Đọc báo Pháp – 16/07/2020
Trung Quốc: Đến lúc phương Tây ra đòn trừng phạt – Anh Vũ
Tên của thủ tướng Jean Castex xuất hiện ở khắp các trang báo Pháp ra hôm nay. Hình ảnh của tân thủ tướng trước Quốc Hội trình bày đường lối của chính phủ cho giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, chỉ còn 600 ngày, trong đó trọng tâm là kế hoạch khôi phục kinh tế, xuất hiện trên hầu khắp trang nhất các báo. Bên cạnh sự kiên quan trong với nước Pháp đó, các báo chính cũng không thể bỏ qua sự kiện quan hệ Trung – Mỹ đang leo thang căng thẳng từng ngày.
Về tình hình nước Pháp, chỉ một con đường, một mục tiêu là vực dậy nước Pháp nhưng có rất nhiều thách thức cho chính phủ mới. Các báo tập trung khai thác những khía cạnh khác nhau từ hình ảnh đến nội dung trong bài diễn văn của tân thủ tướng trước Quốc Hội hôm qua để cho thấy những nét lớn con đường phục hồi kinh tế đất nước. Trong một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt với thời gian không dài, sứ mệnh đặt ra cho tân thủ tướng và chính phủ Pháp tỏ ra hết sức nặng nề.
Về hồ sơ nóng quan hệ với Trung Quốc, Le Monde tóm tắt bằng hàng tựa trang nhất : « Trung Quốc : Phương Tây đến giờ trừng phạt ». Hồng Kông, Biển Đông, Hoa Vi, người Duy Ngô Nhĩ là những hồ sơ liên tiếp làm dấy căng thẳng trong cuộc đọ sức giữa các nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, với Trung Quốc trong những ngày qua.
Sau khi Washington tuyên bố lập trường khẳng định những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông là « phi pháp », tổng thống Mỹ hôm qua chính thức rút quy chế ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông để đáp trả việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia. Le Figaro ghi nhận : « Đối mặt với Bắc Kinh, Trump hủy quy chế đặc biệt cho Hồng Kông » đồng thời tuyên bố, từ giờ trở đi, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông không khác gì với Hoa lục, tức là sẽ không còn ưu đãi nào trong giao dịch thương mại và nhất là Mỹ sẽ không xuất sang Hồng Kông các công nghệ nhạy cảm. Hiệp định dẫn độ, các quy định cấp visa dễ dãi cho người Hồng Kông cũng bị hủy bỏ…. Chưa kể đến việc vùng đất thuộc địa cũ của Anh giờ đây có thể còn bị Mỹ trừng phạt như đã làm với Hoa lục.
Trong khi đó Libération nhận định sự kiện trên qua hàng tựa : « Trump nhằm vào Hồng Kông để đánh Trung Quốc ». Tờ báo nhận xét, « đòn áp lực của Washington này là một chương mới trong vòng xoáy quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế thế giới, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại, đại dịch virus corona và chỉ còn 4 tháng nữa đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ».
Theo Libération, trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng lôi kéo các đồng minh nhập cuộc. Dường như ông đã thành công với Anh Quốc. Đầu tuần này, Luân Đôn đã quyết định loại hoàn toàn tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi các đầu tư vào mạng truyền dẫn thông tin 5G. Hồi tháng Giêng, chính thủ tướng Boris Johnson đã cho phép Hoa Vi tham gia cung cấp thiết bị 35% dự án phát triển mang 5G ở Anh. Nhưng từ đó đến nay, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng, Anh Quốc giờ đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cũng phải tính toán sao cho không làm mất lòng các đối tác lớn trong tương lại. Donald Trump đã từng thẳng thừng tuyên bố : « nếu họ (người Anh) muốn buôn bán với chúng ta, họ không thể dùng Hoa Vi ».
Chọn Mỹ, Luân Đôn cũng bị Bắc Kinh đe dọa trả đũa nhằm vào các công ty của Anh có mặt tại Trung Quốc. Libération cho hay nhiều công ty lớn của anh như BP, Diageo, GlaxoSmithKline, Intercontinental Hotels hay Jaguar Land Rover, đang có những lợi ích lớn ở Trung Quốc. Nhưng quan hệ giữa Trung Quốc và Anh đang không ngừng xấu đi như được thêm dầu vào lửa vì vụ luật an ninh quốc gia áp đặt tại Hồng Kông.
Sau Anh, châu Âu có cân nhắc đến Hoa Vi ?
Tiếp tục thời sự liên quan đến Trung Quốc, nhân sự kiện Anh Quốc loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi 5G, báo La Croix có bài: « Các nước châu Âu có nên loại Hoa Vi ra khỏi cuộc gọi thầu 5G ? ». Bài viết của Jean Luc Lemmens, giám đốc bộ phận viễn thông thuộc Viện Nghe nhìn và Viễn thông Châu Âu – DigiWorld.
Theo tác giả, quyết định của Anh loại Hoa Vi trước tiên là một động thái chính trị, liên quan chủ yếu đến vị trí của Trung Quốc trên thế giới hiện nay.
Theo tác giả, bỏ qua Hoa Vi, đó là cách gửi đi thông điệp về chủ quyền của châu Âu. Trong khi châu Âu có 2 tập đoàn viễn thông lớn thực sự của mình có khả năng về thiết bị công nghệ 5G, có khả năng cạnh tranh với Hoa Vi, đó là Nokia của Phần Lan và Ericsson đóng tại Thụy Điển.
Ngoài ra, loại Hoa Vi sẽ giúp tháo gỡ được vấn đề an ninh hệ thống mạng và gián điệp. Đã có nhiều chuyện về khả năng gián điệp của Hoa Vi, liên quan đến Trung Quốc dù không có bằng chứng cụ thể nào. Thế nhưng trong vấn đề quản lý dữ liệu người dùng mạng, thì làm ăn với các đối tác Nokia hay Ericsson vẫn hơn là với Hoa Vi.
Còn trên phương diện công nghiệp, đúng là châu Âu có thể bỏ qua Hoa Vi, tập đoàn đã bị loại khỏi thị trường Mỹ. Về công nghệ giữa Hoa Vi và Nokia, Ericsson, không ai vượt trội hơn ai. Trong việc triển khai mạng 5 G, mỗi nhãn hiệu đều có những đặc thù riêng. Vấn đề còn lại chỉ là giá thành. Chắc chắn với các hãng châu Âu, giá thành sẽ phải cao hơn. Nước Anh cũng đã hiểu điều đó nên việc thay thế thiết bị Hoa Vi sẽ diễn ra dần dần có thể từ 2 đến 3 năm. Sự lựa chọn thiết bị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà mạng viễn thông và tác động cuối cùng đến người tiêu dùng. Đó là vấn đề cần bàn luận tiếp sau câu hỏi châu Âu có nên loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G.
Đọ sức với Trung Quốc, phương Tây nên nhìn lại mình
Còn nhật báo Les Echos nhìn sự kiện trên dưới góc độ kinh tế với hàng tựa: « Washington phá vỡ quan hệ kinh tế với Hồng Kông ».
Les Echos ghi nhận, « các ngân hàng nước ngoài hiện đang ở giữa hai làn đạn », đe dọa trừng phạt Mỹ và các đòn trả đũa từ Trung Quốc. Theo nhật báo kinh tế, các ngân hàng lớn của nước ngoài, trong đó có rất đông ngân hàng nổi tiếng của Mỹ, đang phải chuẩn bị những tình huống xấu nhất xảy ra.
Vẫn liên quan đến quan hệ với Trung Quốc, Les Echos có bài viết : « Chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc : một cái cớ tồi của những nền kinh tế phương Tây » của tác giả Dani Rodrik, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế thuộc đại học Harvard. Bài viết cho thấy các nước phương Tây vẫn cố gắng chỉ trích chính sách công nghiệp của Trung Quốc là quá lấn lướt phương Tây, nhưng chính chiến lược phát triển công nghiệp của các nước phương Tây đã có các lỗ hổng, để Trung Quốc lợi dụng tấn công. Vì thế phương Tây nên tự xem lại chính mình trước khi trách cứ, đổ lỗi cho Trung Quốc.
Châu Âu gỡ bỏ phong tỏa : Quá nhanh quá nguy hiểm ?
Trở lại nhật báo Le Monde với chủ đề dịch virus corona với bài « Châu Âu trong tình trạng báo động biên giới trước nguy cơ làn sóng thứ 2 ».
Le Monde cho hay, giữa lúc việc giải tỏa, giảm bớt các hạn chế chống dịch Covid 19 đang được tiến hành ở khắp các nước châu Âu thì nhiều ca nhiễm mới có xu hương bùng lại, nhất là qua đường du lịch. Thực tế đầy lo ngại đó khiến các nước châu Âu phải tính đến chuyện đóng lại cửa biên giới vừa mới thông được ít ngày.
Tờ báo ghi nhận : Số lượng ca nhiễm mới và cả các ca nhập viện trong những ngày qua tăng mạnh ở một loạt các nước châu Âu đang gây nhiều lo sợ liệu có phải làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đang bắt đầu ? Theo hầu hết các chuyên gia thì nguyên nhân chính của hiện tượng trên chắc chắn do việc thông lại biên giới nội địa cùng với việc mở cửa cho 14 nước ngoài châu Âu từ ngày 01/07. Các chuyên gia cũng lo ngại tiến trình giải tỏa đã diễn ra nhanh chóng, cộng thêm với mùa nghỉ hè, tập trung du khách ở một số nơi quá đông.
Tờ báo điểm lại tình hình các ca nhiễm đang tăng mạnh ở một loạt nước phần Đông Âu và cả Nam Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nói tóm lại, chưa thể khống chế dịch virus corona và cuộc sống vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Pháp : Khi bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng
Liên quan đến dịch bệnh, Le Figaro đề cập đến vấn đề đặt ra trong quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở các điểm công cộng khép kín tại Pháp.
Cách nay vài tháng, chính quyền và cả phần đông dân Pháp đều cho rằng đeo khẩu trang phòng dịch Covid19 là không có tác dụng. Giờ đây, đích thân tổng thống Emmanuel Macron thông báo kể từ 1/8 việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng khép kín là bắt buộc. Quy định này đang làm dấy lên những câu hỏi :Tại sao lại bắt buộc ? Những nơi công cộng khép kín nào có liên quan đến quy định ? Tại sao lại đưa ra thời điểm cụ thể là mùng 1/8 ? Và Liệu Pháp có đủ khẩu trang để đáp ứng ? le Figaro giải thích ngắn gọn các vấn đề trên rằng, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp không chỉ ở Pháp mà cả trên khắp thế giới. Ở Pháp số ca nhiễm mới vẫn có dấu hiệu tăng, vẫn xuất hiện thêm các ổ lây nhiễm. Hơn nữa, giờ đây người ta biết là nhiều người nhiễm virus không có biểu hiện bệnh, virus có khả năng lây truyền qua không khí trong khoảng cách xa hơn ….
Bên cạnh bài viết về vấn đề khẩu trang, Le Figaro cho biết thêm thông tin là đã có bằng chứng đầu tiên cho thấy Covid-19 có thể lây truyền từ mẹ sang thai nhi. Đây là trường hợp được bệnh viện Antoine Béclère, thành phố Clamart ngoại ô Paris, báo cáo, theo đó một sản phụ 23 tuổi nhiễm Covid-19 đã sinh con và đứa trẻ đã bị nhiễm virus khi ra đời. Tình trạng sức khỏa của đứa trẻ dù đã ổn định, nhưng đây là phát hiện mới đáng lo ngại về đường lây truyền của virus corona.
Theo các nhà chuyên môn,trường hợp mẹ mang thai nhiễm virus corona truyền sang thai nhi vẫn còn rất hiếm. Trong số nhiều nghìn trẻ sinh ra có mẹ nhiễm Covid-19, thì chỉ có khoảng 2% dương tính khi chào đời.
Tin tổng hợp
(Yonhap) – Hàn Quốc dự trù viện trợ cho thế giới 12 triệu đô la chống Covid-19.
Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc ngày 16/07/2020 cho biết Seoul chuẩn bị thêm một kế hoạch thứ nhì, trị giá 12 triệu đô la giúp đỡ 32 quốc gia trên thế giới chống dịch. Kế hoạch 41 triệu đô la lần trước đã cho phép Hàn Quốc viện trợ khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm cho 91 quốc gia trên thế giới.
(AFP) – Tổng thống Trump cách chức giám đốc ban vận động tranh cử.
Bốn tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ngày 15/07/2020, Donald Trump chỉ định Bill Stepien thay thế vào vị trí của ông Brad Parscale. Nguyên thủ Mỹ đang sụt điểm trong các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu và bị khủng hoảng dịch Covid-19 gây nên làm suy yếu.
(AFP) – Giải thưởng điện ảnh Liên hoan phim Lyon về tay hai nhà đạo diễn Bỉ.
Ban tổ chức ngày 16/07/2020 thông báo hai anh em Jean-Pierre và Luc Dardenne đoạt giải Prix Lumière của thành phố Lyon năm nay. Lễ trao giải được dự trù vào mùa thu này. Hai ông Dardenne đã hai lần đoạt giải thưởng của Liên hoan phim quốc tế Cannes với những tác phẩm Rosetta và L’Enfant.
(AFP) – Thành phố Lourdes tổ chức các chuyến hành hương ảo.
Chuyến đầu tiên Lourdes United được tổ chức ngày 16/07/2020 cho khách hành hương trên toàn thế giới. Theo chương trình, các buổi thánh lễ và cầu nguyện được cử hành bằng 5 thứ tiếng và được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình công giáo từ ở Hoa Kỳ cho đến Indonesia. Các chương trình hành hương ảo kiểu này nhằm khắc phục hậu quả kinh tế dịch Covid-19 gây ra.
(CNEWS) – Covid-19 : Một nhà virus học Hồng Kông tố cáo Bắc Kinh nói dối.
Li Meng Yan, hiện phải trốn khỏi Hồng Kông, khẳng định với trang mạng The Sun ngày 15/07/2020 rằng công trình nghiên cứu của cô bị kiểm duyệt và cô bị cấp trên cảnh cáo « Đừng vượt lằn ranh đỏ » khi nhà khoa học này trình lên cấp trên kết quả nghiên cứu. Theo Lie Meng Yan, rất nhiều sinh mạng có thể đã được cứu sống nếu Trung Quốc không kiểm duyệt nghiên cứu của cô. Nhà khoa học trẻ này cho biết sẵn sàng « trình bày về những gì cô biết và cung cấp mọi tài liệu cho chính phủ Mỹ ».
(Yonhap) – TT Mỹ đặt điều kiện tổ chức thượng đỉnh với Bình Nhưỡng.
Ngày 15/07/2020, ngoại trưởng Mike Pompeo đã bác mọi khả năng tổ chức thượng đỉnh giữa nguyên thủ Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, nếu như không có tiến bộ trong thỏa thuận Singapore cũng như không có đủ thời gian. Tuy nhiên, ông Pompeo cho biết Washington và Bình Nhưỡng đã và đang tiến hành nhiều cuộc đàm phán.
(AFP/Reuters) – FIFA công bố ngày tổ chức giải Vô địch Bóng đá Thế giới 2022.
Giải vô địch sẽ diễn ra từ ngày 21/11 đến 18/12 tại Qatar. Theo thông cáo ngày 15/07/2020 của FIFA, trận khai mạc sẽ diễn ra ở sân vận động Al Bayt Stadium có sức chứa 60.000 người. Các trận thi đấu trong vòng bảng sẽ diễn ra vào lúc 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ và 22 giờ (giờ địa phương), còn các trận loại trực tiếp sẽ diễn ra vào lúc 18 giờ và 22 giờ. Lịch thi đấu cuối cùng sẽ được thông báo vào tháng 03/2022, khi các trận thi đấu vòng loại kết thúc.
(Nikkei Asian Review) – Bắc Kinh tỏ thái độ hòa hoãn với Manila sau tuyên bố của Mỹ.
Ngay sau tuyên bố Biển Đông của ngoại trưởng Mỹ, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc nói chuyện qua video với đồng nhiệm Philippines hôm 14/07. Trong một thông cáo công bố hôm qua,15/07, phía Philippines cho biết là hai bên đã nhất trí rằng quan hệ song phương không chỉ giới hạn ở các tranh chấp trên biển.
(CNN) – Tài khoản Twitter của nhiều nhân vật Mỹ bị tin tặc.
Vụ việc xẩy ra hôm 15/07/2020. Trong số các nạn nhân có cựu tổng thống Barack Obama, ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ 2020 Joe Biden và các tỷ phú Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffett cùng nhiều người khác như chủ nhân Amazon Jeff Bezos, cặp nghệ sĩ nổi tiếng Kanye West, Kim Kardashian.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200716-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 16/7:
Trung Quốc hăm dọa
sau khi Anh ‘cấm cửa’ Huawei
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (16/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc hăm dọa sau khi Anh ‘cấm cửa’ Huawei
Hôm thứ Tư, chính quyền Trung Quốc cảnh báo rằng London phải trả một cái giá rất đắt khi cấm Huawei tham gia dự án mạng viễn thông 5G, đồng thời chất vấn có phải Anh đang làm ‘tay sai’ cho Hoa Kỳ không, theo Reuters.
“Ngay lúc này tôi muốn nói rằng lệnh cấm không chỉ gây thất vọng mà còn gây thiệt hại”, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh tuyên bố.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ cách các vị đối xử với Huawei và sẽ rất khó để các doanh nghiệp khác có niềm tin thực hiện thêm các đầu tư”, ông Lưu hăm dọa.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những lời lẽ kích bác chính phủ Anh vì cho rằng chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson cấm Huawei vì chịu sức ép từ Hoa Kỳ.
“Vương quốc Anh muốn duy trì vị thế độc lập của mình hay muốn trở thành chư hầu của Hoa Kỳ, là tay sai của Hoa Kỳ?”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói. “Sự an toàn của các dự án đầu từ Trung Quốc vào Vương quốc Anh đang bị đe dọa rất lớn”.
Ông Pompeo nói về thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo
Tổng thống Trump sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh khác với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, với điều kiện hai bên có thể đạt được tiến bộ trong thỏa thuận ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tổ chức tại Singapore hồi 6/2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo, cho biết hôm thứ Tư, theo Yonhap.
Ông Pompeo đã bác bỏ quan điểm rằng lãnh đạo Mỹ-Triều có thể gặp lại nhau trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, nói rằng không có đủ thời gian cho một cuộc gặp như vậy.
Ông Pompeo tiết lộ, trên thực tế có nhiều cuộc thảo luận giữa Washington và Bình Nhưỡng hơn những gì mà công chúng biết tới, và bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán cấp cao sẽ được tổ chức “trước khi quá lâu”.
Indonesia tăng cường biện pháp chống dịch Covid-19
Indonesia có kế hoạch xử phạt những người vi phạm các quy tắc cách ly xã hội theo luật mới, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á chưa có dấu hiệu suy giảm, theo Bloomberg.
Theo luật mới, người đứng đầu chính quyền các tỉnh và thành phố ở Indonesia sẽ xác định các loại hình phạt đối với người vi phạm, có tính đến các tập quán ở địa phương, ông Joko nói trong một cuộc họp với các thống đốc ở Jakarta hôm thứ Tư.
Đầu tuần này, Tổng thống Joko phát biểu trong một cuộc họp nội các rằng những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng và không giữ khoảng cách theo khuyến cáo có thể bị phạt tiền hoặc phải tham gia lao động công ích.
Hiện Indonesia đang là vùng dịch viêm phổi Vũ Hán lớn thứ 26 thế giới. Theo cập nhật của Worldometers, tính tới sáng ngày thứ Năm, nước này có 80.094 người nhiễm nCoV (tăng 1.522), trong đó có 3.797 người đã tử vong (tăng 87).
Iran: Xưởng đóng tàu cháy lớn, 7 tàu hư hại
Một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một nhà máy đóng tàu của Iran hôm thứ Tư đã làm hư hại ít nhất 7 tàu, nhưng không gây ra thương vong, Aljazeera dẫn tin từ truyền thông Iran.
Sự cố xảy ra ở cảng Bushehr, dường như là vụ hỏa hoạn mới nhất trong một loạt các vụ cháy nổ nghiêm trọng diễn ra trên khắp Iran thời gian qua. Một số vụ hỏa hoạn diễn ra tại các địa điểm nhạy cảm.
Trong một bức ảnh về vụ cháy tại cảng Bushehr được hãng thông tấn IRNA cung cấp, khói đen dày đặc cuồn cuộn bay lên không trung từ hiện trường, cho thấy vụ cháy khá nghiêm trọng.
Người biểu tình BLM dựng tượng vinh danh người da đen
Fox News đưa tin, người biểu tình Black Lives Matter (BLM – mạng sống người da đen đáng giá) ở Anh đã tự ý dựng lên một bức tượng thay thế bức tượng của thương nhân Edward Colston mà họ đã phá hủy trong một cuộc biểu tình gần đây.
Vào sáng thứ Tư, người biểu tình BLM đã âm thầm dựng bức tượng có hình dáng và kích thường giống với Jen Reid, một phụ nữ da đen được chụp hình vào ngày 7/6 khi cô đang dơ nắm đấm sau khi người biểu tình kéo đổ bức tượng của thương gia Colston và ném nó xuống nước ở bến cảng Bristol.
“Tôi nghĩ nó thật tuyệt vời”, cô Reid nói về bức tượng giống mình, được dựng lên khi chưa xin phép chính quyền địa phương. “Có vẻ như nó thuộc về nơi đó. Có vẻ như nó đã ở đó mãi mãi”.
Sau cái chết của Floyd, một tội phạm ma túy người da màu bị cảnh sát Mỹ ngộ sát, phong trào BLM bùng nổ tại nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhiều bức tượng danh nhân và anh hùng dân tộc tại những nước này đã bị người biểu tình bôi bẩn hoặc phá hủy, trong đó có cả tượng chúa Jesus.
Điểm tin thế giới tối 16/7:
Ông Pompeo nói Trung Quốc phải ‘trả giá’
vì Covid-19;
Hàn Quốc điều tra em gái Kim Jong-un
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (16/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Pompeo nói Trung Quốc phải ‘trả giá’ vì Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/7 nói với tờ The Hill rằng thế giới sẽ nhìn Trung Quốc khác đi và khiến Bắc Kinh phải “trả giá” vì đại dịch Covid-19.
“Tôi nghĩ rằng thế giới sẽ nhất định khiến họ phải trả giá… Mọi nơi tôi đến, mọi ngoại trưởng tôi trò chuyện đều nhận ra những gì Trung Quốc đã làm với thế giới. Tôi tin rằng thế giới sẽ nhìn Trung Quốc khác đi và giao thiệp với họ về cơ bản khác những gì từng làm trước thảm kịch này”, ông Pompeo nói.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc nhằm “đảm bảo có mối quan hệ công bằng và có đi có lại với Trung Quốc”.
Hàn Quốc điều tra em gái Kim Jong-un
Phát ngôn viên của Văn phòng Công tố quận Trung tâm Seoul hôm nay cho biết Seoul đã mở cuộc điều tra chưa từng có tiền lệ nhắm vào Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, liên quan đến việc Bình Nhưỡng cho nổ tung Văn phòng Liên lạc liên Triều hồi tháng 6, theo AFP.
Động thái này diễn ra sau khi các công tố viên nhận được đơn tố giác bà Kim Yo-jong từ luật sư Lee Kyung-jae ở Seoul, 3 ngày sau khi bà Kim tuyên bố Văn phòng Liên lạc sẽ sớm “hoàn toàn sụp đổ”.
Trong đơn kiện, luật sư Lee lập luận rằng Văn phòng Liên lạc liên Triều bị phá hủy là tài sản của Hàn Quốc dù nằm ở Triều Tiên, vì công trình được cải tạo bằng các quỹ của chính phủ Hàn Quốc. Kim “đã sử dụng chất nổ để phá hủy tòa nhà mang sứ mệnh ngoại giao của Hàn Quốc, nhằm phục vụ lợi ích chung”, luật sư Lee viết.Ngoài Kim Yo-jong, luật sư Lee cũng tố giác tướng Pak Jong-chon, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên. Luật sư này đã dẫn căn cứ từ luật hình sự Hàn Quốc, trong đó tội gây thiệt hại tài sản nhà nước hoặc phá hoại trật tự an ninh bằng chất nổ có thể bị phạt tù ít nhất 7 năm, thậm chí tử hình.
Kanye West nộp đơn tranh cử tổng thống Mỹ
Rapper Kanye West, 43 tuổi, đủ điều kiện xuất hiện trong cuộc bỏ phiếu tổng thống ở bang Oklahoma sau khi nộp đơn tại bang này, theo tờ ABC.
Một đại diện của West đã nộp giấy tờ cần thiết và đóng 35.000 USD vào chiều 15/7, hạn chót cho việc đăng ký trong cuộc bầu cử tổng thống ở bang Oklahoma diễn ra ngày 3/11, phát ngôn viên Ủy ban Bầu cử bang Oklahoma Misha Mohr cho biết.
Theo một cuộc thăm dò hôm 14/7, West chỉ được 2% cử tri Mỹ ủng hộ.
Úc ủng hộ ‘rất mạnh mẽ’ tự do hàng hải ở Biển Đông
Thủ tướng Scott Morrison hôm nay nói rằng Úc tiếp tục ủng hộ “rất mạnh mẽ” tự do hàng hải ở Biển Đông, theo Reuters.
“Úc sẽ tiếp tục lập trường rất nhất quán”, ông Morrison phát biểu trong một cuộc họp báo ở Canberra khi được hỏi liệu nước này có ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông hay không.
“Chúng tôi sẽ ủng hộ lập trường đó bằng hành động, ý tưởng và tuyên bố theo cách của Úc”, Thủ tướng Morrison nói thêm.