Đọc báo Pháp – 15/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 15/01/2019

Pháp : Thảo luận toàn quốc

cần thực tâm và tinh thần trách nhiệm

Tú Anh

« Hội ý toàn dân » là chiến thuật hỏa mù của tổng thống Pháp hay là một thách thức gian nan cho cả nước ? Đây là câu hỏi trên báo chí Pháp ngày 15/01/2019, ngày phát động chiến dịch « toàn dân thảo luận » để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin, bạo loạn đường phố. Mong ước thành công được thể hiện qua các bài phân tích.

« Đại thảo luận : Macron phải vượt lên những hoài nghi », tựa của Le Figaro. Nhật báo thân hữu Le Figaro cảnh báo : phe Áo Vàng chê « nội dung rỗng »  của bức thư ngỏ. « Một cuộc tranh luận toàn quốc để Macron nắm lại thế chủ động, xoa dịu nỗi căm phẫn của phong trào Áo Vàng và để nối lại tinh thần của phong trào Nước Pháp tiến bước », nhận định của Libération.

Ý thức nền dân chủ Pháp đang bị thách thức, cũng như các đồng nghiệp, Le Monde nhấn mạnh đến thái độ nhượng bộ của chủ nhân Điện Elysée và kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các chính trị gia đối lập.

« Chỉ có mù mới không thấy »

Phát pháo đầu tiên, Le Monde dành cho những người trong phe Áo Vàng và đối lập, chưa chi mà đã bác bỏ lời mời của tổng thống Pháp, cho đây là một loại « hỏa mù » hay một chiến thuật « giao tế », trước khi bức thư được công bố.

Bài xã luận « thách thức lớn của cuộc thảo luận lớn » cho rằng trừ phi mù quáng, trừ phi thiếu tinh thần trách nhiệm mới không thấy là bên trên số phận của tổng thống Macron là tương lai của đất nước cũng như khả năng của quốc gia vượt qua một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy đang đe dọa chế độ dân chủ.

Là tổng thống Cộng hòa Pháp, ông Macron tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng là chuyện đương nhiên mà đó còn là bổn phận của một nguyên thủ. Diễn văn cứng rắn hồi cuối năm 2018 với lời hứa không tăng thuế xăng rồi chi thêm 10 tỷ euro cải thiện sức mua của dân nghèo đã không làm giảm bạo lực.

Tổng thống buộc phải tung lá bài sau cùng là « hội ý với toàn dân », một biện pháp có một không hai trong lịch sử. Để chứng tỏ thiện chí, tổng thống Macron đã nhượng bộ ba bước : Thứ nhất, nhìn nhận chính nghĩa của phong trào Áo Vàng, xuống đường đòi hỏi một số nguyện vọng chính đáng.

Thứ hai là thay đổi phương pháp điều hành việc nước một cách ngoạn mục khi đề nghị « toàn dân cùng thảo luận các vấn đề của đất nước » chứ không phải chỉ có phe Áo vàng với những quan điểm áp đặt của phe này.

Bước nhượng bộ thứ ba là trong bức thư, tổng thống cam kết sẽ « ghi nhận mọi đóng góp » và sẽ « phối hợp hoạt động của chính phủ và quốc hội ». Theo Le Monde, đằng sau cụm từ này có một ý nghĩa chính trị rất quan trọng : trong ba năm tới đây, những đề nghị của dân chúng sẽ góp phần điều chỉnh chính sách của nhà nước.

Bước lùi thứ ba này mới chỉ là lời hứa nhưng nếu tổng thống Macron không giữ lời, không cải cách sâu rộng phương pháp lãnh đạo thì không cần đợi ba năm, mà chỉ bốn tháng tới đây thôi, ông sẽ lãnh đòn trừng phạt nặng nề hơn nữa, với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 26/05.

Nguyên tắc « thợ sửa xe và khách hàng »

Một cách cụ thể, tổng thống Macron sẽ lèo lái chiến dịch « hội ý » theo phương châm hành động nào và đâu là mục tiêu đi tới ? Nhật báo thiên tả Liberation giải thích.

Chiến dịch tham khảo ý kiến toàn dân do Điện Elysée mong muốn không chỉ đáp ứng nguyện vọng của phe Áo Vàng mà còn để ông Macron « vực dậy » ba năm còn lại của nhiệm kỳ và làm sống lại tinh thần chủ động của phong trào « Tiến bước », phát động vào năm 2016, vượt lên trên biên giới tả-hữu và là tiền thân của đảng cầm quyền « Nước Pháp Tiến Bước ! ».

Bức thư ngỏ của tổng thống Macron là « cơ may » cho đảng cầm quyền. Mounir Mahjoubi, một trong những thành viên trẻ trong nội các khẳng định với Libération : Áo Vàng muốn tham gia đổi mới đất nước thì chúng tôi đến với họ. Đến như thế nào ? Một dân biểu trẻ nhận định một cách sáng suốt : chúng tôi đã ngủ mê trong chiến thắng, bỏ quên những tác nhân trong xã hội dân sự cùng tần số với các dự án chuyển đổi đất nước.

Một trong những người thân cận ở điện Elysée nhìn nhận sự thật : từ nay, Macron bắt buộc phải bỏ lối lãnh đạo đơn độc. Một phương pháp hành động đã được phát họa từ năm 2017, nay sẽ được áp dụng. Phương pháp đó có tên là « phương pháp thợ sửa xe » : Anh giao tôi chiếc xe hư, tôi sửa chữa xong, tôi giao lại cho anh. Canh tân nước Pháp cũng như sửa chiếc xe bị hỏng : Chính phủ sẽ phục hưng đất nước rồi sẽ trao lại cho dân trong hai năm tới.

Nhật báo cánh tả đồng ý nhưng lấy làm tiếc là chính phủ đã không nắm bàn tay của công đoàn CFDT hồi tháng 11, đề nghị một « hợp đồng chuyển đổi kinh tế xanh » để tránh « khủng hoảng Áo Vàng » vừa manh nha xuất hiện.

Brexit : « Bóng hỗn loạn »

Một quốc gia châu Âu khác cũng đang đứng trước một tương lai bất định, có lẽ còn nguy hiểm hơn tình trạng nước Pháp : Anh Quốc ra sao nếu quốc hội bác bỏ dự án thỏa thuận Brexit ?

Le Figaro không khỏi lo ngại : giờ sự thật đã điểm. Nếu hôm nay quốc hội Anh bác bỏ dự thảo hiệp định Brexit thì sao ? Phe ủng hộ  văn kiện hiệp định còn thiếu ít nhất 100 dân biểu. Nếu thất bại, thủ tướng Theresa May chỉ còn tối đa ba ngày để đề nghị kế hoạch B.

Nhưng trong ba ngày này, bà có thể sẽ bị lật đổ vì đảng đối lập cho biết sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm. Trong khi đó, nhiều nhóm dân biểu tìm cách đưa ra hai phương án khác : hoặc tổ chức lại trưng cầu dân ý hoặc thương lượng với Bruxelles một thỏa thuận khác theo quy chế « thành viên liên kết » với Liên Hiệp Châu Âu.

Bi quan hơn, nhật báo Công giáo La Croix dự báo một tình trạng « hỗn loạn » : Châu Âu nín thở chờ kết quả. Theresa May hy vọng sẽ hội đủ đa số vào phút chót. Nhưng nếu thua, thì từ chính phủ cho đến đảng bảo thủ và nước Anh sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Viễn ảnh nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 30/03 mà không có một thỏa thuận không khác gì một tảng băng sơn bất ngờ xuất hiện trong sương mù. Ngân hàng trung ương dự báo đồng bảng Anh rơi tự do, thất nghiệp tăng vọt cùng với tỷ lệ lạm phát. Đề phòng tình trạng khách hàng cướp phá siêu thị, cảnh sát Anh kêu gọi doanh nghiệp tuyển mộ vệ sĩ canh gác. Theo La Croix, Châu Âu phải nín thở vì xu hướng ly khai cũng đang lên tại nhiều thành viên.

Venezuela đói khổ đẩy dân bỏ xứ

Nhật báo Công giáo không quên một cuộc khủng hoảng khác diễn ra từ nhiều năm nay tại Châu Mỹ La-tinh. Chế độ xã hội ở Venezuela đang sụp đổ đã khiến cho hai triệu dân Venezuela bỏ xứ ra đi. Đi đâu ? Một trong những điểm đến là láng giềng Peru, nơi có công ăn việc làm, có một nền kinh tế khá mạnh : tăng trưởng 5% liên tục từ năm năm nay.

Tuy nhiên, cứ mỗi ngày có 1000 người Venezuela, sau khi băng ngang Colombia, đến xin tá túc thì lâu ngày đã phát sinh căng thẳng với dân bản xứ. Vấn đề là Venezuela tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, dân cũng tiếp tục ra đi. Chế độ độc tài của Nicolas Maduro, ý thức hệ lạc hậu và chính sách đàn áp đối lập đã làm cho mọi sáng kiến huy động cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn.

Hiệp hội nhân đạo Secours catholique-Caritas Pháp  than phiền chính quyền Caracas tiếp tục chối bỏ sự thật đất nước khủng hoảng, rất ít tổ chức thiện nguyện được phép hoạt động. Paula Pasquez,  một chuyên gia Pháp nhận định : « Trước đây, chính quyền cách mạng Venezuela bảo vệ dân nghèo nên được cảm tình quốc tế. Ngày nay quốc tế không ủng hộ nữa. Bản thân tôi nghiên cứu tình hình một cách trung lập mà còn bị chính quyền Maduro cho là người của đối lập ».

Trung Quốc : tăng trưởng 1,67% ?

Kinh tế Trung Quốc cũng là chủ đề lớn trên báo chí Pháp. Xuất khẩu giảm, địa ốc không người mua, xe hơi ế ẩm… nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Hoa lục hụt hơi. Đó là những phân tích trên Le Figaro và Les Echos.

Theo Le Figaro, tình hình còn đáng lo hơn vì các thống kê của chính phủ Trung Quốc không đáng tin cậy. Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có 1,67% chứ không phải là 6,5% theo chỉ tiêu của Nhà nước. Các số liệu nhạy cảm không được công bố mà ngay trong giới quan chức cũng ít người được biết.

Vào ngày 16/12/2018, trong một diễn văn gây chấn động, chuyên gia Xiang Song Zuo, đại học Nhân Dân, phải thốt lên :  sự thật là kinh tế của chúng ta có vấn đề. Trong khi đó xuất khẩu giảm 4,4% trong tháng 12 so với cùng thời kỳ năm 2017. Sản xuất lao động giảm trong khi nợ của người dân tăng cao. Sự kiện xe hơi ế ẩm, lần đầu tiên xảy ra tại Trung Quốc, là dấu hiệu dân có tiền mất tin tưởng vào tương lai.

Dấu hiệu kinh tế hụt hơi lộ ra đúng vào thời điểm bất lợi cho Bắc Kinh, đặt các nhà thương thuyết củaTrung Quốc vào thế yếu trong lúc đàm phán tránh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, theo nhận định của nhật báo thiên hữu.

Donald Trump trong thế gọng kềm

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lúc bị rơi vào thế  gọng kềm, một bên là bức tường biên giới và một bên là quan hệ bí ẩn với Putin, chiếm trang quốc tế của Le Monde.

Theo nhật báo, từ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng dân chủ tìm lại thế mạnh để đòi hỏi tổng thống Donald Trump trả giá. Tân chủ tịch Ủy ban tính báo hạ viện, dân biểu Adam Schiff cho biết sẽ tiến hành điều tra buộc Nhà Trắng phải giao nộp biên bản ít nhất 5 cuộc gặp riêng giữa Donald Trump và Putin.

Tuần trước, hai nhật báo New York Times và Washington Post cho biết các biên bản này bị Donald Trump giữ lại. Thứ Bảy (12/01) vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn trên đài Foxnews, có tiếng thân Donald Trump, một nữ ký giả hỏi một cách trêu chọc : Tổng thống có phải là nhân viên của Nga hay không?

Trong khi đó, công luận Mỹ ngày càng chống lại dự án xây tường của Donald Trump. Theo một cuộc thăm dò, 61% chống lại biện pháp ban hành tình trạng khẩn cấp để tổng thống rộng quyền sử dụng tiền xây tường biên giới mà không qua quốc hội. Tổng thống Trump đã bỏ ý định này.

http://vi.rfi.fr/phap/20190115-phap-thao-luan-toan-quoc-thuc-tam-trach-nhiem

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Tòa án Tokyo lại bác đơn xin tại ngoại của ông Carlos Ghosn. 

Chủ tịch tập đoàn Renault tiếp tục bị tạm giam với hai cáo trạng mới từ hôm 11/01/2019. Với quyết định của tòa án Tokyo ngày 15/01, ông Carlos Ghosn liên tục bị giam giữ từ ngày 19/11/2018 vì tội « lạm dụng tín nhiệm ».

(AFP) – Ba Lan kiểm kê trang thiết bị do tập đoàn Hoa Vi cung cấp. 

Phát biểu ngày 14/01/2019, một quan chức của bộ Kinh Tế Kỹ thuật số Ba Lan cho biết đợt kiểm tra này liên quan đến các trang thiết bị đã hoạt động, cũng như những thiết bị sẽ được đưa vào sử dụng trong mạng 5G, nhằm phân tích những rủi ro liên quan đến thiết bị của Hoa Vi, chủ yếu trong cơ sở hạ tầng viễn thông, và không liên quan đến điện thoại thông minh.

(RFI) – Venezuela : Tổng thống Maduro tăng lương tối thiểu thêm 300% 

Theo tỉ giá hiện hành, mức lương này chưa đầy 10 euro/tháng. Ngày 14/01/2019, khi trình bày về kế hoạch kinh tế, ông Maduro cho rằng tình trạng lạm phát là công cụ để Mỹ gây chiến tranh kinh tế với Venezuela. Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI), tỉ lệ siêu lạm phát tại Venezuela sẽ lên đến 10.000.000% vào năm 2019.

(AFP) – Mỹ : Một em bé 6 tuổi mang súng đã nạp đạn đến trường. 

Trên mạng Facebook ngày 14/01/2019, cảnh sát thành phố Columbus (bắc Mỹ) cho biết phát hiện một em bé với một « vật nặng » trong quần khi vào trường mẫu giáo Africentric hôm 11/01. Khám soát người em, họ phát hiện ra khẩu súng, nhưng bé này không bị truy tố vì nhỏ tuổi. Tuy nhiên, cảnh sát đang điều tra để tìm hiểu tại sao em bé này có súng trên người.

(Stars and Strips) –Mỹ và Úc diễn tập phối hợp chống tầu ngầm. 

Theo một thông báo của Hải Quân Mỹ, hôm Chủ Nhật 13/01, quân đội Mỹ – Úc bắt đầu đợt diễn tập phối hợp chống tầu ngầm tại đảo Guam, Thái Bình Dương. Thời gian diễn tập là 11 ngày. Chiến dịch mang tên Sea Dragon nằm trong chiến lược bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « tự do và mở », của Mỹ và các đồng minh, để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

(AFP) –Đức và Pháp trao giải thưởng nhân quyền Pháp – Đức cho một luật sư Trung Quốc. 

Nhà tranh đấucho nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhuang) đang bị chính quyền Bắc Kinh giam giữ. Vợ của luật sư đã đến nhận giải thưởng trong buổi lễ được tổ chức hôm qua 14/01 tại Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh.

(AFP) – Hàng trăm chuyến bay tại Đức bị hủy do bãi công.

Hôm nay, 15/01/2019, hàng không tại Đức bị cản trở nghiêm trọng, do cuộc bãi công lần thứ ba trong vòng 10 ngày qua, của nhân viên an toàn không lưu để đòi tăng lương. Ít nhất 220.000 hành khách bị chậm hoặc hủy chuyến hôm nay.

(Reuters) –Nhịp độ tan băng tại Nam Cực nhanh hơn dự kiến. 

Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí khoa học Mỹ Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), lượng băng tan trong 9 năm 2009-2017 là 250 tỉ tấn/năm, gấp 6 lần so với cách nay 40 năm. Báo cáo nói trên khẳng định nhịp độ tan băng trung bình trong giai đoạn 1992-2017 là 169 tỉ tấn/năm, cao gấp rưỡi so với mức ước tính trước đây (109 tỉ/năm).

(AFP) – Nga mất khả năng kiểm soát viễn vọng kính không gian duy nhất của nước này. 

Hôm qua, 14/01/2019, Cơ quan Không gian Nga Roscosmos thông báo là từ thứ Năm 10/01, viễn vọng kính không gian Spektr-R đã không đáp lại các chỉ thị của trung tâm điều khiển từ Trái đất. Tuy nhiên, theo Roscosmos, một phòng thí nghiệm của Mỹ vẫn bắt được các tín hiệu từ Spektr-R, chứng tỏ là các hệ thống trên viễn vọng kính này vẫn hoạt động một cách tự lập.

(AFP) – Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật bác bỏ cáo buộc tham nhũng. 

Hôm nay, 15/01/2019, ông Tsunekazu Takeda, Chủ tịch Ủy ban Thế vận Nhật Bản, đã bác bỏ các cáo buộc tham nhũng. Ông khẳng định không có liên can gì đến nghi án hối lộ tiền vào năm 2013 để Tokyo giành quyền đăng cai Thế vận hội 2020. Cách đây một tháng, ông Takeda đã bị truy tố tại Pháp về vụ này. Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật tuyên bố ông « vô tội » và sẵn sàng hợp tác với các nhà điều tra để chứng minh sự vô tội với ngành tư pháp của Pháp.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190115-tin-doc-nhanh