Đọc báo Pháp – 15/10/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 15/10/2018

Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ,

Trung Quốc giấu đầu hở đuôi

Thùy Dương

Về thời sự châu Á, vụ Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ là đề tài được báo Libération quan tâm. Tờ báo cho biết « Người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc thừa nhận có các trại giáo dục ». Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc luôn phủ nhận mạnh mẽ sự tồn tại của các trại bí mật giam giữ người Hồi Giáo ở Tân Cương, mặc dù nhiều tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông nước ngoài đã thu thập được nhiều chứng cớ. Tuy nhiên, trong tuần qua, đảng Cộng Sản Trung Quốc đột nhiên thay đổi thái độ.

Bắc Kinh tìm cách thanh minh việc giam giữ khoảng 1 triệu người, chủ yếu thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và đề xuất sửa đổi bổ sung luật « chống chủ nghĩa cực đoan ». Các văn bản sửa đổi này nhằm hợp pháp hóa việc sử dụng « các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp » để « giáo dục và cải đổi » những người bị ảnh hưởng bởi « hệ tư tưởng cực đoan » và để tạo cho họ « cơ hội có việc làm ».

Theo nhiều tường thuật và các cuộc điều tra, hiện có khoảng 10% dân số thuộc các sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi trong vùng Tân Cương bị cầm giữ trong các trung tâm giam giữ trái phép. Các vệ tinh đã ghi được hình ảnh về các trung tâm này. Lấy cớ là đấu tranh chống khủng bố, chính quyền Trung Quốc tùy tiện bắt giữ công dân ở mọi lứa tuổi và bắt ép họ học « tư tưởng Tập Cận Bình ».

Mọi biểu hiện về niềm tin tôn giáo, tôn trọng truyền thống địa phương hoặc có liên hệ với người nước ngoài đều có thể bị coi là dấu hiệu « cực đoan hóa »  « có thiện cảm với khủng bố ». Chỉ cần có một hành động kiểu như đặt tên con là Medina, Mohammed, để râu dài, có nhiều dao, không chỉnh đồng hồ theo giờ Bắc Kinh, từ chối nghe đài phát thanh Nhà nước … là đủ để một người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giam.

Với luật chống tập tục kiêng cữ được coi là hợp quy theo đạo Hồi, được thông qua hôm thứ Hai tuần trước, danh sách những điều mà chính quyền cấm đoán vốn đã dài nay còn nhiều hơn nữa. Các quan chức đảng viên ở tỉnh Tân Cương còn nhận được lệnh tuyên thệ trên mạng xã hội là tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê, giương cao ngọn cờ và đấu tranh đến cùng chống « halal », vì « halal » dễ khiến người ta « sa vào chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ».

Đúng là trong những năm gần đây, nhiều nhóm người Duy Ngô Nhĩ đã tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố, hàng trăm người Trung Quốc theo đạo Hồi đã gia nhập tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, nhưng phần lớn các vụ bắt giữ ở Tân Cương lại liên quan đến các công dân bình thường. Khi những người này bị bắt đột ngột, con cái họ bị tách ra khỏi cha mẹ và bị gửi vào trại trẻ mồ côi. Từ nhiều ngày nay, có nhiều nguồn tin khẳng định những hàng loạt người Hồi Giáo bị giam giữ đã bị đưa đến các nhà tù ở các vùng xa xôi, hẻo lánh khác ở Trung Quốc, bằng tàu lửa hoặc máy bay.

Hôm thứ Bảy vừa qua, một trong những quan chức cấp cao nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi tới thăm Tân Cương, đã phát biểu bênh vực tiến trình « Hán hóa » là nhằm « khuyến khích tình đoàn kết giữa các sắc tộc và sự hòa hợp tôn giáo ». Tuy nhiên, theo Libération, một trong những mục tiêu của tiến trình này là triệt tiêu ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ, vốn gần giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và có chữ viết theo ký tự Ả Rập.

Về phản ứng của quốc tế, Libération cho biết các nước và các tổ chức quốc tế đã giữ im lặng trong suốt nhiều tháng, nhất là vì các biện pháp kiểm duyệt và răn đe người Duy Ngô Nhĩ khiến các chính phủ và tổ chức không kiểm chứng được thông tin. Lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa các trại giam nói trên là vào tháng 08/2018. Hôm thứ Sáu tuần trước, các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng ra một báo cáo dài về « sự trấn áp chưa từng có » nhắm vào sắc tộc Hồi Giáo thiểu số ở Trung Quốc. Theo họ, sự trấn áp này có thể trở thành « tội ác chống nhân loại ».

Pháp : Ai là người còn có thể nói sự thật

 với tổng thống Pháp ?

Về thời sự nước Pháp, báo Le Monde quan tâm đến tổng thống Macron và chơi chữ qua hàng tựa « Macron trên giàn thiêu của tính kiêu ngạo ». Trong bài viết này, Le Monde đặt câu hỏi « Giờ đây ai là người còn có thể nói sự thật với tổng thống Pháp ? ». Sau 15 tháng bước vào điện Elysée, ông Macron bị nhiều người chỉ trích về sự xa cách, thiếu lắng nghe và cả về phong cách ngạo mạn.

Từ khi có nhiều khó khăn nảy sinh, chẳng hạn tăng trưởng chững lại, vụ tai tiếng Benalla, những phát biểu vụng về bị coi là dấu hiệu của sự ngạo mạn và việc bộ trưởng Môi Trường và bộ trưởng Nội Vụ liên tiếp từ chức, người ta liên tục nghe thấy những lời chỉ trích : « Tổng thống không còn nghe ai nữa », « Điện Elysée đã khiến ông ấy trở nên xa cách », « Ai còn dám nói với ông ấy sự thật ? »

Le Monde cho biết những người tiếp xúc hàng ngày với tổng thống Pháp thừa nhận ông Macron, người trước đây không có thói quen nổi nóng, nay lại rất dễ bị kích động. Dường như vị tổng thống trẻ đã mệt mỏi sau một năm rưỡi ở điện Elysée. Tổng thống liên tục công du nước ngoài. Một trong số những người bạn của Macron cho biết tổng thống ngủ rất ít, tới nửa đêm vẫn liên tục gửi tin nhắn và sửa các bài diễn văn. Như vậy là rất mệt mỏi, kể cả với người chưa tới 40 tuổi. Và khi người ta kiệt sức, người ta rất dễ làm những điều ngu ngốc.

Ông Gérard Collomb, một nhân vật vốn thân cận với tổng thống và mới từ chức bộ trưởng Nội Vụ, cho biết mặc dù trong các cuộc họp, ông Macron vẫn rất tập trung, nhưng đáng tiếc là cuộc tranh luận trong các buổi họp thường bị cắt ngang bởi dàn cố vấn vô cùng đặc biệt của tổng thống, những người đã đưa ông Macron tới chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống 2017. Họ là những người còn trẻ, rất thông minh, giỏi công nghệ và thạo tiếng Anh, nhưng thiếu kinh nghiệm.

Một chính trị gia lấy làm tiếc là hiện quyền lực tập trung trong tay bốn người là tổng thống Macron, chánh văn phòng điện Elysée, thủ tướng Edouard Philippe và chánh văn phòng phủ thủ tướng. Tổng thống Macron than phiền là thiếu các bộ trưởng « đủ trọng lượng » trong chính phủ, nhưng trên thực tế, hầu như không bộ trưởng nào được quyền tự quyết, tất cả đều do tổng thống quyết định.

Trong chiến dịch tranh cử và trong những tháng đầu sau khi đắc cử, phong cách của ông Macron đã thuyết phục được người Pháp, nhưng những tháng gần đây, phong cách này lại bị công chúng cho là đã biến thành sự ngạo nghễ mang lại nhiều bất lợi cho vị tổng thống trẻ.

Nhà báo Khashoggi mất tích,

tiếng tăm của Ả Rập Xê Út bị ảnh hưởng

Về thời sự quốc tế, Les Echos quan tâm đến vụ mất tích của nhà báo đối lập Ả Rập Xê Út, Jamel Khashoggi, sau khi ông tới tòa lãnh sự của Riyad tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm giấy tờ hôm 02/10/2018. Les Echos nhận định « Vụ nhà báo Khashoggi mất tích, danh tiếng của Ả Rập Xê Út suy giảm ».

Vụ Khashoggi đã gây ra những căng thẳng nghiêm trọng giữa phương Tây với chính quyền Riyad, vốn đang bị nghi là ra lệnh tra tấn và sát hại nhà báo Khashoggi bên trong tòa lãnh sự. Nhưng theo báo Les Echos, giới doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn chính phủ các nước. Nhiều tập đoàn lớn giữ khoảng cách với Riyad.

Ông Ernest Moniz, cựu bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, từ chối tham gia Neom, một dự án xây dựng một thành phố thông minh của tương lai bên bờ biển Đỏ, với giá 500 tỉ đô la. Richard Branson, ông chủ của tập đoàn Virgin cũng thông báo ngưng thảo luận với chính quyền Riyad. Chủ tịch – tổng giám đốc Uber, Dara Khosrowshahi, cũng mới loan báo sẽ không tham gia thượng đỉnh về công nghệ Future Investment Initiative lần thứ 2, dự kiến được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 25/10/2018 tại Riyad. Chính Richard Branson là người đưa ra ý tưởng tổ chức Future Investment Initiative.

Nhiều chủ tịch – tổng giám đốc của các tập đoàn khác như Viacom, HP … cũng từ chối tham gia. Một số lãnh đạo khác nói sẽ « liệu tình hình ». Nhiều phương tiện truyền thông danh tiếng của các nước nói tiếng Anh như The Economist, Los Angeles Times, New York Times, Viacom, CNN … tuyên bố tẩy chay hội nghị.

Báo Les Echos dẫn lời một chuyên gia kinh tế cho biết nhiều chủ doanh nghiệp hiện phải cân nhắc nguy cơ danh tiếng của công ty bị ảnh hưởng xấu nếu duy trì liên hệ với một chế độ như Riyad, so với tầm quan trọng của thị trường Ả Rập Xê Út. Hôm qua, vào đầu phiên sáng, giao dịch trên sàn chứng khoán Riyad đã sụt giảm 7%.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng, chỉ tỏ ra giữ khoảng cách chứ chưa hủy các dự án đầu tư. Sự thận trọng cũng thể hiện trong cả lĩnh vực ngoại giao. Tổng thống Mỹ dù dọa sẽ « trừng phạt nghiêm khắc » đồng minh  Ả Rập Xê Út nếu có đủ bằng chứng cho thấy Riyad đã ra lệnh giết hại nhà báo đối lập, nhưng cũng chần chừ không muốn ngưng thương vụ bán vũ khí với giá 110 tỉ đô la cho Riyad. Chủ nhân Nhà Trắng muốn ưu tiên các phương án hành động khác, nhưng không nói rõ chi tiết.

Trang nhất các báo Pháp

Báo kinh tế Les Echos nói về « Châu Âu : thời khắc của sự thật », với ba bài viết ở các trang trong về Liên Hiệp Châu Âu : « Brexit : Niềm hy vọng cuối cùng về thỏa thuận với Luân Đôn »,« Ý dưới áp lực trước khi giới thiệu dự thảo ngân sách »  « Một thất bại lịch sử cho các đồng minh của Merkel ở Bayern ».

Le Monde quan tâm đặc biệt tới dự thảo ngân sách của Ý. Cũng giống như các nước khác thuộc khu vực đồng tiền chung Châu Âu, ngày 15/10/2018, Ý phải đệ trình dự thảo ngân sách cho năm 2019 lên Ủy ban châu Âu. Nếu thiếu hụt ngân sách của Ý vẫn được dự tính ở mức 2,4% GDP, Bruxelles có thể sẽ phải yêu cầu chính phủ của thủ tướng Jiuseppe Conte giải thích. Le Monde cũng dành bài xã luận nói về « Sự trở lại của mối rủi ro Ý ». Hiện nợ của Ý chiếm 3,5% GDP, so với tỉ lệ 1,5% cách nay 6 tháng. Tổng nợ của Ý hiện là 2.300 tỉ euro.

Về thời sự nước Pháp, báo Le Figaro đặt câu hỏi : « Cải tổ nội các : Macron sẽ ra quân chủ bài Blanquer ? » Ông Jean-Michel Blanquer là bộ trưởng Giáo Dục Pháp, một trong những bộ trưởng quan trọng đối với Macron. Theo dự kiến, đầu tuần này chính phủ sẽ thông báo nội các mới.

Cũng liên quan đến nước Pháp, báo Libération chú ý đến « Khả năng chi tiêu : một ngân sách cần thay đổi ». Bắt đầu từ hôm nay 15/10, dự luật tài chính 2019 bắt đầu được thảo luận tại Hạ Viện theo hướng có lợi hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhất.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181015-my-tran-ap-nguoi-duy-ngo-nhi-co-the-la-toi-ac-chong-loai-nguoi

 

Tin đọc nhanh

(KYODO) – Tokyo xem xét khả năng lập văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng.

Kyodo ngày 14/10/2018 trích dẫn một nguồn thạo tin giải thích mục đích của văn phòng này là để giải quyết hồ sơ người Nhật bị chính quyền bắt cóc. Dự án lập văn phòng đại diện dựa trên thỏa thuận song phương, được ký năm 2014 tại Stockholm, Thụy Điển, theo đó, các quan chức Nhật Bản sẽ hiện diện tại Bắc Triều Tiên nhằm kiểm chứng những tiến bộ đã đạt được trong việc tìm kiếm 17 công dân Nhật Bản bị mất tích. Theo chính quyền Tokyo, Nhật Bản đã bị các điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Năm trong số những người này đã hồi hương năm 2002.

(CNN) – Phát ngôn viên tổng thống Philippines từ chức để ra tranh cử Quốc Hội.

Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Duterte ngày 15/10/2018 thông báo ông từ chức để chuẩn bị ra tranh cử Quốc Hội Philippines vào tháng 5/2019. Ông dẫn đầu danh sách tranh cử của đảng Lungtiang Phlipinas, có chủ trương bảo vệ môi trường và sinh thái. Trong cuộc họp báo cuối cùng với tư cách phát ngôn viên của tổng thống Duterte, Harry Roque cho biết Salvador Panelo sẽ thay thế ông ở chức vụ này.

(AP)- Ngoại trưởng Nhật Bản lo ngại  nợ tăng cao tại nhiều hòn đảo trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.

 Bắt đầu viếng thăm New Zealand ngày 15/10/2018, ngoại trưởng Taro Kono báo động một số các chính quyền trong vùng Thái Bình Dương lệ thuộc ngày càng nhiều vào vốn đầu tư của nước ngoài. Trong số này có các đảo nhưng Tonga và Vanuatu. Lãnh đạo ngành ngoại giao Nhật Bản không nêu đích danh Trung Quốc nhưng giới quan sát cho rằng, lời cảnh cáo này nhắm vào Bắc Kinh.

(AFP) – Nhại quốc ca Trung Quốc, một blogger bị kết án tù.

Dương Khải Lị (Yang Kaili), 21 tuổi, một ngôi sao trên mạng internet tại Trung Quốc vừa bị xử phạt 5 ngày tù. Trong một đoạn băng được phát tán trên mạng hôm 07/10/2018, cô đã hát và thể hiện điệu bộ như một nhạc trưởng, điệp khúc đầu tiên trong bản quốc ca Trung Quốc. Xúc phạm đến bản quốc ca tại Trung Quốc bị xử phạt tối đa 3 năm tù. Cùng với án phạt tù, Dương Khải Lị đã phải viết tư xin lỗi 1,1 triệu người theo dõi cô trên các mạng xã hội. Các tài khoản trên mạng của cô bị đóng cửa.

 (Reuters) – Thêm một quan chức Trung Quốc bị kỷ luật vì tội tham nhũng. 

Cơ quan kỷ luật đảng cộng sản Trung Quốc ngày 15/10/2018 thông báo ông Lại Tiểu Miên (Lai Xiaomin), nguyên chủ tịch tập đoàn quản lý tài sản Huarong Asset Management chính thức bị kỷ luật vì tội tham nhũng. Ông này đã bị cách chức từ tháng 4/2018.

(AFP) – Cựu lãnh đạo đối lập Malaysia, Anwar Ibrahim chính thức trở lại Quốc Hội. 

Trong cuộc bầu cử bổ sung hôm 13/10/2018 ông Anwar Ibrahim đã dễ dàng đắc cử. Ngày 15/10/2018 ông tham dự cuộc họp đầu tiên của Quốc Hội. Việc ông Anwar Ibrahim trở lại với chiếc ghế đại biểu Quốc Hội Malaysia được coi là một thủ tục chuẩn bị đưa ông vào chức vụ thủ tướng thay thế ông Mohamad Mahathir, nay đã 92 tuổi.

(Reuters) – Cửa khẩu Jordanie và Syria được mở lại sau ba năm ngưng hoạt động. 

Kể từ 8 giờ sáng ngày 15/10/2018, giờ địa phương, cửa khẩu tại Nassib ở miền nam Syria sát biên giới Jordanie được cho hoạt động trở lại. Thường dân lại được tự do đi lại, nhiều hoạt động giao thương được nối lại sau ba năm bị gián đoạn. Cửa khẩu Nassib là một địa điểm then chốt trong các hoạt động giao thương giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và các nước vùng Vịnh. Tháng 7/2018 lực lượng quân đội Syria được Nga yểm trợ đã chiếm lại được Nassib trong tay phe nổi dậy.

(REUTERS) – Thủ tướng Malaysia : Người Duy Ngô Nhĩ được thả vì không làm gì sai.

Đây chính là lời giải thích của ông Mahathir ngày hôm nay, 15/10/2018. Trong tuần trước, chính quyền Kuala Lumpur đã quyết định thả số người Duy Ngô Nhĩ này, và dường như họ đã sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Trung Quốc đã đòi Malaysia cho dẫn độ nhóm 11 người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và phản đối việc Malaysia trả tự do và để cho họ đi sang Thổ Nhĩ Kỳ.

(AP) – Ngoại trưởng Úc : Liên minh với Hoa Kỳ có tầm quan trọng sống còn.

Phát biểu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Úc, ngày hôm nay, 15/10/2018, ngoại trưởng Marise Payne nhấn mạnh là Úc cần bảo vệ các lợi ích của mình trong một thời kỳ đầy bất trắc và các thách thức tại Ấn Độ-Thái Bình Dương làm cho liên minh Mỹ-Úc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuần trước, Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đã cáo buộc Úc và Nhật Bản « về hùa » với Hoa Kỳ nhằm chống lại Trung Quốc.

(AFP) – Pháp : Mưa lũ ở miền nam, 13 người chết.

Những cơn mưa như thác đổ trong đêm Chủ Nhật rạng sáng thứ Hai 15/10/2018 tại Aude, miền nam nước Pháp đã làm thiệt mạng 13 người, theo các số liệu sơ bộ. Cơ quan Khí Tượng Thủy văn Pháp dự báo mức nước sông tại Aude đã đạt đỉnh lũ của năm 1891 và sẽ còn tiếp tục dâng cao.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181015-tin-doc-nhanh