Đọc báo Pháp – 14/12/2018
Khủng hoảng Pháp : Đối thoại Áo Vàng ‘‘Hồi 1’’
Thủ phạm giết người tại Strasbourg bị bắn hạ, cuộc khủng hoảng Áo Vàng chuyển qua bước ngoặt mới với quyết định mở đối thoại của chính quyền là các chủ đề thời sự lớn trong nước của báo chí Pháp hôm nay, 14/12/2018. Les Echos báo động cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có nguy cơ bị lỡ dở với tựa lớn trang nhất : «COP 24 : Sự thoái thác trách nhiệm toàn cầu về khí hậu».
Trước hết về vụ « Sát thủ Strasbourg bị cảnh sát bắn hạ ». Theo Le Figaro, cái chết của hung thủ Chérif Chekatt đã được đón nhận với nhiều tràng vỗ tay dài của cư dân thành phố, phải sống trong nỗi lo sợ từ hai ngày nay. Le Figaro vui mừng : « Thế là hết cơn ác mộng, Strasbourg rốt cuộc đã trở lại bình yên. Nước Pháp thở phào sau một trận đánh mới thành công chống lại nạn Hồi Giáo cực đoan », vẫn liên tục âm thầm đe dọa đất nước. Thị trưởng Strasbourg lập tức cho biết chợ Noel nổi tiếng của thành phố sẽ được mở cửa lại ngay từ sáng nay, 14/12.
Le Figaro trở lại với cuộc truy lùng người bị coi là « kẻ thù số một » của nước Pháp, kéo dài gần 48 giờ. Theo một số thông tin đầu tiên của cơ quan điều tra, thì một phụ nữ đã nhận dạng được kẻ giết người tại khu phố Neudorf. Hung thủ sau đó đã bị một tổ cảnh sát đường phố (BST) phát hiện khi đang đi bộ trên hè. Bị phát hiện, Chérif Chekatt đã nổ súng, và bị trúng đạn trả đũa của cảnh sát. Trên người hung thủ còn khẩu súng lục đã cũ, có thể chính là thứ vũ khí được sử dụng để reo rắc chết chóc hôm trước.
Ngay tối hôm qua, bình luận với Le Figaro, một sĩ quan cảnh sát cao cấp cho biết trên thực tế, lực lượng an ninh gần như nắm chắc đến 90% là hung thủ không thể trốn khỏi khu vực đã bị vây chặt, sau khi gây án. Với hồ sơ 27 lần phạm pháp, cơ quan an ninh nắm rõ nhân thân và tính cách của hung thủ, một phần tử trộm cướp vặt. Nhiều nguồn tin cũng cho biết thủ phạm sẽ khó có thể lẩn trốn được lâu dài, nhất là khi đã bị trúng thương và không có cơ sở hậu thuẫn.
« Dân chủ », « tranh luận » : Phương thức tốt nhất chống khủng bố
Khủng bố Hồi Giáo là điều mà nhiều lần nước Pháp phải đối mặt trong những năm gần đây, nhưng điều khác thường là vụ tấn công nói trên xảy ra đúng cùng lúc với cuộc khủng hoảng xã hội « Áo Vàng » chưa từng có, đang trong giai đoạn cao trào. Le Monde có bài phân tích : « Giới chính trị bị kẹt giữa hai mặt trận, phản kháng xã hội và chống khủng bố ».
Trong lúc hung thủ vụ thảm sát Strasbourg chưa bị bắn hạ, lời kêu gọi người Áo Vàng không nên biểu tình vào thứ Bảy tới của chính phủ nhận được các phản ứng trái ngược nhau. Le Monde ví tình thế của giới chính trị Pháp trong bối cảnh hiện nay như thế « đi trên dây ». Nếu tập trung quá vào vụ tấn công Strasbourg thì có thể bị lên án là có mưu đồ « làm lu mờ phong trào xã hội » đang diễn ra. Tuy nhiên, trong lúc, kẻ giết người còn đang lẩn trốn, liệu có quyền để biểu tình diễn ra, với nhiều hậu quả dự báo ? Bên cạnh đó có cả vấn đề : Liệu việc nối lại ngay lập tức các tranh luận chính trị về cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay có xúc phạm đến nỗi đau của người dân Strasbourg ? Theo Le Monde rút cuộc, các lực lượng chính trị Pháp đã tìm được thỏa hiệp chưa từng có, để đối phó với tình huống chưa từng có này.
Le Monde ghi nhận một hiện tượng hiếm có : Đó là thủ tướng Pháp Edouard Philippe và lãnh đạo đảng đối lập cực tả Nước Pháp Bất Khuất, Jean-Luc Mélenchon, dường như đã « đứng về cùng một bên » trong thời điểm đầy thách thức này đối với nước Pháp.
Đọc thêm : Sau phong trào Áo Vàng : Pháp cần một khế ước xã hội mới
Thủ tướng Philippe, trong cuộc đối thoại trực diện với chính trị gia đối lập, đã khẳng định : « Phương thức tốt nhất để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố, thường là nên tiếp tục thực thi những điều mà chúng ta vốn tin tưởng : nền dân chủ, tranh luận, và cả tình huynh đệ nữa » (phát biểu của thủ tướng ngay lập tức đã được lãnh đạo đối lập Nước Pháp Bất Khuất vỗ tay hưởng ứng, cả nhóm nghị sĩ đối lập đứng dậy vỗ tay, khiến cả Quốc Hội cùng đứng lên hoan nghênh).
Cụ thể là, chính phủ sẵn sàng tranh luận về kiến nghị bất tín nhiệm (do khủng hoảng Áo Vàng) mà ba đảng đối lập cánh tả đưa ra, theo đúng lịch trình dự kiến, chứ không thoái thác, vì lý do « đoàn kết quốc gia » có thể bị xâm phạm, trong bối cảnh báo động khủng bố cấp cao. Lãnh đạo đối lập nói trên cũng là người vừa tuyên bố ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng ủng hộ cuộc biểu tình của những người Áo Vàng.
Về phần mình, ngày hôm qua, người phát ngôn chính phủ Benjamin Grivaux cho biết hiện tại chính phủ « không quyết định cấm biểu tình vào ngày thứ Bảy », tuy nhiên theo ông, điều mà chính quyền mong muốn là không nên có biểu tình vào ngày này. Người phát ngôn chính phủ kêu gọi mỗi người Pháp hãy suy nghĩ về trách nhiệm của mình, trước việc có nên biểu tình hay không trong bối cảnh hiện nay, khi vụ thảm sát Strasbourg vừa diễn ra, trước dịp nghỉ lễ cuối năm, và trong lúc lực lượng an ninh đang phải rất vất vả đối phó trên nhiều mặt trận.
Nhà bình luận của Le Monde nhận xét là phản ứng của giới chính trị Pháp dường như rất tương hợp với nguyên tắc « cùng một lúc », một diễn đạt cửa miệng của tổng thống Macron vốn được nhiều người khen, nhưng không ít kẻ chê. Diễn đạt này hàm ý là cần đáp ứng cùng lúc nhiều đòi hỏi, thậm chí trái ngược nhau, không nên nhất bên trọng, nhất bên khinh.
« Sổ thỉnh nguyện » : Kinh nghiệm tiền Cách mạng 1789
Chính trong bối cảnh căng thẳng xã hội hiện nay, La Croix chào mừng cuộc « Đối thoại : hồi I» giữa phong trào Áo Vàng và chính quyền, với ghi nhận là chính phủ đã đo lường được các nguy cơ bạo lực mới do phẫn nộ xã hội, nên quyết định mở một cuộc đối thoại rộng lớn ngay từ ngày mai. Cùng lúc đó, các tòa thị chính địa phương mở « các sổ thỉnh nguyện », để thu nhận ý kiến của người dân.
Bài xã luận La Croix, mang tựa đề « Viết ra để được nghe », khen ngợi biện pháp mới đang bắt đầu được thực thi này. Số thỉnh nguyện vốn là một kinh nghiệm trước cuộc Cách mạng Pháp 1789. Cho dù có mang « tính gia trưởng », kinh nghiệm đang được sử dụng trở lại này có thể coi là một giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay, khi cho phép đông đảo cư dân chuyển các phẫn nộ của mình lên trang giấy. Điều này chắc chắn tốt hơn nhiều so với một ngày thứ Bảy bạo lực nữa.
Tuy nhiên, theo La Croix, bên cạnh biện pháp này, chính phủ Pháp cần phải tiến hành « các đối thoại có chất lượng » trong cuộc thảo luận rộng lớn tại địa phương, theo chủ trương của chính tổng thống Pháp. Tài chính và môi trường là hai trong số các vấn đề chính cần được bàn bạc đến nơi đến chốn trong các cuộc thảo luận. La Croix khép lại bài xã luận, với cảnh báo : « chế độ quân chủ xưa kia sở dĩ đã tiêu vong, vì không lắng nghe các sổ thỉnh nguyện của người dân. Giờ đây thời thế đã thay đổi. Các cuốn sổ quý giá này không đòi hỏi điều gì khác hơn là việc các gánh nặng cần được toàn thể dân tộc chia sẻ. Tóm lại, chấm dứt mọi đặc quyền, đặc lợi ».
La Croix có bài phóng sự mô tả thị trấn Saint-Étienne (tỉnh Loire) bắt đầu mở cửa đón nhận hàng chục người kiến nghị ngay từ ngày 10/12. Mọi ý kiến đều được đón nhận. Có thể đọc thấy những dòng chữ không khoan nhượng như sau : « Tôi đã hiểu ông tổng thống. Tôi tin rằng ông phải ngừng yêu cầu và đòi hỏi chúng tôi về mọi thứ và theo bất cứ kiểu gì ». Có những người chỉ để lại một dòng chữ đầy phẫn nộ như trên, có người dành thời gian viết kín nhiều trang giấy…
Biểu tình hồi V chỉ có lợi cho những kẻ phá phách
Về viễn cảnh người Áo Vàng xuống đường ngày mai thứ Bảy (15/12) hay không, Libération có bài « Áo Vàng : Do dự trên thực địa », cho thấy sự phân rẽ trong hàng ngũ của phong trào. Xã luận của Libération dự đoán, nếu xu thế biểu tình, với các bạo động đi kèm tiếp diễn, phong trào Áo Vàng sẽ mất đi uy tín trong xã hội, vốn coi đây là một phong trào bất bạo động, phi chính trị, với các yêu sách được đông đảo người dân ủng hộ. Theo Libération, biểu tình ngày thứ Bảy tới (còn được gọi là Hồi V) sẽ chỉ có lợi cho những kẻ cực đoan, phá phách, những người Áo Vàng nên biết dừng đúng lúc, trước khi mọi sự trở nên tồi tệ.
Báo chí Pháp tiếp tục có nhiều bài vở phân tích về các nguyên do sâu xa dẫn đến cuộc phản kháng Áo Vàng. La Croix ghi nhận có 5 cuộc khủng hoảng khác nhau trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, với loạt bài nhận định của 5 chuyên gia. Hôm nay, La Croix đăng tải bài cuối cùng trong loạt bài này, nói về cuộc khủng hoảng thứ năm do hậu quả của tiến trình phi công nghiệp hóa từ từ đang diễn ra tại phương Tây.
Bốn cuộc khủng hoảng trước là khủng hoảng về phương thức tái phân phối phúc lợi, khủng hoảng về truyền thông – thông tin, khủng hoảng về quan hệ xã hội (một bộ phận xã hội bị bỏ rơi, không được công nhận, và phong trào được coi là một cách thức để gây dựng các quan hệ xã hội) và khủng hoảng về đại diện chính trị.
Macron : Người Áo Vàng « đầu tiên »
Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của nhà triết học Gaspard Koenig mô tả nước Pháp hiện nay đang trong một biến đổi mang tính cách mạng. Bài viết mang tựa đề « Tocqueville đã mô tả những gì mà chúng ta đang sống ».
Alexis de Tocqueville nổi tiếng với công trình nghiên cứu kinh điển « Chế độ cũ và Cách mạng» (1856). Theo nhà triết học Gaspard Koenig, « có một nghịch lý » là các cuộc cách mạng thường bùng nổ tại các xã hội đang tìm đường cải cách, và một phần lớn những yêu sách tại các bùng binh mà người Áo Vàng đang trấn giữ hiện nay là trùng khớp với các « chẩn đoán » về xã hội của phong trào « Tiến bước ! » (En Marche !) của ứng cử viên tổng thống Macron cách nay hai năm. Điểm chung của phong trào Tiến bước ! tranh cử tổng thống (2016-2017) và phong trào Áo Vàng trên các bùng binh cuối năm 2018 này là « cả hai đều thoát khỏi các cấu trúc chính trị hay nghiệp đoàn truyền thống, cả hai đều tấn công, với lòng chân thành và cương quyết, chống lại các cấu trúc xơ cứng của xã hội Pháp ».
Vào thời điểm đó, các thành viên phong trào của tổng thống Pháp tương lai đã gõ cửa hàng trăm ngàn nhà người dân Pháp để tiếp xúc, để tìm hiểu, và chắc chắc là họ đã hiểu được « những bế tắc » của đông đảo dân chúng trên thực địa. Xét theo nghĩa này, thì tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính là người Áo Vàng « đầu tiên ».
Đọc thêm : ‘‘Áo Vàng’’ : Pháp hoãn thuế carbone, Trump chế giễu Macron
Tác giả bài viết nhấn mạnh là có ba bài học lớn có thể rút ra từ cuốn sách kinh điển của nhà chính trị học Pháp thế kỷ 19, trong đó có bài học về « tập trung quyền lực thái quá », và đây là « một bi kịch quốc gia ». Nguyện vọng của những người Áo Vàng hiện nay là được chia sẻ quyền lực. Theo tác giả, « cần phải trao cho họ, và cùng với quyền lực là trách nhiệm đi kèm ».
Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 :
Hành động hay tự sát ?
Khủng hoảng xã hội và nguy cơ khủng bố tại Pháp không che khuất được vấn đề khí hậu, thách thức số một của hành tinh. Nhiều báo Pháp hôm nay có tin bài về chủ đề này. Khí hậu là chủ đề trang nhất của Les Echos. Theo tờ báo kinh tế, sau gần hai tuần khai mạc, và chỉ còn ít giờ nữa kết thúc, hội nghị quan trọng hai năm một lần này vẫn chưa ra được một văn bản chắc chắn về các quy tắc hướng dẫn việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Nỗ lực nhất tại hội nghị này là nhóm 11 nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và 47 quốc gia thuộc nhóm các nước có nguy cơ bị tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Bị chỉ trích mạnh là nước Ba Lan chủ nhà, không thực hiện được vai trò dẫn dắt hội nghị. Nước Mỹ của tổng thống Trump thì bất hợp tác, còn Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy nhiệt tình.
Bài « Hội nghị về khí hậu còn có cơ hội thành công hay không ? » của La Croix cho biết hội nghị khí hậu tại Ba Lan có thể kéo dài thêm hai ngày, cho đến Chủ Nhật. Áp lực gia tăng trong những ngày gần đây để buộc các nước đang chần chừ phải gia tăng cam kết giảm khí thải. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một lần nữa rung chuông cảnh báo : « Bỏ lỡ cơ hội này sẽ làm hỏng mất cơ hội cuối cùng để ngăn chăn biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát. Để như vậy sẽ không chỉ là phi đạo lý, mà còn là tự sát ».
http://vi.rfi.fr/phap/20181214-phap-doi-thoai-ao-vang-hoi-1
Tin khắp nơi
(AFP) – Vaccin đầu tiên cho loài ong.
Theo hãng tin AFP hôm nay, 14/12/2018, tại Phần Lan, các nhà khoa học đã chế tạo được một loại vaccin đầu tiên trên thế giới để bảo vệ loài ong, với hy vọng ngăn chận được đà sụt giảm của loài côn trùng này, có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo Liên Hiệp Quốc, có hơn 40% loài côn trùng giúp thụ phấn, đặc biệt là ong và bướm, có nguy cơ diệt vong.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc khuyến khích thành viên trao trả lại tài sản văn hóa lấy đi.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 13/12/2018, đã thông qua một nghị quyết nhằm khuyến khích việc trao trả tài sản văn hóa về xứ gốc. Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước thành viên thành lập ngân hàng dữ liệu về tài sản của mình và hợp tác tốt hơn để chống việc buôn lậu báu vật, cổ vật đánh cắp trong các viện bảo tàng, thư viện, hay trong những cuộc khai quật bất hợp pháp. Các quốc gia được đề nghị làm việc chặt chẽ với cơ quan UNESCO trong việc này. Nghị quyết mang tên « Trao trả tài sản văn hóa về xứ gốc », được thông qua với sự đồng thuận của 193 nước thành viên và không bỏ phiếu.
(Reuters)-Một phụ nữ Nga nhìn nhận làm gián điệp cho Matxơva can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Trước tòa án Washington, bà Maria Butina, trong một thỏa thuận với công tố viên, đã nhìn nhận có tội. Bà cho biết đã làm việc với một viên chức cao cấp Nga, thâm nhập vào tổ chức bảo vệ quyền mang súng tại Mỹ, tiếp cận với những người hoạt động cho đảng Cộng Hòa, hoạt động như một gián điệp Nga. Maria Butina là cựu sinh viên tốt nghiệp đại học ở Washington, và là người Nga đầu tiên công nhận là đã tìm cách ảnh hưởng trên cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016, và giờ đây chấp nhận hợp tác với công tố viên.
(AFP) – Kosovo thành lập quân đội.
Kosovo hôm nay, 14/12/2018, đã thành lập quân đội với sự hỗ trợ của Mỹ. Nghị Viện Kosovo đã thông qua một văn kiện sửa đổi vai trò và trách nhiệm của lực lượng an ninh Kosovo, hiện chuyên trách vấn đề an ninh dân sự. Lực lượng này kể từ nay sẽ trở thành quân đội, bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Kosovo, bảo vệ quyền lợi của Cộng hòa Kosovo, hỗ trợ quân sự cho chính quyền…có thể tham gia các chiến dịch quốc tế. Lực lượng an ninh hiện khoảng 2.500 người, sẽ được tăng lên 5.000 cộng thêm với số 3.000 quân dự bị.
(AFP) – Tư Pháp Ấn Độ từ chối mở điều tra về vụ mua chiến đấu cơ Pháp Rafale.
Tòa Án Tối Cao Ấn Độ vào hôm nay, 14/12/2018, đã bác bỏ yêu cầu mở điều tra về vụ mua bán chiến đấu cơ Pháp Rafale cho Ấn Độ, bị đối lập nghi ngờ là có tham nhũng, lạm quyền. New Delhi đặt mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp năm 2016, tổng trị giá 9,4 tỉ đô la. Phe đối lập nghi ngờ là trong việc này thủ tướng Modi đã thiên vị, tạo điều kiện cho một tập đoàn tư nhân, Reliance Group, thân cận với ông, thay vì để tập đoàn nhà nước Hindustan Aeronautics Limited (HAL) chủ trì, với mục tiêu là nhận tiền « hoa hồng ». Tòa Án Tối Cao Ấn Độ đã trả lời dứt khoát là « không muốn can thiệp » vào vụ việc và không nghi ngờ về tiến trình thương lượng.
(AFP) – Án tử hình suy giảm dần ở Mỹ bất kể lời kêu gọi của tổng thống Trump.
Theo tổng kết của trung tâm thông tin về án tử hình (DPIC), trong năm 2018 sắp kết thúc, án tử hình tại Mỹ và việc hành quyết đã xuống rất thấp : Số bị hành quyết là 25, thấp nhất từ 1991 đến nay. Trên vấn đề tuyên án, thì chỉ có 42 án tử hình được tuyên trong cả nước, so với số 315 án tuyên trong năm 1996. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tỏ ý muốn án tử hình được tuyên nhiều hơn. Theo phân tích của trung tâm DPIC, án tử hình giảm dần vì người Mỹ không mấy tin tưởng vào hình phạt này. Theo cuộc thăm dò dư luận của Gallup vào tháng 10, 56% còn tán đồng hình phạt này, con số tương tự năm 2017, một tỉ lệ thấp nhất từ 45 năm nay.
(AFP) – Úc cảnh báo công dân khi đến Indonesia.
Chính quyền Úc vào hôm nay 14/12/2018, đã lên tiếng kêu gọi người dân thận trọng khi đi sang nước láng giềng Indonesia, đông dân cư Hồi Giáo. Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Canberra chuẩn bị công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Bộ Ngoại Giao Úc nhắc lại là trong những tuần qua, biểu tình đã diễn ra trước đại sứ quán Úc ở Jakarta và trước tổng lãnh sự Úc ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, và có thể còn tiếp tục trong những ngày tới. Thủ tướng Úc Scott Morrison có thể chính thức tuyên bố việc công nhận Jerusalem vào thứ Bảy 15/12/2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181214-tin-doc-nhanh