Đọc báo Pháp – 14/10/2020
Bắc Kinh lại hù dọa Đài Loan
bằng những cuộc tập trận đổ bộ
Trọng Nghĩa
Với làn sóng thứ hai đang càng lúc càng dâng cao tại châu Âu, trang nhất hầu hết các báo ra ngày hôm nay, 14/10/2020 đều dành cho chủ đề dịch Covid-19. Trong toàn cảnh đó, Le Figaro vẫn quan tâm đến tình hình châu Á qua một bài viết phân tích về quan hệ tay ba Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ, rất sôi nổi trong những ngày gần đây.
Trong bài viết mang tựa đề “Trung Quốc phô trương cơ bắp với Đài Loan”, Le Figaro nêu bật sự kiện mới đây Quân Đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận rầm rộ, mô phỏng một cuộc tấn công lên hòn đảo bị cho là phản nghịch vừa đặt mua thêm vũ khí của Mỹ.
Theo tờ báo, Quân đội Trung Quốc đã kỷ niệm Quốc Khánh Đài Loan theo cách riêng của họ, bằng cách tập xâm lược hòn đảo phản nghịch vào ngày 10/10, với những cuộc diễn tập quy mô lớn, trên bộ, trên biển và trên không, dọc theo bờ biển các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, làm dấy lên bóng ma về một cuộc đổ bộ lên đảo.
Đối với Le Figaro, những hình ảnh gây sốc này đã được tung ra cho dân chúng Trung Quốc, nhằm đánh lạc hướng dư luận trước cành ô liu mà tổng thống Thái Anh Văn, người tái đắc cử một cách vẻ vang tháng Giêng năm ngoái đã đưa ra. Bà đã trở thành đối thủ số một của Nhà nước Trung Hoa độc tài của chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhà lãnh đạo, nhà đấu tranh cho bản sắc dân chủ của hòn đảo, đã kêu gọi Bắc Kinh “hòa giải và đối thoại hòa bình” nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc, ngày 10/10/1911. Đề nghị này được đưa ra sau nhiều tháng leo thang, đánh dấu bằng việc Bắc Kinh kiểm soát lại Hồng Kông và quân đội Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận hù dọa.
Nhưng đề nghị này đã không được cường quốc thứ 2 thế giới đáp ứng. Chế độ Cộng Sản tiếp tục đổ lỗi cho lãnh đạo Đảng Dân Tiến, cáo buộc bà đã “phá hủy hòa bình và ổn định ở eo biển” kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016.
Leo thang khẩu chiến này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác ngoạn mục giữa Đài Bắc và Washington, được đánh dấu bằng chuyến thăm của một số quan chức cấp cao của Mỹ tới hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình.
Động thái ngoại giao của Mỹ đi kèm với các hợp đồng mua bán vũ khí tối tân, bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh. Theo nhận định của Mathieu Duchâtel, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á tại Viện Montaigne, Paris: “Mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Đài Loan đã đi rất xa. Mọi người Đài Loan đang kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của Mỹ”.
Bắc Kinh, thông qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên đã cảnh báo Washington. Những cảnh báo chính thức của Bắc Kinh đi đôi với việc gia tăng các hoạt động đe dọa Đài Loan của Không Quân Trung Quốc trong nhiều tuần qua.
Những cuộc diễn tập đang làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực. Chúng giống như một lời cảnh báo gởi đến nhà lãnh đạo Đài Loan và chính quyền Mỹ sắp tới..
Le Monde: “Đà bùng lên đáng ngại của dịch bệnh tại châu Âu”
Dịch Covid-19 hoành hành trở lại tại châu Âu là chủ đề được các nhật báo Pháp ra ngày 14/10/2020 hết mực chú ý. Ngay trang nhất, Le Monde chạy hàng tựa lớn: “Đà bùng lên đáng ngại của dịch bệnh tại châu Âu”.
Tờ báo Pháp đặc biệt chú ý đến việc nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp đối phó, nêu bật ví dụ tại Anh, Tây Ban Nha và Pháp. Về Anh Quốc chẳng hạn, trong bài “Covid-19: Ông Johnson siết chặt thêm các biện pháp hạn chế tại miền bắc nước Anh”, Le Monde nhắc lại rằng thủ tướng Anh, hôm thứ Hai 12/10 vừa qua, đã thông báo thiết lập ba mức cảnh báo để “xây dựng sự đồng thuận ở địa phương” và xoa dịu cơn giận dữ của các đại biểu dân cử.
Trang nhất Les Echos cũng được dành cho dịch Covid 19, nhưng dĩ nhiên là khai thác dưới khía cạnh kinh tế. Tờ báo chạy tựa “Chế độ hưu bổng: Hóa đơn nặng nề của virus corona”.
Theo tờ báo kinh tế Pháp, dịch Covid-19 sẽ khiến cho chế độ hưu bổng bị thiếu hụt lâu dài. Khoản tiền bù đắp ước tính lên hơn 13 tỷ euro vào năm 2024. Việc đưa ra những biện pháp chấn chỉnh sẽ rất tế nhị vào cuối nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông Macron.
Le Figaro: Macron phải chọn lựa giữa y tế và kinh tế?
Tối nay, thứ Tư, tổng thống Pháp sẽ phát biểu trên đài truyền hình (TF1 và France 2) về tình hình dịch tễ trong lúc sóng thứ hai đang bùng lên. Trong hàng tựa lớn trang nhất Le Figaro, thông báo ngắn gọn: “Dịch bệnh, kinh tế : Macron đến lúc phải chọn lựa”.
Đối với Le Figaro, tổng thống Pháp nối lại với truyền thống phát biểu trên truyền hình, mà ông đã phó thác cho chính phủ của ông từ sau hè. Trong phát biểu tối nay ông sẽ tìm cách gây cú sốc trong dân chúng và có thể thông báo một sự tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các thành phố lớn, với những hạn chế mới, như khả năng ban hành lệnh giới nghiêm tại một số nơi ngay từ 20 giờ…
Le Figaro nhắc lại rằng một số phương án khác nhau nhằm đối phó với tình hình đã được xem xét trong cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng về Y Tế vào sáng hôm qua ở điện Élysée.
Tờ báo cũng cho rằng tổng thống Macron sẽ kêu gọi đến tinh thần trách nhiệm của mọi người kể cả trong lãnh vực sinh hoạt riêng tư. Ông cũng sẽ tìm cách trấn an dân chúng trong bối cảnh vấn đề vực dậy kinh tế còn rất bấp bênh. Ưu tiên của hành pháp vẫn là tránh việc phong tỏa lại hoàn toàn khiến kinh tế khựng lại.
Trang nhất báo Libération cũng được dành cho dịch Covid 19 với câu hỏi “Làm sao thực hiện cùng một lúc việc chống Covid-19 và chống cả tình trạng cuộc sống bấp bênh” của những thành phần nghèo khó đang tăng vọt tại Pháp.
Theo tờ báo, tổng thống Pháp dứt khoát sẽ phải dung hợp hai đòi hỏi xã hội và dịch tễ trong phát biểu trên truyền hình tối nay của ông.
Tình hình rất đáng ngại vì theo một số liệu ước tính, từ nay đến cuối năm, Pháp sẽ có đến 10 triệu người nghèo.
Đức cũng lâm vào tình trạng các biện pháp chống dịch trái ngược nhau
Về cách các nước châu Âu ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai, Libération đặc biệt quan tâm đến tình hình tại nước Đức, vốn nổi tiếng là có kỷ luật.
Theo nhận định chung của tờ báo, các quyết định của thủ tướng Angela Merkel cũng như các bang Länder, rất có uy lực, liên can đến lãnh vực y tế, giờ ngày càng không thuyết phục được quần chúng cũng như giới virus học.
Tờ báo vô cùng ngạc nhiên cho là từ rất lâu rồi mới thấy một tình hình lộn xộn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế ở Đức. Với đà lây nhiễm tăng vọt, tăng gấp đôi trong vòng một tuần lễ – hiện tại thì hơn 4000 ca/ngày – toàn bộ số 16 bang hay Länder ở Đức, vốn được toàn quyền trong các quyết định về y tế và cảnh sát, đã thi nhau đưa ra các biện pháp giới hạn để cố kiểm soát con virus tại địa phương mình.
Kết quả là một tình hình lộn xộn hoàn toàn. Đô trưởng Berlin Michael Müller rất tức giận. Ông nói: “Người ở Brandeburg (vùng phụ cận Berlin), thì được đến Berlin mua sắm, đi metro, ăn ở nhà hàng. Người Berlin thì lại không được đến ở vài ngày trong các khách sạn ở Brandeburg”.
Để dự phòng cho các cuộc bầu cử tới đây, ai cũng muốn chứng tỏ là người đưa ra được những quyết định sáng suốt nhất, lãnh đạo các vùng tiếp tục đưa ra những biện pháp, mỗi người theo ý mình, về thời hạn cách ly, xét nghiệm bắt buộc hay miễn phí, việc đeo khẩu trang, về số người tham dự đám cưới, số khán giả tại một sân bóng, việc đóng cửa các quán bar, tiền phạt.
Armin Laschet, chủ tịch của vùng Bắc Rhénanie Westphalie, người có nhiều khả năng kế nhiệm bà Angela Merkel, đã rất bất bình: “Không ai còn hiểu được gì nữa cả. Cứ thử nghĩ xem: Một người có thể đi từ Mainz đến Cologne nhưng lại không thể đi từ Cologne đến Mainz!”
Báo cáo độc lập: Pháp ứng phó tương đối với đợt dịch thứ nhất
Về dịch Covid 19 tại Pháp, các báo rất chú ý đến bản báo cáo giữa kỳ về cách Paris ứng phó với đợt dịch đầu tiên.
Theo ghi nhận của báo Les Echos, đây là bản báo cáo giữa kỳ của nhóm điều tra độc lập do chuyên gia tên tuổi người Thụy Sĩ Didier Pittet dẫn đầu và được công bố hôm thứ Ba. Theo nhận định chung của bản báo cáo, thì hệ thống bệnh viện Pháp đã đối phó đủ với dịch bệnh trong thời gian qua, trong lúc hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid 19 đã được giảm thiểu. Thế nhưng báo cáo cũng chỉ ra sự thiếu vắng dự đoán của chính quyền, ví dụ, việc không có khẩu trang lúc đầu dịch. Bên cạnh đó cũng tồn tại một chính sách lộn xộn liên quan đến vấn đề xét nghiệm.
Tin tổng hợp
(VNExpress/Lao Động) – Việt Nam : Miền Trung cần cứu trợ khẩn cấp vì bão số 7.
Cục Hàng Không Việt Nam quyết định sân bay Vinh và Thanh Hóa tạm ngừng hoạt động từ 12 đến hết 21 giờ ngày 14/10/2020. Bão số 7 (Nangka) gây mưa lũ tại Trung Bộ, làm 36 người thiệt mạng và 12 người mất tích. Theo thống kê tạm thời, hiện có khoảng 585 ngôi nhà bị đổ sập hoặc hư hỏng, gần 136.000 ngôi nhà bị ngập. Đường xá bị hư hỏng ở nhiều nơi. Rất nhiều tỉnh miền Trung cần cứu trợ khẩn cấp. Có nhiều khả năng bão số 8 sẽ tiếp nối bão số 7 tràn vào Biển Đông cuối tuần này.
(Eurasian Times/Global Times) – Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan.
Theo trang EurAsian Times ngày 13/10/2020, khi được hỏi về việc Nhà Trắng đã tiến thêm một bước trong việc bán vũ khí tối tân cho Đài Loan, đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã yêu cầu Washington chấm dứt bán vũ khí cho tỉnh « đòi ly khai » vì « việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Mỹ-Trung, cũng như hòa bình và ổn định giữa hai bờ eo biển ». Cùng ngày, trong chuyến thị sát ngày 13/10 ở Triều Châu (Chaozhou), tỉnh Quảng Đông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Hải Quân Trung Quốc nâng cao kỹ năng để hình thành một lực lượng hùng mạnh, đa năng trong chiến dịch, thúc đẩy chuẩn bị cho mọi khả năng xung đột quân sự ở các vùng biển, từ eo biển Đài Loan đến biển Hoa Đông và Biển Đông.
(NHK) – Nhật Bản phản đối Trung Quốc xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo trang NHK ngày 14/10/2020, chính phủ Nhật Bản đã ra tuyên bố phản đối sau sự kiện hai tầu tuần tra của Trung Quốc thâm nhập lãnh hải Nhật Bản, ngoài khơi đảo Sankeku/Điếu Ngư trong suốt 57 tiếng, từ ngày 11/10 đến tối 13/10. Cũng trong ngày 13/10, một người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và Nhật Bản cần tôn trọng quyền của Trung Quốc được tuần tra trong vùng này.
(Yonhap) – Hàn Quốc khẳng định có thể đánh chặn tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Sau khi Bắc Triều Tiên phô trương vũ khí mới trong cuộc duyệt binh, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, ngày 13/10/2020, đã khẳng định quân đội nước có thể « ngay lập tức đáp trả và vô hiệu hóa » pháo binh và tên lửa của Bắc Triều Tiên bằng hỏa tiễn Patriot và hệ thống tên lửa đất đối không SAM II sắp được triển khai.
(AP) – Nga đe dọa ngừng đối thoại với châu Âu về vụ Navalny.
Ngoại trưởng Nga hôm thứ Ba,13/10/2020, cảnh báo rằng Matxcơva có thể đình chỉ các liên hệ với Liên Hiệp Châu Âu (EU) để đáp trả các lệnh trừng phạt đối với vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny. Đây là một lời đe dọa chưa từng có, phản ánh căng thẳng gay gắt giữa Nga-EU, được đưa ra một ngày sau khi các ngoại trưởng EU nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt trong vụ nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thời Liên Xô.
(AFP) – Facebook cấm quảng cáo chống tiêm chủng.
Hôm thứ Ba, 13/10,/2020 Facebook thông báo cấm các quảng cáo kêu gọi mọi người không tiêm chủng. Theo Facebook, đại dịch Covid-19 đã nêu bật « tầm quan trọng của các biện pháp y tế dự phòng ». Mặc dù thiếu vac-xin Covid-19, Facebook tin rằng có « những điều mọi người có thể làm để giữ sức khỏe », chẳng hạn như tiêm phòng cúm. Tập đoàn cũng sẽ khởi động một chiến dịch thông tin ở Hoa Kỳ về vác-xin phòng bệnh cúm mùa.
(AFP) – Oslo cáo buộc Nga đứng sau một vụ tin tặc tấn công Quốc Hội Na Uy.
Ngày 13/10/2020, chính phủ Na Uy cho biết « nắm được một số thông tin » cho phép khẳng định chính quyền Nga đứng sau vụ tin tặc xâm nhập trữ liệu thư điện tử của một số dân biểu. Vụ việc xảy ra hồi đầu tháng 9 nhưng lúc đó Quốc hội Na Uy không nói xuất xứ từ đâu. Tuyên bố trên đây của Ngoại trưởng Eriksen Soreide kèm theo nhận định đây là « một giai đoạn nghiêm trọng đe dọa một định chế dân chủ quan trọng nhất » của Na Uy. Đại sứ Nga tại Oslo bác bỏ cáo buộc này và đòi Na Uy cung cấp bằng chứng. Tình báo Na Uy xếp Nga đứng đầu danh sách đen bên cạnh Trung Quốc và Iran về hoạt động gián điệp đe dọa an ninh.
(RFI) – Brexit : Thủ tướng Anh lại gây sức ép với Liên Hiệp Châu Âu.
Dù khẳng định Anh Quốc có thể sống tốt mà không cần thỏa thuận thương mại với Bruxelles, nhưng thủ tướng Boris Johnson lại liên tục đưa ra tín hiệu trong những ngày gần đây rằng dù sao một thỏa thuận vẫn được hoan nghênh. Ông Johnson muốn biến cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles trong hai ngày 15 và 16/10 thành hạn chót để đạt được một thỏa thuận, trong khi Bruxelles ấn định vào cuối tháng Mười. Ngày 14/10, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen điện đàm với thủ tướng Anh Johnson, trong bối cảnh cả hai bên đang cáo buộc nhau cản trở tiến tình đàm phán thương mại hậu Brexit.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đàm phán « bốn bên » về Thượng Karabakh.
Ngày 13/10/2020, giam đốc truyền thông Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, đề xuất cuộc họp « bốn bên » gồm Nga, Azerbaïdjan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc xung đột ở Thượng Karabakh vì « Nga đứng về phía Armenia, và chúng tôi Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ Azerbaïdjan » và « Nếu Nhóm Minsk đã không tìm ra được giải pháp từ hơn 30 năm nay, thì đã đến lúc tìm ra một cơ chế mới ».
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu có thể tăng thuế tương cà chua và ngành hàng không Mỹ.
Ngày 13/10/2020, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã bật đèn xanh cho Liên Hiệp Châu Âu có thể trừng phạt gần 4 tỉ đô la hàng nhập khẩu Mỹ mỗi năm nhằm đáp trả việc hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing đã nhận được số tiền hỗ trợ tương đương. Từ một năm nay, Hoa Kỳ cũng lập một danh sách các mặt hàng Liên Hiệp Châu Âu bị tăng thuế, như máy bay, rượu vang Pháp, pho-mát Ý hay rượu whisky Scotland.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201014-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 14/10:
Nhật có kế hoạch bán vũ khí cho Việt Nam;
Apple ra mắt dòng iPhone 12 công nghệ 5G siêu nhanh
Lục Du
Mục lục bài viết
Nhật có kế hoạch bán vũ khí cho Việt Nam
Apple ra mắt dòng iPhone 12 công nghệ 5G siêu nhanh
Mỹ muốn kiểm soát nguồn tài trợ từ Trung Quốc
Khảo sát: Đa số người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất
Ông Tập yêu cầu binh lính nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu
Trung-Nga cùng đắc cử Hội đồng nhân quyền LHQ
Sáng nay, thứ Tư (14/10), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Nhật có kế hoạch bán vũ khí cho Việt Nam
Nhật Bản có kế hoạch ký một thỏa thuận xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Nhật nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước các hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Nikkei Asia đưa tin.
Hôm thứ Ba (13/10), Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga thông báo rằng, vào tuần tới, ông sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Ông Suga sẽ tới thăm Việt Nam và Indonesia. Tân Thủ tướng Nhật dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua bán vũ khí với Việt Nam trong chuyến thăm này.
Theo Nikkei, hợp tác an ninh dự kiến sẽ trở thành chủ đề chính trong các cuộc gặp của ông Suga với lãnh đạo hai nước Đông Nam Á. Việt Nam nói riêng phải đối mặt với các tuyên bố chủ quyền của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp các đảo và gia tăng sự hiện diện quân sự của họ. Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã va chạm với một tàu cá Việt Nam trong vùng biển này vào tháng 4 năm nay.
Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng nối châu Á và Trung Đông, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật. Nikkei cho hay, Tokyo đặt mục tiêu tăng cường hợp tác tại Việt Nam để khuyến khích sự kiềm chế của phía Trung Quốc trong vùng biển này.
Apple ra mắt dòng iPhone 12 công nghệ 5G siêu nhanh
Rạng sáng 14/10, Apple đã ra mắt iPhone 12 với 4 phiên bản khác nhau gồm: iPhone 12 mini, iPhone 12, iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max. Giá bán khởi điểm từ 699 USD (khoảng 16,4 triệu đồng).
Theo Apple, dòng iPhone 12 mới được cho là sẽ mở một kỷ nguyên mới của iPhone: iPhone 5G siêu nhanh, tiện lợi hơn và bảo mật hơn.
FPT Shop và F.Studio by FPT – đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam – đã công bố giá bán dự kiến iPhone 12 từ 21,99 triệu đồng cho phiên bản iPhone 12 mini dung lượng 64GB. Phiên bản iPhone 12 Pro Max dung lượng 512GB có giá bán cao nhất là 43,99 triệu đồng. Thời gian chính thức lên kệ tại Việt Nam dự kiến vào khoảng đầu tháng 12.
Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện FPT Shop cho biết: “Nếu không có gì thay đổi so với mọi năm thì iPhone 12 chính hãng năm nay sẽ được lên kệ vào khoảng thời gian đầu tháng 12 tại Việt Nam. FPT Shop dự kiến mở bán chính thức từ 4/12”.
Mỹ muốn kiểm soát nguồn tài trợ từ Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ muốn các nhóm chuyên gia tiết lộ về bất kỳ khoản tài trợ nào từ các chính phủ nước ngoài, và đề nghị rằng thông tin này nên được thể hiện “một cách nổi bật trên trang web của họ”. Nikkei đánh giá, đây là một động thái trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.
Các nhân viên của bộ sẽ “lưu ý đến việc liệu có tiết lộ thông tin hay không và các nguồn tài trợ cụ thể được tiết lộ khi [đã được] xác định rằng có nhận hay không hoặc nhận theo cách nào”, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (13/10).
Tuy nhiên, việc tiết lộ như vậy là một đề nghị chứ không phải là một yêu cầu.
Ông Pompeo nói rằng có rủi ro từ các chính phủ như Trung Quốc và Nga vì họ “tìm cách gây ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thông qua các nhà vận động hành lang, các chuyên gia bên ngoài và các tổ chức tư vấn”.
Khảo sát: Đa số người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất
Phần lớn người Mỹ nhìn nhận Trung Quốc một cách tiêu cực và tin rằng nước này là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố hôm thứ Ba (13/10) của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), SCMP đưa tin.
Có tới 4/5 người được hỏi thuộc lực lượng an ninh quốc gia và các chuyên gia khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ tin rằng Hoa Kỳ sẽ thắng nếu có một cuộc chiến vào thời điểm hiện tại với Trung Quốc.
“Người Mỹ và người ở những nước khác trên thế giới đã từ bỏ ý định biến Trung Quốc thành một nền kinh tế thị trường tự do”, Scott Kennedy, một quan chức phụ trách vấn đề Trung Quốc tại CSIS cho biết. “Trên thực tế, chúng tôi muốn Trung Quốc tuân theo tinh thần của hệ thống quốc tế, bao gồm cách cư xử có đi có lại. Và mọi người không muốn Trung Quốc tiếp tục lợi dụng hệ thống kinh tế để trục lợi cho bản thân”.
Ông Tập yêu cầu binh lính nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu
Hôm thứ Ba (13/10), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành ngày thứ hai của chuyến công du Quảng Đông để thăm một căn cứ quân sự, nơi ông kêu gọi lính thủy đánh bộ cảnh giác và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, SCMP đưa tin.
Tại căn cứ quân sự gần Sán Đầu ở phía đông tỉnh, ông Tập nói với các lính thủy đánh bộ rằng họ nên hướng tới việc trở thành một lực lượng chiến đấu “đa năng, phản ứng nhanh trong mọi thời tiết và khu vực”.
“[Các đồng chí cần] tập trung tâm trí và sức lực vào việc chuẩn bị ra trận và luôn cảnh giác cao độ”, ông Tập nhắc nhở những người lính của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Thủy quân lục chiến có nhiều nhiệm vụ khác nhau và yêu cầu đối với các đồng chí sẽ khác nhau”, ông Tập nói. “Vì vậy, [các đồng chí] nên căn cứ vào việc huấn luyện của mình dựa trên [nhu cầu] tham chiến và nâng cao tiêu chuẩn huấn luyện và khả năng chiến đấu”.
Chuyến công du phía Nam của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy các hoạt động đe dọa Đài Loan và gia tăng các động thái quân sự ngày càng hung hăng ở Biển Đông.
Trung-Nga cùng đắc cử Hội đồng nhân quyền LHQ
Trung Quốc và Nga đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền (HRC) Liên hợp quốc hôm thứ Ba (13/10), nhưng sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh đã giảm hơn 20% so với cuộc bỏ phiếu năm 2016. Trong khi đó Ả Rập Xê Út đã thất bại trong nỗ lực giành được một ghế trong hội đồng này, theo Reuters.
Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên cũng đã bầu Bờ Biển Ngà, Gabon, Malawi, Cuba, Bolivia, Uzbekistan, Pháp và Anh vào HRC gồm 47 thành viên. Senegal, Nepal, Pakistan, Ukraine và Mexico đã được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ hai. Nhiệm kỳ của các thành viên hội đồng kéo dài 3 năm và không thành viên nào được phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Các ứng cử viên được bầu bằng cách bỏ phiếu kín theo nhóm địa lý để đảm bảo tính đại diện đồng đều. Các thành viên mới của HRC sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 1/1/2021.
Cả chính quyền Trung Quốc và Nga đều bị quốc tế chỉ trích vì hồ sơ nhân quyền của họ. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã bị các nước phương Tây lên án vì các hành vi đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương và cách họ xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Điểm tin thế giới tối 14/10:
Trump nói ‘Trung Quốc thắng’ nếu Biden đắc cử;
Philippines điều hơn 200 dân quân ra Biển Đông
Mục lục bài viết
Trump nói ‘Trung Quốc thắng’ nếu Biden đắc cử
Philippines điều hơn 200 dân quân ra Biển Đông
Triều Tiên thành lập Đại học quốc phòng mang tên Kim Jong Un
Nga tuyên bố đáp trả EU vụ Navalny
Đụng độ tiếp diễn ở Karabakh bất chấp thỏa thuận
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (14/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trump nói ‘Trung Quốc thắng’ nếu Biden đắc cử
“Cuộc bầu cử này là một lựa chọn đơn giản”, Hindustan Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với đám đông người ủng hộ khi vận động tranh cử ở thành phố Johnstown, bang Pennsylvania hôm 13/10. “Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng. Tất cả các quốc gia khác đều chiến thắng. Chúng ta sẽ bị mọi người xâu xé. Nếu chúng tôi thắng, mọi người cũng thắng, Pennsylvania thắng, và Mỹ thắng. Rất đơn giản”.
Cũng trong buổi tranh cử, ông Trump gọi đối thủ Joe Biden là “gã buồn ngủ”, kẻ “đầu hàng” Trung Quốc và đó là lý do tại sao Trung Quốc muốn Biden giành chiến thắng vì ông ấy “sẽ gửi việc làm của người dân Mỹ” đến Bắc Kinh.
“Biden sẽ loại bỏ thuế quan của tôi đối với Trung Quốc – ông ấy đã nói rằng ông ấy sẽ loại bỏ thuế quan đối với Trung Quốc. Một điều không đổi trong chiến lược của Biden là đầu hàng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc và các nước cánh tả đang khao khát Biden giành chiến thắng vì ông ấy sẽ gửi việc làm của chúng ta đến Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ nếu gã buồn ngủ đó đắc cử”.
Philippines điều hơn 200 dân quân ra Biển Đông
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với trang Rappler vào ngày 13/10, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo cho biết họ chuẩn bị triển khai 2 đại đội thuộc Đơn vị Địa lý Lực lượng Vũ trang Công dân (CAFGU) tới Biển Đông. Mỗi đại đội này có khoảng 120 nhân sự.
“Mục đích của việc này là nhằm đối phó với Trung Quốc bằng lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh trên Biển Đông”, ông Bacordo giải thích.
Phó đô đốc Barcado cho biết dân quân biển sẽ được trang bị xuồng cao tốc và súng trường, chịu sự quản lý của Bộ tư lệnh miền Tây và Bộ tư lệnh miền Bắc của quân đội Philippines. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, họ cũng có trách nhiệm thực hiện hoạt động trinh sát, do thám và tình báo cho quân đội.
Triều Tiên thành lập Đại học quốc phòng mang tên Kim Jong Un
Hãng Yonhap ngày 14/10 đưa tin CHDCND Triều Tiên xác nhận đã thành lập trường đại học mang tên Chủ tịch Kim Jong Un. Thông tin được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên tiết lộ trong lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng hôm 10/10.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thành lập một trường đại học mang tên lãnh đạo đương nhiệm, dù đã có nhiều trường mang tên các cố lãnh đạo như Kim Il Sung và Kim Jong Il.
Theo Yonhap, đại học này chuyên đào tạo sinh viên khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển vũ khí.
Hôm 13/10, trong chuyến thăm tỉnh South Hamkyong, ông Kim Jong Un tuyên bố sẽ xây 25.000 ngôi nhà tại Komdok và các khu vực bị bão lũ tàn phá.
Nga tuyên bố đáp trả EU vụ Navalny
Reuters ngày 14/10 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ đáp trả tương xứng trước các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với trường hợp của nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny.
Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu hôm 12/10 ủng hộ kế hoạch của Pháp – Đức về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người Nga bị nghi ngờ dính líu đến vụ đầu độc ông Navalny bằng chất độc thần kinh.
Ông Navalny bất tỉnh khi đang đi từ Siberia đến Moscow vào tháng 8. Nhà lãnh đạo đối lập được đưa đến Đức để điều trị, và các bác sĩ phát hiện ông đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Đụng độ tiếp diễn ở Karabakh bất chấp thỏa thuận
Hãng tin TASS dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Armenia cho biết lực lượng vũ trang Azerbaijan vẫn tấn công từ nhiều hướng vào Nagorno-Karabakh trong suốt ngày 13/10, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn trước đó.
Đại diện Bộ Quốc phòng Armenia, ông Artsrun Hovhannisyan, cho biết: “Hôm nay, các lực lượng vũ trang của Azerbaijan đã mở một cuộc tấn công từ 3 đến 4 hướng. Các trận chiến đã diễn ra suốt cả ngày. Giao tranh dữ dội đã xảy ra ở khu vực phía bắc. Đây có lẽ là một trong những trận đánh khó khăn nhất trong cuộc chiến này”.
Cuộc đụng độ mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra từ ngày 27/9, với các trận chiến dữ dội diễn ra ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Theo AP, trong hơn 2 tuần xung đột, khoảng 600 người đã thiệt mạng, trong đó có 73 dân thường.