Đọc báo Pháp – 16/04/2020
Covid-19: Sáu ngày Bắc Kinh che giấu dịch gây đại họa cho thế giới – Trọng Nghĩa
Bóng dáng Trung Quốc lại xuất hiện trên trang nhất hầu hết các nhật báo ra ngày hôm nay, 16/04/2020 với hai sự kiện nổi cộm: Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đình hoãn việc tài trợ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS bị Hoa Kỳ cáo buộc theo đuôi Bắc Kinh để giảm nhẹ tầm mức nguy hại của dịch Covid-19 lúc mới bùng lên tại Vũ Hán, và việc ngoại trưởng Pháp triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối sứ quán Trung Quốc ở Paris tung tin thất thiệt về dịch bệnh.
Trong hàng tựa trang nhất, nhật báo Libération đã giới thiệu một hồ sơ 4 trang: “Đại dịch – Những tàn phá trên thế giới do hành vi kiểm duyệt của Trung Quốc”. Bài viết chính bên trong với tít “Từ hành động gian dối cấp Nhà Nước tới đại dịch” không ngần ngại tố cáo đích danh chính quyền Bắc Kinh: “Từ ngày 14 đến ngày 20 tháng Giêng, các quan chức Trung Quốc khẳng định rằng con virus corona không lây nhiễm nhiều trong khi chính quyền đồng thời bí mật chuẩn bị kế hoạch chống lại dịch bệnh”.
Ngay ngày 14/01/2020 lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đã biết
Libération tỏ vẻ cay đắng khi trích lại những tài liệu mà hãng thông tấn Mỹ Associated Press tiết lộ ngày 15/04/2020, theo đó ngay ngày 14/01, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc đã báo động cho giới lãnh đạo cao nhất về tính nguy hiểm của virus corona được nhận dạng hai tuần lễ trước đó ở Vũ Hán:
“Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp. Đây là thách thức lớn nhất từ dịch SARS năm 2003 và có thể biến thành sự cố nghiêm trọng nhất về y tế công cộng (…). Những cụm lây nhiễm cho thấy virus có chuyền từ người sang người (…) nguy cơ lây lan rất cao (…) Tất cả các vùng phải chuẩn bị đối phó với một đại dịch”.
Sau lời báo động đó, một kế hoạch khẩn cấp được đưa ra và hàng trăm giường được chuẩn bị ở các bệnh viện.
Nhưng trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 20/01, tất cả những thông tin này đều đã được giữ kín, để cho người dân Trung Quốc cũng như thế giới không hay biết về mối nguy hiểm.
Và cũng ngay ngày 14/01, Tổ Chức Y Tế Thế Giới xác nhận cuộc điều tra của giới chức y tế Trung Quốc, đảm bảo rằng không có bằng chứng virus lây từ người sang người. Ngày hôm sau, lãnh đạo trung tâm phòng ngừa dịch bệnh, đứng đầu nhóm chuẩn bị đối phó khẩn cấp, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước là “nguy cơ lây lan từ người sang người rất yếu”.
Người ta đã biết là lãnh đạo Vũ Hán đã trừng phạt những bác sĩ đã lên tiếng báo động vào cuối tháng 12/2019. Và từ ngày 05 đến 17/01/2020, trong lúc diễn ra hai cuộc họp quan trọng của đảng Cộng Sản ở Vũ Hán, lệnh đã được đưa ra là không thông báo trường hợp nhiễm virus corona trong lúc mà hàng trăm bệnh nhân đổ về bệnh viện.
Sáu ngày mở cửa cho 5 triệu dân Vũ Hán tỏa ra khắp nơi
Với những tài liệu mà AP tiết lộ, thì người ta có bằng chứng là chính quyền Trung Quốc đã cố tình che giấu tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh từ ngày 14-20/01, một khoảng thời gian 6 ngày trong đó một đại tiệc được tổ chức ở Vũ Hán cho 40.000 gia đình, 6 ngày mà 5 triệu người dân Vũ Hán đã tỏa ra những vùng khác ở Trung Quốc hay ra nước ngoài.
Đối với Libération, hiện nay không ai biết là sự chậm trễ do chế độ Trung Quốc gây ra đã có tác động quyết định đến mức nào trên đà lan rộng của đại dịch, đã khiến hơn hai triệu người nhiễm bệnh và làm cho hơn 126.000 người chết trên toàn thế giới. Thế nhưng, “dịch Covid-19 đã bộc lộ trước dư luận quốc tế thực tế của “chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc”, được ông Tập Cận Bình phô trương kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, trái ngược hoàn toàn với các giá trị dân chủ của chúng ta”.
Thái độ thần phục Trung Quốc của Tổ Chức Y Tế Thế Giới
Ngay từ tháng những ngày đầu trong tháng Giêng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã ngợi ca sự “minh bạch” của Bắc Kinh, bác bỏ khả năng đình chỉ các chuyến bay giữa Trung Quốc và thế giới để giúp nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay.
Phải chờ đến khi Bắc Kinh công khai tuyên chiến chống dịch ngày 23/01, thì Tổ Chức Y Tế Thế Giới mới thừa nhận việc virus corona lây nhiễm từ người sang người, cho dù đã được giới bác sĩ ở Vũ Hán báo động ngay từ cuối tháng 12 trước đó.
Và trong khi các nhà điều tra của Tổ Chức Y Tế Thế Giới không được phép của Trung Quốc đến đến nước này điều tra mãi cho đến ngày 12/02, tổng giám đốc của tổ chức là Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã chúc mừng ông Tập Cận Bình vào cuối tháng Giêng, trong khi vẫn im lặng về chiến lược chống dịch mẫu mực và hiệu quả của Đài Loan.
Sau khi ngăn được dịch, Bắc Kinh tung chiến dịch viết lại lịch sử
Điều được Libération ghi nhận tiếp theo là guồng máy tuyên truyền Trung Quốc lại tung chiến dịch viết lại lịch sử sau khi ngăn chặn được dịch bệnh trên đất nước mình.
Cho dù bị cấm ở Trung Quốc, các mạng xã hội như Twitter hoặc Facebook tràn ngập những thông điệp tự chúc mừng, và dĩ nhiên là không thể không trích dẫn những lời khen ngợi đến từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Và sau khi đã nhập khẩu ồ ạt thiết bị bảo hộ y tế từ nước ngoài, khẩu trang hiện đang từ Trung Quốc tỏa ra thế giới. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã rầm rộ phô trương “tặng phẩm” gởi qua Ý, nhưng phớt lờ thực tế là thiết bị đó được bán chứ không phải là cho không.
Trong khi các chính phủ dân chủ đang phải vất vả đối phó với dịch bệnh trên nước họ, thì các cơ quan thông tấn Nhà nước, truyền hình và báo chí Trung Quốc thi nhau chỉ trích cách chống dịch của các nước phương Tây.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng ra sức loan truyền giả thuyết cho rằng virus không phải xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí còn đi xa tới mức phát tán tin đồn vớ vẩn về khả năng virus đã được lính Mỹ đưa đến Vũ Hán vào tháng 10 năm 2019.
Đại sứ Trung Quốc bị ngoại trưởng Pháp chấn chỉnh
Cũng liên quan đến chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, các báo đều có bài phân tích về vụ đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian triệu mời để phản đối về những lời lẽ thiếu ngoại giao nhắm vào Pháp và phương Tây trên vấn đề dịch Covid-19.
Trong bài viết mang tựa đề: “Đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị Jean-Yves Le Drian chấn chỉnh”, nhật báo Le Figaro nêu bật tâm lý nhẹ nhõm của giới chuyên Pháp về Trung Quốc khi vốn đang chờ đợi Paris có phản ứng đối với Bắc Kinh.
Trong một tin nhắn Twitter gần đây, ông François Godement, cố vấn về châu Á ở Viện Montaigne, cho rằng: “Phải nói là chúng tôi rất bực mình khi phải đọc những lời lẽ tuyên truyền phát xít của một nhà ngoại giao nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Pháp, và được đại sứ bảo trợ vì được công bố trên trang mạng chính thức. Đã đến lúc Pháp phải có phản ứng cũng một cách chính thức như vậy”.
Le Figaro hài lòng cho rằng việc đó giờ đây đã được thực hiện. Đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã được ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian triệu mời để nhắc nhở về “những lời lẽ gần đây” trên trang mạng chính thức của đại sứ quán, bi Pháp cho là “không phù hợp với chất lượng quan hệ song phương giữa hai nước”.
Đối với Le Figaro, diễn giải bằng ngôn từ phi ngoại giao, từ “propos” được ông Le Drian sử dụng có nghĩa là nhục mạ, loan tin thất thiệt. Tác giả của bức thư mà đại sứ quán Trung Quốc cho đăng ngày 12 tháng Tư, theo tờ báo Pháp, có lẽ là chính vị đại sứ Trung Quốc.
Libération thì nói thêm là “từ nhiều tuần lễ nay, đại sứ quán Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi khiêu khích, và đã công bố một bức thư dài tấn công vào các nhà báo, nhà nghiên cứu hay các đại biểu dân cử Pháp”.
Báo Le Monde cũng có bài phân tích dài về sự cố này, ghi nhận trong hàng tựa “Đại sứ Trung Quốc tại Paris bị triệu mời vì những ghi nhận thiếu ngoại giao”.
Le Monde: Trump quy trách nhiệm về đại dịch cho WHO/OMS
Tuy nhiên trang nhất báo Le Monde dành tựa lớn cho thông báo gây chấn động – nhưng được chờ đợi – của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Theo nhật báo Pháp, khi quyết định như vậy: “Trump quy trách nhiệm về cuộc khủng hoảng cho OMS”, bị ông cho là quá thân thiết với Bắc Kinh. Chủ nhân Nhà Trắng trách định chế quốc tế là đã đi theo lập luận chính thức của Trung Quốc, giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh.
Một trong những chỉ trích được Le Monde trích lại là: “Nếu Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã làm đúng trách nhiệm của mình và cử chuyên gia y tế qua Trung Quốc để nghiên cứu tình hình hiện trường một cách khách quan, thì có lẽ dịch bệnh đã được kềm hãm tận gốc với rất ít người chết”.
Biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ đã chính thức trở thành quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, với hơn 25.000 người chết tính đến hôm qua.
Đối với Le Monde, “do bản thân bị tố cáo là đã giảm nhẹ nguy cơ dịch Covid-19, ông Trump đã đổ lỗi cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới và khẳng định đường hướng bác bỏ các tổ chức đa phương của ông”.
La Croix: Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều thiếu đứng đắn
Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều đã bị nhật báo Công Giáo La Croix chỉ trích trong bài xã luận mang tựa đề “Thiếu đứng đắn”.
Tác giả, Guillaume Goubert, rất bất bình ghi nhận là trong lúc thế giới đứng trước một đại dịch đặc biệt khó khăn, hai cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc không làm được gì hay hơn là lợi dụng cơ hội để mưu cầu những lợi ích chính trị đáng ngờ…
Phía Trung Quốc, theo La Croix, thì nỗ lực tuyên truyền để xóa nhòa những lỗi lầm ban đầu trong việc đối phó với virus corona để khẳng định ngược lại là chế độ Công Sản hữu hiệu hơn các chế độ khác. Trung Quốc không ngần ngại dùng đến thủ đoạn vu khống, một điều vừa bị bộ Ngoại Giao Pháp công khai trách cứ thông qua đại sứ Trung Quốc tại Paris.
Về phía Mỹ thì ông Donald Trump đã thấy là phải khẩn cấp loan báo đình hoãn mọi đóng góp tài chính của Mỹ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bị ông chỉ trích là quá dễ dãi đối với Trung Quốc.
Đối với tờ báo Pháp, tổng thống Mỹ đã tìm ra một cái bung xung, đánh lạc hướng dư luận để che đậy sai lầm của chính mình, nhất là trong giai đoạn bầu cử.
Le Figaro: Giấc mơ về một châu Âu phi biên giới kể như tan biến
Le Figaro dành hồ sơ chính và tít lớn trang nhất cho vấn đề tái lập các biên giới ở châu Âu, được xem là điều không thể tránh khỏi.
Đối với tờ báo: “Thế giới không biên giới xuất hiện với chủ nghĩa toàn cầu hóa tân tự do đã biến mất, giấc mơ vĩ đại về một châu Âu không bị biên giới ràng buộc mà ông Jacques Delors từng bảo vệ, ngày nay có vẻ như đã thuộc về quá khứ”.
Le Figaro liệt kê những sự kiện đã lần lần làm tan biến giấc mơ này: Các vụ khủng bố nổ ra sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chính sách thắt lưng buộc bụng sau đó, kéo theo sự vùng lên của các chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu.
Sau đó đến lượt cuộc khủng hoảng người nhập cư năm 2015, tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong Liên Hiệp Châu Âu giữa các quốc gia mở cửa cho người tị nạn và những người đã xây dựng hàng rào để bảo vệ chính họ. Và, bây giờ là đại dịch Covid-19.
Các trang nhất khác
Như nói ở trên, Libération có tựa trang nhất cho hồ sơ Trung Quốc, nhưng chỉ là tựa nhỏ, còn tít chính lại là lời chứng của những bệnh nhân Covid-19 đã được chữa lành, kể lại chi tiết những gì họ đã phải trải qua.
Lời kể của một bệnh nhân 49 tuổi được cô đọng lại thành tựa: “Đối mặt với cơn đau, óc tôi (như) đã ngắt kết nối”.
La Croix cũng chạy tít trang nhất về dịch Covid-19, nhưng chú ý đến “Những bác sĩ trẻ trong cuộc thử lửa”.
Les Echos như thông lệ tập trung trên chủ đề kinh tế nói đến “Kịch bản khiến các thị trường chứng khoán lo ngại”
Tin tổng hợp
(AFP) – Bắc Kinh phản hồi việc đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị triệu mời.
Trong buổi họp báo ngày 15/04/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định : « Trung Quốc chưa bao giờ có lời bình luận tiêu cực về cách xử lý dịch của Pháp và không có ý định bình luận ». Trước đó, chiều 14/04, đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã (Lu Shaye) đã bị bộ Ngoại Giao Pháp triệu mời để bày tỏ thái độ bất bình về việc trang web của sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng một bài viết không ký tên, công kích các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của phương Tây.
(AFP) – Mỹ chỉ trích tầu Iran hoạt động « nguy hiểm và khiêu khích » ở vịnh Persic.
Trong thông cáo ngày 15/04/2020 của bộ Quốc Phòng Mỹ, 11 tầu cả lực lượng Vệ Binh Cách Mạnh Hồi Giáo Iran « đã nhiều lần áp sát », với tốc độ cao, sáu tầu chiến của Mỹ đang tuần tra các tuyến đường hàng hải trong vùng biển quốc tế, ở phía bắc vịnh Persic. Cụ thể, tầu của Iran chỉ cách tầu trực thăng USS Lewis Puller có 50 mét và cách tầu tuần tra Maui chưa đầy 10 mét.
(Reuters) – Israel : Netanyahu và Gantz không thành lập được chính phủ.
Ngày 15/04/2020, thủ tướng Benjamin Netanyahu và đối thủ Benny Gantz lại thất bại trong việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Nghị Viện sẽ chỉ định một ứng viên mới, người này sẽ có 14 ngày để thành lập tân chính phủ, nếu không sẽ phải tổ chức bầu lại Quốc Hội, lần thứ tư kể từ tháng 09/2019.
(AFP) – Covid-19 : Cả nước Nhật bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 16/04/2020 ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và lệnh mới có hiệu lực đến ngày 06/05/2020. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy virus corona lan nhanh tại Nhật Bản ? Tuần trước tình trạng khẩn cấp được ban hành tại 7 tỉnh, trong đó có khu vực lân cận với thủ đô Tokyo.
(AFP) – Bốn doanh nhân Trung Quốc tại Ý bị bắt quả tang buôn bán trái phép 400.000 khẩu trang y tế.
Cảnh sát Ý ngày 16/04/2020 cho biết tịch thu ô hàng nói trên do 4 doanh nhân Trung Quốc « nhập lậu » vào Ý. Những người này có kế hoạch đưa vào thị trường Ý 5 triệu khẩu trang chống virus corona và khai báo đó là lô hàng tặng không vào lúc Roma đang trở thành tâm dịch của châu Âu. Hàng được chở đến Milano và Roma. Trên thực tế, giới điều ra phát hiện các khẩu trang nói trên được bán ra thị trường với giá từ 2 đến 5 euro một chiếc.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200416-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 16/4:
IMF cảnh báo hệ lụy do Covid-19 gây ra
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (16/4) của Đại Kỷ Nguyên có những tin sau:
IMF cảnh báo hệ lụy do Covid-19 gây ra
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Tư cảnh báo rằng những hệ lụy về kinh tế do đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra có thể làm bùng phát các cuộc biểu tình, theo Fox News.
“Một số quốc gia vẫn sẽ phải đối mặt với các cuộc biểu tình mới, đặc biệt là nếu các chính sách làm giảm bớt khủng hoảng do Covid-19 gây ra bị đánh giá là thiếu sót hoặc không công bằng, hoặc thiên về việc ủng hộ các tập đoàn lớn hơn là người dân”, IMF nhận định.
Trong báo cáo Giám sát tài chính của mình, IMF cho biết các cuộc biểu tình “nhiều khả năng [xảy ra] ở các quốc gia có lịch sử tham nhũng trên phạm vi rộng, thiếu minh bạch trong chính sách công và cung cấp các dịch vụ nghèo nàn [cho người dân]”.
Ông Tedros bày tỏ ‘tâm tư’ sau khi Mỹ ngừng trợ cấp cho WHO
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ sự thất vọng sau khi Tổng thống Trump đình chỉ tài trợ cho WHO với lý do tổ chức này yếu kém trong cách phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và có sự thiên vị dành cho Bắc Kinh.
Hãng tin CNBC trích lời ông Tedros phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư: “Hoa Kỳ là một người bạn lâu năm và hào phóng với WHO và chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục như vậy”.
Quyết định của Tổng thống Trump đối với WHO cũng là một lời cảnh báo đối với các tổ chức khác thuộc Liên Hợp Quốc, một hệ thống mà ông từng lên án là “câu lạc bộ ngồi chơi xơi nước”. (Chi tiết)
Bắc Kinh tiếp tục đàn áp tôn giáo bất chấp đại dịch
Báo cáo của Fox News hôm thứ Tư cho hay, chính quyền Trung Quốc không ngừng đàn áp Kitô giáo tại nước này, dù đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn ra.
Vào tháng Ba, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá bỏ nhiều cây thánh giá ở các nhà thờ thuộc tỉnh Giang Tô, An Huy và Sơn Đông vì cho rằng các biểu tượng tôn giáo không thể “cao” hơn quốc kỳ Trung Quốc, theo The Christian Post.
“Chính phủ không thực hiện đủ nhiệm vụ giúp đỡ người dân giữa dịch bệnh, thay vào đó họ phá hủy các thánh giá”, một tín đồ Kitô giáo nói với Bitter Winter.
Pháp: Máy bay rơi, ít nhất 2 người tử vong
Một máy bay trực thăng của quân đội Pháp đã bị rơi vào hôm thứ Tư tại khu vực phía tây nam nước này, làm 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương, Reuters cho biết thông tin từ chính quyền Tarbes, nơi xảy ra vụ tai nạn.
Các quan chức cho biết chiếc trực thăng gặp nạn thuộc Trung đoàn trực thăng chiến đấu số 5 của quân đội Pháp. Các nhà chức trách vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Mỹ: Trung Quốc có thể đã âm thầm vi phạm hiệp ước hạt nhân
Chính quyền Trung Quốc có thể đã bí mật thực hiện một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất ở mức độ thấp, mặc dù họ cam kết tuân thủ hiệp ước quốc tế về việc không tạo ra các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận trong một báo cáo hôm thứ Tư.
Reuters trích dẫn báo cáo cho biết: “Trung Quốc có thể [làm điều đó để] chuẩn bị cho việc vận hành khu thử nghiệm hạt nhân Lop Nur hàng năm, sử dụng kho chứa thuốc nổ, triển khai thăm dò ở phạm vi rộng tại Lop Nur và che giấu các hoạt động thử nghiệm hạt nhân của mình, làm tăng mối lo ngại về việc tuân thủ tiêu chuẩn zero yield” (nghĩa là thử hạt nhân không có phản ứng nổ dây chuyền).
Bắc Kinh cho thấy họ thiếu minh bạch trong các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, một minh chứng là họ không cho truyền dữ liệu từ các cảm biến tới một trung tâm giám sát do cơ quan quốc tế vận hành để kiểm soát việc tuân thủ hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT), theo Reuters.
Điểm tin thế giới chiều 16/4:
Tàu khảo sát Trung Quốc tiến về gần Malaysia
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (16/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Tàu khảo sát Trung Quốc tiến về gần Malaysia
Reuters đưa tin, tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đang di chuyển về phía Nam, gần Malaysia sau khi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đầu tuần này.
Theo dữ liệu từ Marine Traffic, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hôm nay dường như bắt đầu khảo sát ở vùng biển cách bờ biển Brunei và Malaysia 352 km. Con tàu dường như ở phía Bắc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Một nguồn tin hàng hải giấu tên của Malaysia cho biết, tàu tuần duyên Malaysia KM Pekan đang theo dõi tàu Trung Quốc. Hai nguồn tin khác cho hay tàu Địa chất Hải Dương 8 đã được khoảng 7 tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống nhưng các tàu hải cảnh đã rời đi.
Bộ ngoại giao Malaysia, Brunei và Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.
Nhật có thể sắp ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc
Reuters dẫn tin từ thời báo Yomiuri hôm nay cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe đang chuẩn bị mở rộng tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với toàn bộ 47 tỉnh thành trên cả nước vì dịch Covid-19, kéo dài đến ngày 6/5.
Thủ tướng Abe hôm 7/4 tuyên bố tình trạng khấp cấp đối với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác, chiếm 44% dân số Nhật Bản, kéo dài đến ngày 6/5.
Đài Loan sẽ quyên tặng 2 triệu khẩu trang cho Nhật
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm nay thông báo, hòn đảo này sẽ quyên tặng 2 triệu khẩu trang cho các nhân viên y tế tuyến đầu ở Nhật Bản.
“Đài Loan và Nhật Bản cùng nhau chia sẻ các giá trị, là đối tác thân thiết và bạn bè quan trọng ở tất cả các cấp”, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay.
Ngoài ra, Đài Loan hy vọng có thể tăng cường hơn nữa hợp tác với Nhật Bản, bao gồm cả việc nghiên cứu, phát triển vắc xin và trao đổi giữa các chuyên gia y tế.
Cựu phó đại sứ Triều Tiên giành ghế quốc hội Hàn Quốc
Hãng AFP đưa tin, ông Thae Yong Ho, 55 tuổi, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh đào tẩu năm 2016, đã giành ghế quốc hội tại quận Gangnam, Hàn Quốc sau cuộc bầu cử hôm 15/4.
“Hôm nay là một ngày lịch sử không chỉ với tôi mà còn cả Hàn Quốc”, ông Thae Yong Ho nói sau khi chiến thắng của ông được công bố ngày 15/4.
Đảng Tương lai Thống nhất (UFP), do ông Thae Yong-ho đại diện, giành được 54,8% phiếu bầu tại Gangnam. Ông Thae nói rằng chiến thắng của ông mang lại hy vọng cho giới tinh hoa và dân Triều Tiên, chứng minh “bản chất thực sự của nền dân chủ tự do tại Hàn Quốc”.
Tạp chí tiêu điểm
TT. Macron trên đài RFI : « Xóa nợ là điều thiết yếu
để giúp châu Phi đối phó với dịch Covid-19 »
Minh Anh
Tối thứ Hai, ngày 13/04/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu với toàn dân. Ngoài việc kêu gọi người dân nỗ lực thêm một tháng phong tỏa nhằm tiếp tục kềm hãm đà lây lan của dịch virus corona chủng mới khiến hơn 17.000 người chết, nguyên thủ Pháp có nhắc đến việc xóa nợ cho châu Phi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI, bên cạnh việc bày tỏ quan điểm của ông về việc sử dụng thuốc chloroquine trong điều trị Covid-19, chủ nhân điện Elysée lần lượt đề cập đến bốn trục hành động để hỗ trợ châu Phi vượt qua cơn đại dịch : Y Tế, Nghiên Cứu, Nhân Đạo và Kinh Tế.
Theo tổng thống Macron, châu Phi là châu lục có hệ thống y tế yếu kém nhất, thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh : SIDA, lao, sốt rét… Đây cũng là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí
hậu : hạn hán, lốc xoáy, nạn châu chấu hoành hành phá hoại mùa màng… Châu lục đen này cũng khu vực có mức nợ vay cao nhất, chiếm đến 95% của GDP, gây khó khăn cho phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu lan sang châu Phi, trong khi bản thân các nước phát triển nhất, có hệ thống y tế tốt nhất cũng phải vật vã đối phó, nguyên thủ Pháp kêu gọi các nước cho vay, các định chế Nhà nước hay tư nhân quốc tế nên gia hạn nợ và nếu có thể nên xóa nợ để cho châu lục đen này có đủ sức đối phó với dịch bệnh.
Ban Tiếng Việt đài RFI xin trích dịch một số đoạn phỏng vấn tổng thống Pháp giải thích vì sao và nên làm cách nào để hỗ trợ châu Phi.
***********
RFI : Tổng thống biết rằng tại châu Phi, có rất nhiều người phải làm việc không hợp đồng, không đăng ký, một cách không chính thức để sống đắp đổi qua ngày. Thế nên, lệnh phong tỏa là không thể áp dụng. Về mặt nhân đạo, đâu là những vấn đề khẩn cấp ?
TT. Emmanuel Macron: Ông hoàn toàn có lý. Có nhiều nguyên thủ và thủ tướng châu Phi mà tôi đã gặp có nói với tôi điều này. Đúng là có một thị trường lao động không chính thức, có sự di chuyển giữa các vùng, để có cái ăn, người ta cần phải đến những nơi có nguồn thức ăn và có thể tìm được việc làm trong thị trường không chính thức này… Do vậy, lệnh phong tỏa hoàn toàn như chúng ta đang nói hiện nay tại châu Âu, không thể nào áp dụng chính xác theo cùng một cách.
Nhưng dù gì đi chăng nữa, cũng phải thiết lập để phòng ngừa. Và điều này tạo ra, nếu tôi có thể nói, một tình trạng bội phần bi thảm, nghĩa là có những khu vực nghèo khó nhất, thiếu lương thực thiếu cả các cơ sở chăm sóc y tế. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang manh nha. Hơn nữa, chúng ta cũng hoàn toàn thấy rõ điều này mỗi khi virus Ebola xuất hiện tại một số vùng nào đó.
Chúng tôi hiểu rõ tình hình này. Điều làm cho chúng tôi lo nhất là tình trạng này sẽ còn gia tăng thêm với dịch Covid-19, làm nghiêm trọng thêm những gì mà một số đợt dịch bệnh đã gây ra. Người dân và những khu vực khốn khó nhất quả thật là rất cần đến trợ giúp nhân đạo. Giải pháp là phải thông qua Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ Chương Trình Lương Thực Thế Giới. Vấn đề nhân đạo chính là trục thứ ba của sáng kiến này, có sự liên kết với Chương Trình Lương Thực Thế Giới và Liên Hiệp Quốc.
Và đương nhiên bằng cách huy động tất cả những gì chúng ta có được, thông qua vai trò trung gian của Liên Hiệp Quốc, trên khắp vùng châu Phi, những nơi mà chúng ta hiện diện, đôi khi là quân sự, nhưng có thể hỗ trợ cho các chương trình này và tiếp cận những bộ phận dân chúng nghèo khó nhất, những nhu cầu cơ bản thiếu thốn nhất nhằm bảo đảm là họ có thể được hưởng các chế độ chăm sóc y tế thiết yếu, được cấp lương thực và được quyền làm ăn sinh sống.
Lĩnh vực kinh tế là trục hành động có phối hợp thứ tư của ông. Các nước châu Phi mỗi năm phải hoàn trả cả vốn lẫn lãi khoảng 365 tỷ đô la cho các chủ nợ. Làm thế nào tổng thống có thể thuyết phục các chủ nợ, công cũng như là tư nhân, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ từ bỏ một khoản tiền lớn đến như vậy ?
Khi nhìn xem tất cả các nền kinh tế phát triển đã phản ứng ra sao trước cuộc khủng hoảng, người ta nhận thấy hai việc : Có một cú sốc về chính sách tiền tệ và một cú sốc về chính sách ngân sách. Các ngân hàng trung ương, Ngân hàng Trung Ương Anh Quốc, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, đã thực hiện nhanh và mạnh chưa từng thấy một chính sách tiền tệ ồ ạt trong tháng Ba. Và sau đó là chính sách về ngân sách mà các chính phủ hiện đang tiến hành.
Trong bối cảnh này, không có các biện pháp tương đương như vậy ở châu Phi và như vậy, châu lục này phải hứng chịu hình phạt kép : đó là không có khả năng phát hành tiền tệ và khả năng huy động tiền tệ cần thiết cho các nền kinh tế. Hơn nữa, chúng ta đang chứng kiến tại những quốc gia này, vốn là những nền kinh tế đang trỗi dậy, sự di chuyển tư bản (vốn) ra bên ngoài, làm cho các nước này càng khó khăn hơn. Để có đối sách tương ứng, đó là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế phải phát hành công trái dưới dạng quyền rút vốn đặc biệt. Mục tiêu là huy động được 500 tỉ đô la ; cần phải thúc đẩy để đạt được mục tiêu này và phân bổ tối đa cho các nước. Đó là trụ cột thứ nhất.
Cột trụ thứ hai là trên bình diện ngân sách, có liên quan đến vấn đề nợ, chính là những gì ông vừa nhắc đến. Con số mà ông nhắc đến thật là khắc nghiệt. Mỗi năm, một phần ba những gì mà châu Phi xuất khẩu trên bình diện thương mại là dùng để trả vốn và lãi. Thật là điên rồ! Và người ta đã làm cho vấn đề này thêm nghiêm trọng những năm gần đây. Tôi mong muốn có một sự đáp ứng mạnh mẽ nhất về vấn đề này, bởi vì tình trạng này không thể kéo dài được nữa. Hôm qua, tôi có nói với người dân Pháp là tôi ủng hộ sáng kiến xóa nợ ồ ạt, đây là cách duy nhất để làm được điều đó.
Trong ngắn hạn, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận. Có bốn đại diện đặc biệt được Liên Hiệp Châu Phi ủy thác, họ đã đưa ra các đề xuất mà tôi mong muốn mọi người tham khảo. Họ đề xuất xin hoãn nợ. Bởi vì họ đã thảo luận rất nhiều, nghiên cứu rất nhiều. Họ cho rằng « Xóa nợ, chúng ta sẽ không làm ngay được ». Nhưng nếu hoãn lại, có nghĩa là gì ? Điều đó có nghĩa là người ta sẽ không hoàn lãi nữa, « các ngài hãy để cho chúng tôi chút dưỡng khí ». Chúng ta giãn nợ ra, và như vậy chúng ta có thể khiến mọi người đồng tình về ý kiến này.
Tối thứ Tư 15/4, nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) cần chấp nhận hoãn nợ cho các nước châu Phi – tôi tin là mọi việc thuận buồm xuôi gió và dù sao đi chăng nữa chúng ta đã tác động tối đa về mặt chính trị. Việc hoãn nợ này không chỉ liên quan đến các thành viên Câu lạc bộ Paris, mà cả Trung Quốc, Nga, toàn bộ các nước vùng Vịnh, và các định chế tài chính đa phương lớn. Đây là sự kiện chưa từng có trên thế giới. Điều đó có nghĩa là trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta nên để cho các nền kinh tế châu Phi còn có sức lực và không nên đòi trả lãi nợ. Đây là một bước đi tối cần thiết, và tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến lớn.
Thế nhưng, việc hoãn nợ này mới là bước đầu tiên trước khi tiến hành các bước khác mà chúng ta phải làm, đó là các bước tái cơ cấu nợ của châu Phi. Cần phải thực hiện điều này nhưng đương nhiên không nên gây bất lợi cho những nước quản lý nghiêm túc nhất, luôn duy trì một chính sách nợ khả thi. Về phần các chủ nợ, không thể để xẩy ra tình trạng « nỗ lực này chỉ có một vài nước làm mà thôi, và những nước khác thì không có ». Ở đây tôi muốn nói là nỗ lực này phải được tất cả các chủ nợ lớn thực hiện như nhau.
Trung Quốc nắm giữ khoảng 40% các khoản nợ của châu Phi hiện nay. Tổng thống có nói về chủ đề này với lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không ? Liệu ông ấy có đồng ý giãn nợ, thậm chí là hủy nợ như tổng thống đề nghị hay không ?
Tôi chưa bàn với ông Tập Cận Bình về chủ đề này. Tôi biết là châu Phi có tầm quan trọng thế nào đối với ông ấy. Tôi tin chắc rằng đối với chủ tịch Trung Quốc, tình hình hiện nay của châu Phi đòi hỏi phải có một hành động tương xứng với tầm mức quan trọng đó. Do vậy, đây sẽ là chủ đề một cuộc thảo luận mà chúng tôi sẽ đề cập đến, hoặc là trong khuôn khổ hội nghị G20, nếu được tổ chức trong những ngày hay những tuần sắp tới, hoặc ở cấp độ song phương, bởi vì tôi sẽ trao đổi với ông ấy về việc này. Tôi nghĩ đây là một cử chỉ quan trọng mà Trung Quốc phải làm để hỗ trợ cho việc giãn nợ, xóa nợ. Như ông vừa nhắc lại con số, có một điều chắc chắn, Trung Quốc hiện nay là chủ nợ lớn của châu Phi. Tất cả các chủ nợ của châu Phi phải di theo hướng nỗ lực giúp đỡ châu lục vượt qua cuộc khủng hoảng này. Do vậy, Trung Quốc có vai trò và trách nhiệm của mình.
Thế còn những chủ nợ tư nhân thì sao ?
Như tôi đã nói : Tất cả mọi người. Về mặt đạo đức, nhân bản, đây là nghĩa vụ của chúng ta và phải hợp tác với châu Phi. Thế nên, tôi nghĩ là các bên cho vay, dù là Nhà nước, tư nhân, song phương hay đa phương, đều phải đi theo cùng một lô-gic này. Tôi đã nêu ra triển vọng hướng tới. Giờ chúng ta phải thực hiện thành công. Tất cả các bên cần ngồi lại với nhau và thảo luận. Đây là điều chưa từng thấy !
**********
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, tổng thống Macron cho biết ông đồng tình với lời kêu gọi một lệnh hưu chiến trên toàn cầu do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đưa ra. Một cuộc họp qua video giữa năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới.
Nguyên thủ Pháp cũng nhân cuộc phỏng vấn này bày tỏ tình liên đới, gởi một thông điệp hữu nghị đến các nước châu Phi, đồng thời nói lời xin lỗi liên quan đến những phát biểu của một số nhà nghiên cứu Pháp xem châu Phi như là một vùng đất thử nghiệm y khoa lý tưởng.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200416-phap-macron-no-vay-chau-phi-rfi