Đọc báo Pháp – 13/12/2016
Bóng của Nga
bao phủ lên quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ
Bầu cử tổng thống đã kết thúc, nhưng chiếc bóng của Nga vẫn chập chờn tại Mỹ. Còn hơn một tháng nữa là bước vào Nhà Trắng (ngày 20/01/2017), Donald Trump bắt đầu tái định hướng quan hệ Mỹ-Nga một cách rõ ràng hơn. Báo Le Monde số ra ngày 13/12/2016 dẫn giải hai yếu tố xảy ra trong ngày 11/12 cho thấy giả thuyết này ngày càng thêm khả tín.
Trước tiên là việc bổ nhiệm tân ngoại trưởng, biểu tượng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong tương lai. Trong những tuần qua, Donald Trump liên tiếp đưa ra những tín hiệu trái ngược nhau. Lúc thì nhắc đến cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani – một trong những cộng sự trung thành nhất của ông ; khi thì Mitt Romney, nguyên ứng cử viên tổng thống năm 2012 hay như tướng về hưu David Petraeus, cựu lãnh đạo CIA.
Những ngày gần đây, báo chí Mỹ nói nhiều đến ông Rex Tillerson, lãnh đạo tập đoàn dầu lửa ExxonMobil. Năm nay 64 tuổi, ông Tillerson dường như là ứng viên được tổng thống đắc cử ưu ái nhất. Như thông lệ, trên Twitter, ông Trump khẳng định chưa ra quyết định cuối cùng về việc này.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng ông Rex Tillerson sẽ đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Với tư cách là lãnh đạo một tập đoàn dầu lửa, ông Tillerson có quan hệ tốt đẹp với Nga như : chống các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga, sau vụ sáp nhập Crimée, hồi tháng 03/2014 ; đến dự hội nghị thượng đỉnh về năng lượng tại Matxcơva năm 2014 và gặp Igor Setchine, lãnh đạo tập đoàn Rosnef, nhà sản xuất dầu lửa chính của Nga, một người thân cận với tổng thống Vladimir Putin. Chính quyền Mỹ thời đó tìm mọi cách tránh những cuộc gặp gỡ thăm viếng theo kiểu này.
« Nực cười » và « ngụy biện »
Yếu tố thứ hai khẳng định xu hướng thay đổi trong quan hệ Mỹ-Nga, đó là thái độ của Donald Trump trước các thông tin của tình báo Mỹ liên quan đến vai trò của các tin tặc có quan hệ với chính quyền Nga, trong tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ. Trong giai đoạn cuối chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, nhịp độ tiết lộ các thư điện tử của ông John Podesta gia tăng. Nhân vật này phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary Clinton. Trong cùng thời gian này, không một thư điện tử nội bộ nào trong phe Cộng Hòa bị tiết lộ.
Hôm thứ Sáu, 08/12, tờ Washington Post đã đăng một phân tích của CIA, lần đầu tiên, nói đến giả thuyết Nga có ý đồ can thiệp tạo thuận lợi cho ứng viên đảng Cộng Hòa. Ê-kíp của ông Trump ra thông cáo, mỉa mai là cáo buộc này đến từ một cơ quan đã từng khẳng định là chế độ Saddam Hussein có vũ khí nguyên tử, để biện hộ cho việc tấn công đánh chiếm Irak năm 2003. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox News, ngày 11/12, ông Trump đã coi báo cáo của CIA là nực người, một sự ngụy biện mà phe Dân Chủ đưa ra sau thất bại trong cuộc bầu cử.
Một tín hiệu khác cho thấy nhà tỉ phú địa ốc thiếu tin tưởng vào cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Ông Trump cho biết sẽ không tham dự đều đặn các cuộc họp báo cáo tình hình của các cơ quan tình báo Mỹ. Ông nói ông là người thông minh, không cần nghe lại nhiều lần những điều đã biết, trong suốt 8 năm (trong giả thuyết ông tái đắc cử vào năm 2020).
Vào lúc tổng thống Barack Obama yêu cầu có một báo cáo về các vụ tin tặc liên quan đến chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Trump cho rằng chủ đề này đã bị cơ quan tình báo chính trị hóa. Tất cả mọi nỗ lực của cơ quan này là nhằm tránh sự đồng thuận của cả hai đảng, Cộng Hòa và Dân Chủ, trong hồ sơ này.
Tuy nhiên, cho đến nay, thái độ của ông Trump vấp phải sự e dè của một bộ phận trong đảng Cộng Hòa, vốn nghi ngại Nga. Trước thông tin về khả năng ông Tillerson được chỉ định làm ngoại trưởng, chủ tịch ủy ban quân lực Mỹ, thượng nghị sĩ John McCain, nói thẳng là ông không rõ quan hệ giữa ông Tillerson và Vladimir Putin, nhưng ông quan ngại.
Theo ông McCain, tổng thống Putin là một kẻ bất hảo, thô bạo, là tên sát nhân. Ai nói ngược lại điều này là kẻ nói dối. Sự nghi ngại này không hề mang tính biểu tượng hay hình thức. Vì việc bổ nhiệm ngoại trưởng phải có sự chấp thuận của Thượng viện Hoa Kỳ. Cho dù sự việc có ra sao, quả thật « Bóng của Nga đang bao trùm lên quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống Hoa Kỳ », như tựa đề của bài viết.
Đài Loan : Sàn đấu giữa Trump và Trung Quốc
Với Nga, ông Trump tỏ thái độ hòa dịu, nhưng với Trung Quốc ông lại khiêu khích. Sau khi đã chọc tức Bắc Kinh bằng cú trao đổi điện đàm với tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn hôm 2/12, tổng thống tân cử một lần nữa đã làm cho Bắc Kinh nổi đóa khi đe dọa không thừa nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa », mà Hoa Kỳ đã thực hiện từ gần 40 năm qua.
Le Figaro và Les Echos lần lượt có bài nhận định qua các tiêu đề « Bắc Kinh chấn chỉnh lại tổng thống tân cử Hoa Kỳ về hồ sơ Đài Loan » và « Với Bắc Kinh, nguyên tắc một nước Trung Hoa là không thể bàn cãi ». Cả hai tờ báo nhắc lại chính vì nguyên tắc này mà Hoa Kỳ đã cắt đứt bang giao với Đài Loan năm 1979, để công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân của Mao Trạch Đông. Thế nhưng, nguyên tắc này giờ đang bị chủ nhân tương lai của Nhà Trắng làm tan vỡ. Trên kênh truyền hình Fox News, ông đã không ngần ngại nêu lại vấn đề tại sao phải thừa nhận nguyên tắc trên.
Sau khi đã tỏ ra nhún nhường ông Trump trong sự cố lần trước, Bắc Kinh lần này đã thật sự nổi giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, nếu Washington xem xét lại các cam kết của mình liên quan đến Đài Loan, thì « quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thể phát triển lành mạnh, đều đặn, và không thể có hợp tác song phương trong những lĩnh vực quan trọng. »
Báo chí Trung Quốc còn có những lời lẽ chỉ trích nặng nề hơn. Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh rằng một nước Trung Hoa duy nhất là « không để bán cũng không để mua » (Les Echos) hay như là « không thể thương lượng được » (Le Figaro). Báo chí chính thống Trung Quốc chỉ trích ông Trump là cư xử « như đứa con một » (Les Echos) hay như là « một đứa trẻ ngây ngô » (Le Figaro) trên phương diện ngoại giao.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn cảnh cáo trong trường hợp ông Trump có ý định bảo vệ độc lập Đài Loan, Bắc Kinh rất có thể sẽ ủng hộ, kể cả bằng quân sự, « những thế lực thù nghịch với Hoa Kỳ ». Tờ báo đảng chính thức còn nói thêm : « ông Trump đã không hiểu được là việc Hoa Kỳ can dự vào một cuộc chơi căng thẳng như thế có thể nguy hiểm đến dường nào ».
Theo nhận định của cả hai nhật báo, Đài Loan là hồ sơ nhậy cảm đến mức tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khó có thể khoanh tay đứng nhìn, khi chỉ còn có một năm nữa diễn ra đại hội đảng, cho phép ông nắm giữ chức vụ lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa. Do không thể tấn công thẳng vào Trump, chính thức nắm quyền vào ngày 20/01/2017, Đài Loan rất có thể sẽ là mục tiêu trực tiếp bị nhắm đến.
Nếu đúng như nhận định của Les Echos là ông Donald Trump có ý định dùng Đài Loan như món tiền để trao đổi, thì Le Figaro nghi ngờ đặt câu hỏi phải chăng là ông Trump đang đùa với lửa ?
Pháp thành lập đạo quân thứ 4
« Muộn còn hơn không ». Ngoài không quân, hải quân và bộ binh, quân đội Pháp sẽ có thêm một đạo quân thứ tư : Đội quân tin học. Học thuyết quân sự mới này đã được bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian công bố ngày 12/12/2016. « Quốc phòng : Le Drian muốn cung cấp cho Pháp một đạo quân tin học mạng » là thông báo của Les Echos.
Đạo quân này sẽ đảm nhận ba nhiệm vụ : tình báo (xác định các kẽ hở, dọ thám các hoạt động thù nghịch) ; bảo vệ (chỉnh sửa các bức tường mạng) và cuối cùng là chống tấn công mạng (vô hiệu hóa các phương tiện do đối thủ sử dụng). Nhưng ông Le Drian còn muốn nhiệm vụ đội quân này đi xa hơn nữa đó là phải đáp trả trong trường hợp các đợt tấn công có « hành vi gây chiến, để lại những tác động nghiêm trọng, một cuộc xung đột công khai ».
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, trong trường hợp bị tấn công mạng, Pháp có quyền đáp trả bằng một cuộc phản công tin học mạng hay theo quy ước. Đây là lần đầu tiên nước Pháp đưa ra lời cảnh báo chính thức trước các đối thủ tiềm tàng.
Quân đội Pháp dự định tuyển dụng từ đây đến năm 2018, 3.200 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này, tức tăng gấp đôi so với năm 2012. Căn cứ vào nhu cầu đòi hỏi năng lực ở mức cao, bộ trưởng Pháp đề nghị thành lập một đội quân dự bị gồm 4.400 chuyên gia, trong đó có 400 người có đủ trình độ chuyên môn cho các hoạt động tấn công.
Cuối cùng, ông Le Drian cho biết đạo quân này sẽ được giao cho một vị tướng 4 sao, phó đô đốc Arnaud Coustillière điều hành, nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng tư lệnh quân đội.
Internet : Miền đất mầu mỡ cho lừa đảo đầu cơ tài chính
Phụ trương kinh tế của Le Monde có bài cảnh báo tình trạng « Lừa đảo đầu cơ tài chính nở rộ trên internet » : đây là dạng lừa đảo mới, trên quy mô lớn và dường như hàng ngàn người Pháp đã là nạn nhân, số tiền bị lừa đảo có thể lên tới hàng trăm triệu euro.
Hình thức lừa đảo này phát triển mạnh trên các website, mạng xã hội, thư điện tử, với nhiều câu chào mời như « lãi 92% trong vòng 60 giây », « tôi bỏ việc làm để sống bằng nghề đầu tư chứng khoán »…Đằng sau những lời quảng cáo hấp dẫn này là những công ty trung gian đầu tư lừa đảo, không có giấy phép, bị cấm hoạt động tại Pháp – đó chỉ là một địa chỉ, đăng ký tại một hòn đảo thiên đường thuế khóa ở Caribê.
Các công ty này mời chào mọi người đặt tiền trên các website giao dịch trực tuyến. Ban đầu người đầu tư có thể được lãi vài trăm euro, thậm chí có thể vài nghìn để làm cho họ choáng ngợp, nghĩ rằng có thể có tiền lãi lớn và nhanh chóng. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, đó là trò lừa đảo. Một chuyên gia thuộc cơ quan quản lý thị trường tài chính Pháp cho biết, những số tiền người đầu tư bỏ vào không hề được đầu tư. Khó có thể kiếm lời 2000 euro trong hai giờ.
Xuất hiện từ những năm 2000, trong bối cảnh thị trường tài chính và internet phát triển, các website lừa đảo này đã nở rộ do khủng hoảng kinh tế. Trong hai năm qua, các vụ tố cáo và kiện tụng gia tăng. Hiện viện công tố Paris đang tiến hành khoảng 50 cuộc điều tra liên quan đến 500 nạn nhân. Theo Tracfin (Cơ quan xử lý thông tin và hành động chống các đường dây tài chính bí mật, chống tệ nạn rửa tiền, thuộc bộ Kinh Tế, Tài Chính Pháp), riêng tại Pháp, tính đến cuối năm 2015, số tiền lừa đảo lên tới 200 triệu euro. Trên phạm vi thế giới, con số này có thể lên tới một tỉ đô la mỗi năm.
Giới chuyên gia, được báo Le Monde trích dẫn nhận định, một số công ty đứng đằng sau những website bất hợp pháp này có liên quan đến các tổ chức tội phạm có quy mô. Tiền được chuyển thẳng đến các thiên đường thuế khóa, và như vậy, số tiền này được rửa.
Theo cơ quan quản lý thị trường tài chính, hoạt động đầu tư tài chính trên mạng chỉ dành cho những người có kinh nghiệm. Loại đầu tư này rất rủi ro đối với những cá nhân. Theo một nghiên cứu điều tra đối với 15 ngàn khách hàng của các công ty môi giới đầu tư hợp pháp, trong giai đoạn 2009 đến 2012, khoảng 90% số khách hàng đầu tư bị mất tiền, tính trung bình là 10 ngàn euro mỗi người.
Lao động biệt phái trong tầm ngắm bầu cử tổng thống Pháp
Trang Nhất Le Monde đề cập đến « Nạn lạm dụng lao động biệt phái tại châu Âu trở thành chủ đề trong vận động tranh cử tổng thống ».
Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đang tìm cách chống lại hiện tượng cạnh tranh về chi phí nhân công giữa các nước thành viên, cụ thể là lao động từ các nước Đông Âu đến làm việc tại những nước Tây Âu phát triển, nhưng chỉ được trả lương thấp theo mức như ở nước của họ, hồ sơ này lại trở thành một chủ đề trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống tại Pháp. Cánh tả cũng như cánh hữu Pháp đều cho rằng cần phải xem xét lại, thậm chí xóa bỏ chỉ thị của châu Âu về tự do đi lại của những người lao động trong Liên Hiệp Châu Âu. Mục diễn đàn báo Le Monde còn đăng đề nghị của 8 bộ trưởng đòi xóa bỏ văn bản này.
Theo một tài liệu của bộ phận Ngân Khố, được công bố hồi tháng Sáu vừa qua, Pháp là nước thứ hai, sau Đức, đón nhận nhiều lao động biệt phái nhất. Năm 2015, có 286 ngàn người, tương đương 1% tổng dân số trong độ tuổi lao động. 27% lao động biệt phái tại Pháp làm việc trong lĩnh vực xây dựng, 16% trong lĩnh vực công nghiệp. Đông nhất là người Ba Lan, sau đó là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Rumani. Nước Pháp đón nhận nhiều lao động biệt phái nhưng cũng « điều » ra bên ngoài khá nhiều, chỉ đứng sau Ba Lan và Đức.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161213-bong-nga-quyen-luc-tong-thong-my-db
Tin đọc nhanh
(AFP) – Tổng thống Nga Vladimir sẽ thăm Nhật trong hai ngày 15-16/12. Trọng tâm của chuyến thăm lần này là hợp tác kinh tế. Các doanh nghiệp của Nga và Nhật dự trù ký khoảng 30 thỏa thuận trên các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và công nghệ cao. Matxcơva muốn thu hút Nhật đầu tư tới vùng viễn đông của Nga, nơi có trữ lượng dầu hỏa dồi dào. Đây là lần đầu tiên một thổng thống Nga thăm Nhật kể từ 11 năm nay, do các tranh chấp chủ quyền về bán đảo Kuril. Tổng thống Putin muốn hoàn hoàn bình thường hóa quan hệ với Tokyo.
(AFP) – Hai phụ nữ người Yazidi – Iraq nhận giải thưởng Sakharov kêu gọi đưa những người cầm đầu Daech ra tòa án hình sự quốc tế. Nadia Murad và Lamia Haji Bachar, hai phụ nữ trẻ người Yazidi – Iraq nhận giải thưởng nhân quyền Sakharov của Quốc Hội Châu Âu năm 2016 hôm nay đã kêu gọi đưa những người cầm đầu tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ra tòa án hình sự quốc tế CPI. Cô Nadia Murad giải thích là cái tên Daech có thể biến mất nhưng tác động, hệ quả của Daech sẽ còn mãi chừng nào công lý chưa được thực thi. Hai cô cũng hy vọng giải thưởng Sakharov sẽ giúp thay đổi cái nhìn của người châu Âu về di dân.
(AFP) – Trung Quốc kiện Châu Âu và Mỹ bảo hộ trá hình trước tòa án Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO/OMC. Một ngày sau lễ kỷ niệm 15 năm gia nhập WTO, ngày 12/12/2016, Bắc Kinh đệ đơn kiện về việc Châu Âu và Mỹ tố cáo Trung Quốc bán phá giá, cạnh tranh bất chính với hàng của phương Tây. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Âu, Mỹ viện cớ Trung Quốc bán phá giá, để không công nhận quy chế « kinh tế thị trường » của nước này. Theo Bắc Kinh, lập luận của Âu – Mỹ là một biện pháp bảo hộ trá hình nhằm hạn chế hàng Trung Quốc nhập vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
(AFP) – Đài Loan kêu gọi thanh niên gia nhập quân đội. Tiếp sau vụ 10 chiến đấu cơ Trung Quốc bay ra Thái Bình Dương vòng qua hải đảo hôm thứ10/12/2016, bộ trưởng quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan, nhân cơ hội này nhắc nhở dân chúng đừng quên « đất nước bị kẻ thù đe dọa ». Kêu gọi giới trẻ Đài Loan « nhập ngũ để bảo vệ quốc gia », bộ trưởng quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh là Bắc Kinh mỗi khi làm gì đều có ý nghĩa chính trị.
Trực diện với 2,3 triệu quân Hoa Lục, quân đội Đài loan chỉ có 200.000 ngàn quân nhưng trang bị vũ khí tối tân.
(AFP) – Cúm gia cầm. Hàn Quốc thông báo gia tăng chiến dịch chống virus H5N6. Gần 10 triệu gà vịt đã bị tiêu hủy từ ngày 18/11 đến nay, từ khi trường hợp cúm gia cầm đầu tiên trong năm nay được xác nhận.Theo bộ nông nghiệp, khoảng 2,5 triệu gi cầm sẽ bị tiêu hủy trong những ngày tới. Lần thứ nhì trong vòng ba tuần lễ , những nhân viên chăn nuôi được lệnh không rời nơi cư trú để tránh gieo rắt mầm bệnh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161213-tin-doc-nhanh