Đọc báo Pháp – 14/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 14/01/2019

Trung Quốc :

Tập Cận Bình và bốn “phản hiện đại hóa”

Trọng Nghĩa

Báo chí Pháp hôm nay 14/01/2019 dĩ nhiên tập trung bàn tán và phân tích bức « Thư Gởi Người Pháp » của tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố tối hôm qua, phác họa nền tảng cho cuộc « Thảo Luận Toàn Quốc » nhằm đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Áo Vàng. Về thời sự quốc tế, rất đáng chú ý là bài phân tích trên tờ Le Figaro về Trung Quốc, nói về điều được tờ báo mệnh danh là bốn chủ trương « phản hiện đại hóa – contre -modernisations » của ông Tập Cận Bình, đã góp phần kết thúc chu kỳ « 40 năm vàng son » của chế độ Cộng Sản Trung Quốc.

Trong bài viết mang tựa đề ngắn gọn : « Trung Quốc : 4 phản hiện đại hóa », nhà báo Nicolas Baverez của tờ Le Figaro đã nêu bật bối cảnh năm 2019 này là năm chế độ Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Cũng như vào thời điểm cách nay 4 thập niên, cụ thể là vào năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình tung ra chính sách “bốn hiện đại hóa”, cho phép Trung Quốc cất cánh về kinh tế, vào lúc này, Bắc Kinh đang phải điều chỉnh chiến lược và mô hình phát triển của mình.

Vấn đề tuy nhiên là, với bước lùi thể hiện qua sự trở lại của thể chế chủ tịch suốt đời, tệ sùng bái lãnh tụ và sự tái lập quyền kiểm soát của Nhà Nước trên nền kinh tế, tiến trình cải cách cần thiết của Trung Quốc có khả năng bị chặn đứng.

Tập Cận Bình xóa nhòa

4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình

Le Figaro đã không ngần ngại đối lập 4 hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình với 4 phản hiện đại hóa của Tập Cận Bình.

Theo tờ báo Pháp, sau cái chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã tổ chức sự phát triển của Trung Quốc theo bốn nguyên tắc.

Thứ nhất là duy trì độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – điều đã được tái khẳng định một cách đẫm máu ở Thiên An Môn vào năm 1989 – nhưng tạo ra thế đối trọng với quyền lực độc tôn bằng hai nguyên tắc : quyền lãnh đạo tập thể và nhiệm kỳ 10 năm.

Nguyên tắc thứ hai là cởi trói dần dần nền kinh tế để du nhập các cơ chế thị trường và mở cửa ra quốc tế ; nguyên tắc thứ ba là nới lỏng sự kiểm soát ý thức hệ trên nền kinh tế và xã hội, và sau cùng là vươn lên trên trường quốc tế một cách hòa bình.

Thế nhưng, theo Le Figaro, một cách có hệ thống, Tập Cận Bình đã đi ngược lại tất cả các nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình.

Về chính trị, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Đại Hội lần thứ 19 của Đảng Cộng Sản chấp nhận một chế độ chủ tịch độc tôn kiểu các hoàng đế thời xưa. Về kinh tế là việc củng cố khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời hạn chế việc mở vốn của Trung Quốc cho thế giới bên ngoài. Về mặt ý thức hệ, Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự thống trị của giáo điều mácxít trong các công ty và trường đại học.

Cuối cùng, trong lãnh vực đối ngoại, nhân vật số một của Trung Quốc đã công khai cho thấy tham vọng giành quyền lãnh đạo thế giới vào năm 2049.

Vô số cản lực

Tuy nhiên, đối với tác giả bài báo trên Le Figaro, định hướng chiến lược mới của ông Tập Cận Bình hiện đang vấp phải nhiều trở ngại nghiêm trọng.

Thứ nhất, là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, tỷ lệ chính thức là khoảng 6%, nhưng trong thực tế chỉ chừng 2% mà thôi, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tăng 20%, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm 25% trong năm ngoái, trong lúc vốn liếng ngày càng « tháo chạy » khỏi Trung Quốc.

Điểm đặc biệt, theo Le Figaro, là mô hình phát triển của Trung Quốc dựa trên công nghiệp, xuất khẩu và vay nợ đang đi vào ngõ cụt. Việc sản xuất hàng hóa siêu tốc đã tàn phá môi trường, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đã chận đứng sự bành trướng thương mại của Trung Quốc và gửi đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ đã được thấy qua lệnh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi ở nhiều quốc gia.

Sự phình to của các khoản nợ công và tư nhân, chiếm hơn 260% GDP, đang tạo ra bong bóng đầu cơ nguy hiểm. Sự gia tăng của các dự án theo « con đường tơ lụa mới » đang gây ra tình trạng thiếu kinh phí.

Sau hết, thái độ khẳng định quyền lãnh đạo của Trung Quốc đã khiến nước ngoài lo sợ, và ngày càng có nhiều sự phản ứng kháng cự xuất hiện, kể cả ở châu Á, chống lại một mô hình chính quyền độc đoán và một nền kinh tế xâm lược do Nhà nước Trung Quốc chỉ huy nhằm khuất phục và chiếm đoạt các tài sản chiến lược của các nước được Bắc Kinh trợ giúp.

Ba Lan : Chân dung gián điệp

làm việc cho Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trên trang quốc tế, Le Monde nêu bật vụ một người Trung Quốc và một người Ba Lan có liên hệ với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, vừa bị chính quyền Vácxava bắt giữ vì bị tình nghi « hoạt động có hại cho Ba Lan ». Tờ báo Pháp đã lồng vụ bắt giữ này vào « chiến dịch » được Mỹ tung ra nhằm cảnh giác các đồng minh về nguy cơ giao công việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông của mình cho tập đoàn Trung Quốc.

Chân dung hai nghi phạm tại Ba Lan rất được Le Monde chú ý : Người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh (Wang Weijing), nguyên là tùy viên tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk, sau đó qua làm việc cho chi nhánh Hoa Vi tại Ba Lan, làm giám đốc giao tế, rồi giám đốc đặc trách khâu bán hàng cho các cơ quan nhà nước.

Phát ngôn viên của bộ trưởng đặc trách các cơ quan đặc biệt – tức là các cơ quan tình báo – của Ba Lan nói rõ là nghi can đã bị bắt vì đã hoạt động « cho tình báo Trung Quốc, gây hại cho Ba Lan », nhưng cũng nói rõ rằng đó là những hoạt động mang tính chất cá nhân chứ « không liên quan gì đến tập đoàn nơi nghi can làm việc ».

Về nghi can gián điệp người Ba Lan, Le Monde trích dẫn đài truyền hình nhà nước Ba Lan cho biết người này từng là một cựu sĩ quan cao cấp trong ngành phản gián Ba Lan, phụ trách việc phát triển một hệ thống điện thoại di động an toàn cho các lãnh đạo chính trị nước này, trước khi qua làm cố vấn cho chi nhánh tập đoàn viễn thông Pháp Orange tại Ba Lan, vốn được giao trách nhiệm triển khai màng lưới 5G tại nước này cùng với Hoa Vi.

Theo Le Monde, vụ bắt giữ nghi can gián điệp Trung Quốc tại Ba Lan diễn ra trong bối cảnh Washington đã tung ra một chiến dịch cảnh giác các đồng minh, đặc biệt là các nước có căn cứ Mỹ, là không nên giao việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi, vào lúc mà các nơi đang chuẩn bị triển khai màng lưới di động 5G.

Liệu Hoa Vi có dám kháng lệnh của Nhà Nước Trung Quốc ?

Lý do mà Mỹ nhấn mạnh là các nước có nguy cơ bị Bắc Kinh do thám và khống chế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngoại giao.

Theo ghi nhận của Le Monde, lời cảnh báo của Mỹ đang phát huy tác dụng cho dù không đồng đều. Mạnh tay nhất là Mỹ, sau đó là Úc và Nhật, đã loại Hoa Vi ra khỏi danh sách nhà cung cấp cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Nhưng tại Pháp hay Đức, phản ứng không rõ ràng. Ở Pháp, nếu tập đoàn Orange đã tẩy chay Hoa Vi, thì tập đoàn SFR vẫn đang thử nghiệm hệ thống 5G của mình với công nghệ 5G của Hoa Vi. Tại Đức, nêu hãng viễn thông hàng đầu là Deutsche Telekom đã cấm Hoa Vi, thì chủ tịch cơ quan liên bang về an ninh thông tin lại cho rằng « cần phải có bằng chứng » thực thụ về hành vị gián điệp, trước khi ban hành một quyết định « nghiêm trọng như là một lệnh cấm ».

Le Monde nhắc lại rằng từ nhiều năm nay, Hoa Vi luôn khẳng định rằng họ là doanh nghiệp tư nhân, và chưa ai chứng minh được rằng họ đã có những hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ là trong tình hình hiện nay, khó có công ty Trung Quốc nào dám chống lại yêu cầu từ phía chính quyền, nhất là khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngừng tăng cường quyền kiểm soát của Nhà Nước, và đã ban hành vào năm 2017 một đạo luật về tình báo trong đó ghi rõ : « Các tổ chức và công dân, trong tinh thần tôn trọng luật pháp, phải ủng hộ, hợp tác và tham gia vào công việc tình báo quốc gia ».

Thư Gửi Người Pháp chiếm lĩnh trang nhất

Như nói ở trên, toàn bộ tựa lớn trang nhất các báo Pháp đều được dành cho việc phân tích tình hình chính trị nội bộ Pháp với bức « Thư Gửi Người Pháp » của tổng thống Emmanuel Macron được điện Élysée công bố tối hôm qua.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro, trên nền một bức ảnh của tổng thống Macron vẻ thoải mái, đã trích nguyên văn một đề nghị của ông thành tựa lớn : « Hãy biến nỗi tức giận thành giải pháp », trong lúc nhật báo thiên tả Libération thì phê phán hơn đối với ông Macron và chạy tựa « Bài viết để vớt vát », bên trên một tấm ảnh cho thấy tổng thống Pháp, vẻ mặt đăm chiêu.

Nhật báo Công Giáo La Croix khách quan hơn, chỉ chạy tựa « Hãy nhường chỗ cho tranh luận », nhắc đến bức thư của Emmanuel Macron và những mục tiêu và thách thức của cuộc Thảo Luận Toàn Quốc sẽ mở ra ngày mai.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng gợi đến của thảo luận sắp tới và thấy là tổng thống « Macron mời dân Pháp tranh luận không cấm kỵ ».

Macron và cơ hội cứu vãn nhiệm kỳ

Đối với tất cả các tờ báo Pháp, tổng thống Pháp đã cố sức soạn thảo bức thư của ông trong một động thái nhằm cứu vãn ba năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông, vốn đã bị hai tháng phản kháng Áo Vàng vừa qua làm lung lay.

BáoLibération, qua ngòi bút của Paul Quinio không ngần ngại cho rằng với lời nhắn gửi người Pháp, nguyên thủ quốc gia đã biến mình thành một ứng cử viên đang nhắm tới việc « cứu vãn ba năm còn lại trong phủ tổng thống ».

Tuy nhiên, theo Libération, bức thư của tổng thống Pháp ông chỉ là một bài viết nhằm vớt vát. Đối với tác giả bài xã luận, ông Macron, một con người cao ngạo, như muốn hạ mình xuống ngang hàng với những người Áo Vàng trấn giữ các bùng binh, nhưng đây là một động thái không phải là không hàm chứa hiểm nguy đối với ông.

Le Figaro thì tự hỏi rằng cuộc Thảo Luận Toàn Quốc sắp mở ra phải chăng là một cơ may cho người Pháp ? Dẫu sao thì đó là một « cơ hội cuối cùng cho tổng thống Emmanuel Macron, nếu ông muốn giải quyết khủng hoảng bằng một cách khác hơn là các kịch bản chính trị thảm họa đối với ông ».

Về phần mình, La Croix cho rằng tổng thống Pháp hiện đã mất đi « uy tín cần thiết để thuyết phục mọi người rằng ông sẽ thực sự đấu tranh chống lại các rạn nứt xã hội và địa dư ở Pháp ». Tuy nhiên, nhật báo Công Giáo thừa nhận rằng tổng thống Macron « vẫn có thể xoay sở để thoát khỏi sự kìm kẹp của phong trào phản đối mạnh mẽ và những hạn chế ngân sách nặng nề ».

Nhật báo kinh tế Les Échos thì tỏ ý hoài nghi về sự sẵn sàng lắng nghe của Emmanuel Macron. Tờ báo giải thích : Tổng thống Pháp lao vào cuộc Thảo Luận như thể đấy là một giai đoạn nhất thiết phải vượt qua, chứ không thực sự tin tưởng rằng điều đó sẽ thành công ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190114-trung-quoc-tap-can-binh-va-bon-“phan-hien-dai-hoa

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Trung Quốc kết án tử hình một công dân Canada về tội buôn ma túy. 

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Ottawa sau vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính hãng Hoa Vi, tư pháp Trung Quốc ngày 14/01/2019 tuyên án tử hình Robert Lloyd Schellenberg. Trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 11/2018, công dân Canada này đã bị tòa án Đại Liên xử phạt 20 năm tù. Đương sự đã đệ đơn kháng án tử hình.

(Reuters) – Thủ tướng Đức đề nghị tổ chức thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu- Trung Quốc đầu tiên vào năm 2020. 

Sáng kiến được chính quyền Berlin nêu lên vào hôm 14/01/2019. Đức muốn tránh để xảy ra tình trạng Bắc Kinh “chia để trị”, dùng đầu tư thuyết phục các nước chậm phát triển nhất của châu Âu, trong khuôn khổ diễn đàn 16+1.

(AFP) –Thái Lan muốn làm mưa nhân tạo để chống ô nhiễm. 

Chính quyền Thái Lan hôm nay 14/01/2019 cho biết có ý định làm mưa nhân tạo để đối phó với tình trạng ô nhiễm nặng nề ở Bangkok hiện nay, với lượng vi phân tử độc hại cao hơn nhiều so với ngưỡng được Tổ Chức Y Tế Thế Giới ấn định. Bangkok xếp thứ 10 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

(AFP) – Công nhân may Bangladesh đình công đòi tăng lương. 

Hàng ngàn công nhân Bangladesh may gia công cho các thương hiệu nổi tiếng ở phương Tây hôm qua 13/01/2019 đã đình công để đòi tăng lương. Cảnh sát dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán những công nhân phong tỏa xa lộ ở Savar, ngoại ô Dacca. Phong trào phản kháng kéo dài từ một tuần qua, thứ Ba 8/1 một công nhân thiệt mạng và 50 người khác bị thương, khi cảnh sát bắn đạn cao su và hơi cay vào đoàn biểu tình 5.000 người.

 (AFP) –Hàn Quốc : Những người sống sót trong vụ chìm phà Sewol được bồi thường. 

Tư pháp Hàn Quốc hôm nay 14/01/2019 ra lệnh cho chính phủ và công ty Cheonghaejin Marine bồi thường 80 triệu won (62.000 euro) cho từng người trong số 20 người sống sót trong tai nạn chìm phà Sewol làm 304 người chết cách đây 5 năm. Khoảng 60 thân nhân các nạn nhân có đưa đơn kiện cũng được bồi thường mỗi người 32 triệu won.

(AFP) – Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 : Mỹ đe dọa trừng phạt. 

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đức hôm qua 13/01/2019 cảnh báo các công ty Đức tham gia dự án Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu, không đi ngang Ukraina như lâu nay, có nguy cơ bị trừng phạt theo Luật chống các kẻ thù của nước Mỹ (CAATSA). Luật này được thông qua năm 2017, nhắm vào Iran, Bắc Triều Tiên và Nga.

(AFP) – Cá chết hàng loạt tại Úc. 

Khoảng 1 triệu con cá trong mấy ngày qua đã bị chết tại các sông ngòi ở đông nam nước Úc. Theo chính quyền, đó là do nạn hạn hán, còn theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân là quản lý nguồn nước tệ hại.

(Reuters) –Một phi cơ vận tải quân sự rơi ở Iran, 15 người chết. 

Một chiếc Boeing 707 của không quân Iran hôm nay 14/01/2019 bị rơi gần Teheran do thời tiết xấu, khiến 15 người thiệt mạng. Người duy nhất sống sót là một thợ máy, đã được đưa đến bệnh viện.

(AFP) – Nhật Bản vớt hai thuyền nhân Bắc Triều Tiên. 

Một quan chức Nhật ngày 14/01/2019 cho biết hai người được cứu vớt tự nhận là công dân Bắc Triều Tiên, thuyền gỗ của họ bị hỏng máy và trôi dạt đết sát bờ biển của Nhật. Tính từ giữa tháng 12/2018, đã có 5 người Bắc Triều Tiên được tuần duyên Nhật cứu. Mỗi năm có hơn một chục dân chài Bắc Triều Tiên lạc vào lãnh hải của Nhật.

(Reuters) – Ngoại trưởng Mỹ thăm Ả Rập Xê Út. 

Ngày 14/01/2019, ông Mike Pompeo đàm phán với đồng sự Ả Rập xe Út về các hồ sơ Iran và xung đột tại Syria, Yemen và Libya. Hội kiến hoàng thái tử Mohamed ben Salman, ngoại trưởng Mỹ đã đề cập tới vụ ám sát nhà báo người Ả Rập Xê Út, Jamal Khashogi. Riyad cam kết những thủ phạm gây ra cái chết cho ông Khashoggi sẽ phải “đền tội”.

(Reuters) – Bộ Quân Lực Pháp mua chiến đấu cơ Rafale, trị giá hợp đồng gần 2 tỷ euro. 

Mục tiêu đề ra nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Không Quân Pháp. Tới nay chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Dassault chế tạo chủ yếu nhằm phục vụ Quân Đội Pháp, nhưng Dassault đã được bán cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập. Tập đoàn này đang thuyết phục Thụy Sĩ và Phần Lan mua chiến đấu cơ này.

(AFP) – Nhà tạo mẫu người Pháp Jean Paul Gaultier chủ trì buổi dạ tiệc giúp gây quỹ chống HIV. 

Hiệp hội chống Sida/HIV của Pháp ngày 14/01/2019 thông báo, Jean Paul Gaultier sẽ bảo trợ cho sự kiện văn hóa được dự trù mở ra ngày 24 tháng Giêng. Chương trình năm nay dự trù mời 500 nhân vật nổi tiếng và giới nghệ sĩ trong ngành thời trang. Năm ngoái buổi trình diễn gây quỹ này cho phép thu về hơn 800.000 euro. Tại Pháp, 173.000 người sống với HIV và mỗi năm có thêm khoảng 6.000 ca bị lây nhiễm.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190114-tin-doc-nhanh