Đọc báo Pháp – 15/12/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 15/12/2020

Duy Ngô Nhĩ: Nô lệ của Bắc Kinh trên cánh đồng bông vải – Tú Anh

Đại dịch Covid mịt mù chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, Brexit vẫn bế tắc, Joe Biden đã  được cử tri đoàn xác nhận chiến thắng nhưng Donald Trump vẫn không chịu thua, nhiều cơ quan Mỹ bị tin tặc Nga tấn công nhưng Matxcơva vẫn phủ nhận. Đó là những chủ đề chung của báo Pháp hôm nay. Libération dành sáu trang cho bản báo cáo về tình trạng nô lệ mới tại Trung Quốc mà nạn nhân là hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ lao động ở các đồn điền trồng bông vải.

Độc giả của Libération được nhật báo thiên tả mời sang Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bách lao động trong những cánh đồng bông vải của Trung Quốc, để Bắc Kinh đạt chỉ tiêu bành trướng công nghiệp.

Sau khi đã tố giác các nhà tù khổng lồ, chiến lược chia cắt gia đình, chiến dịch triệt sản ở Tân Cương, Libération và hai đồng nghiệp  BBC và báo Đức Suddeutsche Zeitung tiếp tục công việc làm sáng tỏ thân phận của các sắc dân theo đạo Hổi nằm trong vòng kềm tỏa của chế độ độc tài Trung Quốc. Dựa trên tài liệu chính thức, nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz thu thập chứng cớ Bắc Kinh cung cấp cho các công ty trồng bông vải hàng trăm ngàn nhân công ngoan ngoãn, bị nhồi sọ chính trị, « giải phóng tư tưởng » và tình trạng cưỡng bách bắt đầu ngay trong công đoạn hái bông vải.

Lấy cớ « chống nghèo khó và cải tạo chính trị bằng lao động », công việc được tổ chức theo mô hình ba bậc từ trên xuống dưới : công ty trồng bông vải nộp cho chính quyền nhu cầu nhân công và trình độ tay nghề cho mùa sắp đến. Sau khi đào tạo « theo yêu cầu », nhân công được giao từng lô cho chủ đồn điền đúng ngày giao hẹn từ khắp lãnh thổ Tân Cương. Cụ thể là hai quận Aksu và Hotan, ngày 08/10/2018, đã giao cho các đồn điền do tỉnh bộ đảng Cộng Sản ở Tân Cương quản lý 210.000 nhân công. Trong lúc vận chuyển và trong suốt thời gian hái bông vải, nhân công luôn bị kiểm soát và học tập « lòng biết ơn đối với Đảng ».

Nhưng làm sao biết họ là nạn nhân của chế độ cưỡng bách lao động ?

Libération đặt câu hỏi với Habibula Mohamet, 34 tuổi, một người Duy Ngô Nhĩ, chủ nhân một công ty dệt ở Tân Cương, tị nạn từ năm 2017 tại Istanbul, sau khi nhiều người Hồi Giáo đi ra nước ngoài trở về thì bị bắt. Người chị, Patigul 42 tuổi ở lại Urumqi đột nhiên mất tích 7 tháng và sau đó báo tin là « được cải tạo, được dạy nghề mới ». Tháng 9/2019, người quen gặp Patigul làm việc trong một nhà máy.

Làm sao biết chắc là chị của ông bị ép buộc ? Habidula giải thích: Chị tôi có bằng Tú tài, thông thạo Hoa Ngữ, thích học hỏi, không thích làm lao động chân tay, không thích may vá. Nếu muốn, chị có thể làm việc trong hãng của tôi. Chồng của chị là chủ nhân một công ty điện chuyên môn có hợp đồng lớn với các cơ sở thương mại, cả hai đều giàu, có nhà cửa riêng, tại sao phải bỏ chồng bỏ con đi làm nhân công dây chuyền một hãng dệt với đồng lương rẻ mạt ?

Bên cạnh điều tra của nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, khắc tinh của Trung Quốc mà Libération dành một trang giới thiệu chân dung, nhật báo thiên tả tìm hiểu thêm về ngành kỹ nghệ may mặc sử dụng sản phẩm « cưỡng bách lao động » và do đâu mà Bắc Kinh có thể  tự tung tự tác.

Cách làm ăn theo lối độc tài này đi ngược lại nguyên tắc của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và vi phạm nhân quyền. Thứ Năm tuần này, Nghị Viện Châu Âu sẽ ra nghị quyết tố cáo.

Thế nhưng chính quyền Trung Quốc, với sức mạnh và trọng lượng kinh tế có thể tiếp tục khai thác thái độ im lặng, mâu thuẫn của các nước phương Tây, có thể lợi dụng thái độ « đà điểu » của các công ty may mặc ham hàng giá rẻ và thái độ mặc kệ của người tiêu dùng.

Trong bài « Vải làm do cưỡng bách », Libération tỏ hy vọng vào giải pháp « không mua vải của Trung Quốc nữa, thay thế bằng các nguồn của Ấn Độ và Brazil ». Tổ chức công nghiệp Better Cotton Initiative cam kết không nhập hàng Tân Cương. Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, theo thủ tục khẩn cấp lật ngược thế trận: Chính các xí nghiệp phải chứng minh là hàng của họ không do lao động cưỡng bách làm ra.

Brexit: Mặc cả sau cùng để tránh « No Deal »

Điều làm Luân Đôn lo sợ nhất là nếu không thỏa thuận, Anh Quốc sẽ  trả cái giá kinh tế và hệ quả xáo trộn rất nặng nề, tựa của Le Monde. Nhật báo Công Giáo La Croix « tình cảm hơn » : Đây người Anh nói với người Pháp, những lo âu và hy vọng trước tương lai.

Với chủ đề Covid, Le Figaro bi quan : từ phong tỏa đến giới nghiêm, hết thử thách này đến thử thách khác, tâm trạng chán chường của người dân Pháp cộng với hệ quả khủng hoảng kinh tế làm chính phủ lo ngại. Trang lịch sử, nhật báo thiên hữu đưa độc giả đến biệt thự của Stalin nơi nhà độc tài Liên xô dùng bữa ăn tối cuối cùng với bốn ủy viên Bộ Chính Trị, trước khi qua đời một cách bí ẩn.

Bên cạnh thời sự nhiều bất trắc, trang nhất các báo đều dành một chổ trân trọng để vĩnh biệt nhà văn tiểu thuyết gián điệp Anh, nguyên là điệp viên của cơ quan tình báo MI6, vừa từ trần ở tuổi 89 : John Le Carré (bút hiệu).

Sức mạnh bình thản của Châu Âu

Trở lại hồ sơ Brexit, bài xã luận « Nghị lực thầm lặng » của Liên Âu,  Le Monde nêu lên những thủ đoạn chính trị của thủ tướng Anh và thái độ trầm tĩnh của châu Âu trong nỗ lực sau cùng để tránh « No Deal ».

Hôm Chủ Nhật, thay vì loan báo đàm phán thất bại, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định thương lượng tiếp sau 9 tháng sóng gió.

Liệu Boris Johnson có sẵn sàng tặng cho nước của ông một cú « sốc » kinh khủng nếu Liên Hiệp Châu Âu thiết lập lại hàng rào thuế quan ? Thủ tướng Anh đã lừa dối dân Anh khi cho rằng ông có thể lấy lại chủ quyền cho nước Anh và cũng được Liên Hiệp Châu Âu mở rộng cửa nhập khẩu hàng Anh.

Liên Hiệp Châu Âu, theo Le Monde, sẽ tiếp tục bảo vệ thị trường chung 27 nước, nền tảng sức mạnh tập thể, một điều kiện không khoan nhượng trong thỏa hiệp nếu có.

Thái độ trầm tĩnh, nghị lực thầm lặng này xuất phát từ một đức tính tuyệt đỉnh: đó là tinh thần đoàn kết. Bởi vì « No Deal » sẽ không tuyệt vời như Boris Johnson khẳng định mà sẽ là một thất bại kinh khủng cho cả hai bên.

Les Echos dự đoán là Luân Đôn và Bruxelles sẽ đàm phán đến phút chót để tránh « No Deal » bởi vì cái giá Anh Quốc phải trả rất nặng, châu Âu có thể nhẹ hơn nhưng « Deal vẫn tốt hơn No Deal » về lâu về dài.

La Croix, trong bài xã luận « Chúng ta là láng giềng mãi mãi » cũng hy vọng là thái độ diễu võ dương oai sẽ lắng xuống. Biển Manche (tiếng Anh là Chanel) là sân cỏ nằm giữa hai gia đình hàng xóm với nhau. Lắm khi sân vườn đó gây tranh luận. Biển Manche là nơi hai dân tộc láng giềng quan sát nhau, so sánh nhau. Do vậy, Brexit chỉ là một giai đoạn lệch tâm và cũng là tấm gương phản chiếu những căng thẳng đang làm chấn động nước Pháp.

Khi nào thoát khỏi đường hầm Covid-19 ?

Báo chí Pháp không trả lời câu hỏi hóc búa này nhưng điều chắc chắn là không thể trở lại những ngày tự do êm ả, họp mặt vô tư như trước. Libération và Le Figaro đồng điệu.

Nhật báo thiên tả dành cho nhà kinh tế Benjamin Coriat một bài phỏng vấn dài mà ý chính là « Chúng ta đã bước vào một thời đại mà dịch bệnh và thiên tai xảy ra liên tục ».  Giải pháp cứu nguy duy nhất là cố gắng  bảo vệ tài sản chung của nhân loại từ môi trường thiên nhiên cho đến xã  hội.

Còn Le Figaro, trong bài xã luận « Như hôm qua », ước mong sớm trở lại thời tự do đầy đủ . Nhưng đại dịch không cho phép chúng ta sống như ngày hôm qua. Nhưng đối với những người yêu chuộng tự do, ngay từ bây giờ phải giám sát kỹ đừng để cho cho những chủ trương kiểm soát hành chánh tối đa hay vệ sinh tối đa của một số nhà kỹ trị và khoa học tồn tại sau đại dịch.

Trong mùa Giáng Sinh trước mắt, nhật báo thiên hữu buông xuôi : Giới nghiêm đẩy lùi hy vọng tìm lại cuộc sống như trước đây.

Thời sự Mỹ nổi bật với sự kiện được dự báo là Đại Cử Tri Đoàn xác nhận Joe Biden đắc cử tổng thống. Chuyện thứ hai là nhiều cơ quan Mỹ bị tin tặc tấn công.

Le Monde và Le Figaro lược thuật những gì xảy ra cho bộ Tài Chính và Thương Mại Mỹ. Thủ phạm là APT 29, một nhóm tin tặc có quan hệ với chính quyền Nga. Tuy nhiên, đúng như dự báo, phát ngôn viên điện Kremlin phủ nhận ngay : Chúng tôi không bao giờ tấn công trên mạng.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201215-duy-ng%C3%B4-nh%C4%A9-n%C3%B4-l%E1%BB%87-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-kinh-tr%C3%AAn-c%C3%A1nh-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%B4ng-v%E1%BA%A3i

Tin tổng hợp

(ABS-CBN) – Nhật-Philippines cam kết hợp tác chặt chẽ về Biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật cho biết hôm qua tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã nhất trí thắt chặt hợp tác các lĩnh vực liên quan đến Biển Đông, trong cuộc nói chuyện điện thoại dài khoảng hai chục phút. Ông Suga ngỏ ý mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và cùng nhau hành động để xây dựng một vùng « Ấn Độ -Thái Bình Dương rộng mở và tự do ».

(AFP) – Indonesia mời Elon Musk đến xây dựng cơ sở phóng tàu không gian. 

Chính quyền Jakarta cho biết đã mời ông chủ của Tesla, Elon Musk, xây dựng tại quần đảo cơ sở phóng tàu SpaceX. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức đề xuất tỷ phú Elon Muske suy nghĩ về một dự án không gian tại Indonesia, trong một cuộc điện thoại ngày 11/12/2020. Năm ngoái, cơ quan không gian Indonesia đã thông báo dự án xây dựng cơ sở không gian trên đảo Biak, ngoài khơi Papouasie và đang thảo luận với các đối tác nước ngoài. Jodi Mahardi, phát ngôn viên bộ điều phối hải vụ và đầu tư nói : «  Indonesia có nhiều vùng nằm gần xích đạo », nếu xây dựng thành căn cứ phóng tên lửa không gian thì « giá thành phóng SpaceX sẽ còn hạ hơn ».

(AFP) – Nỗ lực mới của Mạnh Vãn Châu để tránh bị dẫn độ.

 Hôm qua 14/12/2020, ngày cuối cùng của phiên tòa, các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), phó chủ tịch Hoa Vi (Huawei) đã nộp các tài liệu mới nhằm cố gắng hủy bỏ việc dẫn độ sang Mỹ. Các lý lẽ được nêu ra trước đó là quyền của bà Mạnh đã bị vi phạm khi bị bắt giữ ở sân bay Vancouver, và sự can thiệp của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng đều bị tòa bác bỏ. Phiên xử cuối cùng để quyết định việc dẫn độ được dời đến tháng 5/2021.

(Yonhap) – Quốc Hội Hàn Quốc thông qua luật cấm thả truyền đơn sang Bắc Triều Tiên. 

Hôm qua 14/12/2020 Quốc Hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm cấm thả các truyền đơn đả kích Kim Jong Un và chế độ Bắc Triều Tiên sang bên kia biên giới liên Triều, bất chấp việc đối lập kịch liệt phản đối. Những ai vi phạm có thể bị phạt đến 3 năm tù và 30 triệu won (27.507 đô la). Hai nước Triều Tiên trong tuyên bố Bàn Môn Điếm năm 2018 đã thỏa thuận ngưng các hoạt động thù địch ở vùng biên giới, nhưng các tổ chức do người Bắc Triều Tiên đào thoát lãnh đạo vẫn tiếp tục thả truyền đơn. Bình Nhưỡng trả đũa bằng việc cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong vào tháng Sáu. Đảng đối lập chính PPP cho rằng đây là thực hiện quyền tự do ngôn luận, đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

(AFP) – Nga phóng thành công hỏa tiễn Angara thế hệ mới.

Sáu năm sau lần thử nghiệm đầu tiên, hôm qua 14/12/2020 Nga đã phóng thành công hỏa tiễn Angara loại mới, lần đầu tiên được triển khai kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Loại hỏa tiễn hạng nặng dùng công nghệ sạch này nhằm thay thế loại Proton, được sử dụng để phóng các vệ tinh và tàu vận tải Progress tiếp liệu cho trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

(AFP) – Ajerbaizan thông báo trao đổi tù binh với Armenia. 

Thông báo được Hội Đồng Nhà Nước Ajerbaizan đưa ra trong thông cáo ngày 14/12/2020, hơn một tháng sau khi hai bên ký kết thỏa thuận đình chiến tại Thượng Karabakh do Nga làm trung gian. Vẫn theo thông cáo trên, đây là kết quả “đàm phán với Armenia, các tổ chức quốc tế và bộ chỉ huy gìn giữ hòa bình Nga”, theo nguyên tắc “trao đổi toàn bộ” tù nhân và con tin, bắt đầu ngay từ ngày hôm qua 14/12.

(France24) – EU chuẩn bị loạt « vũ khí » chống các tập đoàn kỹ thuật số. 

Hôm nay 15/12/2020 Liên Hiệp Châu Âu (EU) giới thiệu để đối phó với các đại gia Google, Amazon, Facebook…, bị cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền và không kiểm soát đúng mức các nội dung trên mạng. Sau nhiều năm tiến hành các vụ kiện không thành công, nay EU dự định phạt đến 10% doanh số đối với khoảng 12 tập đoàn hùng mạnh trong đó có nhóm GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon et Microsoft) nếu vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh, thậm chí có thể cấm hoạt động tại châu Âu. Đối với các nội dung bất hợp pháp, mức phạt là 6% doanh số. Dự luật này sẽ được thương thảo trong ít nhất một năm với Nghị Viện Châu Âu và các nước thành viên.

(AFP/NHK) – Đa số người dân Nhật Bản lưỡng lự về việc duy trì Thế Vận Hội 2021. 

Theo một cuộc thăm dò mới nhất, chỉ khoảng 27% số người được hỏi ủng hộ việc duy trì Thế Vận Hội, dự kiến diễn ra từ ngày 23/07 đến ngày 08/08/2021 ; 32% ủng hộ hủy toàn bộ sự kiện và 31% muốn hoãn thêm lần nữa. Dịch Covid-19 đã buộc ban tổ chức Thế Vận Hội lùi sự kiện lẽ ra diễn ra vào năm 2020 sang năm 2021. Cũng vì Covid-19 hoành hành trở lại, tối 14/12 chính phủ Nhật Bản thông báo tạm ngừng chương trình khuyến khích đi du lịch “Go to Travel” trên toàn quốc từ 28/12/2020 đến 11/01/2021 nhân dịp nghỉ Năm Mới.

(NHK) – Trung Quốc phạt tập đoàn kinh doanh trên mạng.

Chính quyền Trung Quốc, thông báo ngày 14/12/2020 là đã ra quyết định phạt tập đoàn thương mại trên mạng nối tiếng Alibaba Group, một chi nhánh của Tencent Holding, chuyên về mạng xã hội, cùng một công ty khác vì đã vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc. Mức tiền phạt là 76.500 đô la cho mỗi công ty. Theo chính quyền, quyết định xử phạt này là dấu hiệu tăng cương giám sát các hành vi độc quyền của các hãng trên internet.Mặt khác dương như chính quyền ngày càng lo ngại sự lớn mạnh nhanh chóng cùng ảnh hưởng của nhiều công ty công nghệ cao.

(Reuters) – Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) muốn các mạng xã hội, nền tảng chia sẻ video cho biết cách họ sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng. 

Theo thông báo ngày 15/12/2020 của FTC, Ủy ban này đặc biệt muốn biết các mạng thu thập thông tin của cư dân mạng thế nào, sử dụng thuật toán ra sao, gây tác động thế nào đối với trẻ em và bị thành niên. Các tập đoàn có 45 ngày để hồi đáp yêu cầu của FTC.

(AFP) – Quyền của người đồng tính, lưỡng giới đã được cải thiện nhưng vẫn còn 69 nước coi quan hệ tình dục đồng giới là phạm tội. 

Đây là kết quả báo cáo Hiệp hội quốc tế của người đồng giới, chuyển giới (ILGA World) công bố ngày 15/12/2020. Theo ILGA World, tin vui là có một số nước đã hủy bỏ án tử hình nhắm vào quan hệ tình dục đồng giới, chẳng hạn Sudan. Có 4 nước thành viên Liên Hiệp Quốc cấm biện pháp trị liệu cho người đồng tính và 28 thành viên Liên Hiệp Quốc công nhận hôn nhân đồng giới.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201215-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 15/12:

Máy bỏ phiếu Dominion được thiết kế để gian lận; Hãng tin CNN bị kiện

Tiểu Lý

Mục Điểm tin thế giới của DKN ngày 15/12 xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

‘Ít nhất Tối cao Pháp viện cũng nên lắng nghe lập luận của Texas’. Tổng chưởng lý Ken Paxton của tiểu bang Texas đã đưa ra ý kiến này hôm 13/12 trong cuộc phỏng vấn với Fox News sau khi đơn kiện 4 bang chiến địa của bang ông bị Tối cao Pháp viện từ chối. Ông Paxton còn bày tỏ lo ngại rằng nếu các vụ kiện gian lận không được giải quyết thì các vấn đề đã xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống ở Georgia có thể một lần nữa phát sinh trong cuộc tranh cử Thượng viện vào tháng 1/2021 [Epoch Times].

Singapore phê duyệt vaccine viêm phổi Vũ Hán của Pfizer. Quốc đảo này đã trở thành nước châu Á đầu tiên phê duyệt vaccine của Pfizer và những liều vaccine đầu tiên sẽ được triển khai vào cuối tháng 12. Singapore hi vọng sẽ có đủ vaccine miễn phí cho 5,7 triệu dân trước quý III/2021. Việc tiêm vaccine sẽ hoàn toàn tự nguyện. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông và các quan chức chính phủ sẽ nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vaccine, bên cạnh nhân viên y tế, người cao tuổi và người dễ tổn thương [Reuters].

Hàn Quốc bị lên án vì cấm gửi truyền đơn chống Triều Tiên. Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 đã thông qua luật hình sự về việc gửi truyền đơn, ổ USB – một phương thức phổ biến để gửi thông tin và nội dung giải trí – hoặc tiền cho người Triều Tiên, nhưng vấp phải phản ứng từ các nhà hoạt động nhân quyền. “Tôi không chấp nhận đây là luật hợp pháp và sẽ tiếp tục làm những gì tôi đang làm: đó là truyền thông điệp về tự do cho 25 triệu người ở bên kia biên giới”, ông Park, một nhà hoạt động nhân quyền, nói [France24].

Máy bỏ phiếu Dominion được thiết kế để gian lận. Đó là kết luận của công ty dữ liệu Allied Security Operations Group (ASOG). Ông Russell Ramsland Jr., một trong những sáng lập viên của ASOG cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng Hệ thống bỏ phiếu Dominion được thiết kế có chủ đích với các lỗi cố hữu nhằm tạo ra gian lận có hệ thống và ảnh hưởng đến kết quả bầu cử” [Epoch Times].

Hãng tin CNN bị kiện. Kênh truyền thông này là bị đơn của ông Kash Patel, chánh văn phòng của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller. Đơn kiện của ông Patel tố cáo CNN đã cho công bố những tuyên bố sai sự thật và quảng bá “những bài tường thuật chính trị cánh tả vô căn cứ” về ông khi nói rằng ông là một nhà “âm mưu học” ủng hộ Tổng thống Trump và tấn công Biden [Daily Wire].

Ba cựu tướng lĩnh Mỹ kêu gọi TT Trump thiết quân luật. Tướng Scott O’Grady cho rằng thiết quân luật không phải là một ý tưởng tồi khi có một cuộc đảo chính hiện hữu nhằm vào tổng thống Trump và Hoa Kỳ. Trong khi đó tướng Flynn nhiều lần nêu ra đề nghị này, ông cho biết người Mỹ ở thời điểm này chỉ có thể đặt niềm tin vào quân đội khi phe thiên tả cài cắm người khắp nơi và lũng đoạn đất nước. Trong khi đó, tướng McInerney kêu gọi TT Trump thiết quân luật để thu giữ toàn bộ máy kiểm phiếu gian lận [Headlines360].

Tổng giám đốc WHO đối mặt tội diệt chủng. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đang phải đối mặt với đơn kiện khép ông vào tội danh này. Ông Tedros bị cáo buộc khi còn giữ các chức vụ quan trọng tại quê nhà Ethiopia đã tham gia chỉ đạo lực lượng an ninh giết hại người dân. Steinman, một nhà kinh tế và nhà vận động được đề cử cho giải thưởng hòa bình năm ngoái, đã nộp đơn kiện ông Tedros tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague [Breit Bart].

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr từ chức. Tổng thống Trump cho biết thông tin này trên Twitter, nói rằng trong cuộc gặp vào hôm thứ Hai (14/12), ông Barr đã xin được nghỉ hưu. Ông Trump cho biết mối quan hệ giữa ông và Bộ trưởng Barr rất tốt và ông Barr đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ và sẽ rời đi trước Giáng sinh [The Blaze].

Bill Gates có mối liên hệ với hãng phần mềm gian lận. Cụ thể, Microsoft của Bill Gate đã trao cho công ty máy bỏ phiếu Smartmatic một giải thưởng vào năm 2000. Phần mềm của Smartmatic được dùng trong các máy đếm phiếu của Dominon, đã bị cáo buộc đánh cắp các cuộc bầu cử cho những nhà độc tài như Hugo Chavez và Nicolás Maduro ở Venezuela, cũng như đánh cắp một chiến thắng cho Joe Biden từ tay Tổng thống Trump trong cuộc tuyển cử tại Mỹ vừa qua [Chi tiết].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-15-12-may-bo-phieu-dominion-duoc-thiet-ke-de-gian-lan-hang-tin-cnn-bi-kien.html

Tạp chí kinh tế

Brexit, chuyện kể không hồi kết?

Thanh Hà

Tại sao Anh Quốc dễ dàng đạt được thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia trên thế giới, nhưng với Liên Hiệp Châu Âu, 15 ngày trước khi chính thức chia tay thị trường chung và rời khỏi liên minh thuế quan châu Âu, 1001 khúc mắc vẫn còn ở phía trước ?

Hai tuần lễ trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Anh Quốc và Liên Âu vẫn chưa kết thúc đàm phán để xuất nhập khẩu hai chiều tránh mọi hạn ngạnh và các hàng rào quan thuế kể từ 0 giờ ngày 01/01/2021. Những « hiệp phụ » liên tiếp nối đuôi nhau ra đời do đối thoại bế tắc trên ba hồ sơ lớn khiến dân chúng và cả truyền thông thực sự mệt mỏi. Chính giới thường xuyên nói tới những « cơ hội đàm phán cuối cùng » để rồi lại thông báo « còn nước còn tát » trước ngày Luân Đôn chia tay Liên Hiệp Châu Âu theo kịch bản « No Deal » gây nhiều thiệt hại cho cả đôi bên.

Theo thẩm định của cơ quan độc lập chuyên nghiên cứu về tình hình tài chính của Anh Quốc, The Office of Budget Responsability – trụ sở tại Luân Đôn, trong trường hợp chia tay không đạt thỏa thuận, GDP của Anh sụt giảm thêm 2 %. Thiệt hại chung cho toàn khối liên âu là 0,3 % GDP. 

Logique của « thị trường nội khối » và « nội địa »

Từ tháng 3/2020 đôi bên đã ráo riết tìm kiếm một thỏa thuận « lâu dài cho giai đoạn hậu Brexit ». Bruxelles và Luân Đôn đã ấn định cuối tháng 10 rồi kéo sang tháng 11 và gần đây nhất là cột mốc 13/12/2020 là hạn chót để đúc kết đàm phán. Nhưng rồi những hạn định đó đều đã lần lượt bị vượt qua trong lúc Liên Hiệp Châu Âu và thành viên cũ là Anh Quốc vẫn chưa thể san bằng bất đồng trên ba điểm : một là về chính sách cho ngư dân châu Âu đánh bắt trong các vùng biển của Anh Quốc. Trở ngại thứ nhì liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong tương lai kể từ ngày 01/01/2021. Nhưng quan trọng hơn cả là Bruxelles chủ trương bảo vệ « thị trường nội khối » trong lúc Luân Đôn nhất quyết bảo vệ « thị trường nội địa ». Trên hồ sơ thứ ba này, tất cả khúc mắc nằm ở Bắc Ai Len thuộc lãnh thổ của vương quốc Anh với Cộng Hòa Ai Len, một thành viên của Liên Âu.

Trả lời RFI luật sư Hoàng Đức Thắng, tại Luân Đôn, trở lại với thỏa thuận trung gian cho một giai đoạn chuyển tiếp sắp hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020. 

LS Hoàng Đức Thắng : « Điểm lại một chút về quá trình đàm phán giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc : bản thỏa thuận đã được ký kết vào cuối 2019 và đã được thông qua vào giữa tháng 12/2019 sau bầu cử Quốc Hội Anh và thủ tướng Boris Johnson giành được đa số. Đây là thỏa thuận giữa Bruxelles và Luân Đôn cho một giai đoạn chuyển tiếp, giới hạn trong một năm – mà trên thực tế là có hiệu lực trong chưa đầy 12 tháng. Giai đoạn chuyển tiếp này nhằm hoàn tất việc Anh Quốc đã tách khỏi Liên Âu. Cho dù Luân Đôn đã ra khỏi Liên Âu từ nửa đêm 31/01/2020 nhưng vẫn có thêm đến 31/12/2020 để qua một giai đoạn chuyển tiếp cho phép đôi bên tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận kinh tế lâu dài. Mặc dù chỉ là mang tính tạm thời nhưng văn bản thỏa thuận trung gian này ra đời trong bối cảnh chính trường Anh đang phức tạp : đảng cầm quyền không nắm được đa số ở Quốc Hội mà phải phụ thuộc vào một chục phiếu của đảng DUP Bắc Ai Len và một số thành viên khác của trong đảng có xu hướng phản đối các quyết định của chính quyền. Tình trạng phức tạp đó dẫn đến việc Luân Đôn vẫn không ký nổi thỏa thuận sơ bộ mà chính phủ của nữ thủ tướng Theresa May đã hoàn tất với Liên Âu từ gần cả hai năm trước đó ». 

Yếu tố chính trị nội bộ Anh

Kết quả là ngày 13/12/2020 thủ tướng Boris Johnson đã giành được đa số rộng rãi cho phép thúc đẩy thủ tục Brexit :

LS Hoàng Đức Thắng : « Nắm bắt thời cơ như vậy, các nhà đàm phán châu Âu đã rất gay gắt trong việc đòi hỏi bảo toàn thị trường nội khối của 27 thành viên, ngoại trừ nước Anh. Để bảo vệ thị trường nội khối đó thì Bruxelles nhấn mạnh rằng Luân Đôn cần duy trì một cơ chế kiểm soát hải quan theo kiểu kiểm soát cứng. Nghĩa là dựng lên các chốt kiểm soát, phải mở thủ tục khai báo hải quan và kiểm soát hàng hóa trước khi đưa hàng vào bất kỳ một quốc gia nào trong Liên Hiệp Châu Âu. Thực ra đây là điều bình thường thôi. Nhưng trong trường hợp này có một điều phức tạp ».

Tính chất đặc thù của Ai Len

Tất cả vấn đề nằm ở đường « biên giới cứng » giữa Cộng Hòa Ai Len và Bắc Ai Len thuộc về lãnh thổ Anh. Nhìn từ Luân Đôn những đòi hỏi của Bruxelles là quá đáng.

LS Hoàng Đức Thắng : « Quốc gia Liên Âu sát cạnh Anh Quốc là Cộng Hòa Ai Len. Nước này lại có đường biên giới với vùng lãnh thổ ở miền bắc và Bắc Ai Len thì thuộc vùng lãnh thổ của vương quốc Anh (…) Trong quá khứ, giữa Bắc Ai Len và Cộng Hòa Ai Len từng xảy ra nội chiến đẫm máu và cuộc nội chiến đó ảnh hưởng luôn cả đến lãnh thổ của Anh qua các vụ tấn công trong những thập niên 1960-1970.

Nên bây giờ để duy trì hòa bình và ổn định tại Ai Len mặc dù có đường biên giới trên đất liền giữa Cộng Hòa Ai Len với Bắc Ai Len nhưng đôi bên không có những đường kiểm soát cứng, không có biên giới, cho dù về mặt pháp lý, kinh tế và cả văn hóa, Bắc Ai Len phụ thuộc vương quốc Anh. Bruxelles mong muốn rằng Luân Đôn không lợi dụng Bắc Ai Len như cửa ngõ để xuất khẩu hàng của Anh và hàng mà nước Anh nhập từ những quốc gia thứ ba, qua Bắc Ai Len, rồi từ Bắc Ai Len đi sang cả Cộng Hòa Ai Len (vì không có các trạm hải quan). Bước kế tiếp là hàng từ Ai Len được xuất khẩu sang bất kỳ quốc gia nào trong Liên Hiệp Châu Âu (Pháp, Bồ Đào Nha…)

Để tránh kịch bản này Liên Âu đòi Anh phải lập ra những chốt kiểm soát cứng. Đường kiểm soát đó được đặt trên biển, dọc theo eo biển giữa Anh và Bắc Ai Len.

Trở lại thời điểm 2018-2019 : do không có đa số rộng rãi để cầm quyền chính phủ của thủ tướng Theresa May dù đã ký được thỏa thuận với Liên Âu về Brexit nhưng văn bản đó không bao giờ được nghị viện Anh phê chuẩn. Ông Boris Johnson lên thay bà May, giải tán quốc hội và cho bầu cử trước thời hạn vào tháng 12/2019. Từ đó ông Jonhson mới đàm phán lại với Liên Âu và Bruxelles đã phải nhượng bộ, tức là chấp nhận không thiết lập đường biên giới cứng ; hàng hóa sẽ được kiểm soát thông qua các thủ tục bình thường, nhưng Bruxelles đòi thiết lập một số trạm kiểm soát trên bộ tức là ở đường biên giới chính thức giữa Bắc Ai Len với Cộng Hòa Ai Len. Đây chỉ là một số trạm kiểm soát mà thôi nhằm xử ký vấn đề khi cần thiết. Ngoài ra châu Âu đòi Anh phải áp dụng cơ chế khai báo hải quan khi các xe hàng của Anh đi qua Bắc Ai Len và hàng từ Bắc Ai Len đi qua cửa khẩu Cộng Hòa Ai Len ».

Sơ hở của những chính trị gia non tay

Mọi chuyện nhẽ ra có thể dừng lại ở đây nhưng rồi vế chính trị đã phá khiến đối thoại bị trật đường ray. Thủ tướng Boris Johnson liên tục chịu áp lực ngay từ phía một phần các thành viên của đảng Bảo Thủ nhưng bài toán càng thêm phức tạp với những tuyên bố vụng về của Liên Âu :

LS Hoàng Đức Thắng : « Chính trường Anh đánh giá chính phủ có một sự nhượng bộ Liên Âu nhưng bước lùi đó có thể chấp nhận được để đổi lấy hòa bình trên lãnh thổ Ai Len. Nhẽ ra mọi việc dừng lại ở đây, nhưng do đàm phán giữa Liên Âu với Anh Quốc còn quá nhiều bất đồng để đạt đến một thỏa thuận toàn diện và lâu dài nên các bên đã tìm kiếm sự ủng hộ của công luận trong nước.

Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Michel Barnier lại cho rằng trong trường hợp Anh và Liên Âu không đoạt được đồng thuận để Luân Đôn rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan châu Âu thì Anh Quốc không được hưởng các điều khoản ưu đãi về quota hay quan thuế để xuất khẩu sang khối 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Ông Barnier thực ra chú trọng vào việc bảo vệ thị trường thực phẩm châu Âu, tránh để Anh Quốc biến thành một trung gian đưa hàng nhập từ những nơi khác với chất lượng an toàn được cho là thấp hơn so với của Liên Âu (như gà hoóc-môn của Mỹ chẳng hạn) thâm nhập thị trường châu Âu. Tuy nhiên, theo tôi trong lúc đàm phán chưa ngã ngũ, tuyên bố này là một sự hớ hênh về chính trị vì Bắc Ai Len là một điểm nhậy cảm đối với nước Anh. Đây là một gánh nặng đối với nước Anh. Bắc Ai Len không sản xuất một cái gì cả và phụ thuộc vào thực phẩm của Anh. Vậy mà Bruxelles lại cấm đưa thực phẩm của Anh qua Bắc Ai Len để nuôi chính dân Bắc Ai Len, tức là dân Anh, thì cách tiếp cận như vậy không mang tính xây dựng. Điều đó khiến một phần chính khách Anh ngay trong hàng ngũ đảng cầm quyền tức giận và yêu cầu chính phủ phải có một dự luật bảo vệ thị trường nội địa của vương quốc Anh nếu như Liên Âu muốn bảo vệ thị trường nội khối một cách cực đoan như vậy ».

Tranh cãi về dự luật bảo vệ thị trường nội địa Anh ?

LS Hoàng Đức Thắng : « Trong dự luật này có hai điều khiến Liên Hiệp Châu Âu bất bình : điều khoản thứ nhất quy định trong những trường hợp khẩn cấp Anh Quốc có thể được tạm bỏ qua các quy định khai báo hải quan để xuất khẩu hàng vào Bắc Ai Len. Còn điều khoản thứ nhì là trong những trường hợp khẩn cấp các thành viên của chính phủ Anh có thể cho phép tạm dừng kiểm sát hàng hóa đối với một số nhóm mặt hàng nhất định. Tuy nhiên trong mọi khả năng, các quy định này trước khi được áp dụng phải tham khảo ý kiến của nghị viện Anh ».

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20201215-brexit-khong-hoi-ket