Đọc báo Pháp – 13/02/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 13/02/2020

Virus corona :

Hoang mang ngờ vực lan nhanh không kém

Anh Vũ

Dịch viêm phổi do virus corona mới mang tên Covid-19 vẫn là tựa chính của nhiều tờ báo Pháp ngày 13/02/2020 cùng với nhiều bài viết dưới nhiều góc độ khác nhau. Trang nhất của Le Monde trích đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về trận dịch này là « rất nghiêm trọng với toàn cầu ».

Nhật báo Le Monde nhấn mạnh đợt dịch đang là « mối đe dọa với thế giới ». Ra từ chiều hôm trước nên con số thống kê 1.100 người chết ở Trung Quốc mà tờ Le Monde đưa ra đã lạc hậu. Mỗi ngày ở ổ dịch Hồ Bắc nói riêng đã có thêm hàng trăm người chết vì Covid-19 và số người nhiễm đã lên tới trên sáu chục ngàn.

Tình hình không có gì khả quan khi mà đến nay « chúng ta vẫn không biết làm sao loại virus này lây lan mạnh như vậy » như đánh giá của giáo sư Chung Nam Sơn, một chuyên gia virus nổi tiếng của Trung Quốc. Le Monde ghi nhận, mặc dù đã khoanh vùng dịch chính là tỉnh Hồ Bắc cũng như Trung Quốc, nhưng một vài ổ dịch tiềm tàng đang xuất hiện thêm ở bên ngoài Trung Quốc. Nạn dịch lây lan kéo theo một tâm lý hoang mang nghi kỵ ở khắp nơi.

Bắc Kinh : Khắc khoải trong sợ hãi và ngờ vực

Thông tín viên của Le Monde tại Trung Quốc, Frédéric Lemaitre, chứng kiến cuộc sống hàng ngày ở thủ đô Bắc Kinh trong những ngày dịch, gửi về bài phóng sự dài « Bắc Kinh lần hồi qua từng ngày ». Tác giả bài báo mô tả lại quang cảnh của thành phố 21 triệu dân, nơi mà thời gian như ngừng lại : « Đường phố hoang vắng, đa số các cửa hàng đóng cửa, một bầu không khí nặng nề ngờ vực… »

Tác giả so sánh « Quảng trường Thiên An Môn, mỗi ngày thường vẫn đón hàng nghìn du khách, giờ còn vắng hơn cả sa mạc Gobi ». Thành phố đã trở lại hoạt động từ đầu tuần này, nhưng hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc sống đang bắt đầu bình thường ở đây.

« Trong cả thành phố, xe bus, thường vẫn chật kín người, giờ chạy gần như trống không, thi thoảng có vài hành khách. Họ cố đứng cách xa nhau nhất có thể. Các nhà hàng đã có thể mở cửa, nhưng làm gì có thực khách. Mọi người đều dè chừng nhau. Ở Bắc Kinh, 90% các cửa hàng vẫn đóng cửa, những siêu thị hoạt động thì vội vàng đóng cửa ngay từ 15 giờ ».

Ở các hiệu thuốc, người ta có thể thấy các dược sĩ trong bộ đồ bảo hộ như bác sĩ trong phòng mổ, hé cửa đưa thuốc cho khách mua. Trên cửa hiệu thuốc thường có tấm biển thông báo không còn khẩu trang, găng tay hay bất cứ loại sản phẩm nào để phòng dịch. Một người bạn nhắc phóng viên dùng xong khẩu trang thì xé đi, vì có một số người đi nhặt lại khẩu trang trong thùng rác tái chế để bán lại. « Vẫn luôn một không khí nghi kỵ lẫn nhau », tác giả bài báo nhận xét.

Theo phóng viên của Le Monde, khác với một số thành phố khác chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà 2 ngày 1 lần, Bắc Kinh không giới hạn nhưng có kiểm soát chặt việc đi lại của người dân. Ở lối vào các khu chợ, trung tâm thương mại hay khu dân cư, luôn có các bảo vệ đo thân nhiệt nên bạn không thể vào một khu dân cư lạ mà không trình thẻ căn cước ghi tên và nói rõ mục đích đến. Từ đầu tháng Hai, những người giao hàng bị cấm chuyển hàng đến từng nhà. Họ phải để hàng gửi tại sảnh các tòa nhà và thế là các sảnh chung cư biến thành những kho chứa hàng tạm bợ.

« Bắc Kinh, thành phố 21 triệu dân đang mệt mỏi chờ đợi kẻ thù vô hình », tác giả bài phóng sự kết luận.

Trong khi đó báo Le Figaro chú ý đến cuộc sống của những người trên con tàu du lịch sang trọng Diamond Pricess đang bị cách ly trên cảng Yakohama, Nhật Bản, vì nhiễm dịch Covid-19.

Trong số 3.700 người trên con tàu du lịch này, có 175 người được phát hiện dương tính với Covid-19 đã bị đưa xuống tàu để điều trị, số còn lại đang tiếp tục cuộc sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống trên tàu không thiếu thốn, nhưng ngày qua ngày họ phải sống trong tâm lý hoang mang lo sợ, không biết tương lai sẽ ra sao, bao giờ được trở về nhà và liệu có bị nhiễm virus không. Tàu Diamond Princess là con tàu lớn nhất trong lịch sử bị cách ly như thế này. Đến ngày 19 tháng Hai tới, thời hạn cách ly 14 ngày sẽ hết và trên nguyên tắc các hành khách có thể xuống tàu về nhà, nhưng vẫn sẽ có một số người tiếp tục bị cách ly do tiếp xúc với những người vừa phát hiện nhiễm virus trên tàu.

Nỗi ám ảnh sợ hãi còn lây lan nhanh sang con tàu Westerdam của Hà Lan. Theo Le Figaro, trên tàu không có trường hợp nhiễm Covid 19 nào trong số 1.455 hành thách và 802 nhân viên và thủy thủ đoàn. Thế nhưng con tàu trong những ngày qua liên tiếp bị từ chối cập các cảng ở Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Guam, Thái Lan. Lý do rất đơn giản : Tàu đã ghé cảng Hồng Kông trong thời gian phát dịch.

Rất may là cuối cùng, ngày hôm qua, 12/02, Cam Bốt đã chấp nhận cho Westerdam vào nghỉ tại cảng Sihanoukville. Một nỗi sợ hãi, dè chừng đôi khi thái quá đang lây lan nhanh không kém gì virus. Le Figaro trích dẫn bình luận của một nhà chuyên môn về vận tải hàng không tại Nhật Bản : « Người ta đang đánh dấu phạm vi cách ly dịch xung quanh các con tàu vì một loại virus mà người ta chưa biết gì nhiều. Loại virus này mới giết chết hơn 1.100 người trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, trong khi mà virus cúm thông thường mỗi năm vẫn làm 61 nghìn người chết ở Mỹ, mà không làm mủi lòng các nhà hoạch định chính sách. Nỗi sợ hãi hoàn toàn mới trước virus corona làm thương mại thế giới ngừng lại và sẽ còn có những hậu quả khác, chắc chắn là thê thảm. Liệu như thế có lý hay không ? »

Châu Âu – Việt Nam : Thương mại đã tự do

Thoát ra ngoài bầu không khí u uất chết chóc mang tên Covid-19, báo kinh tế Les Echos lưu tâm đến sự kiện hôm 12/02/2020, Hiệp định Tự do Thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua. Đây là sự kiện quan trọng đối với kinh tế của Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu.

Les Echos trích dẫn đánh giá của ông Phil Hogan, ủy viên Thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, trong phiên thảo luận hôm trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu, cho rằng đây là hai thỏa thuận « có tham vọng lớn nhất mà Liên Âu chưa từng ký với một đất nước đang phát triển ». Theo tờ báo kinh tế, « với 47,6 tỷ euro trao đổi hàng hóa, Việt Nam là đối tác thương mại thứ hai của EU ở Đông Nam Á ».

Tờ báo tóm tắt những điểm cơ bản của thỏa thuận tự do thương mại EVFTA, sẽ bắt đầu áp dụng từ mùa hè năm nay : « Hầu hết khối lượng hàng hóa buôn bán giữa hai nước sẽ được giảm thuế dần xuống mức 0% trong tương lai gần. Đối với các mặt hàng như xe hơi trong 10 năm tới sẽ không còn thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó thỏa thuận cũng bao gồm cả các quy định về điều kiện lao động, tôn trọng môi trường, sở hữu trí tuệ và nhân quyền cho Việt Nam ».

Với Hiệp định tự do thương mại, Ủy ban Châu Âu dự báo : « Xuất khẩu của Liên Âu sang Việt Nam sẽ tăng 29%, trong khi hàng xuất của Việt Nam sang Châu Âu sẽ tăng 18% » và « Mỗi tỷ euro tăng thêm trong xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tạo thêm 14 nghìn việc làm cho Liên Hiệp Châu Âu ».

Tờ báo cũng nhắc lại là đầu tuần này, khoảng 70 tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Nghị Viện Châu Âu không thông qua thỏa thuận trên, do tình hình đáng lo ngại về nhân quyền và các vấn đề về quyền lao động ở Việt Nam. Nhưng Ủy Ban Châu Âu đã giải thích trong các văn kiện đều có các cam kết ràng buộc pháp lý về mặt xã hội và môi trường. Chính thỏa thuận sẽ là cơ sở tốt nhất để Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và các cam kết về các vấn đề trên.

Nếu như chính phủ Việt Nam không tôn trọng các cam kết, Châu Âu vẫn có khả năng bãi bỏ hiệp định. Điều này đang xảy ra với Hàn Quốc, khi hồi tháng Giêng vừa qua Ủy Ban Châu Âu tuyên bố sẵn sàng cho ngừng hiệp định tự do mậu dịch nếu Hàn Quốc không phê chuẩn nhiều công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT).

Bài học nhãn tiền từ Cam Bốt

Cùng ngày thông qua hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam, Châu Âu đã trừng phạt Cam Bốt vì lý do không tôn trọng cam kết về nhân quyền và dân chủ (Liên quan đến việc chính quyền Hun Sen trấn áp đảng đối lập). Nhật báo Libération chạy tựa : « Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa với Cam Bốt của Hun Sen ».

Tờ báo cho biết, hôm qua, 12/02, Ủy ban Châu Âu đã quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan dành cho Cam Bốt trong khuôn khổ chương trình thương mại có tên gọi « Tất cả trừ vũ khí (TSA) ». Lý do là Cam Bốt « vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các nguyên tắc nhân quyền ». Lệnh trừng phạt này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/08 tới và chỉ có thay đổi nếu Nghị Viện hay Hội Đồng Châu Âu từ nay đến khi đó phản đối. Quyết định này liên quan đến các sản phẩm dệt may, đóng giầy, các sản phẩm phục vụ du lịch và đường. Những mặt hàng này chiếm khoảng 1 tỷ euro trong tổng số 5 tỷ euro xuất khẩu hàng năm của Cam Bốt sang EU. Trong khi đó, châu Âu trong năm 2018 là đối tác thương mại lớn nhất của Cam Bốt, chiếm tỷ trọng 45% buôn bán của nước này.

http://www.rfi.fr/vi/khoa-h%E1%BB%8Dc/20200213-virus-corona-hoang-mang-ng%E1%BB%9D-v%E1%BB%B1c-lan-nhanh-kh%C3%B4ng-k%C3%A9m

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Virus corona : Châu Âu lo ngại nguồn cung dược phẩm bị thiếu hụt.

Viện Dược Pháp ngày 13/02/2020 dự báo dịch virus corona mới (Covid-19) đang hoành hành tại Trung Quốc rất có thể dẫn đến các vấn đề về nguồn cung dược phẩm tại châu Âu. Theo giải thích của viện, khoảng 80% các chất hoạt tính cho dược phẩm được sử dụng tại châu Âu đều được sản xuất chủ yếu tại châu Á. Viện Dược Pháp nhận định « nên đưa hoạt động sản xuất các nguyên liệu dược phẩm trở lại trong nước. Việc làm chủ quy trình sản xuất nguyên liệu dùng cho dược phẩm đã trở thành một thách thức chiến lược cho Pháp và châu Âu ».

(AFP) – Hà Lan từ chối để Nga xét xử ba nghi can trong thảm kịch MH17.

Bộ trưởng Tư Pháp Hà Lan ngày 12/02/2020 khẳng định « chuyển giao việc truy tố 3 nghi can Nga không là một chọn lựa và cũng không được nhắm đến ». Đề nghị này được phía Matxcơva đưa ra trong một thư gởi vào tháng 10/2019. Ba công dân Nga và một người Ukraina sẽ bị đưa ra xét xử tại Hà Lan vào ngày 09/03/2020 về vai trò của họ trong vụ bắn hạ chiếc máy bay dân dụng MH17 năm 2014, làm toàn bộ 298 người, trong đó có 196 công dân Hà Lan, thiệt mạng.

(Japan Times) – B-52 Mỹ bay qua eo biển Đài Loan sau khi Bắc Kinh dọa nạt. 

Bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm 12/02/2020 thông báo ba phi cơ quân sự Mỹ, trong đó có hai oanh tạc cơ B-52, đã bay qua eo biển Đài Loan. Hành động này diễn ra sau khi Đài Bắc hôm thứ Hai 10/2 đã cho chiến đấu cơ bay lên ngăn chận máy bay Trung Quốc vượt qua ranh giới không phận giữa đôi bên, trong một cuộc tập trận trên không và trên biển của Chiến khu Đông bộ, quân đội Trung Quốc.
(AFP) – Trung Quốc cách chức giám đốc văn phòng phụ trách Hồng Kông.

Tuy nhiên, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming) lại được Bắc Kinh bổ nhiệm làm phó giám đốc văn phòng, theo như thông báo đưa ra ngày 13/02/2020. Người đến thay ông là Hạ Bảo Long (Xia Baolong), một quan chức cao cấp thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

( AFP ) – Thượng Viện Mỹ muốn hạn chế khả năng Trump gây chiến với Iran.

 Nhờ có sự ủng hộ của 8 thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 12/02/2020 đã chấp nhận tổ chức bỏ phiếu một nghị quyết nhằm hạn chế khả năng tổng thống Donald Trump khởi động chiến tranh với Iran. Phe Dân Chủ và một số đại biểu Cộng Hòa than phiền là không được thông báo đầy đủ về chiến lược của Nhà Trắng đối với Iran, nhất là sau vụ tiêu diệt Qassem Soleimani, nhân vật có ảnh hưởng lớn thứ hai của chế độ Teheran, mà Quốc Hội không được báo trước. Nếu ông Trump phủ quyết, nghị quyết vốn đã được sửa đổi để tranh thủ sự ủng hộ của Cộng Hòa, khó thể hội đủ số phiếu để bác bỏ khi được đưa trở lại Thượng Viện.

( AFP ) – Libya : Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết « ngưng bắn lâu bền».

Ngày 12/02/2020, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu « một lệnh ngưng bắn lâu bền » thay thế cho thỏa thuận hưu chiến mong manh đạt được hồi tháng Giêng năm 2020. Văn bản do Anh soạn thảo cũng bày tỏ « mối quan ngại (của Hội Đồng) về sự can dự của lính đánh thuê tại Libya ». Đây cũng chính là yếu tố gây trở ngại trong các cuộc thương lượng, vì Nga vẫn đòi thay thế từ « lính đánh thuê » bằng « các binh sĩ nước ngoài chống khủng bố ». Từ nhiều tháng qua Matxcơva bị cáo buộc đã cung cấp hàng ngàn lính đánh thuê cho tướng Khalifa Haftar tại Libya, tìm cách chiếm đánh Tripoli bằng quân sự từ tháng 4/2019. Tripoli là nơi đóng trụ sở của Chính Phủ Đoàn Kết Dân Tộc GNA đứng đầu là ông Fayez al-Sarraj, được Liên Hiệp Quốc công nhận.

(AFP) – Sau Anh, đến lượt Pháp cho Hoa Vi tham gia 5G một cách hạn chế. 

Sau Luân Đôn, đến phiên Paris hôm nay 13/02/2020 bật đèn xanh cho Hoa Vi (Huawei) tham gia thị trường 5G, dù có áp lực từ Hoa Kỳ. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định « lợi ích chủ quyền của Pháp » được bảo đảm, và các nhà cung cấp châu Âu Nokia và Ericsson được ưu tiên, nhưng nếu Hoa Vi có đề nghị tốt hơn về kỹ thuật hay giá cả thì có thể tham gia, nhưng không được triển khai gần những địa điểm nhạy cảm, vị trí quân sự và nguyên tử.

(AFP) – Ấn Độ : 100.000 người chờ đón Donald Trump. 

Trên 100.000 người sẽ tập hợp tại một sân vận động ở Ahmedabad trong cuộc mít-tinh có sự hiện diện của tổng thống Mỹ và thủ tướng Narendra Modi nhân chuyến thăm Ấn Độ của ông Donald Trump cuối tháng Hai. Sự kiện được đặt tên là « Kem Chho Trump » (Ông Trump mạnh giỏi- theo tiếng Gujarat). Chính quyền bang Gujarat, quê hương ông Modi, đang đôn đốc để hoàn thành sân vận động bóng gậy (cricket) lớn nhất thế giới này, để kịp tưng bừng đón tiếp tổng thống Mỹ, đáp lễ cuộc mít-tinh « Howdy Modi » ở Houston (Texas) tháng 9/2019.

(AFP) – WhatsApp có 2 tỉ người sử dụng.

Ứng dụng tin nhắn mã hóa WhatsAppp do Facebook sở hữu hôm 12/02/2020 loan báo hiện có hơn 2 tỉ người sử dụng trên thế giới. Tập đoàn này nhấn mạnh luôn chú trọng đến việc bảo mật dữ liệu của người dùng.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200213-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 13/2:

Trung Quốc đang thử nghiệm lâm sàng

thuốc trị Covid-19

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (13/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược những tin sau:

Trung Quốc đang thử nghiệm lâm sàng thuốc trị Covid-19

Các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm 2 loại thuốc dùng chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 (virus corona chủng mới) và kết quả thử nghiệm lâm sàng sẽ có trong ít tuần, Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, cựu chuyên gia về virus của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Tư (12/2), theo Reuters.

Bà Kieny nói rằng các nhà khoa học Trung Quốc đang rất tích cực với các nghiên cứu của mình, nhưng vẫn còn phải xem kết quả điều trị như thế nào. “Chúng tôi không biết kết quả ra sao, và chúng tôi phải chờ vài ngày hoặc vài tuần để có kết quả”.

Một viện nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc đã có đơn yêu cầu mua bằng sáng chế thuốc chống virus từ tổ chức Gilead Science Inc có trụ sở tại Hoa Kỳ, với hi vọng loại thuốc này có thể tiêu diệt Covid-19.

Ông Trump ‘không bận tâm’ khi Philippines dừng hiệp ước quân sự với Mỹ

Tổng thống Trump, hôm thứ Tư (12/2), tỏ ra không bận tâm với việc Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte,  thông báo chấm dứt một hiệp định quân sự nhiều thập kỷ với Mỹ, nói rằng ông thực sự không cảm thấy phiền lòng và hiệp ước này kết thúc sẽ tiết kiệm cho Hoa Kỳ nhiều tiền, theo Reuters.

Khi được hỏi liệu ông có cố gắng thuyết phục Tổng thống Duterte xem xét lại quyết định đó hay không, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng: “Tôi không bao giờ bận tâm về điều đó. Chúng tôi đã giúp Philippines rất nhiều. Chúng tôi đã giúp họ đánh bại ISIS. Tôi thực sự không bận tâm nếu họ muốn làm điều đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Quan điểm của tôi khác với những người khác”.

Ông Trump cũng cho biết ông có mối quan hệ “rất tốt đẹp” với ông Duterte và nói với các phóng viên, một câu mà ông thường nói, rằng “chúng ta hãy xem điều gì xảy ra”.

Mỹ cho hai phi cơ bay qua eo biển Đài Loan

Không quân Hoa Kỳ đã cho hai máy bay giám sát bay qua eo biển Đài Loan vào thứ Tư (12/2), hai ngày sau khi không lực Trung Quốc cho chiến cơ quần thảo trên vùng trời gần Đài Loan, theo SCMP.

Hai máy bay đặc nhiệm MC-130J của Mỹ đã bay từ căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản, qua eo biển Đài Loan trên đường đến Biển Đông, theo một tweet của trang web theo dõi bay của Aircraft Spots.

Song Zhongping, một chuyên gia quân sự ở Hồng Kông, nói rằng hành động này của Mỹ cho thấy quân đội Hoa Kỳ đang theo dõi sát sao các động thái của quân đội Trung Quốc trên eo biển Đài Loan.

“MC-130J là một máy bay giám sát chiến lược với công nghệ giám sát tiên tiến, có thể theo dõi sát sao các hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực”, ông Song cho biết.

Chính phủ Maduro bắt giữ chú của ông Guaido

Lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, ông Juan Guaido, hôm thứ Tư (12/2) đã gọi Tổng thống Maduro là kẻ “hèn nhát” sau khi một người chú của ông bị chính phủ của vị tổng thống thiên tả bắt giữ, theo Reuters.

Ông Juan Jose Marquez, chú của ông Guaido, ngay sau khi đặt chân tới Venezuela vào hôm thứ Ba (11/2), sau chuyến tháp tùng người cháu trong chuyến công du nước ngoài 3 tuần, đã bị chính quyền Maduro bắt giữ.

“Chế độ Maduro đang giam giữ một người thân của tôi … Thật là chế độ độc tài hèn nhát”, ông Guaido xác nhận với các nhà báo về chú của ông bị bắt giữ. “Maduro là một kẻ hèn nhát, không dám lộ mặt, không dám bước vào quảng trường công cộng mà không có an ninh, ông ta đã tấn công gia đình tôi”, ông Guaido nói thêm.

Chế độ nô lệ được nhiều nước cho phép tồn tại

Luật pháp của gần một nửa các quốc gia trên thế giới đang xem chế độ nô lệ không phải là tội ác, một nghiên cứu về luật trên phạm vi toàn cầu kết luận, và kêu gọi các quốc gia lấp kín các kẽ hở của luật để tránh việc bị tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi bạo hành người lao động, theo một bản tin của SBS News hôm thứ Năm (12/2).

Theo nghiên cứu này, nhiều quốc gia đã thiếu các điều luật trực tiếp hình sự hóa và trừng phạt đối với việc sở hữu hoặc kiểm soát người khác, khiến chế độ nô lệ vô hình trung được thừa nhận.

“Chế độ nô lệ không được cho là bất hợp pháp ở khắp nơi và chúng tôi hi vọng rằng nghiên cứu của chúng tôi sẽ chấm dứt điều vô lý phổ biến này”, Katarina Schwarz, một nhà nghiên cứu về nhân quyền của Đại học Nottingham, nói. “Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ở tất cả các quốc gia này không có luật hình sự nào để truy tố, kết án và trừng phạt những người buộc người khác phải chịu những hình thức bóc lột cực đoan nhất”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-13-2-trung-quoc-dang-thu-nghiem-lam-sang-thuoc-tri-virus-covid-19.html

 

Điểm tin thế giới chiều 13/2:

Các chuyên gia không chắc

dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào mùa hè

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (13/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Các chuyên gia không chắc dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào mùa hè

Liệu sự bùng phát dịch COVID-19 sẽ biến mất khi bắc bán cầu nóng lên? Quan điểm này được đề xuất bởi một số nhà nghiên cứu và được lặp lại bởi một số nhà lãnh đạo, bao gồm cả tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhưng một số chuyên gia y tế bày tỏ nghi hoặc với nhận định này, theo New Scientist.

“Chúng tôi hoàn toàn không chắc chắn đối với điều này”, Giáo sư Trudie Lang từ Đại học Oxford nhận định. “Tôi liên tục hỏi các đồng nghiệp có chuyên môn về virus và không ai khẳng định như vậy”.

“Vì vậy, khi bạn nghe ai đó nói rằng thời tiết ấm lên sẽ khiến virus biến mất, thì đó là một cách nói chung chung không nhất định là đúng”, bà nói.

WHO: Trung Quốc đang thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19, kết quả sẽ có trong vài tuần

Các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm hai loại thuốc chống lại virus chủng mới và kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ sẽ có trong vài tuần tới, người đồng chủ trì một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Tư (12/2), theo Reuters.

Tiến sĩ Marie-Paule Kieny, một nhà virus học của tổ chức WHO, đồng chủ trì diễn đàn nghiên cứu họp kín kéo dài hai ngày này tại Geneva. Trong diễn đàn có sự tham gia của hơn 300 nhà khoa học và nghiên cứu, bao gồm một số từ Trung Quốc và Đài Loan.

“Các đồng nghiệp Trung Quốc rất háo hức tham gia vào việc xác định các quy trình thử nghiệm lâm sàng để tuân theo cùng một tiêu chuẩn và đi đến cùng một kết quả tương tự”, bà nói trong một cuộc họp báo.

Trung Quốc thay thế người đứng đầu văn phòng phụ trách Hồng Kông và Ma Cao

Bộ Nhân sự Trung Quốc đã công bố vào hôm thứ Năm (13/2) rằng Zhang Xiaoming sẽ bị cách chức giám đốc Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao (HKMAO), và sẽ được thay thế bởi Xia Baolong, phó chủ tịch Hội nghị tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc ( CPPCC).

Việc loại bỏ Zhang theo sau động thái của Bắc Kinh vào tháng 1 nhằm thay thế người đứng đầu văn phòng liên lạc Hồng Kông.

Ông Zhang vẫn sẽ ở lại với HKMAO với tư cách là phó giám đốc phụ trách các hoạt động hàng ngày, Bộ cho biết.

Xia từng là cấp phó của ông Tập Cận Bình, khi ông Tập là Bí thư Đảng Cộng sản tỉnh Chiết Giang từ năm 2003 đến 2007.

NATO mở rộng sứ mệnh đào tạo của Iraq nhằm đáp trả Trump

Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã đồng ý vào hôm thứ Tư (12/3) nhằm mở rộng sứ mệnh huấn luyện của liên minh phương Tây tại Iraq, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg nói, phản hồi trước yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong việc để NATO đóng góp nhiều hơn phần của mình ở Trung Đông, theo Reuters.

NATO sẽ tiếp quản một số hoạt động huấn luyện do liên minh thuộc Mỹ đứng đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo, ông Stoltenberg nói, có nghĩa là quyết định này không yêu cầu sự có mặt nhiều hơn của quân đội phương Tây ở Iraq, và điều này đã được chính phủ Iraq đồng tình.

“Hôm nay, các bộ trưởng trong tổ chức đồng minh … đã tán đồng với việc tăng cường nhiệm vụ huấn luyện của NATO tại đây”, ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo. “Trong trường hợp đầu tiên, điều này sẽ bao gồm việc tham gia vào một số hoạt động đào tạo hiện tại của liên minh trên toàn cầu”.

Mỹ, Taliban tiến tới thỏa thuận giảm bạo lực

Taliban đã đưa ra tối hậu thư cho Washington sau nhiều tuần đàm phán với đặc phái viên hòa bình của Mỹ, yêu cầu trả lời về đề nghị giảm bạo lực trong bảy ngày ở Afghanistan, hoặc họ sẽ rời khỏi bàn đàm phán, hai quan chức Taliban cho biết hôm thứ Tư (12/2), theo AP.

Taliban đang tìm cách giảm bớt bạo lực trong một khoảng thời gian rất ngắn vì họ không muốn tiến tới một cam kết ngừng bắn chính thức cho đến khi các thành phần khác của thỏa thuận cuối cùng được đưa ra. Trước đây họ từng nói rằng một lệnh ngừng bắn có thể làm giảm hoạt động chiến tranh của họ nếu Hoa Kỳ hoặc Kabul từ bỏ lời hứa.

Diễn biến này được đưa ra khi cuối ngày thứ Ba (12/2) Washington tuyên bố một thỏa thuận trong việc “giảm bớt bạo lực” của những người nổi dậy sẽ được thực thi chỉ trong vài ngày kế tiếp. Ngoài ra, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã đăng trên Twitter cá nhân rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo thông báo với ông về “những sự tiến triển đáng chú ý” trong đàm phán với Taliban.

(Ảnh chụp màn hình Youtube/The Global Health Network)

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-10-2-cac-chuyen-gia-khong-chac-dich-covid-19-se-ket-thuc-vao-mua-he.html