Đọc báo Pháp – 15/07/2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 15/07/2016

Phương Nga

Syria : Mỹ tiến một bước về phía Nga

Ngày 14/07/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gửi đến tổng thống Nga Vladimir Putin bản dự án hợp tác quân sự chung giữa hai quốc gia để chống lại Mặt Trận al-Norsa, một nhánh của Al-Qaida tại Syria và được coi như là một mối đe dọa khủng bố, sau Daech.

Tờ Le Figaro, trong số ra ngày 15/07/2016, trích nhật báo Mỹ Washington Post, đăng nội dung bản tài liệu tám trang, trong đó Hoa Kỳ trình bày về hợp tác quân sự mà nước này mong muốn được tiến hành với Nga tại Irak và Syria nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tổ chức khủng bố như tổ chức nhà nước Hồi Giáo và trên hết là Mặt Trận Al-Norsa, một nhánh của Al-Qaida tại Syria.

Trong tài liệu gửi tổng thống Nga Putin, Washington đề xuất lập trung tâm này tại thủ đô Amman của Jordani, nơi mà các lực lượng đặc biệt Mỹ huấn luyện quân nổi dậy Syria từ nhiều năm nay.

Được đăng tải trên các trang mạng xã hội, dự án thỏa thuận này chỉ rõ rằng trung tâm chỉ huy chung nói trên sẽ bao gồm các chuyên gia của cả hai nước Nga và Mỹ, chuyên về « nhận dạng, khoanh vùng mục tiêu và lên kế hoạch không kích ». Cả Nga và Mỹ sẽ cùng « chia sẻ thông tin » để « cho phép phối hợp tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại Al-Norsa ».

Việc mở rộng hợp tác này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quan hệ giữa Washington và Matxcơva. Cho đến nay, Mỹ và Nga chỉ mới dừng ở việc trao đổi các thông tin để tránh cho việc máy bay của hai quốc gia này đụng độ nhau trên không phận Syria. Hiện người ta vẫn đang chờ phản ứng từ phía Nga, xem liệu Matxcơva có đánh giá cao đề xuất này của Washington hay không. Tuy nhiên, phát ngôn viên của điện Kremlin đã nhắc lại rằng từ trước đến giờ Nga vẫn luôn ủng hộ cho một hành động chung và chính Washington đã từng khước từ lời kêu gọi hợp tác theo hướng này của Matxcơva.

Nguy cơ gây hại rất cao

Tuần vừa rồi, tại thượng đỉnh NATO họp tại Vacxava, chính tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi Mỹ và Nga tăng cường hợp tác để chống lại Al-Norsa. Về phần mình, Washington nhận định rằng từ giờ cho đến cuối năm nay, một khi mà lãnh thổ của Daech ngày càng bị thu hẹp, rất có thể các thành viên của tổ chức này sẽ liên lạc với Mặt Trận Al-Norsa tại Syria. Tuy tổ chức này bao gồm chủ yếu là người Syria nhưng lại có cùng một hệ tư tưởng Hồi Giáo cực đoan với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.Tóm lại, trong khi chờ các cuộc thương lượng về chuyển giao chính trị tại Syria có thể diễn ra vào thời gian tới đây, cần phải hợp sức để cùng « xử lý » mối đe dọa mang tên Al-Norsa. Hơn nữa, tay chân thân cận của Oussama Ben Laden, cũng như Saef Al-Adel – cựu thành viên của lực lượng đặc biệt Ai Cập – rất có thể đã bắt liên lạc với nhánh khủng bố Al-Qaida tại Syria, làm tăng khả năng gây hại của lực lượng này tại vùng phía tây của Syria, nơi mà mấy tháng vừa qua, người dân đã biểu tình chống lại « một trật tự của Hồi Giáo cực đoan » do Al-Norsa áp đặt.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Đối với Washington, hiện tham chiến tại Mossoul, Irak, bây giờ phải chuẩn bị đánh chiếm Raqqa, cứ địa của Daech tại Syria. Trong tài liệu hợp tác của Mỹ đề xuất với Nga kể trên, có nhắc đến các vụ tấn công « độc lập nhưng được phối hợp đồng bộ » chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, cũng như « các cuộc trao đổi thông tin » liên quan đến các vị trí của quân Hồi Giáo cực đoan cần nhắm đánh.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga này cũng vấp phải một số trở ngại. Đầu tiên là trở ngại về hợp tác với tổng thống Syria Bachar el-Assad, mà cho tới nay Washington vẫn không chấp nhận. Để tránh bị chỉ trích, bản kế hoạch này của Mỹ chỉ rõ rằng chế độ Syria không được phép bay trong « các vùng đã được chỉ định », trong đó bao gồm cả thành trì của phe Al-Norsa nằm phía tây của Syria. Người ta không chắc rằng liệu Nga có chấp nhận điều kiện này hay không.

Ngoài ra, tài liệu này của Mỹ cũng nhắc đến các vùng nơi mà « phe đối lập với chế độ Syria đang chiếm giữ, với khả năng là quân Al-Norsa cũng có mặt tại đó » và yêu cầu Syria không động đến khu vực này. Ấy vậy mà cho đến lúc này, tại miền tây, cũng như gần Aleppo của Syria, không quân Nga vẫn tiến hành trấn áp quân đối lập có hợp tác với Al-Norsa.

Nước Pháp lại rúng động vì khủng bố

Tám tháng sau các vụ khủng bố tại Paris, thế giới lại một lần nữa rúng động khi đón nhận tin dữ đến từ nước Pháp, ngay trong đêm mà hơn 66 triệu người dân nước này đón mừng Quốc Khánh. Đêm ngày 14/07/2016, vào khoảng 23 giờ tại Nice, một thành phố lớn nằm phía đông nam nước Pháp, trong khi rất đông người dân đang háo hức đón xem bắn pháo hoa, một chiếc xe tải lớn, chạy tốc độ cao và đã tông vào đám đông, khiến nhiều người thiệt mạng.

Vì vụ việc xảy ra vào đêm khuya nên sáng ngày 15/07/2016, các báo giấy của Pháp chưa kịp đưa tin, trừ nhật báo Le Figaro, với tựa lớn trên trang nhất : « Điều khủng khiếp lại xảy đến ». Sáng nay, một số nhật báo khác như Le Monde, Libération đã nhanh chóng cập nhật trên trang web của mình tin dữ này.

Một vài con số tổng kết của bộ Nội Vụ Pháp được công bố, theo đó 84 người đã thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và 18 người bị thương đang trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Vào khoảng 3 giờ 45 phút ngày 15/07, tổng thống Pháp François Hollande, trong một bài phát biểu trên truyền hình, đã thông báo kéo dài thêm ba tháng « tình trạng khẩn cấp », mà đáng lẽ ra sẽ kết thúc vào 26/07 tới đây.

Sáng cùng ngày, tại điện Elysée, hội đồng quốc phòng được triệu tập, bao gồm tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Manuel Valls, bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian và tổng tham mưu quân đội Pierre de Villiers. Bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve, do đã đến Nice ngay sau khi được tin vụ khủng bố đêm trước nên tham dự cuộc họp qua hình thức viễn đàm.

Pháp : Tái khẳng định mong muốn tiến hành nhanh thủ tục cho Brexit

Nhìn sang châu Âu, nhật báo Le Figaro, có bài : « Pháp tái khẳng định mong muốn tiến hành nhanh nhất thủ tục cho Brexit ».

Ngay sau khi thủ tướng mới của Anh, bà Theresa May chính thức nhậm chức, trả lời phỏng vấn ngày 14/07, tổng thống Pháp François Hollande tái khẳng định quan điểm của mình thông qua tuyên bố : « Bà thủ tướng May tiến hành thủ tục để nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu càng sớm bao nhiêu thì mối quan hệ giữa châu Âu và Vương quốc Anh, cũng như tình hình nước Pháp càng tốt bấy nhiêu ». Đồng thời, ông cũng khẳng định, trong thời gian tới, những gì mà trước đây nước Anh đã có khi còn trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ không thể tiếp tục được duy trì.

Trên bình diện an ninh, Pháp, với vai trò là một cường quốc quân sự hàng đầu của châu Âu, đã đề xuất một bản kế hoạch nhằm củng cố hơn nữa an ninh của khu vực này. Để thực hiện kế hoạch trên, Pháp cũng bày tỏ mong muốn có được sự hợp tác của Berlin và Luân Đôn.

Tân ngoại trưởng Anh : “Đồ của nợ” trong lĩnh vực ngoại giao

Báo Liberation tiếp tục chú ý đến tân chính phủ Anh Quốc và có bài nói về cựu đô trưởng Luân Đôn Boris Johnson, người vừa được chỉ định làm ngoại trưởng, dưới hàng tựa : « Boris Johnson, “đồ của nợ” trong lĩnh vực ngoại giao ».

Theo tờ báo, sau khi không ra ứng cử chức thủ tướng vì bị các đồng minh phản bội và bị coi là đã « chết về chính trị », ông Boris Johnson lại được bổ nhiệm làm ngoại trưởng trong chính phủ của bà Theresa May. Đây là một chính trị gia thường xuyên không biết giữ mồm giữ miệng, có những phát biểu miệt thị, phỉ báng đối với các chính khách quốc tế. Quả là một điều tế nhị đối với một ngoại trưởng sẽ phải gặp gỡ nhiều người mà ông đã từng nói xấu, dèm pha.

Chính vì thế, việc bổ nhiệm Boris Johnson làm ngoại trưởng không chỉ gây ngạc nhiên tại Anh mà ở cả nước ngoài. Theo ông Paddy Ashdown, cựu chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ thì đây là « một sự bổ nhiệm ngu xuẩn nhất kể từ khi tiểu bang California Hoa Kỳ chỉ định một con ngựa làm lãnh sự ».

Chân dung tân ngoại trưởng Anh

Ông Boris Johnson năm nay 52 tuổi, nguyên là đô trưởng thủ đô Luân Đôn, đóng vai thủ lĩnh phe ủng hộ Brexit trong cuộc trưng dân ý ngày 23/06. Ông sinh ra ở New York, Hoa Kỳ, lớn lên tại Bruxelles, Bỉ, có cụ cố là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói được nhiều thứ tiếng, chưa từng giữ chức bộ trưởng và trong lĩnh vực đối ngoại thì thành tích của ông cho đến lúc này bao gồm một loạt những phát biểu hớ hênh, mâu thuẫn và miệt thị.

Vậy tại sao vẫn chọn Boris Johnson làm ngoại trưởng ? Theo Libération, thực ra, thủ tướng Theresa May chấp nhận rủi ro có mức độ khi bổ nhiệm ông Johnson làm ngoại trưởng, vì ông vẫn còn được lòng dân, và ông sẽ trở nên « nguy hiểm » khi ở ngoài chính phủ. Tuy làm ngoại trưởng, nhưng ông Johnson không phải là người trực tiếp phụ trách hồ sơ đàm phán « ly dị » với Liên Hiệp Châu Âu vì có hai người khác, đó là bộ trưởng đặc trách đàm phán Brexit với Liên Hiệp Châu Âu và bộ trưởng Ngoại Thương.

Các quan chức ở Bruxelles chắc cũng rất hài lòng khi không phải đàm phán với một chính trị gia đã từng coi số phận của Liên Hiệp Châu Âu không khác gì số phận của Hitler.

Libération cho rằng, có lẽ ông Boris Johnson mở đầu hoạt động ngoại giao của mình bằng việc công du vòng quanh thế giới để xin lỗi nhiều chính khách quốc tế mà ông đã từng phỉ báng. Cách nay có hai tháng, ông đã ngụ ý rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có dính líu đến quan hệ tình dục với một con dê.

Năm 2007, ông miêu tả bà Hillary Clinton là một phụ nữ tóc vàng, sửa sang thẩm mỹ, với cặp môi sưng phồng, cặp mắt xanh thép giống như một nữ y sĩ ác nghiệt trong một bệnh viện tâm thần. Rồi đến tổng thống Mỹ Barack Obama mà ông cho rằng vẫn còn những phản ứng cội nguồn gốc gác Kenya…

Riêng đối với Trung Quốc, ông Johnson có quan hệ hữu nghị hơn. Khi làm đô trưởng Luân Đôn, ông tạo điều kiện thu hút đầu tư Trung Quốc, cho dù có lúc ông đùa rằng môn bóng bàn do người Anh đưa ra từ thế kỷ XIX…

Liệu những điểm « khác người » này sẽ trở thành một lợi thế đối với tân ngoại trưởng Anh ? Về phần mình, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận xét về đồng nghiệp Anh như sau :« Trong chiến dịch vận động trưng cầu dân ý, ông ta đã nói dối rất nhiều, giờ đây, ông bị dồn vào chân tường ».

Ý : Ngành đường sắt còn nhiều thiếu sót

Liên quan đến vụ hai chiếc tàu hỏa địa phương của Ý, chạy trên cùng một đoạn đường ray và đụng đầu nhau, gây tai nạn nghiêm trọng hôm thứ Ba, 12/07/2016, khiến 23 người thiệt mạng, 53 người bị thương, nhật báo công giáo La Croix nhìn nhận rằng ngành đường sắt Ý còn quá nhiều thiếu sót.

Bài báo nhắc lại rằng về nguyên tắc, chỉ khi nào người phụ trách nhà ga của hai thành phố thống nhất với nhau qua điện thoại thì tàu hỏa mới được phép chạy qua. Tuy nhiên, điều đó đã không được tôn trọng, dẫn đến xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc này. Bài báo trích đăng nhận định của ông Raffaele Cantone, phụ trách Ủy Ban Quốc Gia chống tham nhũng, theo đó thảm kịch này rất có thể là do lỗi của con người. Ông này cũng khẳng định đây chắc chắn là hậu quả của một vấn đề cố hữu của đất nước Ý, đó là xây dựng các cơ sở hạ tầng không phù hợp, mà một trong những nguyên do của tình trạng này là do nạn tham nhũng.

Châu Á – Thái Bình Dương : Gương mặt mới của tăng trưởng kinh tế

Nhìn sang khu vực châu Á, nhật báo Les Echos có bài viết với tựa : « Sự phân chia mới trong vùng châu Á- Thái Bình Dương ».

Bài báo đề cập đến một nghiên cứu của Euler Hermes, một cơ quan về bảo hiểm tín dụng-xuất khẩu mà theo đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định, trong 2 năm tới đây, cho dù thực tế là nền kinh tế của Trung Quốc có giảm tốc. Nghiên cứu này dự đoán rằng mức tăng trưởng kinh tế trong khu vực năm 2016 tuy có giảm nhẹ, ở mức 4,5%, so với năm ngoái (4,6%), thì sang năm 2017, sẽ ở mức 4,7%, với 3 nền kinh tế động lực : Việt Nam, Ấn Độ và Philippines.

Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non : 4 khuyến cáo cần lưu ý

Liên quan đến chủ đề Khoa học, nhật báo Le Figaro có bài viết với tựa : « Cải thiện việc chăm sóc trẻ sinh non ». Bài báo đề cập đến một nghiên cứu được tiến hành tại 11 quốc gia tại châu Âu, với 7.336 trẻ, bị sinh non trong khoảng thời gian từ 24 đến 32 tuần.

4 khuyến cáo được nghiên cứu này đưa ra, nhằm giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non trước 7 tháng, đó là : chuyển sản phụ đến nhà hộ sinh mà tại đó có phòng hồi sức dành cho trẻ sinh non ; tiêm vào cơ thể sản phụ hoocmon của tuyến thượng thận nhằm kích thích hoạt động phổi của trẻ ; quấn trẻ trong một chiếc túi hoặc đặt trẻ trên một chiếc đệm có sưởi để tránh hiện tượng sốc nhiệt ; tiêm vào phổi của trẻ một loại thuốc hỗ trợ hô hấp cho trẻ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160715-syria-my-tien-mot-buoc-ve-phia-matxcova