Đọc báo Pháp – 14/05/2020
Covid-19: Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Trung Quốc và WHO – Tú Anh
Hệ quả khốc liệt của khủng hoảng Covid-19 vẫn là chủ đề chính trên báo chí Pháp : Hôm nay, Ủy Ban Châu Âu trình bày kế hoạch cứu vãn mùa du lịch. Le Monde nói về hiện tượng nhà nghèo mới ở các nước dân chủ Tây phương và trách nhiệm của Trung Quốc. Le Figaro ngạc nhiên với sức đề kháng của Phi châu, trừ Nam Phi. La Croix đặt câu hỏi khi nào chấm dứt “trò hề” số liệu không chính xác.
Le Monde trình bày những hệ quả khác nhau của đại dịch Covid-19 trên thế giới qua các tựa lớn: Châu Âu trước hiện tượng nhà nghèo mới. Tại Nhật Bản, sinh viên, phụ nữ, lao động hợp đồng ngắn hạn trả giá nặng trong cuộc khủng hoảng. Tại Hoa Kỳ, anh khổng lồ chân đất sét, ngân hàng lương thực hoạt động không nghỉ tay.
Y Sĩ Không Biên Giới lần đầu tiên can thiệp tại Tây Âu
Khủng hoảng viruscorona đã làm hàng ngàn dân Tây Âu lâm vào cảnh khốn khổ. Tại các nước bị tác hại nặng nhất, nhu cầu trợ giúp thức ăn tăng đến 25% hay 30%. Cụ thể là lần đầu tiên hiệp hội Y Sĩ Không Biên Giới MSF, được thành lập vào năm 1971, phải gửi các toán bác sĩ, nhân viên y tế sang Anh, sang Đức.
Tại Luân Đôn, từ hơn một tháng nay, MSF săn sóc, cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người vô gia cư, nạn nhân khốn khổ nhất của Covid-19, đa số là nhân viên nhà hàng, quán ba, cà phê bị đóng cửa.
Ở Bruxelles, được yểm trợ của Nghị Viện Châu Âu, hiệp hội Y Sĩ Không Biên Giới, cũng lần đầu tiên, mỗi ngày tặng không 1000 bữa ăn cho người bị khó khăn.
Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Bắc Kinh và WHO
Theo Le Monde, Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO đều có trách nhiệm. Dù Bắc Kinh có bất bình về cách gọi của tổng thống Mỹ Donald Trump “siêu vi Vũ Hán” nhưng đây là con siêu vi Vũ Hán.
Chúng ta có quyền nghi ngờ cội nguồn của con virus corona chủng mới. Chúng ta không biết khởi điểm của dịch là chỗ nào? Nhưng chúng ta thấy rõ thái độ của chính quyền Trung Quốc ngay từ biểu hiện đầu tiên: từ che giấu rủi ro, bịt miệng, thậm chí nhốt tù những người báo động. Rồi chúng ta thấy phản ứng chậm chạp của WHO, làm mất thời gian quý báu, đưa thế giới đến tình trạng hiện nay. Rồi chúng ta cũng biết Trung Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới có liên hệ như thế nào và đều thiếu sót bổn phận một cách nghiêm trọng trong vai trò “kiểm chứng”.
Trách nhiệm của WHO rất dễ biết, chỉ cần một cuộc điều tra quốc tế độc lập là đủ. Thông thường, mỗi tổ chức đều có phúc trình, kiểm điểm về hành động của mình sau mỗi khủng hoảng lớn.
Cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc cũng không thiếu. Một trong những nguyên tắc đầu tiên của luật pháp quốc tế là tất cả các Nhà nước đều có bổn phận không để mối nguy hại từ đất nước mình lan ra, gây thiệt hại cho các nước khác và nhân dân các nước khác.
Vấn đề là dễ gì mà chính quyền Bắc Kinh chấp nhận cho người “níu áo”, bắt bồi thường. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế cũng dự trù một phương thức khác: Bỏ qua chuyện quy tội để thủ phạm vui lòng “bồi thường qua hình thức viện trợ hảo tâm” cho những nước nạn nhân của Covid-19.
Nhưng theo tác giả, chính quyền các nước nạn nhân cũng không hẳn vô can. Họ cũng là thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cũng có bổn phận áp dụng các nguyên tắc chống dịch, phải bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của dân mình. Thế mà, chúng ta thấy gì: trước rủi ro y tế toàn cầu, mạnh ai nấy lo, cho đến nhũng ngày gần đây mới có kế hoạch hợp tác.
“Làm cách nào để “xử lý” Trung Quốc ? Le Monde dành câu trả lời cho sử gia Pierre Grosser qua một bài phỏng vấn khá dài: Được, nhưng phải thật khéo léo.
“Putin, thủ lĩnh độc đoán đang mất dần uy quyền”
Với tình trạng mỗi ngày có hơn 10.000 ca lây nhiễm mới, Liên bang Nga đứng đầu danh sách Covid-19 của châu Âu. Trong bài “Putin, thủ lĩnh độc đoán đang mất dần uy quyền”, nhật báo độc lập mô tả: Xuất hiện nhiều lần trên truyền hình, lúc đầu Putin tỏ ra tự tín, phát biểu như giảng luân lý. Thế rồi những lần sau, nét mặt có vẻ xa vắng, ưu sầu. Trong khi dân Nga trông chờ một người lãnh đạo thật sự trong bối cảnh khủng hoảng đai dịch, thì Putin tỏ ra âu lo, từ chối vai trò số một. Ông công khai trao nhiệm vụ chống đại dịch cho 85 vị tỉnh trưởng và lãnh đạo điạ phương.
“Trò hề số liệu”
Trong bối cảnh đại dịch đã làm 300.000 người chết, La Croix đặt câu hỏi: khi nào chấm dứt trò hề số liệu? Theo nhật báo Công Giáo, số nạn nhân thật sự còn cao hơn nhiều. Nhưng vì sao thống kê không chính xác? Có nhiều yếu tố: Trước hết, không ai rõ thời điểm xảy ra ca đầu tiên là lúc nào? Ở đâu? Trung Quốc hay có thể ở châu Âu? Thứ hai là nhiều nước không có “văn hóa thống kê chính xác” do tâm lý “mặc kệ”. trong nhà có người chết mà không ai quan tâm tìm hiểu chết vì bệnh gì.
Tiếp đến là lý do chính trị. Các chế độ độc tài sợ dân biết sự thật, thấy rõ chính quyền vô tích sự, sợ dân phẫn nộ, phản kháng, thậm chí nổi dậy đe dọa quyền lực. Còn các chính phủ do dân bầu lên phải minh bạch, phải tạo quan hệ lành mạnh với công luận, tức là với cử tri. Chính điểm này nói lên sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài, La Croix kết luận.
Pháp xem thường đe dọa của Trung Quốc
Theo nhật báo Công giáo, qua thông cáo của bộ Ngoại Giao, Pháp “mời” Trung Quốc tập trung chống dịch, thay vì khuấy động một hồ sơ tranh cãi cũ rích. Paris khẳng định có toàn quyền tôn trọng thực thi các hợp đồng thương mại với Đài Loan. Hợp đồng đó, trị giá 25 triệu euro, bán hệ thống chống tên lửa, trang bị cho 6 chiến hạm tàng hình cũng do Pháp bán cho Đài Loan vào năm 1991, trong bối cảnh quan hệ nguội lạnh với Bắc kinh, sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.
Vì sao Pháp bất chấp đe dọa trả đũa? Theo chuyên gia địa chính trị Antoine Bondaz, quyết định cung cấp vũ khí cho Đài Loan được thảo luận ở thượng tầng lãnh đạo nước Pháp. Bối cảnh đại dịch hiện nay và nhân lúc Đài Loan canh tân quân đội, là thời cơ để trắc nghiệm, đo lường phản ứng Trung Quốc. Đến 90% thị phần vũ khí của Đài Loan là do Mỹ cung ứng. Phần còn lại đâu phải chỉ có Pháp. Đài Loan còn mua trang thiết bị của Đức, Ý và Hà Lan, những thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc sẽ phải cân nhắc, đắn đo. Gây thù với Pháp là sẽ kết oán với cả Liên Hiệp Châu Âu mà Bắc Kinh đang cần trong bối cảnh bị tứ phương lên án về dịch Covid-19 và nền kinh tế suy yếu đi. Nhưng nếu im lặng, Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy, tạo ra tiền lệ để cho Đài Loan tự do tăng cường quân lực.
Vì sao Trung Quốc phản đối Pháp mà báo chí Nhà nước không cho dân chúng biết hợp đồng đó bán cái gì ? Cũng theo giải thích của La Croix, đảng Cộng sản Trung Quốc kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa của dân Hoa lục, để tự cho mình có vai trò bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Nếu giờ đây, biết là sẽ không thể thu hồi Đài Loan, bộ phận công luận cực đoan sẽ nổi giận không chừng đòi tẩy chay hàng tiêu dùng của Pháp để trả thù. Thế mà, nỗi sợ lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là không kiểm soát được công luận. Do vậy, báo chí Nhà nước không tiết lộ cho dân biết nội dung hợp đồng vũ khí Pháp – Đài Loan. Nhật báo Công Giáo dự báo: Đài Bắc có cách giúp cho công luận đại lục rõ chuyện .
Covid-19 và những biện pháp phục hồi kinh tế
Le Monde và Les Echos cùng chạy tựa lớn: Một kế hoạch quy mô để cứu ngành du lịch. Hôm nay, chính phủ Pháp loan báo kế hoạch. Ủy Ban Châu Âu thống nhất một phương án chung cứu mùa nghỉ hè.
Les Echos không quên những “chiến binh tuyến đầu “ mà tổng thống Emmanuel Macron quyết định sẽ tuyên dương nhân ngày Quốc Khánh 14/07. Nhật báo kinh tế nhắc nhở Nhà nước Pháp: nhân viên y tế đang chờ được lãnh tiền thưởng như đã được hứa.
Cũng trên nhật báo kinh tế, một thông tin không thể gây lạc quan: theo dự phóng mới của Viện Pasteur, lựa chọn sống chung với dịch mà không có phong tỏa an ninh dịch tễ, coi chừng siêu vi sẽ truyền nhiễm mạnh hơn. Số người bị lây nhiễm trung bình mỗi ngày có thể lên đến 3.900 , tăng gấp ba lần so với dự phóng trước khi nới lỏng phong tỏa.
Cũng trong chiều hướng chấp nhận sống chung với siêu vi để phục hồi kinh tế, Les Echos cho biết giải pháp làm việc từ xa sẽ được phát triển. Twitter đã chấp thuận cho một bộ phận nhân viên làm việc từ nhà suốt đời. Còn Libération lo ngại dự báo: người lao động sẽ bị tăng giờ làm việc.
Tin tổng hợp
(AFP) – Brazil: Số ca tử vong trong 4 giờ cao nhất từ đầu mùa dịch Covid-19.
Ngày 13/05/2020, bộ Y Tế Brazil thống kê 881 bệnh nhân qua đời vì virus corona trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 12.400 người. Tổng cộng đã có 177.589 người bị nhiễm Covid-19 tại Brazil. Tuy nhiên, số ca nhiễm này thấp hơn nhiều so với thẩm định 1,6 triệu ca được công bố trong một nghiên cứu tuần trước của một nhóm chuyên gia Brazil, do chính phủ xét nghiệm rất ít. Bang Sao Paulo, giầu nhất và đông dân nhất, vẫn là tâm dịch. Tình hình tại các bang miền bắc và đông bắc Brazil cũng rất nghiêm trọng do dịch bệnh lan rộng, trong khi hệ thống y tế bị quá tải.
(Yonhap) – Covid-19 : Hàn Quốc xét nghiệm hơn 24.800 người liên quan đến ổ dịch mới ở Itaewon, Seoul.
Ngày 14/05/2020, thị trưởng Seoul cho biết đợt xét nghiệm có quy mô lớn này được thực hiện miễn phí và vô danh cho tất cả những người đã đến khu Itaewon từ ngày 24/04 đến 06/05, để có thể sớm cách ly người bị nhiễm. Theo thống kê ngày 14/05, số ca nhiễm virus corona từ 5 vũ trường ở khu Itaewon đã tăng lên thành 120, trong đó Seoul có 70 ca. Những ca lây nhiễm chéo đã xuất hiện trên cả nước.
(Reuters) – Dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên phần lớn lãnh thổ Nhật Bản.
Được ban hành cách đây hơn một tháng, tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ từ ngày 14/05/2020 tại 39 trên 47 tỉnh ở Nhật Bản, sau khi chính phủ đã tham khảo ý kiến giới chuyên gia. Tuy nhiên, thủ đô Tokyo vẫn duy trì các biện pháp hạn chế để chống dịch. Tính đến ngày 14/05, Nhật Bản có 16.100 ca nhiễm virus corona và 696 bệnh nhân tử vong.
(AFP) – Hai thương xá lớn của Pháp, Galeries Lafayette và Printemps, đóng cửa đến 10/07.
Thông báo được Sở Cảnh sát Paris đưa ra ngày 13/05/2020, do phải chấp hành quyết định của chính phủ về việc đóng cửa các trung tâm thương mại có diện tích trên 40.000 mét vuông ở vùng Ile-de-France. Ngày 10/07 là ngày chấm dứt tình trạng khẩn cấp, đã được triển hạn trong một đạo luật được Quốc Hội Pháp thông qua vào tuần trước.
(AFP) – Volkswagen tạm ngưng sản xuất do thị trường sa sút.
Ngày 14/04/2020 hãng xe hơi Đức thông báo trong tháng 5 sẽ cho một số các xưởng lắp ráp tạm ngừng hoạt động trong vài ngày, giảm giờ làm việc của nhân viên. Trong tháng 3 và 4/2020, một số cơ sở của Volkswagen đã ngưng hoạt động trong nhiều tuần lễ vì Covid-19. Tại châu Âu, các nhà máy của hãng xe nổi tiếng này hiện thời chỉ vận hành với từ 35 đến 40 % công suất so với bình thường.
(AFP) – Gần 600.000 người Úc mất việc trong tháng 4/2020 vì Covid-19.
Theo Viện Thống Kê Quốc Gia Úc (ABS) ngày 14/05/2020, từ 40 năm qua, chưa bao giờ thị trường lao động Úc lại bị tác hại nghiêm trọng như lần này. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc hiện đã vọt lên tới 6,1 %. Bộ Tài Chính Úc lo ngại đến tháng 6/2020 sẽ có tới 10 % những người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
(AFP) – Mỹ : Boeing giành được hợp đồng hơn 2 tỷ đô la của Lầu Năm Góc.
Bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 13/052020 thông báo tập đoàn này sẽ giao trên 1.000 tên lửa địa đối không và tên lửa chống hạm của Hoa Kỳ cho Ả Rập Xê Út. Trong bối cảnh khủng hoảng y tế và kinh tế sa sút hiện nay, gần như mỗi ngày, Lầu Năm Góc đều thông báo những hợp đồng ký với các tập đoàn Mỹ. Ngành công nghiệp vũ khí Mỹ chuẩn bị giao hàng cho các đối tác như Brazil, Hà Lan, Nhật Bản Thái Lan, Ấn Độ …
(RFI) – Israel có tân chính phủ sau ba lần bầu cử Quốc Hội.
Buổi lễ ra mắt và bỏ phiếu bầu tân chính phủ diễn ra vào lúc 22 giờ (giờ địa phương) ngày 14/05/2020. Chính phủ đoàn kết dân tộc, liên minh giữa hai đảng Likud và Xanh-Trắng, sẽ có hai thủ tướng luân phiên, mỗi người điều hành nội các trong vòng 18 tháng. Thời gian đầu, nội các có đến 32 bộ, nhiều nhất trong lịch sử Israel, được phân bổ đồng đều cho hai đảng.
(AFP) – Mỹ liệt Cuba vào danh sách đen.
Theo thông báo ngày 13/05/2020, Washington đánh giá chính quyền La Habana đã thiếu hợp tác về chống khủng bố. Cụ thể, « việc Cuba từ chối thảo luận mang tính xây dựng với chính phủ Colombia cho thấy Cuba không hợp tác với Hoa Kỳ nhằm ủng hộ nỗ lực của Colombia thiết lập hòa bình công bằng và lâu dài ». Ngoài Cuba, danh sách đen của Mỹ, được lập từ đầu năm 2017, còn bao gồm Iran, Syria, Bắc Triều Tiên và Venezuela.
(AFP) – 2019 : Năm kỷ lục về bài Do Thái tại Mỹ.
Theo thống kê đầu tháng 05/2020 của Liên đoàn chống Phỉ báng (Anti-Defamation League, ADL), tổng cộng đã có 2.107 hành động tấn công, quấy rối và phá hoại mang tính chất bài Do Thái trong năm 2019. Đây là con số cao nhất kể từ năm 1979. Tổ chức này lo ngại cộng đồng Do Thái lại trở thành đối tượng tấn công do làn sóng cực đoan dâng cao trong mùa dịch Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200514-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Thế giới sáng 14/5:
Tổng thống Trump gia hạn lệnh cấm
nhắm vào công ty Trung Quốc
Lục Du
Mục Điểm tin Thế giới sáng thứ Năm (14/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tổng thống Trump gia hạn lệnh cấm nhắm vào công ty Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư đã gia hạn thêm một năm đối với lệnh hành pháp được ký vào tháng 5/2019, trong đó tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông của những công ty có thể gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ, theo Reuters.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho biết lệnh hành pháp này của ông Trump trên thực tế là nhắm vào các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE, hai công ty bị cáo buộc có các hoạt động thu thập thông tin tình báo cho Bắc Kinh.
Mỹ giữ Triều Tiên trong danh sách đen
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết họ tiếp tục liệt Triều Tiên vào danh sách quốc gia “không hợp tác đầy đủ” với các nỗ lực chống khủng bố của Hoa Kỳ, theo Yonhap.
Áp dụng Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí, Mỹ lần đầu tiên đưa Triều Tiên vào danh sách này vào năm 1997, và Bình Nhưỡng chưa bao giờ được ra khỏi danh sách kể từ đó cho tới nay.
Ngoài Triều Tiên, còn có 4 quốc gia khác nằm trong danh sách đen của Mỹ, bao gồm Iran, Syria, Venezuela và Cuba. Triều Tiên cũng bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia tài trợ cho hoạt động khủng bố.
WHO: Virus Vũ Hán có thể sẽ không bao giờ biến mất
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư đưa ra nhận định rằng virus Vũ Hán có thể sẽ giống như virus HIV, không bao giờ biến mất.
Reuters đưa tin, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, đã đưa ra nhận định này trong một cuộc họp trực tuyến. Theo ông Ryan, thế giới đã bước đầu tìm ra cách chế ngự virus Vũ Hán, tuy nhiên cần có “nỗ lực rất lớn” mới có thể đạt được mục tiêu, ngay cả khi đã tìm ra vắc xin điều trị nó.
Hơn 100 loại vắc-xin tiềm năng đang được phát triển để đối phó với virus Vũ Hán, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm vắc-xin có hiệu quả.
Người Hồng Kông biểu tình trong ngày sinh nhật Carrie Lam
Hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại các trung tâm mua sắm trên khắp Hồng Kông vào hôm thứ Tư để biểu tình phản đối trưởng đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) trong ngày sinh nhật của bà, theo Reuters.
Chính quyền đã phái cảnh sát mặc thường phục và cảnh phục tới giải tán những người biểu tình, ít nhất đã có một vụ bắt giữ sau khi họ đẩy lùi đám đông bằng hơi cay.
“Tôi mong Carrie Lam có thể sống lâu để có thể chịu trách nhiệm về những gì bà ấy gây ra”, một người biểu tình 20 tuổi tên Ken nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình. Nếu chúng tôi không chiến đấu, họ sẽ chèn ép chúng tôi mạnh hơn”.
Mỹ điều tra các công ty ‘làm ăn’ với chính phủ Maduro
FBI đang điều tra một số công ty Mexico và châu Âu bị cáo buộc liên quan đến giao dịch dầu trái phép với chính phủ Maduro ở Venezuela. Bốn nguồn tin của Reuters nói rằng Bộ Tài chính Mỹ có thể dùng thông tin của cuộc điều tra này cho các biện pháp trừng phạt.
Ba trong số những người cung cấp thông tin cho FBI nói với Reuters rằng 3 công ty của Mexico và 2 công ty ở châu Âu đang bị điều tra.
Một trong những nguồn tin quen thuộc với vấn đề ở Washington cho biết hành động trừng phạt các công ty Mexico và châu Âu có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ nếu các công ty này dừng giao dịch với chính phủ Maduro. Những nguồn tin khác của Reuters nói rằng cuộc điều tra của Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước Mỹ có khả năng dẫn đến một hành động trừng phạt trong những tuần tới.
Thủ tướng Đức: Tình báo Nga đang theo dõi tôi
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Tư cho biết chính phủ Nga đang cố gắng theo dõi bà, nói rằng bà có bằng chứng cụ thể về các nỗ lực gián điệp “thái quá” của Moscow, theo AFP.
“Tôi có thể nói một cách thành thật rằng điều đó làm tôi đau đớn. Tôi cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga mỗi ngày nhưng mặt khác, có bằng chứng khó tin rằng các lực lượng Nga đang làm điều này”, bà Merkel nói trước quốc hội Đức.
Bà Merkel đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu các hoạt động theo dõi bà của tình báo Nga không dừng lại.
Các cơ quan tình báo Đức đã liên tục cảnh báo rằng tin tặc Nga không ngừng thu thập thông tin liên quan tới các nhà lập pháp hoặc chính trị gia hàng đầu của Đức.
Một thành phố ở Trung Quốc phải phong tỏa vì Covid-19
Thành phố Cát Lâm của tỉnh Cát Lâm, thuộc vùng đông bắc Trung Quốc, đã đóng cửa một phần biên giới với các địa khu khác, chặn các tuyến giao thông và đóng cửa các trường học sau khi xuất hiện một ổ dịch viêm phổi Vũ Hán tại tỉnh này, theo AFP.
Thành phố Cát Lâm cũng đã đình chỉ dịch vụ xe buýt vào thứ Tư và cho biết họ sẽ chỉ cho phép người dân rời khỏi địa phương nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 48 giờ qua và hoàn thành việc “tự cách ly nghiêm ngặt”.
Thành phố hơn 4 triệu dân này cũng đã cấm hoạt động tất cả các rạp chiếu phim, phòng tập thể dục trong nhà, quán cà phê internet và các địa điểm giải trí.
Thế giới chiều 14/5:
Burundi trục xuất 4 quan chức WHO
phụ trách Covid-19
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (14/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Burundi trục xuất 4 quan chức WHO phụ trách Covid-19
Reuters đưa tin, chính phủ Burundi hôm nay đã xác nhận bức thư đề ngày 12/5 của Bộ Ngoại giao gửi cho đại diện hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách xử lý Covid-19 tại nước này, tiến sĩ Walter Kazadi Mulombo cùng ba quan chức khác, yêu cầu những người này phải rời khỏi Burundi trước ngày 15/5.
Bức thư tuyên bố, các quan chức WHO “không được chào đón” tại Burundi, song không nêu chi tiết.
Một quan chức giấu tên nói với AFP rằng, Bộ trưởng Y tế Burundi cáo buộc 4 quan chức của WHO có hành động “can thiệp không thể chấp nhận vào cách nước này ứng phó virus corona”.
Bão Vongfong đổ bộ Philippines, 200.000 dân sơ tán
Theo Reuters, giới chức Philippines sơ tán 200.000 dân khỏi các khu vực ven biển và miền núi do lo ngại lũ lụt và lở đất khi bão Vongfong đổ bộ.
Cơ quan thời tiết quốc gia cho biết, Vongfong, cơn bão đầu tiên tấn công Philippines trong năm nay, hôm nay đổ bộ phía Đông nước này với sức gió 155 km/h và giật 190 km/h.
Quan chức cơ quan ứng phó thảm họa các tỉnh cho biết họ đã yêu cầu sở giáo dục cho phép sử dụng thêm nhiều trường học làm nơi trú ẩn tạm thời. Những người được đưa đến nơi sơ tán phải đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19.
Giới chức cảnh báo hàng chục triệu người dân sống ở các khu vực thuộc đường đi của cơn bão cấp hai về khả năng mưa dữ dội và tình trạng sạt lở, nước dâng cao. Bão có khả năng ảnh hưởng đến thủ đô Manila.
Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp
Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 39 trên tổng số 47 tỉnh của quốc gia này. Tuy nhiên, Tokyo và Osaka vẫn sẽ duy trì các biện pháp hạn chế cho đến khi có biện pháp hữu hiệu khống chế dịch.
Trung Quốc tuyên bố đẩy mạnh xét nghiệm nCov
Theo Reuters, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Song Shuli hôm nay tuyên bố nước này sẽ đẩy mạnh xét nghiệm nCov và sàng lọc để ngăn chặn đợt bùng phát mới của dịch bệnh.
Gần đây, sự gia tăng các trường hợp mới nhiễm nCov ở Cát Lâm và Liêu Ninh, đã gây ra mối lo ngại mới cho Bắc Kinh.