Đọc báo Pháp – 13/03/2018
Trừng phạt của phương Tây
đối với Nga chỉ tác động hạn chế
Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 13/03/2018 có bài nhận định « Khó đánh giá tác động trừng phạt của phương Tây đối với kinh tế Nga ». Các biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimée làm cho tăng trưởng kinh tế Nga bị mất 1,5% mỗi năm. Nhưng các biện pháp trả đũa của Nga – cấm vận đối với một số sản phẩm của phương Tây, đã thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm Nga phát triển.
Đối với bộ trưởng Công Thương Nga Denis Mantourov đây còn là một cơ hội để đổi mới. Từ năm 2014, để trả đũa trừng phạt của châu Âu và Mỹ, chính quyền Matxcơva đã áp dụng cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm của phương Tây.
Bộ Công Thương Nga thực hiện một loạt chính sách như cho vay với lãi suất ưu đãi, trợ giá mua thiết bị và nhiều chương trình hỗ trợ khác nhằm khuyến khích sản xuất các sản phẩm Made in Russia, thay thế hàng nhập khẩu. Kết quả là ngành công nghiệp thực phẩm của Nga đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt, tăng từ 4 đến 5% mỗi năm.
Theo kinh tế gia Oleg Kouzmine, thuộc ngân hàng đầu tư Nga Renaissance Capital, được Les Echos trích dẫn, cũng do phương Tây trừng phạt Matxcơva, luồng vốn đổ ra ngoài giảm hẳn vì giới đầu tư Nga lo ngại căng thẳng ở bên ngoài, tốt hơn hết là giữ của cải ở trong nước Nga.
Trừng phạt của phương Tây tác động mạnh nhất đến lĩnh vực năng lượng Nga : hạn chế chuyển giao công nghệ và khả năng tiếp cận các ngân hàng phương Tây để huy động vốn. Một chuyên gia Nga cho biết, lệnh trừng phạt làm giảm tốc độ thực hiện các dự án sản xuất nhiên liệu, gây khó khăn về pháp lý, việc huy động vốn đầu tư trở nên phức tạp và nặng nề hơn.
Còn trong những lĩnh vực khác, các trừng phạt của phương Tây gây ra nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhưng tác động của nó giảm dần cùng với thời gian. Tuy nhiên, cần phải thận trọng với đánh giá này vì không có nghiên cứu cụ thể nào về tác động của trừng phạt phương Tây đối với kinh tế Nga.
Theo kinh tế gia Nga Andrei Sharonov, nhiều lĩnh vực vẫn hoạt động tốt bất chấp các trừng phạt của phương Tây, nhưng về lâu dài, các khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính ở nước ngoài sẽ hạn chế các động lực mới thúc đẩy tăng trưởng. Tổng thống Vladimir Putin đề ra mục tiêu có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mức trung bình trên thế giới. Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế Nga mới chỉ đạt gần 2% mỗi năm.
Syria : Sau Daech là dầu hỏa ?
Cuộc chiến tại Syria có lẽ sẽ không bao giờ biết ngày kết thúc. Sau khi đánh đuổi được Daech, chiến sự tại quốc gia Trung Đông này nay chuyển sang một sắc thái khác, sau vụ nhiều lính đánh thuê Nga tử trận trong đợt không kích của Hoa Kỳ. Libération có bài nhận định cho rằng « Đối với Matxcơva, con đường dầu hỏa là qua ngả Syria ».
Đầu tiên hết nhật báo thiên tả này đưa ra nhận xét các chiến dịch quân sự của Nga đều có mối liên hệ với những doanh nghiệp nào quan tâm đến việc hồi phục thị trường khai thác dầu hỏa Syria và xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tại đây.
Bởi vì những vùng quan trọng có lính đánh thuê Nga can thiệp những năm gần đây đều tập trung ở phía đông Syria, nơi có nhiều khu vực khai thác dầu hỏa và khí đốt, những khu vực trước đây đã bị Daech kiểm soát từ năm 2014.
Libération dẫn phân tích của ông Moiffak Hassan, cố vấn dầu hỏa Syria, từng làm việc cho hãng Total của Pháp cho rằng, tuy trữ lượng dầu hỏa và khí đốt của Syria không quan trọng bằng các nước láng giềng, và sản lượng khai thác hầu như là số không do chiến tranh, nhưng khu vực này lại có một vị thế chiến lược quan trọng đối với Nga.
« Đây chính là một hành lang quan trọng để khống chế các đường ống dẫn dầu và khí đốt sang Châu Âu. Sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Syria sẽ khiến cho việc đưa ống dẫn dầu và khí đốt qua ngả Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu của Qatar và Iran, hai quốc gia sản xuất dầu và khí đốt lớn khác thêm khó khăn, nếu không muốn nói là không thể nếu không có sự đồng ý của Putin ».
Điều này giải thích vì sao, khi chế độ Damas lấy lại quyền kiểm soát khu vực cốt lõi này sau khi đã được Matxcơva cho phép, nhiều phái đoàn chính khách và doanh nhân Nga đã vội vã sang Damas để ký các hợp đồng và các thỏa thuận chuyển nhượng, nhất là trong lĩnh vực dầu khí.
Libération lưu ý là khu vực xảy ra vụ đối đầu giết chết nhiều lính đánh thuê Nga hôm 07/02/2018 chỉ nằm cách Coneco, khu khai thác khí ga lớn nhất vài km và cách không xa khu khai thác dầu hỏa Omar, hiện đã rơi vào tay Lực lượng Dân chủ Syria FDS, được liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu hỗ trợ sau khi đã chiếm lại được từ tay Daech.
Tại túi dầu lửa của vùng Deir Ezzor này, Nga và Mỹ gườm nhau mỗi ngày, thông qua các đồng minh của họ trên địa bàn. Phe đầu tiên thì muốn tiếp tục cuộc chinh phục Syria, trong khi mà phe thứ hai thì trụ ở đó nhằm ngăn chặn một sự thống trị toàn diện của Putin lên khu vực.
Chủ tịch mãn đời,
cú đảo chính Hiến Pháp thành công
Báo Le Monde tiếp tục bình luận về sự kiện Trung Quốc sửa đổi Hiến Pháp cho phép ông Tập Cận Bình nắm giữ quyền bính mãn đời. Bài viết nhận định « Tập Cận Bình đảo chính Hiến Pháp thành công ».
Thành công là vì ông chủ tịch Tập chỉ bỏ phiếu một lần thông qua hết 21 điều khoản sửa đổi, trong đó có việc hủy bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ cho chủ tịch nước. Số phiếu thuận cao ngất ngưởng 2.964 so với 2 phiếu chống, 3 vắng mặt và 1 phiếu vô giá trị. Cả một quá trình sửa đổi Hiến Pháp như thế chỉ mất có hai tuần, kể từ ngày ra thông báo là 25/02 cho đến ngày bỏ phiếu thông qua 11/03.
Thành công là vì đây một cuộc sửa đổi Hiến Pháp « thuận buồm xuôi gió » nhất, không một tiếng phản đối nào từ phía người dân. Bởi vì, mạng xã hội đã bị kiểm duyệt chặt chẽ. Mọi ý đồ thăm dò phản ứng của người dân của những báo đài nước ngoài hầu như đã bị khóa chặt.
Le Monde thuật lại trường hợp thông tín viên Heike Schmidt của đài RFI tại Bắc Kinh. Cô đã bị cảnh sát Trung Quốc câu lưu trong vài giờ chỉ vì đã thực hiện một phỏng vấn nhanh về việc kéo dài nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, và buộc phải xóa sạch các đoạn ghi âm.
Theo giải thích của bà Chloé Froissart, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, « các giá trị mang tư tưởng tự do trong Hiến Pháp Trung Quốc đã từng cho phép phát triển một trào lưu tích cực tuân thủ theo Hiến Pháp. Thế nhưng, những hoạt động dựa theo Hiến Pháp này đã dần dần bị gạt ra bên lề kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. ».
Bà Froissart kết luận vấn đề về giá trị phổ quát vẫn còn là điều tối kỵ đối với phe bảo thủ Trung Quốc và « điều đó làm họ lo sợ ».
Thượng đỉnh Trump – Kim, Abe ngồi xem ?
Liên quan đến việc tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời gặp của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, báo Le Monde có bài viết cho rằng « Nhật Bản sợ bị gạt ra ngoài sau thông báo thượng đỉnh Trump – Kim ».
Là một trong sáu nước tham gia vào đàm phán sáu bên về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Bộ Quốc Phòng nước này lấy làm tiếc rằng Tokyo đã không được Nhà Trắng tham vấn. Đối với Nhật Bản, quyết định gặp lãnh đạo Kim Jong Un của Donald Trump đã hoàn toàn « gạt quần đảo này sang một bên ».
Trang nhất các báo Pháp
Le Monde đưa tít « Mayotte : Nguy cơ bùng nổ xã hội ». Tình hình an ninh bất an là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trên vùng đảo thuộc Pháp này. Từ ba tuần nay, các cuộc tổng đình công đã diễn ra. Dân biểu, nghiệp đoàn, chủ doanh nghiệp báo động nạn nhập cư bất hợp pháp ồ ạt đang gây bất ổn xã hội.
Les Echos: « Tuyển chọn ở đại học, thách thức nóng bỏng ». Các tú tài tương lai chỉ còn thời hạn đến tối thứ Ba này để đăng ký ngành học đại học. Les Echos dự báo những khó khăn các trường đại học gặp phải trong năm đầu tiên cải cách chương trình tuyển chọn đại học.
La Croix : « Thuế khóa, nỗi ngao ngán của những người về hưu ». Từ nhiều năm qua bị nhiều biện pháp thuế nhắm đến, người về hưu thứ Năm này sẽ xuống đường biểu tình phản đối việc tăng một khoản thuế mới.
Libération : « Lính đánh thuê Nga tại Syria, cuộc chiến này, chúng tôi còn chưa bắt đầu, nhưng chúng tôi sẽ kết thúc ». Nhật báo đăng lời chứng của một lãnh đạo công ty quân sự tư nhân chuyên đưa người sang tham chiến tại Syria theo yêu cầu của điện Kremlin.
Le Figaro : « Năm năm sau, cái nhìn của người Pháp về đức giáo hoàng Phanxico ». Thăm dò do BVA-Le Figaro thực hiện cho thấy tín nhiệm của đức giáo hoàng vẫn luôn ở mức cao. Nhưng trong công luận Pháp, tỷ lệ được lòng giáo dân đã sụt giảm, nhất là ở những người sùng đạo.
« Hubert de Givenchy, ông hoàng của sự thanh lịch ». Le Figaro trang trọng nhận định trên trang nhất. Nhà tạo mẫu Pháp qua đời hôm thứ Bảy 10/03/2018 ở tuổi 91. Năm 1995, ông đã rời ánh đèn sàn diễn, ít lâu sau khi người bạn tâm giao và cũng là nàng thơ của ông, nữ diễn viên điện ảnh Audrey Hepburn ra đi. Một lời thương tiếc dành cho một trong những bậc thầy cuối cùng thời kỳ vàng son nhất cuả ngành tạo mẫu thời trang Pháp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180313-tac-dong-han-che-tu-nhung-trung-phat-cua-phuong-tay-nham-vao-nga
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Liên Hiệp Quốc tố cáo Facebook khiến cho khủng hoảng Rohingya Miến Điện thêm trầm trọng. Trong cuộc điều tra về tội diệt chủng ở Miến Điện, hôm qua 12/03/2018, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tuyên bố mạng xã hội Facebook góp phần quan trọng trong việc làm lan tỏa các phát ngôn thù hận tại đất nước Đông Nam Á này. Facebook chưa bình luận về cáo buộc trên. Tháng 02/2018, lãnh đạo Facebook cho biết họ thường gỡ các đăng tải mang tính thù hằn ở Miến Điện và xóa tài khoản của những người chia sẻ các nội dung trên.
(AFP) – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bất ngờ thăm Afghanistan. Bộ trưởng Jim Mattis đã tới Kaboul vào sáng hôm nay 13/03/2018, hai tuần sau khi tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đề nghị tổ chức hòa đàm với Taliban. Phát biểu với các nhà báo có mặt trên chiếc phi cơ quân sự, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ dự đoán có thể một số nhân vật của Taliban sẽ quan tâm tới việc đối thoại với chính phủ Afghanistan.
(AFP) – 1/6 số ca tử vong tại Mỹ là do nhiễm độc chì. Trên đây là một kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày hôm qua 12/03/2018 trên tạp chí The Lancet Public Health.Theo các chuyên gia, trong số 2,3 triệu người chết mỗi năm ở Mỹ, có khoảng 400.000 người chết do nhiễm độc chì. Con số này cao gấp 10 lần so với ước tính từ lâu nay. Nghiên cứu được tiến hành trên 14.000 người trong khoảng 20 năm (1990-2011). Số người chết vì nhiễm độc chì như vậy nhiều tương đương số người chết vì thuốc lá.
(AFP) – Nghi án lạm quyền : Tỉ lệ ủng hộ thủ tướng Nhật sụt giảm. Thái độ thiếu minh bạch của chính phủ Nhật Bản, trước cáo buộc về quan hệ mờ ám trong một dự án cấp đất Nhà nước, có liên hệ với vợ của thủ tướng Shinzo Abe, khiến uy tín của thủ tướng Nhật lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 50%, kể từ cuộc bầu cử Quốc Hội sớm tháng 10/2017. Theo thăm dò dư luận của nhật báo Yomiuri hôm qua, ông Abe chỉ còn được 48% ủng hộ, sụt so 6% so với tháng trước. 80% cử tri cho rằng phản ứng của chính phủ trước các cáo buộc là không thỏa đáng. Theo cơ quan tư vấn Nhật, Teneo Intelligence, tình hình hiện nay có thể khiến ông thủ tướng Abe khó lòng tiếp tục được đảng Dân Chủ Tự Do bầu làm chủ tịch lần thứ ba, trong cuộc bỏ phiếu tháng 9 này.
(AFP) – Trung Quốc hợp nhất các cơ quan giám sát tài chính. Theo đại diện chính phủ Trung Quốc, hôm nay, 13/03/3018, hai cơ quan giám sát các ngân hàng (CPRC) và cơ quan giám sát các tập đoàn bảo hiểm (CIRC) sẽ đượp hợp làm một. Việc sát nhập nói trên nằm trong kế hoạch cải tổ rộng lớn các bộ và các cơ quan trung ương của chính quyền Trung Quốc, nhằm giúp Bắc Kinh đối phó với « các nguy cơ khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống », trong bối cảnh nợ công và tư của Trung Quốc vượt quá 250% GDP. Cùng với vụ sát nhập nói trên, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cũng được trao thêm nhiều quyền hành hơn.
(AFP) – Vụ nhà báo Slovakia bị giết : Áp lực bầu cử sớm gia tăng. Ba tuần sau cái chết của nhà báo điều tra Jan Kuciak, chính phủ Slovakia đứng trước áp lực ngày càng mạnh trong chính giới và công luận, buộc phải tổ chức bầu cử sớm. Tối hôm qua, 12/03/2018, đảng Most-Hid, vốn là một trong ba đảng thuộc liên minh cầm quyền, tuyên bố tổ chức bầu cử sớm là « giải pháp duy nhất ». Bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak – thuộc đảng Smer-SD của thủ tướng – tuyên bố từ chức để giảm bớt áp lực công luận. Nhà báo Jan Kuciak bị bắn chết, khi đang điều tra về một số vụ tham nhũng và những liên hệ mờ ám giữa một số chính trị gia Slovakia và doanh nhân Ý, bị tình nghi có quan hệ với mafia.
(AFP) – Venezuela : Lạm phát lên đến hơn 6.000%. Venezuela lún sâu vào khủng hoảng kinh tế. Quốc Hội do đối lập kiểm soát đã thông báo tỉ lệ lạm phát như trên, trong một năm vừa qua. Riêng trong tháng Hai 2018, lạm phát là 80%. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, lạm phát tại Venezuela có thể lên đến 13.000%. Tổng thống Venezuela quy cho Hoa Kỳ và đối lập là thủ phạm của tình trạng này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180313-tin-doc-nhanh