Đọc báo Pháp – 16/08/2018
Vụ Kim Jong Nam : Đoàn Thị Hương
đã sập bẫy của Bình Nhưỡng ra sao ?
Nước Ý tang tóc và phẫn nộ sau vụ sập cầu ở Genova là chủ đề chính được tất cả các báo Pháp đề cập đến hôm nay 16/08/2018. Nhưng có hai bài viết liên quan đến Việt Nam trên báo Le Monde, Thụy My xin giới thiệu trước tiên.
Trong bài « Kịch bản ly kỳ của vụ sát hại ông Kim Jong Nam », Le Monde nhấn mạnh đến việc hai bị cáo ra tòa hôm nay đều được những người Bắc Triều Tiên tuyển mộ, làm cho họ tin rằng đang tham gia một trò chơi trên internet.
Hai cô gái nghèo lóa mắt trước viễn cảnh trở thành diễn viên
Trong nhiều tháng qua, cả hai cô gái đều nhắc lại cùng một ý, là không biết đó là người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un, và hóa chất mà họ bôi lên mặt ông ta là chất kịch độc VX. Cả hai đều tin tưởng đây là một video trêu đùa, như đã từng quay từ nhiều tháng trước, và đều ngỡ ngàng biết đến cái chết của nạn nhân sau tất cả mọi người, khi đã bị bắt, ba hôm sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 13/02/2017.
Cả hai cô – Đoàn Thị Hương, người Việt Nam và Siti Aisyah, người Indonesia – khai rằng không hề quen nhau. Họ có cuộc sống rất đỗi bình thường : từ nông thôn lên thành thị sinh sống khi vừa đến tuổi trưởng thành.
Đoàn Thị Hương rời làng năm 18 tuổi lên Hà Nội học ngành dược, nhưng nhanh chóng bỏ học đi làm tiếp viên trong một quán bar. Đó là Seventeen Cowboys, nơi các cô phục vụ đội chiếc nón miền Viễn Tây và mặc quần short thật ngắn, một số chấp nhận quan hệ để đổi lấy tiền hoặc smartphone. Còn Siti rời Indonesia sang Kuala Lumpur làm việc trong một spa, nơi mà ngoài mát-xa các cô gái còn kiếm thêm tại một bar nổi tiếng về mại dâm là Beach Club.
Hương được một tài xế taxi ở Việt Nam móc nối với những người xưng là thực hiện các video trêu đùa trên YouTube, Siti thì được bà chủ quán bar giới thiệu. Theo đó, họ chỉ cần thấm nước dưỡng ẩm Johnson dành cho em bé lên tay, rồi bôi lên mặt một người không quen. Làm việc với các « nhà sản xuất Hàn Quốc » này, các cô được trả cả trăm đô la một lần, lại có cơ hội trở thành diễn viên. Ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư người Malaysia của Đoàn Thị Hương nhấn mạnh : « Tất cả đều nhằm làm cho các cô tin tưởng sẽ được nổi tiếng, được du ngoạn nhiều nước ».
Những cảnh quay tại Cam Bốt và Malaysia để tạo lòng tin
Đoàn Thị Hương thực hiện cảnh quay đầu tiên một cách nhút nhát, tại trung tâm thương mại Lotte ở Hà Nội, được một người xưng là « Mister Y » ghi hình. Siti Aisyah thì tại Kuala Lumpur, được một người tự giới thiệu là người Nhật tên James phụ trách. James đưa cô sang Indonesia, lấy « nghệ danh » là Alice, rồi sang Cam Bốt. Tại sân bay Phnom Penh, ông ta giới thiệu cô với một người « Hàn Quốc » tên « Mr Chang ». Siti quay xen « camera ẩn giấu » tại Phnom Penh ba lần, được trả 600 đô la, và sau đó bốn lần tại Kuala Lumpur.
« Mr Y » và một người xưng là người Nhật, tên « Hanamori » đưa Đoàn Thị Hương sang Kuala Lumpur vào đầu tháng Giêng năm 2017 (Thực ra cả bốn « nhà sản xuất » này đều là người Bắc Triều Tiên).
Trò chơi mới : hôn lên má một người phương Tây trong một siêu thị. Người đàn ông này bực bội nói rằng cô đã nhìn nhầm người. Hương quay về Hà Nội, được trả 20 đô la cho vụ này và thêm 250 đô la lương tháng.
Một tháng sau, ngày 04/02/2017, cô gái Việt Nam lại được đưa sang Kuala Lumpur, còn Siti đăng lên Facebook câu : « Ngày quay cuối cùng, tôi hy vọng sẽ tạo được lòng tin và được gia hạn hợp đồng ».
Tối 12/4, Siti mừng sinh nhật ở Hard Rock Café tại thủ đô Malaysia. Sáng hôm sau, cô gái Indonesia đến sân bay với Chang, anh ta đưa cô đến một chiếc cột gần nơi đăng ký của Air Asia, chỉ cho một người đàn ông và nói có thêm một cô gái khác sẽ tham gia trò chơi.
Ngỡ lại diễn, Đoàn Thị Hương đòi được trả tiền tại đồn cảnh sát
Chất nước lần này có mùi khác với nước dưỡng ẩm Johnson. Đoàn Thị Hương thực hiện đầu tiên, cô kể với các thẩm phán : « Mr Y nói đây là dầu, tôi phải xoa vào tay, khép kín đôi bàn tay rồi tiến hành quay ». Còn luật sư của Siti nhấn mạnh chi tiết không có video nào ghi lại cảnh cô bôi chất độc lên mặt Kim Jong Nam, nên muốn kết án phải chứng minh.
Sau đó cả hai cô đi rửa tay, mạnh ai nấy gọi taxi đi về. Siti Aisyah lại làm việc bình thường ở Kuala Lumpur. Đoàn Thị Hương được « Mr Y » nói rằng ông ta rất bận, không nên làm phiền, và hôm sau nữa trở ra sân bay. Cô làm y theo lời dặn, và bị cảnh sát bắt.
Hương khai ở phòng 410 khách sạn Sky Star, tại đó cảnh sát tìm thấy chiếc áo thun có chữ « LOL » và chiếc jupe xanh cô mặc được camera giám sát ghi lại, nhưng không hề bị Hương thủ tiêu. Trên đó có chất độc VX. Đoàn Thị Hương khai là diễn viên, nghĩ rằng đây lại là một trò chơi khăm mới. Cô than phiền rằng thời gian phải ngồi lại đồn cảnh sát quá lâu, đòi được trả tiền và để cho cô ra về.
Bốn nghi can Bắc Triều Tiên đã cao chạy xa bay…
Theo luật sư Hisyam Teh của Đoàn Thị Hương, mãi đến ngày thứ ba, khi cảnh sát đưa cho xem trang nhất các báo với những hàng tít lớn về vụ ám sát Kim Jong Nam, cô mới ý thức được sự nghiêm trọng của vụ này. Luật sư kể : « Cô ấy hoàn toàn suy sụp. Cô không hề có ý định cũng như nhận thức về hành động của mình » – các yếu tố cần thiết để buộc tội ám sát có dự mưu.
Còn Siti Aisyah bị bắt tại cơ sở mát-xa, ba ngày sau cái chết của Kim Jong Nam. Luật sư của cô là Gooi Soon Seng nói : « Cô Siti lại đi mua sắm, làm việc bình thường. Do làm ban đêm và ngủ ban ngày, cô không theo dõi thời sự, và hoàn toàn bị sốc ». Ông đặt câu hỏi : nếu biết rằng mình đã giết người ngay tại sân bay vào lúc ban ngày ban mặt, trước bao nhiêu camera giám sát, tại sao cô không bỏ trốn ?
Cả bốn người Bắc Triều Tiên kể trên đều trốn ngay khỏi Kuala Lumpur, bay đến Bình Nhưỡng sau khi quá cảnh Jakarta, Dubai và Vladivostok. Malaysia cũng để cho một nhân viên sứ quán Bắc Triều Tiên đã tham gia vụ này được ra đi – một chiếc xe do đại sứ quán mua đã đưa bốn nghi can trên ra sân bay sáng 13/02/2017. Bởi Bình Nhưỡng không cho những kiều dân Malaysia ra khỏi Bắc Triều Tiên, nên Malaysia đành nhượng bộ.
Tuy vậy công tố viên Wan Shaharuddin Wan Ladin lại tuyên bố « Chỉ thấy kiểu ám sát này trong các phim James Bond, và hai cô gái không phải là vật tế thần », cho rằng đây chỉ là kịch bản do các luật sư « khéo vẽ ». Theo tin tức hôm nay, hai bị cáo không được tuyên vô tội, mà phiên tòa vẫn tiếp tục. Ở Malaysia, tội danh giết người có mức án cao nhất là tử hình.
Mậu Thân Huế : 11 ngày trong cảnh tận thế
Cũng liên quan đến Việt Nam, bài viết « Mười một ngày trong cảnh tận thế ở Việt Nam » nằm trong loạt sáu bài về nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Anh Don McCullin, mô tả lại lúc ông cùng sát cánh với một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ tại Huế trong trận đánh Tết Mậu Thân, tháng Hai năm 1968.
Đơn vị do Myron Harrington, 24 tuổi chỉ huy, bị tổn thất nặng nề : khi ra đi có 120 người, khi trận đánh kết thúc một tháng sau, chỉ có 39 người lính còn sống sót. Phóng viên ảnh Don McCullin trải qua 11 ngày với họ, dưới chân Hoàng thành của cố đô Huế. Trời lạnh lẽo, xám xịt, những cơn mưa tầm tã ; những người lính thủy quân lục chiến Mỹ phải nằm rạp cả ngày đêm vì địch quân liên tục nã đạn.
Làm thế nào chụp được ảnh dưới màn lửa đạn ? McCullin phải ước tính thật nhanh độ sáng, nằm ngửa với chiếc máy ảnh Nikon F đặt trên ngực, mò mẫm bật máy, vì nếu ngóc đầu dậy có nguy cơ bị bắn ngay. Chỉ trong vài ngày, người phóng viên đã chứng kiến vài chục người lính Mỹ bị chết hoặc bị thương ngay trước mắt. Ông nói : « Hollywood tả cảnh chiến tranh một cách thơ mộng, thực ra rất tồi tệ ».
Trận Mậu Thân ở Huế là trận đánh kéo dài nhất, với những màn cận chiến bằng súng hay lựu đạn. Điều nghịch lý là trong khung cảnh « hoàn toàn hỗn loạn » ở Huế, ông thực hiện được những bức ảnh ấn tượng nhất, một trong số đó trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Các nhà báo hoàn toàn tự do làm việc tại Miền Nam
Sau hai tuần, McCullin theo trực thăng về văn phòng báo chí ở căn cứ Đà Nẵng, quẳng hết quần áo trận, và bắt đầu khóc. Huế được tái chiếm hôm 26/2, hai phần ba cố đô trở thành gạch vụn, hàng ngàn thường dân bị sát hại.
Cuộc « tổng tiến công Tết Mậu Thân » là một thất bại quân sự nặng nề cho quân Bắc Việt. Hà Nội mong người dân sẽ « tổng nổi dậy », và quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ đào ngũ hàng loạt ; nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
Nửa thế kỷ sau khi nhớ lại, McCullin cho biết : « Ở Bắc Việt, một phóng viên ảnh ngoại quốc không thể tự do làm việc. Nhưng ở Nam Việt, chúng tôi hoàn toàn tự do, muốn đi đâu thì đi, chẳng có kiểm duyệt ». Các nhà báo có thể leo lên trực thăng như cấp sĩ quan, họ được cấp thẻ ưu tiên mức độ 3. Cấp 1 dành cho thương binh, cấp 2 cho chính khách, còn những người lính chỉ là cấp 5.
Chưa có cuộc chiến tranh nào được ghi lại hình ảnh ở mức độ dày đặc như chiến tranh Việt Nam, và đã tác động mạnh mẽ đến dư luận. Cho đến bây giờ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng này vẫn luôn tự đặt cho mình câu hỏi : có phục vụ được gì không khi chụp những bức ảnh chiến tranh?
Thảm kịch sập cầu tại Ý : Tang tóc và phẫn nộ
Về tai nạn sập cầu ở Ý, Le Figaro nêu ra năm giả thiết về nguyên nhân. Trước hết là giông gió mãnh liệt, nghi vấn bị sét đánh, rồi đến cấu trúc cầu có vấn đề, kém duy tu và số lượng xe cộ qua cầu quá lớn. Libération đặt câu hỏi, vì sao tai nạn này lại gây ấn tượng mạnh mẽ hơn các thảm họa khác như động đất, hỏa hoạn… ?
Tờ báo lý giải, có lẽ những chiếc cầu là biểu tượng của sự nối liền các địa điểm, các dân tộc. Kế nữa, cầu là một phần của cuộc sống thường nhật, hàng ngày chúng ta vẫn đi qua và cảm thấy tin tưởng ở hàng tỉ ký lô bê-tông. Cuối cùng, trong lúc các Nhà nước châu Âu đều tìm cách tiết kiệm, người ta rùng mình lo sợ khi biết rằng 70% trong số 15.000 cây cầu ở Ý đều đã quá 40 tuổi, tỉ lệ này ở Pháp là 7%.
Thế nên theo Libération, những tuyên bố chống châu Âu của bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini chỉ khiến người ta buồn cười, vì Ý sẽ chẳng bao giờ cải thiện được cơ sở hạ tầng mà không có sự tài trợ của EU. Còn La Croix nhấn mạnh sự yếu kém của chính quyền và thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở Ý. Một nghịch lý : hai đảng vẫn thường xuyên chống đối những cải cách là Liên đoàn Phương Bắc và Phong trào 5 Sao nay lại đang nắm quyền, và bây giờ là lúc họ phải nhận lấy trách nhiệm.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180816-vu-kim-jong-nam-doan-thi-huong-da-sap-bay-cua-binh-nhuong-ra-sao
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Trung Quốc : Nhà sư bị tố cáo quấy rối tình dục ni cô từ chức Hội trưởng Hội Phật Giáo.
Trong thông cáo đăng trên website, Hội Phật Giáo Trung Quốc cho biết đã chấp nhận đơn xin từ chức ngày 15/08/2018 của ông Học Thành (Xuecheng), 51 tuổi, đảng viên đảng Cộng Sản, trụ trì chùa Long Tuyền, ngoại ô Bắc Kinh. Trên mạng Weibo, nhà sư này bác mọi cáo buộc quấy rối tình dục nhiều ni cô, dụ dỗ và đe dọa một số người quan hệ tình dục với ông. Thêm một trường hợp được đưa ra ánh sáng trong phong trào #MeToo ở Trung Quốc từ tháng 12/2017.
(Reuters) – Facebook thừa nhận « quá chậm chân » trong việc bài trừ các phát ngôn gây hận thù nhắm vào người Hồi Giáo tại Miến Điện.
Mạng xã hội Facebook hôm nay, 16/08/18, cũng cam kết sẽ khắc phục tình trạng này bằng cách tuyển thêm « các chuyên gia ngôn ngữ Miến Điện » trong tương lai.
(Reuters) – Mỹ chỉ trích vùng tự trị Serbia ở Bosnia chối bỏ báo cáo vụ thảm sát tại thị trấn Srebrenica.
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua, 15/08/18, lên tiếng chỉ trích việc vùng tự trị mang tên Cộng Hòa Serbia tại Bosnia thuộc Cộng Hòa Bosnie-Herzégovine, đã chối bỏ bản báo cáo của chính quyền nước này, về thảm sát tại thị trấn Srebrenica trong cuộc chiến tranh 1992 – 1995. Theo báo cáo, lực lượng Serbia ở Bosnia đã lấy đi sinh mạng của hơn 8.000 người Hồi Giáo. Vùng tự trị của người Serbia ở Bosnia tuy không phủ nhận vụ việc, nhưng cho rằng số người thiệt mạng đã bị thổi phồng, và trong số nạn nhân còn có người Serbia.
(Reuters) – Mêhicô và Mỹ thành lập một nhóm chống các băng đảng ma túy.
Theo thông báo chung ngày 15/08/2018, nhóm làm việc hỗn hợp này có trụ sở tại Chicago. Chống nạn buôn bán ma túy là một phần lời hứa của tân tổng thống Mêhicô Andrés Manuel Lopez Obrador. Chính quyền Mêhicô treo giải thưởng 1,4 triệu euro cho mọi thông tin giúp bắt được trùm ma túy Nemesio Oseguera Cervantes, được mệnh danh là El Mencho. Vợ ông trùm đã bị bắt vào tháng 5/2018, vì tội rửa tiền.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180816-tin-doc-nhanh