Alexei Navalny sẽ trở về nước?
Trên mạng Instagram hôm qua, 15/09/2020, ông Navalny đã đăng một tin nhắn đầu tiên và một bức ảnh đầu tiên của ông kể từ khi xảy ra vụ nghi đầu độc. Phát ngôn viên của nhà đối lập thì cho biết sau khi khỏi bệnh ông sẽ trở về Nga. Về phần mình, Matxcơva vẫn khẳng định không có liên quan gì đến các vấn đề sức khỏe của ông Navalny, cũng như không thấy có dấu hiệu gì của một vụ mưu sát bằng chất độc thần kinh, trái với kết luận của 3 phòng xét nghiệm châu Âu.
( Reuters) – Lần đầu tiên Trung Quốc phóng vệ tinh thương mại từ biển.
Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay, 16/09/2020, loan tin là nước này đã đặt thành công lên quỹ đạo 9 vệ tinh thương mại lần đầu tiên được phóng lên từ một bãi phóng trên biển. Hõa tiễn Trường Chinh 11 đã được phóng lên lên từ vùng Hoàng Hải mang theo các vệ tinh nói trên. Đây là loại hõa tiễn có thể được phóng từ các bãi phóng di dộng, như các tàu, chủ yếu được dùng để chở các vệ tinh cỡ nhỏ.
(AFP) – Đấu pháo giữa Isreal và Palestine trong lúc thỏa thuận bình thường hóa bang giao được ký kết giữa quốc gia Do Thái và 2 quốc gia Ả – Rập.
Theo tin từ quân đội Israel, sáng nay, 16/09/2020, họ đã oanh kích dải Gaza, trong lúc họ bị pháo kích từ vùng đất Palestine. Dải Gaza đã bắn đi loạt pháo đầu tiên vào tối hôm qua nhân việc ký kết thỏa thuận giữa Israel và 2 quốc gia Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrein tại Washington. Sáng nay Israel đã đáp trả loạt pháo kích thứ hai từ Gaza.
(AFP) – 12 triệu đô la bồi thường rót cho gia đình một phụ nữ Mỹ da đen bị cảnh sát bắn chết.
12 triệu đô la là số tiền bồi thường mà gia đình của bà Breonna Taylor bị cảnh sát bắn chết tại nhà vào tháng 3 vừa qua, sẽ được lãnh. Đây là số tiền bồi thường cao chưa từng thấy từ trước đến nay. Gia đình của nạn nhân cho biết vào hôm qua, 15/09/2020 là đã có” thỏa thuận lịch sử” như trên với tòa thị chính Louisville (bang Kentucky) để không nộp đơn kiện dân sự. Cảnh sát địa phương cũng cam kết cải tổ.
( AFP ) – Covid-19 : Du lịch thế giới bị thiệt hại 460 tỷ đôla trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đó là thẩm định của Tổ chức Du lịch Thế giới OMT, trong thông cáo được hôm qua, 15/09/2020, tại Madrid. Nguyên nhân là số du khách quốc tế trong khoảng thời gian đó đã sụt giảm 65%, do các nước đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại. Mức thiệt hại nói trên cao gấp 5 lần thiệt hại do khủng hoảng kinh tế và tài chính 2017 gây ra cho ngành du lịch thế giới.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200916-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 16/9:
Ông Pompeo: Thế giới đã nhận ra
mối đe dọa từ Bắc Kinh
Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (16/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý bạn đọc nội dung tóm lược của những tin sau:
Ông Pompeo: Thế giới đã nhận ra mối đe dọa Bắc Kinh
Ngày càng có nhiều người trên thế giới nhìn ra sự ích kỷ của chính quyền Trung Quốc và tham vọng thống trị toàn cầu của lực lượng này, khiến nhiều quốc gia hơn đang ủng hộ quan điểm của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Ba (15/9), theo SCMP.
“Thế giới đã thức tỉnh và quan điểm của tôi là tình thế đã thay đổi”, ông Pompeo nói với Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế ở Washington. “Tôi nghĩ rằng đây là những thay đổi mạnh mẽ trên thế giới quan về mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông Pompeo cũng cho biết thêm rằng ưu tiên lớn nhất của chính quyền Trump là giúp người Mỹ hiểu được mối đe dọa mà chính quyền Trung Quốc gây ra đối với kinh tế và an ninh Hoa Kỳ.
“Hàng chục triệu việc làm đã bị đánh cắp thông qua hoạt động kinh tế cướp bóc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hoa Kỳ”, điều này không thể tiếp diễn, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Ông Navalny đăng hình từ giường bệnh tại Đức
Hôm thứ Ba (15/9), lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny nói rằng ông đã không còn phải dùng máy thở trong một dòng tin đầu tiên nhắn gửi mọi người trên Instagram sau khi bị đầu độc ở Siberia vào tháng trước, SBS News đưa tin.
“Xin chào, đây là Navalny. Tôi nhớ tất cả các bạn”, ông Navalny viết trên Instagram, kèm bức hình cùng người thân.
“Tôi hầu như vẫn không thể làm được gì, nhưng hôm qua tôi đã có thể tự thở cả ngày”, ông Navalny cho biết thêm.
Ông Bob: Không chiến tranh, phải ghi công cho ông Trump
Nhà báo Bob Woodward của Washington Post hôm thứ Ba (15/9) cho biết, việc Tổng thống Trump xây dựng được mối quan hệ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ngăn chặn được một cuộc chiến giữa Mỹ với Bắc Hàn, theo Yonhap.
Ông Woodward nói rằng đó là hành động ngoại giao chưa từng có. Nhận xét của nhà báo Woodward được đưa ra vài giờ sau khi cuốn sách mới về Tổng thống Trump của ông xuất hiện trên các quầy sách.
“[ông] Trump rất tin tưởng rằng nó [mối quan hệ với Kim] đã mang lại kết quả. Chúng ta không có chiến tranh và bạn biết như tôi đã chỉ ra (trong cuốn sách), bạn phải ghi công này cho ông ấy”, ông Woodward nói. “Tại thời điểm này, đã không có chiến tranh”.
Phát hiện công ty Trung Quốc nghi làm gián điệp
Một công ty công nghệ Trung Quốc đã thu thập dữ liệu trên mạng xã hội và dữ liệu trực tuyến khác của những người Mỹ nổi tiếng và quân đội Hoa Kỳ từ năm 2017. Đây là công ty được Bắc Kinh giao nhiệm
vụ tiếp cận các khách hàng trong lĩnh vực quân sự, chính trị và thương mại ở nước ngoài, theo bản tin hôm thứ Ba (15/9) của Fox News.
Theo The Washington Post, những thông tin này lộ ra sau khi một công ty an ninh mạng của Úc thu được một bản sao cơ sở dữ liệu của công ty Công nghệ Dữ liệu Thâm Quyến Zhenhua.
Bản sao dữ liệu này được cho là chứa thông tin chi tiết về hơn 2 triệu nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và doanh nghiệp nước ngoài – bao gồm ít nhất 50.000 người Mỹ. Bộ dữ liệu cũng cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng, các hoạt động triển khai quân sự và phân tích dư luận của các quốc gia.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy những dữ liệu này đang được chính phủ Trung Quốc sử dụng, nhưng The Post lưu ý rằng các tài liệu từ Zhenhua cho thấy đây là một công ty theo chủ nghĩa dân tộc và các thực thể quân sự là “khách hàng mục tiêu” của công ty này.
Ông Trump nói sẵn sàng bán vũ khí cho Trung Đông
Tổng thống Trump hôm thứ Ba (15/9) cho biết chính quyền của ông sẵn sàng bán cho những nước ở Trung Đông các hệ thống vũ khí tương tự với loại mà Mỹ đã bán cho Israel, và nói rằng sự thịnh vượng của Trung Đông là điều tốt cho Hoa Kỳ, Reuters đưa tin.
Ông Trump nói về điều này trong một cuộc phỏng vấn với Fox News trước lễ ký hiệp ước hòa bình lịch sử giữa hai phái đoán Israel và UAE tại Nhà Trắng.
Ông Trump tiết lộ thêm rằng UAE muốn mua một số máy bay chiến đấu của Mỹ và cho biết “Cá nhân tôi sẽ không có vấn đề gì với đề nghị đó. Một số nước mua, họ nói … có thể họ tham chiến”.
Điểm tin thế giới tối 16/9:
Ông Trump tố WTO giúp Trung Quốc thoát tội;
Bắc Kinh không muốn
Nhật quan hệ chính thức với Đài Loan
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (16/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump tố WTO giúp Trung Quốc thoát tội
“Chúng ta sẽ phải làm gì đó với WTO vì họ đã để Trung Quốc thoát tội. Chúng tôi sẽ xem xét điều đó. Tôi không phải người hâm mộ của WTO, đó là điều tôi có thể nói ngay bây giờ”, ông Trump nói ngày 15/9, theo Reuters.
Theo CNBC, một hội đồng gồm ba chuyên gia thương mại của WTO hôm 15/9 tuyên bố Washington đã vi phạm các quy định toàn cầu vào năm 2018 khi đánh thuế hơn 200 tỷ USD đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc. Kể từ tháng 3/2018, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan đối với 400 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Sau quyết định của WTO, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết: “Báo cáo của ban hội thẩm này khẳng định những gì chính quyền Trump đã nói trong 4 năm: WTO hoàn toàn không đủ khả năng để ngăn chặn các hoạt động công nghệ có hại của Trung Quốc”.
Ông nói thêm: “Hoa Kỳ phải được phép tự vệ trước các hành vi thương mại không công bằng và chính quyền Trump sẽ không để Trung Quốc sử dụng WTO để lợi dụng công nhân, doanh nghiệp, nông dân và chủ trang trại của Mỹ”.
Bắc Kinh không muốn Nhật quan hệ chính thức với Đài Loan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay nói rằng nước này hy vọng Nhật Bản sẽ không phát triển mối quan hệ chính thức với Đài Loan.
Reuters đưa tin, tại cuộc họp báo, người phát ngôn Trung Quốc Uông Văn Bân đã được hỏi về quan điểm của Trung Quốc đối với Bộ trưởng quốc phòng mới của Nhật Bản, người có quan hệ chặt chẽ với Đài Loan. Ông Uông trả lời Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với Nhật Bản.
Israel, UAE và Bahrain ký thỏa thuận lịch sử ở Nhà Trắng
Israel, UAE và Bahrain đã ký thoả thuận bình thường hoá quan hệ lịch sử hôm 15/9 tại Toà Bạch Ốc dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo Reuters.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Trump chúc mừng Israel, UAE và Bahrain vì “thành quả vượt trội” trong việc nhất trí bình thường hóa quan hệ.
“Chúng tôi ở đây trong buổi chiều nay để thay đổi tiến trình lịch sử”, ông Trump nói và nhấn mạnh “Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đã ghi dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới”.
Úc nêu tên Trung Quốc trong cuộc điều tra can thiệp nước ngoài
Reuters hôm nay đưa tin, tài liệu được Luật sư Chính phủ Úc đệ trình lên Tòa án Tối cao hôm 1/9 lần đầu công khai rằng cuộc điều tra chống can thiệp nước ngoài của nước này đang tập trung vào một âm mưu gây ảnh hưởng đến một chính trị gia Úc thân Trung Quốc.
Trước đó, cảnh sát Liên bang Úc cùng Tổ chức An ninh và Tình báo Úc từ chối bình luận liệu cuộc đột kích vào văn phòng của chính trị gia bang New South Wales, Shaoquett Moselmane, và nhân viên của ông hôm 26/6 có liên quan tới Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, hồ sơ tòa án Úc mới đây đã nêu rõ lệnh khám xét được cảnh sát sử dụng “xác định rõ ràng thủ phạm nước ngoài là ‘Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’”.