Đọc báo Pháp – 14/07/2016
Liệu Trung Quốc có cải cách nổi doanh nghiệp nhà nước?
Trung Quốc đang ngả về một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng cách tân, đổi mới, tri thức và dịch vụ. Tuy nhiên, việc đảng Cộng Sản gia tăng quản lý dường như là lực cản. Le Monde đặt câu hỏi : « Liệu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có cải cách nổi ? »
Le Monde trích lời hai chuyên gia tài chính Andrew Sheng (thành viên Hội đồng Tư vấn về tài chính bền vững của Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) và Tiểu Cảnh (Xiao Geng) – giám đốc Diễn Đàn Tài Chính Quốc Tế – nhận định từ lâu nay, dư luận cho rằng việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc tăng cường vai trò quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước có vẻ như đang là một bước thụt lùi trên con đường mở cửa.
Theo hai chuyên gia, Trung Quốc đang ngả về một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng cách tân, đổi mới, tri thức và dịch vụ. Để các doanh nghiệp có thể khẳng định chỗ đứng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đặc biệt chú ý xây dựng kế hoạch cải cách. Trong 30 năm vừa qua, các doanh nghiệp đã đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Cũng chính các doanh nghiệp Trung Quốc là ngòi nổ kích thích xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà nhà nước độc quyền, như truyền thông, sản xuất năng lượng và trong các lĩnh vực chiến lược, như sản xuất thép, than đá và ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ như Alibaba hay Tencent đã thâm nhập thị trường sản xuất, làm rối loạn thị trường truyền thống của các doanh nghiệp nhà nước, bằng cách đáp ứng thật nhanh và hiệu quả nhu cầu xã hội. Các hãng này được hưởng nhiều lợi thế trong cạnh tranh, vì dựa vào các biện pháp cách tân, và sức mua của 1,3 tỉ dân.
Mô hình lỗi thời khiến các doanh nghiệp nhà nước không bắt kịp xu hướng nói trên. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đã không vượt qua được các thách thức về công nghệ mới, để có thể thay đổi được mô hình tăng trưởng, vốn thành công trong quá khứ. Nhu cầu về sản phẩm lâu bền đã giảm, Trung Quốc giờ đây phải chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và phát triển dịch vụ. Do xuất khẩu giảm nên Trung Quốc phải kích thích tiêu dùng trong nước.
Điều hành cứng nhắc
Việc các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng cải tổ đã hãm phanh sự phát triển. Các doanh nghiệp này tuy được hưởng nhiều ưu đãi về vốn vay, tài nguyên và quỹ đất, nhưng lại chịu sự kiểm soát cứng nhắc, luân chuyển cán bộ ở mức cao và chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Ví dụ : đảng Cộng Sản bổ nhiệm ban giám đốc doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển, cần có sự đồng thuận giữa những người này và các lãnh đạo chính trị.
Hiện nay, các cơ sở công nghệ tư nhân – trong đó có rất nhiều cơ sở lên sàn chứng khoán ở nước ngoài – thu hút phần lớn giá trị thặng dư, được tạo ra từ cách làm kinh tế mới. Vì thế các nhà hoạch định chính sách phải tìm ra cách tài trợ, để giải thể các doanh nghiệp nhà nước lỗi thời và phát triển các cơ sở mới.
Có vẻ như tính chất bất trắc của tình hình đã khiến chính quyền phải suy nghĩ lại về dự án cải cách, vốn ban đầu được khởi sự rất quyết liệt. Chính quyền Trung Quốc nghĩ rằng, khi hệ thống kinh tế tài chính được xây dựng trên cơ sở mạng lưới nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, thì chỉ cần can thiệp vào một yếu tố duy nhất cũng đủ gây ra những hậu quả nặng nề.
Câu trả lời nằm trong các thách thức về « an ninh thông tin và cạnh tranh ». Nếu các doanh nghiệp nhà nước tận dụng được ưu thế « kinh tế theo quy mô » (écomonie d’échelle), để tạo ra các « cơ sở nền tảng » (plate-forme) và dịch vụ giá rẻ, thì có thể góp phần quản lý việc sử dụng thông tin của các cơ sở tư nhân lớn và quản lý được các công ty nước ngoài khổng lồ như Facebook hoặc Google trên thị trường Trung Quốc. Các ngân hàng nhà nước sẽ có thể đề xuất nhiều dịch vụ tài chính an toàn cho hàng triệu công ty vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể liên kết với các đối tác tư nhân ở địa phương, để xây dựng và quản lý hệ thống giao thông, thoát nước ở đô thị, và để hỗ trợ các tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm, ô nhiễm và an ninh công cộng.
Các nhà chức trách Trung Quốc có lý khi suy tính kỹ trước khi vào cuộc. Đây sẽ là một thử thách lớn. Nhưng thử thách này không là gì cả so với các vấn đề mà chính quyền Trung Quốc phải đối mặt, nếu vẫn duy trì mô hình kinh tế cũ.
Hy Lạp : Kinh tế vẫn khó khăn sau 3 gói cứu trợ
Liên quan đến châu Âu, Le Monde có bài phân tích : Sau 1 năm được nhận 3 gói cứu trợ của khu vực đồng euro, nền kinh tế Hy Lạp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Ngày 13/07/2015, tại Bruxelles, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận để tránh không bị phá sản và được ở lại khu vực đồng euro. Tuy nhiên, Le Monde nhận định Hy Lạp sẽ phải mất nhiều năm mới có thể thoát khỏi di chứng của cuộc khủng hoảng và cải thiện tỉ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 24,1% – tỉ lệ cao kỷ lục trong khu vực đồng euro. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên dưới 25 tuổi lên đến 50,4%. Tổng sản phẩm quốc nội và doanh thu của các công ty vừa và nhỏ cũng đều giảm 25% so với năm 2009. Đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ giảm 65% so với năm 2007. Nhiều công ty vẫn đang tiếp tục phá sản.
Bên cạnh đó, các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ buộc phải áp dụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế đã khiến dân chúng chán nản, suy sụp tinh thần.
Theo một cuộc khảo sát được Đại học Macédoine thực hiện vào đầu tháng 07/2016, 86% người Hy Lạp không hài lòng với các biện pháp của chính phủ. Le Monde trích dẫn nhiều chuyên gia, cho biết người dân Hy Lạp đã mất hy vọng cải thiện điều kiện sống, họ đã mất tinh thần, họ không còn tâm trí tụ tập biểu tình đấu tranh hay gặp gỡ các chính trị gia như hồi năm 2011-2012. Nhiều người dân cho rằng, chính phủ đã đi không đúng hướng. Thay vì cắt giảm thu nhập của người dân, tăng các loại thuế như thuế doanh nghiệp, thuế nhà đất, thuế thu nhập và các khoản đóng góp xã hội, thì chính phủ nên cắt giảm chi tiêu của nhà nước và các chi phí quốc phòng, cắt giảm số lượng viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2017 sẽ là một năm tốt lành cho nền kinh tế và người dân Hy Lạp. Ủy Ban Châu Âu dự đoán tăng trưởng kinh tế Hy Lạp sẽ đạt 2,7% vào năm 2017.
Brazil đã sẵn sàng cho Thế Vận Hội
Chuyển sang khu vực Nam Mỹ, chỉ còn 3 tuần nữa là diễn ra Thế Vận hội Olympic ở Brazil. Trái với những lo ngại từ dư luận quốc tế về tình hình chính trị bất ổn, thiếu công tác chuẩn bị, nguy cơ mất an toàn về an ninh và vệ sinh y tế, nhật báo Le Monde nhận định Brazil đã sẵn sàng cho Thế Vận hội thể thao Olympic và Paralympic.
Đây là lần đầu tiên sự kiện thể thao lớn nhất thế giới được tổ chức tại Nam Mỹ. Làng Olympic, nơi đón tiếp 17.000 vận động viên, được xây dựng ở nơi có khung cảnh đẹp nhất ở Rio de Janeiro. Làng đã được khánh thành. Các công trình thể thao trong công viên Olympic ở Barra Da Tijuca cũng đã được bàn giao.
Chính phủ Brazil bố trí lực lượng an ninh dày đặc để đảm bảo Thế Vận Hội được diễn ra trong không khí an ninh và hòa bình. 85.000 nhân viên an ninh được huy động từ nhiều lực lượng liên bang và của riêng bang Rio, để đảm bảo an ninh cho các vận động viên, các ủy ban kỹ thuật, lãnh đạo các nước, dân chúng và phóng viên.
Đây không phải là lần đầu tiên Brazil tổ chức một sự kiện có quy mô lớn như vậy. Trên thực tế, Brazil đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức và đón tiếp ở các sự kiện có tầm quốc tế, chẳng hạn như Cúp Bóng Đá Thế Giới, Ngày Hội Thanh Niên Thế Giới, Cúp Liên Đoàn Các Châu Lục, … Tất cả đều được tổ chức thành công, với tinh thần trách nhiệm và sự nồng nhiệt đặc trưng kiểu Brazil.
Le Monde cũng cho biết từ vài tuần nay, dư luận quốc tế đang dấy lên lo ngại về nguy cơ lan truyền các bệnh nhiệt đới trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội. Tuy nhiên, cả Tổ chức Y tế Thế Giới lẫn Brazil đều khẳng định không hề có bất cứ nguy cơ vào về dịch Zika. Thực tế lịch sử cho thấy tỉ lệ truyền bệnh do muỗi Aedes Aegypti vào mùa đông ở Nam Mỹ rất thấp. Số ca nhiễm Zika cũng đã giảm mạnh trong những tuần qua ở cả Brazil nói chung và Rio de Janeiro nói riêng.
Trang nhất các báo Pháp
Hôm nay là ngày Quốc Khánh Pháp nên nhiều tờ báo như La Croix, Les Echos không được phát hành. Trang nhất của ba tờ báo Le Monde, Le Figaro và Libération đều đề cập tới phản ứng của Điện Elysée, tổng thống Hollande và thủ tướng Valls, khi vị bộ trưởng Kinh Tế trẻ tuổi Emmanuel Macron tổ chức cuộc mít tinh với phong trào chính do ông khởi xướng, hai ngày trước ngày Quốc Khánh Pháp, trong đó ông không che giấu tham vọng ra tranh cử tổng thống.
Nhật báo Le Monde chạy tựa « Hollande đối mặt với thách thức từ Macron », với nhận định mặc dù bộ trưởng kinh tế Macron chưa tuyên bố ra ứng cử hay rời khỏi vị trí bộ trưởng, nhưng ông đã thể hiện thái độ lạnh nhạt với bản tổng kết 5 năm nhiệm kỳ của tổng thống Holande. Trước khi ông Hollande có bài phát biểu trên truyền hình nhân ngày Quốc khánh, Điện Elysée vẫn không coi bài phát biểu của vị bộ trưởng kinh tế là « lời tuyên chiến ». Tuy nhiên, Le Monde cũng nhận định rằng, trước tình hình này tổng thống sẽ phải kêu gọi các thành viên chính phủ củng cố tinh thần tập thể và đoàn kết chặt chẽ.
Le Figaro chạy tựa « Cuộc ẩu đả giữa Valls và Macron ngầm phá hỏng quyền lực của Hollande », cho biết sau khi bộ trưởng Macron có buổi mít tinh gây tranh cãi, thủ tướng Valls đã gây sức ép yêu cầu Tổng thống quyết định dứt khoát với ông Macron. Le Figaro dùng lối chơi chữ gọi vấn đề giữa ba nhân vật này là « tam giác quỷ trong nội các Pháp », còn tờ Libération coi đây là « vụ thanh toán băng đảng cấp cao trong chính phủ ».
Ngoài ra, các báo Pháp hôm nay cũng đề cập tới những vấn đề đáng chú ý như tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị lên án, đoàn thể thao Pháp tới dự Thế Vận Hội Olympic ở Rio có nguy cơ trở thành mục tiêu khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, tân Thủ tướng Anh Theresa May thành lập chính phủ với các thành viên ủng hộ quan điểm Brexit, Đức cam kết trở thành một đối tác quân sự đáng tin cậy của các đồng minh châu Âu, các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng xấu tới não bộ của trẻ nhỏ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160714-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-trung-quoc-lieu-co-duoc-cai-cach