Đọc báo Pháp – 14/01/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 14/01/2017

Trung Quốc : Những hậu duệ Thiên An Môn trên mạng

Thụy My

Le Courrier International tuần này trích dịch bài viết trên trang Duanchuanmei(Đoan Truyện Môi) mang tựa đề « Những hậu duệ của Thiên An Môn ». Bài báo nhận định, trong khi ông Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm tại Trung Quốc, những hạt giống nổi loạn lại xuất hiện nhiều thêm. Đã hình thành một lực lượng chính trị mới gồm các cựu sinh viên những trường đại học tên tuổi, đại diện cho giai cấp trung lưu đấu tranh chống bất công xã hội, trong đó thế hệ Thiên An Môn đóng vai trò cố vấn.

Đây là trang mạng thông tin độc lập do một số công dân Hoa lục từng sống ở ngoại quốc lâu năm thành lập vào tháng 8/2015 tại Hồng Kông nhằm tránh né lưỡi kéo kiểm duyệt của Bắc Kinh. Mạng chú trọng đến các bài điều tra và tư liệu. Tác giả bài viết là Lôi Cường (Wu Qiang), tiến sĩ khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về các phong trào xã hội tại trường đại học Duisburg-Essen, Đức.

Bài báo nhận định, trong khi ông Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm tại Trung Quốc, những hạt giống nổi loạn lại xuất hiện nhiều thêm. Sự kiện Lôi Dương (Lei Yang), một thanh niên tốt nghiệp một trường đại học lớn « tự chết » ở đồn công an, đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Cũng giống như phong trào Thiên An Môn năm 1989, các sinh viên đã tổ chức phản kháng, nhưng lần này chỉ trên internet.

Từ một vụ « tự chết » trong đồn công an…

Vụ Lôi Dương có thể tóm tắt như sau : 21 giờ tối 07/05/2016, chàng thanh niên 29 tuổi ra khỏi nhà để chuẩn bị ra sân bay đón người thân. Theo chính quyền, 15 phút sau anh bị năm công an bắt giữ khi ra khỏi một cơ sở mát-xa, đưa lên xe về đồn, và lúc gần 23 giờ anh tử vong vì « lên cơn đau tim ». Đến một giờ sáng, công an gọi điện thoại báo cho gia đình. Bạn bè anh phẫn nộ đòi điều tra, vì người được cho là nhân viên mát-xa không mô tả đúng về Lôi Dương. Kết quả giám định tử thi được trao cho gia đình chứ không thông báo cho báo chí.

Đến ngày 23/12/2016, tức một hôm trước lễ Giáng sinh, tòa án quận Phong Đài (Fengtai), Bắc Kinh quyết định không khởi tố năm công an liên can đến cái chết của Lôi Dương. Thông báo này đã gây ra một trận bão phản kháng trong các cựu sinh viên trường đại học Nhân Dân Trung Quốc (còn gọi là Renda), nơi người thanh niên xấu số từng theo học. Lá thư ngỏ gởi đến cơ quan tư pháp đã thu thập được 1.600 chữ ký chỉ trong ba ngày. Trên 800 cựu sinh viên đại học Thanh Hoa (Qinghua) ở Bắc Kinh cũng ký kiến nghị, kéo theo nhiều trường đại học khác. Một phong trào phản kháng chưa từng thấy.

Những người tốt nghiệp đại học chiếm phần lớn giai cấp trung lưu mới nổi tại Trung Quốc. Trường đại học là đòn bẩy để thăng tiến trên thang bậc xã hội, và các trường đại học tên tuổi nhất thủ đô lại càng có giá, vì thường là sau khi ra trường sẽ được các cơ quan nhà nước hay các công ty lớn tiếp nhận.

Các trường Bắc Đại (Beida), Thanh Hoa hay Nhân Dân được coi là các cỗ máy tái lập mối liên hệ giữa giới tinh hoa và bộ máy chính trị. Riêng trường đại học Nhân Dân có lịch sử đặc biệt : thành lập vào thập niên 50 theo mô hình xô-viết, với đường lối giáo dục do đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Diên An thời đó quyết định, Nhân Dân được coi như một trường đảng thứ hai để đào tạo cán bộ, do chú trọng đến ý thức hệ và kinh tế kế hoạch hóa.

Ngày nay, khi cơ cấu của các phe phái chính trị truyền thống hay các nhóm lợi ích bị yếu đi do Tập Cận Bình tập trung quyền lực trong tay, các cử nhân ngoan ngoãn này bỗng tỉnh thức nhân một sự kiện đặc biệt. Họ cũng đánh thức cả cộng đồng – cựu sinh viên cùng trường đại học, thành viên cùng giai cấp xã hội, hay cùng chia sẻ một thang bậc giá trị – hình thành một lực lượng chính trị mới.

Thế hệ Thiên An Môn đóng vai trò nòng cốt

Những cựu sinh viên Nhân Dân lên tiếng phản đối đầu tiên là những người hành nghề tự do, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc giữa đời thực và chính trị. Hầu hết tốt nghiệp khoa văn chương và khoa học xã hội, rất đoàn kết với nhau từ sau chủ trương mở cửa. Họ đóng vai trò đầu tàu trong việc phản kháng những bất công xã hội, đấu tranh cho các vấn đề chính trị cơ bản như nhân quyền và Nhà nước pháp quyền.

Kể từ thập niên 90, mặc cho xu hướng phi chính trị hóa sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, giới trí thức đã làm khơi dậy một xã hội dân sự. Họ lập ra các tổ chức phi chính phủ, lao vào các hoạt động như vụ Tôn Chí Cương (Sun Zhigang) năm 2003 (một cử nhân ở Quảng Đông bị công an bắt vì không có giấy chứng nhận tạm trú, bị đánh đập và tử vong). Các nhà tranh đấu, trí thức, thành viên tổ chức phi chính phủ, bảo vệ nhân quyền, truyền thông độc lập thường bị chính quyền trấn áp.

Qua vụ Lôi Dương, các cựu sinh viên trường đại học Nhân Dân đã thành công trong việc liên kết với các luật sư nhân quyền còn sót lại sau đợt bắt bớ gần đây. Các mạng xã hội đã giúp kết nối nhiều khóa sinh viên trước và sau 1989, nhờ đó phong trào có được tư vấn từ thế hệ Thiên An Môn, mang tầm vóc khác hẳn với các phong trào trước đó với khả năng huy động quy mô, bền bỉ và mang đậm tính chính trị hơn.

Thư ngỏ của các sinh viên tốt nghiệp niên khóa 1988 nhấn mạnh, cái chết của Lôi Dương không phải là một tai nạn, mà là bi kịch của chế độ, « một hành động độc ác ngẫu nhiên nhắm vào một người bình thường, vào giai cấp trung lưu thành thị ». Lá thư tố cáo việc tập trung quyền lực vào công an, xóa mờ tính « nhân dân » của chính quyền. Thế nên không có gì là ngạc nhiên khi thư ngỏ được lan truyền rộng rãi trong dân chúng và ngay từ đầu, vụ Lôi Dương đã bị các cấp cao nhất coi là một vụ chính trị theo kiểu « cách mạng màu ». Sau đó, một lá thư ngỏ mới do các khóa 1977 và 1978 cùng ký tên lại phá vỡ sự im lặng, các cựu sinh viên gây ngạc nhiên vì dám ký tên thật trên mạng.

Cựu sinh viên : Đại diện cho giai cấp trung lưu mới tại Trung Quốc

Các khóa sinh viên thập niên 80 là lực lượng chủ lực. Họ cố gắng tìm ra sự thật và công lý, theo con đường của Nhà nước pháp quyền. Từ sáu tháng qua, phong trào ngày càng có tổ chức và lớn mạnh dần. Lời kêu gọi quyên góp được đưa ra, và ngay trong ngày đầu tiên đã nhận được 430.000 nhân dân tệ (gần 60.000 euro). Trên 1.400 cựu sinh viên đóng góp được 1,3 triệu nhân dân tệ (138.000 euro) giúp cho gia đình nạn nhân.

Qua mạng WeChat, các cựu sinh viên cũng tập hợp lại nhân dịp giỗ 49 ngày và 100 ngày của Lôi Dương. Nhiều bài viết, bài thơ, bản nhạc, lời bình được đăng lên các mạng xã hội của cựu học sinh. Họ đến dự đám giỗ theo từng khóa, chia thành những nhóm làm những công việc khác nhau.

Khi đòi hỏi công lý cho Lôi Dương, những cựu sinh viên đã thành công trong việc bày tỏ những quan ngại chung của giai cấp trung lưu. Kết quả bước đầu : Tập Cận Bình nhìn nhận cần phải đối xử đúng mức đối với lớp người thu nhập trung bình, và xem xét lại các quy định về hành vi của công an. Giai cấp trung lưu mới nổi nay đã góp mặt trên sân khấu chính trị Trung Quốc thông qua các phong trào xã hội – lần đầu tiên kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 !

Đáng buồn là gia đinh nạn nhân sau đó từ chối kháng án, do đã nhận được số tiền bồi thường kỷ lục từ Nhà nước, tương đương 5,7 triệu euro, theo Minh Báo. Tuy phong trào bất ngờ bị chựng lại, nhưng tiến sĩ Lôi Cường cho rằng từ nay mọi thay đổi đều có thể, kể cả diện mạo chính trị Trung Quốc hiện nay.

Putin và một trật tự thế giới mới

Tuần này tổng thống Nga Vladimir Putin là nhân vật trung tâm được các tuần báo Pháp chú ý. Le Point đăng ảnh ông Putin trên trang bìa, chạy hàng tựa lớn : « Một trật tự thế giới mới », phía dưới là dòng chữ « Putin, Trump, Tập Cận Bình…và châu Âu : các quy tắc đã bị thay đổi ra sao ». Hồ sơ chính của Le Courrier International đặt câu hỏi : « Putin liệu có thực sự mạnh mẽ như thế hay không ? » Ở trang trong là bức biếm họa, vẽ tổng thống Nga đứng trước một tấm gương cong cho ra ảnh ảo. Trong gương là Putin vai u thịt bắp, nhưng đối diện là một Putin bằng xương bằng thịt, « bụng ỏng, đít vòn ».

Về tình hình nước Pháp, tuần báo L’Obs nêu ra « 25 ý tưởng để đánh thức cánh tả », từ thu nhập dành cho mọi người cho đến rút thăm chọn đại biểu thay vì bầu cử. L’Express dành chủ đề chính cho vấn đề « Các nhân viên tình báo của chúng ta đối đầu với thánh chiến ». Nhìn bao quát hơn, The Economist quan tâm đến việc « Làm cách nào sống sót trong thời đại tự động hóa ».

Về một « trật tự thế giới mới », hồ sơ của Le Point nhận định nước Nga của ông Vladimir Putin đang quay lại trường quốc tế với thế mạnh. Mỹ quốc của ông Trump thì rơi vào khoảng không bất định, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang tăng cường quyền lực, trong lúc châu Âu chia rẽ. Từ khi bức tường Berlin sụp đổ đến nay, chưa bao giờ bản đồ địa chính trị thay đổi đến thế.

Đối với Le Courrier International, tuy được chọn là nhân vật trong năm 2016 với những thành công bên ngoài, trong năm 2017 ông Vladimir Putin lại phải đối mặt với những thử thách nặng nề từ trong nước. Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười 1917, cần phải đưa nước Nga ra khỏi suy thoái kinh tế, tránh làm tan vỡ « thỏa thuận Putin » – thụ động chính trị để đổi lấy sự thịnh vượng. Tuy hầu như chắc chắn sẽ tái đắc cử vào năm 2018, nhưng số 20% người Nga đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế đang chống lại Putin.

Nga liệu có thể trở thành siêu cường ?

Trước câu hỏi, liệu Nga có phương tiện để trở thành siêu cường hay không, tờ báo nêu ra hai quan điểm trái ngược nhau. Đối với tờ Vzgliad ở Matxcơva, thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Đối thoại giữa ông Trump và ông Putin sẽ là một sự kiện lớn trong năm, và điểm quan trọng thứ hai là tam giác Putin-Trump-Tập Cận Bình. Thứ ba, đây là năm bầu cử của ba nước lớn châu Âu Pháp, Đức, Ý. Một diện mạo mới của châu Âu mang lại hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ, và đến cuối năm Nga, Trung, Mỹ sẽ bắt đầu vẽ nên vóc hình một trật tự thế giới mới.

Ngược lại, theo tờ Washington Post có trụ sở ở Hoa Kỳ, thì câu trả lời là không : nền kinh tế Nga quá yếu. Từ 2013 đến nay, nước Nga đã nghèo đi rất nhiều. Theo số liệu của Moscow Times, tổng sản phẩm nội địa từ 2.200 tỉ đô la năm 2013 rơi xuống còn 1.300 tỉ đô la, thấp hơn Ý, Brazil, Canada, và tính trên đầu người xuống dưới mức 9.000 đô la.

Nước Nga vẫn lệ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, tỉ lệ tiền tiết kiệm của người dân từ 72% năm 2012 rớt xuống còn 27% trong năm 2016. Lần đầu tiên kể từ bảy năm qua, người Nga phải dành đến hơn phân nửa chi tiêu cho thực phẩm. Thành công vừa qua của Putin ở Syria chỉ là nhờ các nước khác không muốn can thiệp. Tờ báo nhắc lại, khi ông Trump muốn tăng cường vũ khí nguyên tử, chính Putin đã tuyên bố việc hiện đại hóa quân sự của Nga mới đây chỉ nhằm phòng vệ, chứ không phải chạy đua vũ trang « vì Nga không có đủ phương tiện ».

Đôi bạn Trump-Putin có lâu bền ?

Đối với tác giả Christian Makarian trên tuần san L’Express, thì « Trump không thể trở thành bạn của Putin », vì cả hai tổng thống Mỹ và Nga đều rất cần trưng ra một mối đe dọa nào đó từ bên ngoài, nhằm khẳng định vai trò của mình.

Bài viết mỉa mai nhắc đến « sáng tạo » chủ yếu của kỷ nguyên Trump được cho là việc xích lại gần với Nga, hay cụ thể hơn là giữa tổng thống Mỹ thứ 45 và ông Vladimir Putin. Nhưng đây là lần « reset » không biết thứ bao nhiêu : ông George W.Bush năm 2001, rồi đến Barack Obama năm 2009 đã từng chìa tay thân thiện với Putin nhưng rốt cuộc chỉ nhận được những cú đá giò lái.

Theo tác giả, một khi ông Trump đã đắc cử, thì tổng thống Nga đã đạt được mục tiêu chính là làm yếu đi phe Obama-Clinton. Chiến thắng rồi, Kremlin không việc gì phải thay đổi. Thứ nhất, Nga chỉ tìm lại được thế mạnh trên trường quốc tế khi làm lung lay vai trò đại cường hàng đầu của Mỹ, mà bằng chứng đã thấy rõ tại Syria. Thứ hai, Vladimir Putin hết sức cần đến một con ngoáo ộp thường xuyên. Để duy trì bộ máy trấn áp trong nước, để dùng sức mạnh quân sự làm quên đi yếu kém kinh tế, để biện minh cho việc xâm lăng lãnh thổ. Tóm lại, ông Trump và Putin quá giống nhau nên không thể làm bạn với nhau vì lợi ích trái ngược.

Trò chơi nguy hiểm trên Biển Đông

Hồ sơ của Le Point có nhắc đến « Trò chơi nguy hiểm trên Biển Đông » với bản đồ biểu thị các lãnh thổ theo khẳng định chủ quyền của mỗi nước, yêu sách, các khu vực dầu khí và những nơi có sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Trên Twitter và trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump công khai chiến lược : sẽ không dành món quà nào cho Bắc Kinh. Trung Quốc với tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, muốn bảo vệ các lợi ích thương mại và chiến lược, qua việc bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông bằng mọi cách.

Một Hà Nội quyến rũ

Liên quan đến Việt Nam trên lãnh vực du lịch, tuần san Le Monde giới thiệu những nét quyến rũ của Hà Nội, thủ phủ Đông Dương thuộc Pháp ngày xưa.

Từ khách sạn Sofitel Legend Metropole do người Pháp xây dựng từ năm 1901 nay được nâng cấp sang trọng, cho đến Cộng Cà phê đầy chất « Việt Cộng », thưởng ngoạn các sản phẩm gốm, đồ gỗ, trang phục Made in Vietnam tại Module 7. Du khách có thể đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết rùa thần, may đo quần áo tại chỗ ở chợ vải, thưởng thức món vịt chiên nước mắm hay gỏi ngó sen tại Don’s ở Hồ Tây do đầu bếp người Canada Donald Berger phục vụ, vui chơi đến tận khuya ở bar Tadioto…

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170114-trung-quoc-nhung-hau-due-thien-an-mon-tren-mang

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Tokyo phát hiện các chất độc hại ở nơi xây chợ cá mới. Mạch nước ngầm tại một địa điểm mới dự kiến để thay thế chợ cá Tsukiji (Tokyo), chợ cá lớn nhất thế giới, có nồng độ hóa chất độc hại cao. Kết quả xét nghiệm nước ngầm này đã làm cho dự án di dời khu chợ, được cho là rất tốn kém này, buộc phải hoãn lại. Tiết lộ này có thể tác động đến Thế Vận Hội được tổ chức tại Tokyo năm 2020.

(AFP) – Con tin Hàn Quốc được thả ở Philippines. Một thuyền trưởng người Hàn Quốc và một thuyền viên người Philippines bị bắt cóc ở miền Nam Philippines vừa được thả ra hôm nay, 14/01/2017, sau ba tháng bị giam cầm, bị đánh đập và bỏ đói. Theo quân đội Philippines, một toán vũ trang tự nhận thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayaf đã bắt hai người nói trên từ một tàu chở hàng vào tháng 10 năm ngoái. Đây là lầu đầu tiên xảy ra một vụ tấn công như vậy vào một tàu chở hàng lớn.

(Reuters) – Châu Âu hoan nghênh Mỹ bỏ cấm vận thịt bò Pháp. Ba ủy viên châu Âu về Thương Mại, Nông Nghiệp, và Y Tế và An Toàn Thực Phẩm hôm qua, 13/01/2017, ra một thông cáo chung. Đối với các ủy viên châu Âu, thỏa thuận Pháp-Mỹ nói trên khắc phục tình trạng bất công hiện nay, vì thịt bò của Liên Hiệp Châu Âu hoàn toàn an toàn kể từ năm 2005, với cơ chế kiểm soát bệnh bò điên hiện tại. Liên Âu nhấn mạnh đến tính chất không có căn cứ và không tương thích của lệnh cấm vận kéo dài hai thập niên. Thỏa thuận nói trên rơi đúng vào thời điểm cuộc chiến thịt bò nhiễm hormon giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, bắt đầu từ cách nay gần 30 năm, vừa khởi sự trở lại.

(AFP) – Khủng bố đêm giao thừa : Thổ Nhĩ Kỳ bắt 2 người Duy Ngô Nhĩ. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, 14/01/2017, hai người vừa bị bắt do có liên hệ với vụ khủng bố tại một vũ trường ở Istanbul khiến 39 người chết, một vụ khủng bố mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm. Theo hãng tin Anadolu, hai nghi can Omar Asim và Abuliezi Abuduhamiti đã bị bắt đêm qua với tội danh « tham gia một tổ chức khủng bố » và « mua vũ khí trái phép », cũng như tội « đồng lõa giết hại 39 người ». Theo hãng tin Anadolu, một nhân chứng đã nhìn thấy Asim đi cùng với người được cho là thủ phạm vụ khủng bố ở Istanbul, mà hiện vẫn chưa bị bắt, mặc dù cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ráo riết truy lùng.

(AFP) – Khám phá tâm Trái Đất : Một bước tiến mới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, chất silicium rất có thể là một nguyên tố bí ẩn còn thiếu trong việc tìm hiểu về thành phần lõi Trái Đất. Hầu hết các nhà khoa học đều đồng tình là lõi Trái Đất được cấu tạo từ 85% nguyên tố sắt và 10% nikel. 5% còn lại bao gồm các nguyên tố nhẹ như lưu huỳnh, ôxy và đa phần nguyên tố silicium, theo như khảo sát của nhà địa chất học Eiji Ohtani và các cộng sự nghiên cứu trường đại học Tohoku (bắc Nhật Bản).

(Reuters) – Thành phố Bắc Kinh muốn giảm ô nhiễm phân tử. Đô trưởng Bắc kinh hôm nay, 14/01/2017, thông báo đã đề ra mục tiêu giảm ô nhiễm không khí cho năm 2017, nhằm giữ số hạt bụi mịn PM 2,5 bình quân hàng năm không vượt quá mức 60 microgramme/mét khối. Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp hơn ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới là từ 20 đến 25 microgramme/mét khối. Trong tháng 12 vừa qua, một lớp khói mù do ô nhiễm đã bao phủ không chỉ Bắc Kinh, mà cả một vùng rộng lớn ở miền Bắc Trung Quốc, làm rối loạn giao thông hàng không, lưu thông xe hơi và hoạt động của các trường học. Tại Bắc Kinh, có lúc ô nhiễm PM 2,5 đạt mức 500 microgramme/mét khối.

(AFP) – Syria : Phớt lờ Obama, Nga từng mời Trump tham gia đàm phán hòa bình. Theo Washington Post (hôm 13/01/2017), lời mời đã được đại sứ Nga tại Washington, ông Serguei Kislyak, đưa ra trong buổi trao đổi điện đàm với cố vấn an ninh quốc gia tương lai Michael Flynn ngày 28/12/2016. Phát ngôn viên Nhà Trắng tương lai, ông Sean Spicer, cũng xác nhận thông tin này. Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ chính quyền phe Dân chủ mãn nhiệm khẳng định “không nhận được lời mời chính thức về cuộc họp”. Điện Kremlin, vốn dĩ trông đợi nhiều vào mối quan hệ hữu hảo hơn với Donald Trump, hôm qua đã từ chối “tuyên bố” về việc mời Hoa Kỳ tham gia các cuộc thương thuyết tại Astana, Kazakhstan, tuy vẫn nói rằng: “ủng hộ một sự tham gia rộng lớn hơn từ tất cả các phía”.

http://vi.rfi.fr/tong-hop/20170114-tin-doc-nhanh