Đọc báo Pháp – 14/04/2020
Xây dựng thế giới ‘‘hậu Covid’’:
TT Pháp tìm động lực trong Tuyên ngôn Nhân quyền
Trọng Thành
Nước Pháp phong tỏa để hãm dịch Covid-19 đã bốn tuần lễ. 20 giờ hôm qua, 13/04/2020, tổng thống Pháp có bài phát biểu long trọng lần thứ tư kể từ đầu đại dịch, chính thức xác định ngày Pháp bắt đầu ra khỏi phong tỏa. Tất cả các nhật báo Pháp số ra hôm nay tập trung bàn về sự kiện này.
La Croix chạy tựa trang nhất ‘‘Cái mốc được xác định là 11 tháng Năm’’. Libération ‘‘Mục tiêu tháng Năm’’. Le Figaro thì tỏ ra hết sức dè dặt ‘‘Hy vọng tái sinh, nhưng không có gì là chắc chắn’’. Với hàng tựa trang nhất ‘‘Một tháng để ra khỏi phong toả’’, Les Echos muốn nhấn mạnh, thời khắc của hành động là một tháng trước mắt, một tháng ‘‘gian nan’’, như ghi nhận trong mục ‘‘Mỗi ngày một sự kiện’’ của nhật báo.
‘‘Những ngày tháng gian nan’’… nhưng ‘‘niềm hy vọng tái sinh’’
Bài ‘’Tổng thống Macron hứa một giai đoạn ra khỏi phong toả từ từ’’ của Les Echos lưu ý trước hết là những lời đầu tiên của tổng thống Pháp là dành để nói về ‘’những ngày khó khăn đang diễn ra’’, về ‘’nỗi sợ’’, ‘’nỗi lo hãi’’, đặc biệt đối với ‘‘những ai sống đông người trong một căn hộ chật hẹp, nơi cuộc sống hàng ngày thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, nơi những người cao tuổi phải sống trong sự cô đơn’’, xa cách người thân. Nguyên thủ Pháp đã dành những lời trân trọng để ca ngợi những y bác sĩ, những người trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, các chiến sĩ ‘‘trên tuyến đầu’’, những người ‘‘ở tuyến hai’’ (tiếp tục các hoạt động nghề nghiệp, sản xuất, giảng dạy, giao thông vận tải, thương mại, nông nghiệp… trong bối cảnh bệnh dịch…). Và những công dân Pháp ”ở tuyến thứ ba”, chấp nhận cách ly, để kìm hãm dịch. Tổng thống Pháp nhấn mạnh chính nhờ vậy, ‘‘dịch bắt đầu chững lại…. Niềm hy vọng tái sinh’’.
Trong thời gian chuẩn bị cho việc dần dần ra khỏi phong toả, bắt đầu trước hết từ ngày 11/05, với các trường học (trừ Đại học), hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế được nối lại (các hoạt động văn hoá tập hợp đông người sẽ chỉ được nối lại từ giữa tháng 7), chính phủ sẽ phải chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn với khu vực kinh tế tư nhân, với giới doanh nghiệp. Cùng lúc đó, là sự ‘‘trợ giúp đặc biệt’’ dành cho những người dễ tổn thương nhất, ‘‘các gia đình có trẻ em, cũng như sinh viên xa gia đình’’. ‘‘Bảo vệ người lao động’’ là mục tiêu hàng đầu. Duy trì giãn cách xã hội, sử dụng rộng rãi khẩu trang thông thường, xét nghiệm hàng loạt, và tiếp tục duy trì cách ly những người nhiễm virus và những người bị tình nghi sẽ nằm trong số các biện pháp chủ đạo, kể từ ngày 11/05. Chính phủ Pháp có 2 tuần lễ để chuẩn bị cho kế hoạch chi tiết ra khỏi phong tỏa.
Hoài nghi: ”Phải chăng đêm đen sắp hết?”
Nhât báo thiên hữu Le Figaro tỏ ra khá hoài nghi về tuyên bố của tổng thống. Đối lập chỉ trích bài phát biểu ‘‘không đủ chi tiết’’. Xã luận Le Figaro, với tựa đề ‘‘Phải chăng sắp đến tận cùng của đêm đen?’’, ghi nhận tổng thống đã chính thức cho biết ‘‘ngày chấm dứt cuộc phong tỏa khổ ải này’’, với tia hy vọng ‘‘tự do trở lại’’, những người Pháp – đang chấp nhận sống trong cảnh ngộ phong tỏa – được người đứng đầu nước Pháp tri ân. Tuy nhiên, theo Le Figaro, điều đó không đủ để đáp ứng được mong đợi của những ai đang bị dịch bệnh bắt buộc phải sống trong tình trạng quản thúc tại gia. Theo Le Figaro, các công dân
Pháp còn rất nhiều dấu hỏi về giai đoạn những tháng tiếp theo, bên ngoài ba giải pháp chính : ‘‘xét nghiệm’’ hàng loạt, ‘’khẩu trang’’ đại trà và ‘’trị liệu’’ mới, đã được tổng thống cho biết.
‘‘Chọn cách nói khiêm nhường’’
Nhật báo thiên tả Libération, với tựa đề ‘‘Hy vọng’’ ghi nhận thông tin tổng thống đưa ra về ngày bắt đầu chấm dứt phong toả 11/05, với cái nhìn hóm hỉnh: ‘‘Thêm một tháng hay chỉ còn một tháng nữa’’ là hai cách nhìn khác nhau về tuyên bố hôm qua của tổng thống. Libération đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Pháp lựa chọn ‘‘thái độ khiêm nhường’’ trong phát biểu hôm qua, khác hẳn với khẩu khí đầy tính chiến đấu của một thủ lĩnh, mà ông vẫn thể hiện từ đầu đại dịch đến nay, khi nhấn mạnh ‘‘tôi chia sẻ với các vị về những cái mà chúng tôi biết và những điều mà chúng tôi không biết’’. Điều mà ông biết rõ là ngày 11/05 là một thời điểm mang tính bước ngoặt’’, khởi đầu cho việc từ từ ra khỏi tình trạng phong tỏa.
Emmanuel Macron thừa nhận một số ‘‘thất bại’’ của chính quyền trong việc đối phó với dịch bệnh. Để ra khỏi phong tỏa, nguyên thủ Pháp cảnh báo, cần hiểu rằng tình trạng ‘‘miễn dịch cộng đồng’’ hằng mong muốn sẽ còn ‘‘rất xa’’ mới đạt được. Xét nghiệm, khẩu trang, kỹ thuật định vị các tiếp xúc với người có virus qua điện thoại di động là các biện pháp được ưu tiên. Libération chú ý đến việc, tổng thống Macron, ‘’bị cánh tả trong đảng cầm quyền gây áp lực’’, đã buộc phải đưa ra hứa hẹn ‘’sẽ làm nhiều hơn cho những người khó khăn nhất’’, với ‘‘các biện pháp tài chính mới’’. Tuy nhiên, còn nhiều việc chính phủ phải làm, bởi hiện tại chưa có gì cụ thể.
Duy trì đoàn kết : ‘‘Cái khó nhất mới chỉ bắt đầu’’
Trong bài phát biểu gần nửa giờ đồng hồ hôm qua của nguyên thủ Pháp, Les Échos đặc biệt chú ý đến tình thần ‘‘duy trì đoàn kết’’, đã được đưa ra trong phát biểu long trọng đầu tiên của tổng thống cách nay một tháng. ‘‘Duy trì đoàn kết’’, cũng là chủ đề mục ‘‘Mỗi ngày một sự kiện’’ của nhật báo kinh tế. Bởi đối với Les Échos, ‘‘cái khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu’’.
Hiện tại, sau một tháng phong tỏa, thành công của giải pháp này là viễn cảnh tình trạng bệnh viện vỡ trận đáng sợ đã không xảy ra, nhưng giờ đây là những hệ quả phụ đáng sợ của giải pháp này: ‘‘Mỗi ngày phong tỏa trôi đi là một ngày mà sự mong manh, dễ tổn thương về xã hội, về tâm lý, khủng hoảng kinh tế, và từ đó đó là khủng hoảng xã hội, khủng hoảng tinh thần, thêm trầm trọng’’. Một tương lai sáng sủa chỉ có thể có ”với điều kiện người dân Pháp tiếp tục duy trì ý thức công dân, duy trì việc cách ly bất chấp khó khăn, chính quyền có đủ năng lực thực hiện các kế hoạch trong chiến lược chung… Đây là điều không hề đơn giản”.
Trở lại với giá trị ‘‘Lợi ích chung’’ trong Tuyên ngôn Nhân quyền
Cũng nói về sự đoàn kết, nhưng dưới một góc nhìn đáng chú ý khác, xã luận La Croix có bài ‘‘Lợi ích chung’’ (cụm từ ‘‘Lợi ích chung’’ được đặt trong ngoặc kép). Nhật báo Công Giáo ghi nhận câu nói gây ấn tượng mạnh trong bài phát biểu của tổng thống là lời kêu gọi ‘‘Hãy sáng tạo lại chính mình, và trước hết là bắt đầu từ tôi’’, nhưng ‘‘câu nói quan trọng nhất’’ trong bài phát biểu của ông không nằm ở đó.
Câu nói quan trọng nhất, theo La Croix, là ‘‘Sự thừa nhận về mặt xã hội chỉ có thể được xác lập trên cơ sở nó đem lại lợi ích chung’’ cho cả cộng đồng. Đây chính là câu thứ hai, trong điều khoản thứ nhất của Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1791. Câu thứ nhất là ‘‘Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi’’.
La Croix giải thích : ‘‘tổng thống Macron đã dẫn lại lời trích này vào thời điểm mà chính ông đã đặt câu hỏi về việc đãi ngộ quá thấp đối với các nghề nghiệp, đã có những đóng góp cốt yếu cho xã hội, từ các nhân viên y tế, giáo viên, những người làm trong nghề sản xuất và cung ứng thực phẩm, người phục vụ giao thông vận tải, nghề đổ rác….’’. ‘‘L’utilité commune’’ (”Lợi ích chung”), cụm từ xa xưa này rất đáng được chú ý, nó tương đương với diễn đạt phổ biến hiện nay ‘‘bien commun’’ (tạm dịch là ‘‘tài sản chung’’). Đây là một khái niệm, mà La Croix cho rằng, ‘’đã quá bị coi nhẹ trong những thập niên gần đây’’. Khả năng huy động nỗ lực tập thể nhờ khái niệm này đã bị gạt bỏ và thay vào đó là những lợi nhuận sinh ra nhờ ‘‘bàn tay vô hình của thị trường’’.
Đọc thêm : Khủng hoảng Covid-19 xua tan các huyền thoại về kinh tế
Dù sao, La Croix nhấn mạnh câu nói trên mới chỉ là điểm khởi đầu. Câu nói quan trọng nhất, nằm trong phần kết, bài phát biểu của tổng thống, trong giai đoạn hiện tại, đã ‘’không đủ cụ thể để có thể dẫn đến việc thảo ra một thỏa ước xã hội mới’’ tại Pháp. Đây chính là điều mà công luận đã nhiều lần chê trách nguyên thủ Emmanuel Macron. Sau các tuyên bố đầy tham vọng đưa ra, ông đã không có những hành động cụ thể, đơn cử như sau tuyên bố ‘‘Make Our Planet Great Again / Hãy làm cho hành tinh chúng ta vĩ đại trở lại’’. Xã luận báo Công Giáo kết thúc bài viết: ‘‘Mong rằng lần này ông ấy thực thi lời hứa của mình’’.
Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu: ‘‘Có các giải pháp chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái’’
Để tìm lối thoát cho giai đoạn hậu phong tỏa, tổng thống Pháp đặt một phần hy vọng vào xã hội công dân. Le Monde số ra dịp lễ Phục Sinh (ba số trong một) chạy tựa trang nhất ‘‘Những định hướng do các công dân đề xuất để giúp thoát khỏi khủng hoảng’’.
Cuối tuần qua, Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu đã chuyển đến tổng thống loạt đề xuất đầu tiên. Bài viết – mang tựa đề ‘‘Những định hướng Xanh để thoát khỏi khủng hoảng’’ về ‘‘50 đề xuất cho một mô hình mới’’ – cho biết tinh thần chung của các đề xuất được đưa ra sau cuộc họp hai ngày bất thường của Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu. Nội dung của 50 đề xuất hiện chưa được công bố.
Đọc thêm: Đại dịch Covid – 19: Đại họa hay cơ may lớn cho cuộc chiến vì khí hậu?
Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu là nhóm làm việc được lập ra, theo quyết định của tổng thống, với thành viên là các công dân Pháp bình thường, nhằm đề xuất các giải pháp tổng thể cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải thấp, giã từ các năng lượng hoá thạch, để hướng đến một xã hội thân thiện với môi trường.
Sau 6 tháng hoạt động, trong bối cảnh phong toả vì đại dịch, Hội nghị chưa thể đúc kết các đề xuất cuối cùng, nhưng họp đột xuất để đưa ra sớm 50 đề xuất (tức 1/3 trong tổng số các đề xuất chung cuộc), liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng y tế và xã hội do đại dịch Covid-19.
Lo ngại chính của nhiều thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu này là giai đoạn chấn hưng sau khủng hoảng sẽ hết sức bất lợi cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh. Chính trị gia Elisabeth Borne, bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái và Đoàn Kết tóm lại nỗi lo ngại của 150 thành viên Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu: ‘‘thông điệp rõ ràng của họ là không thể để cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay xoá mờ đi cuộc khủng hoảng sinh thái. Cả hai khủng hoảng có một nền tảng chung … Điều quan trọng mà 150 công dân vừa nói với chúng ta là: có thể có những câu trả lời chung cho khủng hoảng y tế và khủng hoảng sinh thái’’.
Cũng Le Monde, đăng tải bài trả lời phỏng vấn đạo diễn Cyril Dion, nhà sinh thái, một trong những người bảo trợ Hội Nghị Công Dân vì Khí Hậu, với tựa đề : ‘‘Không hiến tế Khí hậu cho vị thần Tăng trưởng’’.
Tin tổng hợp
(AFP) – Luxembourg chặn chuyển giao tài sản của Iran sang Mỹ.
Tư Pháp Luxembourg ngày 13/04/2020 bác yêu cầu của Mỹ đòi chuyển giao 1,6 tỷ đô la tài sản của Iran cho các nạn nhân vụ khủng bố 11/09/2001 tại Mỹ. Tổng thống Iran, Hassan Rohani xem quyết định này của tư pháp Luxembourg như là một « thắng lợi » trong việc giải ngân các nguồn tài chính bị đóng băng từ nhiều năm qua theo yêu cầu của Mỹ.
(AFP) – Mưa rốc-kết tại Tripoli, Libya.
Hàng chục quả đạn pháo đã đổ xuống thủ đô Tripoli ngày 13/4/2020. Lực lượng trung thành với Chính Phủ Hợp Nhất Quốc Gia (GNA) đóng trụ sở tại Tripoli và được Liên Hiệp Quốc công nhận cáo buộc phe vũ trang do tướng Khalifa Haftar chỉ huy, vốn được Nga và một số nước Ả Rập hậu thuẫn, tiến hành một chiến dịch « trả đũa » sau khi để mất nhiều thành phố chiến lược duyên hải tây Libya vào tay chính phủ lâm thời.
(AFP) – Một lính thủy trên hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt qua đời vì Covid-19.
Tin này được Hải Quân Mỹ loan báo ngày 13/04/2020. Tuy nhiên, tên tuổi của nạn nhân không được công bố. Người này rơi vào trạng thái hôn mê hôm thứ Sáu 10/4 trong một đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ và đã được chuyển đến đơn vị hồi sức tăng cường ở bệnh viện Guam.
(AFP) – Trung Quốc khẳng định không muốn chiến tranh tuyên truyền.
Phát biểu này của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 13/04/2020 sau khi báo chí Đức tố cáo Bắc Kinh muốn tác động lên giới chức Đức nhằm tuyên truyền tích cực về cách quản lý dịch Covid-19 của chính quyền Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết muốn « tăng cường hợp tác quốc tế chống dịch bệnh ».
(France Info) – Virus corona : Ấn Độ kéo dài biện pháp phong tỏa ít nhất là đến ngày 03/05/2020.
Hôm nay 14/04, thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh việc triển hạn lệnh phong tỏa sẽ khiến Ấn Độ trả giá đắt về kinh tế, nhưng tính mạng dân chúng quý giá hơn rất nhiều. 1,3 tỉ người dân phải ở yên trong nhà từ ngày 25/03. Ban đầu, lệnh phong tỏa toàn quốc dự kiến chỉ kéo dài 3 tuần. Theo số liệu mới được Ấn Độ công bố, cho đến nay, tổng cộng có 10.363 ca nhiễm bệnh và 339 ca tử vong vì virus corona. Nhưng trên thực tế, số nạn nhân chắc chắn cao hơn nhiều do công tác xét nghiệm còn nhiều hạn chế.
(AFP) – 36,7 triệu khán giả Pháp theo dõi diễn văn của tổng thống Macron.
Bài phát biểu tối 13/04/2020 về tình hình dịch Covid-19 được phát trực tiếp phát đi trên 11 kênh truyền hình. Một lần nữa nguyên thủ Pháp phá kỷ lục về số người theo dõi. Thăm dò của viện Médiamétrie cho biết đã có 36,7 triệu khán giả chờ đợi và theo dõi các tuyên bố của ông Macron. Đây là một « kỷ lục tuyệt đối ». Trong bài phát biểu lần trước hôm 16/03/2020 tổng thống Pháp đã được hơn 34 triệu khán giả đón nghe.
(AFP) – Cụ già 99 tuổi quyên góp hơn 1 triệu bảng Anh cho bệnh viện và nhân viên y tế Anh chống Covid-19.
Từng phục vụ quân đội Hoàng Gia Anh trong Thế Chiến Thứ Hai, đại úy Tom Moore quyết định chạy bộ trong vườn đế quyên góp tiền cho nhân viên y tế của Anh. Mỗi ngày ông chạy 10 vòng trong sân dài 25 mét và đánh cuộc là đến sinh nhật 100 tuổi sẽ quyên thu được 1.000 bảng Anh. Chẳng ngờ sáng kiến chạy bộ của cụ già gần trăm tuổi này đã thu hút tò mò của các công dân mạng. Tính tới ngày 14/04/2020 cụ đã huy động được 1,15 triệu bảng cho bệnh viện Anh.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200414-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 14/4:
Tổng Giám đốc WHO hy vọng vẫn có tài trợ từ Mỹ
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (14/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tổng Giám đốc WHO hy vọng vẫn có tài trợ từ Mỹ
Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Hai, đã bày tỏ tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO, bất chấp việc Tổng thống Trump gần đây đã chỉ trích tổ chức này yếu kém trong cách phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và thiên vị Trung Quốc, theo Reuters.
“Điều mà tôi biết là ông ấy [Tổng thống Trump] ủng hộ và tôi hi vọng rằng tài trợ cho WHO vẫn tiếp tục. Mối quan hệ mà chúng tôi có là rất tốt và chúng tôi hi vọng rằng mối quan hệ này sẽ không thay đổi”, ông Tedros nói.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết chính quyền Trump đang xem xét lại vấn đề tài trợ cho WHO, nói rằng các tổ chức quốc của Liên Hợp Quốc cần tiền đóng thuế của người dân Mỹ để duy trì hoạt động.
Hiện Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO. Mỹ đã hỗ trợ WHO hơn 400 triệu đô la vào năm 2019, bằng khoảng 15% ngân sách của tổ chức có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.
Ukraine: Cháy rừng gần lò phản ứng hạt nhân Chernobyl
Một vụ cháy rừng lớn ở Ukraine hoành hành trong hơn một tuần qua tại vị trí chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không quá một km, tiềm ẩn nguy cơ phát tán phóng xạ, Greenpeace Russia cảnh báo hôm thứ Hai, trích dẫn hình ảnh từ vệ tinh, theo Reuters.
Cơ quan phụ trách các tình huống khẩn cấp của Ukraine (ESS) cho biết họ vẫn đang chiến đấu với đám cháy, tuy nhiên tình hình đã được kiểm soát. ESS cho biết thêm, mức độ phóng xạ gần khu vực có đám cháy vẫn ở trong phạm vi cho phép.
Nhưng Greenpeace Russia nói rằng tình hình tồi tệ hơn những gì chính quyền Ukraine tin, và hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ hỏa hoạn lớn hơn một nghìn lần so với những gì họ tuyên bố.
Thống đốc New York: Mỹ đã vượt qua đỉnh điểm của Covid-19
Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo, hôm thứ Hai tuyên bố rằng, đối với dịch viêm phổi Vũ Hán, “điều tồi tệ nhất đã qua”.
Tuyên bố của ông Andrew được đưa ra trong bối cảnh các bang khác của Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại với niềm tin rằng đại dịch Covid-19 đã lên tới đỉnh ở Hoa Kỳ và theo quy luật sẽ suy yếu trong thời gian tới, theo AFP.
Ông Andrew cho biết tỷ lệ người nhiễm bệnh nhập viện đã giảm tại New York, điểm nóng nhất của dịch viêm phổi Vũ Hán tại Mỹ. Tuy nhiên người đứng đầu New York cũng cảnh báo rằng dịch bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn nếu các hạn chế áp dụng cho chống dịch được dỡ bỏ quá nhanh.
Các bạng đang có dịch Covid-19 tại Mỹ như New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delkn và Rhode Island đã tổ chức một hội nghị để bàn về kế hoạch mở cửa trở lại.
Mỹ: Bão lớn đổ bộ, 30 người thiệt mạng
Vào thứ Hai, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào miền đông nam Hoa Kỳ làm chết 30 người, gây ra lũ lụt, lở đất và mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng tới hơn 1 triệu gia đình và doanh nghiệp, AP đưa tin.
Thống đốc bang Mississippi, Tate Reeves, cho biết, cơn bão “dữ dội và tồi tệ hơn bất cứ điều gì chúng tôi từng chứng kiến trong một thập kỷ qua”.
“Chúng tôi đã quen với những cơn lốc xoáy ở Mississippi, nhưng chúng chưa là gì so với cơn bão này”, ông Tate nói.
IMF có khoản vay nhanh 500 triệu USD hỗ trợ chống dịch
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Hai cho biết họ sẽ cung cấp gói cứu trợ ngay lập tức cho 25 quốc gia thành viên để giúp những nước này chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát, Reuters đưa tin.
“Khoản vay này hướng tới những quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất của chúng ta”, Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Bà Georgieva nói thêm rằng hiện nguồn vốn hỗ trợ đang có khoảng 500 triệu USD, trong đó Anh đóng góp 185 triệu, Nhật hỗ trợ 100 triệu.
Theo Reuters, IMF có kế hoạch tìm kiếm nguồn tài chính khả dụng lên tới 1.4 tỷ USD cho các khoản vay khẩn cấp để chống dịch.
Điểm tin thế giới chiều 14/4:
Kazakhstan phản đối bài báo
nói nước này muốn thành một phần của Trung Quốc
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (14/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Kazakhstan phản đối bài báo nói nước này muốn trở thành một phần của Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Kazakhstan hôm nay đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối một bài báo nói rằng, nước này mong muốn trở thành một phần của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Kazakhstan cho biết bài báo có tiêu đề “Tại sao Kazakhstan mong muốn quay trở về với Trung Quốc?” được đăng tải trên trang web sohu.com là “trái ngược với tinh thần hợp tác chiến lược toàn diện lâu dài” của quốc gia này.
Bài báo kể lại lịch sử của Kazakhstan, nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo của nhiều bộ lạc Kazakhstan đã cam kết trung thành với Hoàng đế Trung Quốc.
Bài báo cũng tuyên bố rằng Kazakhstan từng là một phần của lãnh thổ Trung Quốc và người Kazakhstan “không phàn nàn quá nhiều” về việc liên tục bị Trung Quốc xâm chiếm.
Reuters bình luận, việc Kazakhstan triệu đại sứ Trung Quốc là một động thái bất thường vì hai nước láng giềng này thường tránh chỉ trích lẫn nhau. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi khi được yêu cầu bình luận.
Thủ tướng Anh đi dạo cùng hôn thê
Theo The Telegraph, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/4 đã cùng hôn thê Carrie Symonds và chó cưng Dilyn đi dạo một đoạn ngắn trong sân của dinh thự Chequers. Họ vừa đoàn tụ sau hai tuần ông Johnson điều trị Covid-19 tại bệnh viện St Thomas, London, và ông đang trong quá trình hồi phục sức khoẻ.
Thủ tướng Johnson cũng đã trao đổi với Ngoại trưởng Dominic Raab, người đang lãnh đạo chính phủ thay ông, nhưng không rõ ông có tham gia vào cuộc họp cuối tuần này về việc dỡ bỏ lệnh phong toả hay không.
Ấn Độ kéo dài phong toả
Reuters cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay thông báo gia hạn lệnh phong tỏa đối với 1,3 tỷ dân tới ngày 3/5 trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV ở nước này vượt 10.000.
“Đến ngày 3/5, mọi người dân Ấn Độ đều phải sống dưới lệnh phong tỏa. Tôi đề nghị người dân cùng ngăn chặn nCoV lây lan sang các khu vực khác”, ông Modi phát biểu trên truyền hình hôm nay.
“Nếu chúng ta chỉ nhìn từ quan điểm kinh tế thì đó có vẻ là một cái giá quá đắt, nhưng so với tính mạng của người Ấn Độ thì không gì có thể so sánh được”, ông Modi tuyên bố.
Theo cập nhật của Worldometers lúc 18h36 (giờ Việt Nam) ngày 14/4, Ấn Độ ghi nhận 10.541 ca nhiễm và 358 người chết do nCoV. Do thiếu thiết bị xét nghiệm và đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế, tỷ lệ xét nghiệm nCov ở Ấn Độ hiện chỉ ở mức 137 ca xét nghiệm/1 triệu dân, so với 15.935 ca/1 triệu dân ở Ý và 8.138 ca/1 triệu dân ở Hoa Kỳ.
Triều Tiên phóng nhiều tên lửa chống hạm tầm ngắn
Reuters dẫn tin từ Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên sáng nay đã phóng nhiều tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn ở khu vực bờ biển phía Đông. Ngoài ra, các chiến đấu cơ Sukhoi bay trên khu vực thành phố Wonsan và phóng nhiều tên lửa không đối đất xuống biển.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết trong thông cáo ngày 14/4 rằng, vụ phóng tên lửa diễn ra vào khoảng 7h và kéo dài trong 40 phút gần thị trấn Muchon, tỉnh Kangwon. Các vật thể này bay khoảng 150 km trước khi rơi xuống biển.
Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày trước ngày kỷ niệm 108 năm ngày sinh của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành (ngày 15/4), và sau kỳ họp của Quốc hội Triều Tiên vào cuối tuần qua.
Tạp chí kinh tế
Covid-19 :
Kế hoạch hỗ trợ kinh tế khiêm tốn của châu Âu
Thanh Hà
Trong hai tuần lễ, virus corona cuốn trôi tăng trưởng Pháp đã tích lũy được trong 5 năm. GDP của Đức giảm 10 % trong ba tháng sắp tới. Cỗ máy công nghiệp của khu vực đồng euro bị “tê liệt”, chỉ số sản xuất và tiêu thụ hoàn toàn “sụp đổ”
Tất cả các dự báo đều phác họa ra toàn cảnh kinh tế u ám trên Lục Địa Già. IMF dự phóng GDP của khu vực đồng euro trong năm 2020 giảm 7,5 %. Liên Hiệp Châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đồng loạt đưa ra những giải pháp “chữa cháy” tránh để các doanh nghiệp phá sản và hàng chục – thậm chí là hàng trăm, triệu người lao động mất việc làm. Nhưng chính sách chung cho giai đoạn “tái thiết” hậu khủng hoảng y tế Covid-19 còn mù mờ .
Khu vực sản xuất của châu Âu thúc thủ
Chỉ cần nhìn vào một thực tế : cả khu vực miền bắc – cái nôi công nghiệp và tài chính của nước Ý, đã bị phong tỏa từ ngày 09/03/2020. Hai tuần sau đến lượt Pháp thông báo đóng cửa tất cả từ trường học đến các khu giải trí, các thương hiệu trừ nhà thuốc và cửa hàng bán lương thực thực phẩm… trên toàn quốc. Các nhà máy sản xuất, văn phòng hoạt động cầm chừng theo nguyên tắc “giãn cách xã hội”.
Một nền kinh tế có trọng lượng khác của châu Âu là Tây Ban Nha cũng đã ban hành những biện pháp tương tự. Riêng có Đức, đầu tàu của châu Âu tuy không có những biện pháp triệt để như Ý, Pháp hay Tây Ban Nha nhưng chính quyền tại nhiều bang cũng đã áp dụng biện pháp “cách ly” để kềm hãm đà lây lan của virus corona chủng mới .
Các nhà máy của tập đoàn chế tạo máy bay Airbus hay hãng xe như Peugeot, Volkswagen tại châu Âu đều thông báo tạm thời đóng cửa. 700 trong số 769 chiếc máy bay của hãng hàng không Lufthansa chôn chân tại các phi trường, thua lỗ bạc tỷ.
Tại Pháp trong chưa đầy ba tuần lễ từ khi kinh tế hoạt động cầm chừng, 8 triệu người lao động đăng ký thất nghiệp “vì lý do kỹ thuật”.
Đúng vào lúc Paris ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc, chủ tịch nhóm Eurogroup quy tụ bộ trưởng Tài Chính của 19 nước tham gia đồng euro, Mario Centeno, nhận xét : “virus corona tàn phá kinh tế châu Âu như tác động của một cuộc chiến”. Điều đó có nghĩa là cú sốc trước mắt rất mạnh nhưng bước kế tiếp sẽ là giai đoạn tái thiết như sau hai cuộc Thế Chiến trong thế kỷ 20.
Cuộc chạy đua ngăn chận virus corona lây nhiễm sang kinh tế châu Âu
Không để mất thời gian, ngay từ đầu tháng 3/2020 các giới chức lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu và của khu vực đồng euro lập tức đóng vai trò của những người lính cứu hỏa.
Ở cấp quốc gia, các chính phủ bất luận tả hữu đều có phản ứng như nhau : cứu vãn kinh tế bằng mọi giá, tránh để các doanh nghiệp sa thải nhân viên. Hà Lan có truyền thống Nhà nước ít can thiệp vào lĩnh vực kinh tế, vậy mà thủ tướng Mark Rutter đã phải lên tiếng. Ông là vị thủ tướng Hà Lan thứ nhì từ những năm 1970 long trọng phát biểu trước toàn dân trên đài truyền hình rằng virus corona sẽ dồn mọi người vào chân tường đồng thời cam kết chính phủ sẽ “làm tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ mỗi chủ doanh nghiệp và từng người lao động”.
Nước Đức của thủ tướng Merkel vốn rất chặt chẽ về chi tiêu công đã nhanh chóng thông báo một gói hỗ trợ 1.100 tỷ euro chống Covid-19 và “giúp đỡ vô hạn định” các doanh nghiệp của nền kinh tế số 1 châu Âu.
Pháp tới nay thông qua một dự luật tài chính bổ sung tương đương với 15 % GDP để khắc phục hậu quả virus corona gây nên. Ý và Tây Ban Nha là những tâm dịch tại châu Âu cũng đã thông báo “hàng trăm tỷ euro” cứu các doanh nghiệp và duy trì một số dịch vụ xã hội.
Vấp váp ban đầu ở cấp châu Âu
Ở cấp châu Âu từ Ủy Ban Châu Âu đến Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) và cả Eurogroup đã nhập cuộc tránh để đình trệ kinh tế biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng và khủng hoảng về nợ công.
Có điều các định chế châu Âu đã không tránh khỏi một số vấp váp ban đầu. Nếu như Bruxelles nhanh chóng thông báo trích xuất 37 tỷ euro từ Quỹ Đầu Tư Châu Âu để hỗ trợ các bệnh viện đối mặt với Covid-19 và các doanh nghiệp bị virus corona ảnh hưởng trực tiếp, thì ngược lại, phải mất đến một tuần lễ BCE mới sử dụng “vũ khí hạng nặng” mua vào 870 tỷ euro công trái phiếu và cổ phiếu của các nước thành viên từ nay cho tới cuối năm (thay vì 120 tỷ như đã thông báo một tuần lễ trước đó). Chưa bao giờ định chế tài chính này lại dễ dàng mở hầu bao như vậy.
BCE muốn bằng mọi giá tránh để kịch bản 2012 tái diễn. Tám năm trước Hy Lạp bị đe dọa mất khả năng thanh toán và qua đó đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của đồng euro. Lần này con nợ cần được cấp cứu là Ý, quốc gia thứ ba trong khu vực đồng euro và có trọng lượng lớn hơn nhiều so với Hy Lạp. Chủ tịch BCE, bà Christine Lagarde thừa biết rằng, nếu như Ý lâm nguy thì châu Âu khó dập được đám cháy.
Quyết định của BCE lại càng cấp bách vào thời điểm chính quyền Roma phải đi vay tín dụng 10 năm với lãi suất gần 3 % thay vì 1 % như trong hai tuần lễ trước đó. Các dự báo tăng trưởng càng tiêu điều, Ý càng phải đi vay với lãi suất cao.
Về phần Ủy Ban Châu Âu, định chế này cũng đã “tiến hành một cuộc cách mạng” như nhiều cây bút bình luận trên báo chí Paris. Chủ tịch Ursula Von Der Leyen bất ngờ tuyên bố tạm gác các tiêu chuẩn về nợ công và thâm hụt ngân sách Nhà nước để cho phép các thành viên eurozone bơm tiền cứu nguy kinh tế. Quyết định này đã được 27 nước thành viên thông qua ngày 23/03/2030, tức là bao gồm cả những quốc gia như Đức hay Áo, Hà Lan vốn luôn xem đấy là những “khuôn thước vàng” cũng đã chấp thuận nới lỏng những giới hạn về nợ công và thâm hụt ngân sách Nhà nước.
Về phần nhóm Eurogroup phải sau ba ngày họp, tối 09/04/2020 bộ trưởng Tài Chính khu vực đồng Euro đưa ra một giải pháp chung đối phó với hậu quả kinh tế Covid-19. Các bên đã thuyết phục được Hà Lan đồng ý về một kế hoạch khẩn cấp 500 tỷ euro và một quỹ hỗ trợ 19 thành viên Eurozone trong tương lai. Thỏa thuận tập trung vào ba điểm : trong khuôn khổ Cơ Chế Bình Ổn Tài Chính (EMS) 19 thành viên châu Âu có thể vay nợ tới 240 tỷ euro tín dụng để đối phó với dịch Covid-19 ; huy động 100 tỷ euro để duy trì công việc làm cho người lao động của eurozone và 200 tỷ hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ.
Nhìn chung, theo tổng kết trên đài France 24 kế hoạch 500 tỷ lần này nâng gói hỗ trợ kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu chống virus corona lên thành 3.200 tỷ euro. Đây là gói kích cầu “lớn nhất thế giới”.
Có điều trong lúc một mình nước Mỹ có thể tung ra tới 2.000 tỷ đô la ngăn chận Covid-19 lây lan sang lĩnh vực kinh tế và tài chính, Nhật Bản là 1.000 tỷ đô la thì 3.200 tỷ dành cho 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu được xem là khá “khiêm tốn” như phân tích của chuyên gia kinh tế Anne Laure Delatte Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế -CEPII của Pháp
“Vấn đề ở đây là kế hoạch của châu Âu quá khiêm tốn, khi biết rằng Washington chi ra 2.000 tỷ đô la tương tương với 10 % DGP của Hoa Kỳ. Còn Tokyo là 1.000 tỷ đô la tương đương với từ 15 đến 20 % tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản. Cả khối euro chật vật lắm mới đạt được đồng thuận trên 500 tỷ euro. Đó là số tiền quá ít, nhưng cũng phải hiểu rằng khối euro không có ngân sách chung để ban hành một gói kích cầu như Nhật hay Mỹ. Nói một cách đơn giản, chúng ta là những thành viên của một câu
lạc bộ. Câu lạc bộ đó chấp nhận đứng ra vay tín dụng để rồi phân phối lại cho các thành viên qua trung gian Cơ Chế Bình Ổn Tài Chính. Có điều cơ chế đó rụt rè không dám mạnh tay đi vay đồng thời đặt điều kiện khá ngặt nghèo với các con nợ. Đây là điều mà các nước thành viên khó có thể thuyết phục công luận trong nước. Tuy nhiên châu Âu hình thành và lớn mạnh từ những cuộc khủng hoảng. Covid-19 cũng đã buộc định chế này phải có nhiều thay đổi, thí dụ như không còn bắt các thành viên khăng khăng tuân thủ các chuẩn mực về ngân sách Nhà nước, về nợ công … Hy Vọng rằng, khủng hoảng này giúp định của châu Âu vững mạnh thêm.
Để có được đồng thuận về gói hỗ trợ kinh tế 500 tỷ euro khối Eurogroup vừa thông qua tuần trước các bên đã tạm thời dời vế “chia sẻ gánh nặng nợ nần” như đòi hỏi của một số các thành viên, đứng đầu là Ý, Tây Nan Nha và cả Pháp sang một cuộc họp khác. Với giáo sư Jézabel Couppey Soubeyran giảng dậy tại đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne đây mới chính là điều cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết:
“Châu Âu cần có một sự liên đới chặt chẽ hơn để chia sẻ rủi ro khi mà nợ công của nhiều nước trong khối tăng lên rất nhanh. Việc đi vay để khắc phục hậu quả là điều rất cần thiết trong thời điểm này, tránh để khủng hoảng về y tế dẫn đến khủng hoảng về tài chính và kinh tế. Vấn đề ở đây là hiện tại mỗi quốc gia trong khối euro tự phát hành công trái phiếu, tự đi vay. Mà chúng ta biết là sau đợt khủng hoảng này, nhu cầu về tài chính sẽ rất lớn. Đến một lúc nào đó, một số thành viên khu vực đồng euro sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, lãi suất đi vay lại càng cao và sẽ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của nợ nần. Đây có thể là trường hợp của Ý, nhưng Ý không là một ca riêng lẻ. Tránh để kịch bản đó xẩy ra châu Âu cần chia sẻ mức độ rủi ro với nhau”.
Cụ thể hơn, chia sẻ gánh nặng nợ nần nghĩa là gì và các bên có những lợi ích gì ? Giáo sư Couppey Soubeyran giải thích tiếp
“ Lợi thế khi chúng ta san sẻ rủi ro có nghĩa là nếu một quốc gia trong khối gặp khó khăn hay có nguy cơ không trả được nợ đúng thời hạn thì sự tồn tại của euro zone vẫn không bị đe dọa. Đó là bài học chúng ta đã rút tỉa được từ sau khủng hoảng tài chính cuối thập niên 2000. Châu Âu đã lập ra Cơ Chế Bình Ổn Tài Chính (EMS) để trong trường hợp một thành viên khu vực đồng tiền chung mất khả năng thanh toán, đồng euro không bị khai tử và khối euro không sợ bị tan vỡ. Nhưng cơ chế này chưa bao giờ được sử dụng. Theo tôi EMS sẽ rất cần thiết vì lần này các quốc gia sẽ phải đi vay nợ rất nhiều để khắc phục hậu quả kinh tế mà Covid-19 gây nên.
Trả lời đài RFI tiếng Pháp giáo sư Couppey Soubeyran cho rằng trước mắt, Covid-19 không trực tiếp đe dọa đến sự tồn tại của đồng euro và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, nhưng virus corona có thể là mầm mống tai họa về lâu dài nếu châu Âu không tìm được lối thoát. Ngõ thoát hiểm duy nhất theo bà là “các nền kinh tế vững chắc trong khu vực cần bảo vệ các thành viên yếu kém hơn” tránh để số này mất khả năng thanh toán. Bài học từ khủng hoảng Hy Lạp trong giai đoạn 2010-2012 cho thấy Eurozone đã suýt bị tan rã.
Vào lúc lãnh đạo 19 nước sử dụng đồng euro và 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu còn tranh cãi về những giải pháp cho giai đoạn hậu khủng hoảng Covid-19, một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều là châu Âu đứng ra phát hành công trái phiếu gọi là “Coronabond” để tái thiết kinh tế. Biện pháp này cho phép các thành viên trong khối đi vay với 1 lãi suất chung. Nhưng với giáo sư Couppey Soubeyran, giải pháp lý tưởng nhất là Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu trực tiếp cấp tín dụng cho các thành viên vực dậy kinh tế