Đọc báo Pháp – 12/11/2016
Phạt tiền doanh nghiệp :
Công cụ “trấn lột” hiệu quả của Hoa Kỳ
BNP Paribas, Volkswagen, Deutsche Bank… lần lượt hứng chịu các án phạt hàng tỷ đô la của Hoa Kỳ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế giờ là công cụ hữu hiệu cho tư pháp và cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới. Tuần san L’Express số ra từ ngày 09-16/11/2016, trong bài viết : « Cách trấn lột tàn bạo bằng phạt tiền kinh tế », chỉ trích chính phủ Hoa Kỳ đã có thái độ « nhất bên trọng, nhất bên khinh » khi chỉ nhắm trừng phạt vào các tập đoàn của châu Âu.
L’Express buồn bã đặt câu hỏi : « Giả như châu Âu cũng có được những công cụ này thì sao ? ». Một loạt các tập đoàn lớn của châu Âu đã hứng chịu những mức phạt tiền khổng lồ như ngân hàng BNP Paribas, Alstom, Crédit Agricole, Total, HSBC, Commerzbank, Deutsche Bank hay Volkswagen…
Thống trị kinh tế bằng luật là công cụ có từ lâu đời của các cường quốc, và nhất là Hoa Kỳ. Nếu diễn giải theo ngôn từ ngoại giao, đấy chính là « quyền lực mềm » cho phép chú Sam áp đặt các chuẩn mực và tiêu chuẩn của mình lên toàn thế giới. Còn nếu nói theo ngôn ngữ pháp lý, đó là một « nền tư pháp chủ nghĩa đế quốc ».
Theo L’Express, xuất phát từ đạo luật FCPA (Foreign Corrupt Practices Act) ban hành năm 1977, cho phép phạt các doanh nghiệp nào của Mỹ bị kết tội tham nhũng ở nước ngoài, Hoa Kỳ dần dần củng cố các công cụ pháp lý để mở rộng phạm vi áp dụng, chống lại cả những doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như đạo luật Helms-Burton và Amato, ban hành trong những năm 1990, cấm các doanh nghiệp giao dịch thương mại với các nước bị cấm vận, và sau này là Patriot Act.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, bước ngoặt quan trọng nhất là sau đợt tấn công khủng bố tháng 09/2001. « Kể từ thời điểm này, Hoa Kỳ quyết định biến cuộc chiến chống tham nhũng thành một trong những vũ khí chống khủng bố », theo như giải thích của ông Stephane de Navacelle, luật sư tại New York và Paris. Về phần mình, ông Hervé Juvin cho rằng : « Các thẩm phán đã tận dụng điều đó để mở rộng các tiêu chí có liên quan đến luật của Hoa Kỳ ».
« Nhất bên trọng, nhất bên khinh »
Nhưng châu Âu chỉ trích Hoa Kỳ đã đề ra những mức tiền phạt một cách tùy tiện. Về mặt chính thức, các tiêu chí thẩm định là hợp lý và khách quan, tùy theo mức thang quy định. Nhưng trên thực tế, các cuộc thương thuyết được tiến hành bên trong hậu trường, nếu không muốn nói là mập mờ. Mà ví dụ điển hình là vụ Deutsch Bank của Đức. Từ 14 tỷ đô la như lúc ban đầu, mức tiền nộp phạt đã tụt xuống ba lần chỉ sau vài ngày thương thuyết.
Doanh nghiệp châu Âu cảm thấy bất công, bị « lép vế » so với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Cùng là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng tại Mỹ các doanh nghiệp châu Âu bị nộp phạt nặng, ngược lại các doanh nghiệp Mỹ tại châu Âu thì lại hưởng mức phạt nhẹ hơn. Nghĩ gì khi Volkswagen phải bị nộp phạt đến 14,7 tỷ đô la chỉ vì gian lận các thông số phát thải khí gây ô nhiễm, trong khi mà năm 2015, hãng xe General Motor của Mỹ che giấu các khiếm khuyết về túi khí (airbag) làm 124 người chết nhưng chỉ bị châu Âu phạt có 900 triệu đô la ?
Theo những người rất am hiểu về hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, mức tiền phạt lệ thuộc rất nhiều vào thái độ « hợp tác » của các doanh nghiệp trong quá trình thương lượng. Do đó, đối với các nghị sĩ Pháp, rõ ràng có hiện tượng « nhất bên trọng, nhất bên khinh ».
Ông Pierre Lellouche, nghị sĩ thuộc đảng Les Républicains, Pháp, tác giả một báo cáo Nghị viện về tính ngoài lãnh thổ của tư pháp Mỹ đã chua chát nhận định : « Châu Âu bất lực chứng kiến một sự trấn lột thật sự có tổ chức ». Bởi vì, tính từ năm 2008, các doanh nghiệp châu Âu đã phải nộp phạt gần 20 tỷ đô la cho chính quyền Mỹ vì những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận hay tham nhũng quốc tế.
Nhất là với cáo buộc tham nhũng, doanh nghiệp châu Âu là những doanh nghiệp bị trừng phạt nghiêm khắc nhất, lãnh từ 10-17 án phạt, trong khi chẳng có lấy một doanh nghiệp Trung Quốc nào trong danh sách.
Giải thích về cách hành xử không công bằng này của tư pháp Mỹ, ông Eric Decéné, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp về Tình báo cho rằng : « Người Mỹ sẽ nói với bạn rằng các doanh nghiệp Trung Quốc ít có bị Mỹ hóa hơn các doanh nghiệp khác, và do đó, khó có thể áp dụng các tiêu chí có liên quan đến luật của Mỹ. Hơn nữa, họ thừa biết là chỉ cần một điều tra nhỏ cũng đủ để cho Trung Quốc đưa ra các biện pháp đáp trả tức thì ».
Vấn đề là, đối với một doanh nghiệp, chấp nhận hợp tác cũng đồng nghĩa với việc đeo ba cái án. Đó là : phải nộp phạt, chấp nhận thiết lập các chương trình tuân thủ chi phí cao và chấp nhận đặt các hoạt động của mình dưới sự giám sát của các cố vấn doanh nghiệp. Theo bà Karine Berger, từng tham gia các cuộc điều trần của ngân hàng BNP Paribas, (trong vụ bị Mỹ phạt 8,97 tỷ đô la vì đã vi phạm cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba, Iran và Sudan), hàng chục đại diện kiểm soát có quan hệ trực tiếp với Washington hiện đang có mặt trong nhiều cơ sở của ngân hàng Pháp.
Trong bối cảnh này căng thẳng giữa đôi bờ Đại Tây Dương hiện nay, ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích cất lên. Châu Âu sẽ làm gì để bảo vệ các ngành mũi nhọn của mình ? Làm sao châu Âu có thể để bị cướp mất những thị phần trên thế giới ?
L’Express trích dẫn nhận định của ông Hervé Juvin lấy làm tiếc rằng trong những năm 1990, châu Âu đã từng phản đối các đạo luật Helms-Burton và Amado. Nhưng « ngày nay, phần đông các tập đoàn châu Âu hiện đang phải đối phó với tư pháp Mỹ, thậm chí không thèm thông báo với chính phủ nước mình ».
13/11 : Ngày định mệnh của nước Pháp
Chủ nhật 13/11/2016 đánh dấu một năm vụ khủng bố đẫm máu ở Paris giết chết 130 người. « Một năm sau, nước Pháp đã thay đổi ra sao », L’Express trên trang bìa đặt câu hỏi lớn.
Tuần báo nhắc lại sự kiện đau thương, cách nay đúng một năm. Hơn 130 người chết và 413 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố tại Paris và vùng ngoại ô Saint-Denis. Một năm đã trôi qua, nhưng xã hội Pháp vẫn bị chao đảo.
Cuộc sống người dân Pháp giờ đã thay đổi không như trước nữa. Họ phải làm quen với cảnh thường xuyên bị khám xét người, lục soát túi sách mỗi khi đến những nơi vui chơi giải trí công cộng như bảo tàng, nhà hát, khu triển lãm, thương mại…
Trẻ con phải học cách ẩn náu trong tình huống có khủng bố xâm nhập trường học. Người lớn tập nói dối con trước câu hỏi : « Liệu khủng bố có vào trường con không hả bố ? ». Người dân Pháp cũng quen cảnh binh lính Pháp tuần tra trên đường phố, những điểm du lịch, tầu điện ngầm… Các cơ sở dịch vụ sơ cứu thao dợt tập thử nghiệm hiệu năng của các biện pháp đề phòng, xử lý tình huống…
Dù theo cánh tả hay hữu, ai cũng có chung một cảm giác. Nước Pháp giờ không còn bình yên nữa, nhưng cũng chưa hẳn đang có chiến tranh, mà là đang trong trạng thái căng thẳng.
Nhưng chính trong trạng thái đó, họ lại học được cách đối chọi với sợ hãi, học cách làm người hữu ích. Nhu cầu học sơ cứu tăng cao. Các tổ chức như Hội Chữ Thập Đỏ, Lính cứu hỏa hay Bảo vệ Dân sự phải tổ chức những ngày gọi là « Thứ bảy cứu hộ » khắp nơi trên toàn quốc.
Người Pháp chết lặng, chia rẽ không còn cách chọn nào khác để tiếp tục sống bằng cách nghiền ngẫm suy nghĩ những gì có thể hợp nhất họ lại với nhau. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong hồ sơ phóng sự của tuần san L’Express.
Một Trung Đông bất ổn và chia rẽ
Thời sự nước Pháp cũng là chủ đề chính trên tuần san L’OBS. Tờ báo dành nhiều trang giới thiệu mục phỏng vấn cựu bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron về chương trình vận động tranh cử tổng thống của ông. Mục Grand Format của tuần báo, ngoài việc nói về các ứng viên tranh cử tổng thống các đảng khác, tuần báo quan tâm đến tình hình Trung Đông.
L’OBS dành hẳn 6 trang báo để giới thiệu những góc ảnh của nhiếp ảnh Paolo Pellegrin, cộng tác cho hãng Magnum. Ông đã lang thang khắp vùng Trung Đông để rồi cho thấy những hình ảnh một thế giới Ả Rập bị chia rẽ. Kể từ cuộc xâm lược Irak của Mỹ cho đến sự đi lên của Daech tại một đất nước Syria nội chiến. Những tấm ảnh của ông như là một câu chuyện kể về một thế giới đang bị những năm tháng bất ổn và khiếp hãi tàn phá nặng nề.
L’OBS tiếp tục nhìn sang Maroc. Cả nước đang hừng hực xuống đường. Bởi vì, một thanh niên bán cá đã bị một xe chở rác nghiền nát chỉ vì anh cố giữ hàng hóa của mình bị lực lượng an ninh tịch thu. Phóng sự của nhà báo Céline Lussato cho thấy người dân không còn ngần ngại đặt nghi vấn về vai trò của quốc vương như hàng tít lớn của bài viết : « Mohammed VI, chúng tôi không cần đến ngài nữa ».
Donald Trump đắc cử : Apocalypse Now
Đây chính là tít lớn trên trang bìa của tuần san Courrier International. Một cơn tai biến. Kết thúc một chiến dịch vận động tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ứng viên đảng Cộng Hòa cuối cùng đã thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Donald Trump chính thức trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nhưng nhiều câu hỏi cũng được đặt ra.
Nếu như « Donald Trump là một người khó đoán » (The Washington Post), vậy liệu « Có nên chạy trốn ông ta hay không ? » (The New York Times) ; « Liệu rồi nền dân chủ Mỹ sẽ có kháng cự lại hay không ? » (Politico). Thắng lợi của ông Trump làm nổi rõ vấn đề « Bản sắc da trắng »(The New York Times). Mỹ cũng như châu Âu, bản sắc lại trở thành vấn đề trọng tâm. Nhưng việc ông Trump giành được chiến thắng này cũng có một phần trách nhiệm của giới truyền thông vì hám tiền và ham thu hút lượng thính độc giải dễ dàng. Theo một vị giáo sư Mỹ, chuyên nghiên cứu về truyền thông, các tập đoàn này cũng nên suy nghĩ lại vai trò của mình. Đã đến lúc « Ngành truyền thông phải thay đổi » (The Conversation).
Indonesia : Lấn biển chống ngập lụt, lợi bất cập hại ?
Trong lĩnh vực môi trường, Courrier International trích dịch bài viết trên tờ Kompas tại Indonesia cho hay « Jakarta gậm nhấm bờ biển ». Để có thể mở rộng hơn nữa đô thị và tìm cách chống lại hiện tượng ngập lụt, thủ đô Indonesia đang nhắm đến việc xây dựng các bờ đê và đảo nhân tạo.
Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, các chương trình này sẽ dẫn đến việc hãm dòng chảy của 13 con sông đổ ra vịnh Jakarta. Và như vậy sẽ làm tăng lượng nồng độ lớp trầm tích, các kim loại nặng và chất thải hữu cơ trong vịnh.
Một số lượng lớn các nghiên cứu do Cơ quan thẩm định và ứng dụng công nghệ, bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp và Viện Công Nghệ Bandung đã được thực hiện. Tất cả đều cho thấy rõ tác hại môi trường nghiêm trọng trong việc xây dựng các đảo nhân tạo và con đê khổng lồ này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161111-phat-tien-cac-doanh-nghiep-cong-cu-tran-lot-hieu-qua-cua-hoa-ky
Tin đọc nhanh
(AFP) – Tổng thống Obama công du ngoại quốc lần cuối
Thông báo này được Nhà Trắng đưa ra vào hôm qua, 11/11/2016. Tuần tới, ông Barack Obama sẽ gặp các lãnh đạo châu Âu : Đức, Pháp, Anh, Ý tại Berlin. Sau đó ông sẽ tới Peru gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á –Thái Bình Dương – APEC. Chuyến công du mang tính chất chào từ biệt các đối tác, nhưng chắc chắn chủ đề Donald Trump đắc cử tổng thống sẽ được quan tâm nhiều.
(AFP) – Việt Nam tiêu hủy nhiều tấn ngà voi và sừng tê giác
Sáng nay, tại ngoại thành Hà Nội, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bộ Tài Chính và bộ Công An đã phối hợp tổ chức tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác và nhiều mẫu vật từ loài hổ, gấu hoang dã thu giữ được từ các vụ buôn bán bất hợp pháp. Vụ tiêu hủy diễn ra trước sự chứng kiến của đại diện Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES tại Việt Nam, trước ngày khai mạc hội nghị quốc tế về nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Hà Nội, với sự tham dự của hoàng tử William của Vương Quốc Anh.
(AFP) – Nhật Bản : Tàu Trung Quốc lại đi vào khu vực các đảo tranh chấp
Các tàu tuần duyên của Trung Quốc lại đi vào vùng biển chung quanh các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông hôm nay, 12/11/2016, theo thông báo của lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Đây là lần thứ hai tàu Trung Quốc xâm nhập khu vực này chỉ trong vòng một tuần. Trong năm nay, Nhật Bản, thông qua các kênh ngoại giao, đã phản đối hàng chục lần về những vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, tổng cộng hơn 30 ngày.
(AFP) – Facebook « báo tử » hàng triệu người sử dụng
Theo thẩm định của báo chí Mỹ, hôm qua, 11/11/2016, đã có khoảng 2 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook phát hiện trên trang của họ một cánh hoa nhỏ với dòng chữ « tưởng nhớ ». Đây là việc mà Facebook vẫn làm theo yêu cầu của những người thân để báo đây là tài khoản của những người quá cố. Điều nực cười là ngay chính người sáng lập và hiện là chủ nhân Facebook Mark Zuckerberg cũng bị « báo tử ». Một phát ngôn của Facebook hôm qua cho biết họ đã sửa chữa sai sót nói trên.
(AFP) – Căn cứ quân sự Mỹ tại Afghanistan bị đánh bom
Theo thông báo của NATO, một vụ đánh bom dường như do những phần tử nổi dậy Taliban tiến hành sáng nay,12/11/2016, trong căn cứ không quân của Mỹ tại Bagram, gần Kaboul, đã làm ít nhất 4 người chết và 14 người bị thương. Bộ Quốc phòng Afghanistan xác nhận vụ nổ xảy ra lúc 5 giờ 30, giờ địa phương. Chưa có ai nhận trách nhiệm vụ đánh bom.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161112-tin-van-24h
Việt Nam : Du lịch bùng nổ, « nóc nhà Đông Dương » bị đe dọa
Chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới đó đây ngày 12/11/2016 : Việt Nam : Du lịch bùng nổ, « nóc nhà Đông Dương » bị đe dọa. Cam Bốt cấm hoàn toàn dịch vụ đẻ thuê. Hàn Quốc : cuộc chiến chống nạn sử dụng công nghệ cao để « rình mò, nhìn trộm» phụ nữ. Thảm họa công nghiệp ở Thiên Tân, Trung Quốc : 49 người bị xét xử. Bảo tàng tình dục ở Paris đóng cửa.
Việt Nam : Du lịch bùng nổ, « nóc nhà Đông Dương » bị đe dọa
Hệ thống cáp treo dẫn lên đỉnh Fan-xi-păng được đưa vào hoạt động từ tháng 02/2016. Kể từ đó, khách du lịch đổ xô tới « chụp ảnh tự sướng » trên đỉnh Fan-xi-păng, khiến « nóc nhà Đông Dương » hay « đỉnh Alpes của vịnh Bắc Bộ » bị đe dọa.
Thay vì trèo bộ lên đến độ cao 3.143 m so với mực nước biển, giờ đây phần lớn du khách thích đi cáp treo 20 phút lên đỉnh núi. Mỗi ngày, hệ thống cáp treo có thể chuyên trở tới 2000 người lên « nóc nhà Đông Dương ». Công nghệ tiên tiến đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề cho người dân bản xứ.
Thành phố Sapa nhỏ xinh, đã từng là nơi đóng đồn của quân Pháp ở nơi rừng núi xa xôi hẻo lánh thời xưa, nay được nối thẳng với Hà Nội bằng đường cao tốc. Khách sạn mọc lên như nấm. Theo con số thống kê của chính quyền, năm 2010, Sapa có 2500 phòng khách sạn, con số này là 4000 vào năm 2015. Số du khách đến Sapa năm 2015 là 700.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
Thế nhưng, từ khi có cáp treo lên đỉnh Fan-xi-păng, cư dân bản xứ không còn kiếm sống được bằng nghề làm hướng dẫn leo núi nữa. Nhiều người phải đi làm tại các công trường xây dựng.
Đối với nhiều người, việc xây dựng vẫn tiếp tục, một ngày nào đó họ sẽ mất Sapa, tuyến cáp treo làm thay đổi cảnh quan thành phố, đặc biệt làm hỏng nét đẹp của ruộng bậc thang. Đỉnh Fan-xi-păng thì bị lát bê tông và tràn ngập các cửa hàng bán đồ lưu niệm.
Cam Bốt cấm hoàn toàn dịch vụ đẻ thuê
Mới đây, Cam Bốt đã ra lệnh cấm hoàn toàn phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại, vốn phát triển rất nhanh những tháng vừa qua, đặc biệt sau khi nước láng giềng Thái Lan cấm dịch vụ đẻ thuê.
Hiện tại ở Cam Bốt có khoảng 50 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ mang thai hộ. Gần đây, Cam bốt đã xuất hiện trên bản đồ thế giới về dịch vụ đẻ thuê, với giá rất thấp so với chi phí ở Mỹ. Thêm vào đó, do không có những quy định chặt chẽ, các bệnh viện tư nhân thu hút được rất nhiều khách hàng là các cặp đồng tính hoặc những người độc thân.
Từ hai năm trở lại đây, Thái Lan phạt 10 năm tù đối với những người tìm kiếm lợi nhuận từ việc mang thai hộ, nhưng vẫn cho phép phụ nữ mang thai hộ người thân trong gia đình hoặc bạn bè không vì mục đích kiếm tiền. Còn Ấn Độ, nước dẫn đầu thế giới về dịch vụ đẻ thuê, đã thu được mỗi năm từ 450 triệu đến 2 tỉ euro nhờ nền công nghiệp mang thai hộ này. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Ấn Độ đã loại đối tượng khách hàng là các cặp đôi đồng tính và người độc thân. Và vào năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các bệnh viện tư không phục vụ khách hàng nước ngoài.
Việc Thái Lan đóng cửa nhiều bệnh viện tư nhân chuyên dịch vụ đẻ thuê và Ấn Độ yêu cầu các cơ sở y tế không cung cấp dịch vụ mang thai hộ cho người nước ngoài đã khiến dịch vụ đẻ thuê ở Cam Bốt bùng phát. Phát ngôn viên Bộ Phụ Nữ Cam Bốt cho biết chính phủ nỗ lực để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tránh cho họ trở thành đối tượng thương mại.
Ông Sam Everingham, người Úc, nhà sáng lập ra hiệp hội mang thai hộ Families Through Surrogacy cho AFP biết là nền công nghiệp đẻ thuê phát triển rất nhanh tại Cam Bốt trong khi nước này chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với hiện tượng này, đặc biệt về các dịch vụ y tế.
Hàn Quốc : Chống nạn dùng công nghệ cao
để « rình mò, nhìn trộm » phụ nữ
Tại đất nước Hàn Quốc mà 90% dân chúng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh smartphone, công nghệ rất phát triển và caméra ngày càng nhỏ gọn, chất lượng và giá ngày càng rẻ, một số người đã lợi dụng điều này, rình mò trên tàu điện, hoặc giấu những chiếc caméra nhỏ xíu trong nhà vệ sinh công cộng, để chụp ảnh, quay phim trộm phụ nữ. Tình trạng này đã tăng đến mức báo động buộc Hàn Quốc mới đây bước vào cuộc chiến chống những kẻ dùng công nghệ để rình mò, nhìn trộm cơ thể phụ nữ.
Người Hàn Quốc gọi nạn nhìn trộm này là « molka », có nghĩa là « caméra giấu kín ». Và các vụ « molka » ngày càng « nhan nhản » trên báo đài. Chẳng hạn, trong mấy tháng gần đây, hai vận động viên bơi lội tham dự Olympique đã bị tố cáo giấu caméra cỡ nhỏ vào phòng thay đồ của các vận động viên nữ cùng đoàn. Một mục sư bị cáo buộc dùng smartphone quay phim phần thân dưới một phụ nữ mặc váy. Một tài xế taxi cũng bị tố cáo chụp ảnh phần dưới cơ thể hành khách trên xe. Còn trên mạng Internet đang lan truyền một đoạn băng quay trộm trong phòng tắm của một công viên nước nổi tiếng tại Hàn Quốc.
Những kẻ nhìn trộm có thể gắn caméra tí hon trên khuy áo veste hoặc trên bút viết. Các ứng dụng trên smartphone cũng cho phép người dùng chụp ảnh người khác một cách kín đáo. Chỉ tính riêng năm 2015 cảnh sát Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 7.500 vụ chụp ảnh, quay phim trộm cơ thể phụ nữ. Con số này đã tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 5 năm.
Từ mùa hè năm nay, thành phố Seoul đã có thêm 50 nữ thanh tra được ttrang bị các thiết bị dò tìm hiện đại để làm nhiệm vụ kiểm tra 2.300 nhà vệ sinh công cộng và 120 phòng thay đồ trong các trung tâm thể dục, thể thao. Một trong các nữ thanh tra chia sẻ với hãng tin AFP của Pháp họ kiểm tra từng ngóc ngách nhà vệ sinh, từ tay nắm cửa, giá treo cuộn giấy vệ sinh, cho tới thanh quạt thông gió để tìm xem có caméra nào được giấu ở đó hay không.
Còn lực lượng cảnh sát thì triển khai trên hệ thống tàu điện ngầm một đội gồm 80 cảnh sát có nhiệm vụ chính là đi săn lùng những kẻ « molka bệnh hoạn ». Tại các bến tàu, người ta có thể nhìn thấy các tấm biển báo cảnh báo người dân đề phòng những kẻ nhìn trộm, rình mò để chụp ảnh phần dưới cơ thể phụ nữ tại cầu thang.
Nhiều bức ảnh và đoạn phim quay trộm được đưa lên các trang web khiêu dâm. Traag mạng khiêu dâm được nhiều người biết tới nhất ở Hàn Quốc là Soranet với khoảng hơn 1 triệu thành viên. Cảnh sát Hàn Quốc đã thành công trong việc đóng cửa trang web đen này vào mùa hè năm nay, sau nhiều năm cố gắng.
Cư dân mạng Hàn Quốc cũng đã thuyết phục được một số trang bán hàng trên mạng ngừng bán caméra siêu nhỏ. Pháp luật Hàn Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất smartphone phải thiết kế để máy phát ra tiếng « bíp » mỗi khi người dùng chụp ảnh, chỉ để hạn chế nạn chụp ảnh trộm. Nhưng trên thực tế, nhiều ứng dụng lại cho phép smartphone không phát tiếng động khi chụp ảnh.
Theo luật chống tội nhìn trộm cơ thể phụ nữ, về lý thuyết, những người phạm tội có thể lĩnh án tới 5 năm tù nhưng trên thực tế, rất khó áp dụng các điều luật. hơn nữa, các án phạt rất nhẹ nên những kẻ nhìn trộm « molka » vẫn không ngưng hoành hành.
Thảm họa công nghiệp ở Thiên Tân,Trung Quốc :
49 người bị xét xử
Tối ngày 12/08/2015, 3000 tấn hóa chất độc hại tại Cảng Thiên Tân, Trung Quốc đã cháy nổ, thổi tung hàng trăm tòa nhà trong khu vực lân cận. Hàng ngàn người dân đã phải đi sơ tán mà không biết khi nào mới có thể quay về sống tại nơi ở cũ, cho dù các công tác dọn dẹp, cải tạo đã được tiến hành. Hơn một năm đã trôi qua, giờ đây 49 người có liên quan đã bị đưa ra xét xử.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường thuật :
“Người chịu trách nhiệm chính trong vụ thảm họa đã cướp đi mạng sống của 165 người là Dư Học Vĩ, tổng giám đốc công ty Thụy Hải. Dư Học Vĩ bị kết án tử hình nhưng được hoãn thi hành án và phải nộp phạt gần 100.000 euro vì tội không chú ý tới các quy chuẩn an toàn và đặc biệt là tội tàng trữ bất hợp pháp các chất cháy nổ nguy hiểm trong khu dân cư.
Trước tòa, Dư Học Vĩ đã nhận tội : « Tôi xin nhận tội và rất hối hận về tội lỗi mà tôi đã gây ra. Tôi chấp nhận phán quyết của Tòa và sẽ không kháng án, vì tôn trọng nỗi đau của các gia đình nạn nhân. Tôi gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân và gia đình họ ».
Đồng Thạch Tuyền, con trai cựu giám đốc công an cảng Thiên Tân, người đã lợi dụng quan hệ để làm giả giấy phép an toàn, bị kết án tù chung thân. Ngoài 24 người có chức vụ trong công ty, còn có 25 công chức nhà nước khác chịu án tù từ 3 đến 7 năm vì tội lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ ».
Bảo tàng tình dục ở Paris đóng cửa
Bảo tàng tình dục ở Paris đã chính thức đóng cửa ngày 06/11 sau khi bán đấu giá khoảng 2000 hiện vật trong bộ sưu tập : một cuốn cẩm nang quan hệ tình dục Kamasutra của Ấn Độ, rất nhiều tượng dương vật bằng đồng hoặc bằng gỗ của châu Phi, Thái Lan và nhiều nước khác, những con búp bê tình dục của Nga, những tác phẩm điêu khắc về đời sống tình dục trên khắp thế giới, những bức ảnh và những tờ quảng cáo cho các nhà chứa những năm 1930, …
Đây là một bảo tàng tư nhân 6 tầng trong khu phố Pigalle ở quận 18, Paris. Bảo tàng được mở cửa cách đây 20 năm và đã thu hút hàng triệu vị khách hiếu kỳ, đặc biệt là khách du lịch. Thế nhưng, lượng khách thăm quan bảo tàng ngày càng giảm, giá thuê mặt bằng thì đắt đỏ, chủ sở hữu bảo tàng thì lại không tìm ra nơi thuê mới phù hợp.
Jo Khalifa đã sáng lập ra bảo tàng cùng với và Alain Plumey, siêu sao khiêu dâm một thời. Jo Khalifa sưu tầm các tác phẩm liên quan đến đời sống tình dục từ 30 năm nay, khởi đầu từ việc mua vài bản rập của Nhật vào những năm 1980.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161112-tap-chi-the-gioi-do-day