Đọc báo Pháp – 13/10/2020
Việt Nam: Thị trường tử thần
của người Việt buôn người Việt
Tú Anh
Vì sao Úc hết sợ Trung Quốc ? Vụ án đường dây buôn người Việt Nam sang Anh Quốc, Donald Trump dốc toàn lực với hy vọng lật ngược thế cờ,Vladimir Putin đối mặt với khủng hoảng ven biên trong bối cảnh kinh tế Nga suy thoái là những chủ đề của mục điểm báo hôm nay.
Trước hết, đại dịch Covid-19 tràn lan trên trang nhất. Macron sẵn sàng siết chặt thêm các biện pháp trói buộc. Đi trước các đồng nghiệp, Les Echos dự báo nội dung thông điệp của tổng thống Pháp vào chiều thứ Tư 14/10/2020. Đợt tấn công thứ hai của virus corona đến nhanh và mạnh hơn tiên liệu, buộc tổng thống phải lên tuyến đầu. Tại Anh Quốc, các tỉnh phía bắc trong đó có Liverpool, bị xếp vào vùng « nguy hiểm ». Đông Âu cũng chung một số phận đặc biệt là Cộng Hoà Séc. La Croix trình bày các phương thức xét nghiệm mới mà chính phủ đang chuẩn bị để đối phó với đợt dịch thứ hai đến cùng một lúc với dịch cúm mùa đông.
Le Monde tập trung vào hai hệ quả ngoài y tế: Khủng hoảng làm dấy lên cuộc tranh luận có nên giảm thuế cho người giàu để khuyến khích đầu tư tại Pháp. Ngay trước mắt, thành phần thiệt thòi nhất là giới quán bar giải khát, ở vùng báo động đỏ bị thất thu.
Thị trường tử thần: Vụ án 39 di dân Việt Nam chết ngạt trong xe tải
Liên quan tới Việt Nam, trong bối cảnh vụ xử đường dây buôn người, làm 39 thanh niên nam nữ Việt Nam chết ngạt trên xe đông lạnh bắt đầu diễn ra tại Luân Đôn, Le Monde dành hai trang dài tường thuật thảm kịch xảy ra cách nay một năm, dựa theo kết quả điều tra của cảnh sát Anh, Pháp, Bỉ.
Câu chuyện bắt đầu từ đêm 22 rạng sáng 23 tháng 10 năm 2019 khi 39 di dân Việt Nam, tất cả quê ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình bước lên chiếc xe vận tải đông lạnh ở Bierne, một làng quê thuộc khu công nghệ ở miền bắc nước Pháp. Hôm sau, thi thể của 39 người được phát hiện tại Waterglade, một khu công nghệ khác bên Anh. Nạn nhân không chết vì lạnh mà chết vì ngộp thở, hệ thống điều hòa bị cắt.
Thảm kịch gây chấn động quốc tế vì đường dây buôn người được tổ chức quy mô từ Việt Nam, Trung Quốc qua tới Bỉ, Pháp và Anh, có cả một hệ thống cung cấp hộ chiếu Trung Quốc, tài xế xe taxi ở Pháp hám lợi đã bao nhiêu lần qua mắt cảnh sát biên phòng châu Âu. Anh, Pháp, Bỉ và Ailen thành lập cơ quan điều tra với 1.300 nhân viên đặc trách. Nhưng phiên toà tại Anh không phải là vụ xử duy nhất. Tại Việt nam, 7 can phạm bị kết án tù hồi tháng 9, tư pháp Pháp, Bỉ cũng bắt nhiều người trong mùa hè vừa qua.
Xin lược bớt chi tiết, điều mà các nhà điều tra nắm được là đường dây này vẫn tiếp tục được kích hoạt, với một mạng lưới đa dạng nhưng tựu chung theo các con đường nhập cư hợp pháp của dân đi lao động xuất khẩu từ miền bắc Việt Nam đi Đông Âu thời Liên Xô cũ.
Cảnh sát Pháp phát hiện một đường dây nhà hàng Á châu ở miền nam nước Pháp, từ Lyon đến tận biên giới Tây Ban Nha, sử dụng một số di dân trong nhóm 39 nạn nhân, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm cho đến khi họ đủ tiền trang trải chi phí. Créteil, ngoại ô Paris, cũng là nơi mà 20 trong số 39 nạn nhân được mạng lưới buôn người tổ chức cho tạm trú từ vài tháng đến vài năm trước khi lên chiếc xe tải định mệnh.
Định mệnh, như người cha của nạn nhân trẻ nhất, than trách: Phải chi ông không trốn sang Anh để đoàn tụ với vợ thì con trai của ông đâu có liều lĩnh làm gì ?
Như tường thuật của Le Monde, biết đâu kết cục đã đổi khác, nếu cảnh sát tới sớm khi được bà cụ ở địa phương báo động ? Nếu hai cô gái trẻ hẹn giúp cho cảnh sát thông tin cần thiết ? Nếu chiếc xe vận tải thứ hai đến đúng giờ thì 39 di dân đâu có dồn lên một chiếc….
Nhưng câu hỏi then chốt là vì sao họ ra đi trong khi Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới ?
Theo linh mục Nguyễn Đức Thăng, giáo xứ Việt Nam ở Luân Đôn, đặc trách lo cho gia đình nạn nhân thì thảm họa Formosa, tên công ty Đài Loan thải hóa chất ra biển vào năm 2016, làm 200.000 ngư dân tiêu tan sự nghiệp là một lý do. Nhưng theo linh mục, không thể bài trừ đường dây buôn người như Tây phương đang làm mà phải giải quyết nạn di dân từ nguồn cội : Thảm họa môi trường, chế độ tham nhũng,nghèo khó, không có tự do. Phải làm như người thợ ống nước, phải bịt lỗ hỏng trước đã.
Để rộng đường công luận, Le Monde trích quan điểm của Luke Holmes, một sinh viên đang làm luận án tiến sĩ tại Oxford, về di dân Việt Nam. Luke Holmes nhìn nhận nghèo khó là một nguyên nhân nhưng lý do thứ hai là vì giới trẻ khi thấy « làng tỷ phú » ở Nghệ An thì nghĩ rằng các ngôi biệt thự này là bằng chứng rõ ràng là có thể làm giàu khi di cư ra nước ngoài.
Năm 2018, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về là 15,9 tỷ đôla, tương đương với 6,6% GDP.
Úc- Trung : « Tiểu quốc » thách thức « đại quốc » ?
Vì sao nước Úc trong thời gian gần đây tỏ thái độ cương cường ăn miếng trả miếng với Trung Quốc từ thương mại cho đến địa chiến lược ? Nếu Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, liệu có tác động gì đến quan hệ Canberra-Bắc Kinh hay không ? Câu trả lời trên trang quốc tế của Le Figaro.
Theo nhật báo thiên hữu, từ nhiều tháng nay, gần như không ngày nào không có thông tin đào sâu thêm mối bất hòa giữa Trung Quốc và Úc.
Thứ Hai vừa qua, có tin Bắc Kinh chỉ thị cho các công ty luyện kim ngưng nhập than đá của Úc. Tuần trước, ngoại trưởng Úc Marise Payne, phụ họa với 40 quốc gia khác lên án Trung Quốc ngược đãi dân Duy Ngô Nhĩ.
Với 25 triệu dân, « tiểu quốc » Úc dường như hết sợ làm Trung Quốc bất bình.
Từ chuyện đòi phải điều tra nguồn cội siêu vi gây đại dịch từ Vũ Hán cho đến chuyện hồi tháng 8, bộ Tài Chính Úc dùng quyền phủ quyết không cho tập đoàn sữa Trung Quốc mua công ty Úc Lion Dairy vì đi ngược lại quyền lợi quốc gia, theo giải thích của bộ trưởng Úc.
Vài hôm sau, thủ tướng Scott Morrison thông báo ý định rà soát lại khoảng 100 thỏa thuận ký kết giữa các bang của Úc, các đại học, các thành phố Úc với « đối tác nước ngoài » cũng với lý do « quyền lợi quốc gia ». Trong tầm nhắm của chính phủ Úc là thỏa thuận mà bang Victoria ký với Trung Quốc vào năm 2019 trong khuôn khổ « con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc .
Tại sao Úc dám chơi bạo như thế ? Le Figaro đặt câu hỏi. Theo chuyên gia Úc Richard McGregor, bởi vì lãnh vực kinh tế trọng yếu của Úc, kim loại và than đá, không bị Trung Quốc đe dọa. Cả hai đều cần nhau, lệ thuộc vào nhau.
Cơ quan quản lý mỏ quặng của Úc cũng thẩm định là trong trung hạn, không có gì đáng lo.
Trong cuộc chiến tranh cân não này, Trung Quốc còn lên án Úc đi theo chính sách của Mỹ mà theo chuyên gia Richard McGregor cũng có một phần sự thật. Washington gây áp lực rất mạnh với Canberra. Thủ tướng Scott Morrison cũng không hợp với tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nếu Joe Biden có đắc cử đi nữa thì quan hệ Úc-Trung, cũng theo Richard McGregor, có thể ổn định nhưng không có nghĩa là « được cải thiện ».
Miến Điện vẫn không bình yên
Libération cho biết xung đột võ trang giữa quân đội chính phủ và các nhóm ly khai ở miền tây bùng dậy. Không quân, pháo binh được huy động. Gần 100 ngàn dân của 180 ngôi làng phải tản cư.
Đây là một cuộc chiến âm thầm nhưng ngày càng lan rộng và sôi động. Lực lượng Arakan và quân chính phủ đang mặc cả với nhau qua các trận đánh lớn. Lệnh phong tỏa vì Covid-19, kiểm duyệt internet, đường xá hiểm trở không cho phép giới quan sát nắm vững tình hình tại chỗ. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền, qua hình ảnh vệ tinh, biết được phần nào những gì đang xảy ra và tố cáo trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Quân đội Miến Điện vẫn theo kịch bản cũ đối xử với người Rohingya để trấn áp tại bang Rakhine: tấn công làng mạc, tra tấn, cưỡng hiếp …
Ngày 14/09 vừa qua, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michèle Bachelet tố cáo các hành động mà bà gọi là « những tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, một lần nữa tái dễn tại Miến Điện ».
Donald Trump, Vladimir Putin : mỗi người một mối lo
Tổng thống Mỹ, tổng thống Nga có lẽ đang ăn không ngon ngủ không yên. Donald Trump đánh lá bài cuối cùng trong cuộc đua tái ký hợp đồng 4 năm ở Nhà Trắng, trong khi chủ nhân điện Kremlin đối mặt với tình trạng kinh tế suy sụp và bất ổn ngày càng nhiều ở các nước ven biên.
Theo Le Monde, chủ nhân Nhà Trắng hiện nay không còn « lực lượng cử tri trừ bị » như thời 2016. Lúc đó ông có lá phiếu của phụ nữ. Giờ đây, Donald Trump chỉ có thể trông cậy vào hai cơ may : Một là cử tri da trắng bình dân đi bầu thật đông đảo, đông hơn năm 2016. Thứ nhì là nhờ lá phiếu của đại cử tri mà cách phân phối theo từng bang như hiện nay, bất lợi cho đảng Dân Chủ. Như Hillary Clinton năm 2016, và nhiều trường hợp khác như trong cuộc đọ sức George W Bush và Al Gore năm 2000, phe Cộng Hoà thua về phiếu nhưng lại đông đại cử tri hơn phe đối thủ nên chiến thắng.
Tổng thống Nga lo gì ?
Nước Nga của Putin tiếp tục suy thoái kinh tế mặc dù chủ nhân điện Kremlin khẳng định đang từng bước phục hồi. Le Monde đơn cử nhiều chỉ dấu. Cụ thể là tập đoàn Rosneft, nội lực dầu khí của Nga, giảm lợi nhuận đến 80%, công nghiệp sản xuất -7%, thất nghiệp và nạn nghèo khó gia tăng. Chỉ trong quý hai, thêm 1,2 triệu người Nga gia nhập đạo quân 20 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó tức 1 trên 7 người dân.
Hệ quả là lời hứa thanh toán cho 50% dân (hết) nghèo vào năm 2024 được tổng thống xin triển hạn cho đến 2030.
Trong khi đó, tình hình bất ổn ở các nước ngoại vi cũng là một gánh nặng cho Putin. Le Figaro với tựa: “Matxcơva đối mặt với bất ổn ở các nước gần”, La Croix : “Vladimir Putin gần như vô kế khả thi đối với khủng hoảng từ Belarus, Thượng Karabakh đến Kirghizstan”. Cái khó cho chính quyền Nga là dân chúng các nước láng giềng có cùng khát vọng, ước mơ một chế độ trong sạch, tôn trọng quyền con người.
Bắc Triều Tiên trưng bày tên lửa mới nhưng chưa thử nghiệm
Bắc Triều Tiên phô trương tên lửa chưa thử nghiệm nhân kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao Động mang ý nghĩa gì ? Theo Le Monde, trước bầu cử Mỹ, Bình Nhưỡng tránh mọi hành động khiêu khích nhưng sau đó sẽ dùng sức mạnh để trắc nghiệm tổng thống mới. Trong trường hợp Joe Biden thắng, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục bị trừng phạt và do vậy sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Kim Jong Un lo ngại nhưng đó là một thực tế. Do vậy, Kim chờ sau bầu cử sẽ tung lá bài hạt nhân để thăm dò ý định của chủ nhân Nhà Trắng lúc đó.
Tin tổng hợp
(AFP) – Lãnh đạo đối lập Malaysia cố lập chính phủ mới.
Hôm nay, 13/10/2020, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim đã hội kiến quốc vương Malaysia Abdullah Shah nhằm chứng minh rằng ông có sự ủng hộ của đa số dân biểu Quốc Hội để lên làm thủ tướng, thay thế lãnh đạo chính phủ đương nhiệm Muhyiddin Yassin. Tuy nhiên, trong thông cáo được công bố sau cuộc gặp này, Hoàng gia Malaysia có vẻ không tin vào vị thế của ông Anwar, khi cho biết là lãnh đạo đối lập đã không cung cấp danh sách các nghị sĩ ủng hộ ông.
(AFP) – Đài Loan bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc về gián điệp.
Hôm nay, 13/10/2020, Đài Bắc đã bác bỏ các cáo buộc của Bắc Kinh sau khi đài truyền hình nNhà nước Trung Quốc trong hai ngày qua chiếu các phóng sự về những vụ gián điệp, trong đó hai người Đài Loan đang bị giam ở Trung Quốc đã « thú tội ». Thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) lên án Trung Quốc tiến hành một chiến dịch vu khống Đài Loan.
(AFP) – Trung Quốc : Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ tiếp tục tăng.
Số liệu do hải quan Trung Quốc công bố ngày 13/10/2020 cho biết trong tháng 9/2020, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 18,8% đạt mức 30,75 tỷ đô la. Tuy thấp hơn so với tháng Tám (34,24 tỷ đô la), mức thâm hụt này quả là một vố đau cho nguyên thủ Mỹ, hiện đang vận động tái tranh cử cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Hoa Kỳ chính là một trong những lý do đầu tiên mà Trump đưa ra để phát động « thương chiến » mại với Trung Quốc.
(AFP) – Covid-19 : 244 người tử vong trong vòng 24 giờ tại Nga.
Một con số kỷ lục từ đầu mùa dịch bệnh đến nay. Theo Matxcơva, hôm nay 13/10/2020, là ngày thứ ba liên tiếp Nga có số ca nhiễm bệnh mới thường nhật trên 13.000 người. Tổng cộng tính từ tháng Ba đến nay, Nga có 1,32 triệu người nhiễm bệnh và 22.966 người chết vì Covid-19.
(AFP) – Bồ Đào Nha dự báo tăng trưởng giảm 8,5% trong năm 2020.
Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức dự báo trước đây là giảm 6,9%. Dự luật tài chính cho năm 2021 được trình lên chính phủ hôm nay 13/10/2020 hy vọng rằng trong năm 2021 tăng trưởng sẽ trở lại ở mức 5,4%, một mức dự báo lạc quan hơn so với lần trước chỉ có 4,3%.
(Reuters) – FBI sẽ mở văn phòng đại điện tại Cam Bốt.
Phát ngôn viên cảnh sát Cam Bốt, Chhay Kim Khoeun, hôm nay 13/10/2020, thông báo, văn phòng đại diện FBI đặt tại trụ sở của lực lượng cảnh sát quốc gia Cam Bốt để giúp truy tìm tội phạm Mỹ. Tuy nhiên quan chức này nói không biết gì về lịch trình thành lập văn phòng. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng và Phnom Penh ngày càng ngả về Trung Quốc.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201013-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 13/10:
Ông Trump lần đầu trở lại chiến dịch tranh cử
sau Covid
Lục Du
Mục lục bài viết
Ông Trump lần đầu trở lại chiến dịch tranh cử sau Covid
Belarus: Chính phủ gia tăng đàn áp người biểu tình
Mỹ muốn thúc đẩy sức mạnh của Ấn Độ trong khu vực
Dịch Covid diễn biến xấu ở Séc
Peru: Đợi 7 tháng, một du khách Nhật đã được thăm Machu Picchu
Chào mừng quý độc giả của DKN đến với mục Điểm tin thế giới. Sáng nay, thứ Ba (13/10), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Ông Trump lần đầu trở lại chiến dịch tranh cử sau Covid
Tổng thống Trump đã lần đầu tiên trở lại chiến dịch tranh cử vào thứ Hai (12/10), một tuần kể từ khi hồi phục sau khi nhiễm virus Vũ Hán.
Chỉ còn khoảng 3 tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chính thức diễn ra vào ngày 3/11, ông Trump đã tổ chức một cuộc vận động tranh cử tại tại Sân bay Quốc tế Orlando, Sanford, Florida. Tiếp theo ông sẽ tới các cuộc vận động tranh cử ở các bang Pennsylvania, Iowa, North Carolina và Wisconsin, theo AP.
Tổng thống Trump tiếp tục cho kết quả âm tính với Covid-19 và ông sẽ không lây bệnh cho người khác, bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley cho biết thông tin hôm thứ Hai (12/10), Reuters đưa tin.
Belarus: Chính phủ gia tăng đàn áp người biểu tình
Bộ Nội vụ Belarus hôm thứ Hai (12/10) cho biết cảnh sát sẽ được phép sử dụng vũ khí chiến đấu để đối phó với làn sóng người biểu tình đang yêu cầu Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức, theo Reuters.
Theo các video lan truyền trên mạng xã hội, người biểu tình Belarus tiếp tục xuống đường vào thứ Hai để yêu cầu Tổng thống Lukashenko từ chức. Họ hô vang từ “phát xít” trong khi đối mặt với lực lượng an ninh sử dụng bắn pháo sáng và bình xịt.
Âm thanh của một vụ nổ có thể được nghe thấy khi khói xám bao trùm không khí tại hiện trường. Không có báo cáo ngay lập tức về thương tích hoặc bắt giữ.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Belarus sau đó xác nhận rằng cảnh sát đã sử dụng súng bắn pháo sáng và hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình trái phép.
Mỹ muốn thúc đẩy sức mạnh của Ấn Độ trong khu vực
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun hôm thứ Hai (12/10) đã gọi Trung Quốc là “con voi trong phòng” và cho biết Washington rất muốn thúc đẩy lợi ích của Ấn Độ trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo AP.
Trong chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày, bắt đầu vào thứ Hai, ông Biegun cho biết Mỹ đang tìm cách giúp Ấn Độ thực hiện điều này mà không làm thay đổi điều mà ông gọi là “truyền thống tự chủ chiến lược mạnh mẽ và đáng tự hào của New Delhi”.
“Ấn Độ có một truyền thống mạnh mẽ và đáng tự hào về quyền tự chủ chiến lược, và chúng tôi tôn trọng điều đó. Chúng tôi không tìm cách thay đổi truyền thống của Ấn Độ”, ông nói. “Thay vào đó, chúng tôi muốn tìm cách trao quyền cho họ và thúc đẩy khả năng của Ấn Độ trong việc bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ của mình cũng như thúc đẩy lợi ích của Ấn Độ, trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Theo hướng đó, Washington đã tăng cường bán thiết bị quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ, nhà ngoại giao số hai của Mỹ cho biết. “Tất nhiên, khi chúng ta tiến theo hướng này, có một con voi trong phòng: Trung Quốc”, ông Biegun nói, ám chỉ việc Trung Quốc sẽ tìm cách cản trở kế hoạch của Mỹ-Ấn.
Dịch Covid diễn biến xấu ở Séc
Chính phủ Séc đã ra lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ bắt đầu từ thứ Tư (14/10) và yêu cầu các trường học chuyển sang hình thức đào tạo từ xa nhằm hạn chế sự lây lan nhanh chóng của virus Vũ Hán, theo Reuters.
Séc đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid mạnh nhất khi có số ca nhiễm mới tăng cao. Theo cập nhật của Worldometer, tính tới 22:56 (giờ GMT), ngày 12/10, Séc có 119.007 người nhiễm, trong đó có 1.045 người tử vong, lần lượt tăng 1.897 và 58 so với 24 giờ trước đó.
Các bệnh viện ở Séc bắt đầu rời vào trạng thái căng thẳng khi số lượng bệnh nhân đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 10.
Chính phủ Séc đã tìm cách tránh lặp lại các đợt phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng vào mùa xuân, khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái kỷ lục. Mùa hè vừa qua chứng kiến sự nới lỏng các hạn chế sau khi Séc trải qua đợt đại dịch đầu tiên với số trường hợp mắc bệnh ít hơn nhiều so với các nước láng giềng phương Tây.
Peru: Đợi 7 tháng, một du khách Nhật đã được thăm Machu Picchu
Peru đã mở cửa trở lại di tích Machu Picchu cho một du khách Nhật Bản sau khi vị du khách này đợi gần 7 tháng để được vào thăm thành Inca, sau khi bị mắc kẹt ở nước này vì dịch Covid, theo Reuters.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Peru Alejandro Neyra hôm thứ Hai (12/10) cho biết sau khi xem xét đơn đề nghị gửi từ giữa tháng 3 của Jesse Takayama, anh đã được cho phép thăm khu di tích.
“Anh ấy đã đến Peru với ước mơ được vào thăm [khu di tích]”, ông Neyra nói trong một cuộc họp báo trực tuyến. “Công dân Nhật Bản đã tham gia cùng với người đứng đầu khu di tích của chúng tôi, để anh ấy có thể làm điều này trước khi trở về đất nước của mình”.
Hôm thứ Bảy (10/10), Takayama cầm trên tay tấm vé vào cửa được cấp từ tháng 3 và bước vào di tích lịch sử được xây dựng từ cách đây 500 năm. Anh đã trở thành du khách đầu tiên tới thăm Machu Picchu sau 7 tháng.
“Thật là tuyệt vời! Cảm ơn các bạn!”, Takayama nói trong một đoạn video ghi hình ở Machu Picchu, sau khi kế hoạch thăm Peru trong vài ngày biến thành nhiều tháng.
Điểm tin thế giới tối 13/10:
Mỹ xác nhận ca tái nhiễm nCoV đầu tiên;
Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết
phế truất Chủ tịch Hạ viện
Hải Lam
Mục lục bài viết
Mỹ xác nhận ca tái nhiễm nCoV đầu tiên
Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện
Trên 10 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu bầu tổng thống
FBI mở văn phòng ở Campuchia
Trung Quốc lên tiếng vụ Malaysia bắt giữ tàu cá và ngư dân
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (13/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ xác nhận ca tái nhiễm nCoV đầu tiên
Báo USA Today ngày 13/10 đưa tin, một thanh niên 25 tuổi ở bang Nevada đã được xác định tái nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Đây là trường hợp tái nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên được xác nhận tại Mỹ và là trường hợp thứ năm trên thế giới.
Người bệnh này được xác định dương tính với virus corona lần đầu vào tháng 4. Sau đó anh khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong tháng 5. Đầu tháng 6 anh lại dương tính với virus corona và phải nhập viện điều trị.
Theo các nhà nghiên cứu, lần nhiễm bệnh thứ hai của anh có các biểu hiện triệu chứng nặng hơn lần đầu. Phiên bản Covid-19 anh mắc lần hai là có chút khác biệt so với lần thứ nhất, theo kết quả phân tích di truyền mẫu bệnh phẩm của anh này.
Mark Pandori, một nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học Nevada, Trường Y khoa Reno, và là tác giả một nghiên cứu về việc tái nhiễm Covid-19 thông qua trường hợp của anh này cho biết, bài học điển hình từ nghiên cứu này là ngay cả những người từng bị COVID-19 và đã khỏi cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách xã hội.
“Những người từng nhiễm rồi khỏi không phải là đã an toàn trước SARS-CoV-2”, ông Pandori nói. “Trên thực tế, nếu nhiễm lần thứ hai thì có thể còn tồi tệ hơn”.
Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện
Nghị sĩ đảng Cộng hoà Doug Collins ngày 12/10 đã đưa ra một nghị quyết thúc đẩy việc phế truất Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tuyên bố rằng bà “không đủ sức khỏe về tinh thần” để lãnh đạo Hạ viện.
Fox News trích dẫn nghị quyết nêu rõ bà Nancy Pelosi “đã dành phần lớn thời gian của Hạ viện để theo đuổi các cuộc điều tra vô căn cứ và không có kết quả” để chống lại Tổng thống Trump và chính quyền của ông, bao gồm cả việc khởi động cuộc điều tra luận tội ông vào mùa thu năm 2019.
Nghị quyết của ông Collins còn nêu rằng bà Pelosi đã “xé toạc bài phát biểu của Tổng thống Trump khi ông phát biểu vào tháng 2 trước người dân Mỹ”.
Ngoài ra, bà Pelosi “đã đến một tiệm làm tóc đóng cửa ở San Francisco và không đeo khẩu trang, vi phạm luật của San Francisco về phòng ngừa virus corona”, sau đó “bà đã đổ lỗi cho chủ tiệm gài bẫy” bà.
Theo nghị quyết trong nhiệm kỳ của mình, bà Nancy Pelosi đã bắt đầu thể hiện sự suy giảm về thể lực tinh thần, đặt câu hỏi về khả năng của bà ấy trong việc phục vụ Hạ viện và người dân Mỹ một cách đầy đủ.
Nghị quyết của dân biểu Collins được đưa ra sau khi bà Pelosi hồi tuần trước sử dụng Tu chính án thứ 25, công bố luật để tạo ra một ủy ban cho phép Quốc hội phế truất một tổng thống, khi bà cáo buộc Tổng thống Trump đang ở “tình trạng đã thay đổi” trong quá trình điều trị viêm phổi Vũ Hán.
Trên 10 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu bầu tổng thống
Trên 10 triệu cử tri Mỹ được cho là đã hoàn thành nghĩa vụ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Ngày Bầu cử 3/11.
Dẫn một thông báo của Dự án Bầu cử Mỹ Đại học Florida tối 12/10 (giờ địa phương), hãng tin Reuters cho biết, tổng cộng đã có hơn 10 triệu lá phiếu được bỏ tại các bang.
Dự án cho biết số phiếu bầu sớm và bỏ phiếu qua thư năm nay cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm 2016, do phần lớn người dân lo ngại sức khỏe khi đi bỏ phiếu trực tiếp trong mùa dịch.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump đã nối lại chiến dịch vận động tranh cử tại bang Florida vào ngày 12/10 (theo giờ Mỹ), bắt đầu cuộc đua nước rút. Dự kiến, Tổng thống Trump cùng ê kíp của mình sẽ lần lượt tới các bang Pennsylvania, Iowa và North Carolina trong các ngày tiếp theo. Hiện ứng cử viên đảng Cộng hòa 74 tuổi cùng đội ngũ vận động tranh cử của ông đang tìm cách thay đổi động lực trong cuộc đua.
FBI mở văn phòng ở Campuchia
Theo Reuters, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ thành lập một văn phòng tại Campuchia để giúp truy tìm tội phạm người Mỹ.
Văn phòng này sẽ hỗ trợ cảnh sát Campuchia trong việc bắt những đối tượng người Mỹ bị truy nã và chống khủng bố.
Trong email gửi Reuters, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh từ chối bình luận về văn phòng FBI nhưng cho biết hai cơ quan cảnh sát có mối quan hệ tốt đẹp.
Mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đã trở nên nguội lạnh trong những năm gần đây. Chính phủ Campuchia đã tức giận trước những lời chỉ trích của Washington về việc giải tán đảng đối lập chính, bắt giữ nhà hoạt động và các chính trị gia đối lập.
Tuần trước, Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại về việc Campuchia san bằng cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ nằm trong căn cứ hải quân Ream. Campuchia đã nhiều lần bác bỏ thông tin nước này có thỏa thuận bí mật với Trung Quốc, đồng minh về kinh tế và ngoại giao lớn nhất, để bố trí lực lượng tại căn cứ này.
Trung Quốc lên tiếng vụ Malaysia bắt giữ tàu cá và ngư dân
Trang Express ngày 12/10 cho biết, Trung Quốc đã lên tiếng về việc Malaysia bắt giữ 60 ngư dân cùng với sáu tàu cá nước này ở ngoài khơi bờ biển phía nam bang Johor (Malaysia) vào tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Phía Trung Quốc đã yêu cầu phía Malaysia thực hiện một cuộc điều tra công bằng theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân Trung Quốc và luôn cập nhật cho chúng tôi những diễn biến mới nhất”.
Trung Quốc lâu nay vẫn thường gây xung đột trên biển với các nước trong khu vực. Đầu năm nay, một tàu thăm dò của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, và đối đầu với một tàu thăm dò dầu khí của nước này gần vùng biển tranh chấp.
Hoa Kỳ gần đây lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng châu Á.
Tạp chí kinh tế
Quan hệ kinh tế Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ :
Tham vọng và giới hạn
Thanh Hà
Giao thương với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ bị đặt trước nhiều thách thức và giới hạn. Ankara là một mắt xích quan trọng của dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh. Còn Trung Quốc là ngõ thoát trước những khủng hoảng triền miên giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh truyền thống Âu, Mỹ. Tuy nhiên hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ là cái gai không bên nào có thể nhượng bộ để đạt đến một mối quan hệ hoàn hảo.
Trên đây là những ý chính được nhà nghiên cứu Tolga Bilener, giảng dậy tại đại học Galatasaray – Istanbul nêu bật trong tham luận mang tựa đề “Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế”. Bài viết được đăng trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI số ra tháng 10/2020.
RFI xin giới thiệu công trình nghiên cứu này với phần phỏng vấn tác giả để hiểu rõ hơn về những tham vọng giữa “một cường quốc khu vực và một siêu cường cả về kinh tế lẫn trên phương diện ngoại giao của thế giới”.
Viện IFRI đăng bài viết của nhà nhiên cứu Bilener trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ lúc thì châm ngòi, khi thì can thiệp vào các xung đột trên thế giới từ ở Trung Đông đến Đông Địa Trung Hải và tiến sâu đến tận sân sau của Nga trong vùng Kavkaz.
Trong phần mở đầu bài nghiên cứu, Tolga Bilener nhắc lại Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – từ năm năm 1952. Ba năm trước đó Ankara đã gia nhập Ủy Hội Châu Âu. Do vậy lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình là một thành công lớn về mặt ngoại giao của Trung Quốc và để đạt được mục tiêu này Bắc Kinh đã dùng đòn kinh tế để thuyết phục Ankara. Công việc này không quá khó khi mà Thổ Nhĩ Kỳ “liên tiếp trải qua nhiều khủng hoảng với NATO và châu Âu”, đủ để giới phân tích tự hỏi liệu rằng Thổ Nhĩ Kỳ trong tay tổng thống Erdogan “có còn là thành viên của NATO và Ủy Hội Châu Âu nữa hay không ?”
Trung – Thổ : trọng lượng bất tương xứng
Điều dễ hiểu là càng lạnh nhạt với Âu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ càng vồ vập với ông khổng lồ châu Á Trung Quốc. “ Ankara không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắc nhở Bắc Kinh là Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia tăng và đa dạng hóa các mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt kinh tế” như giải thích của nhà nghiên cứu Tolga Bilener với RFI Việt ngữ :
Tolga Bilener : “Yếu tố kinh tế là một ưu tiên trong quan hệ Trung Quốc – Thổ Nhĩ Kỳ. Một cách tổng quát thì từ gần một chục năm nay, Trung Quốc đã trở thành một trong ba đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí năm 2016-2017 Trung Quốc đứng hàng thứ nhì trong số các đối tác kinh tế của Ankara. Trong khi đó cho đến tận năm 2010 đôi bên chỉ là những đối tác đứng hàng thứ yếu của nhau. Trung Quốc quan tâm đến các nguồn khoáng sản của Thổ.
Trong chiều ngược lại Ankara cần tất cả các mặt hàng tiêu dùng sản xuất từ Trung Quốc, từ hàng điện tử đến điện thoại di động hay hàng dệt may. Năm 2010 đôi bên nâng tầm mức quan hệ lên hàng chiến lược. Ông Erdogan khi đó ở cương vị thủ tướng, đề ra mục tiêu tổng trao đổi mậu dịch hai chiều phải đạt được 100 tỷ đô la vào ngưỡng 2020. Trên thực tế mục tiêu đó còn rất xa vời, bởi vì tổng kim ngạch thương mại Trung-Thổ hiện chỉ dao động từ 21 đến 22 tỷ đô la mà thôi, tức chỉ bằng 1 phần 5 so với mục tiêu đầy tham vọng như Ankara và Bắc Kinh đã đề ra ban đầu.
Cần nói thêm là Thổ luôn trong thế nhập siêu so với Trung Quốc và thâm thủng thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc ngày càng lớn. Chính sự bất cân đối này là nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế song phương”.
Như với hầu hết phần còn lại của thế giới, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Bắc Kinh. Hàng và nhân công rẻ của Trung Quốc lấn át mạng lưới công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, tác giả nhận định, trong vỏn vẹn một thập niên, Trung Quốc đang từ một vị trí “thứ yếu” đã nhảy vọt lên thành “một trong ba khách hàng và nguồn cung cấp quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ thua có Đức và Nga, hai đối tác thương mại truyền thống của Ankara. Một cách cụ thể mỗi bên tìm kiếm những gì ở đối phương để tạo đà cho phát triển thương mại ?
Tolga Bilener “Phải nhìn nhận rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, về mặt ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ không là một ưu tiên Tuy nhiên Ankara là một mắt xích quan trọng bởi đây là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Hơn thế nữa với 83 triệu dân, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có sức hấp dẫn lớn. Sau cùng về mặt địa lý Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên ba châu lục và hiển nhiên là một chiếc cầu nối Đông – Tây đồng thời là nhịp cầu để Trung Quốc bắt rễ vào châu Âu. Yếu tố sau cùng này càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh Con Đường Tơ Lụa mới của Bắc Kinh.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara trông đợi vào đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển và thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong những năm gầy đây kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị đình trệ, thất nghiệp tăng cao … Ankara cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, thuyết phục Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để sản xuất phục vụ thị trường nội địa của Thổ”.
Vỡ mộng Trung Hoa
Thế nhưng càng giao thương với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ càng nhận lấy phần thua thiệt : những hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ không dồi dào như Ankara mong đợi. Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ phải đợi nhiều năm mới được cấp giấy phép để xuất khẩu nông phẩm sang Trung Quốc.
Tolga Bilener đơn cử những thí dụ cụ thể như là phải mất đến 6 năm Thổ Nhĩ Kỳ mới được phép xuất khẩu trái anh đào (cerise) sang Trung Quốc trong lúc thủ tục hành chính để xuất khẩu chanh, thịt gà hay quả lựu sang thị trường rộng lớn nhất thế giới vẫn còn trong vòng đàm phán.
Ở chiều ngược lại điện thoại di động Made in China hay bàn là, máy hút bụi, tivi quần áo, … của Trung Quốc không gặp trở ngại nào trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhìn đến số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt rễ vào Thổ Nhĩ Kỳ : tính đến đầu năm nay đã có khoảng 1.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại quốc gia nằm trên ba châu lục này. Đổi lại, có chưa đầy 100 hãng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại Hoa lục.
Ankara ngậm bồ hòn làm ngọt
Ngay cả về đầu tư Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara cũng đang thất vọng : chính quyền Erdogan trông đợi vào “các nguồn đầu tư nước ngoài và muốn đẩy mạnh xuất khẩu để tạo đà cho tăng trưởng nhất là trong bối cảnh những năm gần kinh tế khá ảm đạm, tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái là 0,9 % không đủ sức tạo việc làm cho 12 % dân số trong tuổi lao động đang bị thất nghiệp”.
Không có phép lạ nào cho phép nâng tổng đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ lên thành 6 tỷ đô la vào năm 2021 như mục tiêu đã đề ra, do ở thời điểm hiện tại thì con số này mới chỉ là 3 tỷ đô la mà thôi. Nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ, Bilener đặc biệt lưu ý rằng, 3 tỷ đô la đó có được là nhờ “các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ” trong mục tiêu xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.
Tập đoàn hàng COSCO năm 2015 đã chi ra 940 triệu đô la để mua lại 2/3 cổ phần để được quyền khai thác cảng Kumport, hải cảng lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa Istanbul. Cũng COSCO đã nhòm ngó đến những hải cảng khác như Mersin Candarh hay Filyos
Bắc Kinh không chỉ quan tâm đến các quặng mỏ, tài nguyên thiên nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ hay trông thấy ở quốc gia với 83 triệu dân này một thị trường tiềm năng để mua vào hàng rẻ của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ còn là một sân chơi mới cho các tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng Trung Quốc, với những dự án xây dựng các tuyến đường xe lửa nối liền hai miền đông và tây trên quê hương của ông Erdogan.
Tất cả các lĩnh vực từ năng lượng đến tài chính, viễn thông của Thổ Nhĩ Kỳ đều có sức hấp dẫn lớn. Hoa Vi đã dễ dàng chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng mạng 5G cho quốc gia này. Kể cả ông vua trong lĩnh vực mua bán trên mạng Alibala cũng đã bắt rễ sâu vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Bức tường thành Duy Ngô Nhĩ
Nhà nghiên cứu Bilener ghi nhận : “kể từ khi ông Tập Cận Bình khởi xướng dự án Con Đường Tơ Lụa mới năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần ngỏ ý muốn tham gia. Chính quyền nước này xem đây là cơ hội để thu hút đầu tư trực tiếp của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ”. Recep Tayyip Erdogan tháng 5/2017 sang tận Bắc Kinh để trực tiếp trình bày với Tập Cận Bình về quan tâm của Ankara đối với kế hoạch kết nối Trung Quốc với toàn thế giới cũng như tầm mức quan trọng về vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực trải rộng từ “Đông Địa Trung Hải đến Biển Đen từ vùng Balkan đến Kavkaz và cả Trung Á”.
Thêm một dấu hiệu cho thấy Ankara đặt vế kinh tế lên trên hết trong quan hệ với Bắc Kinh đó là việc chỉ định một doanh nhân chứ không phải một nhà ngoại giao chuyên nghiệm làm đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Bắc Kinh.
Nhưng bên cạnh tính toán thuần túy kinh tế yếu tố địa chính trị cũng quan trọng không kém như Tolga Bilener giải thích với RFI tiếng Việt :
Tolga Bilener “Thổ Nhĩ Kỳ muốn có các đối tác thương mại đa dạng hơn và bên cạnh đó cũng muốn mở rộng mạng lưới đối tác cả về mặt ngoại giao. Hai động lực thúc đẩy Ankara đi đến quyết định đó : một là để giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các đối tác truyền thống là châu Âu và Mỹ ; thứ hai là để tìm kiếm các thị trường mới. Hiển nhiên Trung Quốc là một yếu tố không thể bỏ qua. Thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên chính quyền Erdogan đã tăng tốc trong việc đẩy mạnh quan hệ với Bắc Kinh xuất phát từ chỗ Thổ Nhĩ Kỳ đã và còn đang trải qua các cuộc khủng hoảng triền miên với các nước phương Tây.
Tình hình thế giới mà càng bất ổn và bất định chừng nào thì Ankara lại càng phải trong thế đi dây, tìm cho mình một thế cân bằng trên bàn cờ địa chính trị. Trong hoàn cảnh đó các quốc gia đang trỗi dậy ở châu Á mà đứng đầu là Trung Quốc, đương nhiên có sức hấp dẫn rất lớn trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ”.
Có điều chính sách đàn áp của Bắc Kinh nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, nói tiếng Thổ ở vùng tự trị Tân Cương càng lúc càng đẩy Ankara vào thế kẹt, và Thổ Nhĩ Kỳ khó nuốt trôi viên thuốc đắng này.
Tổng thống Erdogan đã khó xử, và bằng chứng cụ thể là ông đã vắng mặt ở thượng đỉnh Một vành đai Một con đường năm 2019 cũng tổ chức tại Bắc Kinh mà chỉ cử bộ trưởng Giao Thông đến dự. Đây là một tín hiệu cho thấy Ankara vẫn trông đợi vào đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.
Trong tạp chí kỳ tới RFI sẽ cùng với nhà nghiên cứu Tolga Bilener đại học Galatasaray, Istanbul tiếp tục tìm hiểu thêm về những giới hạn trong bang giao kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mà ở đó trở ngại lớn nhất trong số những bất đồng về ngoại giao và chính trị là vấn đề Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.